Tạp chí Sông Hương - Số 390 (T.08-21)
Người sông Hương trở về
09:04 | 06/09/2021

TRẦN BĂNG KHUÊ  
               Bút ký  

1.
Bất giác, văng vẳng “con đường cái quan” Phạm Duy ca rằng:
“Người về chưa ghé sông Hương
Đã nghe tiếng gọi đôi đường đắng cay”

Người sông Hương trở về
Ảnh: internet

Tôi tự nhận mình là người của sông Hương, kể từ những năm tháng xưa cũ, kể từ lúc tôi biết rằng tên của tôi bắt đầu từ dòng sông đó. Ấy vậy, tôi luôn băn khoăn câu chuyện lựa chọn, những giấc mơ dịch chuyển, rời chân nhấc gót khám phá những cung đường, những thành phố xa xôi, những cầu cảng như Auckland Harbour của xứ kiwi, không phải chốn này hoặc nơi mà tôi đã sinh ra và lớn lên. Nhưng, sau những tháng năm phiêu bạt ở đất nước Tân Tây Lan, một ngày mùa đông, tôi trở về với cơn mưa rét bứt rứt quen thuộc của Huế chỉ để nghe “tiếng gọi đôi đường đắng cay” thân thương ngọt lịm ấy.

Bởi tôi biết, Huế vẫn là mối duyên lững lờ sông nước ngay từ khi bắt đầu chập chững bước chân vào đời. Tôi dường như quá hờ hững với câu chuyện bắt nguồn sự ra đời cách gọi của con sông mà tôi được mang tên. Nhưng, khi tự tìm kiếm chút ít thông tin theo sách “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi mới biết sông Hương trước đó còn được gọi là sông Linh. Hoặc “Ô châu cận lục” do Dương Văn An nhuận sắc vào năm 1555, viết sông cái Kim Trà (Kim Trà đại giang). Riêng sách “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn gọi là sông Hương Trà. Những cái tên mà hẳn là tôi chưa nghĩ đến, chỉ biết rằng, sông Hương lung linh huyền ảo kiểu nào đó vừa riêng vừa chung trong linh thức người Huế bao đời. Và rồi tôi về với Huế, với con sông Hương, mà đôi lúc tôi nghĩ, hẳn là vì duyên mà đến, vì duyên mà ở lại, vì duyên mà rời đi hay xa cách. Duyên còn, hay hết, trời đất vô cùng như sông như nước, như gió như mây vậy, rồi gió mây ham rong ruổi phiêu bạt, để núi sông ở lại ngóng chờ. Sông nước vẫn đó, ai biết đục - trong, ai biết tình sâu hay cạn? ai biết duyên thiếu hay thừa, ai biết ai đợi chờ ai dưới chân cầu sáu vài mười hai nhịp ngày xưa/ bây giờ.

Nỗi niềm cách biệt của bao người, đã từng lặn vào trong đôi mắt Huế chiều mù mây xám, mưa lút trời, ngập đất khi đến mùa nước nổi nước trôi, nắng nhòe mắt cháy nám cả da mặt khi phượng đỏ bắt đầu rực rỡ khắp mọi góc đường. Nhưng có làm sao, nhớ thì cứ nhớ, thương thì cứ thương cả những tháng năm đã qua đi rất lâu, lại có thể khiến kẻ xa xứ chạnh lòng mà rơi lệ. Cũng chẳng phải sinh ra và lớn lên nơi xứ sở đó bao giờ, chỉ nhớ một vài ký ức lặng lẽ đuổi theo sau lưng từ bé. Lang thang cùng nội về làng biển trên một con đò xuôi dọc sông Hương, có khi mơ ngủ trên đò, ngỡ như đang ở chốn thần tiên, được nước ru êm, được trăng soi giấc. Về tới làng biển thì tỉnh như sáo sậu, vứt cả dép, thả chân không trên đất cát mềm mịn, rồi cố tình chôn chân lún sâu xuống cát một cách thích thú, như khám phá ra thứ gì đó mới mẻ lắm.

