Tạp chí Sông Hương - Số 389 (T.07-21)
Văn chương và những vấn đề toàn cầu hóa (nhìn từ tiểu thuyết Linda Lê)
15:25 | 31/08/2021

THÁI PHAN VÀNG ANH    

Cùng với sự dịch chuyển liên tục biên giới/ lằn ranh phân định giữa các quốc gia, dân tộc, những vấn đề toàn cầu hóa cũng ngày càng ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của nhân loại, đến từng số phận cá nhân.

Văn chương và những vấn đề toàn cầu hóa (nhìn từ tiểu thuyết Linda Lê)
Sách của Linda Lê - Ảnh: tư liệu

Câu hỏi “Đâu là nơi chúng ta có thể cảm nhận là nhà của chúng ta đây? (Nietzsche)” không chỉ mang ý nghĩa phi lí hiện sinh mà còn buộc con người phải suy nghĩ về tính không xác định của những giới hạn địa lý gắn với các khái niệm quê hương, tổ quốc. Toàn cầu hóa khiến ý thức về chủ nghĩa dân tộc thay đổi, khiến văn học phải vượt qua những ranh giới cả hữu hình lẫn vô hình để chạm đến những vấn đề phổ quát hơn, nhân văn hơn, gắn với những cuộc di dân, những dịch chuyển về quan niệm, tư tưởng trong một kỷ nguyên “không biên giới”. Trong bối cảnh ấy, các nhà văn, nhất là những nhà văn mang căn cước quốc tế, dường như có những điều kiện thuận lợi hơn để nhận diện quá trình “nỗ lực đặt tên cho hiện tại” (Michael Denning) của thế giới, từ đó, lý giải được/ mất của toàn cầu hóa từ những trạng huống hiện sinh của con người.

Viết văn không bằng tiếng mẹ đẻ - mà bằng một ngôn ngữ “mạnh”, tiếng Pháp - riêng điều này đã cho thấy Linda Lê không lựa chọn trở thành nhà văn của chỉ một dân tộc, một quốc gia. Tuy vậy, không thể đoạn tuyệt với cái tôi đời thực vốn có một quốc tịch, một quê hương, rốt cuộc Linda Lê vẫn thuộc về một nơi chốn, dẫu đó là nơi “không thể xác định”, bấp bênh và không ngừng chuyển dịch; dẫu tự tác giả luôn cảm thấy không thật sự gắn kết với một nơi nào. Không thuộc về nơi này cũng chẳng thuộc về nơi kia, hay đồng thời vừa ở nơi này, lại vừa ở nơi kia, phải chăng đây là cảm giác chung của những “nhà văn toàn cầu”, những nhà văn ly hương, từ đời thường cho đến trang viết, mà Linda Lê là một trong số ấy. Như nhiều tác phẩm của các nhà văn không biên giới, tiểu thuyết của Linda Lê là những bản mô tả chi tiết, sống động về các vấn đề toàn cầu hóa, với tiêu điểm là những thân phận lưu đày.

1. Viết như một công dân toàn cầu

Toàn cầu hóa khiến thế giới trở thành ngôi nhà chung của nhân loại. Việc thay đổi nơi cư trú, thay đổi cả quốc tịch không còn là chuyện quá khó. Kể cả khi không dịch chuyển, những quy tắc ứng xử, những chuẩn mực văn hóa chung của thế giới cũng chạm đến từng người, làm loãng đi căn cốt dân tộc tính, thay đổi những cái nhìn vốn không vượt ra khỏi biên giới của dân tộc, quốc gia. Trong bối cảnh ấy, viết trong tâm thế của một công dân toàn cầu là biểu hiện nhập cuộc của nhiều nhà văn. Tâm thế này đặc biệt rõ hơn với các nhà văn ly hương, vốn có nhiều trải nghiệm về những khác biệt văn hóa xung quanh các lằn ranh về địa lý và tâm lý.

