Tạp chí Sông Hương - Số 50 (T.7&8-1992)
Đám mây lửa
10:25 | 13/12/2021

Maurice Druon, sinh năm 1918, theo học Đại học Luật Paris. Trong chiến tranh thế giới ln thứ hai, ông tham gia lực lượng kháng chiến Pháp chng phát xít Đức, là thông tin viên Đài Phát thanh Kháng Chiến. Giải Goncourt 1948 với tác phm "Đại Gia đình" (Les Grandes Familles). Các tác phm đậm chất trữ tình của nhà văn: "Kết thúc đời người" (La Fin des Hommes), "Hẹn gặp tại Địa ngục" (Rendez-vous aux enfers) phản ánh một thiên hướng theo trường phái Balzac.
Ông đồng thời là tác giả một số tiểu thuyết lịch sử.

Đám mây lửa
Nhà văn Pháp Maurice Druon - Ảnh: culture.gouv.fr

MAURICE DRUON

Người dân đảo Martinique giờ đây thường không quen gọi "ngày 8/5", hoặc "vào năm 1902", giờ với họ, từ "thứ Năm" trở nên quá đổi quen thuộc, "thứ Năm", như thể không còn một ngày nào khác được quyền mang tên ấy.

Tôi đến đảo Saint-Pierre đúng ba mươi sáu năm sau ngày thứ Năm, năm xảy ra tấn thảm kịch với người dân đảo. Kinh đô trước đây của Antilles, thị trấn nhỏ giờ mang đầy vết tích tang tóc, tàn lụi. Trước đây, Saint-Pierre có khoảng vài chục ngàn dân, người dân dựng từng dãy nhà buôn, nhà thờ, rạp hát, công viên... từng lớp lớp nhà xếp thành từng dãy tựa vào triền núi. Thành phố vốn sầm uất trước đây, sau ngày thứ Năm ấy, giờ một nửa đã biến trong dòng nham thạch của ngày ấy, phần còn lại, giờ đây cỏ hoang đã vùi lấp gần hết. Thật khó nhọc, tôi mới nhác thấy vài ba căn nhà được dựng lại. Người dân dựng lại nhà từ những viên đá còn mang đầy vết sém của lửa. Ngôi nhà mới mặc nhiên còn mang đầy dấu vết của sự tàn lụi. Dường như quanh quẩn, lẩn lấp trong bầu trời và không khí đảo là một màu xám đục, cát biển, đập gỗ ngăn nước giờ đều mang màu xám. Bầu trời đầy mây cũng phảng phất một mảng sắc của nham thạch. Thị trấn giờ không còn một bóng cây, một vòi nước bằng đồng, di chỉ của một thời huy hoàng quá khứ, giờ nằm chơ vơ với hai bể nước giờ đã cạn khô. Mấy đứa trẻ trần truồng, da đen nhẻm, chạy chơi quanh quẩn. Những người đàn bà lai, hẳn đã rất già, bâng quơ tranh cãi trước một giỏ cá biển.

Người đàn bà da trắng là người tôi tiếp chuyện trong chuyến đi thăm đảo. Khuôn mặt dịu dàng, đôi mắt long lanh nước, tất cả toát lên một biểu trưng cho lớp người Âu còn sót lại ở đây. Bà đội một chiếc mũ trắng, mái tóc màu bạc thả từng sợi, một dây chuyền vàng viền quanh cổ. Người tựa vào chiếc gậy mây.

Cung cách cùng lối nói chuyện của bà như sẵn sàng đáp lại ánh mắt hiếu kỳ của đám khách lạ, cái thú được chuyện trò kể lể.

"Hôm ấy là thứ Năm... Gia đình tôi rời đảo Saint-Pierre. Hôm trước, ngọn núi đã từng có triệu chứng phun lửa, và cả thành phố hôm sau đều sống trong tâm trạng lo âu. Mẹ tôi cố nài cha tôi lên đồn điền, thường phải đến cuối mùa ông mới đến. Việc này khiến tôi thất vọng, vì hôm ấy đúng vào dịp sinh nhật thứ hai mươi của tôi, thêm nữa, tôi đã đính hôn. Buổi khiêu vũ đành phải dời lại.

Để tôi nguôi ngoai phần nào, Simon, vị hôn phu của tôi, sẽ cùng đi với ông đến đồn điền.

Ở đây, có một người anh họ tôi làm việc, tên Pierre. Một chàng trai, theo tôi, là cục tính và đa nghi. Anh ấy trước đây có ngỏ lời, nhưng bị tôi từ chối. Tôi đã thuộc về Simon và, hẳn ông đã biết, ở tuổi hai mươi, người ta thường không phải lo lắng gì khi làm khổ người khác, thậm chí xem đấy là điều vui. Với tôi, Simon là tất cả...

Sau bữa tối, Claire, chị tôi, ra đánh đàn dương cầm, Pierre đi loanh quanh trong nhà, nét mặt luôn rầu rĩ. Tôi nói với Pierre, giọng chọc ghẹo:

- Pierre, tại sao anh không cưới chị Claire? Chị ấy chỉ mong được điều ấy thôi.

Rồi tôi cùng Simon đi dạo quanh trong vườn. Thời đó, chúng tôi có một khu vườn rất đẹp, một lối đi lớn quanh vườn và hai bên trồng đầy cây cọ. Pierre thấy rõ chúng tôi ôm nhau...

