Tạp chí Sông Hương - Số 388 (T.06-21)
Tản mạn, từ một cuộc hội thảo
08:34 | 20/07/2021

PHẠM PHÚ PHONG    

Người già thường hay nghĩ ngợi về quá khứ. Không biết có phải vì thế hay không mà khi đọc lại Biên niên Sông Hương[1], tôi bỗng nhớ đến một cuộc hội thảo về Tạp chí Sông Hương diễn ra cách đây gần tròn 37 năm.

Tản mạn, từ một cuộc hội thảo

“Hội thảo” là khái niệm được dùng nhiều trong phong trào tranh đấu của sinh viên học sinh các đô thị miền Nam thời chống Mỹ. Vào khoảng gần cuối năm 1984, tôi đang là một giảng viên trẻ khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Huế. Cái tên trường đã biến mất sau lần cải cách giáo dục đại học năm 1990, nay cũng ngôi trường ấy, mang tên Đại học Khoa học, thuộc Đại học Huế (Đó là một nỗ lực tự làm nhỏ mình lại của ngành giáo dục. Điều lạ nhất thế giới là nền giáo dục nước ta càng đông những người có học vị học hàm, càng nhiều những sáng kiến cải cách thì chất lượng giáo dục ngày càng giảm sút và gần như bỏ mặc!). Vốn có chút “máu” phong trào thời trước còn sót lại, lại đang làm Bí thư Liên chi đoàn khoa, tôi nảy ra ý định tổ chức một cuộc hội thảo nhân 10 số Sông Hương đến với độc giả, nhằm tạo cơ hội cho người đọc chủ động bày tỏ thái độ, yêu cầu và mong muốn của mình đối với tờ tạp chí mà mình yêu thích.

Tôi đã hẹn trước với nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, Tổng Biên tập tạp chí, khoảng mười giờ sáng, tôi đạp xe đến 26 Lê Lợi gặp anh. Tôi trình bày ý định của mình và được anh ủng hộ tuyệt đối. Chúng tôi thống nhất sơ qua về thời gian, địa điểm, chương trình hội thảo... Anh hứa cho tôi mượn mấy bộ Sông Hương để tôi về “đặt hàng” cho người viết tham luận. Hôm đó, anh Điềm hơi bận rộn. Câu chuyện giữa chúng tôi chưa xong, thì anh bảo là cần sang nhà sách đường Trần Hưng Đạo mua mấy cuốn sách, để sáng mai mang đi Sài Gòn tặng bạn. Hay ta cùng đi với nhau, có điều gì cần thì bàn tiếp, anh nói. Chúng tôi đạp xe đi song song qua cầu Trường Tiền, chuyện trò câu được, câu mất. Nhà sách vắng, chỉ có hai chúng tôi. Có một chi tiết khó quên là, khi dựng xe xong, nhà thơ mở khóa dây, vòng qua bánh xe khóa cẩn thận. Xe tôi dùng khóa còng, chỉ cần ấn xuống, rút chìa khóa là xong. Chỉ một động tác đơn giản như vậy mà tôi không làm, lại còn đứng chờ anh khóa xe xong để cùng đi vào. Tôi nhớ anh mua mấy cuốn Đồng chí Nguyễn Chí Diểu anh có tham gia viết, tôi mua cuốn Một nguyên lý văn chương của Phương Lựu. Đến khi quay ra, chiếc xe đạp cà tàng của tôi không còn ở đó nữa! Anh Điềm cười, thôi lên tôi chở về! Tôi biết về đâu bấy giờ, vì chìa khóa căn hộ tập thể nằm trong chùm chìa khóa xe, đã ra đi cùng với chiếc xe thân thiết của tôi. Trên đường chở tôi về nhà người chị họ tôi ở đường Chi Lăng, vẫn với giọng nói điềm đạm thường ngày, nhà thơ luôn tìm lời động viên an ủi tôi, thôi của đi thay người...