Cùng viết với ý thức là một công dân toàn cầu, song sự lựa chọn của các nhà văn ly hương không phải lúc nào cũng giống nhau. Cao Hành Kiện chỉ viết về căn tính và tâm thức văn hóa Trung Quốc gắn với các câu chuyện truyền thuyết, lịch sử của một thời đã qua, trong khi Murakami ưu tiên hơn cho một Nhật Bản hiện đại với những giá trị phổ quát thay vì giá trị truyền thống. Từ Mỹ và qua các trang văn, Khaled Hosseini lựa chọn trở về quê nhà Afghanistan, trong khi Đới Tư Kiệt rời bỏ đất nước và chỉ thành danh ở bên ngoài Trung Quốc, với Paris là quê hương mới. Thuận lục lọi ký ức, ngoái nhìn Việt Nam thời bao cấp cùng những bi kịch của người Việt xa xứ, từ nước Pháp; khác hẳn Linda Lê, cũng mang cùng điểm nhìn không gian ấy, song quan tâm nhiều hơn đến những thân phận thiếu quê hương. Sự lựa chọn ngôn ngữ văn học của các nhà văn quốc tế ấy cũng không hoàn toàn giống nhau, liên quan đến mức độ hội nhập với nơi ở mới và sự gần gũi hay xa rời gốc gác. Thuận, Murakami, Cao Hành Kiện…, trung thành, ôm ghì lấy ngôn ngữ mẹ đẻ, viết cho độc giả quê nhà từ bên ngoài biên giới. Ngược lại, Khaled Hosseini, Sơn Táp hay Linda Lê viết văn bằng ngôn ngữ của nước sở tại, khẳng định sự nghiệp văn học của mình với thế giới. Song, ngay cả khi cùng không lựa chọn tiếng mẹ đẻ, chủ ý của các nhà văn cũng rất khác nhau khi mượn văn chương để đối diện và truy tìm căn tính. Hosseini dùng ngôn ngữ vay mượn để đưa dân tộc đến gần hơn với thế giới, xóa bỏ biên giới giữa các quốc gia vốn trùng trùng khác biệt bởi văn hóa Đông - Tây. Sơn Táp chọn tiếng Pháp cho cộng đồng độc giả mới dù tác phẩm của chị vẫn lấy đề tài từ lịch sử, văn hóa quê nhà, với hình tượng trung tâm là các nhân vật nữ mang đậm dáng vẻ hình hài và tâm hồn Trung Quốc. Linda Lê không dùng ngôn ngữ mẹ đẻ để đối diện với cái nằm ngoài mọi biên giới, để từ “cái khác” bàn về những vấn đề mang tính nước đôi và rồi chạm đến những giá trị phổ quát. Với lựa chọn ấy, Linda Lê dường như là nhà văn ly hương đủ “khách quan” để không nhìn các vấn đề của nhân loại thời toàn cầu hóa từ những quán tính văn hóa của dân tộc, quốc gia. Chỉ với Linda Lê, các lằn ranh mới thật sự bị mờ hóa, không ngừng dịch chuyển, nhòe đi; để cái bên này và bên kia trở nên khó phân tách, như đúng bản chất của khái niệm toàn cầu hóa.

Là “một khách trú, một đứa con rơi, bơ vơ trên tất cả xứ sở trên thế gian này ngoài huyền thoại của văn chương”1, giống như nhiều nhà văn ly hương, Linda Lê chọn viết để được cứu rỗi. Đây là một sự lựa chọn đầy dũng cảm, bởi, như chị chia sẻ: “Viết trong ngôn ngữ không phải là ngôn ngữ của mình, chẳng khác gì làm tình với một thây ma”. Xem mình là một công dân của ngôn ngữ Pháp, thay vì là một công dân “Pháp ngữ”, sáng tạo, trong trường hợp của Linda Lê, trở thành một hình thức tự lưu đày. Và từ sự lưu đày đó, những trói buộc của con người trong một thời đại tưởng như không còn bị giới hạn bởi không gian địa lý, có điều kiện được hiển lộ, như chính sự bất toàn của toàn cầu hóa vẫn không ngừng đổ bóng, bao phủ loài người. Ám ảnh nhận diện những thân phận tự lưu đày thông qua hành vi viết trở thành một mạch ngầm siêu văn bản xuyên suốt các tác phẩm của Linda Lê.

