Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.3-22)
Tiếng hót cuối cùng của chim Bách Thanh
14:08 | 12/04/2022

BẠCH LÊ QUANG

1.
Mấy năm về hưu, cõi người chộn rộn, xa xôi, giáo Nghĩa dặn lòng, thôi thì, thân thoái, về với chim chóc, cỏ cây. Tự tâm, ông nghĩ, có khi, muông thú, tiếng chim, hoa và lá lại có chỗ hơn người.

Tiếng hót cuối cùng  của chim Bách Thanh
Minh họa: Đặng Mậu Tựu

Cần mẫn, mê đắm, vườn giáo Nghĩa nay rộn ràng tiếng chim ban sáng, ban trưa cho đến cả... chiều hôm nhớ nhà... Đủ cả, Họa Mi, Chích Chòe, Hoàng Yến, Chào Mào... mỗi kiểu mỗi giọng, lưu luyến, giao tình.

Ngoài ra, ngẫu nhĩ trùng phùng, vườn ông giáo còn sở hữu được cả một con chim độc và quái. Chim nầy, hót đủ giọng, trừ giọng thật của mình. Ừ, chim Bách Thanh.

Cũng lạ, giáo Nghĩa cứ nghĩ lui nghĩ tới mãi cái giống nòi nầy... về cái sự tình oan trái mà con tạo xoay vần đã ban cho nó. Nghĩ riết, giáo Nghĩa bỗng bần thần, không biết nó là Bách Thanh - trăm giọng, hay Bất Thanh - không có giọng mình đây hả trời cao đất rộng?

Nghĩ mãi không ra, trằn trọc, day dứt, giáo Nghĩa quyết định nuôi bằng được một con Bách Thanh đế thấu căn cơ, lý số ấy.

Tuy vậy, từ ngày nuôi, bằng hữu, bạn chim của giáo Nghĩa cứ ngày càng thưa vắng. Với họ, Bách Thanh là kẻ thù không đội trời chung của chim cảnh, chim quý. Và nhiều khi, là cả cuộc đời...

Nhớ xưa, bên chung trà sớm, vườn giáo Nghĩa rộn rã tiếng chim, tiếng người. Tiếng chim, cùng đất trời, gió mây mà tấu khúc hòa âm điền dã. Tiếng người như cùng thế sự đã bằng bặt phiêu bồng để cao đàm khoái luận, hả hê với nhân sinh muôn lối vạn ngày...

Thưa và vắng, dẫu vậy, giáo Nghĩa buồn thì có buồn nhưng không giận. Ông hiểu cái lý được và mất của việc nuôi dưỡng loại chim này.

Người lõi nghề, xa lánh ông, bởi với họ, Bách Thanh là loài dối trá, lưu manh, bạc. Trời sinh chúng để chỉ bắt chước giọng loài khác. Cũng không phải không có lý. Họ đã bỏ bao công sức, tiền của để sở cầu một giọng hót hay và lạ. Thế mà, khốn nạn, chỉ cần nghe, chúng đã có thể hót theo, uyển chuyển, bổng trầm, lại dụng công biến tấu, cách điệu như trêu ngươi, đùa bỡn...

Ông Phú - người được bạn nghề gọi vui là Nhà Điểu học ở vùng đất mưa nắng thất thường này - lại nghĩ, giáo Nghĩa càng già nên càng sinh tật, thần phách phiêu linh, lạc lối. Ai đời, sành chim như giáo Nghĩa, gần cuối đời lại để tâm sa đà vào cái giống Bách Thanh.

Với ông, giống này không chỉ trí trá, lưu manh. Ông còn nhận ra, đó là loài chim đồ tể mà người đời từng hay gọi nó...

Nói có bằng chứng hẳn hoi. Một lần, ông Phú đã từng run rẩy, suýt lên cơn động kinh khi mục sở thị cảnh một con chim Bách Thanh bay vào vườn nhà ông, dùng móng sắc, xé nát cái lồng tre mun, giết chết con Chích Chòe Lửa có đuôi hình thuyền viễn xứ rồi tha xác chim ăn dở lên một ngọn cây có gai, xiên con mồi vào một cành nhọn hoắt. Sau nầy, ông Phú mới biết, đó là tập quán sinh tồn quái quỷ của chim Bách Thanh, cái giống hay ăn thịt, ăn cả đồng loại. Chúng cất giữ con mồi như thế để tránh bị chim khác cướp mất...

Chao ôi, giáo Nghĩa ơi, bạn ơi! - Ông Phú nghĩ - Nếu không lú lẫn, không bị hắc ám cuối đời, sao lại có thể tha cái thứ chim quái ác ấy về?

2.

Mặc cõi người buồn vui, xa vắng, miệng lưỡi nhân sinh xao xác, vui buồn, giáo Nghĩa nghĩ khác. Với ông, Bách Thanh là loại chim đáng thương, nghiệp chướng nặng nề, một thứ bị trời xanh quen thói má hồng đánh ghen của càn khôn thiên địa. Theo cái lý cân bằng tồn sinh của giáo Nghĩa, vạn vật sống trên đời mà không có được, dù chỉ một lần giọng thật của mình đó là điều bất công, khốn khổ, thiếu đi cái lẽ đề huề của nhị nguyên đối đãi. Người ta, dù lời hay, lời dở. Chim chóc, muông thú, dù giọng thật, giọng giả, khóc hay cười... Ừ, phải có cái riêng cho mình... Đằng nầy, chim Bách Thanh... Ông hay nghĩ lẩn thẩn, mông lung những điều ấy, trong những buổi chiều vườn nhà, một mình. Và khi nắng đã bắt đầu quá vãng đâu đó trên muôn vàn cỏ nội hoa hèn, chim muông đã ngủ, ông nghĩ, hay cõi người vẫn chưa thấu suốt được giống chim nầy...

Mà thôi, mặc. Nhiều lúc, mệt mỏi, ông cũng như Nguyễn Khuyến, hay nói lẩy... Cụ từng nói “Tuổi già hạt lệ như sương. Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan”. Huống hồ, đây lại là chuyện của muông thú chim chóc...

Bình sinh, ông mê cải lương, mê ngâm thơ, nhạc tình và tiếng chim từ vườn nhà...

Lạ lắm, người ta hay bảo, thơ sinh loạn tâm. Có lần, đêm khuya, trong vườn vắng, khi tất cả chỉ là sự im lặng của muôn trùng... giáo Nghĩa nằm võng đong đưa hồn theo giọng ngâm Hồ Điệp. Trong chập chờn sóng âm đậm màu liêu trai, ám chướng bỗng vô thường, vô ảnh, vô pháp, vô thiên... giáo Nghĩa như lạc vào một trận đồ mê thanh có lối vào mà không có lối ra, có cửa tử mà không có cửa sinh. Ở đó, giọng người, giọng chim hòa làm một, không chia, không tách, nhất thể, đau đớn mà phấn khích, cuồng nộ mà êm đềm, tự nhiên nhi nhiên...

Đúng rồi, đêm đó, một đêm tháng chạp, trời không mưa không nắng...

Đêm đó, giáo Nghĩa vẫn còn nhớ như in cái lời thơ mộng mị của Đinh Hùng chao chác đến lạnh người cùng giọng ngâm Hồ Điệp...

Hình như là...

“Trời cuối thu rồi em ở đâu...
Nằm trong đất lạnh chắc em sầu.
Thu ơi, đánh thức hồn ma dậy
Ta muốn vào thăm đáy mộ sâu”

Và đến bây giờ, giáo Nghĩa vẫn không tài nào nhận ra, nhớ được, lời thơ, tiếng ngâm lần ấy là của người hay Bách Thanh đã hoán cốt đoạn thai mà thâm nhập cõi nhân sinh với bản năng mô phỏng đã đến chỗ siêu phàm?

3.

Tiếng lành, dữ, thời chừ, đều đồn xa, đồn gần. Giáo Nghĩa kể, giọng trầm mà xao xác...

Nghe ông có con chim Bách Thanh biết giả giọng người, biết ngâm thơ dù chỉ nghe qua một vài lần, những tay chơi chim từ mọi miền đã lục tục về đánh tiếng, trả già trả non...

Một buổi chiều muộn, mưa rơi xứ kinh kỳ cứ rầu lòng cố quận, giáo Nghĩa tiếp chuyện với một tay lão làng, có số má trong nghề, từ Bắc vào...

Y ngồi đó, mái đầu bạc, từ tốn nhấp từng ngụm trà ướp sen Tịnh, buổi sương sớm vừa tan, rồi chậm rãi - Thú thật với thầy, dọc ngang Nam vào Bắc, xuống bể lên rừng, sơn cước rồi bình nguyên đã trải... từng nghe nhiều, thấy nhiều giống chim, nói được, giả được tiếng người, giọng người. Nhưng nghe giống Bách Thanh ở đây biết ngâm thơ thì mới lần đầu...

Cơ may gặp thầy, sở hữu được chim nầy gọi là duyên, còn nếu vô duyên, phận mỏng cánh chuồng, thưởng lãm được một lần giọng chim cũng thỏa...

Nhận ra người ngồi trước mặt cũng là long tàng hổ ngọa trong làng chim, đêm ấy, giáo Nghĩa mời khách ở lại vài ngày để cùng khách xác thực điều mà đến hôm nay ông vẫn còn chỗ bán tín bán nghi, mê tỉnh, thực mộng khó lường...

Giáo Nghĩa bày rượu, đồ nhắm đắc địa vùng kinh kỳ giữ chân khách vài hôm đợi Bách Thanh nhã hứng, sinh tình thơ dù là thơ người khác, giọng người khác...

Khách cũng biết ý, biết tấm lòng chủ nhân, quyết nán lại chờ...

Chờ mong và nguyện, nguyện sở hữu sự đột biến của chim muông, cây cỏ như đã từng mấy bận bỏ bao công sức, tiền của...

4.

Một đêm, khi mưa và rượu đã tàn, chiếu rượu đã bộn bề niềm nỗi chuyện nghề, chuyện đời, chuyện nhân tình thế thái.

Lúc ấy, lần nầy giáo Nghĩa nhớ rất rõ, trăng sau mưa đã chếch Ngự Bình, vò võ một miền Hương, giáo Nghĩa nhận ra tiếng Bách Thanh tỉnh mộng xưa, rùng cánh, vẫy chiêm bao. Chim trở giấc mộng hoài tiếng dương gian, nghe xa mà thật gần, âm ba vọng vang, thánh thót...

Bây giờ không phải Đinh Hùng mà là một câu thơ Pháp hóa Việt trầm trọng cả cõi người ta...

Mưa ngừng, trăng non buổi sơ huyền, giáo Nghĩa và khách đã bất đồ nghe rất rõ tiếng Bách Thanh...

“Chúng ta không tương phùng được nữa
Mộng trùng lai không có được trên đời...”(*)

Và đó cũng là câu thơ mà ông đã tình cờ ngâm, buổi xứ lạ chim về, buổi Bách Thanh trùng phùng ngẫu nhĩ...

5.

Khách không đem được chim về đất Bắc dù đã ra giá ngất ngưởng...

Giáo Nghĩa nhìn xa xôi như muốn tránh ánh mắt của ông Phú.

Chính cái đêm hôm ấy, Bách Thanh chết. Ông muốn hỏi nó chết như thế nào à. Ừ, giả giọng mấy câu thơ tôi ngâm xong, Bách Thanh kêu thảm mấy tiếng mà tôi ngờ là giọng thật của nó rồi xù lông, bộ lông bây giờ đã biến thành sắc đỏ của máu, của suối nguồn tinh huyết, rùng mình, mạnh mẽ lao vào những cọng nan sắt, dẫy chết như người động kinh...

Giáo Nghĩa lại nhìn xa, lại thở dài...

- Chắc nó chết khi hót được tiếng hót cuối cùng của chính mình, không vay, không mượn, không thật, không giả, không chim, không người phải không ông Phú?

Lần nầy, nhà điểu học lại nhìn xa hơn ánh mắt của giáo Nghĩa. Tiếng ông trầm trong gió thoảng mây bay...

- Ừ, là vậy. Người ta gọi đó là lúc Bách Thanh nhận ra mình. Bản lai diện mục là chỗ nầy phải không ông giáo?

Cả hai ông, ông giáo, ông Phú đều hỏi nhau trong tiếng hót cuối cùng của chim Bách Thanh.

Thật lạ.

B.L.Q
(TCSH44SDB/03-2022)

___________________
(*) Bùi Giáng dịch thơ Apollinaire

 

Các bài mới
Các bài đã đăng