Tạp chí Sông Hương - Số 393 (T.11-21)
Một công trình học thuật chuyên sâu về văn học đương đại Trung Quốc
16:03 | 06/12/2021

NGUYỄN KHẮC PHÊ    

(Đọc “Dám ngoái đầu nhìn lại” - Tập Phê bình văn học của Nguyễn Thị Tịnh Thy, Nxb. Hội Nhà văn, 2021)

Một công trình học thuật chuyên sâu về văn học đương đại Trung Quốc

Những năm qua, giới nghiên cứu phê bình trong nước đã có nhiều công trình nghiên cứu về văn học Trung Quốc đương đại, nhưng có lẽ cuốn “Dám ngoái đầu nhìn lại” “một công trình học thuật chuyên sâu đáng quý” như nhận xét của TS. Nguyễn Thị Minh Thương trong “Lời giới thiệu” tác phẩm.

TS. Nguyễn Thị Tịnh Thy, giảng viên Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Sư phạm Huế mấy năm qua đã công bố 2 tác phẩm được bạn đọc chú ý: “Tự sự kiểu Mạc Ngôn” (Nxb. Văn học, 2013) và “Rừng khô, suối cạn, biển độc… và văn chương” (Nxb. Khoa học xã hội, 2017) - chuyên luận về “văn học sinh thái” - một chủ đề “nóng” hiện nay. Như vậy, kiên trì và gần như lặng lẽ, cứ 4 năm, Nguyễn Thị Tịnh Thy lại hoàn thành một công trình mới.

“Dám ngoái đầu nhìn lại” tập trung nghiên cứu 5 nhà văn nổi tiếng không chỉ ở Trung Quốc mà cả thế giới của Tịnh Thy đều có những “thế võ” cao cường và dũng mãnh hơn người. Có như thế, họ mới “dám ngoái đầu nhìn lại” những sai lầm, đổ vỡ, những bi-hài kịch và thậm chí là tội ác mà xã hội Trung Quốc đã phải chịu đựng trong gần một thế kỷ vừa qua. Đó là Cao Hành Kiện, Mạc Ngôn (cả 2 đã đạt giải Nobel) và Lý Nhuệ, Dư Hoa, Diêm Liên Khoa.

Một sự tình cờ, cùng lúc cuốn sách ra đời, trên báo “Văn nghệ” số 2 (bộ mới “cải cách” dưới sự chỉ đạo của cả Ban Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam cũng gồm “ngũ văn nhân” được nhiều người kính nể Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Thị Thu Huệ, Bích Ngân) đã dành cả 2 trang đăng ghi chép “Trải qua một cuộc bể dâu…” của nhà văn Bảo Ninh viết về những kỷ niệm với Trung Quốc, nhân chuyến đi năm 2019, khi anh được mời sang Trung Quốc dự Triển lãm sách do Đại sứ quán Việt Nam tổ chức. Trong bài, có đoạn: “… Đọc tác phẩm của họ, Mạc Ngôn, Trương Hiền Lượng, Giả Bình Ao, Dư Hoa, và mấy năm gần đây là Diêm Liên Khoa, tôi đều trước nhất là thấy ngỡ ngàng, hoặc nói cho đích, thấy kinh ngạc và khâm phục. Họ vẫn cả gan viết “Báu vật của đời”, viết “Kiên ngạnh như thủy”, viết “Phải sống”? Và nhất là vì sao những tác phẩm “tự do sáng tác” đến phát sợ như thế - thực vậy, có cuốn tôi thấy khiếp hãi (cho tác giả) qua từng trang - lại không bị cấm xuất bản, tác giả không bị đấu tố, không bị treo bút cấm viết?”…

Dẫn “bên lề” hơi dài dòng một chút để thêm một bảo chứng rằng Tịnh Thy đã chọn một đề tài thật “đích đáng” để nghiên cứu, trong đó có phần “giải đáp” vấn đề mà nhà văn Bảo Ninh đặt ra.

*

Mỗi nhà văn một sở trường, một phong cách - tác giả nhấn mạnh những điểm nổi trội của mỗi người, như “Lý Nhuệ phản tư”, “Mạc Ngôn dấn thân”, “Cao Hành Kiện hồi cố”, “Dư Hoa phẫn nộ”, “Diêm Liên Khoa nghịch dị”, nhưng thật ra cả “Ngũ hổ” đều chứa đựng những tố chất đó, chỉ “đậm - nhạt” và văn phong khác nhau thôi.

Điều dễ nhận thấy hơn cả là không chỉ Mạc Ngôn, mà cả 5 nhà văn đều quyết liệt “dấn thân” “họ đã chọn “những điều không được phép viết” và “động đến nỗi đau lớn nhất của tâm hồn”; “dám ngoái đầu nhìn lại” những ký ức đau thương đến cùng cực của cá nhân và dân tộc” như chính tác giả đã viết trong Lời mở đầu sách. Nói cách khác, khi đã quyết liệt dấn thân, đối với họ, không còn vấn đề “…tự do sáng tác” đến phát sợ”…” như nhà văn Bảo Ninh đã viết. Cũng vấn đề có thể gọi là “nóng” và “nhạy cảm” này, theo Tịnh Thy trong Lời mở đầu sách, khi trò chuyện với sinh viên Đại học Phúc Kiến năm 2014, nhà văn Diêm Liên Khoa đã nói rất hay: “…Khi bạn chọn điều đó, thì bạn phải chấp nhận vứt bỏ tất cả, kể cả cơ hội được xuất bản tác phẩm… Đừng oán trách hoàn cảnh sáng tác hay hoàn cảnh chính trị,… điều quan trọng là bạn có năng lực và nhân cách để viết hay không. Không viết nổi một tác phẩm lớn là lỗi của nhà văn chứ không phải lỗi của thời đại…”.

Một nhà văn “tuyên ngôn” như thế nên đã trở thành “nhà tiểu thuyết có sức sáng tạo nghệ thuật vào loại bậc nhất của văn học Trung Quốc. Với các tiểu thuyết Nhật quang lưu niên, Vì nhân dân phục vụ, Kiên ngạnh như thủy, Thụ hoạt, Đinh trang mộng, Phong nhã tụng, Tứ thư, Nhật tức… Diêm Liên Khoa đã khoét sâu vào ung nhọt của xã hội Trung Quốc đương đại với những màn hài kịch cười ra nước mắt và bi kịch ngột ngạt đến mức nhiều người “không dám ngoái đầu nhìn lại”…”.

Cũng là điều tất nhiên, trong một xã hội từ chế độ phong kiến ngàn năm, trải qua bao phen tìm đường “thử nghiệm” cay đắng và vẫn đang không ngừng chuyển đổi, nhà văn viết những tác phẩm như thế thì không phải tác giả và tác phẩm nào cũng được yên ổn, tránh được “tai vạ” như Bảo Ninh đã viết ở trên. Trong phần “Kết luận” công trình mới này, Tịnh Thy đã viết: “… “Viết dưới giá treo cổ”, có người phải đốt mấy ngàn trang bản thảo và chịu thân phận lưu vong, có người phải rời khỏi ngành quân đội, kiểm sát, có người phải viết đi viết lại các bản kiểm điểm… Nhưng tất cả những trở ngại và nguy nan đó không khiến họ chùn tay…”. Tác giả viết điều này, không chỉ dựa vào hơn hai mươi tiểu thuyết của “Ngũ hổ” được nghiên cứu mà còn căn cứ vào 185 tư liệu tham khảo - có thể nói đó là một khối lượng thông tin khổng lồ, nhiều chiều, đảm bảo sự tin cậy cho bạn đọc. Riêng nhà văn Cao Hành Kiện, người đạt giải Nobel văn chương năm 2000. “Đây là giải thưởng mà người Trung Quốc chờ đợi và khao khát suốt 100 năm lịch sử của giải văn chương danh giá nhất hành tinh này [...] Khi được trao giải, Cao Hành Kiện đã là nhà văn gốc Hoa mang quốc tịch Pháp. Ông là nhà văn đào tẩu, nhà văn lưu vong. Vì vậy, 15 năm đầu sau khi đạt giải, dù được ngợi ca ở phương Tây, tác phẩm được dịch ra hơn ba mươi ngôn ngữ trên thế giới, nhưng Cao Hành Kiện vẫn bị ghẻ lạnh, hắt hủi và cấm đoán ngay chính trên quê hương mình. Mấy năm lại đây, người Trung Quốc mới lẳng lặng thừa nhận “đứa con hoang” Cao Hành Kiện. Một số tác phẩm của ông đã được phát hành tại cố quốc, được nghiên cứu trong đề tài khoa học các cấp…”. Thế đó; một xã hội đang chuyển đổi và nhận thức là một quá trình… Cũng để hiểu thêm sự đời: chính kiến có thể thay đổi, còn văn chương thực sự có giá trị thì trường tồn.

