Tạp chí Sông Hương - Số 388 (T.06-21)
Biệt cố hương
08:59 | 20/07/2021

LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG    

Tà dương bắt đầu trùm lên vùng núi đồi được phủ vô số bụi phong lữ đương trổ hoa đỏ thắm. Một mùi hương thầm kín cố hữu của một thành phố ven biển lan xa đến tận làng El Biar.

Biệt cố hương
Minh họa: Phan Thanh Bình

Đức Ngự của tôi ngồi bên chiếc bàn lớn màu đen, sách báo ngổn ngang, các họa phẩm người vẽ xong treo đầy lên tường, ảm đạm mùa núi đồi ngoài kia. Trên giá vẽ, bức tranh buổi chiều tà mới đi những nét phác thảo với những bóng tùng hiên, dải đất dài lúp xúp cây bụi gợi lên thứ cảm giác êm ả của cô đơn. Chiếc khăn xếp màu trắng trùm trên mái tóc bối củ hành, chiếc áo dài màu đen với ống tay áo rộng buông xuôi được lót bằng lụa tơ tằm màu xanh tươi người rất thích. Màu hoàng hôn nhập hằn nước da vàng ngăm đen, như chiếc ngà voi lâu năm, nếu nhìn nghiêng dường như cả một trời núi rừng đương đứng bên cạnh người, những ngày còn ở miền sơn cước. Giờ đây, trước mắt người, mùa hè xứ lạ bày ra mấy cảnh vật im lặng và buồn hiu. Những con đường mòn ngụp trong màu xanh đang lịm đi của nhũ hương và ô liu. Tất cả chạy vào trong đôi mắt đen hơi xếch lên phía thái dương, buồn và thông minh, kiểu một bức tượng cổ phương Đông rơi lạc đâu đó tại Alger. Đức Ngự hồi lâu không nói bỗng quay qua tôi, lúc này đang cặm cụi lau những mẫu màu rơi rớt trên sàn nhà.

“Ông theo ta ri, có thấy nhớ nhà không?”, Đức Ngự hỏi.

Tôi ngước lên nhìn người, cái vẻ ưu tư cố hữu của người nghệ sỹ thất lạc gần như đang cố choáng phong thái của bậc quân vương quật khởi một thời. Tôi tự hỏi Đức Ngự đang nghĩ gì khi hỏi câu ấy, người cũng đang nhớ nhà, nhớ kinh đô Huế đã bao tháng ngày xa cách biền biệt. Nhà, nhà tôi, phải rồi, tôi cũng có một căn nhà miền thôn dã. Nhà tôi…

Ngôi nhà rường gỗ mít ròn trên bờ sông Nhùng, ở vào khoảng nửa chặng đường dài chừng mươi cây số trên con đường thiên lý từ thành Quảng Trị vào lỵ sở phủ Hải Lăng ấy là nơi tôi sinh ra, lớn lên và giờ trở thành một đốm sáng trong ký ức mịt mù. Ngôi nhà được bao bọc bởi một khu vườn rộng đầy hoa trái, trải dài từ bờ sông ra đến gần sát đường cái quan, chỉ cách đường có một dải ruộng rộc. Những ngày nắng mới, thân mẫu tôi xếp bạc nén ra nong phơi, trắng lòa cả sân. Tôi mười sáu tuổi, là một công tử, phong lưu trong chốn danh gia ít ai bì kịp.

Một chiều tháng năm nóng nực và đầy gió bụi, tôi đang leo cây hái khế thì thấy một tốp quan binh cưỡi ngựa phi nước đại vào làng. Thoáng chốc đã dừng trước hàng chè tàu nhà tôi. Thân phụ nghe người vào báo lục tục chạy ra cổng vái chào. Một võ tướng mặt mày lấm bụi, hốc hác xuống ngựa thì thầm vào tai thân phụ. Nghe xong lời truyền, mặt ông thoáng vẻ ngạc nhiên, một chút bối rối thoáng lên khiến vầng trán rộng nhăn nhúm lại. Đám quan binh một nửa phi ngựa lại đường cũ, một nửa buộc ngựa vào cây nhà tôi rồi theo thân phụ vào nhà, rà soát từng ngóc ngách không bỏ sót chỗ nào. Tôi đang ngồi trên cây cũng bị kêu xuống, buộc vào chái sau đóng cửa lại không được đi đâu cả. Một lúc sau, các vị chức sắc, tuần đinh, phụ nữ trong làng đồng loạt tới nhà tôi. Đằng bếp nổi lửa, bếp không đủ người ta bê thêm kiềng ra tận vườn không, heo gà kêu vang xóm. Một đoàn các chị, các mệ trong làng gánh rau, hoa quả qua nhà tôi. Tôi ngó ra nồi niêu la liệt đếm không hết, lửa bếp rừng rực như làm mâm cỗ chạp cho cả trăm người ăn. Trời chạng vạng, tôi nằm nghe tiếng chân người, tiếng ngựa voi sầm sập trên đường làng rồi tất cả im ắng trước cổng. Một anh lính bồng gươm nói nhỏ với người bên cạnh: “Xa giá đã tới rồi!” Tôi ngồi dậy, mở cửa, loáng thoáng thấy thân phụ và vài vị chức sắc trong làng quỳ mọp dưới sân. Một chiếc võng màu vàng, có lọng che thêu rồng chín móng được đám lính hộ vệ khiêng vào gian chính. Tuyệt nhiên không khí lặng ngắt, đến chiếc lá rơi cũng nghe thấy. Quan binh từ tốn đi vào, tỏa ra khắp vườn, số khác tách thành đội yếm trú một số nơi trọng yếu trong làng để cảnh giới. Một vài ánh đèn leo lét được đốt lên. Tôi lọ mọ bước ra nhìn ra vườn cau nhà thấy đầy lính tráng nằm ngồi, số khác bồng gươm giáo nghiêm cẩn đứng canh. Sau này, tôi mới biết hôm đó có hai thớt voi vì to quá không đưa được vào trong vườn, phải để ngoài đường cái, chỗ gần quán mụ Ngọ. Chỗ voi nằm nghỉ về sau không một bụi cỏ nào mọc lên được, và dù người ta đã cố làm mọi cách để xóa đi cái mùi phân voi hăng hắc nhưng nó vẫn cứ thoang thoảng cho đến tận bây giờ.

*
“Răng ông không trả lời ta?”, Đức Ngự lại hỏi, mắt nhìn ra khoảng đồi mông lung trước mặt. Từng đàn chim đen sẫm cất cánh bay lên giữa đàn mây ráng đỏ đang giãn ra đến mức gần như tan vào không khí. Tôi bủn rủn hít lấy bóng dương đang dần tắt, đầu lưỡi thấm lấy hương vị ngọt ngào của chiều hè Alger đọng lại trên môi.

“Dạ, bẩm Hoàng thượng, nhớ cũng nào có được chi! Đã ra đi là không ngoảnh lại!”, tôi trả lời.

Người quay qua nhìn tôi, chau mặt lại: “Ta đã bị họ truất ngôi rồi, chỉ còn là ông hoàng tử bé con thôi. Hãy gọi ta là quận công Ưng Lịch, ông nhớ chưa?”.

Tôi khảng khái: “Thần chỉ biết trước mặt thần là Đức Hàm Nghi, luôn và mãi là Đức Hàm Nghi chống Pháp của Đại Nam ta!”.

Đức Ngự không nói gì cả, cười buồn. Trong mắt người thấp thoáng bóng dáng Ngọ Môn, Hiển Lâm Các, Thế Miếu, điện Thái Hòa và dòng sông Hương phẳng lặng chảy qua hoàng hôn lau trắng. Màu mắt rực lên ngọn lửa đốt cháy cả biệt thự Tùng Hiên, gặm nhấm cả Alger và tất cả những thứ Tây phương người Pháp nhồi nhét vào đây.

