Tạp chí Sông Hương - Số 398 (T.04-22)
Nhà văn Nguyễn Quang Hà - Tấm lòng và bản lĩnh
19:11 | 30/04/2022

VŨ QUỐC VĂN

Gặp rồi quen, thành bạn vong niên với anh từ lúc nào tôi chẳng nhớ. Chiến tranh kết thúc, anh dấn thân hành nghiệp viết trả nợ đời. Còn tôi, về lại Hải Phòng nơi đất mẹ sinh ra.

Nhà văn Nguyễn Quang Hà - Tấm lòng và bản lĩnh

Khoảng cách địa lý xa xôi cách trở sáu bảy trăm cây số, tôi có bốn, năm lần vào Huế tìm anh, lần gặp lần không. Rồi đến mãi cuối Thu năm 2007, anh từ Huế ra dự trại sáng tác văn học của Báo Công an Nhân dân và Chi hội Nhà văn Công an tổ chức tại Đồ Sơn, tôi với anh mới có dịp hàn huyên chuyện vui buồn dài nhất.

Tháng năm trôi qua, nhẩm thời gian tôi với anh là anh em, bạn bè thân thiết kể đã hơn một vạn ngày có lẻ. Mỗi lần gặp tôi lại biết thêm những tao đoạn đời anh từng nếm trải. Đó là một bi khúc, một câu chuyện dài nhiều mất mát và có những nỗi buồn chát đắng không dễ nguôi ngoai. Vậy mà thấy anh vẫn giữ được nét sôi nổi hồn hậu yêu đời, vẻ an nhiên tự tại trước những biến cố, đen rủi đời mình.

Nguyễn Quang Hà tên khai sinh là Nguyễn Trọng Trường, quê làng Quang Biểu, xã Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.

Cuối mùa thu 1959, Nguyễn Quang Hà có giấy báo đỗ đại học nhưng anh không được tựu trường. Lý do vì ông bà nội, ông bà ngoại anh đều thuộc thành phần địa chủ (dù ruộng đất thừa kế, không bóc lột và là địa chủ kháng chiến). Còn ông thân sinh ra anh có một thời gian đi lính cho Pháp, hàm sĩ quan. Hồi Cách mạng tháng Tám 1945, ông đã vận động lôi kéo cả đội quân mình chỉ huy về  theo cách mạng tham gia cướp chính quyền. Sau đó ông được cử làm Phó Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Tuy nhiên, công và chiến tích của gia đình, của cha cũng không xóa nổi những định kiến nặng nề buổi ấy. Thế là cậu Tú Trường đành xếp bút nghiên xuống thuyền làm “chân sào” chở hàng thuê ngược xuôi nay đây mai đó khắp các dòng sông vùng châu thổ sông Hồng. Nguyễn Quang Hà đã nhiều lần theo thuyền chở hàng gặp ngày nước rặc, lặng gió, phải hạ buồm, lội bãi lầy gò lưng kéo giây ở vùng sông nước Hải Phòng quê tôi. Anh bảo đời mình tưởng rồi sẽ gắn mãi với nghề phu thuyền lênh đênh khắp nẻo. Nhưng rồi đến một ngày Nguyễn Quang Hà được bố gọi về, vì ông có một người bạn thân đang thời chức sắc nể tình nhận anh vào dạy học ở một huyện xa. Nguyễn Quang Hà được giao làm giáo viên dạy cấp Hai (bây giờ gọi là trung học cơ sở) mà chưa học qua chương trình sư phạm một ngày nào. Thời đó người tốt nghiệp cấp Ba (học hết lớp 10) như anh còn hiếm lắm. Nhưng Nguyễn Quang Hà cũng chỉ làm thầy dạy được ngót bảy khóa học. Đến đầu năm 1967 anh giã từ bục giảng cùng 155 giáo viên và giáo sinh trường Sư phạm tỉnh Hà Bắc lên đường nhập ngũ đi chiến đấu ở chiến trường Thừa Thiên Huế. 26 ngày đêm quân giải phóng tấn công làm chủ Cố đô Huế hồi Tết Mậu Thân 1968, Nguyễn Quang Hà cùng với 155 cán bộ chiến sĩ đại đội mang tên Ngô Gia Tự là con dân miền Kinh Bắc đã chiến đấu kiên cường đến phút cuối cùng được lệnh rút về căn cứ.

Trước khi làm “anh chân sào” cho một thuyền buôn; trước khi thành một anh giáo làng bất đắc dĩ, Nguyễn Quang Hà từng là một sinh viên văn khoa hụt nên trong anh có sẵn tố chất năng khiếu văn chương và một tâm hồn đa cảm. Vì thế mà ngay từ những ngày đầu cùng đồng đội chiến đấu trên đất Huế, trải qua những cam go gian khổ, đói khát ác liệt, chứng kiến cảnh đồng bào vì hết lòng bảo vệ các anh mà bị kẻ thù giết hại; những đồng đội sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình không chút từ nan do dự, thì Nguyễn Quang Hà nghĩ ngay đến việc cầm bút. Anh tự nhủ lòng: “Nhất định phải cầm bút ghi lại những hành động dũng cảm, tấm lòng kiên trung, đức hy sinh cao cả của đồng bào, đồng chí xứ Huế trong tháng năm đánh Mỹ rất đỗi hào hùng nhưng cũng vô cùng bi tráng này”.

Và, để tưởng nhớ nơi mình sinh ra, Nguyễn Trọng Trường đã lấy chữ cái đầu địa danh quê hương mình ghép thành tên bút danh Nguyễn Quang Hà rồi lặng lẽ cầm bút gửi hồn mình vào những bài thơ, bài báo viết về vùng đất con người nơi anh đang sống và chiến đấu.

Hình như cuộc đời này vẫn tồn tại đâu đó những ngẫu nhiên không hẹn trước, nó mang theo một cơ duyên nào đấy rất vô hình mà thành định mệnh cho một con người. Nguyễn Quang Hà có thể là một “gặp gỡ” trong cái cơ duyên định mệnh đó chăng?

Ở chiến trường Thừa Thiên Huế những năm đánh Mỹ, các chiến binh có mặt trên vùng đất ngùn ngụt bom đạn, khói lửa này dường như ai cũng biết Công Trường 5, một đơn vị vũ trang rất nổi tiếng của Thành đội Huế. Ngày đó vì giữ bí mật nên gọi là “công trường” vậy chứ phiên ra ngang cấp Trung đoàn bộ binh cỡ trên dưới 2000 cán bộ chiến sĩ. Ông Thân Trọng Một là chỉ huy trưởng của đơn vị ấy. Dạo đó ông Một và Công trường 5 không chỉ nổi tiếng đánh giỏi ở Thừa Thiên Huế, mà tiếng tăm của ông Một và Công Trường 5  lừng lẫy cả Mặt trận Trị Thiên. Quân của đối phương chỉ nghe phong thanh trận nào có quân Công trường 5 của ông Một tham chiến là đã hồn bay phách lạc. Nguyễn Quang Hà là lính Công Trường 5, là quân của ông Một. Sau mỗi trận đi chiến đấu trở về căn cứ, lúc rảnh anh lại lặng lẽ kiếm vỏ bao thuốc lá, những mảnh giấy khả dĩ cặm cụi làm thơ, viết báo. Rồi việc Nguyễn Quang Hà đang làm ông Một biết, ông bảo: “Hà về làm báo nhé?” Không đắn đo, anh gật đầu trong nỗi mừng vui khôn tả. Anh cảm ơn người thủ trưởng tài danh thao lược đã cho anh một cơ hội “vàng” là được cầm bút. (Sau này trở thành nhà văn, năm 2002 Nguyễn Quang Hà đã viết cuốn truyện ký “Thân Trọng Một con người huyền thoại” dài 262 trang do Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành, đó cũng là một việc làm tri ân của anh với ân nhân của mình.

Nguyễn Quang Hà được điều về làm phóng viên báo Cờ Giải phóng - Cơ quan tuyên truyền của Mặt trận Thừa Thiên Huế vào năm 1970. Từ đó anh mê mải đi đến khắp nẻo đường mặt trận Thừa Thiên Huế. Khi cùng cán bộ, du kích xuống nằm vùng bám trụ dưới các ấp vùng sâu. Lúc lên rừng thâm nhập vào các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương vừa chiến đấu lập công trở về căn cứ, lấy tài liệu viết bài.

Một lần Nguyễn Quang Hà đến đơn vị tôi lúc đó đang trú quân trong cánh rừng cây trụi lá vì chất độc hóa học, tướp nát vì bom B52 rải thảm và pháo bầy hủy diệt trên miền tây huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế. Chiều ấy, ban chỉ huy đơn vị cử tôi là một chiến sĩ có thâm niên chiến trường làm người “phát ngôn” cung cấp tài liệu cho nhà báo. Nguyễn Quang Hà từng là một lính chiến thực thụ, đánh nhau tơi bời, thương tật đầy mình và cũng đói cơm thiếu muối bủng beo như chúng tôi nên chỉ trong chốc lát giữa tôi và anh đã không còn khoảng cách xã giao xa lạ nào cả. Hai chúng tôi ngồi trên một thân cây đổ gục vắt ngang miệng hố bom sâu hoáy ôn nhớ chuyện buồn vui liên miên trận mạc cho đến tận khuya. Và cũng từ buổi chiều không hẹn mà gặp ấy tôi với Nguyễn Quang Hà thành anh em, bạn bè quý thương nhau cho đến tận bây giờ. Nguyễn Quang Hà có thơ đăng báo Cờ Giải phóng vào năm 1968, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, 1969. Những bài thơ anh viết nóng hổi không khí chiến đấu từ những quan sát trực diện, cảm xúc trào sôi chân thành của người trong cuộc. Những thi khúc hồn nhiên chân thực xúc động ấy được anh viết ngay dưới chiến hào, trong hầm chốt đã làm lay động lòng người trong cuộc và cả những người ở hậu phương.

Đầu mùa hè năm 1974, Nguyễn Quang Hà bị thương lần thứ năm. Vết thương không nặng. Nhưng đã sáu bảy năm trời anh lăn lộn ở chiến trường, sức khỏe đã hao kiệt trầm trọng vì vết thương và sốt rét. Nguyễn Quang Hà  được cấp trên cho ra Bắc điều dưỡng. Trong thời gian trên đất Bắc, anh tham dự lớp bồi dưỡng viết văn ở Quảng Bá của Hội Nhà văn Việt Nam. Anh được hai bậc cao niên uy tín trong làng văn là nhà văn Đoàn Giỏi, và nhà thơ Xuân Diệu trực tiếp kèm cặp. Thật là một cơ hội hiếm hoi được gần gũi các bậc thầy văn chương. Nguyễn Quang Hà tranh thủ đưa những bản thảo viết ở chiến trường cho hai thầy thẩm định. Sau khi đọc những bài thơ của Nguyễn Quang Hà, nhà thơ Xuân Diệu bảo: “Thơ của cậu in được, đủ một tập rồi đấy, cho in ngay đi”. Vui sướng nữa là tên tập thơ Tiếng Gà trên điểm chốt đầu tay này của anh cũng là do nhà thơ Xuân Diệu đặt cho. Tập thơ do Nhà xuất bản Giải phóng ấn hành năm 1974. Rồi một hôm nhà văn Đoàn Giỏi bảo Nguyễn Quang Hà: “Cậu thử viết văn xuôi xem”. Vài ngày sau anh đưa cho nhà văn Đoàn Giỏi truyện ký viết về một đơn vị bộ binh Quân Giải phóng bám trụ giữ đất ở vùng tranh chấp khốc liệt hồi sau Mậu Thân. Đọc xong truyện ký đó nhà văn Đoàn Giỏi bảo Nguyễn Quang Hà: “Chất của cậu là chất văn xuôi, không phải thơ”. Đến lượt nhà thơ Xuân Diệu cũng bảo anh: “Thơ của cậu Hà cũng là thơ văn xuôi”. Hai bậc thầy thơ văn không ai bảo ai mà cả hai ông đều phán, cũng có ý khuyên Nguyễn Quang Hà nên chọn đúng khả năng của mình. Từ đó Nguyễn Quang Hà dành nhiều thời gian, trí lực cho sáng tác văn xuôi. Còn với thơ, anh chỉ làm mỗi khi không thể lạnh lùng trước những đòi hỏi của cảm xúc.

Sau hơn 40 năm mê mải đi, mê mải viết, đến nay Nguyễn Quang Hà đã cho xuất bản: 2 tập thơ, hơn chục tập truyện ngắn và ký sự, 15 tiểu thuyết, và hàng trăm bài báo gây sốt. Nhưng anh bảo trong “kho” hiện vẫn còn cả ngàn trang bản thảo chưa đưa nhà in nữa kia. Hầu hết những tác phẩm của Nguyễn Quang Hà đều viết về chiến tranh, viết về miền đất và con người xứ Huế - nơi anh đã sống, chiến đấu thời tuổi trẻ và bây giờ  Huế là quê hương thứ hai của anh.

Nguyễn Quang Hà ơi! Cuộc đời anh sao thật lắm nỗi đoạn trường: tuổi hoa niên nhiều hoài bão mơ mộng thì dưng nhiên bị một cái tì vết “thành phần gia đình” khó bề tiến thân hay gột rửa. Kết thúc cuộc chiến, rũ bụi dặm trường trở về cố hương đoàn viên với gia đình, thì gia đình tan vỡ... Còn nỗi buồn đau mất mát xót hận nào hơn thế nữa. Vậy mà Nguyễn Quang Hà không hề bị ngã quỵ, buông xuôi phó mặc số phận đời mình cho con tạo vần xoay thì thật là cái bản lĩnh sống trong anh đáng nể phục biết nhường nào.

Cuối thế kỷ trước Nguyễn Quang Hà từng có mười sáu mười bảy năm làm biên tập viên. Rồi thêm ba bốn năm đảm trách chức Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương, công việc bù đầu, không biết anh kiếm đâu ra thời gian, sức lực mà viết được nhiều tác phẩm đến vậy. Mà Nguyễn Quang Hà đâu chỉ có viết văn, làm thơ, anh còn viết nhiều bài bút ký ca ngợi đất trời quê hương Tổ quốc, viết nhiều thiên phóng sự đấu tranh với những ngang trái cuộc đời, bất cập xã hội được dư luận quan tâm và đánh giá cao phẩm chất, bản lĩnh của người cầm bút dám nói thẳng nói thật.

Hôm gặp Nguyễn Quang Hà ở Đồ Sơn, tôi bày tỏ sự thán phục sức làm việc bền bỉ quên mình của anh dành cho cuộc đời, cho văn chương. Nguyễn Quang Hà cười bộc bạch rằng: “Nào có đáng gì đâu mà. Mình viết văn, làm thơ, viết báo mấy chục năm nay về đề tài chiến tranh, về thời hậu chiến vì mình là người trong cuộc nên muốn ghi lại cho lớp con cháu chúng ta sau này biết thế nào là chiến tranh và hệ luỵ của nó mà thôi. Mình dốc sức vào đề tài này bấy nay cũng là để góp một ít tư liệu, dữ kiện, nói cách khác “là một mớ quặng thô” mong cho những tài năng văn chương sau này có thể lựa chọn được cái gì đó sáng tạo, nó viết thay mình thôi cậu ạ”.

Nguyễn Quang Hà đã hồn nhiên nói với tôi như thế. Tôi hiểu, anh không hề phách lối, cao đạo hay khiêm tốn giả vờ mà lời nói ấy được buột ra từ suy nghĩ và tấm lòng rất thành thật của anh. Nhưng tôi biết Nguyễn Quang Hà đã nhiều lần nhận giải thưởng của các cấp địa phương trao cho những tác phẩm tiêu biểu của anh. Tác phẩm gần đây nhất là tiểu thuyết Vùng Lõm đã được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải Nhì trong cuộc thi Tiểu thuyết vào năm 2010.

Nguyễn Quang Hà là người không chỉ có tấm lòng với văn chương, với cuộc đời như chúng ta đã biết, anh còn lặng lẽ làm nhiều việc tín nghĩa với những người còn sống hay đã mất quanh mình. Trong khuôn viên ngôi nhà không mấy rộng rãi bên bờ sông An Cựu nơi Nguyễn Quang Hà đang sống, anh dành ra một diện tích đủ dựng một tượng đài nho nhỏ để tưởng vọng 139 liệt sỹ Đại đội Ngô Gia Tự là đồng đội của anh hy sinh trên đất Huế thời đánh Mỹ. Hơn 40 năm trước, 155 giáo viên, giáo sinh miền Kinh Bắc buông bút nghiên lại quê nhà đi chiến đấu, nay chỉ còn 16 người sống sót. Nguyễn Quang Hà là một trong số 16 người may mắn còn sống sót đó nên anh không thể đành lòng an hưởng, lặng thinh trước những người đã khuất.

Nguyễn Quang Hà đến tháng năm này tuổi đã ngoại bát tuần. Thương tích chiến tranh, thương tích mấy lần phẫu thuật căn bệnh đại tràng quái ác. Cái chết luôn rình rập nhưng chưa một ngày anh bỏ viết, thường xuyên dự trại sáng tác văn chương của các ngành, hội trung ương, địa phương mời. Nghĩa là cái sự viết hay nói đúng hơn với anh là nghiệp viết như đã mặc định vào anh không thể khác. Chị Võ Thị Quỳnh - người bạn đời - người bạn đường tận tụy hiền ngoan, cũng là đồng nghiệp (chị Quỳnh là giáo viên văn chương, họa sỹ) của Nguyễn Quang Hà, kể rằng: “Mỗi lần rong ruổi khắp các miền đất nước trở về nhà sống bên vợ con, hằng sớm hay mỗi chiều thường nhật, Nguyễn Quang Hà lại ra thắp nhang cúi đầu đứng lặng trước tượng đài các liệt sĩ Đại đội Ngô Gia Tự, miệng thì thầm gì đó với cõi cao xanh tịnh vắng. Rồi Nguyễn Quang Hà trở vào nhà đến ngồi nơi bàn viết. Viết như là sự sống của anh.

Là đồng đội cùng thời với anh. Là bạn vong niên của anh, tôi cầu chúc cho người đàn anh - nhà văn Nguyễn Quang Hà có thêm sức khỏe để tiếp tục thực hiện ý nguyện đời mình: Ghi lại những “dữ kiện, tư liệu” của một thời đã qua để góp cho đời và cho mai sau, như anh hằng mơ ước.               

V.Q.V
(TCSH398/04-2022)

 

 

Các bài mới
Chùm thơ Nguyễn (13/05/2022)
Các bài đã đăng