Từ Vu khống, Tiếng nói, Thư chết đến Sóng ngầm, Vượt sóng (những tác phẩm đã được dịch sang tiếng Việt), có thể thấy, hình tượng tác giả và kiểu nhân vật nhà văn luôn trở đi trở lại, làm nên tính siêu hư cấu rất đặc biệt của tiểu thuyết Linda Lê. Mối quan hệ giữa hư cấu và thực tại trong tác phẩm vì vậy khá phức tạp, vừa song song tồn tại, vừa lẫn vào nhau, vừa là biểu hiện của thế giới quan tác giả, vừa là kết quả của lối viết hiện đại khi văn học được xem là một trò chơi ngôn ngữ. Motip nhà văn có gốc gác từ một nước nhỏ (vừa chối bỏ, vừa bị ám ảnh bởi cội rễ), nhờ hành vi viết mà tìm thấy bản ngã, xác lập căn tính, xuất hiện với tần số cao trong các tác phẩm. Đó là một cô gái “dân Chà Chệt viết văn bằng tiếng Pháp” như “một cách để thoát khỏi gia đình, để bảo vệ sự cô đơn, sự toàn vẹn tâm thần” (Vu khống). Đó còn là một nhà văn có “ông nội là bần cố nông gốc Việt Nam và gần như mù chữ khi đặt chân đến Pháp”, xem viết như một nỗ lực chống chọi để không bị tiêu tan, một hành vi chống trả với các trật tự đã được thiết lập - viết để cắt nghĩa cho sự tồn tại của chính mình (Vượt sóng)... Được kể từ cái nhìn giàu trải nghiệm của người trong cuộc (các nhân vật nhà văn mang bóng dáng của chính tác giả), các câu chuyện về người nhập cư, sự kỳ thị, hay sự kháng cự và hội nhập văn hóa… đã tạo nên một “căn tính nhập cư đương đại” trong tiểu thuyết của Linda Lê. Độ nhòe giữa thực tại văn bản và thực tại đời sống, cũng khiến tính lập lờ nước đôi trở thành “căn tính tác giả” của nhà văn người Pháp gốc Việt này. Nói cách khác, cảm thức ly hương và tâm thế viết như một nhà văn không biên giới đã giúp Linda Lê chạm đến nhiều vấn đề của toàn cầu hóa, thông qua dòng “văn học chuyển vị”2 của riêng chị.

2. Chấn thương và ly hương

Trước thế kỷ XX, những cuộc di chuyển xuyên lục địa của thương nhân, của nhà truyền đạo, của giới tướng lĩnh quân đội và binh lính… vẫn diễn ra và góp phần làm lan tỏa văn hóa. Tuy vậy, chỉ đến thế kỷ XX, ý thức về một thế giới không phải là sự cộng gộp của các vùng văn hóa mới thật sự trỗi dậy, cùng với những cuộc di dân trên diện rộng, bởi chiến tranh, bởi những thỏa thuận chính trị đã làm mờ nhòa biên giới quốc gia, châu lục, thay đổi cả bản đồ thế giới. Những cuộc chia tách, sáp nhập không chỉ liên tục được diễn ra ở phương diện địa lý mà còn ở cả chính trị, tôn giáo, văn hóa, ngôn ngữ…, một mặt làm tan rã các hệ thống thuộc địa, thay đổi các biên giới hữu hình; mặt khác lại tạo nên những khối, nhóm vốn được kết nối với nhau bởi những đường biên vô hình, không cố định. Toàn cầu hóa gắn liền với sự hòa trộn, lai ghép và xê dịch, xóa bỏ các rào cản hữu hình, vô hình ấy.

Biểu hiện rõ nhất của những lai ghép văn hóa, xóa nhòa đường biên/giới tuyến thời toàn cầu hóa là vấn đề nhập cư. Những làn sóng di dân, những người lìa xa quê hương đến nơi ở mới đã góp phần tạo ra những xáo trộn văn hóa. Họ vừa làm nên sự đa dạng văn hóa, vừa day nhấn về sự khác biệt vốn là nguyên nhân của việc mất bản sắc. Bằng cái nhìn của người trong cuộc, Linda Lê đã nhận diện số phận của những người ly hương, chỉ ra những vết thương của thế giới thời toàn cầu hóa, từ trong tính ưu việt của xu hướng hội nhập.