Sau một thời gian, tôi qua về tòa soạn nhiều lần, bàn bạc nội dung với nhà thơ Thái Ngọc San, Thư ký Tòa soạn tạp chí, hội thảo đã được diễn ra trang trọng tại hội trường số 3 Lê Lợi, với sự tham dự khoảng hơn 300 người, gồm đại diện lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo khoa, giảng viên, sinh viên toàn khoa và nhiều bạn đọc, những giảng viên và sinh viên các khoa khác, những người yêu văn học và Tạp chí Sông Hương. Về phía tạp chí, ngoài Tổng Biên tập Nguyễn Khoa Điềm, Phó Tổng Biên tập Nguyễn Khắc Phê, còn có hầu như đầy đủ 15 thành viên trong Ban Biên tập và nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận, phê bình văn học. 11 tham luận (trong đó có 7 tham luận của sinh viên) và hàng chục ý kiến về thơ, văn xuôi, lý luận phê bình, tranh, ảnh minh họa... được trình bày tại hội thảo. Cho đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ những phát biểu sắc sảo tổng quát về tạp chí của thầy Đào Văn Khải (làm thơ, viết lý luận phê bình ký bút danh là Khải Phong), thầy Tạ Đình Nam, những cảm thụ tinh tế về thơ của Hồ Thế Hà (lúc này đang là sinh viên năm cuối), những nhận định về thể ký (nhất là ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường) đầy sức thuyết phục của Võ Minh Lâm Tiến, những đòi hỏi riết róng về truyện ngắn của Lý Bá Lin, Nguyễn Chính hay về hình thức trình bày tạp chí của Trần Hùng, Lê Văn Sáu... Những khẳng định mạnh mẽ, khách quan và nồng nhiệt về hướng đi của tạp chí bước đầu đã đáp ứng được mong muốn của người đọc và những góp ý thẳng thắn, sát rạt, đôi ý gây “sốc” cho một vài tác giả và các biên tập viên. Trong bài viết về hội thảo trên báo Tuần tin thanh niên (báo Thanh niên bây giờ), người phụ trách trang văn nghệ là nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ cho rằng: “Tạp chí Sông Hương chắc chắn sẽ ngày càng phát triển, vì có được những người đọc trung thực, thẳng thắn, một chỗ dựa về tinh thần có ý nghĩa văn hóa đáng tin cậy như thầy, trò ở Trường Đại học Tổng hợp Huế...”. Tôi nhớ, trong lời phát biểu và cảm ơn cuối cùng, Tổng Biên tập Nguyễn Khoa Điềm cảm ơn nhiệt huyết của thầy và trò chúng tôi, coi đây là một việc làm có ý nghĩa thiết thực, với những góp ý chân tình, đầy tinh thần trách nhiệm, ngay cả đối với những nhược điểm chỉ ra “làm cho Ban Biên tập phải nóng mặt”. Nhưng Sông Hương vẫn là Sông Hương, một dòng chảy theo một định hướng đã đề ra và chúng tôi sẽ kiên trì theo đuổi đến cùng, anh nói.

Trải qua gần 40 năm, qua mấy đời Tổng Biên tập, tuy diện mạo tờ tạp chí có ít nhiều thay đổi về cả nội dung lẫn hình thức, nhưng cái “định hướng” ấy không hề thay đổi. Thời nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm làm Tổng Biên tập (1983 - 1986) là thời “khai sáng”, thời tạo dựng thanh thế cho tờ tạp chí, với sự đồng tâm hiệp lực của Phó Tổng Biên tập Nguyễn Khắc Phê và Ban Biêp tập hùng hậu thuộc nhiều chuyên ngành nghệ thuật, với những tên tuổi khá quen thuộc với độc giả như Lương An, Bửu Chỉ, Lâm Thị Mỹ Dạ, Minh Hằng, Xuân Hoàng, Hà Khánh Linh, Lê Thị Mây, Trần Hữu Pháp, Võ Quê, Thái Ngọc San, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lê Xuân Việt, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Đắc Xuân (đến số 6, tháng 3 - 4/1984, bổ sung thêm Nguyễn Quang Hà vào Ban Biên tập), nên đã thu hút được sự cộng tác của nhiều tên tuổi lớn trong nước và cả nước ngoài, ngày càng được sự quan tâm của độc giả. Sông Hương đã thật sự khẳng định và góp một tiếng nói mới mẻ, đầy tự tin vào đời sống văn nghệ nước nhà.