Người đàn bà lặng im một thoáng, người tựa vào chiếc gậy mây. "Sáng hôm sau, bà nói tiếp, tôi dậy thật sớm kịp lúc chào Simon. Pierre đánh xe ngựa cùng đi. Tôi thấy xe khuất dần trong vườn. Suýt tí nữa tôi đã kêu lên: "Simon, hãy quay lại, đừng đi!". Không khí hôm ấy ngột ngạt không như ngày thường. Mấy con chó chạy quẩn quanh, ánh mắt đầy vẻ thảng thốt. Từng đàn chim lũ lượt bay trốn núi.

Cả nhà tôi xuống làng để nghe cầu kinh Misa. Đến nơi, chúng tôi thấy từng nhiều đám đông tụ lại và hét lớn:

- Saint-Pierre bị cháy. Cơn mưa lửa. Biển động.

"Cha tôi muốn xuống đấy, nhưng mẹ tôi đã ngất đi do quá sợ hãi. Cả nhà xúm lại quanh bà.

"Đến giữa trưa, Pierre quay lại. Xe ngựa không có, quần áo hắn rách bươm. Da mặt đỏ ong, tay đầy vết xước. Hắn bước đi loạng choạng. Tôi hét to:

- Pierre, Simon đâu?

Chưa vội trả lời, chỉ ra dấu về hướng thung lũng. Pierre mới kể:

"Ngay lúc khởi hành, con ngựa đã ra dấu uể oải. Pierre phải quất roi nó mới chịu chạy. Xe đến sát thành phố, không khí đã đầy mùi lưu huỳnh ngột ngạt. Từng đám mây lửa cháy bùng lên như vỏ bào. Chiếc xe chạy trước cháy bùng lên thành bó đuốc lớn. Một đám mây lửa thiêu cháy mọi vật. Con ngựa phát rồ, xe bị lật úp. Pierre bị hất xuống đường, hắn thấy rõ đám mây lửa đi qua, trong khi Simon đáng thương áo quần bị vướng vào xe, bị kẹt lại và cuối cùng biến mất trong lò lửa ấy. Mọi việc chỉ diễn ra trong chừng ba mươi giây. Sáng hôm sau, người ta nhặt được những gì còn lại của anh ấy, rơi vung vãi hai bên đường.

Người đàn bà bỗng nhiên nói nhanh hơn, như muốn sớm kết thúc câu chuyện.

"Sau đấy, tôi ngã bệnh. Nhưng ở tuổi hai mươi, mấy ai lại chết vì buồn phiền. Gia đình tôi sa sút. Tôi căm thù Pierre, người anh họ. "Tại sao không phải là hắn? Tại sao hắn không chết?". Dẫu sao, hai năm sau, tôi cưới Pierre.

"Cuộc sống của tôi từ đấy là cuộc sống của bao người đàn bà da trắng ở đây: nhà cửa, con cái. Chúng tôi có chín đứa con. Ông biết đấy, có nhiều chuyện người ta không muốn kể cho những người họ cùng sống, ở đấy, mọi người đều biết nhau quá rõ. Dù sao thì, lắm khi, họ lại có nhu cầu được nói, được kể, được chuyện trò... Chồng tôi đã chết, cách đây vài năm. Trong lễ rửa tội, chồng tôi đã nói thật hết mọi điều. Và vào ngày thứ Năm ấy, hắn đã nói dối. Sự ghen ghét đến độ hóa cuồng đã khiến hắn chỉ nghĩ đến việc giết Simon. Chính hắn đã quất roi vào ngựa, đã một mình nhảy ra khỏi xe và để mặc Simon trong xe lao vào đám mây lửa.

"Những người sắp chết, chắc ông không biết, khi tạ lỗi thường có một vẻ khiếp nhược nào đấy, còn mình lúc ấy thì chẳng thể khước từ...

Bà ta lặng im. Khuôn mặt quay về hướng núi, những nếp nhăn trên mặt càng dày thêm.

Hoàng hôn màu xám đục hối hả đến với đảo Saint-Pierre. Bầu trời xám, mặt biển cùng xám nốt.

Không nói câu tạm biệt, cũng không có thời gian để tôi kịp hỏi tên, bà bỏ đi. Những bước chân rắn rỏi, chiếc gậy mây nện từng tiếng xuống đường.

Tôi đến một quán rượu. Ông chủ quán đang ngồi trước quầy, hai chân buông thõng. Mái tóc xoăn, điểm màu bạc, ánh mắt ông thật buồn, thường vẫn thấy ở những người lai, khi về già.

- Tôi muốn biết tên người đàn bà vừa mới nói chuyện, thưa ông!

- À... Cô Harbelot, ông già đáp.

- Cô?... Tôi thốt lên, rất ngạc nhiên.

- Vâng, cô Harbelot des Planchais.

- Nhưng còn tên của người chồng?

Ông già lắc đầu:

- Ồ không, có cưới lần nào đâu.

- Bà nói với tôi bà có chín đứa con.

- Không, không. Không có đứa nào hết. Cô ấy chỉ nói chuyện như thế, thế thôi. Ông anh họ chăm sóc cô, nhưng không thể ngăn cô ra đường, luôn luôn thế. Cô ấy bị điên. Điều này xảy ra với cô Herbelot, dường như vào thứ Năm.

Phạm Anh Tú dịch
(TCSH50/07&8-1992)

 

Các bài mới
Gấu trắng (27/12/2021)
Các bài đã đăng
Đôi dép (17/11/2021)