Việc không thật sự thuộc về nơi nào bởi vừa đứt rễ với quê cũ, vừa không thể bám rễ với nơi ở mới là cội nguồn của những chấn thương, không chỉ là những sang chấn ly hương của từng cá nhân, mà còn bao gồm những mặc cảm của thân phận nhập cư, trong mối quan hệ với người bản xứ. Chọn miêu tả cuộc sống của những công dân Pháp mà dấu ấn quê hương vẫn không thôi in dấu vào họ, Linda Lê đã trưng ra một góc tối của thế giới thời toàn cầu hóa, cùng những ảo tưởng về một ngôi nhà chung của nhân loại.

“Tôi là kẻ lạ nơi này - Tôi là kẻ lạ mọi nơi - Tất tôi sẽ trở về, thế nhưng - Tôi là kẻ lạ nơi ấy”. Mượn lời một ca khúc để nói về tâm trạng của nhân vật Tôi trong tiểu thuyết Vu khống, một cô gái trốn chạy gia đình, quê hương để tìm gốc gác ruột rà từ hai người bố (người bố Việt Nam đã nuôi dưỡng cô và người bố Pháp, người tình của mẹ mà cô chưa bao giờ thấy mặt) và để tìm kiếm chính mình, Linda Lê đã đồng thời vẽ nên chân dung chung của bản thân, của tất cả những thân phận ly hương, trong và ngoài tác phẩm. Tiểu thuyết của Linda Lê vừa là sự tự soi ngắm của các thân phận nhập cư “không tìm được chỗ ẩn náu ở bất cứ nơi nào”, vừa lột trần cái nhìn “bề trên” của dân bản xứ về những người tị nạn, những kẻ không đâu dung nạp. Văn chương Linda Lê tràn ngập số phận bi thương của những người lìa khỏi gia đình, quê hương và sống mòn ở một nơi chưa bao giờ xem họ là thành viên thực sự. Đó là một chàng trai, vì tình yêu loạn luân mà bị cưỡng bách lưu đày xa xứ, bị buộc trở thành người điên, để rồi không thể chịu nổi âm thanh của những kẻ tâm trí lành mạnh, bởi “dù bằng tiếng Pháp hay tiếng dân Chà Chệt, tiếng léo xéo cũng chỉ che giấu sự hão huyền của kiếp sống thừa” (Vu khống). Đó còn là người lính thợ Việt Nam, Diet Trần, tủi nhục vì thân phận ly hương cho đến lúc chết, và vẫn tiếp tục di truyền mặc cảm nhập cư cho con trai, Martin Trần, qua cái họ “nước ngoài” trên đất Pháp (Vượt sóng). Sự tội nghiệp của những số phận nhập cư ấy còn là ở chỗ họ quay lưng với đồng hương như một phản ứng ngược để tự vệ, chống trả. Cô gái trong Vu khống đã tức tối, căm ghét việc bị những người đồng hương gợi chuyện, “lấy cớ tình cờ cùng ở nơi xứ lạ quê người”. Martin Trần trong Vượt sóng thì xấu hổ vì thân phận con lai. Đáng chú ý là sự xung đột, kì thị và mặc cảm “bên lề” này còn diễn ra giữa cư dân đô thị và tỉnh lẻ ngay trong cùng một xứ sở. Trong tiểu thuyết Linda Lê, bị kì thị, tự kì thị và cả kì thị người khác đều là biểu hiện của những chấn thương tâm lí không thể chữa lành ở những thân phận ly hương, ngay cả khi họ ý thức rõ về một thế giới không lằn ranh trong thời toàn cầu hóa.

