Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.6-22)
Một số tư liệu về Nguyễn Chí Thanh trên nhật báo ‘Quyết Chiến’, giai đoạn từ tháng 9/1945 đến tháng 11/1946
08:48 | 05/07/2022


DƯƠNG PHƯỚC THU

Một số tư liệu về Nguyễn Chí Thanh trên nhật báo ‘Quyết Chiến’, giai đoạn từ tháng 9/1945 đến tháng 11/1946
Trong một chuyến về cơ sở của đồng chí Nguyễn Chí Thanh (người đội mũ)

LTS: Kỷ niệm 55 năm ngày mất của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (6/7/1967 - 6/7/2022) và kỷ niệm 75 năm Hội nghị cán bộ Tỉnh ủy mở rộng họp tại làng Nam Dương (25/3/1947 - 25/3/2022), Tạp chí Sông Hương Số đặc biệt kỳ này công bố một số tư liệu mới liên quan đến các hoạt động của đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương Xứ ủy Trung Kỳ, thường gọi tắt là Bí thư Xứ ủy - tên công khai là Chủ nhiệm Việt Minh Trung Kỳ (sau là Việt Minh Trung Bộ), giai đoạn từ tháng 9/1945 đến tháng 11/1946, được đăng trên các tờ báo của Đảng như Quyết Chiến, Quyết ThắngTay Thợ xuất bản ở Huế kể từ sau ngày Huế giành chính quyền (23/8/1945), do nhà báo Dương Phước Thu vừa sưu tầm được.  

 

Trích phần trang báo Quyết Chiến có in "Diễn văn của đồng chí Nguyễn Chí Thanh"

Vài nét về tờ nhật báo Quyết Chiến (8/1945 - 11/1946)

Ngày 23/8/1945, khởi nghĩa ở Huế giành thắng lợi, chính quyền nhân dân cách mạng lâm thời được thành lập; theo chỉ đạo của Việt Minh Nguyễn Tri Phương (bí danh của Tỉnh ủy Thừa Thiên), các đoàn thể cách mạng khẩn trương tổ chức và triển khai xuất bản một số tờ báo để phục vụ công tác chỉ đạo và tuyên truyền cách mạng.

Ngày 27/8/1945, nhật báo Quyết Chiến, trên măng sét ghi: Cơ quan ủng hộ chính quyền nhân dân cách mệnh, nhưng thật chất đây là tiếng nói của Đảng bộ Việt Minh Thị ủy Thuận Hóa (thành phố Huế) và của Tỉnh ủy Thừa Thiên, ra số 1. Báo Quyết chiến được ấn loát tại nhà in Tiếng Dân của Công ty Huỳnh Thúc Kháng. Báo do đồng chí Vĩnh Mai, tức Nguyễn Hoàng, đảng viên cộng sản, một cựu tù chính trị bị giam nhiều năm ở Buôn Ma Thuột, sau Cách mạng Tháng 8/1945, đồng chí trở về Huế hoạt động, được tổ chức phân công làm Quyền Bí thư Thị ủy Thuận Hóa kiêm Chủ bút nhật báo Quyết Chiến. Báo ra được khoảng gần 400 số đến trước ngày “vỡ mặt trận” thì dừng; đồng chí được Xứ ủy điều ra Quảng Trị, tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy, phụ trách công tác tuyên huấn và thông tin, văn nghệ tỉnh Quảng Trị…

Là tờ nhật báo, Quyết Chiến cập nhật nhiều thông tin hằng ngày ở Huế, miền Trung một cách sinh động và kịp thời. Trên Quyết Chiến đã có nhiều thông tin phản ánh sự hoạt động sôi nổi của đồng chí Chủ nhiệm Việt Minh Trung Bộ - tên công khai của Bí thư Xứ ủy Trung Bộ bấy giờ. Và đã có nhiều bài báo phản ánh, đưa tin về các hoạt động của Chủ nhiệm Việt Minh Trung Bộ, lúc thì ông Nguyễn Chí Thành lúc thì ông Nguyễn Chí Thanh trong các hội nghị từ cấp xã phường đến cấp tỉnh, cấp xứ. Qua nghiên cứu từ các nguồn tài liệu mà chúng tôi tiếp cận được thì dù báo chí có ghi hai tên (Thanh và Thành) nhưng cũng để chỉ về một người.

Diễn văn của đồng chí Nguyễn Chí Thanh trên báo Quyết Chiến


Dưới đây là những thông tin được đăng công khai trên báo chí ở Huế - chúng tôi sưu tầm, nghiên cứu và xem đây là những dòng tư liệu quý báu, phản ánh trung thực về hoạt động của đồng chí Nguyễn Chí Thanh, từ tháng 9/1945 đến tháng 11/1946, tại Thuận Hóa, tức Huế. Để đối Chiếu tính xác thực thông tin của nhật báo Quyết Chiến với các tài liệu liên quan khác, chúng tôi sưu tầm và bổ sung thêm một số tư liệu được ghi lại từ tờ tuần báo Quyết Thắng là Cơ quan của Việt Minh Trung Bộ, do đồng chí Lê Chưởng, nguyên Xứ ủy viên Trung Kỳ làm chủ bút, số 1 ra ngày 1/10/1945; tuần báo Tay thợ - cơ quan của giai cấp công nhân Trung Bộ, do đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ, Ủy viên Thường vụ Xứ ủy phụ trách, số 1 ra tháng 1/1946, tại Huế.

Để bảo đảm tính trung thực của tài liệu từ nguồn báo chí, chúng tôi in nguyên văn (sic) những ghi chép quý giá này.

I. 15 VẠN NGƯỜI BIỂU TÌNH Ở THUẬN HÓA ĐỂ PHẢN ĐỐI PHÁI BỘ ANH ĐÃ DÙNG VŨ LỰC CHIẾM ĐÓNG NAM BỘ PHỦ VÀ DUNG TÚNG BỌN PHÁP KHIÊU KHÍCH

Chiều ngày 15/9/1945, hơn 15 vạn người dân Thừa Thiên đủ các giai tầng xã hội đã tập trung tại Sân Vận động Thuận Hóa để biểu tình phản đối phái bộ Anh đã dùng vũ lực chiếm đóng trụ sở UBND Nam Bộ và dung túng bọn Pháp khiêu khích.

Tại cuộc biểu tình thể hiện tình đoàn kết với đồng bào Nam Bộ, thay mặt Việt Minh Trung Bộ (ông Nguyễn Chí Thành) đã đọc một bài diễn văn, nội dung kịch liệt phản đối phái bộ Anh ở Sài Gòn.

Nguyên văn như sau[1]:

Anh chị em đồng bào,
Các đồng chí.

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Việt Minh, toàn thể đồng bào đã nổi dậy võ trang khởi nghĩa giành quyền độc lập cho dân tộc Việt Nam. Cuộc cách mạng đã toàn thắng. Chính phủ Nhân dân lâm thời do vị lãnh tụ tối cao của dân tộc, đồng chí Hồ Chí Minh hướng dẫn.

Toàn thể đồng bào cũng như Chính phủ Nhân dân lâm thời đã thề quyết một lòng chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để giữ vững độc lập cho Tổ quốc và đưa lại tự do hạnh phúc cho giống nòi.

Chính sách ngoại giao của Chính phủ đã tuyên bố rõ ràng trước toàn thế giới: Chính phủ Nhân dân Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cố hết sức lấy tinh thần thân thiện với tất cả các nước dân chủ chống phát xít xâm lược và kiên quyết chống tất cả âm mưu xâm lăng lãnh thổ Việt Nam và xâm phạm đến chánh quyền nhân dân. Chính sách ấy không những chỉ hợp với tinh và thần dân chủ cộng hòa của nước Việt Nam độc lập mà cũng là chính sách mà các nước đồng minh đã nêu cao trong bản Tụng ước Đại Tây Dương và bản Tụng ước các nước Liên hiệp ký tại San Francisco vừa rồi. Nguyên tắc căn bản của hai tụng ước ấy là thừa nhận quyền dân tộc tự quyết, thừa nhận độc lập cho tất cả các nước, chống tất cả mọi sự xâm lược phá hoại hòa bình. Những nguyên tắc ấy đã được toàn thế giới hoan nghênh.