Những ngày như thế đã xa rất xa rồi, ba tuổi, bốn tuổi chẳng thể định hình rõ ký ức của mình, chỉ khi nhà có việc, đông đúc tụ họp bà con xa gần, thì rất thích ngồi lọt thỏm quanh vòng tròn đó để nghe kể chuyện. Từ chuyện thời chiến chạy loạn, hệt như mấy câu chuyện liêu trai chí dị, hoặc đến chuyện nhỏ nhặt nhất về lần đầu tiên đứa cháu miền núi đặt chân xuống miền biển, dăm ba tháng đã nói rặt tiếng Huế.

Phương ngữ Huế là câu chuyện được kể nhiều nhất trong nhà. Chẳng hạn, chị gái của ba, hay em gái của ba thì phải gọi là cô, nhưng trẻ con trên núi, gọi cô quen rồi, về Huế nghe mọi người nói O nớ O kia, xong thắc mắc, rồi tự kết hợp lại thành O - cô Gái cho tiện. Sau này, hễ gặp, O lại nhắc suốt. Nội, thì gọi là mệ. Lớn rồi, gọi mệ quen, không thể quay lại cách gọi phổ thông được nữa. Mệ gần trăm tuổi vẫn minh mẫn nhớ, vẫn còn nhắc chuyện, con bé ba tuổi thời đó đã biết hỏi han đủ thứ, tại sao “muối” mà người ta cứ nói là “mói”?

Nhớ ra, khi bắt đầu lựa chọn trường đại học, tôi đã từng nghĩ, phải đến những nơi có sông nước mới sống được. Vậy là tôi quay về Huế, không mơ mộng thành đô xa hoa lộng lẫy, vì không đủ tự tin bon chen nơi chốn xôn xao hoặc vì tôi nghĩ về việc tôi từ chối sự tồn tại của tôi ở đất Sài thành hoặc chỉ đơn giản là vô duyên mà “đối diện bất tương phùng” đó thôi. Dăm bận rong ruổi cùng ba ra Huế bằng xe máy, năm tôi mười bốn mười lăm tuổi, kể cả khi bắt đầu trở thành cô sinh viên năm nhất Đại học Sư phạm. Kiểu lang thang 700km đường dài này rất thú vị. Có thể ngắm cỏ cây, hoa lá, có thể đi xuyên qua các thành phố, thị xã, hay vùng đồng quê khác, có thể dừng chân ở xứ Bình Định để uống nước dừa trái tươi mát, ngọt lành. Hoặc vượt qua ngọn đèo ngoằn ngoèo đầy những khúc cua như Hải Vân quan mây ấp ôm mây, núi mờ mờ sương khói cả sớm lẫn chiều.

Rồi Huế neo buộc, tôi nghĩ hẳn là con đò đã tìm được bến đỗ, tưởng sẽ không thể rời đi nữa. Hơn chục năm trải nghiệm sống và học hành ở xứ sở ấy, bất giác mọi thứ cũng trở thành bóng thành hình níu lấy chân. Nơi nào, chốn nào cũng thân thương, chỉ e ngại những mùa mưa lũ, giá rét thì day dứt mãi. Mùa lũ đầu, trẻ trâu miền núi như tôi thấy nước tràn bờ, thấy phố thành sông, thì chỉ biết ngập mắt mơ mộng háo hức, lội nước lụt khắp nơi không biết sợ, không biết mệt mỏi, không biết cả những đớn đau mất mát phía sau của người người nhà nhà ở xứ này. Tuy nhiên, có dạo đến trường mùa lụt, lần đầu tiên lội xe đạp từ ký túc xá qua trường, nước mắt ngắn nước mắt dài thì mới hiểu những mùa lụt của Huế trở thành một cơn ám ảnh day dứt.

Giờ Huế đang mùa hè, nắng như đổ lửa. Nhưng Huế vẫn đẹp lắm. Người đi kẻ ở. Dù đã rời khỏi Huế hơn ba năm, vẫn không thể nguôi ngoai nỗi nhớ kì quặc. Hễ nghe ai đó xa Huế, khắc khoải nặng tình với sông Hương núi Ngự lại thảng thốt chạnh lòng theo. Làm sao biết được, duyên Huế neo buộc lòng người đậm sâu đến vậy? Thôi, tự nhắc nhở mình, dẫu xa xôi cách một đại dương, nơi đó vẫn là một nửa linh hồn, vẫn là nét duyên riêng-biệt của người Huế, của kẻ đến và đi.