Tôi buột miệng: “Hoàng thượng có nhớ Huế không? Có nhớ Đại Nam ta không?”.

*
Tôi ngước mắt vào trong, cổ cố nghển lên, trông thấy giữa hàng mấy chục hộ vệ gươm luôn nắm chặt trong tay là một trang thiếu niên trẻ tuổi, mình phục áo gấm màu vàng, nổi bật lên giữa những ngọn bạch lạp. Con người ấy toát lên thứ ánh sáng trang nghiêm, tột đỉnh huy hoàng dù gương mặt có phần phờ phạc đi vì nắng gió. Xung quanh có mấy vị quan quắc thước, râu để chùm, vận phục sang trọng chưa thấy bao giờ. Bỗng một thứ gì vừa lạnh vừa nặng kê lên cổ tôi: “Ai cho mi dòm long nhan hả?” Tôi khựng lại, thân phụ giật nảy mình. “Bắt tên ni ra trị tội phạm thượng!”, có tiếng người ra lệnh, giọng ồm ồm như mãnh hổ. Thân phụ tôi cúi mặt, chắp tay vái vào trong: “Con thần còn nhỏ, chưa biết việc bề trên, mong Hoàng thượng xá tội!” Hoàng thượng! Tôi thảng thốt, người tê dại đi, cúi mặt xuống sát ngực, người run lập cập như phải lạnh. Hoàng thượng ghé nhà tôi, chuyện như đùa. Nhưng cái giọng mãnh hổ kia tiếp tục gắt lên cắt ngang suy nghĩ: “Dám phạm hoàng luật, tội không thể tha!” Tôi phạm tội nặng rồi, dám nhìn mặt vua, những người như thế khó mà toàn mạng. Không khí đang nặng nề bỗng nghe một giọng Huế từ tốn, nhẹ nhàng: “Thôi, các khanh bỏ qua đi, dù răng ta cũng đương nhờ bá tánh. Đường xa chưa biết mô tê chi cả, đừng phí thời giờ, đừng mất lòng dân”. Phải rồi, chắc là trang thiếu niên mặc áo gấm vàng chói sáng kia, đức vua của chúng tôi. Lúc ấy tôi mới được tha, bưng khay thết yến xong liền đi ra. Cả nhà tôi thở phào nhẹ nhõm. Lúc ra, tôi kịp nghe câu chuyện giữa vị đại quan nói với vua rằng: “Yến nay không đủ ba mươi nhăm món như trong cung, mong Hoàng thượng chiếu cố dùng tạm để lấy sức. Đức vua đáp: “Tôn phụ chính à, sống kham khổ thế nào trẫm cũng chịu, đi đến đâu cũng được, miễn là đuổi được giặc Pháp khỏi đất nước”.

Khi đức vua dùng yến xong, quan binh mới được ngồi vô chiếu trải ngang giữa sân. Nhà tôi lanh canh bát đũa như ngày chạp họ. Một khắc sau, đèn đóm tắt hết, cả nhà tôi chìm vào bóng đêm, im ắng như một ngôi chùa mùa kiết hạ.

*
Đức Ngự chậm rãi hòa màu vào khay vẽ rồi điểm màu lên bức tranh khi ánh nắng đang nguội dần. Một dòng sông lững lờ trước mặt. Một ngọn núi như áng bình phong xa xa. Những cánh chim bay qua mây, bên dưới là những vòm mái xưa cũ uốn cong góc trời. Từ hôm đó cho đến ba ngày sau, người chẳng nói gì cả, lặng lẽ trước giá vẽ quên ăn quên uống. Tối thứ ba tôi bưng cơm lên phòng. Người ngồi tịch nhiên bên cửa sổ. Bức tranh đã xong, màu nhoem lên vạt áo. Tôi trầm trồ: “Ôi, kinh thành đây mà! Thần còn nhớ như in. Chao ôi, sông Hương, núi Ngự. Chao ôi, Hoàng thượng vẽ giống như thật luôn!” Tôi gọi bác bếp, anh thông dịch người Việt lên xem. Chúng tôi nhìn bức tranh, còn Đức Ngự thẫn thờ nhìn ra ô cửa tối đen ngoài kia. Bất thình lình người đi lại tháo bức tranh xuống, gí ngọn đèn cầy đang cháy đỏ vào bức tranh chưa kịp khô nước sơn dầu. Ngọn lửa táp vào toan, bén lửa bắt đầu cháy. Tôi cuống lên ngăn lại: “Hoàng thượng làm chi rứa? Xin đừng!” Bác bếp và anh thông dịch há hốc mồm, vội vã chạy xuống nhà lấy nước. Ngọn lửa rấm rứt cháy, bức tranh nứt ra. Dòng sông xanh hóa xám xịt, ngọn núi hóa tro, lâu đài thành quách cong queo lại.

“Ta đốt quê hương! Ta đốt quê hương rồi đó!”

Đó là lần cuối cùng tôi thấy Đức Hàm Nghi của tôi khóc, khóc bằng giọt nước mắt đắng. Người đã bị tước đi cái quyền được ngắm nhìn bầu trời thân yêu của mình và thành đô vang bóng chỉ còn là ký ức của kẻ tha hương. Khi bác bếp và anh thông dịch mang xô nước lên, Đức Ngự thảng thốt nói trong nước mắt trước khi giấc ngủ và mệt mỏi xô ngài gục lên chiếc ghế kê bên ô cửa: “Ta là một con chim Lạc bất hạnh vì sợi dây đang buộc chặt chân ta”. Từ cửa lớn, viên sĩ quan - quản gia người Pháp xuất hiện và hỏi anh thông dịch rằng nhà vua đã nói gì. Tôi liếc mắt nhìn anh ta và người thông dịch lắc đầu, chỉ đáp lại lời sau này anh kể lại là: “Hoàng tử chỉ muốn yên giấc trên chiếc giường của ngài!”.

*
Đức vua ghé làng tôi, đang ở trong nhà tôi và nằm trên chiếc sập gụ gỗ huê của cụ kỵ nhà tôi. Chuyện như đùa, là thật, suốt đêm tôi không tài nào chợp mắt được vì hình ảnh Đức Hàm Nghi oai nghiêm, phong nhã, như một hiển long rực rỡ ngồi giữa gian nhà lớn. Thân phụ tôi bảo kinh thành bị Tây đốt trụi hôm qua rồi, lính Tây mặc sức giết người cướp của, người chết như rạ, tang tóc không sao kể xiết. Ngài phụ chính phải đưa nhà vua và quan binh lên miền thượng du lập cứ kháng chiến. Việc đang gấp, can qua đang tới gần. Tôi nhìn nghiêng qua cửa sổ, sao thượng tuần tháng năm chi chít sáng giữa màn đen. Một đám sao đang rượt đuổi nhau, bọn lính Tây súng ống lăm lăm và Đức Hàm Nghi của tôi cùng binh tướng gươm giáo xông tới. Mặt người đanh lại, hô hào sĩ khí. Nhưng Tây nhiều hỏa lực hung hãn, súng nổ đì đoành, quân ta lần lượt ngã xuống. Tôi toát mồ hôi hột. Hoàng thượng ơi! Hoàng thượng ơi!

