Tạp chí Sông Hương - Số 389 (T.07-21)
Lãng mạn ở Rừng Thông
09:56 | 03/08/2021

NGUYỄN THU PHƯƠNG   

Tôi biết bố tôi tận đến lúc này vẫn không thể vui, nhưng rốt cuộc ông đã liên tiếp nhân nhượng tôi.

Lãng mạn ở Rừng Thông
Minh họa: Đặng Mậu Tựu

Khi tôi chuyển một cú ngoạn mục từ đại học Khoa học xã hội và nhân văn chuyên ngành Văn học Anh sang… bỏ học không lưu điểm và đi học làm đầu bếp, bố tôi đã bị sốc rất nặng. Tôi thấy ông rối trí gọi điện khắp nơi để hỏi chỗ trị liệu tâm lý, cả cho tôi lẫn cho ông. Nhưng lẽ đương nhiên tôi từ chối, còn ông thay việc đó bằng những trận nhậu với mấy người bạn lớn tuổi, để tham khảo ý kiến họ và lắng nghe kinh nghiệm. Sau này tôi kín đáo khai thác qua mẹ tôi, thật ra cũng chẳng phải khai thác gì, chỉ cần tôi hỏi nhẹ một câu mẹ đã mau mắn kể ra hết, rằng các bác lớn tuổi ấy đều nói cùng một câu: có lẽ bố tôi nên tập dần cho quen, từ tầm này trở đi con cái sẽ toàn ương ương như thế, chúng thậm chí còn không tham khảo ý kiến bố mẹ trước khi quyết định. Chỉ có thời xưa bố mẹ mới mắng sa sả con mình rằng “cá không ăn muối cá ươn”, chứ thời bây giờ, cá muốn tươi ngon có thể có cả trăm cách ướp không cần muối.

Tôi biết rõ rành như thế, vì tôi đang học làm đầu bếp.

Bố bực mình tôi rất nhiều, nhưng đến lúc tôi cần - ông vẫn giúp nhiệt tình.

Thật ra tôi có hơi rườm rà. Muốn tìm hiểu về bất cứ thứ gì trong cái thời đại 4.0 này, chỉ cần lên mạng search sẽ ra, tha hồ nghiên cứu, nhưng tôi lại mong được hiểu biết những kiến thức không giáo điều, và trải nghiệm những thứ mới mẻ trong thực tế không hề ảo, nên giờ tôi ở đây. Căn phòng mười bốn mét vuông trông khá cổ lỗ sĩ, hơi thiếu tiện nghi, nhưng bố khẳng định không phải ai muốn cũng được ở. Bố nói thuê nhà trọ không khó, giá cả chắc cũng mềm, nhưng ông vin vào câu tôi tuyên bố sẽ phải kiếm ra tiền ngay trong lúc đang đi học - nên từ chối chu cấp cho tôi khoản này. Đổi lại, ông gửi gắm tôi cho người bạn, làm chức gì đó ở đoàn ca hát gì đó của đất cố đô, nhờ chú ấy giúp tôi có được một nơi ở miễn phí trong ba tháng. Tin không tốt là chú Nhân đang đi học khóa chính trị gì đó không có ở đây, nên mọi thu xếp của chú đều chỉ qua điện thoại. Và tin tệ hơn là chú đã giao trọn việc đó cho Thùy Hương, con gái chú. Cô ta đang đứng kia, vẻ mặt bơ bơ, hai tay đút túi quần Jean - kiểu quần rách tướp cố tình, giọng cô ta lạnh lùng:

- Căn phòng này là tài sản của Đoàn, không phải nhà trọ và cũng không cho ai ở nhờ. Nên giờ anh muốn ở miễn phí thì phải trả lại bằng công lao động.

- Em muốn tôi làm gì?

- Làm lao công, dọn vệ sinh hàng ngày.

- Ừm, chuyện đó đơn giản mà. Tính tôi ở đâu gọn đó…

- Không phải chỉ dọn trong cái phòng của anh mô. Dọn hết cả khu ni.

- Sao lại thế? Vậy trước khi tôi tới ai làm?

- Có dì Xoan, nhưng dì ấy vừa xin nghỉ, đi chăm con gái mới sinh.

Và Thùy Hương nói thêm, nhờ vậy nên mới có cái phòng trống vừa đúng ba tháng cho tôi. Tôi biết mình không thể từ chối, nhưng tôi còn nhiều thứ phải làm nên không thể tốn thời gian cho cái công việc lao công đó. Tôi yêu cầu Thùy Hương liệt kê cụ thể, cứ gạch đầu dòng ra hết, mỗi ngày tôi làm đúng các việc ấy, xong là thôi, không thêm không bớt. Nhưng đáp lại sự hung hăng rất kín kẽ đó của tôi, cô ta lạnh nhạt nói sao anh không tự đi mà tìm hiểu. Mục đích cuối cùng là xanh-sạch-đẹp. Cứ làm sao coi được. Đừng để cha cô ta mang tiếng vì đã bảo lãnh cho tôi...

Lẽ tất nhiên tôi chỉ hứa với Thùy Hương cho qua chuyện. Tôi đang sốt ruột đi gặp chú Vĩnh Tường. Công bằng mà nói, tôi thật sự phục bố, ông quen biết rất đông bạn bè thành đạt trên nhiều lĩnh vực, mà ai nấy tình thân đều đủ đậm - ở mức hễ tôi đến cùng với lời gửi gắm của bố, là chắc chắn sẽ được họ giúp đỡ. Chú Vĩnh Tường hiện đang là bếp trưởng phụ trách nhà hàng Hoa viên Cung đình, nhà hàng nổi tiếng với thực đơn tinh túy và sang cả, toàn những món ngày xưa chỉ dành cho vua chúa. Tôi đến xin học nghề, nhưng chú nói chú quá bận không thể dạy. Chú sẽ giúp bằng cách nhận tôi vô làm phụ bếp, có lương hẳn hoi. Và chú hứa sẽ không giấu nghề, tôi cứ thoải mái quan sát và học hỏi, cái gì không biết, thắc mắc, chú sẽ giải đáp. Tất nhiên với điều kiện không phải mọi lúc mọi nơi, những khi chú đang tập trung làm việc thì tôi cần im lặng, và tôn trọng… Với tôi như thế đã là quá đủ. Thích nhất là tôi sẽ được thực nghiệm thường xuyên, lại còn được trả tiền để làm việc.

Tôi đã xài hai tuần của mình ở đất cố đô để bắt nhịp rất nhanh với nề nếp sống vốn dĩ rất thanh bình này. Căn phòng nhỏ nơi tôi ở ké với Đoàn ca hát gì đó của chú Nhân (thật tệ đã hai tuần trôi qua nhưng tôi vẫn không thể nhớ chính xác được tên cái Đoàn hát đó) chỉ đơn thuần là chốn cho tôi đi về mỗi tối, tắm rửa xong lăn ra ngủ ngay. Tôi thậm chí còn không biết cả khuôn viên đó bao gồm những thứ gì. Tôi cũng không gặp lại Thùy Hương. Còn chú Nhân, có vài lần chú gọi cho tôi, hỏi tôi ăn ở có thoải mái không, và dặn nếu cần gì cứ gọi em Hương - em sẽ giúp. Tôi biết bố tôi đã khéo léo làm thay tôi tất cả những phần công việc mà ông gọi là “xã giao”, nhưng chính là ông đối đãi với bạn bè bằng tấm lòng hết sức chân thành, tận tụy. Bạn bè thương quý ông chính vì điều đó. Căn nhà của gia đình tôi trong thành phố luôn là cái trạm dừng chân của rất nhiều người từ nơi khác đến, bố tôi tiếp đón, đãi đằng, bận rộn, trân trọng tất cả họ. Rất có thể chú Nhân đã từng đến nhà tôi trong dịp nào đó, chỉ là tôi không để ý nên không nhớ chú mà thôi.

