Tạp chí Sông Hương - Số 390 (T.08-21)
Huế - những thước phim quay chậm
14:26 | 10/09/2021

PHẠM PHÚ PHONG   

Nguyên Du là sinh viên khóa 5 (1981 - 1985) khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Huế (nay là Đại học Khoa học).

Huế - những thước phim quay chậm

Lớp anh có nhiều người theo đuổi nghiệp văn, trở thành những cây bút tên tuổi như Trần Quang Khanh, Võ Thị Hải, trong đó Hồ Thế Hà là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; nhiều người “không chịu ra trường” mà ở lại với ngành giáo dục, trở thành các phó giáo sư hoặc tiến sĩ như Bùi Mạnh Hùng, Hồ Thế Hà, Nguyễn Thành, Trần Trung Hỷ, Lê Thị Tuyết Ba... Riêng Nguyên Du chọn nghề làm báo phát thanh, từ phóng viên rồi trưởng thành dần, trở thành Giám đốc Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Thừa Thiên Huế. Nay cũng đã gần đến tuổi nghỉ hưu, anh vẫn chưa hề nguội lạnh đối với văn chương, khi bỗng nhiên cùng một lúc, anh cho ra mắt bạn đọc 3 tập tản văn viết về xứ Huế: Nhất Huế nhì Sịa, Tiếng dạ tiếng thương Bí bầu lớn xuống, cả 3 tập đều được nhà xuất bản Thanh niên ấn hành vào quý 1, năm 2021.

Ba tập sách với gần 750 trang, đều không được tác giả xác định thể loại. Bản năng sáng tạo đôi khi vô căn, vô thức. Nhà văn cứ viết như họ nghĩ, cứ thể hiện ra trang giấy những gì họ có; trải rộng những gì đang chật ứ, quẫy đạp trong tâm hồn, không viết ra không chịu được, còn thể văn gì dường như ít được người viết quan tâm. Gọi tên các thể văn là công việc “nặng nhọc”, đầy tính “võ đoán” của những người làm lý thuyết văn chương, mà đôi khi nó xám xịt và khiên cưỡng, áp đặt theo một khuôn mẫu có sẵn, bởi không thể có cái khuôn nào đáp ứng đầy đủ sự phong phú, đa dạng, đa sắc màu và cung bậc của đời sống, “phản chiếu” một cách tương ứng trong thế giới nghệ thuật. Nhà thơ Chilé Pablo Neruda (Nobel văn chương 1971), từng nói rằng: “Không có gì rót đầy lên tất cả/ Những cốc kia tinh khiết vô ngần”. Ở đây, tôi không phải là người cố “gọt chân cho vừa giầy” nhưng đọc Nguyên Du, với lối cắt dán, lắp ráp những truyện không đầu không cuối, lan man chuyện nọ xọ chuyện kia, xoay quanh cảm quan và tâm thức sáng tạo của tác giả, có thể được coi là những tản văn đầy ắp sự kiện, theo kiểu của Nguyên Du, bắt đầu từ đất đến người cỏ cây, hoa trái của xứ đế đô.

1. Nhất Huế nhì Sịa gồm có 45 bài, chia làm ba phần, dọc theo cái nhìn trong tâm thức người viết, cũng là để đưa bước chân người đọc dạo quanh từ Phố xá thân quen, ra đến Miền ngoại ô, rồi cuối cùng là Về quê ngoại, ở một vùng đất mà từ những năm sáu mươi, bảy mươi của thế kỷ trước chỉ xếp sau thành phố Huế, trong câu nói cửa miệng của mọi người, được anh lấy làm tựa đề cho tác phẩm là Nhất Huế nhì Sịa!

Phố xá thân quen
của Nguyên Du là thành phố Huế. Huế vẫn là nhất, là trung tâm, là nơi nung nấu và níu giữ tâm hồn người đến với văn chương và đi tìm cái đẹp. Nơi đây không còn là không gian địa lý, không gian sinh hoạt, gắn liền với thời gian bốn mùa mưa nắng đỏng đảnh đan xen, mà đã trở thành không/ thời gian nghệ thuật khi nó lắng đọng và lấp lánh qua tâm hồn nồng nàn men rượu hoài cảm của Nguyên Du. Vì vậy, anh dành cho phần này đến 22 bài, gắn liền với các địa danh như ga Huế, dinh tỉnh trưởng, đài phát thanh, ngã sáu, ngã giữa, trong đó có những địa danh hoặc tên gọi chỉ có Huế mới có như Bến Ngự, Phủ Cam, An Cựu, Kho Rèn, Dã Viên, Bạch Hổ, Gia Hội, Trường Tiền, Quốc Học, sân vận động Tự Do... Địa danh lay động và chắt lọc qua tâm thức của người viết hiển ngôn thành câu chữ, không còn đơn thuần là tên gọi của vùng đất, ngôi trường, đường phố, chiếc cầu, dòng sông, cỏ cây hoa lá... mà còn là con người, những nhân vật, trong đó có cả những danh nhân và vô danh, những huyền tích, những sự tích văn hóa - lịch sử, là tâm thức văn hóa nhân văn của thổ ngơi, xứ sở, được dẫn dắt một cách chậm rãi thông qua cảm quan nồng ấm cảm xúc, chất chứa đa cảm, đa mang của tác giả. Huế hiển hiện ra trong những “khuôn hình” đẹp lung linh, thấm đẫm tính nhân văn, có chút kín đáo, dịu dàng nhưng cao sang và đài các như những thước phim quay chậm, nằm vắt ngang hai thế kỷ đầy những biến động, đổi thay: “Một sáng nào đó về đây ăn bún mệ Kéo, vào quán cafe Papa trưng bày nhiều tranh của họa sỹ hoàng tộc tài hoa, nhìn qua ô cửa nhỏ, bạn sẽ thấy dòng chảy thời gian như ngưng đọng bởi nét cổ xưa, đầy hoài niệm. Với người từ xa đến có thể dạo bước dưới bóng chiều tà, để thấm đẫm những giá trị vẹn nguyên một thời nơi phố cổ, không mênh mang như Phước Tích, không cũ kỹ như Bao Vinh mà gần gũi, ấm áp, nồng nàn như hương phố, hồn người” [Hồn phố Gia Hội, tr.82]. Không, phải nói là thời gian thì đứng yên nhưng con người và cuộc sống, mọi thứ đều vận động đổi thay, không có cái gì là vĩnh cửu muôn đời. Dưới góc nhìn của Nguyên Du, mọi đổi thay là tất yếu, nhưng vẫn ẩn chứa đầy những ưu tư, nuối tiếc khôn nguôi: “ Việc xóa kiến trúc lâu đời ở chân cầu phía Nam Trường Tiền năm 2010 đã giúp cho không gian bờ sông, chân cầu thoáng đãng để rộng nhìn dòng Hương lặng lờ tình tự, để có thêm nhiều bóng xanh nâng dáng phượng hồng một thời hoa đỏ! Vậy mà tôi vẫn thấy tiếc nhiều và trống vắng mỗi lần ngang qua vì không gian ký ức xưa không còn nữa! Đây là một trong những kiến trúc đầu tiên của Pháp ở bờ Nam sông Hương khi chưa có cầu Trường Tiền và các kiến trúc khác xung quanh” [Đài Phát thanh Huế, tr.48]. Thay đổi để phát triển là chuyện hẳn nhiên, tất yếu, nhưng cũng có cái thay đổi mang sai lầm một cách đáng tiếc, do hạn chế của những tầm nhìn văn hóa. Ví như, chúng ta đang nỗ lực xây dựng một thành phố di sản, nhưng di sản kiến trúc phương Tây ở các con đường Lý Thường Kiệt, Lê Lợi, Hà Nội đã và đang bị triệt phá. Nhưng với con người “lành tính” như Nguyên Du, anh không trách cứ mà chỉ nhẹ nhàng tiếc nuối khi bỗng chốc mất đi cái nơi “trước đây là trung tâm của thành phố mới ở bờ Nam với những kiến trúc Pháp quanh đây” và xúc động nói rằng: “Huế đã mất con đường bằng lăng mười năm rồi khi đường Lý Thường Kiệt mở rộng trồng cây so đo cam, hoa đỏ xốn xang, đường Đống Đa cây sưa vàng mới 5 giờ chiều đã ngủ, rủ lá buông cành! Để đi trên con đường nắng chiều nay, tôi lại nhớ con đường bằng lăng cũ” [Qua ngã sáu, tr.47].

Miền ngoại ô (có 13 bài) là vùng ven quanh phố, trong đó có Phường Đúc, là nơi chôn nhau cắt rốn của Nguyên Du, chỉ cách cái “trung tâm” anh nói trên kia chừng vài cây số. Đó còn là Long Thọ, Nguyệt Biều, Lương Quán, Cầu Lòn, Vọng Cảnh, Thiên An, Chín Hầm, Đập Đá, Chợ Dinh... Huế bây giờ mở rộng hơn nhiều. Trước năm 1975, bên kia cầu Lòn đã là địa phận của Hương Thủy, ngược đường Lê Lợi về bên kia Đập Đá đã là địa phận của Phú Vang. Viết về các địa danh, anh luôn lần ngược lại ngọn ngành để giải thích tên gọi, rồi dốc ngược thời gian để đánh thức miền ký ức xa xôi và sâu thẳm trong tâm tưởng, dẫu rằng khi tỏ ra bất lực, anh cũng phải tự an ủi mình rằng: “Ký ức một vùng đất cũng như của mỗi một con người thôi, quên bớt những cái làm nên phiền muộn mà chắt chiu trân quý những tình cảm, kỷ niệm ngày xa, vun vén cho những gì đang có để mãi mãi thương yêu” [Bên dòng kênh cũ, tr.163]. Ai đó đã nói rằng, người nào nghĩ nhiều đến quá khứ, người đó không có tương lai. Nguyên Du là người có tâm hồn nghiêng về phía quá khứ xa xôi với thái độ chấp nhận cuộc chơi giữa đời. Người viết không chỉ đọc nhiều, đi nhiều, gặp gỡ, tiếp xúc và ghi chép nhiều, chi chít những dấu chân trên đường và chữ nghĩa trên trang giấy, mà có khi còn ngồi một chỗ, ngồi rất lâu tưởng chừng như đã gần mấy mươi năm trong một quán cafe bên kia Đập Đá, đưa cái nhìn xa tận cuối chân trời: “Ngồi ở đây có thể nhìn đường chân trời của Huế, nơi dòng sông Hương trải rộng đến thượng ngàn, có Trường Sơn xanh ngắt dưới những tầng mây bạc, khi chiều về là nơi ánh mặt trời lặng xuống nhuộm cố đô vàng trước khi ngã sang màu tím biếc của hoàng hôn/ Cạnh bên là Cồn Hến, dòng nước luôn cuộn chảy, không lắng lại lớp bùn non làm cho hến nơi đây không mang nặng mùi bùn. Đường Hàn Mặc Tử nay đã thành con đường cơm hến, với mười mấy quán cơm, bún, trộn hến, chè Cồn. Huế cũng nghèo như sông, không lắm phù sa để nuôi người nên bao người đã bỏ cố xứ mà đi đến với những phương trời thoáng đạt, màu mỡ phù sa, cơ hội kim tiền, cũng có thể là một tình duyên không đi đến bến bờ. Để rồi sáng nay họ trở về quê hương mang theo vợ, chồng, con cái đậm thổ ngữ phương xa, đến Đập Đá dùng điểm tâm đọi bún bò giò heo, tô hến quê nhà, xuýt xoa với cái cay của người Huế gốc ớt” [Đập Đá mùa lũ, tr.140]. Có lẽ, chỉ có ở Nguyên Du, tôi mới nghe nói đến người Huế có quê gốc từ ớt, gợi nhớ câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm “Biết ăn ớt để đánh lừa cái lưỡi”! Ở phần Về quê (10 bài) là quê ngoại của Nguyên Du. Hóa ra, cả quê cha và quê mẹ của anh đều được xếp đầu bảng, ở vị trí nhất, nhì. Từ bước chân cậu bé út thuở nào theo mẹ đi về Bao Vinh, thành Hóa Châu, đến Sịa rồi về An Lỗ, ghé qua suối nước nóng Thanh Tân, Tam Giang, Rú Chá, đầm Chuồn... cũng là một cuộc dạo quanh miền quê trong ký ức, và cũng nhờ thế mà trưởng thành. Nếu hôm nào không được mẹ cho theo thì nôn nao chờ mẹ ở bến sông: “Tôi vẫn còn nhớ như mới đây thôi, chiều chiều xuống bến sông Hương, chờ mẹ theo xe Sịa về, gánh bộ triêng gióng ngược lên bến đò Kim Long qua Phường Đúc bên này. Đứa con út là tôi cứ thui thủi ngồi bên bến nước trông vời... Mới đó thôi mà đã 55 năm, đường về Sịa nay đã khác, cậu bé xưa nay tóc đã bạc, chỉ có hình ảnh, tình cảm, nỗi nhớ về mẹ là không khác bao giờ!” [Nhất Huế nhì Sịa, tr.184-185].