Vào giữa canh Tư, tiếng xột xoạt trong nhà và ngoài vườn vang lên. Quan binh đã thức dậy cả, chuẩn bị hành lý tiếp tục xuất bôn. Nhà vua đã ngủ dậy, ngồi trên ghế ngoài hiên, vẻ đăm chiêu. Ngài phụ chính nghiêm trang đứng bên cạnh. Các võ tướng bồng gươm vây hai bên tả hữu. Lính tráng chống giáo đứng thẳng lố nhố trong sân, quanh vườn. Có tiếng chó sủa dọc đường làng. Rồi từ ngoài ngõ nhà tôi, bốn mươi chín tráng đinh khỏe mạnh của làng, nai nịt gọn gàng, đi vào trong sân, quỳ xuống trước mặt đức vua xin được theo người xuất bôn chống giặc. Tôi thấy thằng Giáp, thằng Kỷ... cùng đi vào yết vua. Đức Hàm Nghi thoáng vui mừng, có ý hỏi ngài phụ chính. Ngài phụ chính gật đầu, cắt năm người rành đường lên Tân Sở làm hướng đạo, số còn lại xung vào hậu quân. Đó cũng là lần cuối cùng dân làng tôi nhớ về bốn mươi chín tráng đinh dũng cảm. Họ ra đi theo vua kháng chiến và không một ai sau đó trở về nữa. Ngày theo vua xuất bôn cũng là ngày giỗ của bốn mươi chín người hùng cho mãi về sau.

Tôi hối hả chạy vào nhà lấy tư trang để theo vua. Thân phụ đứng đó tự bao giờ, người khoác tay nải lên vai tôi, ôm tôi vào lòng. Tôi ôm người, rồi ôm thân mẫu. Đó là lần cuối cùng tôi cảm nhận được hơi ấm mẹ cha.

“Cha mạ ơi, con đi đây!”, tôi nói cố kìm nước mắt rồi phóng vù ra con đường tối đen ngoài kia, nơi dòng sông Nhùng buồn bã trôi giữa đêm cô tịch.

*
Đức Ngự bảo tôi đồ mực, người muốn viết gì đó lên tấm giấy dó may mắn mang theo được. Từng nét chữ uyên hoa thảo ra giấy, mồ hôi lấm tấm trán người. Tôi nín thở nhìn dòng chữ “Cố quốc quy tâm lạc nhạn biên”. Đức Ngự hỏi: “Ông biết câu ni khôn? Của cụ Ức Trai Nguyễn Trãi đó. Ta thích!” Viết xong người ngồi buồn. “Ta chẳng còn đường trở về cố quốc nữa rồi”. Đức Ngự của tôi thở dài, tiếng thở nặng nề nhuốm lên dòng máu nóng bấn loạn của tôi. Ngày xưa, hào hùng một thuở...

Hôm sau, câu đầu tiên Đức Ngự nói: “Ta muốn học tiếng Pháp!” Tôi thoáng bàng hoàng. Gần một năm trời ở Algérie người xem đó là thứ thổ tả gớm guốc, ngôn ngữ của kẻ xâm lược và nổi gai với tất cả những lời lẽ của đám Phú Lang Sa luôn mồm thứ ngữ âm dị hợm. Hôm nay người đổi ý, tôi tự hỏi phải chăng người đã quên bản quán, quên đi tiếng nói quê hương đầy trìu mến.

“Ta muốn hiểu kẻ thù của ta. Tại sao bọn họ đánh bại được Hoàng triều hùng mạnh tiên tổ ta gây dựng nên? Tại sao ta thất bại? Tại sao tranh Paul Gauguin hấp dẫn ta đến vậy? Tại sao dương cầm lại có những âm giai phức hợp biết nói thế kia? Tại sao...?”. Đức Ngự ngồi thừ ra một hồi, dường như người muốn nói tiếp điều gì đó. Người đang mong cầu điều gì, trôi đi trong lãng quên, khước từ, chấp nhận hay những ý nghĩ về hạnh phúc đang bám víu lấy kẻ lưu đày mơ mộng. Tôi không hiểu gì cả, tôi ghét bọn Tây, ghét xứ Alger, ghét biệt thự Tùng Hiên thô cứng, vôi vữa và hơn hết ghét đám thô lậu đầy đọa Đức Hàm Nghi của tôi tha phương lạc lõng. Tôi không nói gì, dần loại suy tất cả chỉ để còn nhớ mỗi câu “Tại sao ta thất bại?” của đức vua tôi hằng yêu mến.

Hôm sau, tháng sau anh thông dịch bắt đầu dạy tiếng Pháp cho nhà vua, tôi và bác bếp. Năm sau, một ông giáo người Pháp được thị trưởng Alger giới thiệu đến dạy sau khi qua vòng kiểm duyệt của tay quản gia. Chẳng biết bao nhiêu thời gian trôi qua ở El Biar, cho đến khi tôi và Đức Hàm Nghi xuống phố và nói chuyện y như dân màu da rám nắng giữa đô thành Alger dù bị ít nhất bốn cặp mắt mật vụ đi theo. Cả tôi và Đức Ngự nhận ra rằng, người Phú Lang Sa ở Đại Nam khác ở Algérie và có lẽ khác xa lắm đám người nơi chính quốc hay được nhắc đến kiểu như đô thành Paris. Ở Đại Nam, họ là những kẻ sỗ sàng, tham lam, ngạo mạn bao nhiêu thì ở Alger rất dễ kiếm một người lịch thiệp, nhã nhặn, hiếu khách và sẵn sàng giúp đỡ cho chúng tôi những gì chúng tôi cần. Riêng số người từ Paris tới, bao giờ cũng khiêm nhường, kính phục Đức Hàm Nghi của tôi mà họ luôn mồm xưng tụng là Hoàng tử An Nam bản lĩnh, tài hoa.

Rồi đêm đến, sau khi vẽ xong một bức về mái vòm trắng của nhà mộ Marabi, người thiếp đi, trong cơn mê ngủ người nói như quát, đầy giận dữ:

“Mi giết ta đi còn hơn là mi mang ta ra nộp cho Tây!”

Tôi nhảy ra khỏi giấc ngủ chập chờn của mình, sực thấy trong lều của vua trên bờ khe Tá Bào đầy ánh đuốc lạ. Trương Quang Ngọc với đám lính Mường của hắn từ đâu xộc vào lều. Tôn Thất Thiệp, con trai ngài Phụ chính vác gươm toan xông ra chống cự bị giết ngay tại cửa. Tôi lồm cồm bò dậy hét lớn: “Hoàng thượng chạy đi!” Rồi với lấy gươm thì lưỡi đao của bọn phản bội đã kề cổ. Thấy động, Đức Hàm Nghi đang ngủ trên một cái chõng tre trải chiếu sực tỉnh dậy kịp cầm thanh bảo kiếm gác đầu giường thì bị một tên lính Mường nhảy tới ôm ngang bụng. Trương Quang Ngọc bấy giờ đi tới bày đặt khuyên Đức Ngự: “Vận nước hết rồi, Hoàng thượng mau hồi cung để yên bề xã tắc!” Đức Ngự chỉ gươm vào ngực Ngọc bảo: “Mi giết ta đi còn hơn là mi mang ta ra nộp cho Tây!” Nói dứt lời thì bị giật gươm, người còn mắng hắn: “Mi là kẻ hèn nhát! Mi là tên phản bội! Lúc đó là đêm 2/11/1888.