3. Bình đẳng và chung sống

Toàn cầu hóa giúp người ta nhận ra giá trị của sự đa dạng văn hóa. Việc nhiều dân tộc trong một quốc gia, hay việc nhiều quốc gia trong một khu vực cùng chia sẻ những giá trị chung, bất kể những khác biệt từ bản sắc chính là “sự cực đại đa dạng trong cực tiểu không gian”3, một biểu hiện đặc thù của tính đa văn hóa và liên văn hóa. Từ Pháp, và chọn Pháp như là trung tâm của sự cộng gộp, lai ghép văn hóa, Linda Lê không chỉ đề cập đến những sang chấn ly hương mà còn nhấn mạnh đến sự bình đẳng của những kẻ khác/cái khác, khi mà đối thoại và hội nhập văn hóa là một xu thế tất yếu của nhân loại.

Cho dẫu phải “sống bằng những chối bỏ” trong những tháng ngày tha hương trên đất Pháp, nhân vật “Tôi” trong Vu khống vẫn “kiêu hãnh là dân Chà Chệt viết văn bằng một ngôn ngữ không phải của mình”, thậm chí “lại muốn thêm được hồ nghi con hoang, được bán tin bán nghi con lai”. Bởi cô từng nhận được lời khuyên: “Bất cứ nơi nào em hãy cứ vào như chó đái chậu cảnh. Cứ một mình mình. Cứ là dân Chà Chệt. Chăm bón bờ rìa. Cày xới biên cương. Gìn giữ mãi trong em cái bất ưng, cái lạ lẫm, cái không khoan nhượng”. Người cậu bị biến thành người điên giữa đám người điên nói một thứ tiếng xa lạ của cô, để không bị buộc phải loạn óc, bị lụi tàn, cũng đã phải tự học tiếng Pháp, trầm mình trong mớ văn hóa hỗn độn từ sách vở, chọn sống cùng với người chết, nâng niu mối tình loạn luân của mình để tự cứu vãn lí trí… Có thể nói, thách thức để được là chính mình, dẫu chịu thân phận bên lề, hay chống chọi để sống với sự phân biệt giữa người bình thường và người điên (“làm sao không mang vẻ trì độn cho được với cái sọ trọc lóc, chút ít tóc lởm chởm” mà người ta tạo cho họ), cặp đôi cậu/ cháu người Chà Chệt phải chịu cảnh lưu đày xa xứ trong tiểu thuyết Vu khống, trở thành biểu tượng của sự kháng cự và vượt qua kì thị trong quá trình cùng chung sống và đòi hỏi bình đẳng của con người.

