Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.6-21)
Cơn mưa Tân Mỹ
15:27 | 06/07/2021

CHÂU PHÙ  

Tôi về đây giữa mùa hạ khi cơn mưa rào rạt trên biển vắng, gieo hoang vu xuống chiều xa xăm. Từ trong lều quán nhìn ra biển, một màu xám giăng ngang trời.

Cơn mưa Tân Mỹ
Đình làng Tân Mỹ

Mưa từng đợt rơi lộp độp trên mái, gõ từng nhịp sênh tiền lên mặt nước xanh, lên cát vàng và lời ca u hoài trên biển sóng. Khi mưa tan, biển Tân Mỹ trong xanh đáy nước mời gọi. Tôi với tay theo ngọn sóng trào, hòa mình trong dòng nước, thấy câu thơ xanh lơ ai mới đọc cũng là biển. Nằm giữa bãi cát mịn, ngước nhìn trời rộng và xanh, thấy gió và nắng luyến lưu trên từng nhịp thở. Những cung đàn cất lên, có giọng ca hòa tan mây gió, gửi những lời nồng nàn cùng biển. Hôm ấy, hoàng hôn xuống muộn và lôi cuốn lạ kỳ bằng sự kỳ vĩ của màu mây, màu biển lấp lánh, quyến rũ. Mặt trời le lói những tia sáng cuối ngày, hắt lên nền trời những khối màu hồng san hô óng ánh, mặt nước nhuộm hồng, cánh chim nhuộm hồng. Một bờ cát dài phản chiếu màu hồng của bầu trời xuất hiện sau mỗi lần sóng tràn. Bãi biển bừng lên vẻ đẹp ước ao, dát lên những chiếc bóng ngã nhoài rạng rỡ. Chợt nhớ lời Kahlil Gibran trầm tư trước biển: “Trong một giọt nước có thể tìm thấy tất cả bí mật của đại dương”. Đó là cái lý hiểu biết toàn năng, một là tất cả, tất cả là một, như mẫu vật của phòng thí nghiệm cho ra kết quả chân xác, nhưng trên hết là một tâm hồn nhiều nghĩ suy. Bây giờ trước huy hoàng của biển sóng, nghiệm rằng chỉ có đất trời mới thật sự là nhà sáng tạo sắc màu để ai đó đắm đăm trong làn truy hoan ánh sáng. Tôi đi trong hoàng hôn biển, lặn sâu mãi trong tiếng reo hò của sóng, nghe chuông chiều ngân vọng qua những hàng phi lao để nghĩ, để hiểu về một miền đất hiên ngang trước sóng ngàn.

Bao lâu rồi, vùng bãi ngang Quảng Ngạn đã cắm trong tôi từng vệt ký ức dịu dàng như những đêm trăng nằm ngủ trong xóm nhỏ, ngửi thấy hương cát mặn mòi, mùi cỏ cây hoang sơ da diết. Đi qua một chuyến đò ngang, Quảng Ngạn nổi lên giữa hai bờ nước, một bên phá Tam Giang bằng lặng, một bên Biển Đông bao la nghìn trùng. Một dải đất cô đơn và bất khuất giữa đại dương và đầm phá, từ lâu đã trang bị cho mình sức sống dẻo dai, bản lĩnh văn hóa dạn dày. Giữa mênh mông những cơn sóng bạt ngàn, kia bầy chim biển chao nghiêng cánh sóng và những con thuyền hiên ngang hứng gió trời là một Tân Mỹ lặng lẽ bên nhịp sống trùng dương.