Sau khi nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm được rút sang làm công tác chính trị, nhà văn Tô Nhuận Vỹ được bổ nhiệm làm Tổng Biên tập (từ số 19, tháng 5 - 6/1986). Ban Biên tập lúc này chỉ còn 12 người, không có Lương An, Minh Hằng, Lê Xuân Việt, nhưng có thêm Nguyễn Khoa Điềm. Đây cũng là thời kỳ chuẩn bị bước vào công cuộc đổi mới, rồi chia tách tỉnh, với bao vấn đề phức tạp trong đời sống xã hội và văn nghệ, riêng với Sông Hương được coi là “tâm huyết nhưng đã sai lệch một số vấn đề cơ bản...” [2, tr.173]. Công cuộc đổi mới của đất nước, nhất là về mặt tư tưởng là một cơn đau tái sinh, đầy phấn khích và lận đận, mới mẻ và không mấy dễ dàng. Tôi không nhớ mình đã đọc hoặc đã nghe ai nói câu này: “Văn chương là thứ tuyệt nhất được phát minh ra để tránh những bất hạnh cho con người”. Nhưng văn chương gặp bất hạnh, liệu con người có cứu nổi văn chương? Cũng như nhiều tờ báo cùng thời (tạp chí Văn học, các báo Văn nghệ, Cánh én,...) sự vùng vẫy, tìm đường vượt thoát và khẳng định chỗ đứng của mình trong lòng bạn đọc không mấy dễ dàng, trong cuộc đấu tranh phức tạp và có vẻ như phi lý giữa cái mới và cái cũ, cái mới và cái bóng của cái mới trước thành kiến của cái cũ, con người cũ vẫn còn quyền lực, có khi thời gian hơn nửa năm trời không thể ra báo và phải đánh đổi bằng hai đời Tổng Biên tập Tô Nhuận Vỹ và Nguyễn Khắc Phê. Sau số 43 (6/1990), Tô Nhuận Vỹ thôi giữ chức Tổng Biên tập, giao cho Phó Tổng Biên tập Nguyễn Khắc Phê phụ trách từ số 44 thì 6 tháng sau (1/1991), báo mới ra lại, nhưng chỉ đến số 46 (4/1991), là số Nguyễn Khắc Phê đứng tên Tổng Biên tập và Nguyễn Đắc Xuân Phó Tổng Biên tập, lại phải dừng đến 8 tháng sau mới ra được số 47 (1 - 2/1992) với Tổng Biên tập mới là nhà văn Hồng Nhu, người vẽ bìa và làm măng sét mới là họa sỹ Phạm Đại. Bất kỳ sự đổi mới nào cũng phải lột vỏ, phá vỡ những rào cản cũ, nhất là những định kiến về tư tưởng, phải trải qua những nhọc nhằn, vất vả, là tất yếu thôi. Điều này không thể đổ lỗi cho bất kỳ ai. Thì cũng chính người lãnh đạo cơ sở, lãnh đạo văn nghệ hôm trước, nay trở thành người phát động, lãnh đạo công cuộc đổi mới, sao tránh khỏi những ngỡ ngàng, lúng túng? Những gì vượt qua được thử thách khắc nghiệt của một hoàn cảnh lịch sử, còn lại với thời gian, đó là những giá trị văn hóa. Vì vậy, nhờ thế mà thời gian này đã đăng tải những tác phẩm hay, những tín hiệu mới, cho đến bây giờ nhìn lại người đọc càng yên tâm hơn đối với tờ tạp chí yêu quý của mình: các hồi ký Hồi ức về Trường Quốc Học của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bốn năm ở Trường Quốc Học Huế của GS. Tạ Quang Bửu, Bóng giai nhân - một đêm trên sân khấu Huế của Yến Lan; bút ký Luận chứng một tâm hồn đa cảm của Nguyễn Quang Hà; các truyện ngắn Ngày xửa ngày xưa của Nguyễn Quang Lập, Bầy thú hoang dã của Thái Ngọc San, Thị trấn hoa quỳ vàng của Trần Thùy Mai, Người đoán mộng giỏi nhất thế gian của Phạm Thị Hoài, Cún và kịch bản Quỷ ở với người của Nguyễn Huy Thiệp; các bài thơ Lá diêu bông, Theo đuổi, Về với ta của Hoàng Cầm, Nhìn từ xa Tổ quốc của Nguyễn Duy, Người đàn ông bốn mươi ba tuổi nói về mình của Trần Vàng Sao; các bài nghiên cứu, phê bình: Vị thế lịch sử của xứ Huế của Trần Quốc Vượng, Tiếp xúc với tác phẩm của Thái Bá Vân, Nguyễn Trãi trước ngã ba thời đại của Hoàng Phủ Ngọc Tường và hàng loạt các đối thoại, trả lời phỏng vấn của Nguyễn Đình Thi, Nguyên Ngọc, Trần Dần, Hoàng Ngọc Hiến, Ngô Thảo, Nguyễn Đăng Mạnh, Hà Minh Đức... làm vỡ ra bao điều mới mẻ trong nhận thức và sự cần thiết phải xây dựng một nền văn học như thế nào, trong thiết chế văn hóa của một xã hội đang đổi mới và hội nhập với thế giới.

