Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.9-21)
Hiệu ứng đường ngầm
09:59 | 05/10/2021

HOÀNG CÔNG DANH

Ta sẽ không nhìn thấy gì cho đến khi chui ra khỏi nhà ga. Chúng tôi thường nói với nhau như vậy mỗi khi đi tàu điện ngầm. Đấy là chuyện hơn mười năm trước, khi tôi và anh cùng học chung ở thủ đô Minsk của Belarus.

Hiệu ứng đường ngầm
Minh họa: TÔ TRẦN BÍCH THÚY

Hệ thống tàu điện ngầm ở thành phố thủ đô đã được đào khoét, xây dựng từ giữa những năm bảy mươi của thế kỷ hai mươi, bắt đầu vận hành từ những năm tám mươi. Rồi từ đó cứ tiếp tục đào khoét xây dựng để nối dài các trạm trong lòng đất. Đây là hệ thống giao thông lòng đất thứ chín của Liên bang Xô viết. Điều đặc biệt là trong biến cố Liên Xô tan rã, công việc khai mở lòng đất ở thành phố thủ đô này vẫn không bị gián đoạn.

Thỉnh thoảng cuối tuần, vào ngày Chúa nhật, chúng tôi hẹn nhau ở bến tàu điện ngầm gần ký túc xá số 2 lúc chín giờ sáng. Mua cái xu tròn bằng nhựa màu hồng giá tám trăm rúp. Thả cái xu này vào bục chắn thì cần gạt mở ra rồi đóng ngay lập tức, chỉ đủ thời gian để một người đi qua. Sinh viên du học ỷ mình nhỏ con lanh lợi thường bày trò khôn vặt, hai đứa đứng áp sát nhau, thả một xu mà qua được cả hai trước con mắt kinh ngạc của người bán vé đang ở gần đó. Anh và tôi không như thế. Nhập gia tùy tục, nhập quốc tùy luật, phải chấp hành nghiêm chỉnh. Anh một cái xu, tôi một cái xu, tiền ai nấy trả, xu ai người ấy cầm.

Qua khỏi chốt kiểm vé có khi tàu vừa đến, cửa tàu mở đúng năm giây, ta phải nhanh chóng nhảy lên cho kịp. Nếu không kịp có thể đợi chuyến sau vì cứ dăm bảy phút có một chuyến tàu đến và đi. Tàu lướt nhanh trong lòng đất mát rượi, nhìn qua các cửa thì chỉ thấy màu đen mà thôi, chẳng phải như đi tàu xe lửa trên mặt đất có thể ngắm cảnh thỏa thích.

Thế mà anh lại thích đi bằng món xuyên địa này, dù trên mặt đất có cả xe điện xe buýt. Như anh nói là vì khi đi trong lòng đất mọi thứ tĩnh lặng hơn, ta không bị phân tâm bởi ngoại cảnh, lại nảy ra nhiều ý tưởng rất hay. Có vẻ như anh đang theo trường phát thiền của một tôn giáo nào đó, nhưng không phải, anh chỉ là một người làm toán, thuần túy khoa học tự nhiên.

Anh được học bổng du học năm năm hệ kỹ sư, tốt nghiệp về nước báo cáo với Bộ Giáo dục xong lại nhận được học bổng tiếp tục sang học tiến sĩ. Anh làm nghiên cứu sinh đúng ở cái khoa toán, cùng với ông giáo sư hướng dẫn cũ. Nhẽ ra anh phải ở một ký túc xá dành cho nghiên cứu sinh rất xa, nhưng vì khoảng thời gian anh về nước rồi sang học tiếp quá ngắn, nên người ta nhầm anh vẫn là sinh viên đại học. Khi tôi sang Minsk thì anh đang làm nghiên cứu sinh năm cuối, chúng tôi được ở cùng ký túc xá nhưng chỉ trò chuyện với nhau mỗi khi cuối tuần.

Chuyến tàu điện ngầm ngày cuối tuần vắng vẻ hơn ngày thường, chủ yếu phục vụ cho những người đi chợ. Thứ Hai là ngày chợ nghỉ bán, nên Chủ nhật trên tàu người nào cũng tay xách những túi nặng thức ăn mua dự trữ cho cả tuần, thậm chí trữ cho hai tuần nếu vào mùa tuyết lạnh.

Tôi và anh thì chỉ đi tay không, không điện thoại (lúc ấy sinh viên chưa dùng), cũng không cặp sách như ngày thường. Chúng tôi thường dừng ở bến Nyamiha sau khi tàu đi qua năm ga. Nói năm ga chứ thực ra là năm cái điểm dừng để trả và đón khách, các điểm dừng cũng chỉ cách nhau hai hoặc ba phút thôi.

Ngay ở lối lên bến tàu Nyamiha có một cụm phù điêu khắc nổi năm mươi ba bông hồng bằng đá màu đen. Vào năm 1999 một cơn mưa chớp bất ngờ ập đến phá tan một lễ hội ở đây. Hàng ngàn người đang say sưa với nhạc rock và chếnh choáng men rượu bỗng chen nhau chui xuống bến tàu điện ngầm. Trơn trượt, chồng lấn, giẫm đạp khiến năm mươi ba người bị chết tức tưởi. Thương tiếc các nạn nhân, một cụm điêu khắc được tạo nên, cùng với tấm bia đá khắc tên những người xấu số.

Lối lên bến luôn có những bà già đứng cầm hoa hồng đỏ trên tay. Họ đứng nghiêm trang im lặng nhưng thực chất là đang bán hoa tươi. Anh mua một bông hoa hồng đỏ. Màu đỏ tượng trưng cho máu, cho sự thiêng liêng và cả cho tuổi trẻ. Tôi cũng mua một bông hoa hồng đỏ. Hai chúng tôi đặt dưới chân tấm bia màu đen, ở đây lúc nào cũng sẵn có những hoa hồng đỏ nằm vương vãi.

Băng qua đường, chúng tôi vào quán bia. Ngày cuối tuần quán cũng khá đông nhưng nhờ thiết kế thoáng đãng, ba phía hướng ra đường nên cũng khá thoải mái. Bia bán trong cốc nhựa, mỗi cốc nửa lít. Mồi nhắm là bánh khoai tây chiên. Bột khoai tây được dàn mỏng ra như bánh tráng, tẩm thêm gia vị vào rồi chiên lên thành bánh, mặn và béo. Vừa uống bia vừa ngắm cảnh trong một buổi sáng nắng trong và mát lành.

Nyamiha là một vùng đất thoáng rộng, những triền cỏ mấp mô thoai thoải. Như một thảo nguyên mà trên đó mọc lên vài cái nhà chóp mái củ hành, đẹp nhất là nhà thờ Thánh Linh màu trắng. Trước mặt nhà thờ nhìn ra lại có một cái hồ do sông Svislach xoáy tạo ra và nổi lên giữa một cái đảo nhỏ đặt tên đảo Nước Mắt.

Từ chỗ quán bia có thể ngắm hết đại cảnh của vùng đất Nyamiha, chốc chốc chúng tôi mới nói chuyện với nhau, chủ yếu vẫn là chuyện học hành. Anh đang gấp rút làm luận văn cho xong để bảo vệ, một đề tài toán lý mà anh theo đuổi bấy lâu nay. Đã có vài bài báo của anh viết cùng với thầy hướng dẫn được đăng trên tạp san của trường. Tuy chỉ tạp san thôi nhưng vì trường là một hệ thống giáo dục lớn nhất quốc gia, thậm chí có tiếng trong vùng Đông Âu, nên cái tạp san cũng thuộc dạng ấn bản khoa học uy tín.

Những bài báo viết chung ấy thật ra là chỉ mình anh viết, dưới sự giúp đỡ của thầy, nên anh kính đề tên thầy lên trước, vì thầy có học hàm học vị sẽ làm sang cho bài báo. Chỉ bài đầu tiên sắp tên tác giả như thế, các bài sau đó khi gửi đi in thầy đều tự trọng và tôn trọng đưa tên anh lên đầu nhóm tác giả. Bài đăng không có nhuận bút, chỉ được tính để làm điều kiện cần cho việc hoàn thành chương trình học. Đăng đủ ba bài thì có thể bảo vệ luận án tiến sĩ.

Tất nhiên ai làm nghiên cứu sinh mà không có nổi ba bài báo. Cũng dễ mà, nếu tự mình làm không được thì tham gia chung nhóm do thầy hướng dẫn, rồi thầy gắn cho cái tên vào cùng. Một bài báo có khi cả chùm năm tác giả cùng viết. Như vậy năm người cùng hưởng một bài báo, khi bảo vệ thì bài báo viết chung đó cũng được tính giống như một bài riêng của nghiên cứu sinh.

Lại tất nhiên, anh học thật và viết thật. Chẳng những có đủ ba bài trên tạp san trường, anh còn viết được vài bài cho các tạp chí khoa học quốc tế. Tự anh nghiên cứu viết hẳn hoi và một mình anh là tác giả, duy nhất. Những bài báo thế này được đăng chẳng những không có nhuận bút, mà anh còn phải nộp tiền vào.

Ban biên tập của các tạp chí ấy là những giáo sư đầu ngành uy tín được thành lập, họ chịu trách nhiệm thẩm định xét duyệt các vấn đề khoa học trong bài báo của anh, họ hưởng thù lao thẩm định từ nguồn tiền đóng góp của các tác giả. Cũng có thể hiểu đó là một cách xã hội hóa, không ăn tiền nhà nước để làm báo. Những tạp chí ấy không bán ấn phẩm giấy mà xuất bản bằng các file điện tử trên trang web. Anh cũng nhận được báo biếu là một file định dạng PDF gửi qua đường email thư điện tử. Thế thôi, nhọc công nghiên cứu trình bày học thuật, được đăng báo phải tốn tiền, song ai xuất hiện trên các tạp chí đó cũng đều rất vinh hạnh, như một sự công nhận về mặt học thuật.

Anh dành dụm tiết kiệm tiền học bổng để gửi nộp lệ phí thẩm định cho các bài báo của mình. Mỗi bài cũng không phải quá nhiều, tầm một trăm đến ba trăm đô la tùy theo uy tín của các tạp chí. Những lần bài anh được đăng là chúng tôi lại lên Nyamiha. Anh muốn đãi tôi bia như kiểu “rửa”, tôi không chịu vì anh đã tốn tiền cho bài báo rồi, tôi phải đãi anh để chúc mừng mới đúng. Cuối cùng đưa qua đẩy lại thôi thì bia ai nấy uống, tiền ai người ấy trả. Đó là những lần anh hoạt bát hơn cả, như vừa thoát ra khỏi một cái khối áp lực nặng nề, anh uống bia đến say mèm và thao thao trình bày vấn đề đang theo đuổi là giải các phương trình toán lý trong hiệu ứng đường ngầm.

Xuyên hầm lượng tử là hiện tượng chuyển dịch hệ vật chất từ trạng thái này sang trạng thái khác mà thông thường bị ngăn cản bởi các quy luật vật lý cổ điển. Khi vật chất vượt qua được hàng rào năng lượng ngăn cản, thì cũng như nó đã đào một cái hầm lượng tử để chui qua. Giống như người ta đào một cái hầm xuyên núi để lưu thông từ bên này sang bên kia. Vấn đề này còn được gọi nôm na một cách dễ hiểu là hiệu ứng đường ngầm.

Nó thực chất là vấn đề của ngành toán lý, góc độ vật lý trình bày về mặt hiện tượng, còn toán học đưa ra các phương trình. Uống bia mà nói chuyện số má ký hiệu nghe có vẻ không hợp. Nhưng ở tuổi ngoài đôi mươi, khi người ta đam mê thứ gì đó thì đều có thể dùng nó để thăng hoa và phiêu diêu.

Anh nhận bằng đỏ xuất sắc. Tất cả các bằng tiến sĩ đều màu đỏ. Ngày chia tay tôi tiễn anh đi hết tuyến tàu điện ngầm và phát hiện ra ở bến cuối cùng cũng có một quán bia. Nhưng chúng tôi không uống với nhau nữa để anh còn ra sân bay. Chỗ quán đó sau này thành ra nơi tôi hay đi xuyên đất một chuyến dài và uống bia trong cô đơn.

*
Khi tôi về nước sau năm năm, gặp lại thì anh đã là giảng viên một trường đại học sư phạm. Kể ra đã đúng người đúng việc, anh hứng thú với những bài giảng môn toán. Thỉnh thoảng chen vào các vấn đề khoa học về thuật toán lượng tử từng là đề tài của anh, nhưng có vẻ sinh viên không hào hứng lắm. Sinh viên sư phạm học để đi dạy chứ không phải thuần túy làm khoa học. Anh phải chấp nhận thực tế này để quay về với bài giảng môn toán đại cương được phân công.

Tôi chờ anh ở cổng trường đại học nơi anh dạy, rồi đi quán nhậu. Quán ồn ào đông đúc, đủ thứ chuyện đời xung quanh. Ngồi đây mà nói chuyện khoa học khéo người ta tưởng mình điên. Và chúng tôi cũng không thiếu chuyện để nói, sau năm năm gặp lại thì chuyện công việc, chuyện gia đình, chuyện xã hội chất ứ chỉ chực trào ra.

Anh lấy vợ, đẻ tù tì hai đứa con cách nhau năm một. Hết giờ dạy anh về bồng con, giữ con, giặt áo quần, nấu cơm, đảm đang và hạnh phúc. Cuối tuần anh đi làm gia sư dạy học trò phổ thông, vài nhóm, vài cua, thù lao cộng lại cũng bằng lương giảng viên. Đêm khuya thì viết cộng tác với mấy tờ báo toán học cho sinh viên, cộng tác cả với mấy tờ toán vui cho trẻ con. Anh ra đề bài, số tiếp theo thì viết đáp án, rồi cả những mẩu chuyện vui toán học anh bịa ra. Thậm chí cả những mẫu chuyện toán học đó đây được biên soạn lại, một kiểu bồi báo không thương tiếc. Bài đăng có nhuận bút, có báo biếu gửi về cầm lên tay đọc hẳn hoi, chẳng như thời đang đi nghiên cứu sinh. Hạnh phúc của một người đàn ông ngoài ba mươi có khi là kiếm được tiền để chăm lo cho gia đình, tôi chợt nhớ ý này khi nghe câu chuyện của anh, sau năm năm gặp lại.

Chúng tôi uống nhiều và ngồi thật lâu cho đến khi xung quanh đã về hết, khuya khoắt, chỉ còn cô phục vụ đứng chờ thanh toán và dọn dẹp.

Lúc này tôi mới hỏi dạo này còn viết báo khoa học quốc tế không, vẫn còn theo đuổi đề tài hiệu ứng đường ngầm chứ. Anh nói bỏ hết rồi, giờ toán học cũng phải tính toán, phải kinh tế. Lương và thù lao dạy thêm, cộng cả nhuận bút viết nhì nhằng nữa mới chỉ đủ để trang trải cuộc sống. Thỉnh thoảng anh cũng ngồi suy tư để viết cái hiệu ứng đường ngầm, nhưng bị phân tâm, đành bỏ.

Trong cơn say, chúng tôi trầm ngâm nhớ về quãng thời gian ở Minsk. Bất giác tôi hỏi anh có biết chuyện vụ đánh bom ở bến tàu điện ngầm vừa xảy ra bên đó không.

Ngày 11 tháng 4 năm 2011, một vụ nổ kinh hoàng đã xảy ra ngay tại bến tàu điện ngầm Oktyabrskaya khiến 12 người thiệt mạng và hơn 200 người bị thương. Kẻ khủng bố đã giấu một quả quả bom trong cặp, xách lên tàu và kích nổ. Lòng đất rung chuyển, cả tuyến metro ở Minsk đều náo động. Đây là vụ thương tâm thứ hai trong hệ thống tàu điện ngầm nước Belarus, sau cuộc tử nạn mùa hè năm 1999 tại bến Nyamiha. Hai vụ thảm khốc cách nhau mười hai năm và nguyên nhân cũng khác nhau. Vụ đầu tiên ở bến Nyamiha bên cạnh nhà thờ Thánh Linh. Vụ thứ hai ở bến Oktyabrskaya nơi rất gần phủ tổng thống.

Anh có vẻ không quan tâm lắm đến thời sự thế giới, hoặc là anh đã say quá rồi không còn nghe tôi nói gì. Bất giác, anh ngẩng đầu ngồi thẳng, như là gắng gượng tỉnh táo, mắt cũng sáng quắc. Anh nói một chút về hiệu ứng đường ngầm, về năng lượng bùng nổ và vượt thoát để xuyên qua những cách ngăn giới hạn. Hình như đã lâu lắm anh không có dịp trình bày những vấn đề khoa học này.

Tôi gọi xe taxi rồi đưa anh về. Căn nhà anh đang thuê trong một con hẻm nhỏ chỉ vừa đủ để một chiếc xe ô tô bò qua. Mở cửa xe, anh loạng choạng bước xuống rồi chui đầu vào căn nhà chật hẹp, may vẫn còn nhớ ra một lời chia tay.

“Tuần sau chú với anh lại lên Nyamiha uống bia nhé”.

Nhìn điệu bộ đó, tôi cứ tưởng anh đang chui vào một cái bến tàu điện ngầm.

H.C.D
(SHSDB42/09-2021)



 

 

Các bài mới
Khế (08/10/2021)
Các bài đã đăng
Khi mùa thu sang (28/09/2021)