Tạp chí Sông Hương - Số 393 (T.11-21)
Thơ Miên Triện, 10 bài
10:01 | 07/12/2021

NGUYỄN KHOA ĐIỀM
       (Giới thiệu, dịch thơ)    

Miên Triện có tự là Quân Công, hiệu Ước Đình, là nhà thơ, nhà soạn tuồng tên tuổi của nước ta vào cuối thế kỷ XIX. 

Thơ Miên Triện, 10 bài
Chân dung của quận vương Miên Triện do họa sĩ André Robert vẽ lại khi ông đi sứ sang Pháp vào năm 1889. (Ảnh tư liệu của Nguyễn Đắc Xuân)

Ông sinh ngày 3 tháng 6 năm Quý Tỵ (nhằm ngày 19/7/1833) tại kinh đô Huế, trong gia đình Hoàng tộc. Thân sinh của ông là Nguyễn Phúc Đảm (1791 - 1841) tức hoàng đế Minh Mạng (1820 - 1841), vị vua đã đưa đất nước vào thời kỳ thịnh trị trong nửa đầu thế kỷ 19.

Chữ Miên lót tên ông, cũng như các anh em khác của ông, là chữ đầu tiên trong Đế hệ thi gồm 20 chữ do vua Minh Mạng đặt ra. Thân mẫu ông là bà Tài nhân Nguyễn Thị Thanh. Cùng một vua cha, ông có đến 77 anh em trai và 64 chị em gái. Tính theo Nguyễn Phúc tộc thế phả, ông là hoàng tử thứ 66, đứng đầu Phủ phòng 66 của Hoàng tộc.

Lớn lên trong cung cấm, được học hành ở môi trường tốt nhất theo chỉ dụ của vị vua nhiều tư chất của triều Nguyễn, lại được sự hướng dẫn, dạy dỗ chu đáo của các bậc đại nho triều đình, Miên Triện cùng các anh chị em của ông nhanh chóng trở thành một lớp trí thức quý tộc tài năng, vừa thông thạo sách vở nho gia, - dù không theo con đường cử nghiệp -, vừa am tường văn chương nghệ thuật, nếp văn hóa cao nhã của xã hội đương thời.

Năm 17 tuổi, đầu triều Tự Đức, đến tuổi trưởng thành, ông được phong Triệu Phong quận công, một tước vị để hưởng bổng lộc chứ không được tham chính. Ông được xuất cung lập phủ đệ riêng gần cầu Gia Hội hiện nay.

Ông lập gia đình, với bà chánh thất sinh được một người con gái, đặt tên là Công Nữ Úy Đào; bà thứ thất họ Trần sinh người con gái thứ hai lấy tên Công Nữ Đồng Canh. Khác với nhiều người, ông quý trọng con gái, mua nhiều sách vở, mời thầy giỏi kèm con học hành, trau dồi công dung ngôn hạnh. Không chỉ dạy con sách vở hán nôm truyền thống, ông còn cho phép con học chữ quốc ngữ, trau dồi kiến văn Đông Tây, mong con sau này gái cũng như trai, làm nhiều việc có ích. Nhờ đó bà Công Nữ Đồng Canh sớm trở thành người phụ nữ có học thức cao, được triều đình mời vào cung làm “nữ sử” dạy chữ cho công chúa và cung nữ, về sau bà trở thành nhà báo, nhà văn, nhà sư phạm thuộc thế hệ đầu tiên của văn hóa Việt Nam hiện đại.

Là một danh sĩ đương thời, Miên Triện tham gia Mạc Vân thi xã, một thi đàn danh vọng của đất thần kinh với sự có mặt của nhiều hoàng thân quốc thích hay chữ và nhiều quan lại trong triều do nhà thơ đồng thời là vị hoàng thân nổi tiếng Miên Thẩm đứng đầu. Chung quanh Tùng Thiện vương Miên Thẩm lúc đó người ta thấy có các anh em của ông như Thọ Xuân vương Miên Định, Tuy Lý vương Miên Trinh, Tương An quận vương Miên Bảo, Lạc Biên quận công Miên Khoan, Hòa Thạnh vương Miên Tuấn cùng các bà công chúa Quy Đức, Mai Am, Huệ Phố, các đại thần như Trương Đăng Quế, Nguyễn Trọng Hợp, Phan Đình Phùng…, các văn nhân thi sĩ như Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu, Hà Tôn Quyền… tạo nên một bầu không khí sinh hoạt văn chương hết sức nhộn nhịp, tao nhã. Vào thời điểm này nhiều thi tập, văn tập có giá trị đã ra đời như “Thương sơn thi tập” (Miên Thẩm), “Vĩ Dạ hợp tập”, “Nghê Thường khúc” (Miên Trinh), “Tĩnh minh ái phương thi tập” (Miên Định), “Khiêm Trai thi tập”, “Khiêm Trai văn tập”, “Hoài cổ ngâm” (Miên Bảo), “Lật viên thi tập” (Miên Khoan), “Nhã Đường thi tập” (Miên Tuấn), “Mạn Viên thi tập” (Miên Ngôn), “Quân đình thi thảo” (Miên Thanh)... Nhân dịp sứ thần Trung Quốc Lao Sùng Quang đến Huế, vua Tự Đức cho soạn bộ tuyển tập thơ lấy tên “Phong nhã thống biên” gồm một số thi tài nước ta lúc đó để giới thiệu. Trào lưu văn chương sôi nổi đó được ghi lại trong câu:

“Văn như Siêu, Quát, vô tiền Hán - Thi đáo Tùng, Tuy thất thịnh Đường”.