2. Nếu ở Nhất Huế nhì Sịa Nguyên Du đưa ta dạo quanh các tên đất tên làng thì đến Tiếng dạ tiếng thương, anh tập trung khắc họa chân dung con người, từ những phẩm chất cao đẹp trong chiều sâu tâm hồn và tình cảm, cảm xúc, mà anh gọi là Tình Huế (12 bài), đến Giọng Huế (10 bài), rồi đến Vị Huế (12 bài) tức là các món ăn xứ Huế, những gì người ta thường gọi văn hóa ẩm thực, và cuối cùng Chuyện Huế (11 bài) là những câu chuyện lưu truyền trong dân gian còn mãi với thời gian.

Khi phác thảo chân dung tâm hồn con người, Nguyên Du dành phần lớn cho những người phụ nữ. Đó là người bà, người mẹ, người chị, người hàng xóm và những người bạn gái đồng trang lứa thuở học trò, nay đã sống ở nơi xa hay làm nữ tu ở một chùa sư nữ... Những con người sống mãi, như những lớp phù sa trong ký ức bãi bồi đầy ân tình, cưu mang đằm thắm của tác giả, được phác thảo bằng những nét chấm phá như Mệ Quảng, Áo dài của mẹ, Em gái quê hương, Áo trắng thiên thần, Một thoáng cỏ may, Hương quế, Dốc nghiêng... Vẻ đẹp thanh cao của người phụ nữ Huế không chỉ ở vóc dáng ngoại hình, mà chủ yếu là ở hành vi ứng xử và chiều sâu tâm hồn, tình cảm; nó nằm lặng vào bên trong một cách kín đáo, dường như người nào cũng được khóa kín tâm hồn, mà chìa khóa giấu kỹ dưới đáy sông Hương. Trong tâm thức của Nguyên Du, đó là thế giới của Miền gái đẹp luôn thôi thúc, gọi mời bất chấp mọi đổi thay: “Đã qua mùa ngô đồng nở ngát trời Đại Nội, qua mùa nhãn chín trên đường, không còn nước dâng để cá vàng bơi trên cầu Trung Đạo, mùa này heo may làm cỏ tranh nở đầy hoa trắng, có ai về miền gái đẹp với tôi không!” [tr.18]. Là người từng tốt nghiệp ngữ văn, nhưng Nguyên Du không phải là người học chuyên ngữ. Tuy nhiên, là người làm báo, sống bằng nghề chữ nghĩa, anh phải tự trang bị cho mình vốn chữ nghĩa và kỹ năng sử dụng, nhất là phương ngữ của xứ Huế; phải biết nghĩa của chữ Hán, chữ Nôm để giải thích các địa danh, đi sâu vào ngữ âm của Giọng Huế. Tác giả không chỉ dừng lại ở những Câu chuyện về Mạ, Mạ đầu con thứ có ý nghĩa giáo dục trong gia đình, đến Tiếng dạ tiếng thương, Lời nói thân thương, Tiếng Huế trong phim, Bolero chợ Nọ, Con yêu bánh nậm... mang tính đặc trưng về ngữ âm của xứ Huế, mà còn giải thích con đường đến với nghề làm báo phát thanh mà anh theo đuổi suốt đời bắt đầu từ Giọng Huế của tôi, như một bước ngoặt trong tiểu sử đời mình: “Tôi ra trường là lên chức bố rồi nên không vào Thuận Hải, Đắc Lắc, hai tỉnh có nhu cầu nhận sinh viên Đại học Tổng hợp Huế. Ở nhà với vợ chăm con nhỏ gần một năm thì nghe Đài Phát thanh Bình Trị Thiên có nhu cầu tuyển một giọng đọc nam, tôi thử và được nhận vào làm. Dù vậy, tôi chỉ đọc một năm rồi đi làm phóng viên, biên tập viên. Những bài viết phát thanh và sau này là truyền hình tôi tự thể hiện trong phòng đọc hoặc ngoài hiện trường được ít nhiều sự chú ý của người nghe, người xem...” [tr.116-117].

