Tạp chí Sông Hương - Số 398 (T.04-22)
Khi nào ba trở về?
14:07 | 27/05/2022

L. CHOIJILSUREN (Mông Cổ)

Vụ mùa năm đó bội thu khác thường. Mùa thu dài lê thê và chim chóc dường như không muốn rời tổ. Chúng bay theo hình cánh cung trên cánh đồng bao la từ sáng đến tối, như muốn chào đón người từ mặt trận trở về.

Khi nào ba trở về?
Minh họa: NGÔ LAN HƯƠNG

Chiến tranh đã kết thúc, mang niềm vui đến trên khuôn mặt mọi người. Sau 6 năm căng thẳng trấn giữ biên giới, trong đó có một thời gian ngắn nhưng nguy nan đối diện với kẻ thù, những người lính trở về nhà, sống đời hòa bình.

Con đường cao tốc dẫn về phía tây, đi xuyên qua trung tâm của các trang trại rồi chẻ ra làm hai tại đầu một thung lũng rộng, trù phú. Có tiếng máy cày, máy gặt và tiếng xe tải vang vọng ngày và đêm trên các cánh đồng. Cả thung lũng đầy ắp tiếng động cơ ù ù. Có một bức màn bụi bao phủ trên đường cao tốc và đèn pha xe tải chiếu xuyên qua nó, như những ánh sao lang thang trong truyện cổ tích.

Một số xe tải chở đầy lính trẻ mặc áo xanh bạc màu dừng lại gần trụ sở chính của các trang trại. Họ nhảy xuống xe, tay phủi bụi trên áo quần, tươi cười nhìn ngó xung quanh. Gió nóng làm khuôn mặt họ trở nên thô rám. Họ vừa được chở xuyên qua sa mạc cát, trong khát khao được trở về nhà, được uống nước, trong hạnh phúc được nhìn ngắm bầu trời, phong cảnh quê hương. Họ bước nhanh đến chỗ những người đang ra đón và biết rằng đó có thể là anh, là cha, là mẹ của họ. Những người đàn ông và đàn bà già cả hỏi họ ngay: “Các cháu có biết con trai của bác không? Các cháu có gặp nó không? Khi nào thì nó được giải ngũ?”. Chưa bao giờ những người lính phải nghe hàng trăm người lạ hỏi những câu tương tự trong một quãng thời gian ngắn và sau một chuyến đi mệt mỏi.

Trong số những người vây quanh những chiếc xe tải, có một người nôn nao và đầy hy vọng nhìn vào mặt những người lính. Chị xấu hổ không hỏi họ những câu hỏi vô tận, làm họ thêm nhọc nhằn. Tserma không tiến tới chỗ họ nhưng nhìn dán vào họ, như cố nhớ ra nét mặt họ. Sau đó, chị nhìn dài theo các chiếc xe tải đang rời đi.

Chị nghĩ, “Tất nhiên không phải ai cũng có thời gian phục vụ dài như nhau. Rõ ràng là khó có thể xuất ngũ chỉ sau một thời gian ngắn. Hơn nữa, ảnh là sĩ quan, và như người ta nói, sĩ quan cần ở trong quân đội”.

Gansukh là cậu con trai duy nhất trong gia đình và chỉ vừa lên sáu. Khi ba cậu nhập ngũ, cậu cũng vừa biết rửa chén cho mình. “Khi nào ba về nhà hả mẹ?”, cậu thường hỏi mẹ và Tserma thường trả lời rằng, ba sẽ sớm trở về, dù chị không có thông tin về chồng. Mẹ cậu nói, điều quan trọng là cậu hãy ăn no, chóng khỏe, ba sẽ về bất ngờ, như chim đến vào mùa xuân.

Có một tin vui đến tối hôm đó, như gió lốc mùa xuân quét qua các trang trại. Đó là con trai của lão Damba đã trở về. Mọi người kéo lại trại của ông. Cậu là học trò của Tserma. Chị đến và hỏi thăm tin tức về chồng mình. Khi tới trại của lão Damba, chị thấy lão đang chùi mồ hôi trên mặt. Lão đang nhóm lửa.