Không lựa chọn chỉ ra những khác biệt văn hóa từ những miêu tả đối sánh, cái khác/ kẻ khác trong tiểu thuyết của Linda Lê được nhấn mạnh từ sự kì thị và vượt qua kì thị của các cá nhân trong quá trình va chạm, chung sống. Đó là sự khác biệt đến mức phủ định nhau như mẹ con Lou, bởi Lou chọn lấy Văn, “khỉ của thế giới thứ ba” và sinh ra một đứa con không thuần chủng, chống lại các quan niệm định kiến và “hoang tưởng về ưu thế của người phương Tây” của mẹ (Sóng ngầm). Đó còn là những khác biệt bởi sự lỏng lẻo, thiếu gắn kết, ngay trong chính cộng đồng người nhập cư, xuất phát từ mức độ hội nhập và “sức ỳ” trong việc gìn giữ hay rũ bỏ căn tính gốc (Vu khống, Thư chết). Tuy vậy, cái khác chính là gốc rễ của sự đa dạng, là căn nguyên của xu hướng đối thoại, hội nhập văn hóa. Bằng việc nhận diện quá trình chung sống và tìm kiếm địa vị bình đẳng của người nhập cư ở Pháp, bao gồm cả những trải nghiệm của bản thân, Linda Lê đã chứng tỏ sự đa dạng văn hóa là một giá trị lớn của thế giới, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Có thể xem Văn, một biên tập viên giỏi nghề của một tòa soạn có tiếng ở Paris, rời quê hương Việt Nam và đến Pháp từ năm 15 tuổi, trong tiểu thuyết Sóng ngầm, là hình mẫu tiêu biểu cho kiểu người nhập cư có khả năng chung sống bình đẳng trong môi trường “nước lớn”. Văn “không thuộc số người ly hương mỏi mòn vì xa tổ quốc”. Chất Á còn sót lại trong cái chất Âu của Văn nhỏ đến mức nó có xu hướng bị hòa tan. Văn còn tự xem mình là một “gã công dân toàn cầu”, “chỉ còn chất Á ở dung mạo”. So với nhiều người ly hương, việc hòa nhập của Văn ở xứ người khá thoải mái, nhẹ nhàng, bởi anh có sẵn những phông nền kiến thức và văn hóa phương Tây trước khi đến Pháp. Văn thích hợp với hình thức “da vàng, mặt nạ trắng”, “không day nhấn vào thân phận nhập cư của mình, mà gạch chéo trang lai lịch bản thân”. Văn không tự ti khi sống trên xứ người, “không bị rơi vào cái bẫy co cụm cộng đồng, tiền định dành cho những kẻ vô xứ, khi họ phải chịu cảnh biệt lập”, thậm chí còn kiêu hãnh bởi tự ý thức mình là “cư dân cựu Đông Dương đến Paris không có hành trang nào khác ngoài lòng ham hiểu biết bất thỏa”. Văn đại diện cho một thế hệ người nhập cư mới, có thể sống ly hương ở bất kì đâu. Văn chứng minh cho việc hoàn toàn có thể chung sống bình đẳng trong một môi trường biết chấp nhận và tôn trọng những khác biệt văn hóa, dẫu tự anh không thể chấm dứt tình trạng kì thị hay xu hướng co cụm, mặc cảm của phần lớn người ly hương. Tất nhiên việc đề cao, chú trọng cái chung hơn cái riêng, cái trung tâm hơn là cái ngoại biên, bên lề, của Văn cũng ít nhiều làm mờ dần cái bản sắc thiểu số. Đa văn hóa và liên văn hóa là đặc tính dễ nhận thấy của thời toàn cầu hóa. Song những trả giá của nhân loại và những “mất mát” không dễ nhận thấy của Văn (không nói tiếng mẹ đẻ trong suốt 30 năm sống đời ly hương, không một lần trở về quê hương, không giao tiếp với đồng bào và gần như “mất gốc”) cũng là điều cần suy ngẫm. Để thấy, chung sống bình đẳng, với con người, chưa bao giờ là thật sự dễ dàng.

4. Viễn tượng một “quê xứ con người” 4

Trong một chuyến Bay đêm5, người phi công huyền thoại của nước Pháp Saint-Exupéry đã nhìn về trái đất, và nghĩ về “cõi người ta”, về xứ sở của con người. Từ cái nhìn vũ trụ, với Saint-Exupéry, nhân loại chỉ có một quê hương nguồn cội chung là trái đất, bất chấp những đường biên mà họ dựng nên để tự cô lập, ngăn cách. Hiểu như thế, mọi sự phân chia ranh giới quốc gia chỉ là tương đối. Việc khuôn loài người vào các nhóm, các cộng đồng chỉ căn cứ vào nơi cư trú cũng trở nên bất khả, nhất là khi các giới tuyến không ngừng được dịch chuyển, kéo theo những làn sóng di cư không giới hạn của con người.

Cùng với những cuộc dịch chuyển, mất nơi ở và xác lập nơi ở mới, việc tự nhận biết bản thân thuộc về nơi nào của con người trở nên khó khăn. Quá trình làm quen với không gian cư trú, của những người ly hương lại càng đặc biệt hơn. Họ một mặt, có xu hướng coi nhẹ ranh giới để thích nghi với nơi ở mới, một mặt, tạo lập ranh giới mới để bớt cảm giác “lơ lửng”, chông chênh giữa một chốn hai quê. Hiểu rõ cảm giác không thuộc về đâu của những thân phận ly hương, bằng văn chương, Linda Lê đã xóa nhòa mọi sự phân cách để mỗi người luôn đồng thời là người kia/ kẻ khác. Có thể nói, tính lưỡng phân của giới tuyến đã chi phối cách nhìn của Linda Lê về vấn đề dân tộc - quốc gia trong thời kì toàn cầu hóa. Bởi, như nhiều người nhập cư khác, Linda Lê luôn thuộc về phía bên kia, dẫu nhìn từ bên phía nào của mọi lằn ranh (với Pháp, Linda Lê thuộc về Việt Nam, song với Việt Nam, cô lại là công dân Pháp). Tình trạng lập lờ, nước đôi này là bi kịch nhưng cũng là cơ hội để Linda Lê nhận diện hai mảnh phân thân của những người ly hương, một - gắn với khát khao truy tìm cội nguồn và một - gắn với những lãng quên.

Nhân vật trong tiểu thuyết của Linda Lê thường ý thức rõ về tình trạng thiếu/ mất quê hương và không ngần ngại tự thú: “Chúng tôi không thuộc nơi nào”, “Gốc rễ chúng tôi bập bềnh mặt nước”. Đối thoại của nhân vật người điên trong tiểu thuyết Vu khống với cuốn sách, người bạn duy nhất của anh, đã lột tả sự đơn độc đến tận cùng của những thân phận lưu đày xa xứ: “Tôi tự giới thiệu, Tôi không phải người ở đây. Nó đáp, I’m a stranger here myself” (chính tôi cũng là người lạ ở đây). Chúng tôi quay lưng lại thế giới, chúng tôi cùng đi về một hướng, chúng tôi chinh phục Cõi Không Nơi Nào”. Cuộc đối thoại này thực chất chỉ là một lời độc thoại, dưới danh nghĩa đối thoại với chính mình, cũng là “một cuộc đối chiếu với một tiếng nói vốn là của chúng ta, nhưng trong đó hồi thanh những tiếng nói và những nhu cầu của một người kia, của những kẻ khác6. Có thể nói, đối thoại bằng độc thoại, tự thuật của nhân vật là đặc trưng nổi bật của tiểu thuyết Linda Lê. Trong Thư chết, từ những đối thoại vắng mặt với người cha đã chết của nhân vật “tôi”, Linda Lê đã lột tả những lỗi hẹn đớn đau trong hành trình lần về cội rễ của những đứa con đã có lúc quên lãng quê nhà. Đó là nỗi nhớ “không phải tôi nhớ cha tôi, mà chính tiếng nói, là những lời nói của người”, thứ “tiếng nói đã nâng đỡ tôi suốt 20 năm qua” đã mang theo nỗi đau của một đứa con sống tha hương, khi nhìn về cố quốc: “Chữ L tràn trề nước mắt, chữ O nghẹn tiếng kêu, chữ C tỏa ra ánh trăng bệnh hoạn, chữ S gợi nhắc hình dạng đất nước của tuổi thơ tôi, chữ I run rẩy là hình ảnh của cha tôi, một người cố đứng thẳng nhưng gần ngã gục đến nơi”. Đó còn là “vị sầu tủi dưới lưỡi” của một cái tôi ly hương khác trong lời tự thú “đã lâu rồi tôi không còn cảm thấy vị ấy trong miệng, vị một chất độc nhen bừng máu tôi, hâm nóng gan ruột tôi. Tôi thấy mình trở lại hàng bao năm trước, hồi còn ở Đất Nước” (Vu khống).

Tình thế lưỡng phân là cội nguồn của những cảm xúc mâu thuẫn khi nghĩ về nguồn cội, song hầu hết tiểu thuyết của Linda Lê lại viết về chính những con người ra đi từ nơi ấy. Phải chăng “Phương cách tốt nhất để thoát khỏi cái nỗi ám ảnh về bản sắc là chấp thuận bản sắc trong cái tính chất luôn tạm bợ mong manh của nó và sống với nó một cách hồn nhiên hoặc hãy quên nó đi”7. Tiểu thuyết của Linda Lê còn mang cảm thức hư vô. Nhân vật người điên trong Vu khống chọn cái chết để chấm dứt cuộc sống mờ nhạt, vô danh khi rốt cuộc anh không thuộc về một nơi nào. Antoine Sorel tìm về lại quê hương Việt Nam để lật lại một trang đời của người ông gốc Việt song vẫn mờ mịt, lạc lõng trên chính quê hương bởi sự thờ ơ, quên lãng của lịch sử. Tìm mà không thấy, kể cả thấy cũng không để làm gì, Antoine Sorel rốt cuộc cũng đã mệt mỏi trong quá trình truy tìm cội rễ và căn tính. Cái chết tự chọn của anh là trở thành biểu tượng của thân phận con người khi đối diện với cái hư vô. Trước cái chết, có hay không có sự hiện diện của quê hương trên xứ người cũng đều là vô nghĩa. Truy tìm nguồn cội liệu có thật sự cần thiết trong viễn tượng một “quê xứ con người”.

