Tạp chí Sông Hương - Số 51 (T.9&10-1992)
Nên hay không nên loại bỏ chữ Hán ra khỏi ngôn ngữ Việt
10:33 | 16/02/2022

DÃ LAN NGUYỄN ĐỨC DỤ

Câu hỏi trên đây, từ trước đến nay đã làm bận tâm không ít những người hằng quan tâm đến tương lai tiếng Việt, và mối bận tâm ấy đã được vài ba tác giả đề cập trên báo.

 

Nên hay không nên loại bỏ chữ Hán ra khỏi ngôn ngữ Việt
Ảnh: internet

Bài đăng trên báo Tuổi Trẻ (số ngày 14/01/88) của một tác giả đả kích việc dùng chữ Hán trên các thiệp cưới. Còn bài kia của một vị khác đăng từ thời chế độ cũ trên báo Thần Phong (Sài Gòn, tháng 9/1970), nhan đề "Thử tìm lời Việt so lời Hán" cũng phản đối kịch liệt việc cho từ Hán vào văn thơ Việt, trong đó tác giả hô hào mọi người kiên quyết "Lột xác chữ Việt", gạt bỏ tàn tích "nô lệ văn chương Tàu". Tác giả đòi viết lại Kiều, Cung oán, Chinh phụ ngâm... cùng hết thảy các văn thơ có từ thời dựng nước bằng toàn bộ chữ quốc ngữ. Thí dụ như trong truyện Kiều, tác giả đòi sửa lại như sau:

- Mấy tên thủy thủ ác danh

Là: Mấy thằng chèo lái gớm tên

- Trải bao thỏ lặn ác tà... - Trải bao thỏ lặn quạ nghiêng...

Ý kiến của các tác giả nêu trong hai bài báo nói trên đúng hay sai thì cũng đều ý tốt cả. Tuy nhiên, chuyện đó xin nhường cho các chuyên gia khảo cứu về ngôn ngữ học, kẻ viết bài này không đủ khả năng bàn chuyện đó, mà chỉ muốn nói tới việc du nhập từ Hán vào ngôn ngữ Việt sao cho hợp tình hợp lý mà thôi.

Như ta đã biết, việc vay mượn tiếng nói của nước khác làm ngôn ngữ riêng cho nước mình thì hầu như nước nào cũng có. Không nói Việt Nam, một số quốc gia được coi là tiến bộ như Anh, Pháp... cũng đều có sự vay mượn qua lại tiếng nói của nhau, nghĩa là tiếng nói nguyên thủy của các dân tộc ấy ít nhiều đều có pha trộn tiếng nói của nước khác. Nhìn chung, ta còn nhận thấy tiếng nói của họ phần lớn gốc La Tinh, Hy Lạp. Sau đây là vài ba thí dụ:

* Pháp mượn của Việt: Congay / con gái, Gnaque / nhà quê, Sordiailles / sóc đĩa (một hình thức cờ bạc rất thịnh hành ở miền Bắc khi xưa).

* Pháp mượn của Anh: Meeting / mít tinh, biểu tình, hội họp... short / quần soọc, club / câu lạc bộ, picpocket / kẻ móc túi.

* Pháp mượn của Tàu: Sampan / tam bản (một loại ghe nhỏ đi trên sông rạch), typhon / đại phong (gió to, tức là bão).

* Anh mượn của Pháp: fiance / fiancé, affair / affaire, cooperation (sự hợp tác) baby / bébé (con nít).

* Việt mượn của Pháp: cờ lê mỏ lết / clé à morlette, cà tô mát /catomate, (cà chua), xà phòng hay xà bông / savon, cà phê / café, môbilét / mobylette.

* Việt mượn của Kămpuchia: Sàigòn / Prei-Nokor, Sađéc /Phsar Dek, Vàm Bến Nghé / Kompon Krabei, Châu Đốc / Mott Chrut,.v.v...

Nhiệt tâm của các tác giả nói trên xét ra rất chính đáng. Song, trước hết, ta hãy tìm hiểu coi vì sao tiếng Việt phải mượn ở từ Hán.

Có hai nguyên nhân:

Một là, về địa lý, Việt Nam kề cận Trung Quốc là một nước lớn. Trải qua cả ngàn năm đô hộ, nòi Việt đã bị ảnh hưởng quá lâu nền văn hóa của Trung Quốc. Hai là, trong tiếng Việt có một phần chữ Hán đồng âm và đồng nghĩa với tiếng Việt cho nên khi ta dùng từ Hán thì tự nó, nó hòa đồng luôn với tiếng Việt. Xin đơn cử vài thí dụ:

Việt

Hán

Đọc

Độc

Kiu/gọi (tiếng trong Nam)

Kiu

Chúa

Chủ

Xe

Xa

Lừa

Họp

Hợp

Chè

Trà

Tưởng cũng nên nói thêm rằng tiếng Việt có một điểm đặc biệt hơn các ngôn ngữ khác nhờ ở sự thâu, hóa, thu hút kỳ diệu của tiếng Việt nên bất kì tiếng nước nào khi đã đưa vào tiếng Việt thì sau một thời gian là nó bị đồng hóa luôn với tiếng Việt. Chính điểm đặc biệt ấy đã giữ cho dòng giống Việt qua bao năm lệ thuộc mà cá tính dân tộc vẫn không bị phai mờ. Hơn thế nữa, Việt Nam còn biết sàng lọc biến nền văn hóa của người thành nền văn hóa biệt lập của riêng mình.

Trong quá trình lịch sử đấu tranh bền bỉ của nòi giống Việt cho phép ta khẳng định sự nô lệ văn hóa Tàu trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không thể xảy ra. Một sử gia đương thời đã nói:

"(...) Tiếng Việt Nam là một thứ tiếng riêng biệt cũng như chủng tộc Việt Nam là một chủng tộc đặc biệt với các chủng tộc khác. Sự pha trộn về mặt sinh lý và văn hóa không thể là chuyện làm mờ được cái bản sắc, cái cá tính của nó. Sự pha trộn này là một sự kiện tất nhiên giữa các cá nhân, các quốc gia, các dân tộc mỗi ngày một mật thiết do sự giao lưu giữa các nước trong năm châu bốn biển. Tiếng nói của chúng ta bây giờ được phong phú chính là do sự tiếp xúc với nhiều dân tộc Âu, Á, nên tiếng Việt ngày nay phần nào có thể ứng dụng được vào khắp mọi lãnh vực văn hóa, khoa học, chính trị, kinh tế, xã hội v.v....(...)".

Đi sâu vào tiếng nói Việt Nam nguyên thủy - Tiếng Mẹ Đẻ - Ta mới thấy hết được cái hay cái đẹp của tiếng mẹ đẻ thật là vô bờ vô bến không sao nói hết. Những ai thường để ý đến tiếng Việt sẽ dễ dàng nhận ra điều đó chẳng khó khăn gì. Ta chỉ cần đọc lên vài câu ca dao, hát ví, hoặc những bài hát ru con là ta thấy ngay cái hay, cái đẹp, cái vẻ mặn mà tình tứ của tiếng Việt, chẳng hạn:

Hỡi anh đi đường cái quan,
Dừng chân đứng lại em than vài lời.
Đi đâu vội mấy anh ơi!
Công việc đã có chị tôi ở nhà
",

Đó là ngoài dân gian. Còn trong văn chương cũng không hiếm:

Nao nao dòng nước uốn quanh
Nhịp cầu nho nhỏ đầu ghềnh bắc ngang.
Sè sè nắm đất bên đường
Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh.

Hoặc:

Trong như tiếng hạc bay qua,
Đục như nước suối mới sa nửa vời
Tiếng khoan như gió thoảng ngoài,
Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa
"
                              (Kim Vân Kiều)

Trong văn chương Việt, không hiếm những câu lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu như thế. Nói tới tiếng Việt thì không ai là không nhận thấy ngôn từ Việt muôn ngàn màu sắc, thoáng nhìn qua nó ẩn ẩn hiện hiện như một bức tranh thủy mặc. Có lẽ khắp thế giới không có một dân tộc nào lại có một ngữ điệu nhịp nhàng uyển chuyển đầy nhạc điệu như ngôn từ Việt Nam. Tiếng Việt không thể lẫn với bất cứ tiếng nước nào, nhất là khi tiếng đó thốt ra từ cửa miệng các cháu gái và trẻ em Việt, âm thanh thánh thót tưởng chừng như tai ta đang nghe tiếng chim hót vậy. Ấy chính là nhờ tiếng Việt có nhiều dấu khiến tạo thành một âm thanh trầm bỗng réo rắt. Chắc chắn khó có dân tộc nào - dù văn minh có thừa - có thể có được thứ ngôn ngữ chan hòa nhạc điệu đến như vậy. Xin trình bày hai bài thơ Hán - Việt sau đây làm dẫn chứng:

Hán

Lương nhân nhị thập ngô môn hào,
Đầu bút nghiên hề, sự cung đao.
Dục bả liên thành, hiến minh thánh,
Nguyện tương xích kiếm trảm thiên kiêu.
Trượng phu thiên lý chí mã cách,
Thái Sơn nhất trịch khinh hồng mao.
Tiện từ khuê khổn tùng chinh chiến,
Tây phong minh tiên xuất Vị kiều...

Việt

Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt,
Xếp bút nghiên theo việc đao cung.
Thành liền mong tiến bệ rồng
Thước gươm đã quyết chẳng dong giặc trời.
Chí làm trai dặm nghìn da ngựa.
Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao
Giã nhà đeo bức chiến bào,
Thét roi cầu Vị ào ào gió thu.

                    (Chinh Phụ Ngâm)

Thật là những áng thơ mộc mạc giản dị mà vẫn không kém vẻ hùng tâm tráng chí đọc lên nghe réo rắt chan hòa âm điệu. Văn chương của người xưa là như vậy. Nhưng bây giờ thì lại khác hẳn. Thực tế cho ta thấy tiếng Việt ngày nay đã thay đổi biến dạng nhiều, khác hẳn thời trước cách mạng bốn lăm. Tiếng Việt ngày nay nghe rất lạ tai, nó gần như xa lạ hẳn với tiếng Việt của ông cha ngày xưa, những giọng hài hòa đôn hậu như đã biến mất hết, và thay vào đó là những tiếng, những câu rất mới: cốt lõi, bức xúc, lây lan, co cụm, mặt bằng, nhân lên, kỹ sư tâm hồn, ngói hóa (nhà được lợp ngói)... với một số lớn từ Hán cũng lạ tai không kém: khẩn trương, tranh thủ, năng động, vi mô, vĩ mô, khả thi, yêu cầu, cơ sở, hộ khẩu, đồng bộ, triệt tiêu, nhất quán, khả năng, v.v... Hồi đầu thoạt nghe ai cũng ngỡ ngàng, song nghe mãi rồi cũng quen, và bây giờ thì nó là... chuyện thường ngày.

Trong những câu tiếng Việt ngày nay, có những câu chỉ còn vài ba tiếng mẹ đẻ, còn thì toàn là chữ Hán:

- "Khu vực sản xuất quốc doanh, hợp doanh và cá thể" (10 Hán 1 Việt)

- "Cảnh cáo và khởi tố bốn cán bộ thoái hóa, biến chất" (10 Hán 2 Việt)

- "Ban hành văn bản để giải phóng các năng lực sản xuất, khuyến khích phát triển sản xuất hàng hóa” (18 Hán 2 Việt)

Không ai có thể chối cãi là nhờ từ Hán nên tiếng Việt được phong phú, tuy vậy ta cũng chưa theo kịp được tiền nhân, ở chỗ lợi dụng từ Hán một cách quá đáng, không đắn đo suy nghĩ. Người xưa, ngược lại, rất sáng suốt, khi dùng từ Hán đã khéo biết lọc lựa, hòa hợp hai thứ tiếng Hán-Việt với nhau để biến tiếng nước người thành ngôn ngữ riêng của mình, và phải chăng đó là tinh thần độc lập của dân tộc. Chẳng hạn như:

Lần lần thỏ bạc ác vàng
Xét người trong hội đoạn tràng đòi cơn
.
                              (Kim Vân Kiều)

Hoặc

Lò Tạo Hóa đúc khuôn ảo ảnh,
Trai anh hùng và gái thuyền quyên
.
                              (Chiêu Lỳ)

Liều thược dược mơ màng thụy vũ,
Đóa hải đường thức ngủ xuân tiêu
.
                              (Cung Oán)

Không chỉ có vậy, từ Hán còn rút gọn được những câu tiếng Việt quá dài, như khi ta muốn nói tiếng "Xuân" là mùa đầu trong một năm, ta chỉ cần nói một tiếng "Xuân" là đủ nghĩa, và cũng vẫn từ này còn đẻ ra vô vàn tiếng Việt hay, đẹp khác: ngày xuân, tuổi xuân, đêm xuân, mưa xuân, xuân dung (nhan sắc), xuân huyên (cha mẹ), xuân sắc (cảnh xuân), xuân phong (gió xuân). Hoặc như các tiếng hạ, thu, đông... cũng thế.

Đến đây, tưởng cũng nên nói thêm về chỗ biến âm tài tình của giới bình dân. Với họ, chẳng cần mẹo mực, cú pháp, miễn nói sao nghe xuôi tai thuận miệng mà vẫn đủ nghĩa là được: gió bấc, gió nồm (tức gió Bắc, gió Nam), quân tải (quân tử), yêng hùng (anh hùng), đêm giao thừa (ở tiếng giao thời: khoảng thời gian năm cũ / giờ Hợi và năm mới / giờ Tý gặp nhau).

Ta cần hiểu rằng khi xưa cổ nhân đôi khi có xen một vài chữ Hán vào tiếng Việt là muốn mượn từ Hán điểm xuyết cho lời Việt thêm văn vẻ hoa mỹ, chớ thật ra tiếng mẹ đẻ của ta đâu có nghèo. Ngày nay chúng ta đã hiểu lầm ý người xưa, tưởng rằng văn chương Việt càng có nhiều chữ Hán thì câu văn càng bóng bẩy văn hoa hơn, nhưng ngược lại, nó chỉ càng làm cho câu văn thêm phứp tạp, lủng củng, nặng nề. Ta coi một vài cuốn truyện hay đọc một vài bài báo viết theo ngôn ngữ bây giờ thì rõ ngay.

Nhìn chung, trong một câu tiếng Việt ngày nay, từ Hán gần như tiến lên làm chủ, mà tiếng Việt thì lui xuống làm khách. Ta phải thẳng thắn nhìn nhận là chưa có thời kỳ nào ngôn ngữ Việt lại bị từ Hán lấn lướt gần như áp đảo nghiêm trọng tới mức như vậy.

Dù nhập tiếng nước ngoài để làm giàu cho tiếng Việt là điều cần thiết, đôi khi bắt buộc không dùng không được: độc lập, quốc kỳ, quốc ca v.v... Song cũng không thể nào chấp nhận được thứ tiếng Việt lai căng. Thời Mỹ còn đây, người ta rất khó chịu khi thấy chen vào tiếng Việt những câu nghe đến chối tai: năm bờ oăn / number one (cũng tựa như chữ số dzách: nhất hạng), ôkê / đồng ý (tựa chữ d’accord của Pháp), hao pho ren / house for rent (đây có nhà cho thuê)... Ngày nay, trong sách báo thấy từ lô gích / logique (tiếng Pháp: hợp lý) rất hay được nhắc tới. Trong một trang sách (dường như là cuốn Âm mưu Hội Tam Hoàng) chữ lô-gích được lặp đi lặp lại tới hai ba lần.

Trong tiếng Việt hiện thời từ Hán dùng cũng thấy sai, không đúng nghĩa, sai cả mẹo mực:

"Xin tự phong k luật (lời một cán bộ sau khi nhận khuyết điểm). Thiển nghĩ từ này chỉ dùng để nói cái hay, cái tốt.

"Xin báo cáo với các chú, các chị..." (từ 1945 trở về trước, ít ai dùng từ này trong câu chuyện hàng ngày, chỉ dùng trong cơ quan: báo cáo, tờ trình / rapport).

Nước Việt Nam, qua nhiều năm gian khổ, đã giành được độc lập, chủ quyền. Vậy ta cũng nên tìm cách tu sửa, chấn chỉnh lại ngôn ngữ, văn tự để xứng đáng với một quốc gia đã có chủ quyền, không lệ thuộc bất kỳ về phương diện nào và bất kỳ từ đâu. Bởi vậy, trong việc vay mượn từ Hán nói riêng, và từ của các nước khác nói chung, ta nên hết sức thận trọng, không nên du nhập ngoại ngữ tùy hứng, chỉ mượn những chữ thật cần thiết không có không được, để bổ sung cho tiếng Việt. Những từ mượn cũng phải được giới hạn trong một chừng mực nào đó để không làm phương hại đến ngôn ngữ của dân tộc.

Công bằng mà nói thì tiếng Việt ngày nay phong phú hơn xưa gấp bội, nhưng lối diễn tả không gọn ghẽ, không trong sáng, hành văn lủng củng, sai mẹo luật khá nhiều (có thể tìm đọc trong các sách giáo khoa). Lỗi vì ta cho xen nhiều từ Hán quá khiến câu cú trở nên cầu kỳ, rườm rà, thiếu hẳn tích cách tự nhiên, cách biệt với tiếng nói thông thường trong đại chúng. Do đó, lời văn tiếng nói mất đi vẻ sáng sủa nhẹ nhàng là đặc tính của tiếng mẹ đẻ. Phải chăng đây là một sự "lạm phát" từ Hán trong ngôn ngữ Việt?

Vậy thật sự tiếng Việt có nghèo không, có cần phải mượn nhiều từ Hán không, tiếng Việt có đủ lời đủ ý để diễn đạt không?

Xin nêu một vài ví dụ:

"Anh ấy có đủ cơ sở để phản ánh cái điều thiếu lô gích đó". (Thay vì: "Anh ấy có đủ lý lẽ để nói ra điều vô lý đó").

"Không triển khai đồng bộ và triệt để". (thay vì: "Không xúc tiến cùng làm một loạt"). "Không có sức thuyết phục", (thay vì: "không hấp dẫn").

Ta thử liếc mắt qua báo, đài, biểu ngữ, khẩu hiệu cùng những câu chuyện dân chúng nói hằng ngày thì ta giật mình vì tiếng Việt thật sự thật đang trong tình trạng "tứ diện thụ dịch". Chỗ nào cũng chữ Hán, bất cứ một chuyện gì: Một mẩu tin vặt, một mẩu đối thoại ngắn giữa mọi người trong cơ quan, ngoài xã hội, phường, khóm, gia đình... Thậm chí có những việc rất thường, thuộc loại "Tin vặt", chỉ cần vài tiếng Việt là đủ. Thí dụ: "Kịp thời dập tắt ngọn lửa", thì người ta lại nói: "kịp thời khai trin phương án cứu chữa..." (Tuổi Trẻ, tháng 2/88)...

Ngoài những chữ đã nêu trên, có một số từ thường được dùng nhiều nhất:

a/ (Xin coi các sách báo hàng ngày)

b/ như: lao động, ra quân, lô gích, chiến sĩ, khả năng, cơ sở, vệ tinh, phi vụ, yêu cầu...

Sự lộng hành quá mức của từ Hán trong ngôn ngữ Việt cũng như lối hành văn quá dễ dãi, tùy tiện, nhiều lúc rất trái tai, đã gây không ít bực dọc.

Thiết nghĩ, ngoại trừ những văn bản có tính cách luật định (hiến pháp, tư pháp, hành chánh, ngoại giao...) bắt buộc phải mượn một số từ Hán, còn hết thảy những gì có thể diễn đạt bằng tiếng mẹ đẻ thì nên cố gắng duy trì, nếu không thì tới một thời gian nào đó tiếng Việt thuần túy của ta (TIẾNG MẸ ĐẺ) sẽ lần lần biến mất. Phải mạnh dạn gạt bỏ thành kiến "Có nhiều từ Hán chữ nghĩa Việt mới hay". Với một nước đã hoàn toàn độc lập, quan niệm đó không còn hợp thời. Phải kiên quyết trút bỏ những gì không đáng giữ và chỉ duy trì những cái xét có lợi cho con cháu ta nhất. Nói tóm lại, vì tiền đồ dân tộc, ta hãy hô hào khuyến khích một phong trào "TẤT CẢ CHO TIẾNG MẸ ĐẺ”, phổ biến sâu rộng ý niệm đó trong toàn dân, cả ở trong và ngoài nước. Đó cũng là trách nhiệm chung của mọi người đối với quốc gia dân tộc...

Để kết luận cho bài này, tác giả nay tuổi đời gần xế bóng, chỉ xin phép được nhắc lại lời một học giả đã nói cách đây già nửa thế kỷ:

"Làm người Việt Nam phải nên yêu, nên quý tiếng nước mình. Phải đặt quốc văn của mình lên trên cả chữ Tây chữ Tàu. Nhưng yêu quý tiếng nước mình không có nghĩa là ruồng bỏ tiếng nước ngoài. Yêu quý tiếng nước mình là phải khéo lợi dụng tiếng nước ngoài để làm cho tiếng nước mình giàu có thêm lên. Cho nên những người vì "thương tiếng nước nhà" mà muốn bài trừ chữ Hán là tỏ ra ý kiến thấp hẹp vậy".

N.Đ.D.
(TCSH51/09&10-1992)

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Ngôi sao xanh (21/01/2022)
Kama (31/12/2021)