Về văn hóa ẩm thực của xứ Huế vô cùng phong phú, đã thu hút không biết bao nhiêu công trình nghiên cứu lớn, nhỏ của các tác giả trong và ngoài nước. Ở đây, Nguyên Du chỉ quan tâm đến Vị Huế, ngoài những giới thiệu chung về các Món ngon từ con ruốc, Món kiêng thuở ấy, Món quà xưa Huế, Bánh canh muôn nẻo, Chiếc xe phở dạo, Quán xá xôn xao, anh tập trung giới thiệu và đặc tả với tên gọi và địa chỉ cụ thể những món làm nên truyền thống văn hóa ẩm thực thanh tao lâu đời của xứ Huế: Bánh ướt Kim Long, Bánh khoái Thượng Tứ, Nhớ bún bà Bê, Quán vịt Thuận, Chè mụ Lệ... Khổ nhất là lúc bụng đang đói cồn cào, tác giả lại bắt người đọc phải “hình dung” khi quanh đầu lưỡi dâm dấp dịch vị: “Thử hình dung những buổi chiều đầu đông, có chút mưa bay và giá lạnh, trong cái ồn ã, nồng nàn của quán, tiếng xèo xèo từ bếp lửa, rồi dĩa bánh khoái dòn rụm dọn lên đang còn bốc khói, chén nước lèo vàng nâu, dĩa rau sống xanh, điểm vả trắng, chén nhỏ tỏi thơm và ớt đỏ, thấm tháp làm sao (...), khách Tây nào đến Huế đều có trong thực đơn một lần thưởng thức bánh khoái. Họ cũng dùng đặc sản bèo, nậm, lọc, nhưng có người không ăn được, riêng bánh khoái hầu như tất cả đều khen, hơn cả bún bò Huế” [Bánh khoái Thượng Tứ, tr.142-143]. Những Chuyện Huế, đặt ở phần cuối sách, trong đó ngoài những chuyện có truyện, đáng chú ý như Chuyện ngủ đò, Chuyện ở phủ Thủ hiến, Đưa con vô nội, còn lại đều được đưa vào nhằm làm cân đối bố cục cuốn sách, chứ không có gì nổi bật (thậm chí trong đó có những truyện quá tản mạn, không thể hiện rõ ý tưởng của tác giả như Chuyện đồn đêm phố, Con ma ơi, Nam lửa đổ khô cây,...).

3. Tập tản văn thứ ba Nguyên Du viết về cây trái, hoa lá xứ Huế, có tựa là Bí bầu lớn xuống, lấy từ ý tưởng hai câu thơ trong bài Mẹ và quả của Nguyễn Khoa Điềm: “Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên/ Còn những bí và bầu thì lớn xuống”, nó vừa hợp với trạng thái tâm hồn luôn rợp bóng yêu thương đối với cha mẹ, anh chị em trong gia đình của tác giả, lại vừa thể hiện sự nồng ấm từ ký ức đậm đặc phù sa trong miền quê thơ ấu, khi mới sinh ra, anh đã được cha mẹ đặt cho tên gọi thân thương ở nhà là Bù (người Huế dùng để gọi cây hoặc quả bầu). Sách cũng có ba phần: Ký ức vườn Huế (cây trái, 23 bài), Sắc hương của phố (hoa lá, 15 bài) và ký ức tuổi thơ Một thời đi học (15 bài).