*
Một ngày cuối thu, cả ngọn đồi nơi làng El Biar bốc lên mùi hương lồng lộng của loại thảo mộc trong sức nóng ngột ngạt đặc trưng của xứ Alger. Giàn bông bougainvillea nở tím ngát một khoảng tường biệt thự, dưới đất hoa diên vĩ xanh cao nghệu ôm quấn lấy lối đi, và Đức Ngự ngồi giữa khoảng sân vắng khua cọ lên giá vẽ. Khi bức tranh về khu vườn của người gần hoàn thành thì ngài Laloer, chánh án tòa thượng phẩm Alger và gia đình ông đột ngột ghé thăm. Đức Ngự luống cuống ngồi tiếp chuyện với họ. Ngài Laloer vốn rất mê tranh và luôn mồm khen tranh của Đức Ngự đẹp, cái đẹp của sự lãng mạn bi thiết. Tôi chẳng hiểu mô tê gì cho cái nhận định bóng bẩy đó. Marcelle Laloe, con gái ngài nhìn Đức Ngự chăm chú, có lẽ cô lạ cách ăn mặc áo dài khăn đóng gọn gàng, phong lãm của người. Đức Ngự cũng nhìn cô, mái tóc đen và đôi mắt xanh thắm như màu biển Địa Trung Hải khiến người bần thần một thoáng. Rồi Đức Ngự bảo tôi bày tiệc trà. Họ ngồi nói chuyện huyên thuyên cho đến chiều. Trong một khoảnh khắc vô ý, cô Marcelle Laloe tỳ tay lên cây đàn dương cầm trong phòng khách lát đá hoa. Đức Ngự mỉm cười và gợi ý cô hát một bản nhạc tặng cha, còn người sẽ là một nhạc công miễn phí. Tôi nghĩ Đức Ngự của mình đã đi quá giới hạn. Nhưng cô gái Phú Lang Sa không ngần ngại hát bài đồng quê xứ Alger đầy hương mật. Đức Ngự lim dim bấm những phím đàn và tiếng hát của Marcelle Laloe làm những bông hoa khổ ngải nơi cửa muốn nhún nhảy lên, cả biệt thự Tùng Hiên như khoác lên mình chiếc áo thanh âm quyến rũ. Cuối buổi ra về, ngài chánh án toàn thượng phẩm vui mừng bắt tay Đức Ngự mãi không buông ra và điều này làm cho tôi khó chịu. Đức Ngự cũng bừng vui và lấy bức tranh mới vẽ xong tặng cho cha con người khách. “Xin tặng ngài và quý cô khu vườn mùa thu của tôi!”, Đức Ngự nói. Họ đón nhận như một ân hưởng lớn. Cô Marcelle Laloe rút trong túi xách mình đóa hồng bằng len rất đẹp tỏ ý tặng Đức Ngự.

Nhiều ngày sau trôi qua, Đức Ngự thẫn thờ đi lại bên ô cửa sổ, hàng hiên, ra vườn và mắt thôi không rời cổng, trên tay người luôn cầm bông hồng len đỏ thắm. Người chẳng nói gì, và có chăng là tiếng dương cầm đã thay lời tất cả. Có một đêm người ngồi chăm chú bên bàn làm việc, thay vì vẽ, người viết. Thư. Một bức thư dài được họa viền bằng những bông hồng nhung xinh xắn. Từ đó về sau, cứ độ vài ba ngày bức thư đó lại đi và vài ba ngày sau Đức Ngự nhận bức thư khác có một bông hồng nhung bằng giấy cộm duyên dáng đính ngoài bì thư. Nhưng người cứ luôn buồn bã như mất hồn, người đang đợi điều gì đó xa xăm. Một hôm tôi hỏi: “Hoàng thượng không khỏe chăng?”.

Người trả lời: “Không, ta khỏe, chỉ là con tim ta muốn nói điều chi đó thôi!”.

Rồi cô Marcelle Laloe một mình tới biệt thự Tùng Hiên chơi, Đức Ngự theo nàng đi khắp những ruộng đồng, khu vườn làng El Biar. Họ luôn tươi cười bên nhau, Đức Ngự vẽ tranh, cô Laloer cắm hoa và mỗi lần như thế Đức Ngự vui đến vài ngày sau rồi buồn thảm trở lại nếu như Marcelle Laloe không đến.

Họ quen nhau như thế đến vài năm. Thư từ chạy từ El Biar về Alger, từ El Biar về tận Paris hoa lệ. Một ngày nọ, Đức Ngự thông báo với tôi và tùy tùng người sẽ cưới vợ.

“Sao Hoàng thượng lại muốn cưới cô Marcelle Laloe?”, tôi hỏi.

“Tình yêu!”

“Tình yêu là nghĩa chi?”, tôi khó chịu.

“Là bài ca cứu rỗi để ta quên thân phận của một kẻ lưu đày!”, Đức Ngự buồn bã trả lời.

