Tạp chí Sông Hương - Số 388 (T.06-21)
Thơ Hồng Nhu và những thao thức đêm
09:29 | 23/07/2021

HỒ THẾ HÀ   

Hồng Nhu xuất phát nghiệp bút của mình bằng văn xuôi. Văn xuôi gắn bó với đời như một duyên mệnh.

Thơ Hồng Nhu và những thao thức đêm

Gần về già, anh ghé bến thơ và nhanh chóng hướng ngòi bút của mình vào nhân sinh, thế sự và vào thế giới nội tâm mình bằng tiếng nói trữ tình thao thức và triết nghiệm như những đúc kết về tình yêu và tình đời mà chỉ văn xuôi thôi không thể nói hết và nói sâu như thơ. Đến nay, anh đã ấn hành 4 tập thơ sâu nặng quan hệ đời tư - thế sự: Ngẫu hứng về chiều (1988), Nước mắt đàn ông (1992), Chiếc tàu cau (1995) và Rêu đá (1998)... Ở đó, ta bắt gặp một Hồng Nhu thơ với thi pháp riêng, đầy suy tư, chiêm nghiệm.

Với không gian thơ, Hồng Nhu lặng lẽ đối diện cùng trang giấy, ngọn đèn để soi vào thế giới nội tâm mình thẳm sâu và day dứt nhất. Anh như một lữ hành trầm ngâm, đơn độc đi dọc tháng năm trò chuyện cùng cây cỏ, hoa lá rồi đêm về thao thức với nỗi buồn, niềm vui góp nhặt của mình. Tận cùng của tình yêu là quê hương, xứ sở; tận cùng của thơ là những đêm vật lộn cùng câu chữ:

Hút hết bao thuốc lá
Không viết được chữ nào
Ngoài trời mưa tầm tã
Trong nhà người bạc đầu.


Thơ Hồng Nhu đọc một vài lần tưởng như chơi, cứ hạ bút là thành. Nhưng đọc và ngẫm kỹ thì hoàn toàn ngược lại. Cái vẻ hồn nhiên tưởng như ngẫu hứng ấy lại là nỗi đời, nơi mình day dứt lắm. Không buồn đau, không nhân ái không viết được những câu chân thành mà xa xót đến thế! Tôi bắt gặp những câu thơ của anh mà lạnh người. Ý tưởng lạ, gợi tò mò trí tuệ để thỏa mãn nhận thức:

- Trong đớn đau xây xẩm đầm đìa
Tôi hạnh phúc như một người hiến máu
- Mắt là mắt của người ta
Tôi đem mở nhắm như là mắt tôi
- Tôi lặng lẽ đem tháng ngày ra đốt
Nghe cô đơn cay đắng cả tim đèn


Có những gì thầm kín mà quyết liệt, nhân bản bên sau ấy không? Cao hơn nữa là khác! Đó là nỗi đau đắng như hạnh phúc. Đó là kinh nghiệm sống của một tâm hồn thơ không thể vỗ về bằng ngọt ngào giả dối. Anh là người kiếm tìm trong cuộc sống và rút ra được kinh nghiệm buồn có ích không chỉ riêng mình.

Nỗi đau nhân thế và niềm tin bất diệt vào con người phảng phất trong thơ Hồng Nhu đến buốt nhức trước “lạnh tanh hoang mạc của lòng người”. Anh đã nhận ra những thực tế trái ngang:

Người ta làm tội ác rất thản nhiên
Và lương thiện như uống bia ăn chả
Như trẻ con chơi trò trận giả
Chẳng đứa nào tự giác nhận quân xanh


Nhiều! Rất nhiều bài thơ thế sự của anh rất nhẹ nhàng mà thâm trầm, ý vị, kêu gọi chống chọi với thời gian, với cái ác và sự nguội lạnh của con người. Ngẫu hứng về chiều, Chuyện về chim Vàng Anh, Với người không gặp, Rốt cuộc, Tư duy, Trên đường, Thơ vui về người đi xe đạp trên đường phố Hà Nội, Chiếc cà - vạt của Êxênhin tự bạch, Đan Thiềm, Thăm nhà thờ Nguyễn Công Trứ... là những bài thơ đánh thức khả năng hướng thiện trong ta một cách thâm trầm mà mãnh liệt.

Thơ Hồng Nhu nhiều bài, nhiều câu buồn nhưng là cái buồn rất người trước “những điều trông thấy” của tha nhân và chính mình. Trạng thái cô đơn trước ngày đông heo hút, mẹ từ biệt cõi đời; trước cuộc tiễn đưa với sân ga vắng lặng và trước sự ly tan vĩnh biệt một mối tình đi vào thơ là rất thật, để còn lại thi nhân úp mặt ngậm ngùi:

- Nghe cô đơn ớn lạnh cả hiên thềm
- Nghe cô đơn đơn thấm đẫm cả sương mù
- Nghe cô đơn cay đắng cả tim đèn


Và có cả nỗi cô đơn kiêu hãnh trước thói thờ ơ, giả trá của người đời. Tất cả đều cần và có ích. Vâng! Nỗi cô đơn đúng nghĩa bao giờ cũng có ích.

Trong mọi chủ đề và mọi hướng cảm xúc, bao giờ Hồng Nhu cũng cố gắng phát hiện một điều gì đó mới mẻ cho thơ. Cần khẳng định rằng hình thức và thể thơ mà Hồng Nhu vận dụng không mới. Anh quan tâm ở việc kiếm tìm về hình ảnh, liên tưởng, suy tưởng và tứ thơ, đặc biệt là cách nói, là cái nhìn nghệ thuật. Ví như những câu sau đây, theo tôi là hiện đại:

- Giá như đêm biết đừng khuya
Thơ tôi biết nói đầm đìa lời sương
- Cuộc đời như cái sân chơi
Tình yêu như cái thiếp mời không tên.
- Số đề có thể là thơ
Nỗi đau có thể như tờ biên lai

“Đầm đìa lời sương”
là bất ngờ vì không nằm trong trường liên hệ của người đọc. “Tình yêu như cái thiếp mời không tên” thì hụt hẫng, bẽ bàng, bất ổn; còn “Nỗi đau có thể như tờ biên lai” thì quả thật là giật mình, lạnh tanh. Chất thơ và giá trị của thơ Hồng Nhu không phải ngẫu nhiên mà có. Nó chính là những phát hiện của chiều sâu nội tâm nhà thơ, căn cứ ở trạng thái cuộc đời mà khái quát lên. Điều này được nhà thơ Lê Đạt khẳng định: Thơ là một cố gắng về mỹ học cũng là một cố gắng về đạo đức học”. (Sông Hương, 3/1998).

Nói về mình, về cuộc đời nhưng không dừng lại ở đó, nhà thơ mong ước sự sẻ chia, đồng tình hay phản đối trước những vui buồn và hệ lụy được nêu. Thơ chính là một mỹ học là vậy.

Đọc bốn tập thơ của anh: Ngẫu hứng về chiều, Nước mắt đàn ông, Chiếc tàu cau Rêu đá, ta bắt gặp một nét nổi trội trong thi pháp biểu hiện. Đó là nỗi khắc khoải thời gian. Điều này thường thấy ở bất cứ nhà thơ nào, nhưng ở Hồng Nhu có sự hội tụ khác. Anh có kiểu thời gian hồi ức, chiêm nghiệm, thời gian tâm trạng. Tất cả hòa quyện vào nhau tạo thành kiểu thời gian đêm. Tôi gọi thời gian đêm là kiểu thời gian hóa không gian (Le temps et l’espace s’entremêlent). Bóng đêm cũng chính là không gian chứ không phải chỉ là thời gian. Ở đó, nhà thơ ngồi thao thức để nghiệm ra lẽ đời và tìm chữ nghĩa cho thơ. Nhờ vậy, anh được “thức tròn đêm chuyển giao”, nhìn thấy “trăng quỳ đầu sông” “sóng chớm điều rưng rưng” để nhận ra tâm trạng có thật cõi lòng: “Hạ huyền đêm day dứt mái tranh/ Đỏ úa cả câu thơ người để lại”.