Đã từng có bài bút ký tài hoa đậm chất triết lý sống của con người xứ Huế là Hoa trái quanh tôi của Hoàng Phủ Ngọc Tường danh tiếng một thời. Là người đến sau, cùng đi vào miền quê hoa trái ấy, nhưng để tránh cái bóng mây che, Nguyên Du khiêm tốn lần theo con đường nhỏ của thể tản văn, nhón dần từng quả nhỏ, từ những trái ngọt đầu môi như chuối, ổi, mít, đào, khế, nhãn, vải, dừa, chôm chôm, đến trái cây đặc sản của Huế như thị, thanh trà, lê ki ma, giáng châu (măng cụt), trứng cá hoặc trái thực phẩm như bí, bầu, vả, khế... Không quá cầu kỳ trong lối hành văn, không xuất phát từ những luận cứ, luận điểm để phân tích, chứng minh nhằm nâng lên thành quan điểm về các lĩnh vực ở tầm cao của tư tưởng, Nguyên Du chỉ điềm đạm, hồn nhiên một cách giản đơn và bình dị, vừa kết hợp nhuần nhuyễn giữa miêu tả và trần thuật, vừa dẫn dắt vấn đề một cách tự nhiên như cách nghĩ, cách diễn đạt trong đời sống thường ngày. Người đọc nhận ra, bên cạnh mình đang có một người tri ngộ, đang nhỏ to trò chuyện, những chuyện mà ít nhiều trong ký ức tuổi thơ của mình đã từng trải qua, không bao giờ lặp lại, nếu không tìm đến những trang văn, trong đó có những nỗ lực khơi gợi năng lượng thẩm mỹ của Nguyên Du. Văn hóa vườn là văn hóa đặc trưng của người Việt từ lâu đời, nhưng các loại cây trái trong vườn lại tùy thuộc vào điều kiện thổ nhưỡng từng nơi. Đối với một trong những loại trái thực phẩm đặc trưng của xứ Huế, tuy không lý luận cao xa, nhưng cũng có lúc, có nơi anh mạnh dạn khẳng định, xuất phát từ thực tế cuộc sống: “Chuối, thơm được trồng nhiều trong các khu vườn ở khắp mọi nơi nhưng cây vả chỉ riêng vườn Huế/ Tôi lớn lên đã thấy bóng vả trùm một góc vườn, là một trong những vị trí được chọn để chơi, ăn, học và ngủ của tuổi thơ nhiều buổi trưa hè. Trái vả mọc lúc lỉu quanh thân, dưới gốc, ngoài cành. Trái vả có chín cây nhưng ngọt chát, chỉ dùng trái vả sống xanh để chế biến trong bữa ăn hàng ngày” [Cây vả góc vườn, tr.22-23]. Dường như đối với người Huế, vườn không chỉ là khu đất trồng cây trái quanh nhà, mà còn là văn hóa sinh thái, kết nối tâm thức và cảm quan của con người với môi trường sinh thái, không chỉ sống hòa lẫn với thiên nhiên cây cỏ, mà còn thổi hồn mình vào vùng sinh quyển của thiên nhiên, và đến chiều ngược lại, chính thiên nhiên đã tạo nên hồn cốt, tâm tính lấp lánh mỹ cảm của con người theo quy luật vật ngã tương giao: “Ở Huế có một tình bạn thân thương giữa người và cây cối vườn nhà, nhất là những loại cây lưu niên đã đồng hành cùng người qua bao năm tháng, trong đó có măng cụt mà nhiều khi đời mình chỉ trồng cây, đời con cháu mới hái quả! Cây măng cụt Huế mỗi năm ngọn chỉ ra hai lá non và từ một cây con đến khi có quả phải gần hai mươi năm với điều kiện hợp thổ nhưỡng, được chăm bón kỹ càng” [Trái giáng châu, tr.69].