*
Trước ngày cưới hai tháng, tôi ngỏ ý xin được về lại Đại Nam. Tính đến lúc đó tôi đã bên người mười tám năm, ba năm chinh chiến trên miền sơn cước từ Quảng Trị đến Hà Tĩnh, mười lăm năm lưu lạc xứ Alger nắng cháy. Đức Ngự gật đầu đồng ý. Một thời gian sau, Tôn Nhân Phủ gửi đến hai công tử hoàng phái đến hầu hạ người. Lúc tiễn tôi lên tàu, Đức Ngự đưa tôi một gói tiền lớn, một hộp giấy bên trong có bộ khăn đóng áo dài người hay vận, dặn sau này mất hãy đưa cho hoàng tộc thờ phụng và người ôm chầm lấy tôi:

“Em chưa hiểu ta”. Lần đầu tiên người xưng thân mật như thế, tôi bối rối. Chưa kịp nói thì người đã tiếp lời: “Em à, với ta bây giờ, nghệ thuật là tự do, là liều thuốc chống chọi mạnh mẽ với cơn thạch hóa lăm le từng ngày từng giờ phận hồn phận xác của kẻ lưu đày. Và tình yêu, người anh em của ta ơi, đó là tất cả cứu chuộc cuối cùng để ta không cằn cỗi trước thế lực bạo tàn, bày cuộc giam hãm nào cả. Mọi sự thật đều mang trong mình một mối đắng cay và ta đắng cay trong nỗi ly biệt cố xứ. Người anh em ơi, nếu có một cuộc trung hưng, ta sẵn sàng làm chiếc khiên đi đầu trận. Em có hiểu cho ta không?” Tôi im lặng. Sự im lặng sau này đã làm tôi hối lỗi với tấm thịnh tình của Đức Ngự.

“Vĩnh biệt người anh em của ta! Cám ơn em đã bên ta những tháng ngày tha phương!” Đó là lần đầu tiên và cuối cùng tôi được Đức Hàm Nghi của mình ôm, cái ôm của chia li, của nước mắt, của tình người, tình bạn mà sau này nghĩ lại tôi có phần hối lỗi. Tôi bỗng khóc thút thít như ngày lạy từ cha mẹ, rời xa sông Nhùng theo vua xuất bôn. Tôi quỳ xuống, vái cái vái của phận bề tôi, người can tôi đứng dậy. Tôi lên tàu rời xa Alger và không bao giờ còn có cơ hội gặp lại Đức Hàm Nghi chí tôn của tôi nữa. Hôm đó, trời Alger bỗng nhiên âm u, mưa xuống ngút ngát biển khơi, bóng người nhòa đi trong màn mưa muôn trùng dày đặc.

*
“Hò ơ... dâu ơi hỡi dâu, chớ trách con tằm mà tội
Con tằm kia đang còn lặn lội
Chỉ vấn tơ vương
Một mai tằm hóa ra con bướm bay khắp bốn phía vườn thăm dâu... hò ơ”.


Một luồng điện chạy dọc người, tim tôi nhói lên. Hôm sau, hôm sau nữa tôi cứ ra mãi bờ sông chỉ để được nhìn thấy cô, để lòng tôi được tưới hương trời thơm ngát. Trong một khoảnh khắc tôi chợt hiểu vì sao đức vua của tôi lại chọn một cuộc sống như thế, chọn một Marcelle Laloe ở Alger.

Tôi đem bộ áo dài khăn đóng của Đức Ngự đặt trang trọng trong tráp đồng lên sập gụ gỗ huê người ngồi ngày nào. Sau này, các con tôi hỏi: “Bộ đồ này của ai mà đẹp rứa cha?” Tôi trả lời: “Của Đức Hàm Nghi yêu nước. Năm xưa, đức vua đã ghé nhà ta đó!”.

L.V.T.G  
(TCSH388/06-2021)



 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Đôi mắt em (16/07/2021)
Sông quê (09/07/2021)