“Ồ, cô giáo của con tôi!”, lão vui vẻ nói. “Mời cô ngồi, vị khách đáng mến!”

Nhiều người đứng dậy nhường lối đi cho chị.

Người lính đang ngồi trên ghế đẩu, có cài huân chương trên ngực áo. Người ta có thể thấy anh là người lính từng trải và chăm chú lắng nghe anh nói.

“Không nói quá! Tôi đã có 5 năm ăn khẩu phần của lính! 5 năm trong quân đội giống như 5 năm leo lên và leo xuống ngọn đồi. Chúng tôi đã biết cái nóng của mùa hè và cái giá băng của mùa đông. Nhưng biết làm sao! Có những lúc biên giới không yên tĩnh. Nhưng chiến tranh giờ đã kết thúc và những ai đã phục vụ 5 năm hoặc chỉ 5 tháng trong quân đội đều sẽ được giải ngũ”.

Câu nói cuối cùng của người lính làm cho Tserma thấy ấm lòng. Chị muốn hỏi thêm người lính nhưng không biết nói sao. Chị hiểu rõ về chiến tranh mà! Ông chủ nhà biết được suy nghĩ của Tserma nên ngắt lời người lính.

“Nào con trai! Anh không biết Sanja đang ở đâu phải không? Nhưng anh biết là nó sẽ được trở về chứ?”.

Tất cả mọi người đều nhìn về phía cô giáo. Chị nín thở nhìn người lính và hình như chị biết là mọi người đang nghe tim chị đập mạnh. Trong vài giây, chị thấy người lính ấp úng, nói năng thiếu mạch lạc.

“Vâng, vâng, chiến tranh là chiến tranh mà”, người lính tiếp tục nói. “Người ta không thấy gì ngoài khói và lửa, không có cuộc chiến nào là không đẫm máu. Tôi không cần phải nói về những người lính Mông Cổ. Họ quên mình, chỉ còn căm hận và nỗ lực đánh tan quân thù. Khi vượt qua biên giới, tôi không còn nhận ra ai, không biết họ ở đâu và thuộc đơn vị nào. Tôi không biết gì về Sanja. Chúng tôi không gặp nhau. Thi thoảng người ta có gặp người quen trên chiến trường nhưng có vẻ họ chưa bao giờ biết nhau trước đó”.

Mọi người xì xào rồi cúi mặt, người lính nói tiếp, “Tôi nhớ có lần chúng tôi tiến công..., rút kiếm ra và hô xung phong...”.

Nhưng Tserma không còn muốn nghe nữa, chị đi vội về nhà. Sau khi gặp người lính, chị thấy lo âu nhưng không hiểu sao. Trong cử chỉ và lời nói của anh ấy, có gì đó khác thường. Chị dường như nghe có tiếng ai thì thào bên tai, “Chị đừng lo lắng, nhưng lo lắng là không thể tránh khỏi, dù gió sẽ cuốn nó đi...”. Suy nghĩ này làm chị thêm u buồn. Không biết sao, Tserma mở vali, lấy ra thư từ và giấy tờ của chồng. Chị luôn vui tươi khi đọc và khi nhìn chúng. Đây là giấy tờ liên quan đến việc tặng huân chương cho anh ấy sau trận đánh ở Khalkhin Gol. Nhiều năm đã trôi qua kể từ đó!”.

Bỗng có gì đó rớt xuống sàn nhà. Tserma giật mình nhìn nó. Cậu bé Gansukh mặt đỏ lè đang đứng bên tủ bát đĩa, dưới chân cậu là một chiếc lọ thủy tinh.

“Con làm bể chiếc lọ ba con thích nhất rồi!”, Tserma hoang mang nói.

Nhưng không. Chiếc lọ vẫn còn nguyên. “Có điềm lành rồi!”, chị thở ra nhẹ nhàng và chợt nghĩ.

“Con muốn đặt nó lại ở dưới”, Gansukh nói như đang có lỗi. “Con muốn tìm thật nhiều kẹo để khi ba trở về, chiếc lọ sẽ có đầy kẹo. Được không mẹ?”.

“Được, được! Ý hay đó!” Tserma ôm hôn con và nói.

“Vậy chớ khi nào ba về hả mẹ?”