Sắc hương của phố tác giả viết về các loài hoa của xứ Huế: mai vàng, mai trắng, hoa đào, hoa sứ, hoa sữa, phượng đỏ, phượng vàng, bằng lăng, ngô đồng, bông gòn, long não... những loài hoa phổ biến ở nước ta, nơi nào cũng có, nhưng tác giả không chỉ dừng lại ở việc miêu tả chung chung, mà còn đi sâu phân tích những nét đặc trưng của từng loại và phẩm chất riêng của những loài hoa xứ Huế; về nguồn gốc, màu sắc, sự thanh cao và sinh tồn đặt trong mối quan hệ với đời sống tinh thần của con người, mang sắc độ thẩm mỹ có ý nghĩa nhân sinh: “Mai là loài hoa gần gũi với người dân xứ Huế bởi hầu như tất cả các gia đình ở Huế đều trồng mai trước sân nhà và ngày Tết năm nào cũng có một cành mai chưng ở phòng khách đón xuân. Khác với mai vàng miền Nam nhiều cánh, mai vàng Nam Trung bộ lá hồng, hoàng mai xứ Huế là loài hoa nở sắc năm cánh vàng tươi, hương thơm thoảng nhẹ. Với người xứ Huế, mai vàng còn là miền ký ức bởi từ tuổi thơ cho đến lúc trưởng thành, ai không một đôi lần cùng ba mình sau tiết đông chí bắc chiếc ghế cao cao, tỉa từng ngọn lá cho mai nở đúng lúc xuân về” [Mùa xuân thay áo, tr.132-133]. Ở phần thứ ba Một thời đi học, Nguyên Du kể lại những chuyện còn in đậm trong ký ức của một thuở học trò: Ngôi trường tiểu học, Bút chì bút mực, Hát múa học đường, Bỗng dưng nghỉ học, Đi chơi để học, Trò chơi thơ ấu, Một thời áo tơi; thậm chí, tác giả nhớ cả Tiếng gà thân thuộc, Nhớ mái tranh xưa, Nhớ cà rem... có quá nhiều chuyện để nhớ, để kể, để tả, để gợi cho người đọc sống lại những chuyện thuở ấu thơ trong đời mỗi người, ít nhiều ai cũng đã từng trải qua. Có những chuyện không có truyện, dung lượng lép kẹp, không xứng để viết thành một cái tin vắn trên báo, như Chuyện tình đan áo, người viết bắt đầu từ mấy câu thơ tình trong Bài thơ đan áo của nữ sĩ thời danh nhưng đầy bí ẩn T.T.Kh, rồi dẫn ra rằng mình được chị tặng áo len màu lam bị bạn chọc là màu chết chóc, bèn lấy áo của anh trai mặc hơi rộng lại bị bạn trêu là mặc nính, chỉ thế thôi, nhưng cuối cùng cũng úp mở: “Tôi cũng có người thương dệt que đan sau song cửa, dệt thời gian cho chiếc áo ấm một thời, cho tình cảm lứa đôi. Mùa đông ấy đã xa thì hôm nay tôi soạn lại những chiếc áo len đã cũ, áo len từ ký ức để đón rét nàng Bân muộn về giữa đất trời và len lỏi cả hồn người!” [tr.198]. Có thể hình dung, căn nhà ký ức của Nguyên Du không rộng rinh, không nguy nga đồ sộ, nhưng nhiều ngăn ô chồng chồng lớp lớp, cứ lôi ngăn này ra phải lôi tiếp ngăn kia, khó mà ngừng nghỉ khi những con chữ còn reo vui vẫy gọi. Vậy mà, cũng có lúc anh làm cho người đọc tiếc nuối khi không giữ được những trang nhật ký viết từ “năm lớp 9, thường là viết về đêm dưới ánh đèn dầu sau khi đã học bài, làm bài cho buổi học ngày mai. Tiếc là trong cơn lũ lịch sử năm 1999 tôi bị cảm nặng, tránh lội nước nhiều nên để quên 5 cuốn nhật ký cùng nhiều sách vở ngâm trong nước lũ. Những trang nhật ký viết bằng bút máy với nhiều hình bóng cũ đã nhòa, có nhiều trang không còn đọc được nữa như những kỷ niệm xưa đã mờ đi theo năm tháng đi qua” [Bút chì bút mực, tr.189].