*

“Ngũ hổ” văn học đương đại Trung Quốc có khối lượng sáng tác có thể nói là đồ sộ, nhưng có lẽ để bạn đọc có tư liệu khi cần “đối chiếu” - “nói có sách, mách có chứng” mà; hơn thế, đây là sách đã được các nhà xuất bản Việt Nam “kiểm chứng” - nên tác giả chỉ giới hạn diện khảo cứu qua hơn hai mươi tiểu thuyết đã được dịch ra tiếng Việt. Tuy vậy, chừng này, với sự phân tích thấu đáo, “không tránh né những vấn đề được cho là “nhạy cảm” về văn hóa lẫn chính trị”, Nguyễn Thị Tịnh Thy đã giúp bạn đọc hiểu biết sâu về nhiều phương diện của “Ngũ hổ” - từ quan điểm nghệ thuật, nội dung tác phẩm đến những bình luận của nhiều nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế. Hơn thế, tác giả còn đối chiếu với những tác giả, tác phẩm tiêu biểu ở các thời đoạn trước, nhờ đó, tác phẩm đồng thời làm hiển lộ những đặc trưng văn hoá Trung Quốc…

Theo Nguyễn Thị Tịnh Thy, “Ngũ hổ” đã kế thừa và phát triển mạnh mẽ khuynh hướng sáng tác của văn hào Lỗ Tấn. “Đầu thế kỷ XX, trong văn học hiện đại Trung Quốc, Lỗ Tấn là người đầu tiên đưa đám đông vào tác phẩm của mình với ý thức thức tỉnh người dân ngu muội đang bị nhấn sâu vào căn bệnh tinh thần có nguy cơ giết chết tâm hồn dân tộc. Trong các truyện ngắn của ông như “Thuốc”, “Lễ cầu phúc”, “AQ chính truyện”…, kiểu nhân vật này có một đặc điểm chung là ngu muội, thỏa hiệp, vui mừng trên sự đau khổ của người khác và nương tựa vào phép thắng lợi tinh thần để tự ru ngủ mình trên những chiến thắng ngụy tạo…”.

Chúng ta có thể “gặp lại” những “di sản” tinh thần này qua các tác phẩm của “Ngũ hổ”, tất nhiên với chiều kích khác, với diện mạo phong phú hơn. Ví như “trong tác phẩm của Lỗ Tấn, con người bất hạnh do lễ giáo phong kiến ngàn năm trói buộc”, thì không chỉ trong “Kinh Thánh của một người” (tiểu thuyết đạt Nobel của Cao Hành Kiện) mà trong nhiều tác phẩm của “Ngũ hổ”, bạn đọc sẽ thấy rất nhiều con người bất hạnh do các thứ “lễ giáo” vô cùng kỳ dị đã áp chế lên dân chúng Trung Quốc mấy chục năm, từ “Cải cách ruộng đất”, “Đại nhảy vọt” đến “Cách mạng văn hoá”… Những “lễ giáo” kỳ dị này độc giả có thể đã đọc trong mấy bộ tiểu thuyết của Mạc Ngôn được phổ biến rộng rãi ở Việt Nam cùng những bài giới thiệu về ông. Tất nhiên với quyền “hư cấu” và phong cách của mỗi nhà văn, những điều “kỳ dị” hiện ra lắm vẻ, nhưng có thể nói “Ngũ hổ” đều sáng tạo chủ yếu với triết lý “phản tư”. Theo Nguyễn Thị Tịnh Thy, “Phản tư (phản tỉnh, phản khảo - reflection) vốn là một thuật ngữ triết học có hàm nghĩa phản tỉnh, hồi cố, suy nghĩ lại, bình xét lại, hoài nghi những kết luận đã có trong lịch sử…”. Bạn đọc công trình này sẽ gặp “Ngũ hổ” đã “phản tư” hầu như ở mọi trang sách…

Một điều cũng nên lưu ý là “Ngũ hổ” không chỉ “hồi cố, suy nghĩ lại” những bi-hài kịch thời “Cách mạng văn hóa” hay “Đại nhảy vọt” đã có nhiều sách báo đề cập, mà hướng đến cả thời “Cải cách - mở cửa” gần đây. Độc giả cũng đã biết qua truyền thông là giai đoạn này, xã hội Trung Quốc đã thay đổi rất nhiều, nhất là về kinh tế, nhờ lợi dụng công nghệ hiện đại phương Tây và giá lao động rẻ. Tuy vậy, nhiều vùng nông thôn vẫn chưa thoát cảnh nghèo đói. Do đó, nhận định của Nguyễn Thị Tịnh Thy sau đây vẫn đúng: “…Kể từ thời Lỗ Tấn, một thế kỷ qua, nỗi bất hạnh vẫn chưa buông tha thân phận người dân Trung Quốc. Con người bất hạnh, vì thế, vẫn còn là cảm hứng sáng tác và là mối bận tâm của nhà văn…”.