“Ba con sẽ sớm về. Con hãy kiên nhẫn một chút”.

Ngày hôm sau, khi Tserma đến trường mẫu giáo để đón Gansukh, cậu bé nhìn mẹ và hỏi, “Ba về chưa mẹ?”

Chị dắt con đi qua một hàng cây vừa mới trồng, có lá khô vàng đu đưa trong gió. Các nhánh cây trơ trọi, như các cánh tay đang giơ lên trời để cầu nguyện. Với Gansukh, chúng đang khóc. Cậu nắm tay mẹ bước đi nhưng không hỏi han gì như thường thấy. Thi thoảng, cậu lấy trong áo ra hai cái kẹo và nắm chặt chúng trong các ngón tay bé nhỏ, nhìn mẹ hỏi, “Con để dành kẹo cho ba được không mẹ?”

Tserma nhìn con âu yếm. “Thật là một đứa bé đáng yêu”, chị nghĩ và sau đó, chị run run nói. “Con hãy làm những gì con thích!”

Gansukh chạy tới hỏi mẹ, “Con có thể để chúng ở đâu mẹ?”. “Đặt chúng trong chiếc lọ của ba í con!”

Gansukh mở tủ ly bát, lấy một cái ghế đẩu nhỏ, cẩn thận leo lên để lấy chiếc lọ ở ngăn cao nhất và đặt những chiếc kẹo, to, ngọt ngào vào.

Chiều hôm sau, Gansukh thấy mẹ khác thường. Khuôn mặt mẹ buồn bã, cứng đờ còn đôi mắt thì đỏ và sưng phù. Cậu bé biết mẹ có chuyện buồn và cho mẹ xem những viên kẹo đẹp cậu được phát ở trường mẫu giáo.

“Mỗi ngày con sẽ đặt một viên kẹo vào lọ”, cậu bé nói. “Do đó, khi ba về, ba sẽ có được thật nhiều kẹo”.

Điều trước tiên cậu bé làm sau khi trở về nhà là đặt một viên kẹo vào lọ rồi đứng ngắm nghía thành tích của mình. Sau đó, cậu đến bên mẹ mình.

“Khi nào ba trở về hả mẹ?”, cậu hỏi và đưa đôi mắt thơ ngây giống bố nhìn mẹ.

“Ba à con?”, chị nói bằng giọng khác lạ. “Ba sẽ về mà. Ba con về khi cái lọ đầy ắp kẹo”.

Cậu bé nhíu mày hỏi mẹ, “Sẽ còn bao lâu nữa hả mẹ?”

Tserma nuốt nước miếng nghĩ ngợi, “Nói sao đây với con trai tội nghiệp hả trời?”. Chị chỉ an ủi con bằng cách nói rằng, chiếc lọ rất to, do đó, thời gian để nó được đựng đầy kẹo là rất lâu.

Chiều đó, có một người lính vai rộng, mặc quân phục bước ra khỏi một chiếc lều màu trắng trong tiếng ồn ào ở đó. Anh gọi lũ trẻ đang chơi quanh lều lại và cho kẹo. Gansukh nhận kẹo và trở về nhà mình ngay.

“Mẹ ơi! Mẹ ơi!”, cậu kêu lên từ xa. “Ba thằng Zorig về rồi mẹ ơi! Sao không thấy ba con về hả mẹ?”

“Con sẽ đặt kẹo vào lọ, cho tới khi ba về. Con sẽ không ăn kẹo được cô cho ở trường đâu”.

Không cầm được lòng khi nghe con trai bi bô, Tserma bước ra khỏi lều.

Bây giờ, chiếc lọ đựng kẹo làm Tserma đau đớn. Lúc đầu chị hy vọng con trai chị sẽ quên lãng việc bỏ kẹo vào nhưng điều này không xảy ra. Mỗi sáng, sau khi thức dậy, chùi mắt, cậu bé đến bên tủ ly bát và chăm chú nhìn vào cái lọ.

Sau khi đưa con về nhà từ trường mẫu giáo chiều hôm ấy, Tserma đi đến bên tủ ly bát và vung tay ngạc nhiên vì chiếc lọ đã sắp đầy kẹo. Chị thấy đau khổ. Chị sẽ nói sao khi con trai hét lên, “Mẹ ơi, nhìn kìa! Chiếc lọ đã đầy rồi!” rồi vui sướng ôm chị, sau đó nhảy chân sáo quanh nhà?

Chị bỗng nảy ra một ý. Chị phủi bụi bám quanh chiếc lọ và lấy ra một viên kẹo. Gansukh không nhận ra điều này. Cậu lại bỏ vào lọ một chiếc kẹo sau khi đi học về. Tserma lại lấy nó ra.

Sau một thời gian, Gansukh bắt đầu nhận ra là có điều gì đó khác lạ. Chiếc lọ vẫn chưa đầy. Cậu ngạc nhiên và giận dỗi kết luận rằng, chuột đã ăn kẹo. Cậu từng nghe kể là khi một đứa bé bị bệnh, chuột sẽ lôi một vại nước đến cho đứa bé đó uống mà mắt người không thể nhìn thấy. Vâng, nếu chuột có thể lôi được một vại nước thì nó cũng có thể lôi được kẹo. Gansukh quyết định lấy một cái chén gỗ lớn đậy chiếc lọ lại. Giờ thì lũ chuột chẳng thể làm được gì!

Hôm đó, Zorig đeo một huy hiệu quân đội đến trường. Gansukh rất ganh tỵ.

“Ba mày cho mày luôn hả?”

“Cho luôn à? Mày đùa đó hả? Tao có được tình cờ. Nhưng sao mày không mang huy hiệu của ba mày? Huy hiệu của ba mày chắc đẹp hơn. Tao thấy ba tao đưa nó cho má mày. Má mày có cho mày thấy nó không?”

“Nó nói láo”, Gansukh nghĩ.

“Má mày nói gì mày biết không? Má mày nói sẽ giấu nó nhưng sẽ trao cho mày khi mày lớn lên và đi đến trường tiểu học”.

“Má tao nói vậy à?”, Gansukh có vẻ tin vào lời Zorig nói.

“Nói có Chúa! Chính mắt tao thấy nó. Nó nằm trong một chiếc hộp đỏ nhỏ”.

“Ba mày có nói là ba tao sẽ trở về không?”

“Không, nhưng tao có nghe được một số chuyện. Tao vờ ngủ nhưng tai thì lắng nghe. Ba tao nói ba mày đi trinh sát. Khi tao mở mắt để nhìn, tao thấy má mày khóc.

Zorig nói thì thào những lời cuối nhưng Gansukh nghe rất rõ. Tim cậu đập mạnh còn tóc thì như dựng lên. “Nếu mẹ khóc thì điều đó có nghĩa là ba sẽ không bao giờ trở về nữa”, cậu thầm nghĩ. Nước mắt cậu đầm đìa nhưng cậu nắm chặt nắm tay, kìm nén cảm xúc. “Nhưng mẹ đã giấu, không nói là ba sẽ không bao giờ còn trở về”, cậu tiếp tục nghĩ. “Mẹ biết nhưng mẹ không nói”. Cậu tự mình trở về nhà chiều hôm đó, không cần mẹ đón.

Cậu nghẹn ngào khi nhìn qua khe cửa, thấy mẹ mình đang ngồi kiểm tra vở của học trò. Làm sao cậu có thể hỏi mẹ về điều khủng khiếp và không thể tin được mà cậu vừa biết!

Cậu rụt rè cười và bước qua ngưỡng cửa, đặt mũ lên giường, nhanh tay lấy trong túi áo ra hai viên kẹo, bước tới nhưng bỗng dừng lại. Cậu có nên bỏ chúng vào lọ không? Cậu rón rén liếc nhìn mẹ.

Tserma bắt gặp cái nhìn của con trai mình. Chị ngừng kiểm tra vở và đứng dậy.

“Sao con không thay đồ?”

Chị đi ra ngoài lấy củi. Gansukh lặng nhìn chiếc lọ và thấy là kẹo đã bị lấy đi. Không còn ngờ vực gì nữa, có ai đó đã lấy đi kẹo trong lọ!

“Hôm nay ở trường có vui không con?”, Tserma hỏi khi ôm củi vào nhà.

Dù mẹ cười nhưng Gansukh thoáng thấy có nước mắt trong mắt mẹ. Vậy là Zorig đã nói thật, nhưng cậu không bật khóc. Bây giờ cậu là người đàn ông duy nhất trong nhà! Không, cậu không được khóc! Nếu cậu khóc, mẹ sẽ khóc theo! Mọi sự sẽ khá hơn nếu cậu có chiếc huy hiệu mà Zorig đã nói. Nếu có thật là ba thằng Zorig đã mang chiếc huy hiệu của ba cậu về cho mẹ cậu, sao mẹ lại giấu nó đi?

Đầu óc Gansukh chỉ nghĩ về chiếc huy hiệu. Cậu nhìn quanh ướm xem mẹ cậu đã giấu cất nó ở đâu. Cậu không muốn hỏi mẹ, vì mẹ sẽ không nói.

Chiều tối đó, Gansukh không ra chơi với tụi bạn như thường lệ, nhưng ngay khi mẹ cậu lên trường có việc, cậu lấy ra chiếc chìa khóa và mở vali. Cậu lục tung mọi thứ và cuối cùng cậu thấy một cái hộp nhỏ màu đỏ ở dưới đáy vali. Cậu nín thở lấy nó ra, đặt trên bàn, chùi lòng bàn tay đẫm mồ hôi vào quần và bắt chước ba cậu, đằng hắng, rồi mở chiếc hộp ra. Đúng vậy! Có một chiếc huy hiệu to đẹp, không giống thứ của người khác. Trên nước men lóng lánh có in hình một kỵ sĩ lưng đeo súng trường sau lưng, bên hông là kiếm, đang cầm ống dòm... Lúc đó, Gansukh khám phá ra điều kinh hãi, người kỵ sĩ trên huy hiệu là ba cậu!

Cậu lấy tay áo cẩn thận chùi chiếc huy hiệu rồi mở chiếc ghim phía sau nó ra. Chiếc ghim này được dùng để cài huy hiệu vào áo. Ý nghĩ này làm cho cậu vui nhưng nó cũng làm cho cậu đánh rớt chiếc huy hiệu xuống nền nhà. Cậu run run nhặt nó lên rồi lặng lẽ nhìn chiếc vali. Cậu nhìn chiếc huy hiệu và thấy sợ hãi. Đó hóa ra là do khi lục tìm chiếc hộp đỏ nhỏ đáng yêu, cậu đã làm tung lên mọi thứ. Nếu mẹ về bây giờ thì sao? Khoảnh khắc tiếp theo, cậu xếp mọi thứ vào vali, lấy hết sức ấn mạnh xuống để đóng nắp lại nhưng không được. Tserma về nhà và muốn pha trà. Khi chị mở tủ ly bát, chị biết là hôm đó Gansukh không bỏ thêm kẹo vào lọ. Chị đứng lặng. Sao vậy? Hôm đó, cậu không ra khỏi nhà, không chơi với lũ bạn. Khi mẹ về, cậu đang ngủ say. Cậu có biết sự thật chưa? Mẹ cậu đi đến bên giường, đắp mền cho cậu và sau một hồi đứng lặng, chị thở dài và đi đến bên chiếc bàn. “Con ơi, ba con sẽ không bao giờ còn trở về nữa đâu”, chị thì thầm và quay mặt đi. Với chị, con trai hình như còn thức. “Thật lạ! Sao con mình không còn bỏ thêm kẹo vào lọ hôm nay?”. Chị lắng nghe con thở đều, lòng trĩu suy tư. “Chiến tranh không chừa ai nhưng với những người còn sống thì sao? Con trai mình giờ đã mồ côi cha. Trời ơi! Con trai mình sẽ khóc thương nếu nó biết sự thật”. Nỗi đau xuyên vào con tim chị, làm chị nghẹn ngào.

Chị nhớ lời kể một cách chi tiết của ba thằng Zorig về chồng chị. Chồng chị và anh ấy đi trinh sát gần Dolonnor và đang trở về đơn vị. Xung quanh họ đầy kẻ thù hung bạo. Họ bỗng bị lọt vào vòng vây của kẻ thù, Sanja yêu cầu đồng đội mang thông tin trở về còn anh thì ở lại cầm cự. Anh một mình chống lại nhiều kẻ địch và bị đạn bắn vào người như mưa đá. Làm sao anh có thể sống sót và tránh được súng đạn kẻ thù bốn bên? Tserma nói đi nói lại một mình những lời này và nhìn con trai đang u buồn ngủ và chỉ nhắm mắt một nửa. “Một mình anh chống lại nhiều kẻ thù... Đạn bay như mưa đá... Những viên đạn nghiệt ngã... Cầu cho những điều này đã không xảy ra!”.

Trong cơn đau, chị nhớ ba thằng Zorig đã trao cho chị một chiếc huy hiệu mà đối với chị, nó là báu vật đầy yêu quý. Đó là huy hiệu “Chiến sĩ biên giới dũng cảm”.

Chị muốn nhìn ngắm lại nó và mở vali ra. Chiếc huy hiệu không nằm ở dưới đáy vali mà nằm phía trên quần áo đã được xếp ngay ngắn.

Gansukh không hề nghĩ là ba cậu sẽ không bao giờ trở về. Cậu cho rằng ba cậu sẽ không như bà nội cậu là người đã chết vào mùa hè năm ngoái. Ý nghĩ này làm cho cậu thấy vô lý và rối rắm đầu óc. Cậu giờ thường nhìn chiếc lọ hơn nhưng với con mắt khác biệt.

Ngày nọ, Tserma trở về nhà nhưng không thấy Gansukh đâu. Khi chị đi tới tủ ly bát để lấy ra hai viên kẹo trong cái lọ như chị vẫn làm thì bỗng có cái gì đó ngăn chị lại. “Đủ rồi! Hãy dừng lại! Gansukh cuối cùng sẽ biết sự thật. Tốt hơn là mình nên nói với con. Con gần đây có vẻ thay đổi. Con đã nghe Zorig nói và đó là lý do tại sao con lục lọi trong vali”, chị nghĩ ngợi khi đứng bên cạnh chiếc tủ.

Gansukh bỗng ập vào nhà và Tserma đóng tủ lại, như một người có lỗi. Cậu không cởi áo khoác mà lấy một cái ghế đẩu, trèo lên và lấy trong áo ra hai viên kẹo lớn, định bỏ vào lọ nhưng bỗng thấy lọ đã đầy.

“Mẹ ơi!”, cậu hét lên, “Mẹ ơi! Lọ đã đầy! Hôm nay ba về phải không mẹ?”.

Tserma đứng chết lặng. Chị không thể và cũng không muốn nói dối. Chị nghẹn ngào và thay vì nói, “Không con ơi! Ba con sẽ không còn trở về!”, chị lại nói, “Ừ, con trai, ba con sẽ...”.

Giọng chị trở nên bất thường, sau đó, chị thấy cứng họng, đến mức Gansukh nhận ra ngay là ba cậu đã như bà nội. Có thứ gì đó vô hình làm cho cậu mất thăng bằng, và chiếc ghế lắc lư rồi ngã xuống, làm cho chiếc lọ rớt theo, chạm sàn nhà và vỡ tan tành. Các mảnh thủy tinh và các viên kẹo đủ màu vương vãi ra khắp nơi.

Gansukh òa khóc, không phải vì bị té ngã. Không! Đàn ông không khóc vì đau! Cậu rất tiếc vì đã làm vỡ chiếc lọ. Vâng, chắc chắn là vậy. Tserma ôm con vào lòng và nước mắt mà chị không để rơi xuống trước mặt con trai giờ tuôn rơi, hòa với nước mắt của con trai. Đó là nước mắt đắng cay của chú bé mồ côi. Đã bao lần bạn thấy các em bé xưa nay khóc như thế ở Mông Cổ?

Trần Ngọc Hồ Trường dịch
(từ tiếng Anh tại file: II/ C: / US265 / Xdmirri Strator.RVPTOGLIFT 99 I 01/.)
(TCSH398/04-2022)

 

 

 

Các bài đã đăng
Chùm thơ Nguyễn (13/05/2022)