Tạp chí Sông Hương - Số 397 (T.03-22)
Cuối ngày nắng tắt
15:14 | 22/04/2022

DƯƠNG GIAO LINH

Con dâu nhanh nhảu ra đỡ chiếc làn trên tay bà:
- Nay mẹ có mua như con bảo không ạ?

Cuối ngày nắng tắt
Minh họa: PHAN THANH BÌNH

Đặt chiếc làn lên bàn, nhìn vào trong:

- Ối, mẹ mua gì thế này?

Bà nhanh nhảu:

- Mẹ đi qua thấy mấy chậu cây, tiếc, nhặt về…

- Ôi, mẹ nhặt rác cho lẫn thức ăn thế này á, chết!

- Mẹ bỏ trong túi bóng mà…Mấy cây con bị vứt văng ra.

- Lần sau bà đừng nhặt mấy thứ người ta vứt đi mang về nữa, khổ quá.

Bà im lặng. Chờ con dâu vào trong, bà lọng khọng bước ra, tay tỉ mẩn nhặt từng chiếc lá úa bị rơi, chậm rãi:

- Để mẹ trồng.

Con dâu chẹp miệng, bỏ vào trong phòng.

Bà già ngồi, mắt ngơ ngẩn nhìn mấy cây rau thơm bé xíu trong chiếc chậu bà mới trồng hôm trước. Lá đã lên xanh xanh, chắc vài hôm nữa là được hái. Rồi bà sẻ đất sang chiếc can nước giặt đã cắt, bà ươm mấy cây nhặt được vào đó, lấy ca nước tưới lên đôi tay gân guốc, xương xảu. Từng giọt nước chạy trên mu bàn tay, rơi xuống những chiếc lá be bé. Vườn cây của bà, mỗi cây một số phận nhưng đều được bà chăm sóc, nâng niu cẩn thận.

Đứa cháu gái chạy ra ôm chân bà, mếu máo:

- Mẹ đánh cháu.

Bà nắm lấy tay con bé, vỗ vỗ nhẹ vào lưng:

- Rồi, nín đi, nín đi. Bà có quà đây!

Bà cúi xuống, khom người bế đứa cháu gái, đôi lông mày nhíu lại rồi từ từ giãn ra, nở một nụ cười. Bà móc trong túi áo chiếc kẹo mút mua ở cửa hàng tạp hóa gần nhà. Con bé con tay gạt nước mắt, cười như chưa từng khóc. Bà cũng cười. Con dâu bước ra khỏi phòng, trau mày:

- Bà lại mua kẹo cho cháu. Con đã bảo bao lần...

Bà nhìn con dâu, khe khẽ cúi đầu. Đôi mắt đùng đục giấu vào mớ rau, tỉ mẩn nhặt. Con bé lại khóc ré lên.

Tiếng con dâu quát vọng:

- Đã bảo không được ăn kẹo!

Tiếng con bé con vẫn không dứt. Bà nghe tiếng nó gọi “bà ơi, mẹ lấy kẹo mút của cháu”. Bà vẫn cúi đầu nhặt rau. Tiếng con dâu vang lên: “Đấy anh xem, hở ra một tí là nó có người bênh, bảo sao mà không hư”. Tiếng con trai bà chẹp miệng. Rồi bà nghe bước chân lặng lẽ đi ra, tiếng ti vi oang oang. Những thông tin về dịch bệnh. Những con số người nhiễm, người khỏi, người tử vong… Bà cố lắng tai nghe trong tiếng khóc chưa dứt của đứa cháu gái. Lòng bà như ai xát muối.

*

Ngõ phố bà lên khi con dâu sinh đứa cháu gái đông vui. Gọi là phố nhưng nhịp sống vẫn chẳng khác quê là mấy. Những quán hàng vẫn bày bán la liệt bánh trái, hoa quả vườn nhà đưa từ quê lên. Những người hàng xóm vẫn hỏi chuyện bà lúc gặp nhau qua ngõ. Con ngõ nhỏ nhưng chả thiếu thứ gì, bước chân ra khỏi cửa là mua được mọi thứ.

Căn nhà nhỏ mấy chục mét vuông của con trai bà nằm gần cuối trong con ngõ ấy. Căn nhà mà suốt mấy chục năm lăn lộn trên thành phố mưu sinh, từ lúc học xong đại học đến lúc lấy vợ, sinh con nó mới tích cóp, vay mượn mua được. Ngày con trai về quê đón bà lên ở cùng để “chúng con tiện đỡ đần mẹ lúc tuổi già”, bà rưng rưng nước mắt. Cả đời bà nghĩ chẳng bao giờ ra khỏi cổng làng. Họ hàng, làng xóm ai cũng bảo bà có hậu vận tốt, cuối đời được nhờ con. Thằng con trai duy nhất của bà, đứa con được bà chắt chiu, nhặt nhạnh từ cọng rau, con cá nuôi vào đại học, giờ trả nghĩa cho bà. Bà mừng. Bà thắp nén hương lên ban thờ chồng mong ông rộng lượng để bà lên với con.

Con dâu đón bà, mừng ra mặt, bảo mẹ ở đây với chúng con. Phòng này là của mẹ. Cả đời mẹ chắt chiu vì nhà con… Bà mừng. Mừng vì thằng con trai bà chọn được người vợ hiểu biết, có học đàng hoàng nên suy nghĩ cũng khác.

*

Căn phòng bà ở kê vừa chiếc giường đơn, một chiếc ghế ngồi, một chiếc quạt cây. Bà phải sắp xếp các thứ một cách gọn gàng lắm căn phòng trông mới đỡ bí bách. Gọi là ở thành phố chứ trong con ngõ hẹp này mùa hè thì nóng như rang. Mùa đông thì ngày cứ như đêm, u u buồn tẻ. Những ngày mùa thu như bây giờ thì đỡ hơn một chút. Bà vừa có thể ngồi ngoài hiên nhặt rau, trông cháu lại vừa có thể ngắm những vạt nắng hắt xuống khoảng sân nhỏ trước nhà. Nhưng vạt nắng bị tách ra bởi những ngôi nhà cao tầng đổ bóng. Những tán cây cũng vì thế mà nhỏ và thưa thớt đi. Bà nhớ tới con ngõ nhỏ ở quê, cây cỏ rợp lối chân người. Nắng cứ thế mà trải dài một khoảng mênh mang, nhuộm vàng cánh đồng xa tít tắp.

Mỗi lần có dịp dắt cháu đi chơi, gặp mấy người già cùng cảnh ở quê lên trông cháu là bà lại ngồi kể. Bà kể chuyện thằng con trai bà hồi bé. Rồi bà kể chuyện cánh đồng quê bà vào mùa nào có những thứ rau gì. Bà kể cứ như bà đang còn ở quê, thuộc từng gốc cau, bờ ao…

Bà nhớ thế mà sao không về quê mà ở? Về sao được. Về thì ai trông cháu. Bố mẹ chúng còn đi làm trả nợ tiền mua nhà. Bà mà về là chúng lại phải thuê người trông con, lại thêm một khoản tiền mà lại không an tâm. Thôi thì thương con, thương cháu… Những tiếng thở dài cố nén lại. Mấy đôi mắt đùng đục nhìn vào khoảng sân bê tông rẫy nắng. Mỗi chiều mấy người bạn già lại bế đứa cháu trên tay, vừa bế vừa dắt, vừa dỗ chúng không quấy khóc.

- Cháu bà ngoan thì bà đỡ mệt. Chứ cháu tôi quấy lắm. Suốt ngày đòi bế, đau hết tay mà đặt nó xuống là nó lại khóc.

Bà già bên cạnh lại cười:

- Nhưng cháu bà nhìn có xương có thịt. Đây thằng cháu tôi dỗ mãi mới ăn hết lưng cháo.

- Bọn trẻ con giờ đứa nào cũng lười ăn lắm. Dỗ cả ngày không xong một bữa.

- Các bà có biết chỗ nào có cây sài đất không? Con bé nhà tôi bị ngứa. Mẹ nó cứ mua thuốc bôi mà có thấy đỡ đâu. Ở quê chỉ cần nắm lá sài đất nấu tắm là đỡ ngay.

Mấy bà lại xúm vào, người bảo mua quả mướp đắng về tắm, người bảo cứ bỏ chút muối vào nước ấm tắm, mấy lần là khỏi hẳn. Nghe cứ như mấy mẹ trẻ nuôi con thơ. Giá mà ở quê thì kiếm sài đất tắm cho trẻ con thiếu gì. Lần con bé con bị ngứa khắp người, khóc ngằn ngặt cả ngày mẹ nó cũng cuống lên mua thuốc. Thuốc bôi mãi chả thấy khỏi, cứ không bôi nữa là lại ngứa. Bà phải nhờ đứa cháu ở quê gửi lên một nắm lá sài đất. Con dâu chê bẩn, bảo bà không được tắm cho cháu. Nhưng nhìn cháu ngứa khóc bà xót, bà giấu con dâu nấu lá tắm cho cháu, vài lần khỏi hẳn.

*

Trong ngõ có một bà mới ở quê lên chăm cháu. Da đồi mồi, tóc bạc quá nửa, lúc nào cũng túm một nhúm phía sau. Ngày nào đi ngang qua cũng thấy bà ấy mặt buồn rượi, chẳng hay ra gốc cây sấu nói chuyện bao giờ.

Bà đang ngồi bần thần ngoài hiên nhà ngắm nắng trong lúc đứa cháu gái học bài thì bà già ấy gọi:

- Bà gì ơi!

Bà hóng mắt ra:

- Bà gọi tôi đấy à?

- Vâng. Bà cho em hỏi tí ạ?

Bà đặt chiếc quạt giấy xuống, đủng đỉnh đi ra cổng. Bà định thò tay mở khóa nhưng chợt nhớ ra trước khi đi làm cô con dâu đã cẩn thận khóa cổng nên đành nói vọng từ trong:

- Bác hỏi gì ạ?

- Bà… Bà có tiền không cho em mượn tạm mấy chục đi mua thuốc hạ sốt cho cháu, em chẳng có hào nào. Vừa nói bà hàng xóm vừa lau mồ hôi trên trán.

Bà nhớ có đồng năm chục nghìn đi chợ thừa, bà đưa cho con dâu thì nó bảo để chiều bà mua bánh cho cháu ăn. Bà vẫn đút trong túi áo, gài kim băng cẩn thận đây.

- Thế cháu bà bị sốt à? Lâu chưa?

- Dạ mới từ sáng lúc mẹ nó ở nhà nó vẫn ăn uống bình thường. Thế mà ngủ dậy, sờ người đã thấy nóng bác ạ.

- Đây, bà cầm tiền đi mua thuốc cho cháu. Bà ra hiệu thuốc cách đây hai nhà ấy. Cô bán thuốc ở đấy hướng dẫn chu đáo lắm. Bà vừa đưa tiền cho bà hàng xóm vừa dặn.

Bà già hàng xóm nhận năm chục ngàn từ tay bà, quệt ngang mắt:

- Em xin. Chiều tối em mang sang gửi lại bác.

Nói rồi bà già đi như chạy. Bà đứng trong cổng nhìn theo bóng bà già hàng xóm đến khi khuất sau lùm cây hoe nắng.

Chiều ấy, bà dốc ít bột mì trong túi còn lại, trộn trứng gà rán cho cháu chiếc bánh. Con bé ăn ngon lành. Bà ngồi nhìn đứa cháu ăn, mắt nhăn lại, cúi xuống nói nhỏ với nó:

- Mẹ có hỏi thì bảo bà mua nhá!

- Sao phải bảo bà mua ạ?

- Vì mẹ cháu dặn bà mua bánh mà bà quên mất.

- Bánh bà làm ngon hơn mua ạ.

Con bé reo lên vui sướng. Mắt bà nheo lại, vuốt vuốt hai cái bím tóc bà thắt bằng dây vải hoa. Lát nữa mẹ nó về bà cũng phải tháo hai cái dây vải hoa ấy ra để buộc lại bằng dây thun.

*

Tiếng loa trong chiếc xe máy chạy dọc con ngõ vắng, khói bụi mù đen xịt. Những cái đầu ló ra từ ô cửa sổ lắng tai nghe.

- Gì thế anh? Tiếng con dâu hỏi chồng.

- Trong khu phố có mấy ca F1, người ta đi thông báo.

Con dâu chẹp miệng:

- Đã khó khăn lại còn dịch với chả dã, chán.

Cuộc đời bà đã trải qua nhiều dịch bệnh, tưởng như chết đi sống lại bao lần, nào sốt xuất huyết, tiêu chảy, dịch hạch, cúm… vậy mà bà vẫn sống đến hôm nay. Mọi dịch bệnh cũng sẽ có thuốc điều trị thôi. Cuộc sống cho bà niềm tin thế.

Cả con ngõ nhỏ người người nháo nhác đi mua gạo, mua rau, mắm, muối… mọi thứ. Mấy bà hàng xóm của bà cũng hớt hải bế cháu, tay xách nách mang quần áo bảo về quê tránh dịch. Qua cửa nhà bà, họ chào bà, bảo bà sao không về quê? Bà chỉ cười chào lại họ rồi lại ôm đứa cháu gái nhỏ vào lòng.

Không khí im ắng lạ. Tiếng còi xe cũng không vang lên inh ỏi như mọi hôm.  Chủ nhật mọi hôm ồn ào náo nhiệt là thế mà nay bỗng lặng thinh đến đáng sợ. Bà ngồi nhìn ra gốc cây sấu già, nơi các bà già từ quê lên chăm cháu vẫn thường ngồi nói chuyện với nhau.

Con dâu nghỉ làm. Việc kinh doanh của con trai bà cũng bị đình trệ. Cả căn nhà nhỏ giờ bốn người vào, ra. Những câu chuyện không nên nói, không muốn nghe cũng từ ấy mà vô tình lọt vào tai bà.

- Hay mình cho bà về quê tránh dịch. Ít nữa người ta sẽ không cho ra khỏi thành phố.

- Bà về quê thì ai giúp em làm việc nhà, chăm con, đi chợ? Anh thì suốt ngày cắm mặt vào máy tính.

- Thì anh cũng đang phải tranh thủ làm online, đỡ ít nào hay ít đấy chứ.

- Thế thì để bà ở lại còn làm việc nhà giúp em chứ.

- …

Tiếng con dâu cắt ngang câu chuyện. Rồi tiếng thở dài. Tiếng dỗ con ơ hờ. Rồi im lặng. Bà ngồi bên chiếc bàn, ghé sát tai vào chiếc đài nhỏ nghe thông tin. “Hiện nay trên thế giới nhiều nước áp dụng biện pháp giãn cách, phong tỏa để tránh dịch bệnh lây diện rộng. Mọi người dân cần tuân thủ nghiêm các quy định đeo khẩu trang, rửa tay sạch bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn, tránh tụ tập đông người…”. Cả đời bà chưa hình dung ra được có dịch bệnh nào mà con người không tìm ra thuốc chữa cả. Bà già rồi, bà chẳng còn sợ cái chết. Bà chỉ lo cho các con, cháu bà khổ thôi. Nợ thì hàng tháng vẫn phải trả, tiền nước, tiền điện, tiền sinh hoạt hằng ngày… Một trăm thứ tiền. Vậy mà không đi làm được thì lấy tiền đâu mà sinh sống. Những suy nghĩ khiến bà trở mình không sao chợp mắt được. Giá mà còn ở trong căn nhà gỗ mọt ở quê thì nào bà cũng thắp hương nói chuyện với ông lão. Giá mà ông ấy còn sống…

Bà nén tiếng thở dài khi nghe thấy bước chân lạch cạch, điện bật sáng ngoài phòng khách. Rồi tiếng ngáy đều đều…  Nghe tiếng ngáy là bà biết ngay thằng con trai bà. Con quấy không ngủ được phải trốn ra đây hay hai vợ chồng lại cãi nhau… Bà vắt tay lên trán, tiếng thở phập phồng, nước mắt không dưng mà trườn xuống gối. Chiếc đài kêu xèo xèo trên bàn, bà đưa tay với, tắt đi rồi cố nhắm mắt nằm im.

*

Sáng mở mắt nhìn ra con ngõ nhỏ đông nghịt, người xe chen nhau lách đi. Vậy mà giờ, thưa thớt chỉ vài chiếc xe máy. Nắng đổ xuống mặt bê tông rát bỏng. Bà cố nheo mắt nhìn ra gốc cây sấu già xem có hình bóng bà hàng xóm quen thuộc nào dắt cháu ra đó không. Những đốm tròn xanh đỏ nhảy nhót trước mắt, bà đưa tay gạt. Bà đi đi lại lại trước cửa nhà rồi lại ra ngoài cổng, chỉ mong có tiếng người gọi với một tiếng.

- Bà tìm gì thế ạ?

- Bà tìm người.

- Sao bà lại tìm người ạ?

Bà quay lại, vuốt mái tóc còn rối, à không, không. Con bé nép vào chân bà:

- Bà ơi, mẹ cháu bảo từ nay bà không được dắt cháu ra ngoài nữa.

- Ừ, bà biết rồi.

Bà nhìn đôi mắt to tròn trong veo ngây ngô của cháu mà lòng nghẹn lại. Bà cả ngày ở trong nhà không sao chứ trẻ con đang tuổi chơi, tuổi nghịch, khổ. Rồi bà dắt tay cháu gái ra khoảng ban công trên tầng. Bà chỉ cho nó tên những loài cây bà trồng. Những cây con đã bắt đầu vươn mình lên mạnh mẽ, khoe chiếc lá xanh non, ngọn xanh mướt mát. Ở một chậu cây khác lại đã trổ những bông hoa bé xinh. Chậu khác thì đã ken dày những chùm quả be bé. Thấy cô cháu gái có vẻ thích thú, bà dạy nó tưới nước, xới đất. Vậy là từ nay cháu có một khoảng vườn để chăm sóc nhé, có thích không? Con bé gật đầu, thích ạ.

Tiếng con dâu vọng ra, lọt vào tai bà:

- Bà lại cho cháu ra nghịch đất, nghịch mấy cái cây bà nhặt trong thùng rác mang về đấy!

- Thì cứ để cho con chơi.

- Rồi mang bệnh, ai chịu?

Bà lặng lẽ dắt tay cháu vào. Bữa ấy bà chỉ cố ăn hết lưng cơm rồi đứng dậy.

*

Sáng, bà đeo khẩu trang kín mít, xách làn đi chợ. Mua một ngày ăn cả tuần. Trước khi ra khỏi nhà đeo khẩu trang, về đến cổng nhà, sát khuẩn tay.

Vào nhà thay quần áo rồi mới xuống bếp cơm nước, mới lại gần cháu. Bà nhớ, nhớ kỹ như những món ăn hằng ngày con dâu dặn nấu cho cháu ăn.

Lần nào ra tới chợ bà cũng đứng xa người bán hàng, mua gì bảo người ta nhặt giúp. Cứ thấy bà là mấy cô bán hàng lại nhanh nhảu:

- Bà mua gì để cháu lấy?

- Sao bà không bảo con, cháu nó đi chợ cho. Xách cái làn nặng thế kia?

Bà chỉ cười. Con còn có việc của chúng nó chứ. Sau câu trả lời của bà thành quen, không ai còn hỏi nữa.

*

- Hay mình cho bà về quê đi.

- Sao lúc trước mình bảo để bà ở lại đỡ đần mình?

- Em cũng nghỉ làm rồi, ở nhà trông con cũng được.

- Thôi, bà về quê một mình anh không yên tâm.

- Có gì mà anh không yên tâm? Ở quê chưa có dịch, bà về quê càng tốt chứ sao.

- Dịch dã này, không vùng nào là an toàn cả.

- Anh chỉ hay lo quá lên.

Bà cố xách chiếc làn đựng đầy thức ăn vào bếp, cẩn thận bỏ từng thứ ra, sắp xếp, suy nghĩ cho từng bữa ăn sao cho vừa đủ một tuần. Bà đếm lại số tiền lẻ còn thừa, vuốt phẳng phiu từng tờ, cuộn lại bỏ trong túi áo, treo lên móc.

Đứa cháu thấy bà đi chợ về thì chạy ra ôm chân: “Hôm nay bà có mua quà cho cháu không?” Bà cúi xuống, vuốt vuốt mái tóc tơ của nó, khẽ khọt: “Nhà còn bột, tí bà làm bánh”. Con bé con đưa một ngón tay lên môi “xuỵt” rồi tít mắt cười. Giờ thì đó là món quà mà bà mua được cho nó. Thương lắm, giá mà ở quê… Bà lại nhớ quê. Nhớ vườn cây chẳng thiếu thứ quả gì. Thèm thì ra vườn hái, ăn vừa ngon vừa lành… Bà muốn về thăm quê, mấy lần đã định nói với anh con trai rằng đưa mẹ về thăm quê. Nhưng rồi, ngày cứ lối ngày, việc của bà thế rồi, bà về vợ chồng chúng nó lại nháo nhào lên, ai trông con, ai đi chợ, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa… Giờ thì hai vợ chồng nó đều ở nhà nghỉ dịch, giữa lúc khó khăn này chẳng lẽ bà lại bảo đưa mẹ về quê. Bà về quê an toàn bỏ con cháu ở nơi nguy hiểm này ư? Chẳng đành. Lòng bà quặn lại, nghĩ thế nào cũng không ổn thỏa. Thôi thì đành theo ý các con.

*

Đường phố lưa thưa vài chiếc xe máy đi lại. Hàng cây ven đường giờ mới có dịp được khoe tán lá màu xanh, đúng như màu xanh của cây chứ không phải thứ màu của bụi đường, khói xe phủ lên. Cũng lâu lắm rồi từ ngày dời quê lên thành phố với con bà mới thấy bầu trời những ngày đầu thu xanh trong như thế. Vài tảng mây trắng lởn vởn bay, gió nhè nhẹ. Bà ngồi ngoài hiên nhà, vừa vặt rau, vừa ngắm đường phố, ngắm bầu trời, thấy lòng thanh thản… Đứa cháu gái chạy lại, áp má vào lưng bà:

- Bà ơi, bao giờ cháu mới được đến trường gặp các bạn?

- Chắc hết dịch cháu ạ.

- Thế bao giờ thì hết dịch hả bà?

- Bao giờ có thuốc chữa là hết cháu ạ.

Con bé con phụng phịu. Bà vuốt mái tóc tơ của cháu, kéo nó ngồi vào lòng bà rồi bà kể chuyện. Bà kể chuyện ở làng, ở quê… Bà kể về vườn cây ăn quả, con sông đổi màu nước theo mùa. Và cả chuyện ngày bố nó còn bé… Con bé có vẻ thích thú, lắng tai nghe, thi thoảng còn ngửa mặt lên hỏi lại bà. Bà thương đứa cháu gái, gì cũng chỉ biết qua tivi, qua tranh truyện.

Con dâu từ trong nhà đi ra, giọng có vẻ xa xôi:

- Bà lại nhớ quê ạ? Hay là con bảo nhà con cho bà về quê nhé! Chứ ở đây dịch dã thế này khổ cho bà.

Bà chưa kịp nói gì thì đã nghe giọng con trai:

- Đã bảo cứ để bà ở lại!

- Anh làm như anh giỏi lắm í, nuôi vợ nuôi con đã được chưa?

- Cô…

- Thôi, mẹ xin… Bà ôm chặt đứa cháu gái nhỏ đang ngơ ngác, giọng run run.

Đêm ấy, bà nghe giọng con dâu nói với con trai bà: “Anh xem, dịch dã này không đi làm được, tiền không có mà cái gì cũng phải tiêu bằng tiền. Con thì thiếu đủ thứ, cho bà về quê vừa cho bà tránh dịch cũng là phải chứ sao?

- Ý cô là cho bà về quê đỡ một miệng ăn chứ gì?

- Đấy là anh nói…

- …

Bà nghe tiếng bước chân con trai ra ngoài phòng khách. Rồi tiếng ti vi, tiếng ngáy đều đều… Đêm ấy, bà trở mình không sao ngủ được. Chiếc đèn ngủ hình quả nhót lập lòe như đốm lửa. Bà trở dậy, sờ tay vào túi áo treo trên móc, rồi bà lại lật gối đầu giường, sờ vào chiếc túi vải hoa. Bà lấy ra trong ấy những đồng tiền tích cóp nhặt nhạnh từ những buổi bán giấy vụn, bán vỏ chai, lon bia đến tiền đi chợ thừa, tiền con trai giấu vợ cho bà mua thuốc… Bà cuộn lại, bỏ vào trong túi vải, buộc chặt lại. Rồi bà gấp mấy bộ quần áo, bỏ vào làn mây.  Lúc con trai đưa bà lên đây bà chỉ mang theo duy nhất cái làn ấy.

Rồi bà nằm, mắt cứ nhắm rồi mở.

Trời vừa sáng, sương sớm lành lạnh, bà xách xô nước gạo lên ban công, nơi bà trồng đủ thứ rau, hoa. Bàn tay gầy nhẳng của bà cẩn thận tưới nước, xới đất. Những chiếc lá xanh non khe khẽ rung rinh dưới đôi bàn tay gầy, thô ráp. Bà cẩn thận cắt từng ngọn rau non, đủ cho bữa sáng. Đi ngang qua phòng khách bà thấy con trai đã dậy, mang chăn gối vào phòng. Chắc nó giấu không muốn bà biết nó ra ngoài này ngủ.

Bà níu áo, thủ thỉ:

- Nay anh cho mẹ về quê, nhá?

- Sao tự dưng mẹ lại muốn về quê?

- Thì ở đây đang dịch bệnh. Mẹ già rồi, anh cho mẹ về quê… Bà đưa mắt nhìn ra hàng cây phía trước, những tia nắng đang từ từ hắt xuống.

- Con không muốn mẹ ở một mình.

- Bao giờ anh chị cần, mẹ lại lên.

Bà đi ngay khi nắng chưa kịp lan dần ra các tán cây. Chiếc làn mây trong tay nhẹ bẫng. Đường phố vắng hoe. Chiếc xe khách chở bà hôm ấy cũng lưa thưa vài người ngồi.

Bà nhìn ra phía những hàng cây bên đường, nắng vừa lên, luênh loang một khoảng… Về đến nhà thì cuối ngày, nắng tắt. Lòng bà bâng khuâng, chẳng biết đang vui hay đang buồn.

*

Dịch tràn đến thành phố nhanh như nước. Giờ thì ai ở đâu, ở yên đó. Mọi hoạt động coi như tạm dừng. Việc mua bán, chợ búa cũng khó khăn hơn.

Những ngọn rau xanh mướt đang quấn quýt lên những chiếc cây cắm sẵn. Góc kia là những nụ hoa nhỏ xinh. Con bé con đưa tay chỉ, miệng cười tươi, có một quả non kìa mẹ, thích quá!

Mẹ nó cúi xuống ngắt những ngọn rau non bỏ vào rổ.

D.G.L
(TCSH397/03-2022)


 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Khúc (19/04/2022)