Hết ngủ rồi tỉnh giấc “đêm và tôi cùng uống” để thấy mình không vô nghĩa trước hồng hào ngọn lửa và trắng tinh trang giấy:

Đêm ngồi viết những dòng lệ nhỏ
Mà thấy mình tan nát, hư không.


Đêm là thời gian và không gian hóa trong nhau. Những câu thơ viết đợi tiếng gà và mặt trời trở thành “thi pháp của đêm” nhức nhối:

Tôi đã yêu qua nhiều điều không đáng ghét
Nên mặc nhiên nghi hoặc chính mình luôn
Với thi pháp của đêm trường giá rét
Tôi viết lên nắng ấm chuyện ngày buồn.


Hoặc:

Buồn xé ruột tôi ngồi xem bóng tôi
Hóa ra bóng tôi đời hơn tôi thật
Đốt nén hương tôi tạ từ trời Phật
Để bóng tôi ở lại làm người


Đêm trở thành nơi trầm tư, chiêm nghiệm. Nó là âm bản của khát vọng đời người và phúc lành mơ ước. Nỗi buồn đau nhân thế rồi cũng chẳng là gì nếu nó không biến thành niềm ân hận cho những ai trót thờ ơ, giả dối cố “giữ lại tháng ngày cho thề thốt” những điều vô nghĩa trước thời gian:

Đêm không biết chờ mong cứ dài trong huyền thoại
Cứ hồn nhiên đen như việc phải làm
Người không biết dối lừa đã đi không trở lại
Có mấy đốt tay gầy em bấm chết thời gian.


Cứ thế, Hồng Nhu thành “Người - Suy - Nghĩ” trong đêm để kiếm tìm sự thật “Thời gian đi như những chiếc gai nhọn hành quân/ Tìm về bí ẩn “cốt mong sao” “Điều nhức nhối khỏi cần phiên dịch/ Thẳng vào lòng bằng mắt siêu âm”. Khi ấy, có nghĩa là niềm tin vào điều tốt đẹp đã chiến thắng trước sự ngụy trang, hờ hững:

- Anh còn em biết là còn sợ hãi
Ngày xấu đi, ngày tốt lại quay về.
- Ra khỏi cuộc buồn nghe mình ấm sực
Tôi nhiệt cuồng giao phối với cây xanh
Nhưng cũng lúc người yêu tôi duy nhất
Khóc gọi tôi dưới lớp cỏ đen dày


Từ kiểu thời gian đêm khách quan, anh nhận ra thời gian sinh học đời người và không ngừng tự vấn về sự hiện hữu của chính mình. Sự lựa chọn hiện sinh do chính từng cá nhân trả lời và quyết định “không nên sống quá thời của mình” “cố gắng thêm, có khi thành vô trách nhiệm”. Vậy là rõ, thông qua phạm trù thời gian, anh tiến xa thêm một bước để triết lý thời gian, bởi vì con người hay tự đánh lừa mình và không ngừng ảo vọng:

Con người quá quen với dửng dưng
Rồi tự cho mình là từng trải
Rồi dẫm lên hiện tại, quay lưng
Nhìn tương lai mắt mở hoang dại.


Phải lấy nỗi đau chống lại nỗi đau, lấy sự đánh lừa chống lại sự đánh lừa, lấy ảo vọng chống lại sự ảo vọng mới mong khải thị lòng tin vào những gì tốt đẹp rồi sẽ đến:

Tôi thường chống chọi với nỗi đau
Bằng một nỗi đau hơn gấp bội
Chỉ cách đó tôi mới mong nhẹ tội
Với chính tôi thương tích nát nhàu


Có thể nói rằng nhận ra sự hợp lý của lẽ đời để sống tốt, để hiểu “về sự đổi thay màu không chỉ của Vàng Anh” càng làm cho hành trình về đích của thơ anh càng suy tư và nhân ái. Anh tin “Giữa dối trá tình người/ Một cái gì đó rất thật” từ cỏ mọc lên, nhắc nhở thơ mình:

Tôi đã làm gì cho giận dữ
Tôi đã làm gì cho yêu thương
Liệu trang giấy ồn ào câu chữ
Có làm đời giảm bớt tai ương?


Nghĩ và thao thức và tin yêu. Cứ thế thơ Hồng Nhu đi bên cạnh nỗi buồn đau cao sang và có ích. Và trong một ý nghĩ đích thực của thi ca và triết mỹ, có thể nói rằng sứ mệnh của nhà thơ đã đi gần về đích sự viên thành.

Trở lên là thơ thế sự. Bên cạnh đó, anh cũng dành cho tình yêu những cung bậc thăng trầm.

Thơ tình Hồng Nhu nhiều day dứt, trăn trở. Có lẽ anh là người không may mắn trên đường tình. Tuổi trẻ đi qua với những ly tan, mất mát để giờ xa xót cùng thu. Bài Uống cùng Huế là một điển hình. Tiêu đề bài thơ là Uống cùng Huế, nhưng toàn bộ là cảm và nhận, liên hệ và đối chiếu, hữu thức và vô thức, sum hợp và ly tan. Chỉ đến cuối bài thơ, ta mới thấy tác giả, trong độc thoại, chếnh choáng uống ánh trăng để hồn mình bơi trong rượu làng Chuồn cùng Huế qua đêm:

Rượu Chuồn này chén trăng bơi
Uống cùng Huế với cuộc chơi sang ngày.


Mở đầu bài thơ là một tiếng thở dài, một nỗi niềm đã tan thành dĩ vãng, nhìn vào đâu cũng thấy sự hờ hững, lãng quên:

Bây chừ còn có chi mô
Dặt dìu con nước ngẩn ngơ mạn đò
Dòng sông cứ mực lững lờ
Chảy như quên chảy và bờ... cũng quên


Theo cảm thức và giọng Huế, câu thơ “Bây chừ còn có chi mô” là một việc đã rồi, không thể cứu vãn tình thế, nhưng thực tế, nhiều day dứt và luyến lưu trong ý thức níu giữ và đau khổ của chủ thể trữ tình. Ba câu thơ tiếp chính là cảm nhận tâm lý từ tác giả thổi vào cảnh vật: “Dòng sông cứ mực lững lờ/ Chảy như quên chảy và bờ... cũng quên”. Sự lững lờ và dùng dằng của con nước rõ ràng là sự nhớ, sự trì hoãn của chính con người đấy thôi, làm sao mà quên được! Thu Bồn cũng đã nói hộ ta trạng thái này: “Con sông dùng dằng con sông không chảy/ Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu” (Tạm biệt). Câu thơ của Thu Bồn hay nhưng rõ quá. Hồng Nhu kín đáo và ẩn dụ. Nói “ngẩn ngơ mạn đò”, “dặt dìu con nước”, nói “dòng sông” “bờ”,... nhưng chính là nói trạng thái của con người. Thiên nhiên ở đây, được một lần nữa hòa điệu nỗi lòng tác giả qua tiếng mưa thềm và tiếng chuông trong đêm sương lạnh - dù một tiếng, một khắc thôi cũng đủ ủi an hồn người, ấm áp niềm đau: “Thì thôi một giọt mưa thềm/ Thì thôi một khắc chuông rền chùa sương”. Và trong liên tưởng đồng hiện, tác giả hữu thể hóa một bóng hình đang hút xa dần trong dặm trường nhòa nhạt, lạnh lùng và đơn chiếc:

Người đi bóng cắt dặm đường
Lạnh như tiếng vạc kêu thương ngang trời.


Hai câu thơ gợi nhớ cảnh đoạn trường của Nguyễn Du trong Truyện Kiều: “Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường”.

Bốn câu thơ tiếp theo là một nét độc đáo của Hồng Nhu. Từ trạng thái tình cảm ly tan có thật, sự đau khổ, tiếc nuối có thật, dẫu tác giả không cho biết nguyên nhân, ta vẫn có thể đồ rằng cả người đi và người ở đều đau xót, lưu luyến như nhau. Có thể sự chia ly không phải là cảnh ngộ mà là hư cấu, là sự tự quên mình để được thương nhớ, được đắng như hạnh phúc của chính người thơ:

Tôi nhìn ngọn lá vèo rơi
Thấy con mắt lạ một thời Huế xa
Mắt là mắt của người ta
Tôi đem mở nhắm như là mắt tôi


Nhìn lá thấy con mắt là liên tưởng đồng dạng, nói được trạng thái tình yêu và nỗi nhớ. Có nhà thơ cũng ví nụ hôn như chiếc lá kia mà! Nhưng tại sao ở đây lại là “con mắt lạ một thời chưa xa”? Là cách nói để nói hay là một ảo giác, một giận hờn, một trách móc? Có lẽ, vế sau là đúng. Giận hờn, trách móc để càng yêu thương, vì thế, mới đồng nhất hóa đôi mắt người tình thành mắt mình để được soi vào nhau, được sở hữu, hành động và chiếm lĩnh: “Mắt là mắt của người ta/ Tôi đem mở nhắm như là mắt tôi” - hai câu thơ lạ và hay nhất, diễn tả được sức năng động và mãnh liệt của tình yêu.

Thế nhưng, cũng chính lúc này đây, cái sở hữu mỏng manh ấy không đủ sức níu kéo và trì hoãn phút đồng nhất thể “con mắt lạ” của người tình và mắt mình để được “mở nhắm” trong nhau một cách say mê-dù chỉ là tưởng tượng. Vì vậy mà diễn biến tâm lý tiếp theo là sự bẽ bàng, vỡ mộng và pha chút trái ngang. Một lời than kín đáo cũng phải tựa vào thiên nhiên và thời gian-không gian hoài niệm để tự an ủi cho người tình, mà thật ra, chính là cho mình:

Ôi thu thu lỡ thu rồi
Tôi chôn tôi dưới lá đồi Thiên An
Phía đâu như phía muộn màng
Em như em của muôn vàn nổi trôi...


Một lần ly tan, lỡ làng vì định mệnh hoặc trắc ẩn nào đó của cuộc tình sẽ là một chấn động mạnh trong đời. Ở đây, tác giả có than trách “hộ” cho em, cho sự muộn màng, để thành “Em như em của muôn vàn nổi trôi”. Nhưng ngẫm kỹ, đâu phải vậy. Nhân vật “tôi” trong bài thơ khổ luỵ hơn nhiều, từ “như” ở hai câu thơ này chính là nghĩa kép. Em có muộn màng đấy, nhưng tại sao lại phải nổi trôi? Có một giới hạn nào đó mà họ không dám vượt qua.“Tôi chôn tôi dưới lá đồi Thiên An” là hành vi tự thú của chàng trai về nỗi bi tình; dù muốn tự chôn mình dưới xác lá thời gian để chứng minh cho lòng thành thì cuối cùng cũng chỉ là tình yêu trong cách chia, xa xót.

Tôi đồ rằng, nếu đây là cuộc tình có thật của những ai đó trong đời, thì đến đây, họ không còn gì để nói nữa. Họ chỉ im lặng hiểu, yêu và tôn vinh cho niềm đau khổ của mình - như cách thế - để được yêu mãi mãi, dù trong tâm tưởng, cách xa.

Trạng thái tiếc nuối là có thật “Tuổi xuân tôi qua mất/ Tìm đâu tháng năm dài?” dù có lúc người thơ cũng thấy mình hờ hững, mong xoa dịu nỗi buồn tủi của người yêu:

- Bây giờ áo mỏng sông xa
Mùa thu tội nghiệp em qua một mình.
Tôi như giọt nắng vô hình
Ngày đêm nấn ná trên cành hoa sim
- Giá biết đêm xuân con nước dịu dàng
Em đã tắm buổi hoàng hôn hồi hộp


Tình yêu trong đoạn đời còn lại, với Hồng Nhu, như là sự níu kéo, bù đắp. Không lãng mạn, sôi nổi như thuở yêu đầu, trái lại, có gì như dè dặt, phân bua, bất ổn: “Em và tôi như mưa nắng khác thường/ Bỗng một chiều hoảng sợ thấy mình không còn trẻ”. Không còn trẻ cùng nghĩa với sự đứng tuổi, sự hồi xuân. Vậy nên trước “Những ánh mắt vô cùng/ Những chuỗi hôn chóng mặt”, tình yêu sẽ thức dậy dù anh biết rằng “Sự thủy chung bèo bọt”, “Sự nô lệ dịu dàng/ Sự vuốt ve khủng khiếp”. Cuối cùng, đành chấp nhận sự kiêu bạc lưỡng phân để có cớ hy vọng, khát tìm:

Tôi xin em đừng nói gì
Hãy rót giùm tôi một ly nước đá
Và đừng nhìn tôi
Để tôi nhìn em lửa lập lòe qua đầu thuốc lá.


Trạng thái lưỡng phân trong tình yêu dường như là quy luật của tình cảm. Bất chợt đến, bất chợ đi nhưng không hề lụi tắt:

Đã từ lâu bị làm lạnh chiếc hôn
Tôi còn giữ chút khả năng đau khổ

...
Đã từ lâu bị mất cắp nụ cười
Tôi còn lại chút tình yêu giăng mắc.


Vì vậy, để hiểu chính mình không có cách nào khác là phải gián cách với người mình yêu bằng khoảng cách song hành có thể tiếp cận được:

- Hết ngày thì lại đến đêm
Hết tôi thì lại đến em qua, và
- Thì vẫn biết đất trời lồng lộng
Xanh với em cho tận cuối đường chùa
- Tiếng chim hót hiếm hoi bờ ảo mộng
Ngày còn dài đêm chẳng ngắn riêng ta...


Thơ tình Hồng Nhu nhờ vậy mà có tiếng nói riêng trước những điều muôn thuở. Khát vọng giao hòa luôn thường trực trong những thao thức đêm để tìm gặp chính mình:

Tôi không tìm một nửa cô đơn
Cho một nửa u buồn hay ngang trái
Nhưng tôi biết một nửa em dành lại
Sẽ từ đây hai nửa của tôi hơn


Đêm chính là lúc Hồng Nhu hiểu mình rõ nhất. Tôi gọi đó là thơ của những thao thức đêm, thi pháp đêm để hiểu phía ngày, phía chói chang nắng ấm.

*
Hồng Nhu gắn bó duyên nợ với văn xuôi một đoạn dài. Tuổi đã về bên kia đỉnh dốc, anh lại đến với thơ. Như một cách để đúc kết, để cân bằng và không phải ai cũng may mắn như anh. Chất đời, chất sống bộn bề của mấy mươi năm văn xuôi, giờ đây được dồn nén, tinh lọc và đi vào thơ, đi vào người đọc đầy suy tư, bất ngờ, tươi xanh. Trái lại, đến lượt mình, thơ đã làm người đồng hành mơ mộng và lãng mạn cùng truyện ngắn của anh, tạo nên sức hấp dẫn mới mẻ, thâm thúy, gần gũi nhưng không kém phần triết lý. Riêng lĩnh vực thơ, Hồng Nhu đã không ngừng tăng cường chất sống và chất nghiệm sinh cá nhân mình. Thơ anh có nhiều phẩm chất và nhiều khía cạnh thi pháp cần tìm hiểu. Nhưng đó không phải là công việc của bài viết ngắn này. Nhìn thơ Hồng Nhu một cách khái quát thông qua đặc điểm thời gian nghệ thuật và nét đẹp câu chữ, hình ảnh, chúng tôi nghĩ cũng phần nào gợi mở nhiều cách đánh giá khác đối với một người ít nghĩ về mình - và vì vậy - cũng thiệt thòi như Hồng Nhu.

Vỹ Dạ - Huế, 3/2021
H.T.H  
(TCSH388/06-2021)



 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Biệt cố hương (20/07/2021)
Đôi mắt em (16/07/2021)