Tạp chí Sông Hương - Số 399 (T.05-22)
Ngọn đồi 13 hộ độc thân
14:54 | 17/06/2022

NGUYÊN QUÂN
        Bút ký dự thi

Người đàn bà trung niên dừng lại giữa lưng chừng dốc rồi nói:
- Đã tới nơi rồi chú.

Ngọn đồi 13 hộ độc thân

Tôi ngạc nhiên đảo mắt nhìn những ngôi nhà kiên cố khang trang, những vuông vườn nõn xanh hoa trái, hoài nghi thầm hỏi: Là đây sao?

Khởi hành từ cái chợ trung tâm nằm bên ủy ban xã, chiếc xe cà tàng của tôi rề rà chạy theo chiếc tay ga mới toanh trên đoạn đường trải thảm dầu bóng loáng, xe chưa kịp nóng máy mà đã đến rồi sao? Nó hoàn toàn khác xa với dự tưởng của tôi về một cự ly in hằn trong ký ức. Một đoạn đường mà trước đây non nửa thế kỷ tôi đã từng ngày phải đi. Đi vã mồ hôi hột với gánh củi rừng còn tươi nặng trĩu vai. Từ trí nhớ chưa bị thời gian bào mòn vẫn hiện rõ một con đường đất gồ ghề, ngoằn ngoèo trèo lên tuột xuống bao dốc đồi khe suối, len lỏi giữa những cánh rừng tái sinh rờm rà lau lách, mỗi bước chân đi phải vận dụng toàn lực bám mới khỏi bị trượt dài té ngã vào đám lá lau lách sắc lẻm như dao cạo và phải bước hàng giờ mới ra tới ngọn đồi vừa xuất phát; nơi bây giờ chính là khu chợ trung tâm xã.

- Đúng là ở đây hả cháu? - Tôi nhìn rồi hỏi.

Người đàn bà cười đáp:

- Dạ là đây chú, chắc chắn chú đang ngạc nhiên lắm.

Tôi cũng cười, nhưng là cái cười nhếch, không giấu được ngỡ ngàng.

- Ừ, quả thật chú không tin nổi...

Tôi vuốt lại bờ tóc rối bung:

- Không ngạc nhiên mới lạ, đã hơn bốn mươi năm dài rồi mà chú.

Tôi nhìn lại gương mặt đã hiển hiện nhiều nếp nhăn tuổi tác đang đối diện. Nhìn thật kỹ để nhận thức hiện tại rằng cô nhóc lên sáu, bảy tuổi vẫn thường địu đứa em bé bỏng chạy chơi khắp mười ba căn lều trên chóp đồi trong ký ức tôi, chừ đã là người đàn bà đứng tuổi. Lúc mới gặp bên cái sạp hàng giữa chợ để nhìn nhau là người quen, tôi không có cảm giác lạ lùng như lúc đứng trên ngọn đồi này. Một thứ cảm giác bị cuốn ngược về quá khứ. Người đàn bà... không phải, là cô bé từ quá khứ đang vui vẻ chạy từ căn lều này sang lều khác với đứa em chưa tròn tuổi đeo sau lưng.

Hồi đó... Hình như trong trí nhớ của một đứa bé hồn nhiên, mọi vết hằn đều rất sâu đậm; người đàn bà vẫn kể vanh vách về cuộc sống khốn khó của mười ba hộ độc thân trên chóp đồi trọc:

- Con vẫn nhớ rõ, hồi đó chú trẻ nhất, đẹp trai nhất và cũng lười lao động nhất luôn. Cả lô đất 300 mét vuông của Nhà nước cấp chú chỉ phát quang sơ sài, đánh hai ba vồng khoai, trồng vài chục hom sắn, rồi chiều chiều lại xuống dưới khe ngồi vắt vẻo thổi sáo rất buồn rất hay. Hồi nớ mỗi lần chú thổi sáo con lại thích nghe nhưng cũng sợ ma vì mạ con nói ma cũng thích nghe tiếng sáo, đúng là con nít thiệt chú à.

Tôi lại nhìn người đàn bà, không, nhìn cô bé bảy tuổi đang hài tội một thằng thanh niên vừa tròn hai mươi lên ủy ban phường xin đăng ký đi kinh tế mới. Đó là vào những tháng cuối cùng của năm một ngàn chín trăm bảy lăm, khi thành phố kêu gọi phát động chính sách khai hoang những vùng rừng núi để trồng trọt xây làng lập xóm. Là thanh niên độc thân nhưng cũng được chấp nhận biên chế thành một hộ gia đình, lại lên rừng trúng một đợt cũng toàn những gã độc thân. Thật ra những vị kia đều đã lớn tuổi, có gia đình vợ con đề huề, họ chỉ như người đi tiền trạm, chuẩn bị trước rồi mới đưa gia đình lên sau khi mọi sự khai quang trồng trỉa, dựng nhà tạm ổn định. Nên họ rất tích cực siêng năng tu sửa bồi đắp tổ ấm tương lai, phát rẫy tỉa nương. Còn tôi thì mục đích chính là muốn thay đổi một cuộc sống vốn căng thẳng, khốn khó bữa ăn bữa nhịn ở phố phường thời hậu chiến. Mà có lẽ cũng do tâm tính quá lãng mạn, tuy cũng muốn tự xây dựng cho mình một cuộc sống mới, nhưng trẻ tuổi vẫn còn ham chơi hơn làm lụng nên không đủ nghị lực và cũng chẳng có động lực thúc ép bất khả kháng như mười hai hộ độc thân tạm thời kia.

Như cổ nhân hay nói về những kẻ buông lung rằng việc nhà thì nhác việc chú bác thì siêng. Tuy cái khoảnh vườn của tôi cỏ nhiều hơn rau màu, cái sạp giường xập xệ đan vụng bằng mấy cây le nứa lồi lõm lổm nhổm, nhưng hễ ai nhờ làm giúp việc chi cũng lăn lưng nhiệt tình. Từ chuyện bứng giúp cái gốc cây nằm chình ình giữa lô đất anh Hường, dựng giúp anh Tự cái nhà ba gian đủ ở cho bà vợ và ba đứa con nhỏ sắp lên thay cho cái lều tranh bé xíu... đến chuyện lội bộ ra bến đò vác giúp đồ đạc, lương thực cho lão Tư bắc... tôi đều siêng. Cái siêng vô duyên vô dảnh ấy tuy không làm cho cái lều mảnh và vườn của tôi khá lên nhưng bù lại là tình cảm thương mến của những người cư ngụ trên ngọn đồi thời đó. Có lẽ nhờ vậy mà người đàn bà đang hài tội tôi đã gọi đúng tên, nhận đúng mặt và còn nhớ từng chi tiết nhỏ nhặt sinh hoạt của tôi khi còn đứng cách nhau cái sạp giữa chợ. Phải thừa nhận khi gặp lại cô bé ngày xưa là tôi đã nhận lại được đầy đủ khúc đoạn bị nhòe đi trong ký ức mình về một nơi đầy gian khổ nhưng đầy tình thân ái.

Con bé bảy tuổi dẫn tôi đi tìm lại vùng đất trong ký ức, là đứa con đầu của ông Nghị - một hộ đông khẩu nhất của “ngọn đồi mười ba hộ độc thân” với năm đứa san sát tuổi. Ông Nghị đưa toàn gia từ phố lên chỉ sau ba tháng khi đã dựng xong căn nhà tạm ổn, nên người đàn bà đang đứng đối diện với tôi hôm nay có thể nói là lớp cư dân khai canh.

Như một câu chuyện kể hay trong một thước phim tư liệu, người đàn bà đã chạm ngạch 50 bây giờ hay cô bé lên bảy ngày xưa là nhân vật chính, làm hướng đạo viên dẫn lối cho tôi quay về đúng bước chân của mình thời gian bốn mươi lăm năm trước.

- Con có còn nhớ vị trí cái lều của chú ngày trước không, chú muốn nhìn lại.

Người đàn bà nhỏ giọng:

- Dạ rất nhớ chú à, nó nằm trên kia, dễ nhận ra lắm.

Đi bộ, bước chậm rãi bên nhau, chúng tôi men theo dãy hàng rào xây kiên cố kiểu cách, nhìn vào bên trong, chỉ là một căn nhà cấp bốn nhưng lối bài trí sân vườn khá sang trọng với những tác phẩm lũa cây, đá cảnh xen lẫn hoa lá đủ sắc màu. Tôi hoàn toàn không nhận ra một chi tiết nào gợi nhớ đến mảnh đất tư hữu đầu tiên trong cuộc đời của mình; nó không còn hình dáng miếng đất thoai thoải chạy từ đỉnh đồi xuống tận cái khe nước nhỏ hẹp mà tôi mỗi ngày leo lên trèo xuống lấy nước sinh hoạt, tưới tắm cho cây cho người.

- Nhà của ai mà cách bài trí hay hay rứa cháu?

Tôi hỏi và mong câu trả lời sẽ là một cái tên quen, một cái tên nào đó trong trí nhớ của mình. Nhưng không, người đàn bà trả lời câu hỏi bằng cái tên lạ hoắc. Thật ra tôi cũng biết trước rằng không còn ai trong số mười ba hộ khai hoang còn trụ lại được ở đây khi thu hoạch vụ mùa đầu tiên, mà sắn thì chỉ còng queo vài củ nhỏ xíu. Tôi nhớ rất rõ hình ảnh tay Vinh Rồng (tên gọi kèm với cái hình xăm long vân đen thui cả tấm lưng) đứng giữa những vồng khoai, đưa cao một bụi lang vừa nhổ lên chỉ toàn lá và chùm rễ nhì nhằng níu đuôi vừa cười sằng sặc vừa nói: “Tao chính thức đặt tên cho nó là khoai lang... râu hát bội”. Cái bản quyền đặt tên hôm ấy đã minh chứng hầu như cho mọi công sức trồng khoai của cả mười ba hộ. Là vậy nhưng rồi ngọn khoai, hom sắn cũng được cắm lại với đầy đủ bụi tro đốt rẫy thay phân bón. Không còn hy vọng nhiều về đất, cư dân đồi lại quay sang làm củi để bổ sung cho cái tiêu chuẩn lương thực chín tháng cấp phát sắp đến thời điểm cắt. Nhớ lại dạo đó, dù toàn là rừng lau lách tranh tre tái sinh, muốn hạ cây làm củi phải đi vào sâu hơn phía dãy núi còn mù xanh, nhưng cũng chỉ là loại cây gỗ tạp.

Cực như đi củi, câu nói đầu cửa miệng của dân vùng kinh tế mới cũng đã là minh chứng cụ thể tiến trình đi làm củi của tôi. Cực từ chuyện nặng gùi lủi rừng tìm cho được cây to, hạ xuống, cưa xẻ chẻ nhỏ rồi gánh ra bến đò chờ chuyển về bến Đông Ba. Đò thì mỗi ngày chỉ một chuyến lên và về, ngoài đường sông chẳng phương tiện giao thông đường bộ nào từ thành phố lên được, ngoại trừ cuốc bộ hơn hai chục cây số. Không như bây giờ, ở phố phóng xe vèo trên con lộ bóng loáng là hai mươi phút sau đã đến được trung tâm xã, còn dạo đó phải mất gần tròn một ngày lắc lư vượt thác vượt ghềnh mới cập bến cuối. Nên bến đò cũng là thiên đường của những đôi chân mỏi nhừ, những bờ vai tê cứng để mang những bó củi về phố chợ đổi mắm đổi muối và cũng là nơi đầy dấu ấn mối tình đầu... “chờ người ở phố lên chơi/ áo hoa thay những cánh dơi bay mù” lãng mạn của riêng tôi.

Nó đầy dấu tích đến nỗi sáng đầu tiên trở lại Bình Điền ngay sau buổi lễ khai mạc đợt thực tế sáng tác ở đây, tôi đã vội vã vọt xe ra quán cafe trước bãi chợ, gặp ai cũng hỏi dò về cái bến đò thời khai hoang, hỏi từ người trẻ đến kẻ già, để rồi không ai còn nhớ, mỗi người nói một phách, chỉ một chỗ, kèm theo câu trả lời rất mơ hồ “hình như ở đó... đó”.

Cũng chẳng trách, vì thời gian trôi qua đã quá lâu, bản thân cái bến đò cũng hết nhiệm vụ từ bao giờ cũng không ai quan hoài. Chuyện xưa như trái đất nên lớp cư dân trẻ không thể biết và lớp cư dân đầu tiên tuy còn được vài người nhưng đã lẩm cẩm, trí nhớ cũng mỏi mòn. Với lại tất cả cảnh vật thay đổi nhanh chóng kỳ lạ bằng siêu tốc đô thị hóa sau lúc con đường chiến lược tỉnh lộ mười hai, được khai thông chạy suốt từ thành phố đến huyện miền núi A Lưới.

Hỏi thăm cái bến đò thôi, mà cũng mất gần một ngày trời, mới gặp được người còn nhớ được vị trí chính xác. Sau vài câu chuyện phiếm, lão chủ quán cafe cóc trước bãi chợ, biết ông khách lạ không chỉ là người ở phố lên “công tác” ở xã, mà còn là một cư dân đầu tiên đã “chạy làng” mấy chục năm dài mới trở lại xứ cũ truy tìm ký ức, nên rất nhiệt tình chỉ dẫn, còn bỏ cả quán chạy xe dẫn tôi đến tận cái ngã ba nơi có lối mòn lóc chóc đá cuội dẫn xuống tận dòng sông. Nhánh đường đá cuội này thì không ai cần nâng cấp nó như con đường chính trên kia nên vẫn y nguyên là cái lối mòn xưa cũ, chỉ khác là không còn mấy ai đi lên đi xuống nên tôi phải len qua cỏ, chui qua lùm bám từng bước một trên lớp đá bám đầy rêu xanh, lá mục và tất nhiên tôi cũng chẳng thể tìm lại được dấu chân tình yêu đầu của mình, tìm lại được viên đá mòn nhẵn thời gian “mài đũng quần” chờ đợi con đò chở người áo hoa từ phố lên. Cả con sông bây giờ cũng không còn hình dáng cũ, xưa nó mênh mông xanh thẳm bây giờ cũng chỉ còn là một dòng nước cạn xợt nhỏ xíu.

Tôi cũng như mọi cư dân đầu đời của ngọn đồi mười ba hộ độc thân đều lăn lưng chạm vào cái cực như đi củi. Dân thành phố, loại thanh niên quen chơi như tôi thì đâu biết đến cái đòn gánh nên chỉ vác, vác từng bó bon theo mấy đôi chân gánh thoăn thoắt. Họ một cặp, mình chỉ một bó vậy mà mỗi ngày tôi cũng kéo lê được cả chục bó củi từ nơi đang đứng này ra đến bến đò, đâu được vài tháng, chưa kịp thu hoạch thành quả trồng trọt đợt 2 từ mấy vồng khoai, vài chục cây sắn cũng là khi tôi biết xài cây đòn xóc chơi đủ cặp và nhẹ nhàng lướt như bay kịp theo chân người khác; đó cũng là lúc tôi về xuôi với mấy chục bó củi cực nhọc cuối cùng, và xuôi luôn vào lực lượng thanh niên xung phong vào tận tỉnh Lâm Đồng.

Hơn ba năm công tác, chúng tôi cải tạo một vùng rừng núi hoang sơ đầy muỗi mòng, sốt rét và cả dã thú săn mồi như cọp beo, chó rừng, cá sấu thành một vùng làng mạc trù phú với hàng chục ngàn cư dân yên ổn cày sâu cuốc bẫm tạo dựng cuộc sống mới. Đất đai ở vùng đất mới này rất phì nhiêu phong túc, cắm cây gì xuống đất, đất cũng cho đầy hoa lá củ quả, không cằn cỗi bạc màu như vùng đồi có mười ba hộ độc thân.

Hết nhiệm vụ khai phá kinh tế mới ở Lâm Đồng, lại vác ba lô trở về cố xứ, cũng có hỏi thăm, cũng gặp vài người quen trên vùng kinh tế mới xưa, cũng nghe phong thanh, không riêng gì tôi, mà hầu như những hộ khác cũng người ngược vô Nam, người xuôi dòng về lại phố, chỉ còn gia đình người đàn bà này trụ lại được, nhưng cũng rời ngọn đồi mười ba hộ di chuyển ra sát bến đò mở cửa hàng buôn bán, đúng nghề của họ khi còn ở phố.

Hồi ức về “cực như đi củi” của tôi bị người đàn bà cắt đứt bằng một tiếng reo vui:

- Đây, đây chính là lô đất của chú.

Tôi suýt đâm sầm vào người dẫn đường khi đang ngon trớn đi theo hoài niệm, theo ngón tay chỉ của người đàn bà. Trước mặt tôi là một chiếc cổng khảm đá cầu kỳ, lùi sâu bên trong là một ngôi nhà hai tầng khang trang bề thế. Một ngôi nhà từng nằm trong ước mơ của tôi khi đăng ký đi lên đây. Ngôi nhà ấy đang hiện diện trên mảnh đất tôi được cấp phát nhưng với tôi, nó đã là một ước mơ tan theo mây khói...

Sau lúc dẫn tôi đến nơi tôi nhờ vả, “con bé bảy tuổi” cũng lật đật xin phép trở lại buổi chợ. Nhìn nó, người đàn bà đã luống tuổi với đầy đủ con cháu nội ngoại tà tà chạy chiếc xe tay ga sang trọng xuôi dốc, lòng tôi tự dưng dấy lên một cảm giác ngây ngây không thể diễn tả được.

Thời gian... non nửa thế kỷ, cái gì cũng có thể thay đổi, chỉ mùi vị tiềm thức là khó đổi thay. Dù bây giờ cái đỉnh đồi xưa kia đã thay da đổi thịt từ một vùng cây hoang cỏ dại thành những con đường tráng nhựa bóng loáng, mấy căn lều tranh tre nhếch nhác thành những căn nhà bề thế kiên cố. Nhưng tôi vẫn cảm nhận được cái mùi ngai ngái của rừng của núi, của mồ hôi lam lũ ẩn trú trong trí nhớ nhiều năm dài vẫn còn quanh quất đâu đây, trong mùi vị ký ức ấy, trong những căn nhà vững chãi kiên cố kia vẫn nhập nhòa ẩn hiện hình ảnh những căn lều lụp xụp không che được nắng chẳng chắn được mưa, ảnh hình của những gã đàn ông độc thân tình nguyện bỏ phố lên rừng, cứ lần lượt tái hiện trong nhớ nhớ thương thương. Nhớ để thương từng lát cuốc vụng về phồng rộp trên tay của Thiện, mảnh vườn rau tạp bổ sung vị tươi của gã Vinh Rồng, bước chạy khập khễnh tóe khói của lão Tự khi giăng mảnh vải mùng bắt tổ ong gió dữ dằn mà tưởng là ong ruồi hiền lành. Nhớ tất tật tiếng cười khoái hoạt trong bữa tiệc thịnh soạn hiếm hoi... Và nơi sâu nhất trong tâm khảm là nụ cười bẽn lẽn của Huyền, cô bé mười sáu theo bà mẹ gồng gánh hàng nhu yếu phẩm từ phố lên bán cho dân kinh tế mới; với khúc đoạn về Huyền cũng có thể gọi đó là cuộc tình đầy non dại lãng mạng của tôi trong chuỗi kỷ niệm ở nơi đây. Và nếu cái tình yêu dễ thương ngây ngô của thằng thanh niên vừa tròn hai mươi đó đi xa hơn những cái hôn len lén dưới tán cây khi bà mẹ của Huyền bận tay mua mua bán bán, hay những lần lót lá nằm gối tay nhau bên bờ khe bãi suối lúc mượn cớ đi gánh nước... có lẽ tôi đã cắm được đời mình trên “ngọn đồi mười ba hộ độc thân” mà di dân thời đó vẫn gọi đùa.

Ký ức vẫn chỉ là ký ức, nhớ thương cũng chỉ để chạnh lòng khi đứng ngẩn nhìn, nhìn bao quát cả một vùng làng mạc đang chuyển mình thành thị tứ đông đúc trù phú, tôi thấy lòng như trầm nặng, rồi tự vấn chính tôi không đủ nghị lực kiên trì như chủ nhân của ngôi nhà. Hay tại cái thời mà tôi và những hộ dân khác lên đây chỉ để trồng tỉa cây lương thực, giải quyết tình trạng khó khăn miếng ăn cái mặc sau khi vừa bước qua khỏi cuộc chiến tàn khốc dài dặc, chứ không năng động bằng thế hệ đến sau đã linh hoạt giải quyết vấn nạn lương thực thành vùng đất trồng cây công nghiệp hoàn toàn phù hợp thổ nhưỡng hơn. Có lẽ sự năng động nhạy bén chuyển đổi những mảng đồi bạc màu trọc trơ không phù hợp cây khoai cây sắn thành cánh rừng xanh thắm của cây keo, cây tràm, cây cao su là một phép màu hoàn thiện ước mơ của đa số người tiên phong rời phố lên rừng như tôi.

Bình Tiến, tháng 11/ 2021
N.Q
(TCSH399/05-2022)

 

 

Các bài đã đăng
Những bức hình (16/06/2022)
Lời nguyền (10/06/2022)
Mẹ kế (06/06/2022)