Thực ra, nói cho công bằng, không chỉ ở Trung Quốc hiện nay vẫn còn người “bất hạnh” mà cả nhân loại, ở đâu cũng chưa có hạnh phúc vẹn toàn; có điều, mỗi quốc gia, có những kiểu “bất hạnh” riêng, với chiều kích khác nhau - ngay cả với đại dịch Covid-19, khi toàn cầu cùng chung “bất hạnh”.

Các tác phẩm của “Ngũ hổ” đã cho bạn đọc thấy ở Trung Quốc, ngay chính trong thời kỳ “Cải cách - mở cửa” vẫn xuất hiện những con người “bất hạnh” ở các phương diện khác, bởi “lễ giáo” kỳ dị. Chúng ta thường quen gọi những sự tha hóa, tiêu cực trong xã hội hiện nay là “mặt trái của kinh tế thị trường”. Các tiểu thuyết của Diêm Liên Khoa, Dư Hoa và Mạc Ngôn đề cập khá nhiều vấn đề này. Tác giả đã dành cho Diêm Liên Khoa và Dư Hoa nhiều trang nhất (125 và 115 trang) của công trình mới này, do “Diêm Liên Khoa được xem là bậc thầy của chủ nghĩa siêu hiện thực, một nhà văn đầy dũng khí và trách nhiệm xã hội…”; còn Dư Hoa được xem là nhà văn “tài hoa” bậc nhất văn đàn Trung Quốc đương đại”; đến Mạc Ngôn cũng thừa nhận “tôi chỉ là người hít bụi phía sau anh ta mà thôi!”

Là một công trình mang tính “học thuật chuyên sâu”, tác giả đã vận dụng từ “lý thuyết tự sự học hiện đại và hậu hiện đại phương Tây” đến rất nhiều khái niệm, thuật ngữ như “siêu hiện thực”, “carnaval hóa”, “nghịch dị”, “phản tư”, “hồi cố”, “liên văn bản”… khi khảo cứu các tác phẩm của “Ngũ hổ”. Điều thú vị là đọc cuốn chuyên luận này, độc giả không bị ngợp vì “rừng lý thuyết” khô khan do tác giả “đã dùng sự tự giác lý thuyết kết hợp với khả năng giải mã văn bản tường tận, sắc sảo, cùng sự nhận diện chính xác phong cách nhà văn để minh chứng những tri thức học thuật và nghệ thuật” như TS. Nguyễn Thị Minh Thương đã nhận xét.

Điều thú vị nữa là trong khi “minh chứng những tri thức học thuật”, tác giả đã trích dẫn vô số chuyện thật hấp dẫn trong những tác phẩm của “Ngũ hổ”. Nhiều bạn đọc đã khá “quen thuộc” với các tác phẩm của Mạc Ngôn; ở đây chỉ xin dẫn vài “chuyện kỳ dị” trong các tiểu thuyết của Diêm Liên Khoa và Dư Hoa.

Trong tiểu thuyết “Đinh trang mộng”, Diêm Liên Khoa đã miêu tả thôn “Đinh Trang đùng một cái bán máu đến phát điên” là do tham quan thôn Thượng Dương vốn nghèo, nay thành giàu nhất tỉnh nhờ bán máu! “Chỉ trong một đêm, từ một trạm máu chẳng ai lui tới bây giờ đã mọc lên mười mấy cái trạm máu… Bán máu là có tất cả… Đinh Trang phồn hoa rồi… người bán máu nhiều, người nậu máu cũng nhiều lên… Người bị bệnh viêm gan A, B, C cũng có thể bán máu năm lần mỗi tháng…”

Nhưng rồi điều đáng đến đã đến. “Mười năm sau, cả thôn Đinh Trang bị mắc bệnh AIDS… Hầu như nhà nào cũng có người chết… Những người thợ mộc làm quan tài đã thay đến ba bộ cưa và rìu. Cây cối trong thôn có thể dùng làm quan tài đều bị chặt sạch […] Đinh Trang tĩnh lặng. Đinh Trang trơ trụi. Đinh Trang tuyệt tận…”.