Cùng với Tổng Biên tập Hồng Nhu, đến số tháng 1 - 2/1993 (lúc này tạp chí đánh số tháng trong mỗi năm) bổ sung thêm hai Phó Tổng Biên tập là Hà Khánh Linh và Võ Mạnh Lập. Và, từ số tháng 1/1994, Sông Hương tăng số, mỗi tháng ra một kỳ. Đến số tháng 8/1997, Tổng Biên tập là nhà văn Nguyễn Quang Hà, hai số sau, số tháng 10/1997, Sông Hương quay lại đánh số thứ tự như cũ, bắt đầu được tính từ số 104. Số 141 (11/2000), nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch làm Phó Tổng Biên tập phụ trách và số sau 142 (12/2000) làm Tổng Biên tập, với một Ban Biên tập mới gồm Lâm Thị Mỹ Dạ, Hồ Thế Hà, Nguyễn Xuân Hoa, Hồng Nhu, Nguyễn Khắc Phê, Phùng Phu, Đặng Mậu Tựu, Tô Nhuận Vỹ, kèm với việc thay măng sét mới và đến số 212 (10/2006), công bố Hội đồng Biên tập thay cho Ban Biên tập, gồm Lâm Thị Mỹ Dạ, Dương Bích Hà, Hồ Thế Hà, Nguyễn Xuân Hoa, Nguyễn Xuân Hoàng, Trần Thùy Mai, Bửu Nam, Đặng Mậu Tựu, mở trang điện tử www.tapchisonghuong.com.vn. Từ số 232 (6/2008), nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc làm Phó Tổng Biên tập phụ trách và tròn 3 năm sau, số 269 (7/2011) lên làm Tổng Biên tập, với Ban Biên tập mới gồm Hồ Đăng Thanh Ngọc, Phạm Tấn Hầu, Hoàng Việt Hùng, Đặng Mậu Tựu, Lê Vĩnh Thái, Nhụy Nguyên (đến số 281, tháng 7/2012 bổ sung thêm Lê Minh Phong và Lê Vũ Trường Giang vào Ban Biên tập) và sử dụng lại măng sét của họa sỹ Bửu Chỉ từ những số đầu của tạp chí. Đến số 373 (03/2020), nhà thơ Lê Vĩnh Thái, Phó Tổng Biên tập lên làm Tổng Biên tập thay cho Hồ Đăng Thanh Ngọc lên làm Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế.

Kể từ khi Hồng Nhu lên làm Tổng Biên tập đến nay, Sông Hương dường như có vẻ êm đềm, xuôi chèo mát mái, bởi vì công cuộc đổi mới không thể đảo ngược, nhất là những thành tựu đổi mới về kinh tế đã tạo ra một từ trường kéo theo những thay đổi trong nhận thức về lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, mở ra những sinh lộ cho sự giao lưu và hội nhập với tiến trình hiện đại, hậu hiện đại. Người ta thường nói, mỗi tờ báo thường ít nhiều mang diện mạo của Tổng Biên tập. Điều đó quả không sai. Thời Tổng Biên tập Hồng Nhu, tuy có tổ chức hai cuộc thi truyện ngắn và thơ, nhưng nhìn chung văn xuôi vẫn là điểm mạnh với các tác giả Từ Nguyên Tĩnh, Quế Hương, Nguyễn Bản, Nguyễn Việt Hà, Trần Duy Phiên, Tô Vĩnh Hà... Về thơ, chỉ có những tín hiệu mới ở các tác giả trẻ như Văn Cầm Hải, Lương Ngọc An, Phạm Nguyên Tường, Vi Thùy Linh, Đoàn Mạnh Phương, Phan Huyền Thư, Đông Hà, Lê Tấn Quỳnh... Thời Nguyễn Quang Hà thành tựu chủ yếu vẫn tiếp tục là văn xuôi và có cuộc thi truyện ngắn lần thứ hai, trong đó có các gương mặt trẻ được phát hiện như Nguyễn Anh Đào, hoặc các cây bút của xứ Huế như Phạm Xuân Phụng, Phạm Ngọc Túy. Ngoài ra, những gặp gỡ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm giữa các tạp chí, văn nghệ sỹ trong khu vực cũng được tạp chí quan tâm. Từ thời Nguyễn Quang Hà trở về sau, các đời Tổng Biên tập đều chú ý hơn, việc chăm lo bồi dưỡng, đào tạo thế hệ trẻ và mảng nghiên cứu văn hóa Huế trên tờ tạp chí. Thời Nguyễn Khắc Thạch, chất lượng trang thơ trên tạp chí được nâng cao rõ rệt. Nhiều giọng thơ mới lạ, thể hiện được tâm trạng của con người đương đại, xuất hiện ngày càng nhiều trên trang báo. Bên cạnh đó, mảng nghiên cứu lý luận, phê bình cũng được quan tâm đúng mức, trong đó có sự cộng tác của những cây bút thời danh từ Hà Nội như Phong Lê, Hà Minh Đức, Đỗ Lai Thúy, Trương Đăng Dung, Nguyễn Đăng Điệp, Phan Trọng Thưởng,... Thời Hồ Đăng Thanh Ngọc, mảng thơ tiếp tục được chú ý, nhưng không phải về chất lượng mà là đổi mới về thi pháp, với việc cổ vũ cho thơ tân hình thức và hậu hiện đại, tạp chí ra hai số chuyên đề về Dấu ấn hậu hiện đại (số 269, tháng 7/2011) và Thơ tân hình thức (số 280, tháng 6/2012). Song song với Sông Hương ra hàng tháng, từ tháng 3/2010, còn ra thêm Sông Hương số đặc biệt, 3 tháng một kỳ, để chuyển tải các nội dung có tính chất tân văn... Và, người đọc có quyền đòi hỏi và đang chờ đợi Sông Hương hiện nay với Tổng Biên tập đương nhiệm Lê Vĩnh Thái, cùng với đội ngũ biên tập không mấy xa lạ: Lê Minh Phong, Đặng Mậu Tựu, Nguyễn Khắc Trung, Nhụy Nguyên, Lê Tấn Quỳnh, Lê Vũ Trường Giang, sẽ đem đến cho người đọc những tín hiệu thẩm mỹ nào để nâng cao tầm vóc đời sống văn hóa tinh thần trong thời gian đến?

Bài học về sự thất bại của các tờ báo, nhất là báo chuyên về văn học nghệ thuật, không phải là ít. Nhiều tờ báo chỉ cần thay Tổng Biên tập, hoặc thay măng sét, tự nhiên mất hút trong một biển báo trào dâng như sóng xô bờ. Nhìn sang láng giềng, đã từng có tạp chí văn học nghệ thuật có thời điểm có thể sánh ngang Sông Hương không thua kém, nhưng dường như không đủ sức cho một chặng đường dài. Đã từng có một tờ tuần báo mang tên Sông Hương (khổ 49cm x 33cm, số đầu ra ngày 1/8/1936) do Phan Khôi sáng lập, “tờ báo duy nhất trong đời ông, do ông sáng lập, trực tiếp làm chủ nhiệm kiêm chủ bút, thể hiện xu hướng của một tờ báo văn học nghệ thuật khá đặc biệt vào giai đoạn đầu của báo chí xứ Huế” [3, tr.58]. Là một tờ báo văn học, báo Sông Hương đã thu hút được sự cộng tác của nhiều tên tuổi cự phách trong giới văn nghệ lúc bấy giờ như Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Nam Trân, Xuân Tâm, Vũ Trọng Phụng, Vi Huyền Đắc, Đào Trinh Nhất, Trần Thanh Mại, Trương Tửu, Lê Tràng Kiều, Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan... Thế nhưng chỉ ra đến số 32 (2/3/1937), phải đóng cửa vì lý do tài chính, sau đó bán lại giấy phép cho “nhóm hoạt động chính trị” Nguyễn Cửu Thạnh, Ngô Đức Mậu, Phan Đăng Lưu, Tôn Quang Phiệt, dùng tờ báo để vận động tranh cử vào Viện dân biểu Trung Kỳ và tất nhiên, chỉ 4 tháng sau khi cuộc bầu cử kết thúc, tờ báo cũng cáo chung!

Để kết thúc những suy nghĩ tản mạn của mình, tôi xin trở lại với lời khẳng định của anh Nguyễn Khoa Điềm sau 10 số đầu tiên, rằng Sông Hương “vẫn chảy theo một định hướng đã đề ra và kiên trì theo đuổi đến cùng”. Tuy anh không nói và không cần phải nói rõ cái định hướng ấy là gì, mà cả mấy đời Tổng Biên tập, dù khó khăn bao nhiêu cũng cố vượt qua, để giữ cho ngày nay vẫn còn dòng sông ấy, vẫn trong xanh trôi giữa đôi bờ sinh thái của văn hiến kinh kỳ, nhưng là người đọc của tờ tạp chí gần 40 năm qua, tôi nhận ra một điều: một trong những nguyên tắc tồn tại bất di bất dịch của tờ báo là không biết tự làm nhỏ mình, không tự hạn chế mình trong phạm vi địa phương, mà luôn có khát vọng vươn ra cả nước và thế giới. Là tờ báo của một tổ chức văn nghệ địa phương, Sông Hương luôn thực hiện mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương là giới thiệu di sản văn hóa, thành tựu văn học của xứ Huế (mỗi số ngoài mục Huế, dòng chảy văn hóa, còn bao nhiêu bài vở khác!), nhưng nhiệm vụ chính trị mà lãnh đạo các cấp còn đặt ra cho tờ báo là phải tự nâng tầm và luôn giữ vững cho tờ báo là sản phẩm của cả nước, cho Huế là của cả nước và mang văn hóa Huế hội nhập với cả thế giới. Lâu nay hình như Sông Hương chỉ từ chối không đăng những bài dở, chứ không phải những bài không viết về Huế. Một vùng đất văn hóa phải có những con người có tầm vóc văn hóa, biết cách “làm ăn” để ngày càng làm giàu có thêm di sản văn hóa cho xứ sở mình!

P.P.P
(TCSH388/06-2021)

-------------------------
[1, 2] In trong Kỷ yếu 70 năm Hội văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế (1945 - 2015), Nxb. Thuận Hóa, tr.167 - 189.
[3] Nguyễn Xuân Hoa (2013), Lịch sử báo chí Huế, Nxb. Thuận Hóa.  




 

 

Các bài mới
Biệt cố hương (20/07/2021)
Các bài đã đăng
Đôi mắt em (16/07/2021)
Sông quê (09/07/2021)
Ánh dương (07/07/2021)