Tạp chí Sông Hương - Số 390 (T.08-21)
Tác phẩm mới tháng 08/2021
09:23 | 23/08/2021


SÀI GÒN NGOẢNH LẠI TRĂM NĂM (hồi ức, sưu khảo), Phạm Công Luận, Phanbooks và Nxb. Đà Nẵng, năm 2021. 

Tác phẩm mới tháng 08/2021

Cuốn sách gồm 7 phần, như 7 cách tiếp cận khác nhau để vào tận thâm cùng ngõ hẻm của văn hóa Sài Gòn hơn một thế kỷ nay. Những sưu khảo, hồi ký, ghi chép về một thời quá khứ vừa vàng son, tráng lệ, vừa không ít đổi thay đến bất ngờ của Sài Gòn. Nhiều tư liệu về văn hóa, đời sống, kiến trúc, nếp sống... của người Sài Gòn được tác giả Phạm Công Luận khai thác đầy đủ, sắc bén. Sài Gòn thay da đổi thịt, chuyển mình thành một đô thị hàng đầu của cả nước, với những nét đẹp văn hóa vẫn còn gìn giữ một cách lặng thầm.  


MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ VĂN HÓA VĂN HỌC DÂN GIAN, (nghiên cứu), Triều Nguyên, Nxb. Đại học Huế, năm 2021.

Một công trình khá đồ sộ của nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Triều Nguyên với bộ sách gồm 2 quyển, hơn 1000 trang, tập hợp 299 bài viết về ngôn ngữ, văn học, văn hóa dân gian đăng trên các tạp chí từ năm 1991 đến nay. Các bài viết được phân theo năm nội dung gồm: những vấn đề chung; văn học viết; văn học dân gian - một số thể loại; văn học dân gian - các mối quan hệ. Bộ sách là nguồn tư liệu quý giá, có tính chất lưu trữ nhiều dữ kiện quan trọng của việc nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian trên địa bàn Thừa Thiên Huế nói riêng và những vấn đề mang tính phổ quát của Việt Nam nói chung. Công trình thể hiện tính đa dạng, phong phú và kiến thức uyên thâm của một nhà nghiên cứu dày công sưu tầm, phân tích, hệ thống hóa một khối lượng tri thức dân gian được chắt lọc qua nhiều thời kỳ.


MIỀN NHỚ (hợp tuyển thơ văn qua các trại sáng tác), Nxb. Thuận Hóa, năm 2021.

Hợp tuyển thơ văn qua các trại sáng tác do Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế tổ chức từ năm 2017 - 2021 là một tuyển tập dày dặn, đánh dấu một chặng đường sáng tác. Những địa danh như Vinh Hiền, Vinh Mỹ (huyện Phú Lộc), Quảng Ngạn (huyện Quảng Điền), Hương Thọ (thị xã Hương Trà), Dương Hòa (thị xã Hương Thủy)... đã gắn bó với các nhà văn, nhà thơ trong các chuyến đi thâm nhập thực tế, tiếp cận cuộc sống, sinh hoạt của người dân sở tại. Các trại sáng tác nói trên đã tạo không gian sáng tác gần gũi, thắp lên ngọn lửa cảm xúc cho người cầm bút, để từ đó có những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị cao về nội dung, tư tưởng cũng như chất lượng nghệ thuật, đáp ứng sự phát triển đổi mới của quê hương Thừa Thiên Huế, nhu cầu thưởng thức của độc giả.


NẺO ĐỜI PHIÊU BẠT (bút ký), Trương Chí Hùng, Nxb. Phụ nữ Việt Nam, năm 2021.

Thế giới rộng lớn, bao la đã mở ra những sức cuốn hút, diệu kỳ trong tập sách của một người trẻ thích phiêu lưu. Tác giả đã đi khắp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chứng kiến bao đổi thay, trải nghiệm bao câu chuyện, thưởng thức bao nhiêu vẻ đẹp kỳ vĩ của thiên nhiên... Đó là lần rong ruổi về Cà Mau, đi qua Miệt Thứ, xuôi miền sông Hậu, thắc thỏm với Hà Tiên. Tác giả cùng sống và sinh hoạt cùng những người trên kênh rạch, những đồng bào Chăm trong tháng Ramadan, “để những tháng năm rực rỡ nhất của tuổi trẻ thuộc về những chuyến đi”. Trang viết của Trương Chí Hùng ngồn ngộn hiện thực, tư liệu phong phú, khơi sâu những chiều kích văn hóa, làm hồi sinh lại những mảng màu tươi đẹp, bình yên trên đồng xanh sông gấm quê hương.  

(TCSH390/08-2021)



 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Hình bóng mẹ (20/08/2021)
Người thầy (20/08/2021)