Cách bình phẩm như vậy có phần khoa trương, nhưng ít nhiều cũng nói lên không khí hưng phấn của lớp văn nhân Việt Nam giữa thế kỷ XIX.

Tuy nhiên thời kỳ yên bình của một nước Đại Việt vươn lên đứng đầu khu vực với lãnh thổ thống nhất rộng rãi, kinh tế phát đạt, văn hóa nề nếp, bang giao mở mang đã chìm dần trong lớp mây đen của chủ nghĩa thực dân và những biến động cung đình ngày càng nặng nề.

Năm 1858, sau nhiều lần toan tính, pháo hạm của Pháp đã bắn vào Đà Nẵng, một cửa ngõ tiến vào kinh đô Huế.

Chỉ mấy năm sau, lục tỉnh Nam Bộ vựa thóc trực tiếp nuôi sống triều Nguyễn đã mất vào tay Pháp.

Năm 1874 thành Hà Nội thất thủ.

Những điều trần cải cách của Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch, Đặng Huy Trứ… bị gạt qua một bên vì không ai đủ lòng tin và quyết tâm thực hiện. Đất nước chìm trong khó khăn, thất vọng.

Năm 1878, Miên Triện được phong Quỳnh quốc công.

Là thế hệ nhàn quan, có tước nhưng không có chức để can thiệp công việc triều chính, Miên Triện ngày càng chán ngán trước tình cảnh Tự Đức nhu nhược, quyền thần lộng hành, thế nước nghiêng ngữa. Ông cho lập chùa Diệu Hỷ trong vườn nhà giành cho ni giới và nữ nhân trong nhà tu học. Ông cũng giành nhiều thời gian học sách thuốc và bốc thuốc cho người thân quen. Tri thức về y học cổ truyền được ông ghi lại thành thơ nôm thể song thất lục bát dài 228 câu lấy tên “Chứng trị quốc âm ca” (Bài thơ quốc âm bàn việc chữa bệnh).

Năm 1923, bà Đạm Phương cho sao lục, phiên ra quốc ngữ đăng trên báo “Lục tỉnh Tân văn” để giới thiệu với người đọc. Mở đầu là những câu:

Người sinh ngữa đội ơn trời đất,
Phú tánh linh muôn vật làm đầu.
Muốn cho tóc bạc đầu râu,
Năm điều bảo dưỡng chớ hầu đơn sai

 
Hớp hơi trời, ấy thời là một,
Thán khí thay, máu tốt bèn sinh,
Hai điều quan sáng thích tình,
Đã lắm hiến bộc, lại đành sái thơ,

 
Ba điều ưa nóng vừa ấm áp,
Tuyết lạnh gìn, áo kép mền bông,
Bốn điều ăn uống sạch trong,
Chớ ham quá béo, thường phòng chẳng tiêu.

 
Ấy năm điều ra vào vận động,
Thêm rèn lòng mựa giống tham ô…


Triều đình Tự Đức vốn đam mê việc soạn tuồng, diễn tuồng. Chính Tự Đức cũng viết một số chương hồi cho các pho ngự chế “Vạn bửu trình tường”, “Quần phương hiến thụy” có thể diễn trăm đêm mà người biên soạn chính là các quan (nổi tiếng nhất là Đào Tấn) và các vị hoàng thân. Miên Triện cùng hai ông Nam Sách (tức Miên Ổn) và Ninh Thuận (tức Miên Nghi) soạn pho tuồng “Tuyệt diệu bình yên” mà sau này, trong bài báo “Lược khảo về tuồng hát An nam” năm 1923 bà Đạm Phương đã đánh giá là “sự tích rất li kỳ, biến hóa vô cùng”. Trong một bài thơ khác Miên Triện còn kể tự tay ông chép 6 tập hí kịch do chính mình viết.

Không chỉ viết tuồng, Miên Triện còn có nhiều công trình sáng tác, dịch thuật khác. Trong bài báo “Văn chương quốc âm” đăng trên tạp chí Hữu Thanh năm 1922, Nguyễn Khoa Tùng - con rể ông đã nhắc đến các truyện do Miên Triện viết, đó là: “Oanh nương khúc”, “Hoàng sừ”, “Xích bích phú”, “Thị nhi giáo lệnh”, “Liên xướng cung từ”… Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân trong một bài viết về Miên Triện có nhận xét “qua bản diễn nôm này (bài “Tiền Xích Bích phú”) ta đọc được nhiều từ trong tiếng Huế mà đến nay không còn ai dùng nữa”. Xin trích những dòng đầu tiên trong 93 dòng thơ trong bản dịch của Miên Triện:

Năm Nhâm Tuất mùa thu tháng bảy,
Mới qua rằm trăng hãy còn hin.
Ông Tô cùng khách dời thuyền,
Chơi nơi Xích Bích gần miền Kinh Châu.
Gió phảng phất dòng sâu sóng lặng,
Cất chén mời khách hẳn vui ưa,
Ngâm nga nguyệt xuất thi xưa,
Liền câu yểu điệu cảnh giờ khéo in.
Phương đông thoắt trăng lên chóp núi,
Trong Đẩu, Ngưu noi dõi dần dà;
Sông trong, nước rạng bao la,
Ngang giăng móc trắng, la đà trời xanh…


Mặc dù được sinh ra và lớn lên trong thế giới cung cấm, nhưng càng lớn lên Miên Triện càng thấm thía cảnh thăng trầm đau đớn của đất nước và thế hệ của ông. Ngay trong đại gia tộc của mình ông cũng chứng kiến không ít những bức tranh đầy máu và nước mắt.

Năm 1883, đêm hôm trước ngày vua Tự Đức băng hà, quân Pháp chiếm cửa Thuận An, trực tiếp uy hiếp kinh đô Huế. Trong cơn khẩn cấp, vua Dục Đức lên ngôi được 3 ngày thì bị phế truất. Triều đình Huế trước sức ép của súng đạn thực dân đã phải ký hòa ước Quý Mùi chấp nhận nền bảo hộ của Pháp. Các viên phụ chính đại thần vội vã đưa một hoàng thân em vua Tự Đức lên ngôi, lấy tên Hiệp Hòa. Nhưng vua Hiệp Hòa chỉ giữ ngôi 4 tháng thì bị bức hại vì lộ ý đồ mượn lực lượng của Pháp để ngăn chặn sự lộng hành của các vị phụ chính. Vua bị giết, lập tức hàng loạt cận thần, các vị hoàng thân gần gũi, từng chịu ơn vua không khỏi mang họa, người bị bắt giết, người tìm cách trốn chạy. Miên Triện từng được vua Hiệp Hòa tấn phong Hoằng Hóa công ngay trong lễ lên ngôi của mình cũng tìm cách chạy trốn. Miên Triện và cả gia đình bị bắt giữ, giam tại khám đường Thừa Phủ; phủ đệ của ông bị sung công. Nhờ sự can thiệp của bà hoàng thái hậu Từ Dụ (vợ vua Thiệu Trị), ông thoát khỏi tội chết, nhưng bị hạ bậc làm Hoằng Hóa hương công; cả nhà bị đày vào Phú Yên quản thúc.

Tại nơi lưu đày, ông đau đớn đón tin Kinh đô thất thủ sau trận phản công không thành của vua quan nhà Nguyễn đêm 23 tháng 5 năm Ất Dậu (1885). Quân Pháp tràn vào nội thành, cung điện bị đốt cháy, nhà cửa trăm họ bị cướp phá. Xác chết la liệt mặt đường. Vua Hàm Nghi được phò ra Tân Sở (Quảng Trị), rồi chạy ra miền núi Hà Tĩnh, hạ chiếu Cần Vương cứu nước.

Để nhanh chóng bình định nước ta, thực dân Pháp đưa Đồng Khánh lên ngôi và cho rút các hoàng thân bị lưu đày về kinh đô để dễ quản lý và giữ ổn định. Cùng các hoàng thân Miên Trinh, Miên Tằng trở về từ Quảng Ngãi, Bình Định, Miên Triện cũng đưa gia đình từ Phú Yên về Huế vào cuối tháng 10 năm 1885. Phủ đệ của ông chỉ còn một đống hoang tàn. Ông đành đưa vợ con lên núi Dẫn Khiêm, gần lăng Tự Đức, lập một ngôi nhà đơn sơ lấy tên “Học bạn tinh xá” - làm nơi đèn sách cho con và chốn ẩn thân của mình. Nhà của ông cạnh khe nước gần ngôi nhà cũ của Miên Thẩm, lại gần nhà Miên Vãn (tức Cẩm Giang quận công - anh trai Miên Triện), nên người dân địa phương thường gọi là “Khe các hoàng tử”. Từ ngôi nhà này, hai chị em Úy Đào - Đạm Phương ngày ngày vượt một quãng đồi theo học với bà Quy Đức, tức công chúa Vĩnh Trinh, chị của Miên Triện. Bà Vĩnh Trinh có chồng hy sinh trong cuộc chiến ở Nam kỳ. Những năm cuối đời bà ẩn nhẫn thờ chồng, nuôi con, làm thơ và dạy học. Những nỗi lòng đau đớn ưu tư của lớp con cháu hoàng tộc như Miên Triện, Quy Đức công chúa cùng các hoàng thân khác chỉ dịu đi mỗi lần họ gặp mặt, cùng nhau xướng họa thơ văn.

Năm 1889, đầu triều Thành Thái, Miên Triện làm chánh sứ sứ đoàn Việt Nam gồm 10 người thăm Pháp nhân dịp Hội chợ kỷ niệm 100 năm Cách mạng Pháp. Ngày 13 tháng 3 đoàn rời Huế đáp tàu thủy đi qua Tân Gia Ba, Ấn độ dương, Địa Trung hải; ngày 2 tháng 6 đến Paris. Sau 2 tháng lưu lại đất Pháp, ngày 2 tháng 8 sứ đoàn theo đường biển trở về nước.

Chuẩn bị chuyến đi này triều đình Huế giao Cơ Mật viện soạn sẵn hàng chục vấn đề dưới dạng hỏi - đáp để sứ đoàn thương thuyết với chính phủ Pháp đòi lại quyền lợi cho phía Việt Nam. Tuy nhiên phía Pháp tìm cách lờ đi, chỉ hứa sẽ cử người qua Việt Nam xem xét tình hình. Thực chất, họ coi hoạt động ngoại giao này thuần túy chỉ là một cuộc “thông hiếu”, thăm viếng. Tuy nhiên triều đình Huế đánh giá cao chuyến đi; coi đó là cơ hội bảo vệ địa vị triều đình Việt Nam trước người Pháp.

Cuối năm đó, Miên Triện dành thời gian ghi chép hành trình chuyến đi dưới thể lục bát với tên “Tây hành nhật trình diễn âm”, hiện còn lưu giữ tại Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội.

Miên Triện sống những năm cuối đời trong phủ đệ cũ được triều đình cấp tiền tôn tạo lại. Ông thờ Phật, gắn mình với chùa chiền. Ông được vua Thành Thái lần lượt phục chức Quỳnh quốc công, rồi Hoằng hóa công. Không có con trai nối dõi, theo điển chế triều đình, ông được nhận con trai của người anh là Thọ Xuân vương Miên Định làm quá kế. Ông Hồng Du (sau đổi Hồng Hậu) về phủ, làm người nối dõi Phủ Hoằng Hóa, chăm lo việc thờ cúng trong phủ.

Ông qua đời ngày 4 tháng 4 năm Ất Tỵ (tức ngày 7/5/1905), thọ 73 tuổi. Trong hoàng tộc, ông được coi là người sống lâu, vì vậy bộ sách “Đại Nam liệt truyện” của Quốc sử quán Triều Nguyễn ra đời trước đó không có tên ông. Riêng bộ “Đại Nam thực lục” (Chính biên Đệ lục kỷ phụ biên) thì ghi rõ: “Hoằng Hóa công Miên Triện chết, truy tặng là Hoằng Hóa quận vương, cùng chuẩn trích tiền (300 đồng) cấp cho làm lễ mai táng (quận vương từng nhiếp phủ vụ, lại phụng đi sứ vất vả, đặc chuẩn tiến phong để tỏ rõ ý đôn thân)”.

Ông được an táng tại ngọn đồi ở ấp Dương Hòa, thôn Dương Xuân hạ, xã Thủy Xuân, tây nam thành phố Huế. Ngôi mộ được xây dựng cách đây trên 100 năm, trải qua binh hỏa, có thời gian thất lạc, nhưng vẫn giữ nguyên nét cổ kính, trầm mặc. Cạnh mộ ông là mộ bà thứ thất Trần thị do Đạm Phương nữ sử đặt bia cho mẹ hơn chục năm sau đó.

Trong phủ Hoằng Hóa còn lưu giữ bức chân dung Miên Triện trong bộ đại triều do họa sĩ André Robert vẽ vào thời gian ông lưu lại ở Pháp. Tại gian thờ còn treo cặp liễn chữ Hán của vợ chồng bà Đạm Phương kính dâng thân phụ vào năm 1926 để bày tỏ lòng tưởng nhớ người đã khuất:

山 斗 仰 遺 光 誦 到 七 篇 懷 令 德
袞 花 榮 繼 美 難 將 合 壁 詠 新 圖

Sơn Đẩu ngưỡng di quang tụng đáo thất thiên hoài lệnh đức
Cổn hoa vinh kế mỹ nan tương hợp bích vịnh tân đồ


(Diễn ý: Mỗi lần đọc lại những vần bảy chữ như ánh hồi quang của Thái sơn Bắc đẩu càng thấm thía tấm lòng tốt đẹp của người xưa - Vẻ vinh hoa xen lẫn mỹ miều của mũ áo ngày trước cũng khó hài hòa để vịnh bức tranh ngày mới).

Sau ngày Miên Triện qua đời, toàn bộ sáng tác của ông gồm 10 tập được bà Đạm Phương cất giữ. Nhà báo Phạm Quỳnh khi đến thăm Huế năm 1918 đã được bà cho xem bộ di văn này đã có nhận xét rất trân trọng. Tuy nhiên chỉ một số ít trong đó được in dưới dạng khắc gỗ, được lưu giữ một phần ở Thư viện Hán Nôm, còn phần lớn những bản viết tay khác, kể cả 6 vở tuồng đều đã thất lạc cùng tủ sách của bà Đạm Phương trong ngày đầu kháng chiến chống Pháp.
 

Tác phẩm "Ước Đình Thi Sao" - Ảnh tư liệu của NĐX

Tập thơ “Ước Đình thi sao” gồm hai quyển do nhà in Dực Kinh lâu tàng bản khắc in tháng 1 năm Tân Sửu đời Thành Thái (1901) hiện lưu giữ tại Thư viện Viện Hán Nôm Việt Nam, Hà Nội dưới ký hiệu A778.

Quyển 1: gồm 88 bài; Quyển 2: gồm 99 bài; một phần ba là những bài viết trong chuyến đi sứ Pháp.

Tập thơ này ở trang bìa có ghi: “Thương Sơn tiên sinh phê bình” (tức Tùng Thiện vương Miên Thẩm phê bình); “Vĩ Dã tiên sinh phê bình giám định” (tức Tuy Lý vương Miên Trinh phê bình giám định) nhưng không tìm thấy bài viết.

Thơ ông giàu cốt cách nghệ sĩ đồng thời bộc lộ một tâm hồn đằm thắm, khiêm nhường với bạn bè, người thân, cả lúc an ổn lẫn lúc khó khăn đều không hề nguội lạnh. Qua thơ ông người ta thấy ông đau đáu một nỗi niềm với quê hương đất nước, buồn bã về những gì mình chưa làm được, hướng tới điều lương thiện, tốt lành. Như trong bài thơ Đề cố nhân sơn cư (Viết tại nhà bạn ở trên núi) ông bày tỏ:


醉 歌 涼 風 天
笑 椅 長 松 樹ï
白 雲 亦 無 心  
共 此 伴 間 住  

Túy ca lương phong thiên
Tiếu ỷ trường tùng thụ
Bạch vân diệc vô tâm
Cộng thử bạn gian trú
 

(Tạm dịch: Say hát nghiêng gió trời/ Vui cười lưng tùng dựa/ Vô tình mây trắng trôi/ Ngang qua đây ngưng tụ).  

Cùng với Tùng thiện vương Miên Thẩm, Tương An quận công Miên Bảo, Tuy Lý vương Miên Trinh, Lạc Biên quận công Miên Khoan, các bà công chúa nổi tiếng như Huệ Phố, Quy Đức, Mai Am, Hoằng Hóa quận vương Miên Triện là một trong những cây bút cuối cùng của thi ca hoàng gia triều Nguyễn với học vấn và nghệ thuật chính truyền, uyên áo được lưu giữ lâu dài trong phổ hệ văn hóa của nước Việt Nam xưa, sẽ được trân trọng khám phá và thưởng thức theo thời gian.

題 舍 弟 虞 仲 洗 心 亭
 
結 构 一 亭 小
頗 具 巖 壑 姿
朝 回 煮 茗 飲
飛 蓋 相 追 随
靜 夜 明 月 出
水 樹 光 離 離
珠 簾 四 壁 卷
玉 笛 臨 風 吹
妙 趣 欣 相 賞
美 景 生 遐 思
屋 手 柝 玄 理
始 信 君 非 癡
 
ĐỀ XÁ ĐỆ NGU TRỌNG* TẨY TÂM ĐÌNH

Kết cấu nhất đình tiểu
Phả cụ nham hác tư
Triều hồi chử mính ẩm
Phi cái tương truy tùy
Tĩnh dạ minh nguyệt xuất
Thủy thụ quang ly ly
Châu liêm tứ bích quyển
Ngọc địch lâm phong xuy
Diệu thú hân tương thưởng
Mỹ cảnh sinh hà tư
Ốc thủ thác huyền lý
Thỉ tín quân phi si

---
* Ngu Trọng: chưa rõ tên ai  


ĐỀ THƠ Ở TẨY TÂM ĐÌNH NHÀ EM NGU TRỌNG  

Dọn một ngôi đình nhỏ
Đậm nét miền hoang vu
Bãi triều đun ấm chè
Mặc chuyện đời úp mở
Đêm vắng, trăng tròn mọc
Cây lung linh bóng nước
Vén bốn vách rèm châu 
Sáo ngọc thổi cùng gió
Diệu thủ tuyệt vời vui
Cảnh đẹp nhiều cảm nghĩ
San sẻ điều huyền vi
Tự ngày đầu tri kỷ
 
鐘 聲  

深 愁 無 那 不 成 眠
何 處 鐘 聲 斷 續 傳
已 動 新 霜 搖 落 木
慣 催 斜 月 到 離 筵
旅 懷 寂 寞 秋 齋 客
殘 夢 依 稀 夜 泊 船
一 笑 起 來 攏 曉 鑰
半 生 紅 豆 誤 參 禪
 

CHUNG THANH  

Thâm sầu vô nả bất thành miên
Hà xứ chung thanh đoạn tục truyền
Dĩ động tân sương dao lạc mộc
Quán thôi tà nguyệt đáo ly diên
Lữ hoài tịch mịch thu trai khách
Tàn mộng y hi dạ bạc thuyền
Nhất tiếu khởi lai long hiểu thược
Bán sinh hồng đậu ngộ tham thuyền
 

TIẾNG CHUÔNG

Nỗi buồn thăm thẳm sao tròn giấc
Chẳng biết chùa đâu vẳng tiếng chuông
Lay động sương non buông mặt cỏ
Giục giã trăng tà ghé chiếu suông
Lữ thứ đìu hiu buồn phận khách
Tàn mộng mông lung bến buộc thuyền
Sáng dậy tiếng cười nghe tở mở
Nửa đời mê đắm chợt tham thiền
 

夜聞櫂歌作  

涼 亭 初 醒 酒
蓮 浦 遠 聞 歌
欲 問 采 蓮 女
蓮 心 何 苦 多
 
DẠ VĂN TRẠO CA TÁC  

Lương đình sơ tỉnh tửu
Liên phố viễn văn ca
Dục vấn thái liên nữ
Liên tâm hà khổ đa?   

ĐÊM NGHE TIẾNG CHÈO ĐÒ  

Đình mát chợt tỉnh rượu
Ai hát ngoài bến sen?
Sao tâm sen đắng vậy
Hỡi em, người hái sen?  

出 閘
 
前 頭 殘 月 落
對 面 閘 門 高
海 氣 全 迷 岸
湍 聲 自 折 篙
艱 難 殊 去 住
窮 簿 易 風 濤
世 路 皆 如 此
吾 生 信 所 遭   

XUẤT ÁP  

Tiền đầu tàn nguyệt lạc
Đối diện áp môn cao
Hải khí toàn mê ngạn
Thoan thanh tự chiết cao
Gian nan thù khứ trụ  
Cùng bạc dị phong đào
Thế lộ giai như thử
Ngô sinh tín sở tao
 

VƯỢT CỐNG NGĂN MẶN *  

Trăng tàn rơi qua đầu
Cống mặn giăng trước mặt
Hơi biển lạnh tái tê
Nước xiết sào gảy ngọn
Gian nan đi hay ở
Đâu dễ với ba đào
Đường đời chắc hẳn vậy
Ta tin vào rủi may.

---
* Cống ngăn mặn Thảo Long ở hạ lưu sông Hương có cửa nhỏ cho thuyền lọt qua, nước chảy khá xiết. Nay đã xây hẳn thành đập lớn
  

祿 米  

軍 餉 曾 聞 數 告 虧
米 船 今 望 即 來 遲
司 農 暫 作 遷 延 役
臣 朔 翻 騰 飽 死 訾
賴 末 何 心 忘 大 本
竊 餐 無 補 愧 虛 麼
殷 勤 為 與 庖 丁 道
粒 粒 端 由 是 淚 滋  

LỘC MỄ  

Quân hướng tăng văn số cáo khuy
Mễ thuyền kim vọng tức lai trì
Tư Nông tạm tác thiên diên dịch
Thần Sóc phiêu đằng bão tử tì
Lại mạt hà tâm vong đại bản
Thiết san vô bổ quý hư ma
Ân cần vi dữ bào đinh đạo
Lap lạp đoan do thị lệ từ 

GẠO  

Quân lương từng nghe báo thiếu hụt
Thuyền gạo hôm nay lại muộn về
Tư Nông* tạm gác phiên lao dịch
Thần Sóc** bất bình chuyện đói no
Ô lại sao quên điều gốc rễ
Tham quan chẳng bỏ nhục không chừa
Ân cần vốn đạo người coi bếp
Mỗi hạt đều là giọt lệ rơi

---
* Tư Nông: cơ quan phụ trách nông nghiệp.
** Thần Sóc: tức Đông Phương Sóc, một danh thần đời Hán Trung Quốc.
Theo “Hán thư: Đông Phương Sóc truyện” ghi: Anh hề lùn trong cung chỉ cao 3 xích dâng một túi ngô 240 tiền. Thần Sóc cao 9 xích cũng dâng một túi ngô 240 tiền. Anh lùn no muốn chết. Thần Sóc đói muốn chết. Ý muốn nhắc nhở về sự bất công.


經東華舊第感作  

東華橋下一條街
紅藕湖頭碧血埋
草色春來依舊綠
竟陵何處是高齋

KINH ĐÔNG HOA CỰU ĐỆ CẢM TÁC  

Đông Hoa kiều hạ nhất điều nhai
Hồng ngẫu hồ đầu bích huyết mai
Thảo sắc xuân lai y cựu lục
Cánh lăng hà xứ thị cao trai

CẢM TÁC TRỞ VỀ ĐÔNG BA THĂM NHÀ CŨ

Qua cầu Đông Ba lần lối cũ
Bao nhiêu máu đổ dưới hồ sen  
Cỏ xuân còn nhớ lên màu biếc
Gò đống nơi nào căn gác quen?  

灌疏  

公休官尚小
底事拔园葵
志岂求温饱
情原喜灌兹
微劳分老圃
小摘饭禅师
四礼勤操作
怜予从未哀  

QUÁN SƠ  

Công hưu quan thượng tiểu
Để sự bạt viên quì
Chí khải cầu ôn bão
Tình nguyện hỉ quán tư
Vi lao phân lão phố
Tiểu trích phạn thiền sư
Tứ lễ cần thao tác
Lân dư tòng vị ai  

TƯỚI RAU  

Tiền hưu vốn ít ỏi
Nên nỗi chăm luống dền
Đâu hẳn cầu no ấm
Mà vui việc tưới rau
Việc vặt phần ông lão
Một ít xin cúng chùa
Bốn lễ cần làm đủ
Xót mình cùng thương nhau  

对雨有懐  

独自空山住
相看急雨侵
诸溪新绿涨
群峭远青沉
宿草苍凉色
寒花淡荡心
重陽佳节近
谁复与登临

ĐỐI VŨ HỮU HOÀI  

Độc tự không sơn trú
Tương khan cấp vũ xâm
Chư khê tân lục trướng
Quần tiễu viễn thanh trầm
Túc thảo thương lương sắc
Hàn hoa đạm đãng tâm
Trùng dương giai tiết cận
Thùy phục dữ đăng lâm
 

HOÀI CẢM NGÀY MƯA  

Lẻ loi cùng núi vắng
Chạm mặt trận mưa dầm
Suối khe lênh láng nước
Núi tiếp núi xanh um
Cỏ xưa xơ xác lá
Hoa lạnh thoáng âm thầm
Trùng dương* sắp đón tiết
Được gặp người tri âm?

---
* Tiết trùng dương mồng 9 tháng 9 âm lịch, bạn bè mời nhau chơi núi, cùng uống hoàng tửu.
 

正拙示妻子  

予生拙且愚
不为子孙计
少小轻葉财
将老尤未替
无甚相关系
儞辈勤职恩
寡人只与祭
朝夕虽生存
视之同溘逝
疾病休扶持
贫困勿匡済
我自有我法
烦恼亦能制
杖履逍遥遊
无心久住世
一旦逃空门
解脱了真谛

CHÍNH CHUYẾT THỊ THÊ TỬ  

Dư sinh chuyết thả ngu
Bất vi tử tôn kế
Thiếu tiểu khinh diệp tài
Tương lão vưu vị thế
Vô thậm tương quan hệ
Nhĩ bối cần chức ân
Quả nhân chỉ dự tế
Triêu tịch tuy sinh tồn
Thị chi đồng khạp thệ
Tật bệnh hưu phù trì
Bần khốn vật khuông tế
Ngã tự hữu ngã pháp
Phiền não diệc năng chế
Trượng lí tiêu dao du
Vô tâm cửu trụ thế
Nhất đán đào Không môn
Giải thoát liễu chân đế

BÀY TỎ PHẢI TRÁI VỚI VỢ  

Ta vốn vụng mà dại
Không tính kế cháu con
Lúc bé khinh tài lộc
Đến già lại trống trơn
Chút quan hệ chẳng có
Người ta thì chức phận
Mình cô quả dự phần
Sớm chiều dẫu sinh tồn
Xem ra như khuất mặt
Tật bệnh khó chống đỡ
Nghèo khó chẳng phù trì
Ta có luật riêng ta
Ưu phiền cũng chế ngự
Chống gậy tiêu dao du
Vô tâm thì sống lâu
Một ngày trốn vào Chùa
Liễu ngộ lẽ chân đế

白 虎 道 場 賜 祭 陣 亡 將 士 歌 恭 紀  

城 西 突 兀 見 精 舍
陰 雲 攫 日 天 乍 夜
敕 然 法 炬 祭 國 殤
命 鄉 朝 服 來 拈 香
迦 陵 仙 禽 妙 音 奏
上 祝 君 王 千 萬 壽
下 祈 死 士 超 轉 輪
曼 殊 沙 花 雨 紛 繽
想 見 沙 蟲 與 猿 鶴
餘 勇 猶 能 勵 矩 躍
鬼 馬 鬼 雄 爭 度 橋
髑 髏 如 葉 風 旋 飄
深 碧 燈 光 不 到 處
青 燐 沙 中 相 偶 語
以 憐 失 策 陣 陶 斜
更 悲 橫 海 死 人 多
南 北 風 塵 歷 年 久
發 言 盈 庭 谁 執 咎
逐 令 宵 旰 勞 至 尊
仁 心 翻 念 三 軍 冤
彼 共 國 用 获 死 所
有 功 宜 祀 禮 寺 舉
無 使 若 敖 鬼 餒 而
豈 助 盛 撰 桑 門 飢
往 昔 天 姥 令 白 虎
二 十 餘 年 真 罕 睹
國 家 泉 布重 施 為
亦 如 兵 者 有 不 得
已 而 用 之
幽 靈 感 泣 老 僧 喜
散 場 同 飲 功 德 水
佛 力 宏大 皇 恩 优
有 司 慎勿 尤 效 窮 比 邱

BẠCH HỔ ĐẠO TRƯỜNG TỨ TẾ TRẬN VONG TƯỚNG SĨ CA CUNG KỶ  

Thành Tây đột ngột kiến tinh xá
Âm vân quắc nhật thiên tác dạ
Sắc nhiên Pháp cự tế quốc thương
Mệnh hương triều phục lai niêm hương
Ca lăng tiên cầm diệu âm tấu
Thượng chúc quân vương thiên vạn thọ
Hạ kì tử sĩ siêu chuyển luân
Man thù sa hoa vũ phân tân
Tưởng kiến sa trùng dữ viên hạc
Dư dũng do năng lệ củ dược
Quỷ mã quỷ hùng tranh độ kiều
Độc lâu như diệp phong toàn phiêu
Thâm bích đăng quang bất đáo xứ
Thanh lân sa trung tương ngẫu ngữ
Dĩ lân thất sách trận đào tà
Cánh bi hoành hải tử nhân đa
Nam Bắc phong trần lịch niên cửu
Phát ngôn doanh đình thùy chấp cữu
Trục lệnh tiêu hãn lao chí tôn
Nhân tâm phiên niệm tam quân oan
Bỉ cộng quốc dụng hoạch tử sở
Hữu công nghi tự lễ tự cử
Vô sứ nhược ngạo quỷ nỗi nhi
Khải trợ thịnh soạn tang môn cơ
Vãng tích Thiên Mụ lệnh Bạch Hổ
Nhị thập dư niên chân hãn đổ
Quốc gia tuyền bố trọng thi vi
Diệc như binh giả hữu bất đắc
Dĩ nhi dụng chi
U linh cảm khấp lão tăng hỉ
Tán trường đồng ẩm công đức thủy
Phật lực hùng đại hoàng ân ưu
Hữu ty thận vật vưu hiệu cùng tỉ khâu  

BÀI CA LỄ BAN TẾ TƯỚNG SĨ TRẬN VONG TẠI ĐẠO TRƯỜNG BẠCH HỔ  

Thành Tây đột ngột thấy miếu đền
Mây che mặt trời ngày thành đêm
Bất ngờ đuốc Pháp tế quốc tang
Lệnh vua triều phục đến dâng hương
Tiếng chim ca-lăng đã khởi tấu
Trên chúc quân vương ngàn năm tuổi
Dưới cầu tử sĩ được siêu sinh
Hoa thiêng làm mưa rơi rực rỡ
Như bóng sinh linh cùng hạc vượn
Uy dũng còn thừa nhảy bật lên
Ngựa quỷ trâu ma tranh qua cầu
Đầu lâu như lá quay trong gió
Leo lét đèn xanh soi chẳng thấu
Lửa ma trong cát giọng u huyền
Đáng thương thất sách không ngang sức
Càng đau biển ngang chết lắm người
Nam Bắc phong trần ngày tháng dài
Điều tiếng triều đình ai nhận lỗi
Giục lệnh đêm hôm nhọc bề trên
Nhân tâm chao đảo ba quân oan
Đã vì việc nước chọn chỗ chết
Ghi công nghi lễ chùa thờ cúng
Bất kể rong chơi làm quỷ đói
Lại bày thịnh soạn giữa chùa nghèo
Tích xưa Thiên Mụ lệnh Bạch Hổ
Hai chục năm hơn hiếm khi thấy
Đồng tiền nhà nước vẫn còn dùng
Cũng như việc binh bất đắc dĩ
U linh bật khóc lão tăng vui
Chia tay cùng uống nước công đức
Phật lực to lớn, hoàng ân nhiều
Quan ty cẩn thận chớ theo đuổi tỳ kheo.

N.K.Đ
(TCSH393/11-2021) 



 

 

Các bài mới
Về nhà (08/12/2021)
Các bài đã đăng
Chân ái (03/12/2021)