Ngày thứ mười lăm của tôi ở đất cố đô. Hôm đó là thứ hai. Buổi chiều có khách VIP đặt nem công chả phượng cùng mâm tiệc sáu món cung đình, khách siêu kỹ tính nên chú Vĩnh Tường siêu khắt khe, vì thế chúng tôi bị dồn tơi tả, bận rộn suốt cả ngày. Bận nhưng vui với cảm giác cỗ bàn bày lên đều là những tác phẩm đỉnh cao của nghệ thuật ẩm thực đất kinh kỳ, chứ không đơn thuần chỉ là đồ ăn thức uống. Theo yêu cầu của khách, có tay máy chuyên nghiệp tới chụp lại các món ăn trước khi họ nhập tiệc, nhưng tôi đã tranh thủ chụp lén trước bằng điện thoại. Tôi đặt tên album ảnh đó là “Nghẹt thở”, quả tình cảm xúc của tôi lúc đó chính xác là như vậy, mọi thứ đẹp đẽ hoàn hảo đến từng chi tiết. Tôi mê man hạnh phúc khi được là một chiếc bánh răng trong cả guồng máy, để tạo nên những tuyệt tác đó.

Về tới nhà thì đã hơn chín giờ đêm. Khi đứng trước căn phòng nhỏ loay hoay mở khóa cửa tôi mới nhận ra, có những lúc chẳng khao khát gì hơn chiếc giường. Chỉ mong mau chóng được lăn ra, nằm nhắm mắt dang rộng đôi tay, hít thở sâu, mường tượng lại những cảm xúc tuyệt vời đã xảy đến với tôi trong ngày. Thế rồi tôi bỗng phát hiện chìa khóa và ổ khóa không hề là một cặp. Nếu tôi tiếp tục xoay trở trong bế tắc, hoặc sẽ làm gãy chìa, hoặc sẽ nổi điên. Do đó tôi lôi điện thoại ra lục tìm số máy của Thùy Hương, dù tôi không nhớ có lưu hay không. Quả nhiên tìm mãi vẫn không thấy, nên tôi đành phải đánh đường vòng gọi cho chú Nhân. Chú hơi ngạc nhiên do thấy tôi gọi muộn. Đến lúc tôi bấm gọi Thùy Hương (theo số chú Nhân cho) thì mới biết tôi đã lưu tên cô ta là “Mắm Ruốc”. Mắm Ruốc tỉnh bơ:

- Biết chắc anh sẽ gọi, chỉ ngạc nhiên vì anh để tới giờ này.

- Cô thay ổ khóa mới, tại sao không báo tôi?

- Báo chi. Vì tôi không muốn cho anh vô nhà mà.

- Tại sao không cho vô…

Tôi nghe giọng mình quát tháo cô ta thật hung hãn, như thể nếu cô ta đang ở trước mặt thì tôi có thể đánh cô ta, thậm chí xô cô ta ngã. Nhưng không ngờ cô ta xuất hiện trước mặt tôi thật, chỉ sau mấy phút. Tôi ngớ người nghe cô ta giải thích:

- Tôi đang ở sân khấu. Chỉ cách chỗ ni có mấy bước chân.

Trời đất ạ, đến tận bây giờ tôi còn chưa biết có một cái sân khấu ở bên đó. Nhưng trong cơn điên giận tôi đâu thèm quan tâm, tay lắc cái ổ khóa, mắt trợn trừng, răng nghiến lại chất vấn, có lẽ trông tôi lúc đó biến hình như con cá mặt quỷ.

- Cô làm cái trò gì vậy hả?

- Anh vô lấy đồ đi nghe, rồi dọn qua chỗ khác ở. Anh không được ở đây nữa.

- Sao vậy, dì Xoan quay về đòi phòng hả?

Mắm Ruốc lắc đầu. Cô ta nói không thể tưởng tượng được là tôi trơ và lì tới mức vậy. Suốt nửa tháng qua, tôi không một lần thực hiện nhiệm vụ lao công như đã thỏa thuận, mà cũng không tỏ ra áy náy. Theo ý cô ta, thà căn phòng bỏ không còn hơn để chứa chấp một tên hứa hão như tôi... Tôi thấy cô ta nghiêm giọng, rất căng, lạnh như băng giá. Hay cô ta chờ tôi xuống nước năn nỉ. Có lẽ cô ta nghĩ tôi cùng đường, nên bị ép tới đâu cũng phải nhẫn nhịn. Nhưng tôi chỉ nói:

- Mở cửa ra cho tôi vô lấy đồ. OK, tôi sẽ dọn đi ngay.

Mắm Ruốc không biết rằng lúc sáng nay chú Vĩnh Tường mới hỏi thăm tôi có cần nơi ở không, chú giới thiệu chỗ nhà quen, giá thuê mềm và rất gần nhà hàng, tôi đi về sẽ còn tiện hơn cả ở đây. Làm phụ bếp có lương nên tôi đủ khả năng chi trả. Chỉ do tâm lý muốn tiết kiệm, tiếc chỗ ở miễn phí nên tôi còn nấn ná. Bây giờ bị con nhỏ đáng ghét (gắt òm như mắm ruốc chưa pha này) xử ép, sĩ diện thằng con trai bị tổn thương, tôi không chịu được nữa. Cô ta đứng nhìn tôi thu gom đồ đạc nhét vào vali và cái túi lớn, bằng cái giọng xuống nước bỗng mềm như bún, cô ta cố phân bua vì tức giận tôi nói được không làm được nên mới căng, bây giờ cô ta rất mong cả hai cùng bớt nóng, từ từ suy nghĩ lại. Cô ta thẽ thọt khuyên giải, nếu như tôi tử tế nghe theo lời cô ta ngay từ đầu, mỗi ngày bỏ chút thì giờ quan tâm tới chung quanh, chăm sóc nâng niu các thứ, thì tình thế chắc hẳn sẽ khác.

Nhưng giờ tôi đã cáu. Tôi nghĩ cô ta không có quyền lên mặt phán xét, cô ta, nói cho cùng chỉ là một con nhóc được bố giao chiếc khóa phòng để đưa lại cho khách, và tôi ở đây dựa trên mối quan hệ bạn bè thân thiết giữa bố tôi và bố cô ta, nên tôi không có trách nhiệm phải làm vui lòng một đứa con gái vừa mới hết tuổi teen (nhưng chưa hết tật khó ưa hội chứng dậy thì). Bởi vậy hãy thôi cái trò mắm ruốc chưa pha đi cho tôi nhờ. Lúc đó cô ta sững người nhìn tôi, rồi hỏi lại - có thật tôi đã nghĩ về cô ta như thế: “một đứa con gái vừa mới hết tuổi teen”. Ừ đúng, tôi điềm tĩnh gật, xác nhận, còn không phải sao. Và tôi bổ sung thêm, bố cô ta đặt cho cô ta cái tên Thùy Hương hình như không đúng lắm. Thùy Hương thì sao, cô ta nhíu mày thắc mắc. Thùy Hương nghe sâu sắc và ý tứ, trong khi cô thì…

Tôi cố tình bỏ lửng câu nói ngay tại đó, vờ tặc lưỡi, lắc đầu ngao ngán. Tôi đoán gương mặt cô ta đang đỏ bừng lên vì tức giận sau lưng tôi. Thì “hời hợt vô tâm”, đâu cần quá thông minh để tìm ra các từ xác đáng điền vô chỗ trống. Tôi nhặt xấp bài báo photo trên đầu tủ, bỏ luôn vào túi xách. Những bài viết khá hay về các điểm du lịch ở đất cố đô, nhưng là những điểm lạ không có trong các tour thông thường. Tối thứ sáu tuần trước khi tôi đi làm về thì thấy người ta nhét qua khe cửa, chắc của công ty du lịch nào đó quảng cáo để bán tour. Cuối các bài đều có dòng chữ viết tay nắn nót: nếu anh muốn đi các điểm này thì gọi điện cho T.H. Tôi đã đọc một lèo hết các bài, kiểu viết bay bổng và dí dỏm, có giọng điệu rất riêng khiến tôi thấy thú vị. Hẳn người viết phải là dân đam mê du lịch và cực kỳ yêu xứ sở của mình thì mới phiêu và ghi chép lại được những hành trình lãng mạn đến thế. Nhưng tôi đã chơi trò tinh quái, tôi không gọi tới cái công ty du lịch T.H đó mà tự mày mò đi. Tôi chọn điểm đầu tiên là ngọn núi trên đỉnh mù sương ở phía Nam thành phố. Tôi dành nguyên cả ngày chủ nhật để khám phá, lẳng lặng so sánh với những dòng cảm xúc tươi rói và trong trẻo trong bài báo kia. Tôi đi tìm từng góc chụp để có được những tấm ảnh tương tự như các ảnh minh họa của bài. Tôi dự định ba tháng ở đây, mỗi dịp cuối tuần tôi sẽ tiếp tục đi, cho đến khi nào check-in bằng hết các điểm lý thú tuyệt vời được viết trong xấp bài báo đó.



Ngày thứ hai mươi tôi ở đất cố đô. Thứ bảy đẹp trời nên tôi quyết định buổi tối sẽ đi nghe ca Huế. Từ nơi trọ mới của tôi đi tới điểm tham quan du lịch nào trong thành phố cũng tiện, tôi lang thang tản bộ chán rồi vẫy một chiếc xích lô, bảo họ chở ra bến thuyền. Lúc mua vé ở quầy, người bán vé hỏi tôi sao đi có một mình, nhưng tôi bình thản đáp vì tôi sống ở đây lâu chứ không phải khách du lịch vãng lai ngắn hạn. Kể cũng hơi chạnh lòng khi đã mấy tuần trôi qua mà tôi vẫn chưa có bạn, chưa thấy ai đủ thích để rủ đi chỗ nọ chỗ kia. Và riêng cái điểm rất không quảng giao này tôi thua xa bố, ông là người thân thiện, siêu dễ làm quen và cực kỳ nhanh kết mối quan hệ. Nhưng có thể suốt cuộc đời dài luôn ấm áp quây quần đó, có những điều bố tôi chưa hề biết - do chưa từng trải nghiệm, rằng con người vẫn có thể sống vui cho dù chỉ một mình. Bởi những niềm vui của mỗi người vốn không hề giống nhau, như cách người ta chọn con đường để đi cũng không đồng dạng.

Vậy là tôi được ghép chung với một đoàn du khách khác, lên chuyến thuyền thả trôi ra giữa dòng Hương. Người ta trải những chiếc chiếu hoa trong lòng con thuyền và chúng tôi ngồi quây thành vòng ở một phía, còn phía kia là ban nhạc. Chính ở đó đã có một điều bất ngờ khiến tôi chết sững: Thùy Hương tóc buông lơi xinh đẹp đến nao lòng với áo dài tím biếc thùy mị, ôm cây đàn tỳ bà, đang chuẩn bị vô tiết mục đầu tiên. Rồi nàng cất giọng ngọt ngào, da diết, như chẳng có gì liên quan giữa đứa con gái hời hợt vô tâm đã bị tôi gọi là mắm ruốc chưa pha với ca nương quá yêu kiều, ma mị, thướt tha kia... Tôi đã nghĩ lung tung đủ thứ, rằng đó không phải là Thùy Hương đâu, chắc chị gái của cô ta, làm sao cùng một con người lại có thể phân thân quá tương phản nhau đến thế. Nhưng lời giới thiệu của MC tiếp sau bài hát đã khẳng định ca nương ấy đúng là Thùy Hương. Và tôi từ đó cho đến lúc hết sô ca Huế, kéo ra phía đuôi thuyền đứng nhìn du khách chen nhau thả hoa đăng, tâm trạng cứ bảng lảng bơ lơ, lững lờ y như những chiếc đèn phó mặc trôi xuôi dòng.

Tan suất hát, tàu vừa cập bến tôi hối hả đi tìm cô ngay. Nhưng cô còn nhanh hơn tôi, người giữ xe nói cô mới vừa chạy xe ra, hình như có việc gì gấp nên trông rất vội. Tôi lấy điện thoại ra tìm số máy của cô (trời đất ạ, tới lúc đó tôi vẫn để y cái tên Mắm Ruốc) và bấm gọi. Chuông đổ rất nhiều lần nhưng cô không bắt máy. Chắc cô để chế độ rung, chắc cô đang chạy xe trên đường, chắc điện thoại trong cốp xe vì cô đang mặc áo dài… Tôi đoán nhiều tình huống, nhưng cũng còn tình huống là cô thấy số máy của một tên đáng ghét như tôi nên mặc kệ. Mà nếu cô nghe, tôi cũng chưa biết phải nói gì. Rằng rốt cuộc ai mới đúng là kẻ vô tâm và hời hợt. Rằng tôi sẽ chẳng bận lòng nếu cô xuất hiện trước tôi trong xì-tai mắm ruốc chưa pha, nhưng hồn xiêu phách tán lúc cô diệu vợi ca nương - như bất cứ người đàn ông nông cạn nào khác, tôi vội đánh giá người ta qua lớp vỏ bên ngoài…

Tôi lững thững đi bộ về, từ chối hết những lời mời mọc của mấy bác xích lô cứ rà rà bám theo. Khi qua hết cây cầu và rẽ trái đi thêm được một đoạn thì Thùy Hương gọi lại. Cô hỏi tôi có chuyện gì không mà máy cô thấy cả chục cuộc gọi nhỡ, tôi nói muốn mời cô đi cà phê. Nhưng cô bảo đã khuya, cô đã về tới nhà nên không muốn ra đường nữa. Sáng mai cô có buổi tập ở sân khấu của đoàn, nếu tôi rảnh thì cứ tới. Tôi vui khi thấy cô vẫn mở cho tôi cơ hội.

Sân khấu của đoàn hát hóa ra cũng nhỏ và xuống cấp khá nghiêm trọng, nên người ta không thể sử dụng để biểu diễn. Sắp tới ngày lễ, đơn vị sẽ tham gia một số chương trình trong các hoạt động khá quan trọng và hoành tráng của đất cố đô, nên bây giờ phải ráo riết tập luyện. Tôi ngồi ngơ ngẩn nghe cô nói chuyện với mọi người, giọng Huế thanh thanh, du dương, ríu rít. Tôi lặng người nghe cô hát, những làn điệu dân ca êm ái ngọt ngào… Giờ thì tôi biết cô không phải một đứa con gái vừa mới hết tuổi teen, cô hơn tôi hai tuổi, nhưng cứ trẻ bâng. Cô không chỉ là con nhóc được bố giao chiếc chìa khóa phòng để đưa cho khách (là tôi, tên khách ngu ngơ ngốc đại), cô là giọng ca nữ chính của đoàn, nên dính trong gần chục tiết mục. “Vậy ngày nào em cũng phải tập hay sao?”, tôi nghiêm túc hỏi (đoạn này tôi đã biết tôi thua tuổi cô, nhưng vẫn lầy gọi “em”). “Không, chủ nhật em không tập” (đoạn này cô đã biết cô hơn tuổi tôi, nhưng có lẽ do quen miệng nên vẫn xưng “em”). Tôi kể chuyện xấp bài báo photo viết cực kỳ hay về các điểm du lịch thú vị mà người ta nhét qua khe cửa phòng tôi hôm trước. Tôi đã chấm “Lãng mạn ở Rừng Thông” cho chủ nhật sau. Tôi định hỏi Thùy Hương có thể đi cùng tôi không, nhưng hóa ra mở lời với cô rất ngại. Sau cuộc cãi vã vô duyên bữa ấy, tôi gọi cho chú Vĩnh Tường rồi xách gói dông thẳng tới phòng trọ mới. Từ đó tôi biệt tích. Vậy mà bây giờ tôi muốn bình thường hóa tất cả những câu chuyện đó.

- Em biết Rừng Thông, nơi đó lãng mạn lắm. - Thùy Hương nheo mắt nhìn tôi - Nhưng nếu anh đi một mình sẽ rất dở hơi.

- Anh cũng đoán vậy. - Tôi bắt nhịp ngay - Nên anh mới định hỏi em…

- Hỏi gì? À mà anh có biết ai gửi cho anh xấp bài báo đó không?

- Chắc công ty du lịch lữ hành nào đó. Kể ra người ta cũng chịu khó ghê, vô tới tận phòng anh để phát tờ rơi.

- Thế nếu không phải công ty du lịch lữ hành thì sao.

- Anh không biết. Nhưng nói chung họ đã không câu được anh. Anh sẽ nghe theo tất cả những gợi ý rất hay của họ, và tìm cách trải nghiệm hết giống như người viết bài đã trải, nhưng anh kiên quyết không mua dịch vụ. Anh muốn tự khám phá.

- Anh nghe theo hết những gợi ý rất hay của họ? - Thùy Hương nhìn xoáy vào tôi.

- Đúng vậy. - Tôi hơi lúng túng, chẳng lẽ tôi lại mới nói gì sai sao.

- Vậy còn dòng chữ viết tay ở cuối mỗi bài báo photo đó, sao anh không làm theo?

Tôi ngớ người, đưa tay bóp trán và cố nhớ. Cuối cùng cũng nhớ ra:

- “Nếu anh muốn đi các điểm này thì gọi điện cho T.H.”

Ừ nhỉ, nếu của công ty du lịch lữ hành nào đó thì tại sao không hề có địa chỉ. T.H, chẳng lẽ không phải Thùy Hương sao. Tôi đoán cô đang muốn dán lên trán tôi hai chữ “Đại Ngốc” thật to. Những bài báo ấy đều do cô viết, Thùy Hương cộng tác với chuyên trang du lịch của tờ báo tỉnh. Thỉnh thoảng khi hứng thú, cô làm tour guide cho du khách Tây ba lô có cùng sở thích… Cô như khối đa diện đầy năng lượng tích cực, nếu thật sự quan tâm và muốn tìm hiểu thì sẽ còn khám phá ra muôn mặt lấp lánh cùng trong con người cô. Chỉ vì tôi lơ đãng nên đã bỏ qua mấy lần cơ hội.

Rốt cuộc chủ nhật ấy chúng tôi vẫn chưa đi Rừng Thông. “Lãng mạn ở Rừng Thông” đã thành một thứ phần thưởng, sẽ chỉ được trao khi tôi xứng đáng. Thùy Hương nói nên bắt đầu lại từ những việc tôi đã hứa nhưng chưa thực hiện. Trong khi tôi cùng cô và mấy bạn trẻ ở đoàn hát cùng nhau dọn dẹp khuôn viên, cô kể tôi nghe về ngành nghệ thuật mà cô đang theo đuổi, về cha cô và tình bạn thân thiết của ông ấy với bố tôi. Hóa ra bố tôi từng có thời gian đến ở nhà cô khi ông ra đây công tác, cô đã rất quý mến ông vì cái cách ông chan hòa, thân thiện, cởi mở, thấu đáo. Khi nghe nói tôi ra, cô háo hức. “Em cứ hình dung anh giống bố, nếu không giống hết thì cũng ảnh hưởng nhiều. Nhưng không ngờ…”.

“Trái ngược hoàn toàn”, đó chính là đáp án thích hợp để điền vô chỗ trống. Trước đây tôi đã cố làm mọi cách để khác bố, là do tôi không muốn rập khuôn ông. Tôi cho như thế mới là thể hiện cái tôi riêng biệt. Nhưng bây giờ tôi thay đổi, tôi nghĩ nếu bố có những điều hay mà tôi không gắng học theo thì rất uổng. À quên chưa kể, hôm qua bố gọi điện hỏi thăm tôi, ông có nói bâng quơ về Thùy Hương: “Bố thấy con bé ấy rất thú vị, con đã làm cho nó thích con chưa?”.

N.T.P
(TCSH389/07-2021)




 

 

Các bài mới
Chùm thơ Tú Anh (20/08/2021)
Các bài đã đăng