*
Từ cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, đại văn hào người Đức Johann Wolfgang von Goethe đã cho rằng: “Ngày nay văn chương của một dân tộc không còn đại diện cho cái gì nhiều nhặn, chúng ta đã bước vào kỷ nguyên văn chương thế giới (die weltliteratur) và trách nhiệm của mỗi người trong chúng ta là đẩy nhanh tiến trình ấy”8. Trong bối cảnh toàn cầu hóa hôm nay, quan niệm của Goethe lại càng phù hợp, nhất là khi “để đánh giá một cuốn tiểu thuyết người ta có thể không cần hiểu ngôn ngữ gốc”9; cũng như văn chương xét đến cùng chỉ thuộc về người viết ra nó, gắn với những vỉa tầng thẳm sâu của bản ngã. Mang cảm thức chia xé của người ly hương và “can đảm nhìn lại ngôn ngữ và quê hương như một sự bất toàn của mình”10, bằng văn chương, Linda Lê đã đề cập đến “cái giá” của toàn cầu hóa. Toàn cầu hóa khiến thế giới trở thành ngôi nhà chung hay đã khiến nhân loại đánh mất nguồn cội, chơi vơi trong “cõi không nơi nào”? Toàn cầu hóa liệu có thể xóa được mọi ngăn cách giữa các dân tộc, quốc gia, các nhóm người, trong khi con người mãi mãi không thể loại trừ căn tính gốc? Cho đến giờ, loài người vẫn bất lực khi vừa muốn tạo ra những khối thống nhất vừa muốn đòi lại bản sắc dân tộc vốn kèm theo sự tan rã các nhóm, khối. Không né tránh đề cập tâm lý bấu víu vào cố quốc trong nỗ lực hội nhập của người ly hương, Linda Lê đã chạm đến khát vọng truy tìm cội nguồn, căn tính và cũng là truy tìm bản ngã của nhân loại. Bởi đó là cách để không quên đường về trong quá trình dịch chuyển hướng ra thế giới; bởi nhà, quê hương, tổ quốc xét đến cùng vẫn luôn là chỗ tựa bám víu của con người, ngay cả với viễn tượng toàn nhân loại đều chỉ thuộc về một “quê xứ con người”.

T.P.V.A
(TCSH389/07-2021)

-----------------------
1. Nhận định của Đinh Linh trong lời giới thiệu tiểu thuyết Tiếng nói của Linda Lê, Nxb. Đà Nẵng, 2017.
2. Linda Lê dùng khái niệm “littérature déplacée” (tiếng Anh: displaced literature) để chỉ xu hướng văn học của  mình: văn học chuyển vị (văn học chuyển di/văn học di dời).
3. Kundera, Milan (2014), Màn, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr.47.
4. Chữ của Bùi Giáng khi dịch nhan đề tiểu thuyết/hồi ký Terre des Hommes của Antoine de Saint-Exupéry (1900-  1944) một nhà văn, một phi công người Pháp.
5. Tên một tác phẩm khác của Antoine de Saint-Exupéry.  
6. Magris, Claudio (2006), Không tưởng và thức tỉnh, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội. tr.211.
7. Magris, Claudio (2006), Không tưởng và thức tỉnh, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, tr.270.
8. Kundera, Milan (2014), Màn, Nxb. Văn học, Hà Nội, tr.53-54.
9. Magris, Claudio (2006), Không tưởng và thức tỉnh, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, tr.55
10. Theo Nguyễn Xuân Hoàng, lời “Bạt” của tiểu thuyết Tiếng nói của Linda Lê, Nxb. Đà Nẵng, 2017.  




 

 

Các bài đã đăng
Chùm thơ Tú Anh (20/08/2021)