Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.3-22)
Tần Hoài Dạ Vũ - Người tình của hai dòng sông
16:10 | 04/04/2022

PHẠM PHÚ PHONG

Không hiểu sao tôi luôn có một sự xác tín vào mối quan hệ tương ứng giữa nét chữ và con người/ con người và nghệ thuật.

Tần Hoài Dạ Vũ - Người tình của hai dòng sông
Ảnh: internet

Trong Thi nhân Việt Nam, nhà phê bình ấn tượng tài danh Hoài Thanh đã cảm thụ hình tượng thơ ca bắt đầu từ nét chữ: “Lần đầu tôi đọc thơ Phạm Hầu trên tạp chí Tao đàn, bằng một thứ chữ chắc chắn, đậm nét. Lần ấy tôi bỏ qua, hôm nay đại khái cũng những bài thơ ấy, tôi lại thích. Sự thay đổi đó tôi tin rằng một phần cũng vì những bài tôi xem hôm nay đều do tác giả chép bằng một lối chữ khác hẳn lối chữ Tao đàn ngày trước. Những chữ mảnh khảnh, nhỏ nét, nằm trên trang giấy như còn e thẹn, ngập ngừng. Lối chữ này đã giúp tôi hiểu Phạm Hầu dễ dàng hơn. Ở đời có những người nói to bước vững. Phạm Hầu quyết không phải trong hạng người ấy. Ở giữa đời, Phạm Hầu là một cái bóng, chân đi không để dấu trên đường đi. Người còn mải sống với mình và con người ta tưởng không có gì là một người giàu vô hạn” [1, tr.160]. Cái kiểu chữ “mảnh khảnh, nhỏ nét”, có chút run rẩy nhưng phóng khoáng, dứt khoát và đều nét, nằm nghiêng nghiêng trên trang giấy cũng là nét chữ của Tần Hoài Dạ Vũ trong lời đề tặng sách, và ngay trong lời nói đầu có tiêu đề Thư ngỏ gửi mai sau của tuyển tập Thơ Tần Hoài Dạ Vũ, ông cũng chọn một kiểu chữ in thanh mảnh, mỏng manh và lấp lửng thưa rằng: “Từ rất sớm, tôi đã đi tìm thân phận của mình trong những câu thơ. Và cứ thế, tôi đã viết, chẳng biết vì sao, mà cũng chẳng hề có một tham vọng nào cả, chỉ là chạy theo một đam mê, một cơn nghiện kỳ cục, không rời. Rồi cũng tới một ngày tôi đã hiểu ra rằng, đi không phải chỉ là để đến, mà chỉ có sự dọn mình, suy ngẫm, chuẩn bị cho mình một tâm thế để đến mới là quan trọng” [2, tr.6-7]. Không phải như có người vận vào vấn đề chính trị, nhưng quả là đường đi không đến là con đường của sáng tạo nghệ thuật. Cũng có thể coi đây là quan niệm nghệ thuật, hoặc cao hơn, là tuyên ngôn nghệ thuật của nhà thơ khi dấn thân vào con đường sáng tạo “đi không phải chỉ để đến, mà còn để ở lại”, lấy nghệ thuật làm cứu cánh, nhưng sáng tạo chỉ là để sáng tạo, như là bản năng/ vô thức của thi nhân. Chính cái mục tiêu không mục tiêu ấy, mới là ngọn nguồn của nghệ thuật.

Và, sự lấp lửng đó đã tạo nên ấn tượng khó cưỡng khi “chạy theo một đam mê, một cơn nghiện kỳ cục, không rời” trong thế giới nghệ thuật thơ của Tần Hoài Dạ Vũ là đẹp buồn. Nghệ thuật chẳng có ý nghĩa gì đối với cuộc sống con người nếu nó không đáp ứng được nhu cầu nào đó mà cuộc sống con người đòi hỏi, trong đó có nhu cầu thẩm mỹ và nốt lặng trong các cung bậc cảm xúc của tình cảm. Không thể phủ nhận các nguyên lý căn cốt rằng “văn chương là cái đẹp” (Hoài Thanh) và “quyền của thi sĩ là quyền được buồn” (Hoàng Phủ Ngọc Tường). Với Tần Hoài Dạ Vũ cái nguyên lý ấy quàng vào ông kể từ khi chọn bút danh, cũng là lúc “đã mang lấy nghiệp vào thân”. Là người mê văn chương từ nhỏ, thuở còn học chữ Hán với ông nội ở làng quê ven sông Thu Bồn với biền dâu xanh ngắt đẹp đến mê hồn, năm học lớp đệ tứ (lớp 9) trường Trần Quý Cáp, Hội An đã có thơ in trên Văn nghệ tiền phong (Sài Gòn) với bút danh Tần Hoài, lấy từ điển tích văn học cổ Trung Quốc, để tỏ lòng nhớ quê. Năm sau, ra học lớp đệ tam trường Quốc Học, Huế, nỗi nhớ ấy càng rả rích, dai dẳng, dầm dề và da diết hơn trong những đêm mưa buồn xứ Huế, ông thêm vào bút danh của mình hai từ Dạ Vũ, xác định thêm không/ thời gian, nghĩa là đêm mưa thương nhớ quê nhà. Cái bút danh như một thi mệnh, một đẳng thức ngôn từ. Theo Trần Kiêm Đoàn “Tần Hoài Dạ Vũ là một bút hiệu lạ về hình thức, đẹp về ngôn ngữ và lãng mạn về nhân văn” [3, tr.252]. Bài thơ đầu tiên ký tên Tần Hoài Dạ Vũ là bài Giã từ quá khứ in trên tạp chí Bách khoa (số 151 ra ngày 15/4/1963 - ba mươi năm sau, bài này được Tế Hanh, Ngô Văn Phú, Vân Long tuyển vào tuyển tập Thơ Việt Nam hiện đại, Nxb. Hội Nhà văn, 1993) được coi là bài thơ đầu tay của ông. Nên nhớ, Bách khoa là một trong những tờ báo danh tiếng thời bấy giờ. Người có tác phẩm in thường xuyên ở đây, nghiễm nhiên trở thành người được độc giả đón đợi và dễ dàng cộng tác với các báo khác. Tâm hồn ông được tắm gội, trở thành sở hữu của hai con sông đẹp và buồn vào loại bậc nhất là Thu Bồn sông mẹ của xứ Quảng và sông Hương dịu dàng thơ mộng của xứ Huế.

*

Tần Hoài Dạ Vũ đến với Huế, với thơ, với phong trào tranh đấu của học sinh, sinh viên và trí thức các đô thị miền Nam, tuy có so le ít nhiều nhưng hầu như cùng lúc. “Học trò trong Quảng ra thi...”! Không biết có bao nhiêu chàng trai từ xứ Quảng ra Huế trở thành nhà thơ, kể từ thời Phạm Phú Thứ, Hoàng Diệu đến Nam Trân, Phạm Hầu... ngay cả Thu Bồn chỉ “chảy qua” có một vài lần đã sừng sững một lời Tạm biết Huế nổi tiếng, thì hẳn nhiên Tần Hoài Dạ Vũ cũng không ngoại lệ. Một chàng trai mười sáu tuổi, gia đình đang sa sút đến mức lâm vào cảnh nghèo túng, một mình, một xe đạp, một va ly nhỏ, vượt hàng trăm cây số từ Hội An ra Huế để nhằm thực hiện giấc mơ đổi đời ở Trường Quốc Học - ngôi trường trung học phổ thông danh tiếng bậc nhất ở miền Trung thời bấy giờ. Có lẽ, mục tiêu học là để nên người, trong đó có việc kiếm sống sau này, nhưng quan trọng trước mắt là phải kiếm sống để mà học. Ý thức tự lập sớm hình thành, bởi gia đình đang sa sút, phải sống bằng nhiều nghề: làm gia sư, bán giấy vụn, dán bao giấy bỏ chợ,... thậm chí, có cả sống bằng nhuận bút thơ in trên các báo. Tất nhiên, không phải vì kiếm sống mà làm thơ, vì thơ đã là hồn cốt trong con người ông đã được Huế đánh thức, qua cuộc hạnh ngộ với núi sông cây cỏ và phong trào tranh đấu của anh em. Lục lại những ô ngăn trong ký ức bụi mờ thời ấy, những món nhuận bút là hạnh phúc tuyệt vời của một người mê đắm văn chương như ông, nhưng cũng góp phần không ít vào cuộc sống tự lập của một học trò nghèo.

Không phải ai tham gia phong trào yêu nước/ cách mạng cũng đều là người sáng tạo nghệ thuật, cũng như không phải ai sáng tạo nghệ thuật cũng là người yêu nước. Nhưng con đường của người trí thức văn nghệ sĩ đến với các trào lưu yêu nước ngắn lắm, chỉ cách có mấy bước chân. Vậy mà không ít kẻ đi hoài không đến. Nhưng cũng có người ngước lên là chạm đích. Đó là thế hệ những thanh niên miền Nam, sống dưới chế độ cũ dấn thân vào con đường tranh đấu, trong đó có Tần Hoài Dạ Vũ. Cũng từ nghệ thuật, từ tâm hồn nhạy cảm và lãng mạn của một thanh niên xuất thân từ một gia đình học thức nhưng lâm vào cảnh nghèo, phải sớm tự lập, lại được sống trong vùng sinh quyển của những thứ triết học hiện sinh, siêu thực đang du nhập vào miền Nam vào những năm sáu mươi của thế kỷ trước, Tần Hoài Dạ Vũ đã có một cuộc dấn thân thứ hai, có ý thức rõ rệt hơn, đó là tham gia phong trào đấu tranh của trí thức đô thị ở miền Nam, mà chủ yếu là ở Huế, chống lại chính quyền Sài Gòn, thời Mỹ chiếm đóng. Không chỉ bằng ngòi bút, không chỉ có thơ, mà ông còn tham gia các tổ chức yêu nước, dấn thân thật sự vào con đường tranh đấu của phong trào tuổi trẻ Huế, từng làm Chủ tịch Sinh viên Đại học Sư phạm Huế, Phó Chủ tịch Hội đồng Sinh viên Liên khoa Viện Đại học Huế từ năm 1968, tham gia sáng lập Hội Hồng Sơn (1965) sau đó chuyển thành nhóm Việt và chủ trương tạp chí Việt. “Nhóm Việt là một tổ chức tự nguyện của một số sinh viên Đại học Sư phạm Huế gồm Trần Duy Phiên, Trần Minh Thảo (Trần Hồng Quang), Bảo Cự, Nguyễn Văn Bổn (Tần Hoại Dạ Vũ), Đỗ Tư Nhơn, Nguyễn Đình Trọng (Đông Trình), Trần Hữu Lục (Yên My)... thành lập tháng 8 năm 1968 mà tiền thân của nó là Hội Hồng Sơn đã ra đời từ năm 1965. Diễn đàn của nhóm Việt là tạp chí Việt, “Tờ báo vận động văn học nghệ thuật về nguồn” (...). Chính tạp chí Việt là nơi tập hợp những anh em cùng chí hướng, cùng có khả năng văn nghệ để cùng nhau đấu tranh cho một nền văn nghệ tiến bộ - yêu nước và cách mạng, mạnh mẽ và dứt khoát chống lại thứ văn nghệ lai căng mất gốc, nhất là thứ văn nghệ chống Cộng đang được cổ súy rộng rãi và được chính quyền tài trợ ngay từ sau hiệp định Genève ở miền Nam” [4, tr.235]. Từ thời sinh viên cho đến khi tốt nghiệp về dạy học ở các trường Trần Cao Vân, Tam Kỳ [5], ra làm Giám học (Hiệu phó phụ trách chuyên môn) trường Quảng Điền và dạy ở các trường tư thục ở Huế, ông là cơ sở của cách mạng, hoạt động hợp pháp trong các tổ chức yêu nước ở nội thành. Sau 1975, ông làm Trưởng ban Điều hành (Hiệu trưởng) Trường Quốc Học (1975 - 1976), Hiệu phó Trường Nguyễn Huệ (1977 - 1978), rồi về quê làm cán bộ ngành văn hóa, chuyên sưu tầm văn nghệ dân gian, trước khi vào Sài Gòn làm cho các báo Thanh niên, Kiến thức ngày nay... Thời ấy, con đường chung của cả một thế hệ thanh niên miền Nam, những người có lòng yêu nước, có bản lĩnh và nhận thức, có ý thức phản kháng chế độ, sớm hay muộn cũng sẽ đi đến với cách mạng. Tần Hoài Dạ Vũ lại có trong tay một vũ khí sắc bén và nhạy cảm là thơ ca, nên ông không chỉ dừng ở phạm vi thơ phản chiến (cho dù phản chiến cũng là yêu nước) như nhiều người đã nói [6], mà đã nhanh chóng chuyển thành thơ tranh đấu - nghĩa là không dừng lại ở tư tưởng mà chuyển sang hành động, không chỉ có tư tưởng phản đối chiến tranh mà còn dấn thân vào cuộc chiến đấu giành độc lập dân tộc, trong tư thế một nhà thơ, một cán bộ hoạt động bí mật hợp pháp. Trần Duy Phiên từng nhận diện “hành trình tư tưởng” với tất cả sự thấu hiểu nỗi lòng của bạn: “Chẳng bao lâu, anh bừng tỉnh, những hiện thực làm cay lòng mắt và nhói tận tâm can. Hình như số phận đã đưa anh đến với vùng đất luôn luôn hòa nhịp với những nỗi thăng trầm của lịch sử dân tộc. Bầu trời Huế bốn mùa đổi thay, nhưng thuở ấy ngày nào cũng có những đường khói B52 giăng ngang. Đường phố Huế thẳng tắp rợp bóng cây xanh đã vang dậy những cuộc xuống đường của tuổi trẻ. Mặt đất Huế bằng phẳng, vườn tược ngăn ô, hoàng thành u tịch... đêm ngày rùng lên từng đợt quặn thắt/ Tất cả vừa đủ cho Tần Hoài Dạ Vũ mang hồn thơ tình yêu xung trận. Anh đã đánh lui được những ai, ngăn chặn được những gì, khó mà xác định, chỉ biết thuở ấy những tờ báo, đặc san, tạp chí xuất bản bất hợp pháp cực kỳ nguy hiểm để kịp thời phục vụ cho phong trào đấu tranh của sinh viên học sinh đều có sự góp mặt của anh” [7]. Đó là thế hệ tiếp nối truyền thống “Xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ” (Phan Bội Châu), với quyết tâm và lời thề son sắc cùng đất nước “Con sẽ vót thơ thành chông/ Xuyên vào gan lũ giặc/ Con sẽ mài văn thành kiếm sắc/ Chặt đầu văn nghệ tay sai” (Thưa mẹ, trái tim - Trần Quang Long), hay như tiêu đề một cuốn sách của chính Tần Hoài Dạ Vũ đã từng tự Phác họa chân dung một thế hệ (viết chung với Nguyễn Đông Nhật, 2007). Đây là hơi thở và giọng điệu thơ phản chiến thời kỳ ông vừa bước chân vào ngưỡng cửa đại học:

Chiến tranh quất vào thân thể chúng ta bầm tím
Chiến tranh quất vào quê hương chúng ta nghèo đói
Anh lớn lên thì sự đã rồi
Mọi chuyện đã dàn bày hận thù đã tới
Tới cùng những cơn mưa nước mắt
Tới cùng những giới tuyến những màu cờ
Tới cùng lửa cháy tới cùng bom đạn
Tới đã hai mươi năm tới từng số phận
Như trận dịch tới hôm nay...
               
(Tháng hai ở Huế, 1966)

Khác với sự nồng nàn hơi thở đấu tranh và kêu gọi xuống đường tranh đấu:

Ai cướp cơm và ai đong máu
Ai bán thịt xương ta dựng những phố lầu
Đời chúng ta ai rào quanh bóng tối
Anh em ơi, lòng nhớ dặn lòng
Hạnh phúc vẫn đang còn trui lửa đỏ
Anh đã tin và tôi đã tin
Trước bạo lực không bao giờ cúi mặt (...)
Anh ơi, hãy thắp đuốc lên môi
Nắm tay lại bao nhiêu xích xiềng phá hết
Tổ quốc ơi, khắc hết cả cuộc đời
Dòng chữ máu rưng rưng
Tự do hay là chết
Khắc giữa quả tim Việt Nam mãi mãi kiêu hùng
                
(Dòng chữ máu rưng rưng,1971)

Xuất phát từ lòng yêu nước và ý thức công dân, thơ tranh đấu của Tần Hoài Dạ Vũ thể hiện khuynh hướng chính trị rõ hơn. Cả hai bước đường thơ đều gắn liền với từng chặng đường phát triển của cách mạng miền Nam và phong trào đấu tranh đô thị của tuổi trẻ. Năm 1963, nhân nhớ lại ngày ký Hiệp định Genève, ông có bài Lời đất để nói về “những nghìn năm giết nhau/ thân thể đầy thương tích”; cũng sự kiện đó, năm 1967, ông có bài Gửi người em gái Hội An, nhân sinh nhật lần thứ mười ba của người em gái trùng với sự kiện “người ta lập tờ khai sinh hai nước Việt Nam”; sau sự kiện tết Mậu Thân 1968 ông có bài Gửi tới một tương lai là “những bài thơ tố cáo bạo quyền”; sau hiệp định Paris 1973, cũng là lúc chào mừng đứa con đầu lòng ra đời, ông hân hoan Chào mừng nắng mai để đón chào “mùa thương yêu hòa giải của dân ta”, sau đó là lời khẳng định Gió hòa bình đã thổi để reo vui “Mẹ già ơi, gió hòa bình đã thổi/ chúng con về dựng lại xóm làng xưa/ thù hận cũ bên bếp hồng hòa giải/ lòng tạnh rồi sau những tháng ngày mưa”. Cái không khí vẫn có chút gì vương vấn nỗi buồn, cái buồn của “Đêm nay hòa bình sao mắt mẹ chưa vui/ mẹ hãy ra xem đường phố ngập người” (Sao mắt mẹ chưa vui - Trịnh Công Sơn)... Với niềm vui vỡ òa trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, khi lực lượng nội thành làm chủ thành phố Huế vào 25/3/1975, chỉ sau đó mấy ngày (9/4/1975), báo Nhân dân đã đăng bài Mưa giải phóng của Tần Hoài Dạ Vũ, “đây là bài thơ đầu tiên của những cây bút trưởng thành từ phong trào sinh viên học sinh miền Nam mừng ngày giải phóng được đăng trên tờ báo của Đảng” [8], cũng là bài khép lại mạch thơ phản chiến và rực lửa đấu tranh của ông vào cái thời có “ngàn vạn cánh tay/ giơ lên/ níu rách bầu trời”:

Cho tôi hét, cho tôi hò vỡ phổi
Cho tôi ôm hôn tất cả mọi người
Cho tôi uống no đầy hạnh phúc nhân dân
Khi ngước mặt đón cơn mưa giải phóng

Khi so sánh hai đoạn thơ trong hai bài Dòng chữ máu rưng rưng Phác họa chân dung một nhà thơ, tiêu biểu cho hai giai đoạn sáng tác của Tần Hoài Dạ Vũ, Huỳnh Như Phương cho rằng: “Ở đoạn thơ trước là tâm hồn của đám đông đang mở cửa hòa trong nhịp đời hân hoan; ở đoạn thơ sau chỉ còn lại một con người cô đơn với giọng kể lể thầm thì gần như bối rối. Trước, là hình ảnh thế giới của một ngày mai hát ca; giờ, là những âm bản hiện về từ quá khứ. Trước, nhà thơ là người rao truyền niềm tin và hy vọng; giờ, anh là kẻ rao bán nỗi buồn và giấc mơ” [9, tr.146]. Bởi lẽ, trước là “chúng ta” thấy đất trời, cây lá reo vui “người người đã thấy nắng hồng lên chật phổi”; giờ, chỉ có mình em thôi nhưng em đã chối từ, bởi “anh chỉ là kẻ rao bán những giấc mơ/ rao bán nỗi buồn, rao bán lãng quên”. Giấc mơ có thể rất đẹp nhưng chắc chắn đằng sau giấc mơ là nỗi buồn. Hóa ra, khối tài sản “kếch sù” của người thi nhân đa tình đang rao bán, cả ba thứ đều buồn! Và, thành công nổi bật của ông giai đoạn trước 1975, là thơ phản chiến. Cho đến sau 1975, chân dung tự họa của thi nhân bây giờ không còn thắp lửa đấu tranh mà quay về với tình yêu, cũng có nghĩa là quay trở lại với vùng sinh quyển cố hữu của nghệ thuật là vẻ đẹp và nỗi buồn. Bởi lẽ, thơ ông “trước sau là sự tận hiến mọi nguồn sinh lực không ngừng nghỉ đến cạn kiệt của người nghệ sĩ đi tìm cái đẹp trước mọi giông bão cuộc đời. Ngay khi viết về nỗi buồn, nỗi buồn trong thơ được anh nâng niu trìu mến, nỗi buồn đẹp mà sang trọng, day dứt quặn thắt mà không bi lụy” [10]. Như một tuyên ngôn, thi nhân từng khẳng định: “Thơ tôi là nỗi buồn của chính đời tôi/ nhưng chưa bao giờ là tiếng kêu tuyệt vọng” (Bài ca của tôi).

Tần Hoài Dạ Vũ là người có “cái tính ở bạc với thơ mình, không quan tâm đến danh vọng” (Trần Duy Phiên). Chăn gối với thơ ngót ba mươi năm, ông mới chính thức cho in tập thơ đầu tay, lại là Thơ tình Tần Hoài Dạ Vũ (1992). Suốt bao nhiêu năm đem thơ nung trên ngọn lửa tranh đấu, hô hào xuống đường, cháy lên cùng thời cuộc, rồi cũng có lúc nó chỉ còn là Ngọn lửa quạnh hiu (1996). Như phần lớn các thi nhân khác, cái còn lại của ông vẫn là thơ tình, những Tình yêu và vầng trăng lửa (1997), Suy niệm hoàng hôn (2005), Tình ca trong mưa (2011) và tuyển Thơ Tần Hoài Dạ Vũ (2016),... May mà ông còn có thơ tình, còn là thi nhân đích thực. Lịch sử rồi cũng qua đi, cuộc cách mạng giai đoạn này được thay thế bằng giai đoạn hoặc cuộc cách mạng khác, chỉ có nhà thơ là vĩnh viễn với nỗi buồn mang vẻ đẹp bản thể của thi ca. Cái buồn cho thân phận đất nước chiến tranh, cái kiêu hùng mang vẻ đẹp rực rỡ của chân dung một thế hệ xuống đường rồi cũng qua đi, nhường chỗ cho cái đẹp buồn sâu lắng tận đáy tâm hồn con người và tình yêu bủa vây trong đời tư thế sự, biểu hiện cái tâm thức nhân văn cao đẹp của con người. Ông tâm đắc với nguyên lý giản đơn của nhà văn Pháp Albert Camus (Nobel văn chương 1957): “Không có tình yêu vĩnh cửu mà chỉ có những phút giây vĩnh cửu của tình yêu”. Ông lại vốn là con người đa tài, đa cảm, đa đoan, như người ta thường nói là rất đào hoa. Ông yêu nhiều trên mức tưởng tượng của một người đàn ông bình thường, mà dường như lúc nào cũng chân thành/ hết lòng, nên có nhiều thơ tình là điều tất yếu. Những biểu tỏ tình yêu trong thơ ông thường trong trẻo, chân thực, mộng mơ, man mác và u buồn. Thơ tình của ông là một cõi riêng, là vùng sinh quyển của tình yêu và cuộc sống con người; nơi đó có cả những dịu dàng và mạnh mẽ, những yếu đuối và âu lo, những chia ly và gặp gỡ, những giận hờn và niềm vui, những nỗi thương đau và hàn gắn, những tan vỡ và hồi sinh, những đớn đau và hạnh phúc, những nước mắt và nụ cười, những cuộc ra đi và những lần trở lại, những âm ấm tro than và cô đơn hiu quạnh... Điều quan trọng hơn, nó là tiếng nói đồng vọng của đời sống, nó không dừng trong phạm vi tâm trạng của cá nhân nhà thơ, mà đã trở thành vùng sinh quyển của cuộc sống con người, để ai nhìn vào cũng nhận ra ít nhiều bóng dáng mình trong đó. Tình yêu bao giờ cũng đẹp và có khi buồn. Nhưng cái buồn trong thơ ông không hề bi lụy, không làm lòng người chùng xuống, không thủ tiêu niềm vui và năng lượng sống, bởi vì ông luôn Xác định như một điều tâm niệm: “Dẫu cuộc sống có từ chối ta đến trăm lần vẫn phải giữ lại một điều rất thực/ là tình yêu còn mãi với con người”. Cái buồn đến tận cùng xương tủy/ chạm đáy ấy lại chính là phẩm chất mỹ cảm kiêu hãnh làm tôn vinh nét đẹp tâm hồn, khơi gợi bản lĩnh và năng lực, giúp cho con người có thể nhìn sâu vào chính lòng mình, nhờ đó, ta biết rõ mình hơn và có thể bước đi trong niềm tin lặng lẽ trong đời. Vì vậy, thơ là ánh sáng trong cuộc đời còn lắm tối tăm của con người. Dường như mỗi bài thơ đều lưu dấu bóng dáng của một cuộc tình. Những lần chia tay, những lần gặp gỡ, những đổ vỡ, mất còn đều trôi qua nhưng chẳng dễ dàng chi. Khi viết lời tựa cho tập Thơ tình Tần Hoài Dạ Vũ, Lê Ngọc Trà cho rằng tập thơ “tựa hồ một cuốn niên ký của tình yêu (...) Âm điệu chính trong thơ anh là nỗi buồn và tự vấn” [11]. Bên trong một nhân cách cao thượng, nỗi buồn phải đi cùng với tự vấn, nó gần như cùng một bản thể và chính vì lẽ đó, ta dễ nhận ra vẻ đẹp lộng lẫy, thánh thiện đôi khi chỉ để tôn thờ của tình yêu, đẹp một cách buồn bã và cay đắng khôn nguôi:

Ngày mai sẽ có một người đàn ông nào đó nói yêu em
Xin hãy nhớ anh đã từng tha thiết
Không thể sống cùng nhau khi sóng đời chia biệt
Ta vẫn mãi mãi ở trong nhau dù năm tháng phai tàn
Khi chấp nhận hy sinh như một lẽ đời thường
Ta đã chọn cách riêng để giữ gìn nghĩa cũ
                                    
(Cách riêng)

Về thi pháp hình thức, có thể nhận ra tuyển tập Thơ Tần Hoài Dạ Vũ có 189 bài thơ, chia thành bốn ô ngăn, trong đó ngăn đầu tiên là Thơ gửi nỗi buồn. Không chỉ ở Thơ gửi nỗi buồn mà còn ở cả những ô ngăn khác, nhiều nhan đề bài thơ nhắc đến nỗi buồn: Dạ khúc của một người hay buồn, Nỗi buồn tình nhân, Mùa xuân và nỗi buồn, Đoạn kết tạm thời của một nỗi buồn, Giọng buồn của tượng,... Lại nữa, không chỉ tiêu đề mà trong toàn tập, theo thống kê chưa đầy đủ, có đến không dưới một trăm lần thi nhân nhắc đến nỗi buồn với nhiều sắc thái, cung bậc, đậm nhạt khác nhau: buồn đau, buồn đời, buồn vui, buồn quá, buồn bã, buồn dài, buồn thơ dại, buồn tàn tạ, buồn dai dẳng, buồn đứng đợi, buồn chia hai, buồn tàn phai, buồn chít khăn tang, buồn trong sâu thẳm, buồn như giọt nước, buồn như heo may, buồn xuống ngang vai, buồn bay trong tóc... Lạ lắm, chẳng phải “tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn” (Xuân Diệu), mà buồn có duyên cớ hẳn hoi: một tiếng chim kêu, một vùng cỏ úa, một tiếng còi tàu, một vài cột cây số lùi xa trên đường xe chạy... đều dâng ngập tâm hồn đa sầu, đa cảm và đa đoan cố vin cớ của thi nhân một nỗi buồn nhân thế. Có lẽ, hoàn cảnh lịch sử đã điều kiện hóa những con người cùng thế hệ, có tâm trạng gần gũi, thậm chí có chỗ giống nhau, nhất là khi tâm trạng được diễn ngôn thành văn bản. Bởi vì họ trưởng thành trong cùng một thời đại, một thiết chế xã hội, một nền giáo dục; cùng chịu tác động của những tư tưởng triết học hiện sinh, siêu thực và tiếp thu những cội nguồn văn hóa giống nhau. Những “kiểu buồn” của Tần Hoài Dạ Vũ hao hao giống với “các loại buồn” trong ngôn từ văn chương Hoàng Phủ Ngọc Tường hoặc ngôn ngữ ca khúc của Trịnh Công Sơn và nhiều người khác nữa. Các yếu tố trong hình thức tác phẩm luôn mang tính tinh thần, trừu tượng. Những gì xuất hiện nhiều, lặp đi lặp lại trong hình thức tác phẩm, sẽ hun đúc nên thế giới nghệ thuật của tác giả đó. Đằng sau cái vỏ ngữ âm vật chất của ngôn từ, người ta có thể hình dung ra cái hồn của nó, một sinh thể quẫy đạp sống động bên trong của thế giới nghệ thuật thơ Tần Hoài Dạ Vũ là vẻ đẹp lung linh, kiêu hãnh, có chút “sang chảnh” một cách mơ hồ, lấp lững của nỗi buồn, thể hiện rõ nhất ở “bảng tổng phổ” thơ tình:    

Em chẳng bao giờ hiểu hết lòng anh
Năm tháng gió và vách đời mưa tạt
Bước chân vui giẫm lên thời mất mát
Cơn buồn dài cứ đi hết chiều sâu

Anh chẳng làm sao che được nỗi sầu
Ánh lửa nhỏ cháy bùng ngày thương nhớ
Mắt ai xanh mà lòng anh khốn khó
Những giấc mơ thêm nặng nỗi đau đời
         
                (Dạ khúc của một người hay buồn)

Cái “người hay buồn” sự đời ấy mang nỗi buồn rộng rinh mọi cõi nhân gian, thấm đượm mọi chiều kích/ cấp độ, và lẽ tất nhiên không thể thiếu Nỗi-buồn-tình-nhân mà dường như khi đọc thơ ai cũng “cảm thấy bóng dáng của tình yêu luôn luôn thấp thoáng giữa cuộc đời của Tần Hoài Dạ Vũ, từ thời trai trẻ cho đến tận bây giờ, vẫn còn nóng hổi, vẫn còn hạnh phúc và đắng cay” [12], cố nhiên, vẫn còn buồn:

Em đã cho tôi tình yêu mãi mãi
Em, chỉ có em là tình yêu đích thực
là sự chung thủy tột cùng
là sự sẻ chia bất tận
là sự thân thiết vô biên
Em, chỉ có em là tình yêu mãi mãi
Vì em
là nỗi buồn trong sâu thẳm hồn tôi

Ngay cả ở tập thơ mới in gần đây của Tần Hoài Dạ Vũ (tập thơ thứ 8, kể cả tập in ronéo trong phong trào tranh đấu Trên cánh tay hừng đông, 1974) là tập Bài thơ vui tặng cuộc đời tôi (2020) gồm 100 bài, tuy xác định là thơ vui nhưng vẫn không thoát khỏi nỗi buồn, ngay từ nhan đề các bài thơ (Buồn nào cứ đợi, Nỗi buồn không gói được, Chiều treo nỗi buồn lên, Bỏ nỗi buồn ngoài cửa, Buổi tương phùng trào lệ...), cho đến hệ thống ngôn từ (47 lần) đều nhắc đến nỗi buồn. Trong lời tựa Tần Hoài Dạ Vũ, hạt bụi chia đôi, Huỳnh Văn Hoa cho rằng: “Tìm cái vui, như tác giả đã nêu, có đấy, nhưng đó có phải là cung bậc chính không? Đọc kỹ, vẫn thấy cái buồn tỏa ra trên không ít dòng thơ, bài thơ” [13, tr.12]. Đành rằng, ngôn từ chỉ là “xác chữ”, không phải cứ nói nhiều đến nỗi buồn thì sinh thể nghệ thuật mà mình tạo ra chất chứa nỗi buồn. Cái chính là “hồn chữ”/ hình tượng. Bởi lẽ, có nhiều tác giả, tác phẩm không hề nhắc đến nỗi buồn, nhưng đọc lên vẫn cảm nhận được cái buồn đốt cháy tận tâm can. Với ngay chính thơ của Tần Hoài Dạ Vũ, cũng không ít bài như thế: Từ biệt Huế, Dòng sông phía chân trời, Một nửa giấc mơ tàn, Điệp khúc tàn phai, Mùa xuân đi qua, Lời chúc phúc cuối cùng,... Một trong những nỗi buồn ẩn chứa nhiều ưu tư mang theo suốt cuộc đời thi nhân là lời Từ biệt Huế, nơi đã cưu mang gần nửa cuộc đời với bao nhiêu ân tình đằm thắm, bao dung, nơi bồi đắp phù sa ngọt ngào và cay đắng nuôi dưỡng tâm hồn nồng say men rượu của người thi nhân tài hoa và lãng mạn:

Nghe theo tiếng gọi của xa xăm tôi lại lên đường
nhưng làm sao lòng quên được Huế
Huế của bây giờ và Huế của mai sau
Ôi dòng sông tâm hồn tôi ở đó
Những con sóng còn trong ngực tôi ẩn náu
Cả những mùa mưa vẫn tưới xuống đời tôi
những khổ đau hạnh phúc không nguôi
Cả nắng lửa của những ngày đông muộn
vẫn thổi mãi trong tôi những kỷ niệm không rời
Người hãy giữ gìn một nửa tim tôi
 (...)
Từ biệt Huế hôn người lần cuối
Vì quá yêu người nên phải đi xa
Huế của hôm nay và Huế của ngày qua
Ôi dòng sông tâm hồn tôi ở đó
Và tất-cả-tôi làm nên từ đó
Chỉ tưởng tượng thấy người lạnh lùng thôi
lòng tôi đã nghe đau nhói
Nên đi xa không có nghĩa xa người
Ôi Huế của bây giờ và Huế của mai sau
Huế của những gì đã qua và những gì sẽ tới
Người hãy giữ gìn một nửa tim tôi

Có không ít tên tuổi lẫy lừng, tuy không sinh ra nhưng thành danh từ đất Huế, đã có lần tắm gội nước sông Hương: Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Đào Duy Anh, Hoài Thanh, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Huy Cận... trong đó có những người Quảng Nam đã tạc Huế thành tượng đài văn học: Nam Trân đã phát hiện ra Huế, Đẹp và Thơ, Thu Bồn mạng thủy mới nhận ra được cái “dùng dằng” trong phút giây Tạm biệt Huế, nay lại có thêm tâm trạng cô đơn và nỗi buồn tuôn trào như hốt hoảng, hoang mang và khó nguôi quên của Tần Hoài Dạ Vũ khi Từ biệt Huế. Đối tượng trữ tình cụ thể có khác nhau chút ít, là khung cảnh sông nước mái chèo, là một “em” nào đó đưa khách đa tình lên thăm đền cổ, hoặc một đại từ “người” ơn nghĩa nặng đầy, nhưng hình tượng đối tượng trữ tình thực chất là Huế đó thôi! Tần Hoài Dạ Vũ là người đi nhiều, trải nghiệm nhiều nhưng trong thơ ông rất ít nhắc đến các địa danh. Riêng với Huế, ngoài Từ biệt Huế, ông còn có Hẹn về với Huế, Về những con đường Thành Nội... nhưng tâm thức sáng tạo của ông đều có ít nhiều liên quan đến tâm thức Huế. Ông từng thố lộ rằng, “Tôi yêu Huế thiết tha, chỉ muốn được sống và được chết ở Huế; vậy mà, một ngày kia phải rời Huế ra đi. Ra đi, dù không ở đâu và không bao giờ, lòng lại không mong muốn quay về. Tình yêu ấy đúng năm mươi năm trước, khi tôi đang còn là một cậu học trò nghèo lớp đệ nhị C (Ban Văn chương - Sinh ngữ), tức lớp 11 bây giờ, đã sớm thể hiện trong bài thơ Hẹn về với Huế/ Năm mươi năm dường như đã cho tôi đi qua một vòng đời, như có người nào đó đã từng nói “Con đường ra đi, cũng là lối trở về”. Tâm hồn tôi, thơ tôi là con đường ra đi trở thành lối quay về. Ước mơ ấy có thể thành mà cũng có thể không... Nhưng chắc chắn có một điều tâm nguyện của tôi sẽ được hai con tôi thực hiện, là chút tro tàn của tôi sẽ được đêm rải trên sông Hoài, đoạn chảy ngang qua phố cổ Hội An (đoạn cuối của sông Thu Bồn trước khi ra biển - PPP) và sông Hương, đoạn chảy ngang  qua thành phố Huế, hai dòng sông đã làm nên tâm hồn tôi, đời thơ tôi”.

Vậy là, dường như với Tần Hoài Dạ Vũ, sông cũng thiết tha như những người tình và thơ ông có hai dòng sông miên viễn chảy qua. Nơi trĩu nặng tâm hồn ông còn có dòng sông quê nhà, nơi ông có Quê thiêng, Quê chung, Giấc mộng quê nhà, Mây trắng quê nhà, Nhớ giọt nắng quê, Trăng trong ngôi nhà cũ... Ai chẳng có quê hương, một làng quê, một góc phố để nhớ về. Nhưng đối với thi nhân “đêm mưa thương nhớ quê nhà”, nỗi nhớ ấy như một chất keo quyện chặt lấy tâm hồn dường như lúc nào cũng chông chênh, gợn sóng trong nỗi buồn, tạo thành một nội dung mỹ cảm đậm đà sắc thái văn hóa truyền thống làng quê. Làng quê trở thành một mô thức, một biểu tượng văn hóa địa linh. Tuy không nhắc đến địa danh, nhưng bàng bạc trong thơ ông, nhất là những bài thơ lục bát đều dằng dặc, miên man một nỗi nhớ quê da diết khôn nguôi: “Dặm xa quán trọ cơ cầu/ Mùa xuân mây trắng ngang đầu nhớ quê” (Nửa đời lưu lạc); “Buổi xưa từ biệt quê nhà/ Mắt ai run rẩy như là sóng đưa” (Trăng nhắc bể dâu); “Ta đi biệt dấu quê nhà/ Thấy trăng ngồi dưới gốc đa đợi người... Bóng trăng chìm bóng đò đời/ Quê nhà xa mãi chuông hồi tịch nhiên (Đêm, nhớ tiếng chuông chùa làng); “Mười năm không trở lại nhà/ Bóng trưa nghiêng đổ tiếng gà trong mơ” (Trăng ý); “Trong mơ thấy lại quê nhà/ Ngàn năm một phút vẫn là bể dâu” (Tỉnh mộng); “Mai ngày hồn lạc về đâu/ Chiều nay mây trắng ngang đầu nhớ quê” (Mây trắng ngang đầu); “Tay ai trả bóng chiều tà/ Vẫy trong vô tận quê nhà nơi đâu” (Nợ trả chưa xong); “Hỏi quê nào biết đâu làng/ Lòng không, còn lại mấy hàng mây trôi” (Đò chiều)... Kể cả việc ngắt dòng, biến thể nhưng âm điệu vẫn là câu lục bát: “Hồn quê/ mưa tạt bốn bề/ Trái tim dâu bể/ trôi về/ nơi đâu” (Bên cầu nhân duyên). Cái sắc thái văn hóa truyền thống ít nhiều mang màu sắc văn hóa dân gian có thể trở thành đối tượng nghiên cứu của lý thuyết liên văn bản theo xu hướng của các nhà hậu hiện đại chủ nghĩa, khi “lẩy” ra từ những “Mai về tay níu vai cầu cũ/ cởi áo xưa buồn cho gió bay” (Chiều mưa uống rượu), “Lạy cùng đất thấp trời cao/ Có ta hạt bụi xin chào mai sau” (Hạt bụi), hoặc trong những dòng lục bát biến thể này, cũng có quá nhiều điều cần nói:

Cõng buồn
đi hết một ngày
Đem buồn gửi gió

gió bay cõi người
Cõng buồn
đi hết một đời
Chôn buồn xuống đất
đất trồi lên hoa
   
            (Kiếp người ra hoa)

Bên cạnh ngôn từ chân chất, nhưng không thiếu sự sang trọng, thơ Tần Hoài Dạ Vũ còn phong phú về nhiều thể thơ truyền thống và hiện đại: lục bát, lục bát biến thể, thơ bốn chữ, năm chữ, bảy chữ, trong đó đã trở thành sở trường, phù hợp với giọng điệu tâm hồn của thi nhân là thơ tám chữ và thơ văn xuôi. Cái giọng điệu đa thanh, đa sắc, dùng dằng, lấp lửng chứa đựng nhiều ý nghĩa triết lý nhân sinh khá phù hợp với vần điệu của câu thơ tám chữ và những biến tấu có tính chất vừa tích hợp, vừa tiếp biến góp phần làm thay đổi cấu trúc và vần điệu, làm mới câu thơ văn xuôi. Đáng lưu ý là, không biết vô tình hay cố ý, hầu hết những nỗi buồn nhớ quê chông chênh và đằm thắm đều được tác giả thể hiện bằng thể thơ lục bát. Trong khi đó, cái buồn man mát u hoài, dường như phủ đầy cả không gian sặc nồng, chao nghiêng trong những cuộc rượu cô đơn chảy tràn trong những câu thơ bảy chữ, phù hợp với âm hưởng và trạng thái cô liêu (Chiều mưa uống rượu, Nằm bệnh, nửa đêm dậy uống rượu, Về chốn cũ, ngồi uống rượu một mình). Michelle Võ từng có bài viết rất hay là Cảm nghĩ về rượu trong thơ Tần Hoài Dạ Vũ [14, tr.157-167], trong đó tác giả có so sánh với các thi tửu như Lý Bạch, Baudelaire, P.Verlaine, Lamartine, Vũ Hoàng Chương... để chỉ ra những biến tấu ngông nghênh, chan chứa của nỗi buồn:

Về đây, rót đã tràn ly nhớ
Mà sóng lòng đau chẳng thấy bờ
Mà núi sông buồn câu lỡ vận
Ai người tri kỷ níu trang thơ

Chuyện cũ đã đành không sống lại
Đường xa còn tiếng gió than dài
Đêm đêm thức ngọn đèn hiu quạnh
Lòng cứ buồn theo những sớm mai
           
(Về chốn cũ, ngồi uống rượu một mình)

Trên trang mạng Facebook, Michelle Võ là người có khá nhiều bài viết về Tần Hoài Dạ Vũ, bài nào cũng đầy ấn tượng, cảm động và sâu sắc. Hóa ra, đó là người học trò cũ của nhà thơ, tên thật là Võ Mai Trang, hiện nay đang sinh sống tại Hoa Kỳ, người đã “bước vào cõi thơ của thi sĩ Tần Hoài Dạ Vũ ngay từ những tập tễnh vào ngưỡng cửa trung học, và sau đó nữa, là lúc thầy dạy chúng tôi môn Việt văn lớp 11C (ban văn chương - sinh ngữ) ở trường Nữ Trung học Thành Nội, Huế... Sau những quên lãng vì chia cách và biến động một đời người, mãi gần bốn mươi năm sau tôi mới có dịp đọc lại những bài thơ mới và cũ của thầy (...). Ở tuổi thất thập cổ lai hy, thầy giáo - thi sĩ Tần Hoài Dạ Vũ vẫn sáng tác hăng say, vẫn giữ được nỗi đam mê của những ngày niên thiếu. Những bài thơ tình ngày xưa của Tần Hoài Dạ Vũ hình như không bị lớp bụi thời gian che phủ, mà khi đọc lại, tôi vẫn ngỡ là những bài thơ mới được viết hôm qua, còn những bài thơ sáng tác bây giờ thì bàng bạc nỗi nhớ thương, xuất phát từ trái tim chân thành của thời trai trẻ... Hình như Tần Hoài Dạ Vũ sống để làm thơ, nhất là thơ tình... Đọc thơ Tần Hoài Dạ Vũ qua bao năm tháng, ta vẫn cảm nhận được như ngày xưa, một dòng thơ ca tụng tình yêu đẹp dịu dàng và ấm nồng, sâu lắng và trữ tình, đôi khi buồn và rất cô đơn, nhưng không bi lụy sầu não mà vẫn nóng bỏng lửa yêu thương, có khi mở ra những khung trời kỷ niệm, vọng âm của dĩ vãng nhiều nhớ nhung, nhiều mãnh liệt, đôi khi âm thầm đau khổ”. Ở một phương diện khác, trong thị trường văn chương chữ nghĩa, Tần Hoài Dạ Vũ còn là người trả lại giá trị cho thơ. Trong khi thơ đang “xuống giá” và trở lại vị trí ban đầu của nó là in ra để tặng, thì tập Bài thơ vui tặng cuộc đời tôi của ông đã bán và thu được “75.476.300 đồng sau 6 ngày phát hành” [15, tr.112], là một hiện tượng trong đời sống thơ ca hiện nay.

*

Tôi cũng là người học trò nhỏ của thầy giáo - thi sĩ Tần Hoài Dạ Vũ. Thầy dạy tôi môn Việt văn và tôi nhớ là mình học đâu chưa hết một học kỳ năm lớp đệ nhị B (lớp 11 ban Toán-LýHóa). Sau đó, vì công việc của một cơ sở hoạt động nội thành, tôi được tổ chức chuyển sang lực lượng vũ trang, bổ sung cho một đơn vị biệt động thuộc Thành đội Huế, tôi học bữa được bữa bỏ, rồi nghỉ luôn khi chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Học ít, nhưng những giờ giảng của thầy luôn để lại những ấn tượng sâu sắc, nhất là chất giọng xứ Quảng nồng ấm, hùng biện khi lý giải những vấn đề có ý nghĩa phản biện xã hội, khi đọc những bài thơ kháng chiến hoặc thơ tranh đấu của chính thầy sáng tác và của anh em... Thậm chí còn ảnh hưởng lâu bền theo suốt cuộc đời tôi, khi sau này, tôi “giã từ vũ khí” trở về đi học và trở thành người giảng dạy văn học ở trường đại học. Như một nỗi thấu cảm tự nhiên, nó thẩm thấu, nằm ẩn sâu đâu đó trong con người mình, có thời cơ, có điều kiện nó bộc lộ ra như là vô thức/ bản năng.

Thời ấy, hoạt động đơn tuyến. Khi gặp một người cùng chí hướng, sẽ tìm hiểu nhân thân và móc nối để đưa vào hoạt động. Nhưng tìm hiểu đến một mức nào đó sẽ nhận ra vấn đề: hoặc đối tượng là người có tấm lòng với quê hương đất nước nhưng chưa đứng về phe nào, thì tiếp tục công việc tuyên truyền, giác ngộ; hoặc đối tượng đang ở phe ta hoặc ở phe địch đang làm mồi nhử, dụ rắn ra khỏi hang, nói như ngôn ngữ bây giờ là bước “thả thính”. Cả hai trường hợp sau đều phải dừng. Vì trường hợp thứ nhất, sẽ làm lộ đường dây, vỡ hết cơ sở, đưa anh em vào chỗ chết. Trường hợp thứ hai là đưa tay vào còng số 8. Hai thầy trò chúng tôi đều nhận ra nhau ở trường hợp thứ nhất, nên quan hệ hết sức chừng mực, lờ đi mọi chuyện, chỉ nói về những vấn đề thường nhật trong đời sống, học tập và trao đổi với nhau về sách báo để đọc nhằm nâng cao nhận thức... Những tờ báo đối lập với chính quyền thời đó như tạp chí Đối diện (sau hiệp định Paris 1973, bị chính quyền Sài Gòn loại ra khỏi vòng pháp luật, đã đổi tên thành Đứng dậy rồi sau đó là Đd) hoặc các tập san, ấn phẩm trong phong trào tranh đấu của sinh viên, học sinh, mà phần lớn là xuất bản bất hợp pháp...

Bên cạnh tình nghĩa thầy trò, sự tri âm đồng điệu trong tâm hồn về văn chương chữ nghĩa, tình cảm nồng thắm của người cùng chí hướng, cái sâu nặng hơn còn là tình nghĩa đồng hương của những người đã từng uống chung dòng nước Thu Bồn. Ở phương diện này, tôi phấn đấu cả một đời cũng không thể theo kịp thầy, khi ngước nhìn bề dày của bộ tổng tập văn hóa dân gian xứ Quảng do thầy biên soạn: 13 tập văn học và văn hóa dân gian, miền xuôi, miền núi, miền biển, của cả tỉnh rồi của từng huyện, nhất là đã tạc tượng nhân vật Thủ Thiệm, tiếng cười dân gian độc đáo xứ Quảng... tất cả gộp lại dày mấy nghìn trang sách, có thể nói là để đời cho hậu thế. Công việc này, thầy đã kiên trì thực hiện hơn mười năm trong cả cuộc đời. Đời người có dài được bao nhiêu đâu, mà phải bỏ hẳn hơn mươi năm cho một công việc mới, như kiểu “mười năm gió bụi” của Nguyễn Du. Tôi biết, đó là thời gian không dễ dàng gì đối với những người hoạt động nội thành sau chiến tranh, với bao đổi thay thời cuộc, trong đó có sự thay đổi về vị trí/ tâm thế và nhất là cái nhìn của người chiến thắng; chưa kể đến sự nghi ngờ, phủ nhận, lãng quên và trí nhớ bội bạc của con người... Ở đây, phải khẳng định rằng, việc rũ bỏ tất cả những danh hiệu, tước vị và nhất là nghề nghiệp mà mình yêu thích, để lặn lội về tận các làng bản xa xôi, thực hiện các cuộc điền dã, thâm nhập thực tế, chắt chiu từng câu nói, điệu hò, vọng đưa theo từng nhịp điệu đời sống của người lao động, am hiểu đến tận cùng cuộc sống lao khổ của người dân... đó là cách chọn lựa của người trí thức, cũng phần nào thể hiện bản lĩnh văn hóa của con người xứ Quảng: khi thời cuộc không còn thuận theo như khát vọng tự nhiên, đã không thất vọng quay lưng, buông bỏ mà tự tìm về với cuộc sống cần lao, sống cuộc sống của những người lao khổ, như là một cuộc dấn thân mới, để làm những điều mang lại lợi ích cho quê hương mai sau. Và, chính trong thời gian ấy, tuy không có thơ xuất hiện trên sách báo, nhưng thầy vẫn làm thơ và đã thực hiện một cuộc lội ngược dòng trong tâm thức sáng tạo: không chỉ là thơ tình yêu lãng mạn, mà là tình yêu cuộc sống đối với con người. Thơ trở thành một thứ ánh sáng nồng ấm trong cuộc sống tối tăm của con người, khi đối tượng trữ tình được mở rộng biên độ và phạm vi quan tâm. Theo tôi, không chỉ với tám tập thơ và ba tập ký, mà chính là những công trình biên khảo văn hóa dân gian, nhà biên khảo Nguyễn Văn Bổn -  nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ đã trở thành một trong những người có công lớn trong việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa xứ Quảng, xứng đáng được coi là con người mang đậm phẩm chất văn hóa Quảng Nam - con người của bản lĩnh văn hóa hành động, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng nỗ lực dấn thân.

“Thời gian sao mà xuẩn ngốc/ Mới thôi đã một đời người” (Dù năm dù tháng - Hoàng Phủ Ngọc Tường). Người già hay nghĩ đến thời gian và thích tìm đến chân lý, mặc dù chân lý luôn “là một đường chân trời, càng đến gần, càng lùi xa” (Bùi Văn Nam Sơn). Tôi nhỏ thua thầy gần mười tuổi, nên cũng đã là người già. Nhưng nghĩ lại cả cuộc đời thầy, cho đến nay đã ở vào quãng giữa tuổi bảy mươi, trong đó có khoảng gần mươi năm làm nghề giáo, nhỉnh hơn thời gian ấy một chút để làm người đi tìm vàng trong đời cát của nhân dân, còn lại hơn năm mươi năm đánh đu với thơ ca là đánh đu cùng dâu bể, là cuộc chơi dài xa ngái mà đôi khi chẳng thấy bến bờ. Chân lý nghệ thuật là dòng sông không bờ bến đỗ. Người sáng tạo là người tự mình chèo chống, một mình mình bơi, một mình mình biết, một mình mình hay, lặng lẽ đến cuối đời. Có không ít nhà lý luận phê bình văn học tài danh, bằng hữu và học trò, đều khẳng định thơ Tần Hoài Dạ Vũ vẫn còn ấm nồng hơi thở cuộc sống và tình yêu, vẫn nhất quán một phong cách trữ tình - thế sự, dẫu trải qua bao nhiêu thăng trầm của thời cuộc, là niềm vui, là mong mỏi của bao người.

P.P.P
(TCSH44SDB/03-2022)

____________________________

[1] Hoài Thanh - Hoài Chân (2006), Thi nhân Việt Nam, Nxb. Văn học.

[2] Tần Hoài Dạ Vũ (2016), Thơ Tần Hoài Dạ Vũ, Nxb. Hội Nhà văn. Tuyển tập dày hơn 350 trang, 189 bài thơ, khái quát cho cả một đời thơ hơn nửa thế kỷ do chính tác giả tuyển chọn. Những trích dẫn thơ không ghi xuất xứ là rút từ tuyển tập này hoặc từ tập Bài thơ vui tặng cuộc đời tôi (2020), Nxb Hội Nhà văn.

[3] Trần Kiêm Đoàn (2020), Trên bến Tần Hoài nhớ Tần Hoài Dạ Vũ, in trong Tần Hoài Dạ Vũ - Tri âm đời gọi, Nxb. Hội Nhà văn.

[4] Nhiều tác giả (2015), Lịch sử phong trào đô thị Huế 1954 - 1975, Nxb. Trẻ.

[5] Theo nhà báo Hứa Xuyên Huỳnh, trong bài Nguyễn Văn Bổn - Tần Hoài Dạ Vũ: một dải mây Tần ám ảnh (báo Quảng Nam cuối tuần, 18/10/2015) lứa học trò đầu tiên của ông ở ngôi trường này, sau này có người thành danh như Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Tấn Sĩ, Trần Xuân An...

[6] Trần Xuân An (2020), Đọc thơ Tần Hoài Dạ Vũ, Lời bình từ một clip trên youtube, in trong Tần Hoài Dạ Vũ - Tri âm đời gọi, sđd; bài Một tiếng thơ phản chiến của Vu Gia, in trên báo Người lao động, số đặc biệt dịp lễ 30/4 và 1/5/2020...

[7] Trần Duy Phiên (1996), Một hành trình tư tưởng, lời tựa tập thơ Ngọn lửa quạnh hiu của Tần Hoài Dạ Vũ, Nxb. Trẻ.

[8] Vu Gia (2020), Một tiếng thơ phản chiến, tlđd.

[9] Huỳnh Như Phương (2007), Người rao bán giấc mơ, in trong Ngôi nhà và con người, Nxb. Văn nghệ.

[10] Hồ Sĩ Bình (2017), Tần Hoài Dạ Vũ và những chặng đường thơ, tạp chí Non nước số 234, tháng 6/2017.

[11] Lê Ngọc Trà (1992), Tình yêu còn lại, tựa tập Thơ tình Tần Hoài Dạ Vũ, Nxb. Hội Nhà văn.

[12] Lê Nhược Thủy (1992), Một hành trình kiếm tìm tình yêu, báo Thanh niên, ngày 22/2/1992.

[13] Huỳnh Văn Hoa (2020), Tần Hoài Dạ Vũ, hạt bụi chia đôi, tựa tập thơ Bài thơ vui tặng cuộc đời tôi của Tần Hoài Dạ Vũ, sđd.

[14] Michelle Võ (2020), in trong Tần Hoài Dạ Vũ - Tri âm đời gọi, sđd.

[15] Tần Hoài Dạ Vũ (2020), Tần Hoài Dạ Vũ, tiếng thơ của trải nghiệm cuộc sống, trả lời phỏng vấn của La Hường, tạp chí Kiến thức ngày nay, số 1083, ngày 10/9/2020.

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng