Tạp chí Sông Hương - Số 399 (T.05-22)
Thủ pháp nghệ thuật “lạ hóa” trong thơ
09:45 | 03/06/2022

HÀ QUẢNG

Trong việc xây dựng hình tượng thơ, các tác giả hiện đại sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật mà trước đây rất dè dặt, thủ pháp “lạ hóa” là một.

Thủ pháp nghệ thuật “lạ hóa” trong thơ
Ảnh: internet

“Lạ hóa” (theo Wikipedia) là những thủ pháp nghệ thuật theo đó, sự vật được miêu tả hiện ra không phải như ta đã biết, mà như một cái gì mới mẻ, “khác lạ”. Nó tạo ra một cảm thụ “khác lạ” đối với sự vật và hiện tượng quen thuộc. Xét về hiệu ứng thẩm mỹ, lạ hóa gây nên sự “ngạc nhiên và hiếu kỳ” ở chủ thể tiếp nhận, làm nảy sinh một thái độ tiếp nhận tích cực đối với thực tại.

Cái quy ước hình tượng nghệ thuật phải được thể hiện như dạng thức có thật tránh xa các biểu hiện khác lạ “lang thang giữa những điều phi lý” (Thomas Hobbes) của đời sống, ngày nay đã thay đổi. Đó là sự kết hợp các yếu tố thực và ảo, kết hợp ý thức lẫn vô thức, cả cái khả giải lẫn cái bất khả giải chi giao! Những yếu tố khác lạ phi thực (ước lệ, viễn tưởng, kỳ ảo, kỳ dị và những cách biến dạng khác nhau) xuất hiện trong tác phẩm tạo một không khí nghệ thuật đặc biệt, có tính huyền ảo, khác lạ. Hiện thực phô bày bởi cái nhìn hư tưởng bên trong kết hợp với những ảo giác cảm nhận bên ngoài gợi nhiều liên tưởng táo bạo, mới lạ. Bằng những thủ pháp này bài thơ tạo được những hiệu ứng thẩm mỹ phong phú đa dạng “đánh thức các giác quan” mới mẻ của người đọc! Thủ pháp lạ hóa được tạo thành bởi nhiều yếu tố, trong đó yếu tố siêu thực (phi thực - không như trong thực tế) kết dính tất cả.

*

Những yếu tố khác lạ phi thực đã có từ lâu trong các sáng tạo dân gian dựa trên những cái kỳ ảo để miêu tả hiện thực, sau này được tiếp nối ở một số tác giả văn học viết. Ca dao: Bao giờ cho đến tháng ba/ Ếch cắn cổ rắn tha ra ngoài đồng/ Hùm nằm cho lợn liếm lông/ Một chục quả hồng nuốt lão tám mươi/ Nắm xôi nuốt trẻ lên mười/ Con gà be rượu nuốt người lao đa; ngoài nghịch dị, yếu tố siêu thực được sử dụng khá đậm trong bài ca dao cổ này. Trong thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng có những bài sử dụng thủ pháp này. Tứ của bài thơ Vãn cảnh trong Nhật ký trong tù khá độc đáo: Một bông hoa nở trong nhà ngục Tĩnh Tây “mù mịt tối”, nơi chỉ biết có tiền tài vật lợi, ai nào chú ý gì đến một đời hoa... Hoa nở, hoa tàn chúng thảy vô tình. Hoa biết chỉ có một tù nhân sau song sắt là hiểu cho nỗi đau khổ của mình nên đêm đêm hoa tìm đến kể cho Người nghe nỗi trắc ẩn:

Hoa hồng nở hoa hồng lại rụng
Hoa nở hoa tàn thảy vô tình.
Hương hoa bay thấu vào trong ngục
Kể với tù nhân nỗi bất bình.

Bài thơ viết cách đây hơn tám mươi năm, nay đọc lại vẫn mới tươi đầy xúc cảm. Nó mới vì cái vẻ hư ảo pha màu siêu thực trong thủ pháp xây dựng hình tượng.

Đặc biệt thơ Hàn Mạc Tử, chất siêu thực tràn đầy. Nói về ông, nhà phê bình Phan Cự Đệ đã nhận xét: “Nhà thơ đã có những so sánh ví von, những đối chiếu kết hợp lạ kỳ, tạo nên sự độc đáo đầy kinh ngạc và kinh dị đối với người đọc”. Một nhận xét có thể đề từ chung cho cả dòng thơ kiểu này.

*

Thơ đương đại, khá nhiều tác giả sử dụng yếu tố siêu thực như một thành tố không thể thiếu trong thủ pháp lạ hóa ở phương diện biểu cảm của ngôn ngữ. Quả vậy, nói về sự trôi chảy của thời gian bất định và sự nhập cuộc hữu hạn của con người có tác giả viết:

...Ngày mềm nhũn đang chảy từ chiếc đồng hồ cát đến con lợn đất/ Bụi trên bàn chờ hóa kiếp trần gian/ Thời gian ơi cho tôi quá giang một đoạn. (Thi Nguyên - Trên bàn viết)

Nói về sự “ra đi” (cái chết) của người đời:

…Buổi sáng chết rồi là có thật/ người ta chở nỗi buồn trắng muốt khoang xe/ băng qua những nắm đất sè sè/ chẳng còn ai nghe buổi sáng nói gì/ dù là một câu rất khẽ/ Ơ kìa đàn chim se sẻ mổ ngày rách toác thế kia/ (Đặng Thiên Sơn - Biến mất - Nhà văn & Cuộc sống, số 1/2021)

Thơ bây giờ có những liên tưởng táo bạo, những liên tưởng như thoát khỏi thực tại, đi về giữa thực và ảo. Những ám thị phi lý tính che giấu trong một hình thức ngôn ngữ tưởng đơn giản nhưng là những “mật mã” ở tầng sâu ý tưởng. Tất cả không thực mà có thực. Thời gian, không gian, đồ vật, con người, được nhào nặn trong một mô thức tưởng tượng khác chiều, nói về sự gắn bó và phát triển của cái mới trong lý thuyết cũng như thực tại, trong thơ ca và trong đời sống:

...Em cởi bỏ mọi trang phục pha lê nứt vỡ/ cởi bỏ mọi tư duy hình thức đã khô đình nát bến cạn/ hòa nhập vào cơ thể ta đang tốc hành về phía ánh sáng/ hay đóng cửa/ tự huyễn hoặc mình/ và chờ chết? (Phan Hoàng - Em nóng dần lên - Vannghesaigon.com).

Để góp phần lạ hóa các hình ảnh, các thi sĩ sử dựng nhiều thi tiết đậm màu siêu thực. Nguyễn Việt Chiến khi xây dựng hình ảnh Thúy Kiều đã viết: …trước mùa trăng sinh nở/ Nguyễn Du là người mộng du ân ái cùng trăng nhưng chưa đến nửa đêm thì Truyện Kiều đã viết xong/ và Nguyễn Du đạp mây trở về sông Tiền Đường/ để lại một bông trăng thức trong chiếc bình đêm/ thức chầm chậm/ đến sáng thì nở/ nở thành một nàng Kiều trắng trong/ giữa vẩn đục cõi người./ khi Nguyễn Du về/ bụi giang hồ/ trần thế vẫn như xưa/ ông lại gặp trăng đêm/ nở một đóa sững sờ/ nở chầm chậm đến sáng thì tắt/ nở chầm chậm đến sáng rồi chết (Nguyễn Việt Chiến - Trăng Nguyễn Du - Tạp chí Thơ - 2012).

Cái hình ảnh “đóa trăng - nàng Kiều” đẹp sững sờ đó được phô diễn cũng bằng một ngôn ngữ, một thể tài rất giản dị, rất tự nhiên, mê hoặc người đọc một cách liêu trai đại diện cho một bút pháp thơ hiện đại!

*

Từ những yếu tố đơn lẻ có tính tu từ ngôn ngữ, nhiều tác giả đã nâng cấp siêu thực thành một thành tố của thủ pháp lạ hóa của phương thức tư duy khi xây dựng hình tượng nghệ thuật. Thơ đương đại, bên cạnh các tác giả vẫn quen cách viết phân mảnh, bài thơ bố cục tùy hứng, các khổ các phần liên kết theo mạch tình cảm, lại có nhiều tác giả sáng tạo tập trung vào hình tượng chính, hình tượng tổng thể, yếu tố trí tuệ chi phối nhiều trí tưởng tượng, cái tứ hình thành trước trong tâm trí nhà thơ sau đó hiện trên mặt giấy và được tô điểm thêm. Nhà thơ ít chú ý các biện pháp đơn lẻ (thần cú, nhãn tự) mà định hướng vào “hình tượng tổng thể” của toàn bài thơ. Để kiến tạo cái hình tượng tổng thể đầy tính thẩm mỹ đó, nhà thơ không thể cảm gì viết nấy mà phải suy nghĩ, phải sắp xếp, hay nói theo thuật ngữ cổ điển là phải “cấu tứ”. Cấu tứ là một thủ pháp nghệ thuật quen thuộc của các nhà thơ, tuy nhiên các tác giả cũ quen cấu tứ theo lối sắp xếp ý cảnh trên cái nền tả thực, các tác giả đương đại khi cấu tứ lại ưa sử dụng lối nói ẩn, gợi ý gián tiếp thông qua nhiều chi tiết, hình ảnh giàu màu sắc siêu thực, qua những ẩn dụ có tính tượng trưng, ước lệ tạo một góc nhìn mới khác lạ với sự vật. Nó buộc người đọc phải suy nghĩ mong khám phá nhiều tầng nghĩa trong các thông điệp mà tác giả gửi gắm…

Một trong số các nhà thơ đề cao việc dụng công lập tứ là Vũ Quần Phương. Những bài thơ gần đây cách lập tứ của ông có pha màu siêu thực tạo một mỹ cảm mới lạ. Bài Chè sen (Nhà văn & Cuộc sống, số 1/2021) là một tiêu biểu. Tứ bài thơ xoay quanh mối liên kết hoa và chè. Chè ngon nhờ ướp hoa sen, nhà thơ hình tượng hóa một tương quan: chỉ biết rằng hoa thác/ thì chè thành hương bay. Một tương quan vừa thực vừa ảo, một tương quan đời thường thành một sự hy sinh lý tưởng của phía này cho vẻ đẹp phía kia. Màu sắc siêu thực dẫn dụ người đọc ngay từ lời thơ mở đầu: Hoa khâm liệm/ cho chè bằng chính thân hoa/ chôn những sợi móc câu/ vào tầng hương ngát/ sương đêm ngoài kia - nước mắt/ khóc cho hoa/ hay khóc cho chè.

Câu thơ đọc lên tưởng vô tình mà thấm thía: Nói về cây cỏ nhưng ám dụ về nhân sinh, về con người đấy! Cái chu kỳ “hoa thác cho chè thành hương bay” cứ lặp đi lặp lại gợi một nhiệm màu của kiếp nhân sinh: Nước mắt - sương đêm khóc thương đưa tiễn hoa về đất nhưng không phải khóc vì thương tiếc một hình hài đã biến mất mà chỉ đưa tiễn một sự hoài thai hương và sắc hiển hiện dâng hiến mùa sau. Sương đâu có khóc hoa/ sương tiễn hoa về đất/ rồi sương lại hòa trong đầm nước/ lại đón hương và sắc/ những mùa sen sau. Và tác giả chiêm nghiệm một sự đời, một triết lý thiền gia: Tôi nâng chén chè sen/ ngạt ngào hương mùa hạ/ tôi uống chè hay sen/ không biết/ chỉ biết rằng hoa thác/ thì chè thành hương bay.

Nhờ vào sự dụng công lập tứ có tính lạ hóa quan hệ chè và hoa sen, trộn lẫn hư thực mà bài thơ gợi nhiều ý tưởng và xúc cảm mới mẻ, sâu xa nơi người đọc, nó tránh được sự nhàm chán mà ta thường gặp.

Hoàng Vũ Thuật có bài Người câu gió, tác giả nêu một thông điệp về quá trình nhận thức của con người trên con đường đi tìm ý nghĩa đời sống, khám phá vũ trụ. Biểu tượng gió được trình bày trong một kết cấu tương nghịch: Xung quanh biểu tượng gió là những thi tiết siêu thực “gió thổi căng phồng túi càn khôn bên hông”, ngồi câu gió với “sợi dây mảnh mai con người cố gắng nhẫn nại trên đồi” xuyên qua thời gian “tóc xanh hóa thành tóc trắng” để tìm hiểu “lối đi, gương mặt” của gió… Tác giả tư biện một nhận thức khả kính: Việc làm vô vọng “hai bàn tay trắng trở về”. Đời sống con người hữu hạn mà thế giới tự nhiên cũng như xã hội bao gồm những chân lý tương đối trong đó là vô hạn, không bao giờ đi được hết sự tìm hiểu của mình.

Không ai nhận ra lối đi của gió/ không ai nhận ra gương mặt gió
anh nhẫn nại ngồi câu trên đồi/ sợi dây mảnh mai
những con diều làm mồi với đôi cánh mỏng
gió và gió thổi căng phồng/ túi càn khôn kè kè bên hông rỗng rễnh

một ngày câu hai bàn tay trắng trở về/ một đời câu tóc xanh hóa thành tóc trắng
lịch trình gió buốt chưa thôi/ gió vô hồi ngàn sau chưa hết
có nhận ra ta trong hữu hạn kiếp người.

Ngoài lối xây dựng hình tượng thơ có tính biểu tượng khác lạ với nhiều thi tiết siêu thực, bài thơ kết cấu theo lối tương nghịch nhân quả: Tác giả ngày nào cũng lên đồi “câu gió” mong sẽ bắt được, khám phá nhiều điều nhưng vô ích vì gió thổi “ngàn sau chưa hết mà kiếp người hữu hạn” đành tay trắng trở về, khắc họa khá sâu tính triết lý của bài thơ!

Bằng lối kết cấu song hành giàu yếu tố siêu thực, Bằng Việt với bài thơ Đệ nhất tổ phái Trúc Lâm Giảng Thiền đã bày tỏ một suy cảm của mình về sự kế thừa và đổi mới trong cuộc sống. Qua hai cuộc hội thoại mà tác giả tượng ra, một giữa vị cao tăng và bậc chân tu, hai giữa tác giả và Phật tổ trong giấc mơ. Cả hai cuộc hội thoại đều quy tụ về một suy lý, việc đời cũng như việc đạo, tu hành cũng như đời sống, chính trị cũng như văn hóa “phải cách tân”! Trong cuộc hội thoại thứ nhất, hỏi về Phật, về Pháp, về Tăng đều được trả lời: “Chấp theo lối cũ là không đúng!” Ở cuộc hội thoại thứ hai: …Bảy trăm năm sau/ tôi hành hương lên Yên Tử/ Đêm nằm mơ thấy Phật/ Nhớ chuyện xưa bèn hỏi: Bạch Thầy, việc đời thế nào là đúng?/ Người ngậm ngùi: Chấp theo lối cũ là không đúng!/ Lại hỏi: Thế nào là hạnh phúc trần ai?/ Người bật cười to: Chấp theo lối cũ là không đúng!/ Hỏi tiếp: Vậy thế nào là Thơ?/ Người phủi tay: Chấp theo lối cũ là không đúng! (Bằng Việt - Đệ nhất tổ phái Trúc Lâm Giảng Thiền - Nhà văn & Cuộc sống, số 1/2021).

Sự hấp dẫn, hiệu ứng thẩm mỹ bài thơ tạo được nơi tiếp nhận của người đọc là tứ bài thơ kết hợp thực và ảo. Chân lý đời sống lồng vào câu chuyện có màu hư ảo. Thủ pháp đó góp phần thành công bài thơ vừa truyền thống vừa hiện đại!

*

Thơ đương đại có nhiều thay đổi để tiến gần đời sống, cập nhật đời thường với tâm lý con người bây giờ. Trong không khí bộn bề của sự tìm tòi đổi mới, nhiều tác phẩm tạo những nét riêng khó nhầm lẫn, gây được nhiều ấn tượng sâu sắc với công chúng yêu thơ. Tác phẩm tạo một mỹ cảm mới mẻ nhờ sự đổi thay về các thủ pháp nghệ thuật, đặc biệt thủ pháp lạ hóa cách xây dựng hình tượng mở rộng biên độ tái tạo cuộc sống nghiêng về phía tượng trưng ước lệ, siêu thực, như lời nhận xét của nhà lý luận phê bình Nga: “ …cả hình thức lãng mạn, cả hình thức ước lệ, cả viễn tưởng, cả kỳ ảo, cả kỳ dị, cả những cách biến dạng khác nhau, nếu chúng trợ giúp cho nhà văn tái tạo sâu sắc hơn, tinh tế hơn trung thành hơn, diễn cảm hơn bức tranh về thực tại trong sự chuyển hóa hết sức phức tạp từ hiện tại đến tương lai”(*). Thủ pháp “lạ hóa” kết dính các hình thức này bằng yếu tố siêu thực vượt qua cái nhìn trực cảm quen thuộc đến bến bờ liên tưởng mới lạ có một cảm xúc thích thú tích cực hơn! Hay nói một cách khác trong các hình thức này ít nhiều đều có yếu tố siêu thực.

Trong quá trình phát triển, có thể có một vài tìm tòi chưa thật thích hợp với thị hiếu truyền thống, nhưng trong chừng mực nào đó cũng ít nhiều tạo được một khuynh hướng đổi mới cho thơ ca cũng như sự tiếp nhận của bạn đọc.

H.Q
(TCSH399/05-2022)

--------------------------
(*) Chuyển dẫn theo Lại Nguyên Ân: A.I.Ocharenko - Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa ngày nay, Nxb. Văn học, Moskova1977.

 

Các bài mới
Những bức hình (16/06/2022)
Lời nguyền (10/06/2022)
Mẹ kế (06/06/2022)
Các bài đã đăng
Hang Gió (02/06/2022)