Tản văn là thể văn xuôi trữ tình, ở đó tác giả có thể xâu chuỗi nhiều sự kiện, nhiều chi tiết tản mạn được kết nối với nhau, thông qua sức liên tưởng mạnh mẽ; hay nói như ngôn ngữ của các nhà hậu hiện đại là sự kết nối có tính chất liên văn bản, để tạo nên những truyện không đầu không cuối. Vì vậy, tản văn của Nguyên Du cũng thấp thoáng xuất hiện bóng dáng các nhân vật, như người mẹ tảo tần, người cha nghiêm khắc, người yêu rồi người vợ dịu hiền, các anh chị em ruột, hàng xóm láng giềng, bạn bè thời còn trung học, những người công tác cùng cơ quan, những bóng hồng làm lay động tâm hồn, hoặc các văn nhân nghệ sỹ tài danh mà tác giả từng gặp và có kỷ niệm gắn bó, những nhân vật lịch sử có liên quan đến đất và người xứ thần kinh... Nhiều lắm, đông lắm, họ đứng chật trong tâm hồn đầy hoài niệm của tác giả, nhưng họ chỉ là hình tượng số đông thoáng hiện về vừa đủ gây “nhiễu sóng” cho ký ức mà thôi, còn hình tượng trung tâm vẫn là hình tượng tác giả, cái tôi trữ tình đủ sức chứa đựng và bộc lộ cảm xúc, tình cảm như hơi thở ấm áp, nhẹ nhàng nhưng có độ sâu và tỏa rộng trang văn. Cái đáng đọc của văn chương Nguyên Du chính là ở chỗ ấy. Tất nhiên, không phải bài nào cũng hay với một người mới in sách lần đầu. Còn đôi chỗ, đôi nơi vấn đề quá giản đơn, vụn vặt, kết cấu còn lỏng lẻo, chỉ mới dừng lại ở văn chương tân văn/ báo chí, chưa đi đến tận cùng một cách rốt ráo của vấn đề (Bên đường đi bộ, Nửa thế kỷ vẫn là cầu mới, Những đồi vọng cảnh, Trên miền sông nước, Nâng niu kỷ vật...), nhưng đọc Nguyên Du, giúp ta hiểu thêm nhiều điều mới mẻ và bổ ích về nước non xứ Huế.

Gần đây, không cần các tiêu chí chuẩn mực của một ngành khoa học, người ta vẫn hay tôn vinh, trong đó ít nhiều cũng có sự tâng bốc lẫn nhau, là nhà này, nhà kia (nhà Hà Nội học, nhà Quảng học, nhà Huế học...). Tất nhiên, đó là nhằm khẳng định những người có kiến thức uyên bác về một vùng đất, khi họ giải mã được những vấn đề có tầm vóc lớn lao. Với tôi, đã là người Huế hoặc những người yêu Huế, hãy đến với Huế từ những điểm sáng nhỏ nhoi, từ tấm bia đá, chiếc cầu, dòng sông, con đường... thông qua lối diễn ngôn thật thà, chân chất của Nguyên Du, trước khi đến với những tri thức đồ sộ, sừng sững như Thạch Sùng của các “nhà” giàu có kia. Lần giở từng trang văn - từng khuôn hình quay chậm về đời sống xã hội một vùng đất của Nguyên Du, không chỉ làm ta thức nhận một khối lượng những tri thức về bề dày lịch sử, truyền thống văn hóa Huế, được trình bày một cách mạch lạc, tự tin và đầy những cứ liệu chắc chắn của một nhà báo, mà còn dậy lên, lay động một cách dịu êm và mãnh liệt, những nguồn mạch cảm xúc, tình cảm trữ tình đầy lãng mạn và nhân văn của một dòng sông tuôn chảy giữa đôi bờ sinh thái của văn hiến kinh kỳ; khi thì mơn man thì thầm, khi thì réo gọi khát khao, đòi hỏi phải xuôi về biển cả. Cái cách diễn ngôn của Nguyên Du, không chỉ dừng ở ngôn ngữ sự kiện mà còn đậm đặc ngôn từ hình tượng. Cái tôi của tác giả không chỉ dừng ở cái tôi công dân, đầy tinh thần trách nhiệm mà đã chuyển thành cái tôi thẩm mỹ, mang lý tưởng nhân văn. Anh không dừng lại ở cảm quan về sự thật của một nhà báo, mà đã bước hẳn sang lãnh địa cảm xúc thẩm mỹ của một nhà văn. Tôi không dám và cũng không nên so sánh văn chương anh với văn chương của những nhà văn, trong đó có người lâu nay mỗi lần ra sách đều in gần kín trang bìa 4 với các danh hiệu hội viên hội này, hội nọ, ban kia... còn ở đây, chỉ cần với một bộ ba cuốn sách viết về Huế lần này, Nguyên Du hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu nhà văn theo đúng nghĩa của từ này.

Với riêng tôi, càng đọc Nguyên Du, tôi càng khẳng định cái nguyên lý lâu nay tôi từng theo đuổi trong công việc đào tạo nguồn nhân lực cho báo chí của mình là hoàn toàn chính xác. Đó là, người làm báo, muốn trở thành nhà báo đích thực, trước hết phải là người yêu mến văn chương, phải biết đọc văn và cao hơn, có thể phải biết viết văn.

P.P.P  
(TCSH390/08-2021)



 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng