Tạp chí Sông Hương - Số 398 (T.04-22)
Sóng Mỹ Hòa đủ để bạc đầu
09:03 | 23/05/2022

TRẦN BĂNG KHUÊ

            Bút ký dự thi

Sóng Mỹ Hòa đủ để bạc đầu
Biển Mỹ Hòa - Điền Lộc, Phong Điền - Ảnh: internet

Trong số báo 397 tháng 3/2022, Tạp chí Sông Hương đã đăng Thể lệ Cuộc thi bút ký về chủ đề “Di sản, văn hóa và con người Thừa Thiên Huế” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế tổ chức, diễn ra trong thời gian từ ngày 15/3/2022 đến ngày 15/10/2022. Tạp chí Sông Hương là nơi nhận và đăng bài dự thi. Đây là cuộc thi mang ý nghĩa với đời sống văn hóa và văn học nghệ thuật vùng đất Cố đô, góp phần xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Từ số báo tháng 4/2022 này Tạp chí Sông Hương sẽ đăng tải bút ký dự thi. Ban Tổ chức mong nhận được sự hưởng ứng tham gia nhiệt tình của các tác giả trong tỉnh và trên cả nước.

Sóng Mỹ Hòa đủ để bạc đầu

 

1.

Những con sóng bạc tranh thủ chạm vào chân rồi tan ra. Cậu trai trẻ mái tóc xoăn, đôi mắt sâu thẳm nhìn xoáy vào đường chân trời. Dưới ánh sáng bình minh le lói tôi thấy cậu so đôi vai trần. Mùa hè bỏng lửa.

Phía sau lưng cậu là rặng phi lao chắn cát. Tiếng rì rào của biển, của lao xao khua gió. Cậu lặng im, ngắm nghía từng khoảnh khắc mặt trời mọc lên tròn to đỏ, cháy khát vọng trong đôi mắt anh bạn trẻ. Cậu là một vị khách nhỏ khá đặc biệt. Lần đầu tiên ghé thăm quê tôi, ngạc nhiên về sức sống của những cư dân miền biển khi bước chân vào nhà chào hỏi người nhiều tuổi nhất nhì trong làng.

Sáng sớm hôm nay, cậu đứng trước biển của tôi, biển của những con người da nâu rám nắng, chất phác gắn bó đời đời với nghề chài lưới, với con cá con tôm nhiều thế. Một vị khách như cậu, hẳn là, đang có sự đồng cảm nào đó. Tôi nhìn cậu. Tôi và cậu cùng nhìn về phía mặt biển đang được dát vàng bởi thứ ánh sáng thuần khiết ấm áp của mẹ thiên nhiên. Mặt trời bắt đầu không còn giữ nguyên hình dạng mà tan thành sắc nắng, quét đều lên cả bãi cát dài lấp lánh. Cậu mê mải ngắm nghía thưởng thức chân trời riêng nào đó trong mộng tưởng tuổi trẻ.

Con đường bê tông dài nằm chính giữa làng, xuyên suốt từ biển về tới căn nhà ba gian truyền thống quen thuộc dễ bắt gặp ở bất kỳ thôn xóm làng xã nào của xứ Huế. Ánh sáng trong đôi mắt mờ đục nhưng vô cùng sắc sảo tinh anh đang ngồi móm mém nhai trầu ở hành lang cất tiếng hỏi cậu, “về với biển có vui không con?” Cậu mỉm cười bẽn lẽn. Tôi chợt nghĩ, có lẽ dăm năm sau, ngày cậu ghé thăm biển của tôi lần nữa, thì người đàn bà hơn trăm tuổi kia cũng đã từ biệt biển để về với đất cát tổ tiên xa xôi rồi.

2.

Biển xưa - nay vẫn vậy, chẳng hề biến động đổi thay, nhưng sự sống và cái chết lại là một minh chứng hiện tồn rõ rệt nhất của thời gian, của đời người ngay tại vùng quê này. Từ biển, tôi lội ngược trở lại theo những nhánh sông, để được miên man kể lể câu chuyện của sóng, của nước, của những mái đầu bạc trắng theo chiếc thuyền ra khơi trong tâm trí ít ỏi của tôi. Từ biển, tôi cho phép dòng ký ức, thu vén mọi góc khuất của thời gian được giấu kín qua những cuộc đời, những sự tồn tại đã từng hiển thị từ ánh mắt, nụ cười đến khi chỉ còn là cát bụi hư vô như người đàn bà ấy.

Một ngày mưa xám lạnh tháng mười năm ngoái, tôi lại chạy về làng biển Mỹ Hòa trong tâm thế khác, không như những lần trước, những mùa hè nắng trở đều trên ngọn cây. Tôi đi qua những cánh đồng mênh mông mùa màng vàng bông lúa, hay đỏ chót những hàng ngang lối dọc của mùa ớt chín. Thời tuổi trẻ, tôi theo những chuyến xe thẳng quốc lộ 1A ra Mỹ Chánh, để trở về làng biển. Nhưng bây giờ tôi có thể chọn lối đi khác, chẳng hạn bon bon xe máy ngang Sịa thuộc huyện Quảng Điền, hoặc theo Quốc lộ 49B hướng cửa biển Thuận An, qua cầu Ca Cút. Tôi nhớ người đầu tiên đưa tôi về làng biển nghèo heo hút gió những tháng năm bé nhỏ ấy là người đàn bà góa, môi đỏ răng đen vừa mới rời bỏ cõi bụi trần, rời bỏ làng biển đã tồn tại cùng những thăng trầm chiến chinh, hòa bình.

Trong ký ức trẻ con, dù chỉ chút ít thôi hình ảnh lênh đênh trên chuyến đò mà tôi không biết phải mất bao nhiêu thời gian, nhưng tôi cảm giác dường như lâu lắm mới về tới làng biển thì phải. Trẻ con thì chỉ biết ăn biết ngủ, nhưng đứa trẻ như tôi đã từng thắc mắc, “sao đò chạy mãi chưa tới?” Đứa trẻ như tôi đâu biết, đò ngang - đò dọc là gì? Tôi còn nhớ phải ngủ mấy giấc, ăn hai ba lượt cơm trong chiếc lon gô bằng thiếc kỷ vật thời còn ly loạn mà người ấy bới theo suốt chuyến đò dọc mới chạm được chân không trên cát, mới nhìn thấy sóng bạc đầu dồn dập xô vào bờ cả đêm lẫn ngày ở làng biển nghèo những tháng năm xưa.

Dù rằng tôi không hình dung được nhiều cái cảm giác ngủ trên đò trong ký ức tuổi thơ, nhưng khi trưởng thành mỗi lần trở về với làng biển, thi thoảng lại được nghe người ấy hò đi hò lại mấy câu ca đầy trăn trở cuộc đời của kẻ đứt gánh giữa đường:

“Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp,
Em qua không kịp tội lắm anh ơi.
Ngờ đâu mà duyên trời sớm dứt,
đêm em nằm tấm tức lụy nhỏ tuôn rơi.
Vì ai mà mang tiếng chịu lời.
Đôi đứa mình xa cách, bởi ông trời mà xa”.

Tôi không để ý lắm đến những tâm tư trĩu nặng trong mấy câu hò ấy mỗi lần vui chuyện với con cháu, hoài nhớ một thời đoạn vất vả được cất lên từ người đàn bà miền biển. Hoặc sau này, nếu thắc mắc tôi cũng chỉ tự hỏi liệu có phải, người đàn bà góa ấy là người con của xứ Huế, mà đến cả lời ca tiếng hò cũng trở thành một phần máu thịt vô hình, dù rằng tôi biết bà chỉ võ vẽ đọc được dăm ba chữ.

Câu chuyện mà tôi luôn được nghe kể đi kể lại như một niềm tự hào, một động lực giúp bà gánh vác trên đôi vai gầy guộc cả đàn con cháu, sống vừa đủ hai thế kỷ đó là hình tượng một người đàn ông làm nghề chài lưới, tự học chữ, tự rèn chữ từ thế kỷ trước. Một hình tượng trong lòng người đàn bà góa ấy cho đến tận phút cuối lìa khỏi thế gian trở về với cát bụi vô thường. Dõ, tên người đàn ông họ Trần, đã nằm lại trên cánh đồng khoai dưới làn bom đạn những năm chiến tranh.

3.

Điền Lộc thuộc vùng Ngũ Điền, huyện Phong Điền, cách thành phố Huế khoảng 50km về hướng tây nam. Phía đông giáp Biển Đông, phía tây giáp xã Phong Chương; phía nam giáp xã Điền Hòa; phía bắc giáp xã Điền Môn. Gồm có bảy thôn: Nhất Tây, Nhì Tây, Nhất Đông, Nhì Đông, Giáp Nam, Tân Hội, Mỹ Hòa.

Những năm mười lăm tuổi, mười tám tuổi, mọi không gian tạo nên ký ức đối với tôi hệt như một khung trời đầy mộng tưởng, nhiều suy tư nhiều lưu luyến khi mắt được thấy tai được nghe những âm vị mới mẻ về một nơi đầy huyễn hoặc và chất thơ như sông Hương núi Ngự này.

Tôi không định mô tả lại những chuyến đi, nhưng chắc chắn hình ảnh ngày xưa mỗi lần cả người lẫn xe máy lên đò trung chuyển một đoạn trên phá Tam Giang ở bến Cồn Tộc rồi qua bến Vĩnh Tu (Quảng Ngạn) mới về được làng biển Mỹ Hòa đã ít nhiều cho phép tôi được phiêu lưu thứ xúc cảm tuổi trẻ giữa mênh mông sóng nước Tam Giang, hoặc trước biển trời xanh ngắt của làng Mỹ Hòa, thuộc xã Điền Lộc. Những năm tháng đó vì thế cũng vô tình hay hữu ý mà gắn kết thành một câu chuyện nối dài ký ức đời người của bất kỳ ai đã từng sinh ra lớn lên ở nơi này hoặc có khi chỉ của riêng tôi.

Bến đò Ca Cút nằm trên đoạn hẹp nhất của phá Tam Giang là nơi luân chuyển những người phương xa trở về với làng biển, bỗng nhớ một đoạn ca dao, kể lể câu chuyện tình trắc trở của người xưa:

“Đường vô xứ Huế quanh quanh.
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ.
Thương em anh cũng muốn vô
Sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang”.

Thời đoạn ấy chưa có chiếc cầu bắc ngang phá Tam Giang như bây giờ.

Lẽ dĩ nhiên, thứ mà tôi tưởng nhớ về một nơi chốn tôi không sinh ra, nhưng cũng đủ dưỡng nuôi tôi hết một phần linh hồn tuổi thơ cho đến tận bây giờ. Và tôi, trở về trong thời điểm này, chỉ để cố gắng đối mặt với chính bản thân trước biển để hòng chấp nhận một sự rời bỏ của ai đó, của một con người đã sống qua hai thế kỷ gắn bó với miền thùy dương cát trắng thân thương bao nhiêu thế hệ ấy. Có thể, tôi nghĩ, việc trở về làng biển, chỉ để được nhìn thấy không khí biển mùa đông xám lạnh, khi những con thuyền nằm im úp ngược dưới chân sóng.

Những ngày mưa gió, tôi thường ngại bước chân ra biển, dù biển đã nằm ngay sau lưng nhà. Mỗi lần đứng trước biển, hẳn ai cũng sẽ có chung một cảm thức suy tư miên man dưới chân sóng, cùng với những chiều không gian sâu và rộng kia để trôi xa thật xa khỏi thực tại. Tôi nghĩ đến những mùa bão. Vừa xa vừa gần, như mới hôm qua, ở đâu đó nơi xứ Huế này còn khóc thương mất mát, còn thấy một người đàn ông quỳ lạy bốn phương đất trời giữa thăm thẳm mênh mông nước chỉ để cầu xin tìm được xác vợ con bị mùa lũ cuốn trôi đi mất.

4.

Ngược dòng thời gian cách đây dăm năm, tôi biết mùa bão luôn ám ảnh trong ký ức tôi và những người con xứ Huế. Hết bão, Huế cũng hửng nắng dần, trời xanh và trong, cây dẫu thưa cành ít lá, vẫn vươn mầm non không có tuổi lặng im bên cuộc đời tấp nập. Tôi nghĩ mùa này hẳn là chưa qua hết dư âm của những ngày mưa bão, biển vẫn còn động. Làng quê chài lưới của tôi chắc cũng chẳng náo nhiệt gánh cá từ dưới biển lên mỗi sớm hoặc giành nhau từng mớ rau từ trong chợ đưa ra. Ấy thế mà, trưa vừa về tới ngõ, đã nghe tiếng lao xao của các chị, các o, “cá lên, cá lên rồi”. Rứa là tiếng chân bước rộn rạo, tiếng dép nhựa lẹt xẹt từ nhà trước, nhà sau, tiếng các o trọ trẹ hỏi giá, hỏi “mớ cá này bao nhiêu một ký?”.

Vừa từ phố thành trở về làng biển, mới chào hỏi người đàn bà sống hai thế kỷ dăm ba câu, nhìn ra cổng đã thấy một chị bưng rổ cá nhỏ bên hông, thấy người đàn ông tuổi sáu mươi chạy ra nhìn ngó rồi quay vào hỏi, “có cá thởn, cá hố, ăn không cô gái nhỏ?” Dĩ nhiên. Làng biển mà, đất cát sạch bong, thả dép đi chân không mới sướng, nhìn rổ cá tươi lấp lánh mắt nắng, còn vương mùi muối và hơi biển phả ra đã cười tít gật đầu cái rụp rồi. “O hốt hết cho tui hai mớ đó luôn, bốn con cá thởn, bốn con cá hố, ri là mấy?”, người đàn ông nói. Chị bán cá vừa đưa tay bốc cá cho vào túi ni lông vừa thủng thẳng, “cả mớ ni sáu chục chẵn chú nờ”. Tôi nghĩ bụng, thành phố chừng ni cá, e là phải cả trăm ngàn chớ giỡn. Nhưng, kiểu gì thì kiểu, các o các mệ kho cá kiểu Huế ngon lắm. Tôi ưng kiểu cá kho quẹt, khô. Bởi vậy lần nào về với làng biển cũng được mang lên thành phố món cá nhờ tay o, người đàn bà góa thứ hai trong nhà, tuổi cũng đã hơn bảy mươi mùa xuân có lẻ, nhưng vẫn nhanh nhẹn, tháo vát chuyện bếp núc kho nấu lắm. Với lại o mà kho cá thì mấy đứa cháu háu ăn cũng phải ngồi vét sạch nồi trộn cơm cho đã thèm. Mẹ của o, hơn trăm tuổi vẫn minh mẫn cũng khen o nấu kho quẹt rất ngon, dù thi thoảng hay ràm o về việc đãng trí, làm đâu quên đó, cho đi không tiếc thứ gì. Mà đời cũng phù phiếm lắm, người biết cho không nghĩ ngợi, đâu phải nhiều.

O ra biển về, nhìn thấy mớ cá tươi treo móc trên gánh, tự động lấy xuống, vừa làm vừa hỏi vọng, “cá ba mi mua hả con?” Tôi chạy ra bếp, giọng thủng thẳng nịnh o, “Dạ, ba nói o kho quẹt ngon lắm, o làm cho con, lâu rồi con không được ăn cá kho quẹt của o”. Dăm ba phút loay hoay, từ trong nhà trên tôi đã nghe mùi cá thơm phức nghẹn mũi, mùi của biển mùa hanh hao cơn gió mằn mặn sau bão.

Nắng lên, mọi thứ cũng bớt đi mùi ẩm mốc xám xịt, nụ cười cũng nở nhiều trên môi mọi người hơn thì phải? Tối lại, o dọn cơm sớm. Nhìn mâm cơm có đĩa cá thởn, dăm lát cá hố tươi kho quẹt đậm màu ớt bột, hương vị quen thuộc của Huế vừa cay nồng vừa thơm mùi củ nén xanh màu lá hẹ. Cha con tôi chỉ đợi vét nồi khi cá đã hết. O thì nói, “o cất một ít mai bới vào chiếc hộp cho con mang lên phố”.

Tôi nhớ lúc ra biển, có mấy chiếc ghe về khi xế trưa, ghe nào cũng thấy những khuôn mặt rạng ngời nụ cười khi đang gỡ lưới. Cá mắc vào lưới, chỉ là số cá nhỏ như cá khoai, cá thởn, cá trích, cá bạc má, ít con cá on bé tí, vậy mà cũng đủ để người ở làng chài lưới xa thành phố này sung sướng đến vỡ oà trên ánh mắt hiền hòa tình thương mến thương chân chất. Có lão già bạc tóc, ngồi gỡ lưới một mình trên thuyền, miệng cười mỉm, tay gỡ lưới, tay đưa lên vẫy vẫy chào mấy kẻ lạc bước giữa sóng trắng quê nhà. Rồi cũng có lần trở về lang thang ra biển, lại thấy một lão râu bạc tóc cũng bạc khác, đôi mắt sáng lấp lánh ngồi thẫn thờ trên bãi cát nhìn ra phía chân trời. Mà phải đâu ai xa lạ, ông bác họ, trưởng tộc Trần nhà tôi. Nghiêm cẩn ít nói. Nhưng cũng thăng trầm gần một đời phiêu bạt núi rừng xa xôi, mới trở về quê thờ tự giữ hương khói. Hẳn là ông nhớ những cánh buồm.

Có lần, tôi nhìn thấy ông đang ngồi lặng im trước biển, tôi không định làm phiền khoảnh khắc tư lự ấy của ông. Nhưng ông biết tôi đến gần, ông buột miệng chỉ về phía chân trời xa, về phía những cánh buồm no gió và nói, “trái tim của làng mình là ở đó”. Thế mà tôi chỉ nghĩ đơn giản về việc những người già như ông đang hoài niệm về tuổi trẻ, hoặc cũng có thể là những người đàn ông quen thuộc cùng thế hệ đã rời bỏ cuộc chơi, rời bỏ đầu sóng ngọn gió mà nằm im lặng dưới mấy tấc đất cát sau rặng phi lao xào xạc.

Có hôm, buồn tình chạy về với làng biển mấy ngày mưa đầu tháng mười hai, thấy nước lên tràn bờ, thấy người ta buông vó bên đường lạnh cóng mù sương xám lại chạnh lòng. Chắc hẳn ngoài quê chẳng có con thuyền nào ra khơi, chúng sẽ nằm gối bãi mà nghe tiếng sóng dập vùi; hẳn là không có ai ngồi gỡ lưới như ông cụ tóc bạc mùa hè năm ngoái, năm kia mỉm cười sung sướng những ngày trời nắng ráo. Thế mà về đến nhà cũng mong ngóng chị bán cá bê rổ đi ngang, dừng lại trước cửa cất tiếng rao chân chất của người xứ Huế ở quê: “Ai cá thởn, cá on khôn?”.

Hình như tiếng Huế giọng Huế tự ăn sâu vào máu, bình thường tôi vẫn dùng giọng Nam lai miền núi, chứ khi đã ra đến chợ, về tới làng, tự giác cất tiếng rặc ri như ngày xưa vẫn hay hát đùa, “ơi Huế của ta ăn mắm ruốc sặc sừ”. Vậy chớ kẻ ở gần người ở xa lòng chắc chắn nặng trình trịch nỗi nhớ quê nhà.

5.

Đêm tháng mười, năm hai không hai mươi mốt, người đàn bà của biển rời bỏ cuộc chơi. Tôi ngơ ngác trở về căn nhà ba gian quen thuộc, ngơ ngác nhìn về phía góc giường một lạnh lẽo và tôi ngơ ngác trong dòng hồi ức của riêng mình. Huế vẫn còn đang mùa bão, chỉ khác, mùa bão năm nay là mùa bão cuối cùng của con người thiết tha yêu đời sống này. Người đàn bà của làng biển Mỹ Hòa gồng gánh trên đôi vai gầy gần hai thế kỷ thăng trầm.

Tôi vốn lơ ngơ về lệ làng, về phong tục tang ma, hiếu hỷ. Thời điểm này tôi lại càng không có tâm trạng để tìm biết như những ngày tháng tuổi trẻ mỗi lần trở về làng, hào hứng hỏi han mệ với cha những hoạt động văn hóa làng xã, những câu chuyện xưa mà người già kể lại. Đơn cử như việc người Huế rất coi trọng lễ tiết gia phong, thờ cúng, ma chay. Rồi đến cả việc xây dựng đền thờ họ tộc. Trước đó, tôi cũng đã từng tò mò thắc mắc với ông bác tộc trưởng họ Trần có chòm râu bạc trắng, thời trẻ từng là y tá, mấy mươi năm cuộc đời trở về làng làm một ông già của biển cả, coi sóc việc thờ tự, giữ gìn chữ nhân - hiếu - nghĩa, khuyến khích con cháu học hành, tu dưỡng, như ông Dõ, như mệ, như cha tôi vậy.

Ngay chính giữa căn nhà ba gian truyền thống, người đàn bà hơn trăm tuổi, người yêu thương tôi hết mực đang nằm yên lặng không cười không nói, không hò vè câu lục câu bát giọng Huế thăng trầm nữa. Nhưng cha tôi thì vẫn theo quy định lệ làng mà cau trầu trà rượu mời làng khăn đóng áo dài xuống dự lễ tang của mệ. Cha tôi có giải thích khi tôi hỏi đến phong tục lệ làng về chuyện tang ma rằng, nếu nhà có điều kiện thường mời thầy chùa, thầy pháp, có ban nhạc lễ, nhà khó khăn, thì nhờ hội đồng của làng lo giúp, khuôn hội Phật giáo ở làng đến cúng tụng kinh chăm lo chu toàn. Chính nhờ những tục lệ quý hóa này của làng quê mà các tang lễ tổ chức ở làng tại xứ Huế, luôn ấm cúng và đầy tính nhân văn. Chương trình tang lễ được đặt ra tùy theo việc xem được ngày giờ chôn cất. Nếu không coi ngày giờ, nội trong ba ngày là phải chôn cất. Người chết gặp lúc cận tết phải chôn cất vào ngày ba mươi tháng Chạp, không được để sang năm mới.

Hoạt cảnh khiến tôi bất ngờ và giật mình là sáng ngày đưa tiễn mệ ra đồng, có một đội âm công với trang phục sặc sỡ màu sắc xanh đỏ, tiếng gõ trống, khua chiêng như một thứ âm thanh rộn ràng của mùa hội lễ chứ không phải tang ma buồn bã, u sầu. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy hình ảnh này, nên lại muốn thắc mắc với cha, nhưng chỉ sau khi chứng kiến đội âm công lạy mệ, xin phép đưa mệ ra khỏi cửa, rồi sau đó nhảy vòng quanh quan tài của mệ, tâm trạng tôi vừa phấn khích vừa nặng trĩu khi biết đây là khoảnh khắc cuối cùng mệ còn được ở trong căn nhà ba gian quen thuộc gắn bó trọn tình trọn nghĩa với lời thề thủy chung son sắt của một đời người đàn bà chuẩn mực xứ Huế.

Mới đó mà hết một mùa đông, hết một mùa xuân lặng lẽ của thời đoạn dịch bệnh, tang thương. Tháng ba cũng sắp qua. Tháng tư, tháng năm đã bắt đầu đợi để chạm tay đến từng khuôn mặt người xứ sở miền Trung mưa dầm nắng gắt. Huế của tôi, làng biển của tôi, người đàn bà tảo tần một đời chắt chiu cho con cháu của tôi cũng đã sống trọn vẹn, viên mãn, vừa lòng đẹp dạ đất trời.

Tôi trở về với biển. Mùa hè. Căn nhà ba gian lặng lẽ. Nơi cánh cửa vắng một bóng người vẫn thường ngồi trên chiếc ghế nhỏ, nhìn ngắm xa xôi tận chân trời. Tôi rời gót, men theo con đường bê tông của làng cùng với o, với cha và những người bạn, đi về phía những rặng phi lao. Nhà của mệ bây giờ ở đó.

Đứng trước mộ phần chỉ mới đắp gạch đúc xi măng của mệ, cậu trai trẻ tóc xoăn, vị khách nhỏ tuổi năm xưa, giờ cũng theo chân tôi về thắp nén hương cho mệ. Cậu bảo, cậu muốn ra biển. Biển của tôi liệu rằng có khác biển của cậu? Một người ở đầu, một người ở cuối phá Tam Giang. Cậu trầm ngâm: “Mệ từ khi chân yếu mắt mờ, chắc chưa bao giờ ra biển trở lại phải không chị?” Tôi nghĩ, nhưng không nói ra thành lời với cậu, bởi vì tôi hiểu, biển đã tiễn đưa mệ bằng tiếng sóng bạc đầu trăm năm từ lâu lắm rồi.

Bên cạnh phần mộ của mệ là bức hình họa được khắc trên bia đá do cha tôi vẽ bằng một cây chì kẻ mắt người đàn ông làm nghề chài lưới làng Mỹ Hòa, thuộc tộc họ Trần Công, tạ thế năm 19...

T.B.K
(TCSH398/04-2022)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Chùm thơ Nguyễn (13/05/2022)
Xuống trần (06/05/2022)