2.
Nhưng duyên và nợ là một câu chuyện thật lạ kỳ. Có khi tưởng chừng đã dứt, có khi đi một vòng lại trở về nơi chốn bắt đầu. Dăm ba bận, tôi biết rằng mình vẫn muốn trở về chỉ để nhìn thấy cây phượng già dưới chân cầu Trường Tiền nghiêng nghiêng soi bóng xuống mặt nước. Năm nào đó, tôi đã đứng dưới gốc cây phượng già ấy, ngước nhìn lên từng khóm lá rỗng, quan sát bầu trời lọt qua tạo thành các khung hình đầy màu sắc. Màu của mây nước xanh xanh trắng trắng như sóng biển, màu của thời gian, lững lờ trôi đi vô ảnh mờ ảo trong sương khói buổi sớm trên sông Hương. Chỉ là tôi mơ hồ tưởng khói mờ nhân ảnh trên mắt mình. Hay không phải, tôi biết, nó có thật. Những gì tôi đã nhìn thấy, đã từng gửi gắm một khoảnh khắc tuổi trẻ nào đó. Tôi của những năm hai mươi tuổi đã xa tít tắp mù khơi trong mịt mờ sương khói thời gian.

Hẳn ít ai nghĩ cây phượng già ấy lại là một sự hiện hữu mặc định năm tháng bên cầu Trường Tiền, để xõa bóng xuống mặt nước tạo thành những góc ký ức gắn kết Huế với con người dù xa dù gần. Tôi tiếp tục quan sát mọi thứ xung quanh cây phượng già bằng tâm ý của mình. Vài hoạt cảnh chạy qua. Dừng lại, cho tôi xem, những con người khóc cười, trầm ngâm, nhìn về phía bờ bên kia, hoặc có khi họ đã đi xa. Đi xa, lìa khỏi trần thế này rồi. Những đôi tình nhân mặn nồng thành cuộc hẹn trăm năm hay là đã ly tan dưới bóng chiều rũ xuống trên một dòng sông buồn.

Cây phượng già vẫn mặc nhiên đĩnh đạc dưới nắng mưa, bão lũ. Liệu có ai biết đến sự tồn tại của cây phượng già, liệu có ai tự hỏi về thời gian nó có mặt ở đó, chứng kiến bao cuộc đời thầm lặng trôi nổi trên sông Hương. Liệu có ai thương hay nhớ khi rời quê cất bước tha phương lưu lạc? Tôi vẫn muốn đứng dưới gốc cây phượng già. Bằng ý thức, bằng tâm tưởng. Tôi chỉ cần nhắm mắt lại và đưa mình rời khỏi đất nước xa xôi này. Có những chuyến đi mà chúng ta không cần phải dịch chuyển thể xác. Rõ ràng, tâm ý sẽ giúp ta thực hiện điều ấy. Tôi muốn trở về bên cây phượng già, dưới chân cầu Trường Tiền ngày xưa, một lần bắt gặp nỗi niềm của cô bé học trò nhỏ mới xong lớp mười hai ngồi vắt vẻo trên lan can mơ mộng về phía chân trời, mắt nhìn xa xăm ngoài sông nước dòng Hương khi trong khi đục những mùa mưa.

Hôm nào đó, có một người bạn thời đại học của tôi về lại xứ xưa, lang thang khắp nơi quanh sân trường, góc giảng đường quen thuộc. Không biết bạn đã đến thăm gốc phượng già bên cầu Trường Tiền chưa? Gốc Phượng già được họa hình trong những bức tranh về Huế khiến nỗi nhớ người xa quê càng thêm chênh chao. Chưa kịp hỏi tôi đã thấy bạn khoe màu hoa đỏ thắm nghiêng nghiêng xuống mặt nước, như vốn dĩ lâu nay vẫn thế.

