Tạp chí Sông Hương - Số 51 (T.9&10-1992)
Bí mật võ đạo
15:05 | 25/01/2022


MINH ĐỨC

(Tặng Tác giả và dịch giả Thiền Luận)

Bí mật võ đạo
Minh họa: Đặng Mậu Tựu

TAJIMA lấy tấn, loang kiếm một đường theo thế Yogo rồi thu kiếm, đứng bất động giữa làn mưa tuyết. Mắt y nhòa đi, nhưng óc y tỉnh thức cao độ. Y bắt đầu thực hành yếu chỉ nhập môn thượng thừa tâm pháp: "chuẩn bị đi vào trạng thái này là loại bỏ các tư niệm, tạp niệm; để tâm trôi chảy thong dong như đám mây mùa hạ, như dòng nước mùa xuân".

Bóng người in giữa bóng tuyết mang đường nét cô liêu và vĩnh cửu như bức tranh chấm phá của một họa gia SUMIYE. Tuyết vẫn rơi, TAJIMA vẫn đứng. Cây cối trút hết lá, chơ vơ như nhìn ngắm nỗi phế hưng của trời đất. Những đám mây thấp, đục ùn ùn từ đỉnh Phú Sĩ Sơn kéo về phương đông. Trời lại nổi gió...

Bấy giờ là vào tiết đại hàn, khô se, lạnh.

Phật giáo kể từ thời Đức Khâm Minh Thiên Hoàng, thế kỷ thứ sáu, có mặt ở xứ sở này, đã hiển lộ sinh lực vĩnh cửu của nó bằng tất cả những nét quang minh rực rỡ. Ngót một thiên niên kỷ, từ giới quý tộc cho đến lớp sĩ phu, đại chúng, đã thấm nhuần giáo lý trí tuệ và từ bi cao cả này - nên mọi sinh hoạt xã hội đều được thăng hoa. Tuy thế, sự thăng hoa đúng nghĩa phải được kể từ thời triều dương của Thiền Tông, khoảng đầu thời đại Kiếm Thương (1168 - 1334), và cao độ của nó thì được tỏa rạng từ một chân dung: TAKUAN Đại sư (1573 - 1645).

Người ta bảo rằng: "cùng tức biến, thịnh tức suy", Phật Giáo quý tộc ở giai đoạn này được quá nhiều ưu đãi của triều đình nên trở nên hám danh, vị quyền - kéo theo cái đà suy thoái của nó là một tòa nhà Phật giáo nguy nga đồ sộ sắp bị sụp đổ. Khắp nơi, khó tìm ra một bậc xuất gia phạm hạnh đúng nghĩa. Tăng chúng thì vợ con đùm đề hoặc bước vào những phạm vi sinh hoạt không phải là của mình. Nhãn hiệu Thiền Tông được treo la liệt từ núi non xuống thành thị, nhưng thực chất chỉ còn là chốn chợ búa đổi lợi, mua danh. Cung đình trụy lạc, tranh giành phe nhóm, quyền lực. "Phật giáo luôn luôn tự cứu mình", đấy là chân lý được rút ra từ lịch sử; nên một đêm kia, có một nhà sư xuất hiện ở cửa thành Tây, lấy đi 10 cái thủ cấp. Trong đó, có 6 quan đại thần, 1 vị hòa thượng, 1 hoàng hậu và 2 cung nữ. Mấy hôm sau, lãnh chúa các phương dấy loạn. Lại một lần nữa, một nhà sư, với hành tung kỳ bí, trong 4 đêm lấy 4 thủ cấp của 4 vị lãnh chúa cát cứ 4 phương. Cả nước rợn người, tóc dựng ngược. Thế là chấm dứt loạn lạc. Dường như sau đó mấy năm, vua chúa, các quan đại thần; sáng hôm sau ngủ dậy, thường đưa tay sờ lên cổ mình, xem thử cái đầu có còn ở đấy không! Một đêm tối qua đi, trời lại sáng. Phật giáo bắt đầu chấn hưng. Tăng sĩ được tuyển chọn bằng cách thi cử, phát nguyện. Loại bỏ bớt những hình thức được xem như là ngoại đạo, tà giáo. Kinh điển được kết tập lại.

Phong trào đang rầm rộ ở khắp nơi, thì ở núi Tỉ Duệ, đông nam Kyoto; bỗng xuất hiện một nhà sư to lớn, mặc y đỏ chói màu san hô, tự xưng là hậu thân của Đại sư Truyền Giáo (Dang yô Đaishi), vốn là vị khai sơn Thiên Thai Tông của núi này. Nhà sư giảng đạo suốt một tháng không ăn, không ngủ mà chỉ uống nước lạnh. Người ta đồn rằng, như loài chúa của muôn thú; nhà sư với uy lực dũng mãnh của kiến thức lẫn sở chứng, đã đập phá dễ dàng, như chiếc búa với tường vôi lở - những tư tưởng đối lập của các tông phái. Cao tăng, danh sĩ bốn phương trời đổ xô tìm đến cầu đạo. Nhưng đột nhiên, nhà sư lại biến mất, kéo theo 30 người đồ đệ.

Người ta ghép các dữ kiện lại với nhau, rồi nhất quyết khẳng định rằng, nhà sư lấy thủ cấp và nhà sư giảng đạo một tháng không ăn, không ngủ chỉ là một. Và 30 người đồ đệ đi theo chẳng phải là để truyền tâm ấn Phật học - mà chỉ trao cho bí kíp võ học mà thôi.

Nhưng, bí kíp võ học lại càng lôi cuốn tâm địa con người hơn. Ai cũng mong muốn mình có được một phần nào bản lãnh thần sầu quỷ khốc của nhà sư vô danh kia. Thế là một cuộc lên đường huyên náo chưa từng thấy trong lịch sử võ học bắt đầu.

TAJIMA vốn là một thanh niên kiếm thủ đệ nhất ở Kyoto sau lần tuyển chọn cuối năm tại các võ đường; dĩ nhiên, chàng cũng bị cuốn theo lớp sóng tràn tìm về núi Tỉ Duệ, với chí nguyện lớn là sẽ khuông phò xã tắc bằng cánh tay của mình. Đêm kia, sau khi lạc mất toán người bí mật trong thung lũng Nưu Dực hiểm trở; sáng ngày, chàng lần mò qua Tây Lũng Đạo - một sơn đạo cheo leo gian khổ - ở đây, TAJIMA chứng kiến một trận đấu kinh hồn giữa chừng 50 "kiếm thủ", gồm Tăng và Tục nhưng đều được hóa trang một cách khéo léo. Họ đang giết nhau để tranh giành một manh áo cà sa đẫm máu. Người cuối cùng được sống sót, dĩ nhiên là tay bản lãnh nhất trong bọn. Y lấy được bí kíp võ học rồi vọt đi như giông như gió. Tưởng thế là xong, ai ngờ một chiếc bóng như tự trời sa xuống, thò chiếc gậy trúc cản đường lại.

Cả hai đứng sững nhìn nhau.

TAJIMA cũng nín thở hồi hộp theo dõi.

Kẻ chiếm được manh áo cà sa trùm mặt bằng vuông vải đen để lộ hai con mắt loang loáng. Kẻ thò cây gậy trúc cản đường là nhà sư phong trần, rách rưới, râu tóc tua tủa, sau vai đeo một dãy ta-bà.

- Buông kiếm xuống, sư đệ! Và hãy quăng luôn cái manh áo cà sa kia xuống vực thẳm. Máu đã đổ quá nhiều rồi. Hãy theo ta về núi mà sám tội đi thôi!

Giọng nhà sư nghiêm lạnh mà vẫn đầy vẻ thiết tha, từ ái. Nhưng kẻ bịt mặt "hừm" một tiếng khô khoắm, đi liền với thế kiếm kinh hồn; trong một lúc phủ chụp, uy hiếp, tấn kích 10 trọng huyệt. Nhà sư thoáng tái mặt, nhưng rồi đã bình thản bước tới một bước, bước lui hai bước, bước trái một bước, bước phải hai bước - đồng thời, chiếc gậy trúc dường như có di động mà cũng dường như bất động - là đã dễ dàng tránh thoát những tử chiêu của đối phương.

Nhà sư giọng cũng không lớn hơn, cũng không nhỏ hơn:

- Buông kiếm xuống, sư đệ! Dẫu sư đệ đã thay đổi rất nhiều võ học của sư môn. Dẫu sư đệ có thông minh và tế nhị cách mấy khi tấn, tảo, chiết, chuyển - nhưng chỉ cần một căn bản của bộ vị không thay đổi là ta cũng nhìn rõ gốc nguồn! Giọng nhà sư chợt như thiết tha hơn - Sư đệ ôi! Sư đệ nỡ lòng nào phản bội di huấn của Tổ sư? Nỡ lòng nào sắt đá trước cảnh đầu rơi máu chảy? Chỉ một khởi niệm bất thiện, khát vọng mưu đồ là tay sư đệ đã chàm đen mấy lớp? Đã đọa sa mấy tầng sâu địa ngục?

Kẻ bịt mặt cất tiếng cười man rợ. Kiếm lại nhoáng lên. Kiếm lại vụt tắt. Cây gậy trúc lại bất động như là bức tường bất khả xâm phạm.

Nhà sư nói như ngâm:

“- Dẫu sát nhất miêu,
không cứu vạn th!
Du cứu vạn thử,
không sát nhất miêu!
Ai làm hề!
Ai chịu hề!
Ta giết!"

Kiếm trên tay tên bịt mặt bối rối, lúng túng rồi dừng tắt vĩnh viễn. Và, TAJIMA - có lẽ, suốt đời chàng cũng không quên được thảm cảnh hãi hùng. Tay kiếm bịt mặt đứng sững như trời trồng, tròng mắt trắng dã lòi ra, biểu hiện một sự ngạc nhiên quá độ. Ôi! khó mà có thể thấy được nhà sư sử dụng cây gậy trúc như thế nào. Động hay bất động? Cho đến khi tên kiếm thủ chết đã lâu mà bóng cây gậy trúc vẫn nằm giữa hư không, nguyên chỗ cũ, như chưa hề di động bao giờ!

Nhà sư cúi xuống, quăng cả người, cả manh áo cà sa xuống vực thẳm rồi phóng đi mất dạng.

TAJIMA bấy giờ mới thở ra nhè nhẹ. Chàng lặng người đến không còn cảm giác nữa. TAJIMA đâu có ngờ rằng, võ học có thể bước đến những chân trời như vậy.

Với ý chí ngụt lửa, chàng lần xuống vực thẳm, mấy lần suýt bỏ mạng mới tìm thấy xác kiếm thủ. Nhưng ngạc nhiên làm sao, manh áo cà sa không còn ở đấy nữa, bên cạnh lại vung vãi một quyển kinh rách nát. Một số nguyên vẹn, một số rời, số mất chữ, số nhoè nhoẹt. Những phần đọc được, TAJIMA cố chắp lại với nhau, chàng cũng mơ hồ hiểu rằng, đây quả là yếu quyết của một môn võ thượng thặng. Chàng bèn tìm đến nơi khuất tịch để ôn luyện.

Nhưng bao tháng bao ngày, chàng không đi lọt qua cửa, tâm ý cứ qua lại lăng xăng. Nếu có yên lắng thì cũng không ở trong trạng thái từa tựa như yếu chỉ: "Hành giả phải tức khắc thấy rõ: sự sinh động có từ một tâm điểm không hề giao động! Nó là sự tỉnh thức và bén nhạy của tấm gương phản chiếu; hình ảnh nọ kế tục hình ảnh kia, trong sáng, rõ ràng và không lầm lộn. Như vậy, bất động chẳng phải là một sinh thể vô hồn. Có thể là vô tâm, vô niệm nhưng không phải là hư vô trống rỗng. Vô hay hữu đều là chướng ngại mờ che giác tánh".

TAJIMA lại thở dài: Thật khó mà lãnh hội điều đó bằng tri thức. Nhưng nếu không lãnh hội bằng tri thức thì lấy gì để thể nhập? để biến thành khí huyết? để thông vận tự nhiên như hít thở khí trời? Và chàng chợt đâm ra hoài nghi: Đây là yếu chỉ võ học hay yếu chỉ Phật học?

* * *

TAJIMA chống kiếm, ôn nhẩm lại: "Thế nào là động mà bất động? Hãy nhìn bánh xe quay quanh trục xe. Bánh xe chuyển động mà trục xe bất động. Cũng vậy, phải bám trụ vững chắc, kiên định vào một tâm điểm. Từ tâm điểm bất động này ta ứng xử, tiếp vật, đón đỡ, ghi nhận từ các pháp xung quanh đến với ta. Nó có công năng biến hóa, quyết định tức thời và phản ứng đúng lúc. Nó làm cho dòng vận chuyển được liên lỉ và làm cho sinh lực chảy trôi không gián đoạn. Chính ở đây, ta chiếm thế thượng phong, quyết định tuyệt đối trò chơi sinh tử".

Ôi! Rõ ràng bài "tâm pháp" đã ở ngoài sự lãnh hội thông minh nhất. "Bất động mà tỉnh thức chứ không phải vô tri, ngưng đọng, đối lập với dòng vận hóa. Chính nó khởi sinh sự tinh nhuệ, mẫn tiệp, sự linh hoạt cần thiết nhất định. Nó động, ta động. Nó tịnh, ta tịnh. Không trước ý, ta biết hoàn toàn. Không khởi động, ta làm chủ nó".

Tuyết bắt đầu rơi nặng hạt. TAJIMA đưa mắt nhìn về cổ trấn Osaka, con sông Yodo như chìm trong biển sương mù. Mây, bầu trời, sông nước là một. Tuy là một nhưng nó hàm tàng sinh hóa. Chính là sinh hóa? Yếu chỉ chính là điều này chăng? Nó là cái một tâm điểm, từ đó phát sanh vạn hữu? Tâm là chủ, là nội công? Pháp là ngoại giới, là ngọn, là chiêu thức?

TAJIMA bất giác thốt nên lời. Ngay tức khắc có tiếng đáp trả bên tai y:

- Càn thỉ quyết! (Que cứt khô!)

Ai mà mở giọng khinh bạc đến thế? Ngạc nhiên, TAJIMA quay lại. Và trước mắt chàng là một du tăng hành cước, áo phanh hở ngực đầy lông lá, chiếc nón mê rách tả tơi không gói kín chỏm tóc muối tiêu. Bầu rượu (có lẽ là bầu nước chứ?) treo toòng teeng trên đầu gậy trúc. Đôi hài cỏ xơ xác như vừa qua những chặng sơn khê hồ hải. Râu ria tua tủa. Và đặc biệt là có nụ cười toe toét phô hàm răng trắng ngọc hiền lành.

TAJIMA nhìn sững: y có phải là nhà sư đã hạ sát tên kiếm thủ bằng thế trúc bất động kỳ dị hôm ở Tây Lũng Đạo? Nhưng trông y sao lại có vẻ phong trần hơn nhưng hiền lành hơn?

Nhà-sư-gậy-trúc - bây giờ ta gọi thế - mắt chợt nhấp nháy, bước tới một bước, bước lui hai bước, một tay chỉ trời, một tay chỉ vào bụng mình, nói như ngâm:

“- Lòng tuyết rơi,
cô liêu đời kiếm sĩ!
Bóng một Phú Sĩ sơn,
ngủ quên trong hạt bụi!
Đứng đây chi?

A! Kỳ lạ! TAJIMA thầm nghĩ. Xem bộ pháp thì đúng là Nhà-sư-gậy-trúc nhưng phong thái và ngữ ngôn, thì đúng là nhân vật truyền thuyết: Tây Hành đại sư! Là kẻ đã có công sáng tạo một thể thơ vượt mọi khuôn thước, tiền thân của thơ Hai Ku, mà sau này trở thành sở đắc của Ba Tiêu. Hơi thơ được đi ra một cách tự nhiên, dường như chưa qua sự khúc xạ của trí óc.

Nhớ đến thế trúc nơi Tây Lũng Đạo dạo nào, TAJIMA tỏ vẻ trịnh trọng:

Bạch Đại sư! Xin Đại sư hoan hỷ chỉ giáo cho, thế nào là động mà bất động? bất động mà động?

- Tầm bậy! Nhà sư hươi cây gậy trúc rồi cười to - Ai biết gì chúng nó. Và biết làm gì! Hãy nghe thơ đây:

"Tuyết rơi nhiều,
Chân ta về,
Mây trắng,
Mùa thu bay!"

Thực tại nào bất động ở đây? Tuyết? Chân ta? Mây trắng? Mùa thu? Tất cả đều chuyển động! Phải chăng, chẳng thể có cái bất động? Sự vĩnh cửu của một hạt tuyết, một đám mây chỉ là một cái nhìn đầy khinh bỉ phóng rọi vào sự chuyển dịch tử sinh của hiện tượng giới đấy thôi. Tìm một tâm điểm bất động để trú vào đấy là một nỗ lực vô ích và phù phiếm thế nào!

Nhà-sư-gậy-trúc nở nụ cười méo mó vẻ nhạo báng, tháo bầu rượu (đúng là bầu rượu rồi!), tu một hơi, khà thành tiếng:

"Một bầu rượu,
trăm năm say mông hóa!
Giọt đang rơi!"

TAJIMA dở khóc dở cười. Nó chẳng liên hệ gì đến câu hỏi của chàng. Lời thơ tuôn phát ra, có thể là một thực thể vừa bước ra từ lòng tuyệt đối từ cái tâm linh sâu thẳm nào đấy, nhưng có ích gì cho chàng? Dẫu nó có hùng vĩ, ghê gớm vẫn toát ra cái gì là tự ngã, kênh kiệu và đa tri!

Khi TAJIMA vừa quay lưng bước đi thì một hạt rượu rơi bắn vào huyệt "kiên tĩnh" nơi vai chàng. Một cảm giác tê rần khó chịu lan nhanh trong tủy sống. "Bị y điểm huyệt rồi", chàng thầm nghĩ. Nhưng chẳng biết y có giết ta không? Nghĩ đến cái thế trúc bất động nơi Tây Lũng Đạo, chàng lại rùng mình "Sát nhất miêu, cứu vạn thử?" Hay y biết ta xuống vực sâu lấy bí kíp?

Cuộc đời ôi!
Lang thang gió bụi
Hư không ơi!
Còn ta trn trụi
Gậy trúc v!
Đâu nguồn đâu cội!"

Nhà-sư-gậy-trúc hát to như ngâm, chốc chốc vẳng lại nụ cười cô đơn và xa vắng. Có đúng y là Tây Hành đại sư? Nhưng mà... sao vậy kìa? Tây Hành đại sư vốn là một cao thủ tuyệt vời của triều đình KAMAKURA, thế kỷ 14! Nhưng bây giờ là năm nào? 1630! Ta còn tỉnh hay mê? Và rõ ràng là y vừa bước đi đó chứ? Ta cũng đang bị điểm huyệt đây?

TAJIMA lạnh mình, quay đầu lại. Té ra chàng không hề bị điểm huyệt. Tất cả đang bình thường. Hít một hơi thở cho đầy chân khí, TAJIMA sải cước lực bôn hành.

Chàng cương quyết dò la tung tích Nhà-sư-gậy-trúc bí mật.

* * *

Đến cổ trấn Osaka thì trời tối đã lâu. Tuyết ngập đường. Nhà nhà đóng cửa. TAJIMA thấy từ cuối đường, Nhà-sư-gậy-trúc đang bước vào một căn lầu màu xanh, đèn leo lét tỏ. Tại sao y lại bước vào đây?

TAJIMA suýt nữa bật lên câu hỏi.

- Ai đấy? - Tiếng từ trong vọng ra - Mùa tuyết rơi "lầu xanh" không nhận khách. Nếu là giang hồ võ đạo lỡ đường thì xin ghé vào chùa Đa Mônf, bảy dặm phía bắc thị trấn.

TAJIMA lần nhẹ đến, đôi mắt mở lớn cực độ.

- EGUCHI - Tiếng Nhà-sư-gậy-trúc - Nàng còn nhớ đến tên quan vô phước, bạc hạnh cầm kiếm xuyên thủng trái tim mình tại đền Quan Âm Đại sĩ ở Kyoto?

Im lặng một lát.

- SAIYO! là ngươi đấy chứ? - Tiếng thánh thót đáp lại, trong như pha lê - Ngươi đã phủi bụi rời cõi đời ô trọc đã lâu, thành một cao tăng đại đức, thành một thi tăng nổi tiếng cửa Thiền?

- Là ta đấy! EGUCHI nàng hỡi! Ta là cát bụi nên không bao giờ còn tan theo cát bụi. Cao tăng, đại đức, lãng đãng phiêu bồng thi tăng, kiếm sĩ, tục khách đều có đủ ở nơi ta! Cũng như nàng vậy thôi, gần hai trăm năm, đã 10 lần hóa thân làm kỹ nữ. Nhưng đối với ta, nàng mãi mãi vẫn cứ là Quan Âm Đại sĩ mà thôi!

TAJIMA hãi hùng, thò tay véo vào da thịt mình, "ta vẫn đang còn tỉnh đây, vẫn đang còn sống đây!" TAJIMA lẩm nhẩm.

- SAIYO! Hãy nghe đây! Giọng người con gái bây giờ chợt trở nên oai nghiêm, sắc mạnh - Chuyển động và bất động, hai tướng bổn lai là không. Ta chuyển động mà bất động. Ngươi chuyển động mà động. Ta có hóa thân mà không hóa thân. Còn ngươi hóa thân mà bị thân hóa. Ngươi như là hạt bụi tung vô định vào giữa cơn lốc xoáy của cơ, của cảnh, của duyên của nghiệp. Ngươi bị cuốn đi mù mịt. Tự do ở nơi ngươi là lớp ngụy trang giả tạo, dối lừa được ai? Đức Thích Ca Đại sĩ, đêm ba canh nằm nghỉ nghiêng lưng chưa được nửa canh. Ngày sáu khắc không thèm sống tự do tự tại. Ngài sống giữa buộc ràng, câu thúc, lễ nghi, trang nghiêm thân, trang nghiêm giới để giáo hóa sinh quần. Còn ngươi? Hỡi SAIYO? Ngươi được mấy thành hỏa hầu? Cả thầy ngươi cũng thế, gã TAKUAN ở núi Tỉ Duệ hôm nào!

Chợt nhiên, người con gái cao giọng, sắc lạnh:

“- Kiếm tuốt trn,
và địa ngục,
hãy bước tới!
không có ngoảnh đu,
Rồi dưới chân,
sen sẽ nở hoa!”

Thơ của ngươi đấy, SAIYO! Và ngươi cứ bước tới, thầy ngươi cũng vậy. Hẳn nhiên, địa ngục sẽ chờ đón các ngươi. Hoa sen vĩnh viễn không nở trong lửa đồng sôi. Mà nó vươn lên từ đống bùn ô trược. Nó mọc từ đống bùn ô trược. Nó mọc đấy, nó vươn lên đấy. Còn ngươi là gì? Đừng đồng hóa bản năng với tự tại! Đừng lấp lửng giữa hai bờ sinh tử. Mới uống vài ngụm mà tưởng là đã cạn được dòng nước đầu nguồn. Hãy đi đi thôi! Hãy ra đi như hạt bụi và trở về như hạt bụi! Ở đây không có chỗ cho ngươi!

SAIYO vẫn cứ léo nhéo cái giọng si tình:

“- EGUCHI nàng hi!
Khi tôi chưa b cõi đời
Tim nàng đừng nên rắn!
Sao lại hắt hủi tôi,
Ch một đêm trn gian huyn mộng?

Người con gái lầu xanh cũng đáp lại bằng thơ:

“- Dẫu ngươi cát bụi trần gian
nhưng khuyên ngươi chớ vọng
Dừng tâm niệm khăng khăng
Coi trần gian như là huyễn mộng!

Cuộc đối thoại kỳ lạ chìm vào yên lặng. TAJIMA như rơi hẫng vào một thế giới nào.

Khi TAJIMA ngước đầu lên thì Tây Hành đại sư (SAIYO) không còn ở đấy nữa. Và căn lầu mầu xanh như biến mất trong đêm.

* * *

Một thời gian không lâu sau, TAJIMA biết rõ nhà sư xuất hiện cứu đời và nhà sư ở núi Tỉ Duệ chỉ là một, chính là TAKUAN đại sư. Đây là một cuộc hóa thân hay thị hiện thế nào đó, do một cái nhìn sâu thẳm khôn dò từ tâm linh thiền chứng. Sinh tử đối với họ là trò chơi. Dẫu chuyển động ba cõi sáu đường với những sinh hoạt lăng xăng, nhưng bao giờ họ cũng trú nơi cái bất động cao đại của chính mình! Ôi! Cái mà TAJIMA tưởng là "bí kíp võ học", chỉ là nội dung tâm pháp của một Thiền phái Phật học. Nó không còn là Thiền sơ thủy từ Đức Phật, cũng không còn là Thiền của Đạt Ma lập cước từ Lăng Già Kinh - mà đã được dung nhiếp hoặc chắt lọc từ chu kinh, từ các ngữ lục của chư tổ, rồi biến nó thành ngôn ngữ, khẩu thuyết hay nền tảng thuyết lý cho một hệ phái.

Ôi! Đâu là bến bờ của Thiền học? Hỏi vậy chứng tỏ ta bạc nhược kiến thức cùng sự nghèo nàn của tâm hồn! Thiền treo lưỡi kiếm trên đầu ta, và ta bước tới. Không có vấn đề sinh tử lẫn những tri thức phù phiếm ở đây. Một bước nhảy quyết định chẳng kể vực thẳm hay hư vô. Lửa bốc cháy ngùn ngụt trong tâm, và chỉ có một hành động duy nhất là xả kỷ. Chẳng có tí tẹo nào là tư dục và vị ngã. Thế là hoa sen nở trong lửa. TAKUAN đại sư là hiện thân cho những lý giải bá vơ này. Ngài nói bằng máu. Chúng ta nói bằng cái xác chết khô. Những đệ tử sau này của Ngài, họ bước xuống cuộc đời, chẳng phải bằng đôi cánh của Thiên Thần mà bằng sự trần trụi của con người; bằng sự cô liêu từ sơ thủy, sẽ lang thang cùng với trời đất lang thang, trên con đường cứu độ vô thủy vô chung.

TAJIMA sau đó mất tích. Rồi chẳng biết có những tao ngộ thế nào đó trong đời mà chàng trở lại kinh đô với mấy chục hiệp sĩ kiếm thủ, dùng những tay kiếm vô địch lật đổ triều đình thối nát Đức Xuyên Tướng quân, khuông phò hiền lương Thiên Mộc Tướng quân. Chàng ở lại đây, huấn luyện cho chừng 100 võ quan cẩm vệ, rồi lại biến mất khoảng hậu bán thế kỷ 17.

Mấy chục năm sau, người ta nói rằng, chàng đã là một du tăng hành cước. Có lần chàng tìm đến căn lầu màu xanh thuở nọ, ở đây chàng chẳng gặp Tây Hành, chẳng gặp Đức Quan Âm Đại sĩ, mà chỉ thấy một bức tranh của OKYO MARUYANA tạc hình Đức Phổ Hiền hóa thân làm kỹ nữ: người kỹ nữ vì muốn bảo trọng danh dự cho Tây Hành nên đã quyết liệt từ chối một đêm huyễn mộng của gã thi tăng lãng đãng này. Cuộc ứng đối năm xưa lại trở về với chàng. Rồi đột nhiên, bức tranh biến mất. Và nhà sư này chợt nghe tiếng vọng tự lưng chừng trời, ngước lên thì thấy giữa hư không hiện ra một đường kinh hành bằng ngọc, nằm vắt ngang như một dòng sông thủy ngân. Và bóng một người phụ nữ lướt nhanh, từng đóa hoa trắng nối dài sau gót chân như những đốm sao. Tiếng nhạc bay bổng. Bây giờ thì Đức Phổ Hiền đang ngự trên con voi trắng có những tiên nữ tùy tùng, biến mất giữa đám mây lành rực rỡ.   

M.Đ.
(TCSH51/09&10-1992)

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Ngôi sao xanh (21/01/2022)
Kama (31/12/2021)
Chọn lựa (29/12/2021)