Đã đành nhà văn với đặc trưng “hư cấu” đã dùng thủ pháp để làm bật nổi sự “kỳ dị”, nhưng có thể nói cảnh bán máu được dựng lên chính từ những câu chuyện có thật mà nhiều báo chí từng tố cáo. Tịnh Thy cũng đã dẫn “Lời bạt” của Minh Thương trong tiểu thuyết “Đinh Trang Mộng”: “Bệnh AIDS lan tràn chóng mặt vào giữa thập niên 90 và bùng nổ đầu thế kỷ XXI ở Trung Quốc. Theo những điều tra xã hội học, con đường lan truyền nhanh nhất của bệnh AIDS không phải là tệ nạn xã hội hay quan hệ tình dục, mà là con đường bán máu của nông dân nghèo.”

Nhà văn Dư Hoa thì đã dựng câu chuyện “kỳ dị” với nhân vật Lý Trọc trong tiểu thuyết “Huynh đệ”: “… Trung Quốc bước vào thời kỳ Cải cách mở cửa, “cái tôi” bị kìm nén bao nhiêu năm qua được thỏa sức vẫy vùng. Lý Trọc trở thành “vua phế liệu”, Lý xưởng trưởng, Lý Tổng giám đốc, Lý hội đồng nhân dân…” Và chính Lý Trọc đã sáng tạo ra cuộc thi “Người đẹp trinh tiết” một “chiêu thức kinh doanh vừa mang lại lợi nhuận cao, vừa làm mãn nhãn tất cả đàn ông trong thị trấn…”.

Không dẫn tiếp, bạn đọc cũng có thể tưởng tượng những chiêu trò “kỳ dị” về cuộc thi “trinh tiết” đầu tiên trên thế giới này. Bạn chỉ cần đọc đoạn sau đây sẽ rõ: “… Người đẹp trong cả nước nhao nhao vào khoa sản bệnh viện, nhao nhao làm phẫu thuật hàn gắn lại màng trinh… Tại sân bay, nhà ga, bến cảng, trên phố lớn ngõ nhỏ, hễ ngẩng mặt lên là trông thấy quảng cáo kỹ thuật hàn gắn lại màng trinh […] Ba ngàn cô gái xinh đẹp trinh tiết (và giả trinh tiết) có mặt trên sân khấu là một dãy phố lớn. Đằng sau các cô đều chật ních cánh đàn ông. Ba ngàn cô đều bị sờ trộm mông, không sót một ai. Mọi cửa hàng đều đóng cửa, mọi nhà máy đều nghỉ việc…”. Thật là “kỳ dị” quá sức tưởng tượng! Lại phải nhắc lại rằng: Đó là nhà văn “hư cấu”. Nhưng thế mới… xứng với những sự thật kỳ dị đã diễn ra trong “Cách mạng văn hóa” và “Đại nhảy vọt” mà nhiều người đã biết! Còn Tịnh Thy, qua câu chuyện “kỳ dị” ở trên đã cho độc giả hiểu nhà văn Dư Hoa với bút pháp gọi là “lý thuyết trò chơi” đã cho độc giả “thấy lịch sử được tiếp diễn từ những trò chơi khác nhau”; đâu chỉ là “cuộc thi trinh tiết” mà tất cả mọi sự…

*

Tác giả đã viết trong phần “Kết luận” công trình của mình: “Thiết nghĩ, một nền văn học có nhiều thành tựu là nền văn học có nhiều nhà văn dám viết, dám tin rằng đối với người nghệ sĩ, để tái hiện chân tướng của lịch sử và chân diện của sự thật, không có giới hạn hay rào cản nào là tuyệt đối, quyền sáng tạo và sức tưởng tượng là vô biên […] Nếu nhà văn chỉ quẩn quanh với các giải thưởng chia phần và những lời bình luận phải đạo, hoặc chỉ phản tư và phê phán ở mức độ phải đạo, thì vẫn mãi chưa thực sự bước ra khỏi quỹ đạo của nền “văn học phải đạo”. Và nếu như thế, ký ức của họ vẫn là thứ ký ức phải đạo của kẻ “ăn mày dĩ vãng”1, họ không thể và không nên truyền lại ký ức cho thế hệ tương lai.”

Lại phải nói thêm: Lời kết đúng là giọng văn “sóng sau xô sóng trước” dồi dào và một phong cách phê bình đầy cá tính […] với nhiệt huyết nóng bỏng từ trái tim tác giả” (Nguyễn Thị Minh Thương) đã thể hiện trong suốt công trình rất “nặng ký” này…

N.K.P
(TCSH393/11-2021)

----------------------------
1. Tên một tiểu thuyết của nhà văn Chu Lai (NKP).  




 

 

Các bài mới
Về nhà (08/12/2021)
Các bài đã đăng
Chân ái (03/12/2021)
Ngày mồ côi… (20/11/2021)