Tân Mỹ là một ngôi làng văn vật thuộc xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền, bao đời cư ngụ yên bình bên bờ Biển Đông. Chúng tôi đi qua những hàng dương xanh, dẫm chân lên những triền cát trắng nhấp nhô, kia xóm làng quy tụ bên nhau, hiên ngang nhìn về phía biển. Lật giở từng trang sử, làng Tân Mỹ xưa là phường Tân Hải, thuộc địa phận của làng Lãnh Thủy, tổng Khuông Phò, huyện Quảng Điền. Theo nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh, trong Danh sách làng xã Trung Kỳ, do Viện Văn hóa ấn hành trong thời gian sát trước Cách mạng tháng Tám 1945, thì Tân Mỹ bấy giờ gồm 12 dòng họ, nguyên quán là làng Diêm Hà, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Những bậc trưởng bối của Tân Mỹ theo con nước mưu sinh đã dạt về dải cát trắng thuộc làng Lãnh Thủy để an cư. Họ chịu bị biết bao phiền nhiễu, thiệt thòi, bất công so với các cộng đồng khác. Vì lẽ đó, các vị tiên chỉ trong làng đã họp dân và thống nhất đệ đơn lên vua để được thành lập một làng mới. Năm 1912, làng đã dâng đơn lên các cấp chính quyền nhà Nguyễn thời vua Duy Tân, xin xuất làng. Trải qua nhiều khó khăn, cuối cùng làng được phủ, tổng, huyện chấp thuận cho lập biệt ấp, kiến thiết một đơn vị mới. Trường hợp làng Tân Mỹ tương tự 6 làng khác của Quảng Điền cũng được tách ra vào đầu thế kỷ XX như làng Tráng Lực Đông, An Cư, An Lạc, Tân Thành, Phú An và Phước Thanh Đông.

Văn bản xuất làng theo chiếu chỉ phụng hội đồng Quảng Điền do Tri huyện Lê Trọng Khâm, Tổng phủ thuộc danh bát phẩm Lê Đình Cát, Tổng tiếp thi hành hành dĩ hạ Khuôn Phò Tổng chánh Lê Cán, Phó tổng Đoàn Cảnh, Phó tổng tùy biện Võ Man, Hồ Mạo, được sự chấp thuận của 3 làng nhân chứng là Thành Công, Cương Gián Đông, Cương Gián Tây. Chiếu chỉ giao cho các chức sắc của xã Lãnh Thủy tiếp nhận là Chính đội Trần Diện, Lý trưởng Phan Huy, Thủ bộ Trần Ninh. Về phía làng Tân Mỹ, ba vị đại diện phụng nhận làng đó là Hoàng Xuân, Lê Chương và Nguyễn Diễn. Hồi bấy giờ, chánh tráng dân làng được 261 người, được phân chia ranh giới có thổ bộ theo chiếu chỉ phụng giao, phía Đông giáp Đông Hải, phía Nam giáp Cương Gián Đông, phía Tây giáp xã Điền Mỹ, phía Bắc giáp Trung Hải có cột mốc. Từ đó, một trang sử mới làng Tân Mỹ được thiết lập, chính thức là một làng riêng của huyện Quảng Điền.

Nhà thờ các dòng họ của làng Tân Mỹ


Tân Mỹ là một ngôi làng rất coi trọng tính đoàn kết, bà con nương tựa nhau để cùng mưu sinh, chia sẻ từng miếng cơm manh áo khi khó khăn và cùng nhau lo toan các việc làng, việc nước. Hiện nay, làng Tân Mỹ đã có hơn 2500 nhân khẩu chia thành 2 xóm, nay đã trở thành 2 thôn đó là thôn Tân Mỹ A và thôn Tân Mỹ BC. 1.700 người ở lại làng, còn lại đi làm ăn xa ở miền Bắc Trung Nam và định cư hải ngoại lên đến 800 nhân khẩu. Từ đình, chùa, miếu mạo đến nhà văn hóa của thôn đều do dân làng chung tay đóng góp. Bác Trần Thanh Hùng, nguyên trưởng thôn Tân Mỹ đã cung cấp cho chúng tôi những số liệu về việc huy động tài vật của con cháu các dòng họ trong làng để xây dựng các công trình chung. Tiêu biểu nhất là đình Tân Mỹ được xây dựng mới công đóng góp của bà con trong làng từ trong nước đến hải ngoại. Theo lịch sử, ngôi đình được xây dựng để tưởng nhớ các bậc tiền nhân, dân làng đồng lòng chung sức kiến tạo ngôi đình làng vào năm 1913. Qua gần 100 năm, ngôi đình đã xuống cấp nghiêm trọng. Với tinh thần đoàn kết, thể hiện lòng tri ân với tiên tổ nên hàng hậu thế từ trong nước cũng như nước ngoài cùng nhau hiệp lực tái thiết ngôi đình làng với tổng chi phí đóng góp lên đến 2,4 tỷ. Ngôi đình hoàn thành việc xây dựng sau 8 tháng 10 ngày thi công trong năm Canh Dần, là minh chứng rõ nét nhất về tinh thần đoàn kết của con dân làng Tân Mỹ.

Buổi chiều ấy, tôi và bác Hùng đứng bên hiên chùa tĩnh lặng, dõi mắt ra xa trông biển xanh khắc khoải đương chờ một cuộc hạnh ngộ với những chiếc thuyền nan náu mình trên cát. Gió thổi mạnh, quấn mùi lưu cữu từ bụi bờ, cát ẩm hòa vào làn hương trầm thơm ngát, rồi tan theo sóng biển vô thường. Dân làng đa phần theo đạo Phật, có đạo tràng sinh hoạt hằng tháng. Cha ông trước đã xây dựng ngôi niệm Phật đường Tân Mỹ vào thế kỷ XIX. Năm 1992, bà con lại góp công xây dựng lại. Năm 1996 - 1997, lại làm lại cho đến 2014 thì khánh thành với kinh phí 1,8 tỷ đồng. Niệm Phật đường hiện có các ni sư trú trì, đêm ngày tụng kinh niệm Phật, gieo thanh tịnh lên một miền quê rì rào chân sóng. Bác Hùng kể cho tôi nghe những câu chuyện về truyền thống hiếu đạo của dân làng. Hầu hết các họ phái đã xây dựng các nhà thờ của dòng họ mình với quy mô và kiến trúc bền vững, giàu tính thẩm mỹ. Các gia đình, dòng họ ở đây đều lo việc xây cất lăng mộ cho ông bà, tổ tiên được cao đẹp, khang trang, quanh năm hương khói phụng thờ, chạp giỗ. Không phân biệt người đang sống trong làng và cả người đang làm ăn ở ngoại quốc đều chung tay góp từng viên gạch, bao xi măng. Hàng trăm lăng mộ vững chãi trên cồn cát, giữa những hàng cây tràm hoa vàng, keo lai. Có bóng người cầm chổi quét mộ phần rồi kính cẩn thắp hương, kể về tiên tổ, cha ông đã sống tận tụy, kiên cường trên mảnh đất này.

Công trình nhà văn hóa khang trang của thôn cũng được bà con đóng góp với số tiền 392 triệu nằm trên con đường làng đi ra biển. Công trình trường tiểu học cũng có góp sức của bà con với 664 triệu đồng và năm 2002 trường vinh dự đón nhận danh hiệu đạt chuẩn quốc gia. Các cấp chính quyền từ xã Quảng Ngạn đến huyện Quảng Điền đều đánh giá cao tinh thần đoàn kết của làng Tân Mỹ. Hằng năm, những con cháu ở hải ngoại đều gửi tiền về từ thiện giúp đỡ bà con có hoàn cảnh khó khăn. Những người già trong làng làm nghề đánh cá biển còn kể rằng những chuyến ra khơi bắt cá, thuyền nào phát hiện ra nơi có nhiều cá tôm liền cắm cờ lên thuyền mình để báo cho các thuyền bạn tới cùng đánh bắt. Miếu Ngư, các mộ phần cá ông được thờ tự, cúng tế tri ân vị thần bảo trợ cho nghề đi biển của dân là những công trình đậm chất văn hóa tâm linh miền biển. Miếu Ngư được xây dựng vào năm 1907 tại phía Bắc của làng và nay được tôn tạo uy nghi. Tôi đứng bên cây nêu bằng tre cao, với dải đỏ phấp phơ trong gió, treo mây vàng trên cao, cõng nắng về một phía. Cứ ba năm một lần, lễ hội cầu Ngư cầu mưa thuận gió hòa, ra khơi xuôi buồm, thuyền về cá đầy khoang được dân làng tổ chức rất trọng thể. Và miếu cô hồn ở sát biển xây năm 2005 là nơi thờ những người không nơi nương tựa, thường được cúng tế vào dịp Tết. Hằng năm, dân làng tổ chức chạp mộ hoang vào 25 tháng Chạp để tưởng nhớ những người lâm nạn, không nơi thờ phụng như bài văn tế: “Người lên non chẻ củi, người ra biển làm nghề, cơn hoạn nạn khó định”. Nhà văn Nguyễn Quang Hà trong một lần về Tân Mỹ đã thốt lên rằng: “Điều làm chúng tôi ngạc nhiên đầu tiên ở Tân Mỹ là đêm ngủ, không một nhà nào đóng cổng, còn cửa trong nhà mở toang, kể cả cửa chính. Tôi đi đã nhiều, chưa gặp ở đâu như thế!”. Phải nói ở Tân Mỹ, tình hình an ninh rất đảm bảo, hầu như không có xảy ra việc trộm cắp. Trong những ngày lưu lại Tân Mỹ, chúng tôi đã được sống trong cảm giác bình yên đó. Có người về Tân Mỹ đã nói rằng: không tin nhau, không yêu thương nhau hết mực, tận cùng thì làm gì có Tân Mỹ hôm nay. Chính tinh thần đoàn kết chia ngọt sẻ bùi, tương thân tương ái ấy đã làm nên bản sắc của Tân Mỹ mà hiếm nơi nào có được.

Dân làng Tân Mỹ rất coi trọng việc giữ gìn, giáo dục văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của cộng đồng, phòng ngừa, bài trừ những thói hư, tật xấu làm ảnh hưởng đến văn hóa truyền thống. Dân làng đã lập bản quy ước thôn văn hóa vào năm 2005. Bản quy ước có ghi: “Các vị tiền nhân đã để lại cho con cháu đời sau những di sản vô cùng quý giá, đó là đạo đức, thuần phong mỹ tục, đấu tranh bất khuất, lao động cần cù sáng tạo để xây dựng làng... để giữ gìn truyền thống đạo đức, thuần phong mỹ tục và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc...”. Bản quy ước của Tân Mỹ trở thành phương tiện để truyền tải, giáo dục, khuyến khích và nuôi dưỡng những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ, làng xã, tránh xa những thói hư tật xấu, loại bỏ những hủ tục tập quán không phù hợp, hướng tới xây dựng những quy tắc, chuẩn mực đạo đức, xã hội phù hợp với đời sống kinh tế, văn hóa, tín ngưỡng. Tân Mỹ là một đại diện làng văn hóa tiêu biểu trong thời kỳ hội nhập.

Nơi đây còn lưu truyền điệu múa Náp đặc biệt của cư dân biển. Múa Náp là loại hình văn hóa dân gian mang tinh thần thượng võ có giá trị bền vững trong đời sống của những ngư dân mưu sinh vùng biển, đã cùng lớp lớp cha ông mang theo phong tục, tập quán đến vùng đất mới lưu truyền cho con cháu. Trải qua hàng trăm năm khai hoang lập ấp, múa Náp đã đồng hành với đời sống tinh thần của ngư dân Tân Mỹ, thể hiện tinh thần đấu tranh bất khuất của cha ông thời mở cõi, nhằm bảo vệ cuộc sống thôn xóm bình yên. Không biết chính xác múa Náp có từ bao giờ, chỉ được nghe tích truyền vào đời vua Gia Long (1802 - 1820). Chuyện kể rằng trong một lần nhà vua ngự thuyền ngược về phía biển và tình cờ thấy trên bờ có một đám đông đang tụ tập nhảy múa, tiết điệu uốn lượn rất lạ mắt. Vua liền hạ lệnh dừng thuyền đến xem và được biết đó là điệu múa Náp của ngư dân Tân Mỹ. Thấy điệu múa hay, vua khuyên dân làng nên duy trì điệu múa này. Từ đó, người dân Tân Mỹ giữ gìn điệu múa này như một “báu vật” của quê hương. Múa Náp của làng Tân Mỹ bao gồm các nhân vật là ông Cai (đứng đầu) và 20 người là thanh niên và thiếu niên chia làm 5 nhóm. Người múa trong trang phục màu đỏ, vàng, xanh nước biển, xanh lá cây, hồng, là loại quần áo rộng, lưng cuốn đai, đầu chít khăn, chân đi dày vải bó như thủy binh thời xưa. Với đạo cụ là đèn, gậy và chiếc náp dài khoảng 1 mét - giống như một thanh đao, điệu múa Náp diễn ra từ 25 - 30 phút trên nền tiếng trống kèn và dưới sự chỉ huy của đội trưởng theo tiếng gõ cặp sênh gỗ. Múa Náp vốn chỉ có các màn: tam xà, tứ trụ, vô búp (búp sen), ra nở (sen nở), đi vòng số 8. Để điệu múa phong phú và sinh động hơn, người dân trong làng đã cải biên và thêm vào một số động tác như: tam lang, tứ lang, tứ trụ sen, đi hàng 1, chia hàng 2, đi hàng chéo. Một thời gian dài, điệu múa này bị thất truyền và mãi đến năm 1994, các cụ cao niên trong làng đã thành lập đội múa, phục dựng, tập luyện để biểu diễn lại. Năm 2002, anh Phan Đăng Khoa một người con của làng đã mạnh dạn đề xuất ý kiến phát triển múa Náp, đưa múa Náp phục vụ theo nhu cầu của người dân và được bà con trong thôn nhiệt tình hưởng ứng. Múa Náp đã gắn bó với đời sống văn hóa tâm linh của người dân trong các dịp cúng tế, cầu ngư hay những lần đưa tiễn con dân của làng về với cõi vĩnh hằng. Các ngư dân tin rằng việc nhảy múa có mục đích cầu mưa thuận, gió hòa, trời yên, biển lặng hay xua đuổi ma quỷ, giúp linh hồn người chết được siêu thoát.

Ở Tân Mỹ, trong những ngày Tết còn có nhiều sinh hoạt, lễ hội gắn khít tính cộng đồng. Bác Trần Thanh Hùng kể về những chợ phiên được họp vào những ngày đầu năm rộn rã, thu hút không những bà con trong xã mà nhiều vùng khác tới mua bán khiến ngày Tết ở Quảng Ngạn đông vui, thỏa sức mua các thứ đồ dung cần thiết trong ngày Tết. Nhiều trò chơi được dân làng tổ chức hết sức vui nhộn. Trò chơi chạy đua bắt cá diếc được bỏ trong lồng neo bên bờ biển cuốn hút không biết bao thế hệ dân làng. Yêu cầu sự nhanh nhẹn, khéo léo, trò chơi bắt cả hội tụ được những kỹ năng của ngư dân biển. Ngoài ra, cuộc đua thuyền thúng cũng là một lễ hội đặc sắc. Năm 2018 vừa rồi, cuộc đua thuyền thúng được tổ chức ở biển biển Tân Mỹ thu hút hàng chục ngư dân bãi ngang ở hai xã Quảng Ngạn, Quảng thi nhau tranh tài. Cuộc đua có sự tham dự của 8 đội chèo thuyền thúng, mỗi thuyền 2 người phải chèo thuyền theo lộ trình dài hơn 500 m dọc bờ biển Tân Mỹ. Trên mặt nước biển, các vận động viên tranh tài quyết liệt với hy vọng đem chiến thắng về cho làng mình. Giải đua không nặng về vật chất, phần thưởng là những món đồ yêu thích ngày thường của ngư dân nhưng đã tạo nên không khí vui tươi đoàn kết cho bà con vùng biển. Sự chung lưng đấu cật, góp công góp sức tôn tạo các di sản vật chất từ đình, chùa, từ đường, miếu mạo, lăng mộ tổ tiên cũng như phát huy các giá trị văn hóa tinh thần như múa Náp, các lễ hội, bản quy ước làng đã cho thấy sức bền bỉ, giàu bản sắc của quê hương Tân Mỹ. Tân Mỹ đã trải qua bao thăng trầm biến cố của lịch sử, đã củng cố, duy trì ngọn lửa đoàn kết, hòa hợp, cùng nhau dựng xây quê hương ngày càng tươi đẹp rạng rỡ. Đó là những người con Tân Mỹ mỏi mòn đi qua dốc cát chói chang, vắt sức mình cùng sương đêm để thuyền về đầy tôm cá, để quê hương xanh tươi ngày mới.

Đêm chúng tôi ngồi trên cát, nghe sóng vỗ, ngắm nhìn những ánh đèn xa xa, vầng trăng cong ước mơ, thấy Tân Mỹ yên bình, đáng sống. Tôi như một người con trên cát, đã giong buồm trong những giấc mơ. Ngày mai đây, thuyền về bến chở nguồn vui vào chợ, rót nụ cười lên trên những gương mặt ngư dân hiền hậu chất phát. Khoảng trời Tân Mỹ có nhớ có quên, có ồn ào, có lặng lẽ, có đợi, có chờ để người đi cứ bện lòng thương nhớ.

C.P  
(SHSDB41/06-2021)



 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Huế và em (01/07/2021)