Tạp chí Sông Hương - Số 50 (T.7&8-1992)
Cuộc hành trình kiên trì trong tranh lụa
10:03 | 02/12/2021

ĐINH CƯỜNG

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh

 

Cuộc hành trình kiên trì trong tranh lụa
Họa Sĩ Nguyễn Phan Chánh - Người xây nền cho tranh lụa Việt Nam - Ảnh: infographics.vn

Năm 1972 trong bài phát biểu của họa sĩ Trần Văn Cẩn, tổng thư ký Hội Mỹ Thuật Việt Nam, mừng họa sĩ Nguyễn Phan Chánh thọ 80 tuổi, với câu kết: "Mươi năm nữa, một quý nữa, chúng ta lại được dịp mừng thọ Bác 90 vui hơn nữa, đông hơn nữa và chắc chắn có đông đủ giới nghệ thuật của cả hai miền Nam Bắc". (Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, NXB Văn hóa 1973, trang 10.)

Thật đúng như lời phát biểu trên, họa sĩ Nguyễn Phan Chánh đã được mừng thọ 90 tuổi bằng cuộc trưng bày chuyên đề tranh lụa của họa sĩ ở nhiều nước, từ Tiệp Khắc đến Hung ga ri và tiếp tục đến Liên Xô, Ba Lan và Ru ma ni, đã gây được một tiếng vang lớn, nhân dân có dịp hiểu rõ và yêu thích hơn nghệ thuật tranh lụa Việt Nam thông qua những tác phẩm của Nguyễn Phan Chánh. Và giữa những tháng cuối năm, giữa mùa đông của Hà Nội, họa sĩ Nguyễn Phan Chánh đã từ trần với tuổi thọ 92 tuổi, trong niềm xúc động lớn của "đông đủ giới nghệ thuật của cả hai miền Nam Bắc".

Người họa sĩ đã sống gần hết một thế kỷ, qua các thời đại, đọc lại cuộc đời của ông càng thấy cảm phục một tâm hồn trong sạch, một người làm nghệ thuật chân chính, đã trải qua nhiều cay đắng của buổi thiếu thời: mồ côi từ năm 7 tuổi, ông nhớ rất ít về người cha của mình, một nhà nho vẫn giữ lề cũ: "thà sống nghèo nhưng trong sạch". Phong thái sống của nhà nho Nghệ Tĩnh vào cuối thế kỷ trước đã để lại dấu ấn trong đời sống nghệ thuật của ông, một tâm hồn tha thiết với đất nước, với cái đẹp mộc mạc của quê hương.

Học chữ nho rồi Tây học nhưng Nguyễn Phan Chánh luôn giữ cốt cách của một nhà nho.

"Lúc bấy giờ, người ta thấy con đường lên chợ tỉnh vào những ngày hội hè, những phiên chợ tết, một cậu học trò nghèo, áo dài thâm, khệ nệ mang một chiếc bồ đựng đầy tranh ra chợ bán. Nguyễn Phan Chánh lên mười lăm tuổi đã phải vẽ những bức tranh tứ quý, tùng cúc trúc mai, những bức tranh cảnh làng quê, bày ra trên lề đường bán lấy tiền giúp mẹ. Và sau đó vài năm, anh lại đi vẽ truyền thần, truyền ảnh cho đồng bào trong tỉnh. Nguyễn Phan Chánh say mê nghề vẽ như say mê người yêu. Nhưng cuộc sống của xã hội lúc bấy giờ không tạo cho người nghệ sĩ những điều kiện cần thiết để theo đuổi sự say mê của mình. Anh lần vào Huế, đi dạy học ở trường tiểu học Đông Ba cho đến ngoài 30 tuổi." (Nguyễn Viết Lãm - Tạp Chí Văn Nghệ số 64 tháng 7.1962).

Ông ở Huế cũng khá lâu, cái chất thơ mộng của xứ Huế đã làm tăng thêm chất trữ tình trong tranh người con trai Hà Tĩnh. Huế đã mời đón bao nhiêu nghệ sĩ nổi tiếng, ai cũng đã ở hoặc một lần ghé Huế, từ Mai Trung Thứ, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung đến Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư hay "quan tham nhật trình" Nguyễn Tuân... rất đậm đà tình Huế.

Hè năm kia về Huế, tôi đạp xe cùng người bạn lên thăm một khu vườn đẹp tuyệt của Huế trên phía chùa Linh Mụ, tôi ngạc nhiên bắt gặp 4 bức tranh nhỏ của Nguyễn Phan Chánh cỡ 20 X 60 cm vẽ bằng bột màu trên giấy, được treo trang trọng trên đầu nằm của một người bạn của họa sĩ năm xưa, khi bà theo chồng ra làm Tuần Vũ ở Hà Tĩnh, bà kể cho chúng tôi nghe về lai lịch từng bức tranh, vì khi họa sĩ vẽ, bà đứng sau lưng xem, đó là những bức vẽ: người đàn ông trước cảnh biển ở Thiệu Trị, mùa đông những cây thông xanh non mới mọc; trên đường Cẩm Xuyên; cảnh đồi Chu Lễ - Hưng Khê, và bức thứ tư vẽ cảnh chợ Hương Sơn. Đó là những bức tranh hiếm thấy của Nguyễn Phan Chánh vẽ thời 1938 -1939 tại Hà Tĩnh còn lại, được nằm tĩnh mịch trong khu vườn An Hiên mà Hoàng Phủ Ngọc Tường đã ghi lại qua bài bút ký rất đạt: "Hoa trái quanh tôi".

Bức tranh "Chơi Ô Ăn Quan" được vẽ vào năm 1931 - Ảnh: sưu tầm
Bức tranh "Em Bé Bên Chú Chim" (1931) và "Người Bán Ốc" (1929) - Ảnh: sưu tầm

Lúc còn học ở trường, Nguyễn Phan Chánh vừa vẽ dầu, vừa vẽ tranh lụa. Đến năm cuối thì sở trường về lụa được hình thành rõ nét. Cũng từ đấy, họa sĩ Nguyễn Phan Chánh đi hẳn vào loại chất liệu này. Năm ấy (1930), họa sĩ tròn 38 tuổi, và cũng là lúc một loạt tác phẩm lụa giá trị ra đời, như: Chơi ô ăn quan, Lên đồng, Rửa rau cầu ao, Em bé cho chim ăn v.v... Cuộc triển lãm quốc tế tại Paris năm 1931 làm cho tên tuổi Nguyễn Phan Chánh vang đi rất xa. Nói chuyện với nhà sử học Hoàng Xuân Hãn, họa sĩ danh tiếng Nhật Phu-gi-ta (Fou jita) khen Nguyễn Phan Chánh là một nghệ sĩ có tài lớn. Trong tạp chí Illustration số Noel 1932 Giăng Tác-đi-ơ (Jean Tardieu - Hiệu trưởng và là thầy tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông dương) đã viết bài hết sức ca ngợi tranh lụa nhuần nhị màu sắc dân tộc của Nguyễn Phan Chánh. Trong tuyển tập "Hội họa Châu Á, Lịch sử và những vẻ đẹp kỳ diệu của nn hội họa đó" (La Peinture Asiatique, son histoire et ses merveilles - Nhà xuất bản Illustration Pháp 1954) bên cạnh những tranh của Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Nguyễn Phan Chánh được chọn in vào đó 2 tranh "Lên đồng", "Ra rau cầu ao" với lời viết của nhà phê bình hội họa Rô-giê Ba-sê (Roger Bachet). "Nguyn Phan Chánh vẽ với một sự quan sát rất tinh tế và với một giá tr độc đáo hiếm có những cảnh sinh hoạt hàng ngày ca nhân dân khiến chúng ta phi nghĩ đến những tác phẩm tranh khắc có giá trị nhất ca Nhật Bản..." (sách đã dẫn trang 76).

Cuộc đời sáng tác của Nguyễn Phan Chánh có thể chia làm hai giai đoạn: Trước Cách mạng tháng Tám 1945, với lòng yêu quê hương, họa sĩ đã tận tụy tìm tòi một nền nghệ thuật đậm đà tâm hồn dân tộc. Sau Cách mạng tháng Tám, họa sĩ giác ngộ thêm ý nghĩa của sự phản ánh hiện thực trong đời sống mới hào hứng, tươi vui của nông thôn Việt Nam. Từ đó hình tượng nghệ thuật của họa sĩ càng thấu đượm những tình cảm nồng hậu với con người và xã hội: Đi chống hạn, 1956; Bữa cơm sau cải cách ruộng đất, 1958; Sau giờ trực chiến, 1967; Kiều, 1973...

Tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh không thể lẫn lộn tranh của bất cứ ai. Từ màu sắc đến hình khối, đường nét, nó phảng phất một cái gì rất gần gũi, rất dân tộc, rất Việt Nam, hay nói cho đúng hơn nó rất Nguyễn Phan Chánh. Ông đã tìm được cho mình một lối riêng sớm nhất. Chính họa sĩ tự nhận xét: "Từ bức Chơi ô ăn quan, tôi đã đứng khá vững vàng trong nn nghệ thuật làm tranh lụa". (Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, Nhà XB Văn Hóa, Hà Nội 1973, Trang 18). Năm 1938, một bạn cùng thời, nhà văn Nguyễn Tuân, đã nhận xét khá tinh về ông: "Họa sĩ đã tìm thấy con đường đi của mình. Và trong làng mỹ thuật mới phôi thai của x này họa sĩ cũng đã tìm được chỗ gọn đđặt tên tuổi?" (Sách đã dẫn, trang 30). Thật như vậy, với khoảng 117 tranh lụa, họa sĩ đã ghi tên mình trịnh trọng vào lịch sử mỹ thuật hiện đại Việt Nam.

Từ bức "Chơi ô ăn quan" cho đến những tranh gần đây nhất ta vẫn thấy bức tranh của Nguyễn Phan Chánh có một mạch đập liên tục, cố cựu, vẫn nguyên cái bình dị, thong thả, nhuốm màu thôn quê. Với gam màu nâu đen, pha chút xanh lục, lối tạo hình thoáng, diễn đạt theo mảng bẹt, không vờn khối theo lối Âu Tây, nhưng khối vẫn có, tạo nên bởi những mảng người và nền với đường viền mềm mại, gợi cảm. Ông sớm tìm ra cho riêng mình một bút pháp và phong cách lụa và kiên trì đi trên con đường đó, hầu như không có bạn đồng hành. Nguyễn Phan Chánh rõ ràng đã chiếm vị trí hàng đầu trong tranh lụa Việt Nam, cũng như Tô Ngọc Vân, sơn dầu và Nguyễn Gia Trí, sơn mài.

Đ.C.
(TCSH50/07&8-1992)

 

 

Các bài mới
Gấu trắng (27/12/2021)
Đám mây lửa (13/12/2021)
Các bài đã đăng
Đôi dép (17/11/2021)
Mộng Sơn (20/10/2021)
Hoa cúc trắng (20/10/2021)