Người người ở đó, người người đi qua, người người rời chân nhấc gót liệu có ai nhớ gốc phượng già lặng lẽ phía sau lưng mình? Những ngày mùa hè không còn lại bao nhiêu nữa cho Huế bớt cơn nắng đổ lửa, nhưng vẫn hãi hùng mỗi khi mưa bão tới. Cây phượng già có phải chỉ của riêng Huế, hay của lòng người nơi đó, kẻ nơi xa ghé chơi, rồi mỉm cười rời đi trong vô chừng nỗi nhớ. Tôi không nghĩ rằng tôi, quên bặt đi sự hiện hữu quen thuộc của cây phượng già ấy, nếu không có ai đó bất chợt nhắc đến.

Hơn mười năm rời giảng đường đại học, tôi đoán chắc bạn tôi đã háo hức chạy quanh công viên trước cổng trường sư phạm, và ghé thăm cây phượng già, tựa vào thành lan can bờ sông, hoa đỏ như những ngọn lửa ở dưới chân cầu Trường Tiền. Hẳn là cô ấy đang hồi tưởng giống như tôi bây giờ, hoặc cũng có thể tham lam ôm mang cả nỗi niềm thương mến xa xôi vào lòng bằng nụ cười hồn nhiên trẻ tuổi ngày xưa. Hình hài của cây phượng già soi bóng xuống mặt nước, hệt như thời gian cũng đang soi lại một khoảng trời ký ức của nhiều thế hệ, tuổi thơ, tuổi trẻ và cả những con người bây giờ trên đầu đã hai thứ tóc.

3.
Đôi lần nghĩ ngợi hẳn tôi yêu mến xứ sở này lại liên quan đến một vài ký ức khác về chính tôi và những người bạn của tôi thời tuổi trẻ. Tôi biết tuổi trẻ đã trôi xa theo dòng nước bốn mùa, chắn chắn không thể nào sai lạc đi được, nhưng vô vàn ký ức thì vẫn còn sống động như mới ngày hôm qua. Bởi lẽ, không phải bỗng dưng mà người ta quên quên nhớ nhớ những thứ đã đi qua, một khoảnh khắc phút giây nào đó bỗng dưng ùa về ngập tràn cái ngăn ký ức gắn kết sự có mặt của tôi lúc ấy với ai đó, chẳng hạn là Yến. Có khi tôi nhớ, có khi tôi quên, những chi tiết mà não tôi chật chội không thể chứa đựng thêm, đã tạm thời di dời bớt sang một khoảng trống vô hình khác lặng lẽ.

Chỉ một vài nhánh hoa bằng lăng tím mà Yến cắm ở thời khắc này cũng đủ để khơi lại cả một bầu trời trong veo, những câu chuyện không đầu không cuối từ những năm nào đó, tôi mười lăm, mười sáu tuổi, Yến cũng vậy. Hoặc những năm tôi hai mươi, hai mốt, khi tôi học ở Huế và Yến ở Sài Gòn. Tôi nhắc về Huế, mùa này bằng lăng cũng thi thố khoe sắc với phượng đỏ, điệp vàng dọc Lê Lợi, gần trường Đại học Sư phạm hoặc đường Đống Đa, Nguyễn Huệ và quanh các bờ hồ, trong thành nội Huế nhiều lắm. Tôi nhớ ra mùa bằng lăng gần nhất, ở những năm tháng đó, khi thằng bạn người Huế rảnh rỗi sinh nông nổi hái một cành bằng lăng tặng tôi. Mơ mộng quá đâu hiểu, để hoa nở trên cây, tự tàn úa rồi rơi rớt xuống gốc, lá xanh tự rụng khi đã vàng úa. Đẹp cho đến phút cuối cùng của một vòng sinh tử. Giờ phiêu lưu bốn bể, nhìn xứ người ta yêu thương cỏ cây hoa lá thì càng thấm thía, mặt đất có sự sống, bầu trời mới có hơi thở trong lành.

Tôi tự nhấc tôi rời không gian ký ức này để thử lùi về thêm một khoảng thời gian nữa, nhưng chẳng có ý niệm gắn kết gì. Kỳ quặc thay, tôi không tài nào nhớ nổi những khoảnh khắc dễ thương đó. Yến nhắc lại với tôi, về một cô bạn cùng đi thi học sinh giỏi văn năm lớp chín, nhưng không ở khu tập trung với chúng tôi, có lần ghé chơi đã mang đến một cành bằng lăng tím đậm, tôi mang máng mường tượng ra khuôn mặt cô ấy, nhưng cành bằng lăng tím thì tôi không nhớ một chút gì, kể cả tên cô bạn tiểu thư kiêu kỳ kia. Và Yến còn nhắc lại với tôi về ký ức gắn bó với hoa bằng lăng hiếm hoi những năm mười sáu tuổi. Yến nói, nàng đi hái hoa, bứt lá kết chùm bằng lăng mừng sinh nhật tặng một chị gái thân lớp Lý chung xóm trọ, rồi nàng ấy thay vì cầm những đồng tiền ăn cuối cùng của hai đứa tháng đó về, thì nàng đã vứt lại nó bên trời hoa mộng để rảnh tay cầm một chiếc lá bàng to bự. Tự thắc mắc, sao những ký ức đáng yêu này tôi lại để trôi tuột mất tích?

Tôi có khi còn chẳng nhớ gì về chính tôi dăm ba khoảnh khắc nhỏ lẻ. Nghĩ nghĩ lại thấy bộ não của con người thật quá thần kỳ, hệt như một cái động không đáy. Tại sao chúng có thể lưu giữ một khối ký ức tràn trề như sông như biển từ những năm tháng xa xôi tít tắp. Chỉ cần gợi nhắc chút xíu, khơi dòng chút xíu chúng sẽ như thác đổ tuôn trào. Yến còn nhắc nhở về sự khác biệt của hai đứa, mỗi lần đi cùng đến lớp hay lang thang phố phường mà tôi ít khi nghĩ đến. Yến nói Yến thích nhìn lên trời, tôi thì luôn cúi mặt xuống đất. Tìm kiếm. Tìm kiếm. Có chút xíu cảm động về sự tinh tế của bạn. Tôi thích nhìn xuống đất. Hẳn là, tôi cần sự thăng bằng và an toàn. Hoặc có khi không phải, có khi trong lòng đất cũng nhiều bí ẩn cần được khám phá lắm.

Cho đến khoảng thời gian sau này, tôi cũng mới bắt đầu nghĩ nghĩ về mình một chút rồi tự hỏi: “Tại sao tôi luôn thích cúi mặt xuống đất, còn Yến lại thích nhìn lên trời? Phải chăng trên trời cũng là một vũ trụ vô tận, nhiều năng lượng bí ẩn mà Yến muốn khám phá?” Và, phải chăng, mọi lý do, mọi thắc mắc trên đời này chỉ là những câu trả lời rất đơn giản “trên trời có hoa hoa bằng lăng, dưới đất có màu ký ức.”

4.
Tôi rời khỏi Huế độ chừng dăm năm, phiêu bạt xứ sở Tân Tây Lan, nơi mật độ dân số nói vui là còn thấp hơn đầu cừu. Tôi có cơ hội được tìm hiểu, được trải nghiệm cuộc sống bên kia bờ đại dương của trái đất, trên một quốc đảo hiền lành, bình yên. Nhưng không vì vậy mà tôi quên khoảng thời gian đi mòn gót chân ở chốn núi Ngự sông Hương, thấm đẫm mấy mùa mưa lũ dầm dề xám trời, mấy mùa nắng gắt cháy da. Thời tiết khắc nghiệt đó, có khi đã giúp tôi luyện thành bản tính kiên trì, lạc quan hài hước của người Huế. Tôi trở về, người của sông Hương trở về với sông Hương, đúng thời điểm mà tôi có thể bắt đầu việc đếm những ngày giông bão, đếm đủ những cơn nước lụt tháng chín, mười, mười một. Rồi, sau bao nhiêu năm tự nhận là người Huế, tôi ở lại Huế đón cái Tết đầu tiên, đón không khí chuẩn bị năm mới của xứ sở này. Và cũng là cái tết đầu tiên xa nhà hai đầu Nam - Bắc.

Một ngày nắng xuống trên những ngọn cây. Gần cuối xuân đầu hè. Tôi mượn cớ tìm lại những tháng ngày tuổi trẻ, thả bộ đi dọc sông Hương để ngắm nghía sự đổi thay của thành phố, của con sông bao nhiêu năm vẫn um tùm trong cỏ ở Kim Long, nay đã có đường lát gạch chạy xuyên bờ thông thoáng và thơ mộng như những phố thành nào khác vừa quen vừa lạ vậy. Nhưng, câu chuyện của tôi vẫn chỉ là những suy niệm về cuộc đời, về sự gắn bó của con người, sự vật cỏ cây nơi này với con sông xanh ngắt màu trời ấy. Hãy nhìn thử mà xem, sau một mùa bão tan nát. Con sông vẫn xanh, và cỏ cây vẫn loang loáng ánh sáng sắc màu của đất của nước, của nắng gió. Lá vàng. Lá đỏ. Lá xanh. Chêm xen. Lấp lánh một vạt tia sáng như sao đêm dưới mặt nước.

Con sông thì quen. Tôi cũng không hẳn là kẻ lạ. Tôi đi dọc con sông đó. Con sông đó không đi dọc qua tôi. Chúng tôi chào nhau mỗi buổi chiều, thay vì đón bình minh lên. Tôi nói, tôi là một nửa của con sông. Con sông lạnh lùng từ chối, “chỉ là ngày xưa thôi”. Hẳn là ngày xưa đó của tôi thơ mộng hơn bây giờ nhỉ? Tôi biết, rằng tôi đã khác. Tôi biết, rằng tôi đã thôi mơ mộng về những con sông chảy ngang thành phố. Tôi biết, rằng tôi không còn nhớ con sông như những năm mười bảy, mười tám tuổi nữa.

“Làm sao mặt sông lại lung linh đẹp tuyệt vời đến thế?” Tôi lại ngờ nghệch hỏi.

Nắng chiều loang đều khắp cả thành phố, tỏa ánh sáng trên những cây cầu. Nắng chiều tiếp tục xuyên thấu vào mắt tôi. Nắng chiều tiếp tục rúc sâu hơn vào nách lá trên ngọn cây cao chỉ còn là chiếc bóng mờ tối. Đôi khi tôi không nhận ra mình, chỉ bởi tôi nhìn thấy tôi dưới mặt nước, tôi nhìn thấy một mùa xuân nữa lem nhem thành vệt chân chim nơi đuôi mắt người trẻ (và có thể cũng không còn trẻ). Chao ôi, nhiều kẻ vẫn thích nằm mơ.

Con sông có già đi không? Tôi biết là sẽ không bao giờ có câu trả lời. Con sông rất trẻ. Con sông rất đẹp. Con sông rất thơ. Và thật ra, con sông cũng rất buồn. (Nếu người ta thực lòng muốn biết đến điều đó).

Tôi định sẽ ít quan tâm đến việc con sông có buồn, có thơ mộng, có tưng bừng chào mừng xuân sắc mãi mãi hay không? Ấy thế mà, hôm trước, đi dọc con sông, tôi tươi cười đón nắng chiều xuống, ngắm những tầng lá mỏng đổi màu một cách vui sướng, như việc tôi được tái sinh, hệt lần nào đó trong ký ức mới đây thôi, nụ cười tôi cũng thơ như vậy. Nhưng, mắt tôi vừa lướt qua mép bờ sông. Mắt tôi cụp xuống. Con sông bất giác khiến tôi nghẹn lòng. Xác chết của chú chó tai ngắn trương phình, trên cổ hình như còn đeo một chiếc vòng màu lông mờ mờ dưới tia sáng mặt trời lộng lẫy.

Con sông có lộng lẫy không?

Tôi bước tiếp về phía trước. Để lại phía sau, một cái bóng nặng trĩu. Con sông của tôi bây giờ đẹp hơn trước nhiều. Con sông của tôi bây giờ hẳn là cũng buồn hơn trước nhiều lắm. Đừng ai bảo tôi thơ - tôi mộng nữa. Tôi không phải con sông như nhiều người vẫn lầm tưởng. Tôi cất giấu tôi đi, để cho thế giới thấy những hình ảnh tươi đẹp nhất, hồn nhiên xanh ngát nhất của tôi vào những ngày nắng đẹp trời thanh. Khi bóng đêm xuống tôi có thể lộng lẫy trong chiếc áo của những bản nhạc nước đủ sắc màu. Nhưng khả năng, bên mép bờ sông, chắc chắn còn lại xác chết của một con chó chưa phân hủy và bị lãng quên lạnh lùng.

“Mùa xuân, tuổi trẻ hình như vẫn không chịu rời đi, vẫn âm ỉ kéo dài hơi thở thì phải?”, tôi nghĩ vậy. Bằng chứng là, sau mấy ngày Tết đó, người người vẫn xúng xính váy xanh, váy đỏ, giày cao gót, làm dáng bên bờ sông xinh đẹp hoa cỏ tươi tắn sắc màu, trong lúc thời gian lễ hội đã hết. Họ vẫn sẽ hồn nhiên cười đùa, hoặc thì thầm lời yêu đương bên sự thơ mộng của con sông khi hoàng hôn buông xuống. Nhưng khả năng là họ không bao giờ để ý hoặc có thể nhìn thấy xác chết của một con chó bên bờ sông vừa mới hôm qua, hôm kia.

Tôi và người bạn đời phiêu bạt xứ người, khi trở về bỗng nhận ra Huế ngày xưa thơ mộng lặng lẽ bao nhiêu thì bây giờ lại lộng lẫy nhiều màu sắc, nhiều đổi thay. Huế như được khoác một lớp áo mới vì những sắc diện từ hai bên bờ sông Hương đến những vùng ven ngoại ô thành phố. Mỗi ngày mùa hè, mỗi chiều mùa hè tôi vẫn thường chạy qua những chiếc cầu nối hai bờ sông để ngắm toàn cảnh những vẻ đẹp rực rỡ dưới nắng ở bờ sông, những sắc màu chêm xen trên ngọn cây. Những luồng ánh sáng vàng đỏ của bầu trời tưới đều trên chiếc cầu sáu vài mười hai nhịp.

Huế những ngày mùa hè này, thật lòng mong manh như hơi thở. Hơi thở từ bầu trời từ mặt đất, từ phía lòng sông. Hơi thở phả vào mặt người sự tất bật vội vã trên đường phố. Ký ức như một con sâu, nó có thể từ từ vui vẻ gặm nhấm tâm hồn trái tim đơn độc bốn mùa hoang vu của tôi. Hoặc cũng có thể xóa nhòa mọi ranh giới giữa quá khứ và hiện tại.

Câu chuyện người sông Hương trở về với sông Hương có khi với tôi cũng chỉ là một trường hồi ức chưa đủ để gọi là dài nhưng cũng không thể ngắn hơn được nữa. Việc tôi đã đến, đã rời đi rồi nhớ ra dăm ba lần rớt nước mắt khi nghe câu hò mái nhì mái đẩy, khi mường tượng hình dung về một con sông chảy qua lòng thành phố nhỏ, khi mộng mơ về tuổi thơ tuổi trẻ của mình.

Mới hôm kia đây thôi, tôi cùng người bạn thời trẻ tuổi đi ngang đoạn thời gian nào đó, tôi cố tình liếc nhìn hòng tìm kiếm thử xem liệu có còn cây Phượng già nghiêng nhánh mùa đỏ rực xuống lòng sông quen thuộc bên cầu Trường Tiền nữa hay không? Ký ức và hình ảnh thực tại, chúng thật tình đang trở thành một miền ảo giác trong trí nhớ của tôi. Lúc mờ lúc tỏ, hệt như đêm trăng chưa rằm, hệt như con sông Hương khi bóng tối rủ rỉ hát ca, và ánh đèn màu bảy sắc cầu vồng chơi một vũ điệu riêng biệt của xứ sở kinh kỳ này.

Tháng năm, năm hai không hai mươi mốt.

T.B.K  
(TCSH390/08-2021)




 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Hình bóng mẹ (20/08/2021)
Người thầy (20/08/2021)