Tạp chí Sông Hương - Số 399 (T.05-22)
Hang Gió
10:26 | 02/06/2022


TRƯƠNG QUỐC TOÀN

Lạ quá. Mùi hương thoang thoảng từ đâu theo gió đến đây. Một ngôi nhà nhỏ vách và mái đều từ lá tranh có sẵn trên núi.

Hang Gió
Minh họa: Nguyễn Duy Linh

Mùi hương hoa gì vậy? Vừa thoáng quen thuộc lại vừa xa lạ. Nó vừa gợi nhớ mùi hương năm cũ của cây ngọc lan sau mưa. Có vẻ như những hạt lộc trời đã thanh lọc những bụi bặm trần gian làm cho hương hoa tinh khiết trong trẻo, sâu đằm và thoát tục. Hai Thành hít một hơi. Không phải mùi ngọc lan. Hoàng lan ư? Anh nhớ cây hoàng lan thõng cành chìa những hoa mang hình chiếc phong linh xinh xắn, hương thơm ngọt ngào ướp mật. Hít một hơi thật sâu, mặt anh dãn ra. Hương hoa ấy không phải là hoàng lan… Lạ quá, xung quanh đây, đá núi cheo leo, vực sâu hun hút và những hang núi sâu thăm thẳm.

Hai Thành vượt qua chút lưỡng lự ban đầu, bước ra trước sân, mùi hương quyến dụ ấy đậm một chút... Chạng vạng, trăng chiều bảng lảng bàng bạc trên nền trời trong. Mùi hương ấy xuất phát từ cây gì? Xung quanh đây chỉ có chuối và mãng cầu xen canh ở những phần đất không trùm đá núi, lên cao nữa mới có cây rừng... Những bước chân thôi miên tự tìm điểm đến.

Tiếng hát. Lại thêm một điều lạ. Giọng nữ trong veo pha lê, lảnh lót như họa mi, chất giọng ấy, làn hơi ấy nghe chừng của một người quen thuộc lắm… Những thanh âm vút cao nhẹ tênh bay bổng nhưng nốt trầm rõ sáng. Giọng hát đẹp ấy của ai? Hai Thành biết chắc không còn ai trên núi giờ này. Gió bạt đưa mùi hương và tiếng hát về phía Hai Thành. Anh chăm chú nghe…

Anh bấu vào tay, rõ là đau. Là thực… Anh bước tới…

*

Người ta gọi hang thăm thẳm kia là Hang Gió. Hai Thành không biết tên đó có tự bao giờ, chỉ chắc chắn một điều đứng gần miệng hang, gió từ lòng hang thốc lên người đứng gần đó áo bay phần phật, tóc tung rối bời hệt như vừa gội. Ngọn gió từ đâu mà quanh năm cứ cuộn lên không bao giờ ngừng nghỉ.

“Gió năm non thổi lòn hang dế…”.

Hang núi đó thông với một nơi nào đó giữa điệp trùng đá của quần thể núi có chu vi trên 10 cây số.

Lạ quá… mùi hương ấy, giọng hát ấy lại như thăm thẳm từ phía bên kia hang dội về đây…

Hai Thành ngại ngần bước vào hang một đoạn rồi trở ra, gió hun hút, lòng hang thăm thẳm…

*

Hai Thành trằn trọc dỗ mãi mà vẫn không thể chìm vào giấc ngủ như mọi hôm, trong khi anh muốn ngủ sớm để dậy trước khi mặt trời lên để men theo con đường quen thuộc lên gần đỉnh núi hái thuốc nam. Đó không phải là công việc mưu sinh của anh, chỉ đơn thuần anh muốn hái thuốc về để cho những nơi bốc thuốc nam hỗ trợ cho những người khó khăn. Từng ấy năm những ngày cuối tuần anh lặn lội đi khắp nơi. Khi vào tận những cánh rừng hiếm hoi còn sót lại của quê nhà, khi lên núi len lỏi những nơi ít dấu chân người lui tới mới mong có thể tìm được cây thuốc quý… Những lối đi đó chỉ có người quen thuộc địa hình mới biết. Ban đầu, những con đường được mở bằng cách khắc dấu rồi cột vào cây những sợi dây gân màu xanh, đỏ, vàng, những sắc màu bắt mắt để tránh bị lạc đường. Không ai dám tự tin là mình có thể nhớ hết đặc điểm của từng tảng đá, từng gốc cây để mà có thể tìm được lối về nếu bị lạc. Lạc giữa núi như lạc vào một ma trận giữa đá và cây nhìn bốn bên có cảm giác là y hệt, là điều kinh khủng nhất, có những nơi sóng điện thoại hoàn toàn mất hút và điện thoại khi đó dù thông minh cỡ nào cũng trở nên vô dụng và nếu có sóng điện thoại thì cũng có ích gì khi kêu gọi người giải cứu. Việc mô tả chính xác nơi đang đứng trên núi khác nào mò kim đáy biển.

Trăn trở mãi Hai Thành chìm vào trong giấc ngủ cho đến rựng sáng những con chim cu rúc gọi nhau, Hai Thành choàng tỉnh…

*

Hai Thành bước vào mê cung khó lường trước: lòng hang đang cao và rộng thênh thang bỗng đột ngột hẹp và thấp dần xuống như vào trong một ngõ cụt, ở đoạn này hang lờ mờ tối. Hai Thành soi đèn pin tìm dấu, chỗ sát lối đi ngay phiến đá chắn ngang đoạn lòng hang thấp chỉ vừa chỗ để có thể nằm sát nền hang mà trườn qua. Một ngã ba chắn trước mặt. Hai Thành phân vân tìm lối rẽ. Hai Thành vẫn đinh ninh rằng hang này sẽ thông ra một hang lộ thiên khác, chỉ như vậy miệng hang mới lồng lộng gió, anh dừng lại nghe ngóng. Anh lách sang hướng bên trái, đi một đoạn cảm giác ngạt, bắt đầu xuất hiện dấu hiệu của thiếu không khí, anh quay trở lại ngách bên phải, càng đi vào sâu hang càng tối, một tảng đá chắn bịt lối đi…

Vòm trời trên cao xanh vời vợi. Một giếng trời lọt thỏm giữa vô chừng đá núi. Ơ kìa cây cối lên xanh tốt, trông vào độ màu mỡ của cây có thể đoán chúng có bàn tay người chăm bón.

Chợt tiếng sáo da diết vang lên những thanh âm bổng trầm, tiếng nhặt tiếng khoan du dương khiến Hai Thành ngơ ngẩn. Tiếng sáo chàng Trương xưa chắc cũng chỉ hay đến độ này.

Chàng trai người dong dỏng cao, khuôn mặt thư sinh dừng thổi sáo khi Hai Thành qua…

- Mời quý khách dừng chân dùng nước.

- Cảm ơn anh. Tôi bất ngờ trong này có quán nước. Tôi chưa từng nghe qua.

- Mẹ ơi! Có khách quý tới!

Bà lão bước ra, Hai Thành nhìn khuôn mặt bà lão nhăn nheo móm mém phúc hậu, mái đầu bạc trắng, đem theo rổ xoài núi trái nho nhỏ mời Hai Thành dùng thử.

- Bác và anh sống âm thầm không thấy buồn sao? - Hai Thành nhấm nháp chén trà thoang thoảng hương sen.

- Buồn gì chứ? - Chàng trai thổi sáo thoáng trầm tư.

Với người đời, mẹ con tôi đã có một kết thúc lửng lơ là biến mất. Hai mẹ con trở lại như ngày xưa dựng quán đếm thời gian trôi qua… Tôi ngờ ngợ quý khách cũng đã có lần nghe nói về chúng tôi nhưng không mảy may hỏi rằng mẹ con tôi từ dạo đó sống chết lẽ nào?

- Lời bác nói hệt như hàm chứa sự trách móc. Cháu nhớ chưa từng gặp bác…

- Không sao, anh đừng bận tâm. Nếu anh vào sâu trong kia sẽ còn gặp lại một số người.

- Bác ạ! Đêm cháu nghe có mùi hương hoa rất lạ vừa đằm thắm lại vừa rất đỗi nồng nàn và giọng hát trong trẻo rất quen.

- À! Vậy anh tìm đến đây là vì hương hoa và tiếng hát. - Chàng trai thổi sáo bên kia nãy giờ mới lên tiếng.

*

Thiếu nữ vẫy vẫy những mảnh lụa óng mượt trên mặt hồ lăn tăn sóng. Cô cất tiếng hát, lời hát khắc khoải như thể chờ mong một người. Nghe tiếng bước chân người xào xạc trên thềm lá, cô ngừng bặt.

- Ông từ đâu tới? Sao lại biết nơi này mà tìm tới?

- Tôi tìm một giọng hát, một làn hương.

- Hóa ra là vậy, con người ta từ thuở nào cũng luôn đắm say cái đẹp.

- Cô là ai?

- Tôi là ai ư? Không quan trọng vì giữa hai người xa lạ gặp nhau trong tí chốc thì xưng danh cũng chẳng để làm gì. Người gần đây chẳng bao giờ tìm hiểu tôi là ai, họ cứ gọi cô dệt lụa. Một thứ lụa cầu kỳ đã thất truyền kể từ khi tôi rời khỏi làng quê đó, sau cả một quá trình dùng dằng đi hay ở. Một làng quê gắn với cả một thời ấu thơ. Làng quê tôi, nơi những cây cau vút lên tận trời xanh sum suê những chùm trái xanh chờ những ngày giỗ chạp, cùng với miếng trầu làm đầu câu chuyện và quả cau chẳng thể thiếu trong buổi dạm ngỏ để trai gái làng thành đôi. Làng tôi có khung cửi làm từ gỗ xoan đào mộc mạc. Tiếng lách cách khung cửi đều đều một bản nhạc không lời, cùng một tiết tấu mà ai cũng có thể tưởng tượng ra lời nhạc của riêng mình tùy vào tâm trạng vui hay buồn, giận hay thương, bình an hay lo sợ. Làng tôi có gốc thị cổ thụ đầu làng thu về xôn xao quả chín. Các cô đi bán lụa chợ xa sáng nào cũng ghé qua tìm trái chín rụng đem về ngửi chứ không ăn. Hương thơm ấy xôn xao vào trong giấc ngủ và đến tận bây giờ còn len lén vào cả giấc mơ tôi. Làng quê ấy lìa xa không bao giờ là dễ nhưng một khi không tìm được sự cảm thông nữa đành chấp nhận xa thôi.

- Cô biến mất?

- Có thể. Nếu anh nghĩ theo nghĩa đó cũng có thể là như vậy và tùy anh. Nhưng làm sao tôi biến mất trong khi anh vẫn thấy rõ hình dạng tôi, tiếng nói tôi. Tôi vẫn sống, vẫn chuốt từng sợi tơ dệt nên những tuyệt tác, anh nhìn xem tơ óng ả và mong manh nhưng chắc chắn vô cùng, được dệt nên từ tơ sen quanh năm tỏa hương trên Vân Hồ.

Cô gái chỉ vào mặt hồ gờn gợn trước mặt.

- Anh nhìn kia, Vân Hồ đó!

- Cô vào đây lâu chưa? - Hai Thành thắc mắc.

- Đủ lâu để người ngoài kia thôi tìm kiếm và chờ đợi. Đủ lâu để người đời gọi là mất tích.

- Anh noi đun g, nơi đay ly  tươn g cho nhưn g ngươi tron chay như chun g toi .

- Trốn chạy? Vì sao phải lẩn trốn? Tội lỗi gì ư? - Hai Thành hỏi liên tục.

Cô gái không trả lời. Mắt cô đăm đắm nhìn ra hồ nước. Khói từ mặt hồ tỏa lên, mây trên cao sà xuống, khói và mây quyện vào nhau lãng đãng hệt như có họa sĩ tài hoa nào đó tình cờ qua đây đắm say vẻ đẹp trời nước mà phác lên bức thủy mặc hoành tráng. Những đóa hoa sen trong hồ tỏa mùi hương tao nhã say mê và quyến dụ… Mùi hoa thơm khác hoa sen thông thường và hình dạng hoa cũng khác. Một cuống hoa chìa bốn bông hoa đỏ thắm hoặc trắng tinh khôi về bốn hướng hệt như hoa huệ.

- Tôi có thể đem giống hoa này về trồng được không? - Hai Thành hỏi.

- Được chứ. Có điều e là anh sẽ phí công vì nếu cây sống được ở nơi anh ở cũng chỉ cho mỗi cuống một hoa, nhiều lắm là hai hoa mà nơi đó trân quý dành cho tên gọi là sen tịnh đế.

- Hoa này tên gì vậy cô?

- Sen tịnh yên!

*

- Mẹ! - Chàng trai thổi sáo gọi mẹ khi Hai Thành còn đang loay hoay bên tảng đá.

- Gì đó con trai!

- Nếu người khách biết mẹ con mình là ai, họ có thể thản nhiên trò chuyện không? - Giọng chàng trai thì thầm.

- Mẹ không chắc. - Giọng bà lão trầm buồn. - Người ta luôn nói: Ai rồi cũng khác nhưng với mẹ con mình, người ta đã ghim vào định kiến.

- Mẹ con ta ở đây đã lâu, không còn ai nghĩ đến. Người đời cứ nghĩ mẹ con mình chết trong xấu hổ, tủi nhục… Vậy mà mình vẫn sống, không phải tham sống mà phải sống để tốt hơn.

Hai Thành bước vào quán.

- Tôi xin lỗi đã vô tình nghe câu chuyện của bác và anh.

- Hai người là ai? Lẽ nào tôi từng biết?

- Phải.

- Anh là ai?

*

- Anh ạ! Không một ai tự nhiên biến mất như mọi người vẫn hay nghĩ. Tôi cũng vậy. Tôi đã đi mải miết trên con đường cái quan, không biết phải về đâu, tôi đi ròng rã đến nơi không còn ai biết tôi là ai. Nhưng đi tới đâu cũng nghe người ta nhắc đến tên mình, người ta đóng đinh tôi như một diễn viên đã đóng mãi một vai ác, không còn có cơ hội để mọi người thấy thẳm sâu trong thế giới nội tâm của mình, tôi khao khát được sống một đời sống mới.

Cô gái mím môi, cô định nói thêm với Hai Thành nhưng cô ngưng bặt. Vì sao phải nói? Cô nhìn hoa sen tịnh yên lay lay trên mặt hồ. Những bông hoa im lìm, chúng đâu cần phải nói. Bao năm cô vào đây làm bạn cùng hoa. Tự cô thấy trong lòng đã không còn lưu luyến gì cõi nhân sinh ngoài kia. Người ta bảo vạn vật không ngừng thay đổi nhưng không mấy ai có thể chấp nhận rằng cô cũng thay đổi… Cô nhớ ngày khăn gói ra đi trước hừng đông, không phải trốn chạy ai càng không có phép màu để biến mất. Chẳng còn ai để cô thấy mình được níu lại…

Cô gái đưa tay ngắt một đóa sen, tơ sen vương chỗ đứt gãy, cô thu lấy cuộn vào cuống hoa như cuộn chỉ.

- Tôi đang miệt mài dệt nên loại gấm mới… - Cô nói, đoạn cô bước xuống chiếc thuyền nan, đưa tay vẫy vẫy Hai Thành…

- Cô là ai? - Hai Thành mấp máy môi. - Cô dường như rất quen.

Cô gái dường như không nghe thấy lời Hai Thành, khỏa nước hồ trong vắt và hái sen.

*

- Anh là ai?

Hai Thành chăm chú nhìn người thanh niên trước mặt mình. Anh ngờ ngợ đó là một nhân vật quen thuộc nhưng không thể hình dung chính xác là ai.

- Tôi là ai? Một nhân vật mà mọi người sợ hãi và xa lánh.

- Trông anh thanh thoát và tao nhã thế kia lẽ nào lại là người đáng sợ.

- Đừng trông mặt mà bắt hình dong. Đây hoàn toàn là con người thật của tôi, hoàn toàn không hóa trang. Người ta hay nhìn bằng định kiến và nhận định chủ quan. Có người cứ nghĩ kẻ nham hiểm, lọc lừa ắt khuôn mặt anh ta phải có nốt ruồi to tướng ở mũi hay môi như thể cái ác có thể lộ qua từng khuôn mặt. Nếu đời đơn giản như vậy chắc không có câu: “Dò sông dò biển dễ dò/ Đố ai lấy thước mà đo lòng người”. Thời của anh, người ta đã có thể đặt chân lên sao Hỏa, cung trăng, lặn sâu xuống đáy biển nhưng khoa học dù tiên tiến tới đâu con người vẫn còn chưa thể hiểu về nhau một cách tường tận.

- Cháu uống nước đi!

Hai Thành nhìn ly nước ngần ngại. Thoảng anh nghĩ có khi ngụm nước thơm ngát vừa qua khỏi cổ thì anh vĩnh viễn ở lại nơi này.

- Vì sao hai người lại tìm đến nơi này?

- Tôi muốn biết cảm giác đơn độc khi bị nhốt trong hang núi thế nào, vả lại tôi không biết nơi nào để đi. Người ta để cho mẹ con tôi được sống nhưng sự ghẻ lạnh còn đáng sợ hơn nhiều. Hai mẹ con lầm lũi đi, đi mãi… Đôi khi tôi tự hỏi có khi nào người ta hỏi mẹ con tôi đi đâu, sau đó sống chết thế nào, có ăn năn quá khứ sai lầm và có sửa chữa lỗi lầm… Con người ta mặc định kẻ xấu sẽ luôn là xấu, chẳng thể nào có thể đổi thay.

*

Trời bắt đầu lạnh!

Mùa núi buốt giá những ngọn gió quất vào da lạnh cóng.

Hang Gió mùa này lạnh tê tái. Hai Thành nhấp tách trà nóng hổi vừa nhẩm nhẩm. Đã hơn một tháng rồi không biết trên đó ra sao.

Đêm… Hai Thành nghe như đêm ngừng trôi. Những mặt người trong Hang Gió thoắt ẩn hiện. Họ là ai? Hai Thành nhiều khi tự hỏi trong những đêm giấc ngủ không về.

Những mặt người trong mơ thấp thoáng. Cô gái bán lụa vừa thoáng hiện ra đẹp liêu trai thoắt biến thành cô gái nham hiểm độc ác trong tuồng tích cũ. Hai mẹ con bà lão hiện rõ vẻ gian xảo thay cho nét mặt hiền từ phúc hậu. Trong miền ký ức Hai Thành thấp thoáng hình ảnh hai mẹ con hàng nước vội vã đi trong tiếng sấm chớm đì đùng. Chợt có bóng chớp và tiếng sét, hai bóng người đổ xuống, màn khép lại. Cô gái ấy cũng là một vai phản diện, khi những tội lỗi phơi bày cô phải bỏ đi bởi sự xấu hổ với người đời. Một thoáng Hai Thành vỡ òa anh đã lờ mờ nhận ra họ là ai. Không biết họ tiếp tục sống cuộc đời họ ra sao cho đến ngày tình cờ gặp Hai Thành.

*

Hai Thành lên núi sau tết. Núi mùa nắng vàng như rót mật. Hai Thành nôn nao trông sẽ gặp lại những người trong Hang Gió. Anh có nhiều điều muốn hỏi họ và muốn cho họ biết là anh đã biết họ là ai. Liệu rằng anh có cần một lần xác nhận từ họ để chắc rằng họ đã có một đời sống mới.

Những bước chân dồn dập háo hức dừng trước cửa Hang Gió. Cửa hang đã được ngăn lại bằng hàng rào sắt sơn vàng ngăn cách. Người ta bảo nhiều người vào hang và từ đó không về.

T.Q.T
(TCSH399/05-2022)

 

 

Các bài mới
Những bức hình (16/06/2022)
Lời nguyền (10/06/2022)
Mẹ kế (06/06/2022)
Các bài đã đăng