Thế mà ngày nay phái bộ Anh ở Sài Gòn đã dám công nhiên phản bội những nguyên tắc công đạo và tự do ấy. Họ đã dung túng bọn Pháp trong công việc âm mưu chiếm lại nền độc lập của nước Việt Nam và khôi phục nền thống trị của Pháp trên đất nước này, và chính họ đã xâm phạm đến chủ quyền và nền độc lập của nước Việt Nam. Xin kể ra một vài bằng chứng:

Hôm mồng 2 tháng 9 một bọn Pháp kiều từ trong các nhà bắn vào đám biểu tình, khiến một người đồng bào ta bị thiệt mạng và nhiều người bị thương.

Ủy ban Nhân dân Nam Bộ đã cho bắt mấy tên Pháp gây sự nhưng sau đó phái bộ Anh can thiệp, bọn Pháp ấy đã được tha. Một việc nữa: Hôm 12/9, phái bộ Anh đã dùng võ lược chiếm đóng tòa Ủy ban Nhân dân Nam Bộ. Ủy ban Nhân dân Nam Bộ thương lượng không được nên dời về tòa Thị sảnh Sài Gòn - Chợ Lớn. Lợi dụng cơ hội ấy, một cô đầm đã lén lút ló đầu trên Tòa Nhân dân Nam Bộ đồng thời một bọn Pháp dùng xe hơi treo cờ tam tài đi diễu trong thành phố dưới sự dung túng của người Anh. Trước sự khiêu khích ấy, đội xung phong của ta lập tức tới Tòa Nhân dân Nam Bộ để hạ cờ Pháp xuống thì bọn Pháp đã khôn hồn hạ trước rồi.

Anh chị em đồng bào, các đồng chí.

Trước những cử chỉ khiêu khích của người Pháp và những thái độ bất hợp lý của phái bộ Anh xâm phạm đến chính quyền và nền độc lập của nước nhà, chúng ta có thể khoanh tay ngồi yên được không? Quyết không.

Chính quyền của nước Việt Nam độc lập là một chính quyền đã giành lại được sau 80 năm chiến đấu nhẫn nại và anh dũng của giống nòi.

Một chính quyền xây bằng xương máu, của bao nhiêu chiến sĩ của dân tộc. Một chính quyền cố mang lại sự độc lập hoàn toàn cho Tổ quốc, sự tự do và hạnh phúc cho toàn thể đồng bào, một chính quyền mà xưa nay toàn thế giới từ những bậc thông thái cho đến những kẻ dốt nát nghèo hèn đều thừa nhận là hợp với công đạo và chính nghĩa; một chính quyền tốt đẹp như thế có thể nào bỏ rơi vào tay ngoại quốc một lần nữa được không? Quyết không.

Một chính quyền quý báu như thế, chúng ta có thể nào để cho bọn đế quốc Pháp xâm lăng giày xéo một lần thứ hai nữa được không? Một chính quyền quý báu như thế phải được đồng bào bảo vệ dầu phải nhỏ đến giọt máu cuối cùng. Việt Minh chúng tôi, đã hy sinh nhiều trong công việc chiến đấu cướp lại chính quyền vừa qua, chúng tôi xin tình nguyện sẽ ra xung phong trong cùng cuộc chiến đấu để giữ vững nền độc lập của xứ sở.

Anh chị em đồng bào, các đồng chí.

Chúng ta hãy kiên quyết phản đối thái độ bất hợp lý của phái bộ Anh đã xâm phạm đến độc lập của Tổ quốc chúng ta. Chúng ta hãy tố cáo cho Đồng minh, cho nhân dân thế giới và nhân dân nước Anh thấu rõ những cử chỉ phản động của phái bộ Anh ở Sài Gòn. Những cử chỉ đó là hoàn toàn trái ngược với chính sách Đồng minh, sẽ đưa lại những kết quả tai hại cho sự hợp tác thân thiện giữa nước cộng hòa dân chủ Việt Nam và nước Anh cùng các nước Đồng minh khác. Chúng ta chủ trương thân thiện với Anh, Nga, Trung Quốc, Mỹ, điều đó toàn thế giới đều biết, và chúng ta sẽ trung thành với chủ trương đó. Nhưng chúng ta sẽ kiên quyết chống đến cùng tất cả mọi cử chỉ, hành vi của nước ngoài can thiệp vào nội trị của xứ ta và có phương hại đến chủ quyền và độc lập của dân tộc ta.

Đối với Pháp kiều chúng ta đối đãi tử tế, tôn trọng tính mạng và tài sản của họ nếu họ tuân theo mệnh lệnh Chính phủ chúng ta.

Trái lại, nếu họ âm mưu chống lại chính quyền nhân dân của chúng ta thì chúng ta nhất định sẽ không dung thứ. Tuy nhiên chúng ta phải luôn luôn bình tĩnh, luôn luôn hành động trong vòng kỷ luật, tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh của đoàn thể và của chính phủ, không được tự tiện hành động theo ý muốn riêng của mình. Trong giờ phút nghiêm trọng quyết định sự sống chết mất còn của Tổ quốc, những hành vi vô kỷ luật, vô chính phủ, những hành vi lẻ loi, mù quáng, có thể đưa lại tai hại cho Tổ quốc mà thôi.

Đối với bọn Pháp de Gaulle nếu chúng đổ bộ lên đất nước Việt Nam chúng ta sẽ quyết đánh một trận mất còn với chúng. Quyết không để một bóng cờ tam tài nào phất phới trên đất Việt Nam. Đồng bào hãy bình tĩnh sẵn sàng chờ mệnh lệnh của Chính phủ, và xin tin vững vàng: Mấy triệu chiến sĩ luôn luôn sát cánh cùng đồng bào để đưa dân tộc đến chỗ vinh quang rực rỡ.

Trước khi nhường lời cho đại biểu Ủy ban Nhân dân, xin đồng bào cùng tôi hô to:

1. Kiên quyết phản đối phái bộ Anh đã xâm phạm dân chủ quyền của nước Việt Nam.

2. Kiên quyết phản đối phái bộ Anh đã dung túng bọn Pháp de Gaulle chống lại chính quyền nhân dân Việt Nam!

3. Kiên quyết chống chánh sách xâm lược của bọn de Gaulle!

4. Toàn dân đoàn kết muôn năm!

5. Chính quyền nhân dân muôn năm!

6. Việt Nam hoàn toàn độc lập!

7. Việt Minh muôn năm!

II. BUỔI HỌP ĐẦU TIÊN CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THỪA THIÊN

8 giờ sáng ngày 10 tháng 5 năm 1946, Hội đồng Nhân dân Thừa Thiên đã họp phiên đầu tiên tại nhà Duyệt Thị, trong Thành nội. Có Chủ tịch Ủy ban Hành chánh Trung Bộ, tỉnh Thừa Thiên, Chủ nhiệm Việt Minh Trung Bộ, đại biểu các giới và công chúng đến dự[2].

Tại cuộc họp này, ông Hoàng Anh được bầu làm Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên, với số phiếu 16/19; ông Hoàng Phương Thảo được bầu làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên, với số phiếu 14/19; ông Lâm Mộng Quang được bầu làm Thư ký UBND tỉnh Thừa Thiên với số phiếu 18/19.

III. LỜI HIỆU TRIỆU CỦA BAN HIỆU TRIỆU LIÊN HIỆP QUỐC DÂN HỘI Ở THUẬN HÓA

Hỡi các bậc nhân sĩ trí thức[3];

Hỡi quốc dân đồng bào;

Trước giai đoạn lịch sử tối nghiêm trọng nầy, đoàn kết là con đường sống duy nhất của chúng ta.

Trong lúc toàn thể quốc dân còn đang quằn quại dưới ách đô hộ, một số anh em đồng bào, những phần tử sáng suốt và dũng cảm nhất đã cương quyết tranh đấu, vận động cách mệnh.

Biết bao liệt sĩ trong vòng 80 năm nay, đã vì nước quyên sinh để đưa toàn thể dân tộc lên đường vinh quang.

Nay cách mạng đã thành công, việc kiến quốc là bổn phận chung của toàn thể quốc dân. Lúc buổi đầu vì chính kiến khác nhau, một số anh em đã ngần ngại chưa tham gia vào.

Muốn bổ cứu khuyết điểm ấy nguyện vọng thiết tha của quần chúng là muốn tất cả các phần tử trong nước không phân biệt màu sắc chính trị, không phân biệt giai cấp, kết thành một khối bất di bất dịch. Các anh em trong phái trí thức cũng như các anh em trong giới khác, kẻ có tài, người có đức, phải cùng nhau hợp tác để phụng sự Tổ quốc.

Vì vậy, nên Hồ Chủ tịch trước khi lên đường sang Pháp đã hội họp những nhà thức giả tai mắt ở kinh đô (Hà Nội) và kêu gọi đồng bào hết thảy trong nước để gây một cuộc đại đoàn kết trong toàn thể quốc dân. Trong cái giờ phút nghiêm trọng sắp định đoạt vận mệnh lịch sử của quốc gia mà Hồ Chủ tịch đã thiết tha kêu gọi đồng bào như thế, chúng tôi tưởng không cần phải bàn giải nữa. Chúng ta chỉ nên chăm chú vào việc phụng sự Tổ quốc, sự sinh tồn của dân tộc, quên tất cả những sự câu nệ nhỏ nhen. Lịch sử và hiện tại bày rõ cho chúng ta thấy chỉ có hai đường, một là cứ chia rẽ thì phải chết, hai là muốn sống thì phải chỉ đoàn kết. Không phải chỉ đoàn kết trong vòng đảng phái mà phải đoàn kết toàn thể quốc dân. Không phân biệt giai cấp, tôn giáo, màu sắc chính trị, sự đoàn kết cần phải rộng rãi bao hàm tất cả toàn thể quốc dân Việt Nam. Trong giai đoạn lịch sử nghiêm trọng nầy, sự đoàn kết còn cần phải thành thực và thiết thực nữa. Muốn đạt được kết quả tốt đẹp sự đoàn kết của chúng ta phải đi sâu vào tất cả các cơ quan của Chính phủ trong khắp các địa phương.

Có đoàn kết như thế mới mong củng cố nội trị và thắng lợi trong công cuộc ngoại giao để đi đến hoàn toàn độc lập.

Có đoàn kết như thế thì mới mong tránh được nạn diệt vong, mới mong khỏi đắc tội với bao nhiêu chiến sĩ, với bao nhiêu thế hệ tổ tiên đã đem xương máu xây nền độc lập.

Có đoàn kết như thế thì chúng ta, những thế hệ sống trong thời kỳ nghiêm trọng nầy, mới có thể tự hào rằng chúng ta đã làm tròn sứ mệnh, lịch sử của chúng ta, làm tròn được nhiệm vụ của chúng ta đối với tổ tiên và giống nòi.

Chính vì đoàn kết là con đường duy nhất để sống và để đi đến chỗ vinh quang, nên chúng tôi, một nhóm thuộc tất cả các giới ở Thuận Hóa mới hăm hở ân cần hưởng ứng với Hội Liên hiệp Quốc dân mà Hồ Chủ tịch đã cùng nhiều thức giả ở kinh đô (Hà Nội) lập lên để xây nền tảng cho cuộc đại đoàn kết sau nầy. Chúng tôi thiết tha kêu gọi tất cả đồng bào, các đảng phái, các tầng lớp và mọi tôn giáo nên thật tâm nhận định sự liên hiệp quốc dân là tối cần thiết mà tham gia vào để cứu quốc trong giai đoạn nầy và để xây dựng một nền tương lai vững chắc cho quốc gia.

Hội Liên hiệp Quốc dân sẽ triệt để ủng hộ Chính phủ bằng mọi phương cách để thực hiện một cách thành thực, rõ ràng và mau chóng vấn đề Liên hiệp quốc dân.

Non sông đương mong đợi ở ta, lịch sử đương nhìn ta. Trước cái nhìn vạn đại ấy mọi người Việt hãy cùng nhau đứng dậy đoàn kết thành thực và rộng rãi để làm tròn sứ mệnh lịch sử trong giai đoạn nầy.

Ban hiệu triệu Hội Liên hiệp Quốc dân:

Phạm Đình Ái, Hiệu trưởng Trường Trung học Khải Định, Ngô Thị Chính, nữ giáo sư Trường Đồng Khánh, Nguyễn Xuân Dương, Chánh nhất tòa Thượng thẩm, Lê Dụng, Ủy ban hành chánh Trung Bộ, Nguyễn Đình Du, Giám đốc Tiểu học Trung Bộ, Trần Đình Gián, giáo sư, Nguyễn Đức Khởi, Y sĩ, Giám đốc Bệnh viện Thuận Hóa, Bửu Kinh, Luật khoa cử nhân, Nguyễn Ngọc Lợi, Kỹ sư, Ngô Trọng Lữ, Giám đốc Địa chánh, Nguyễn Đình Ngân, Giám đốc Viện Văn hóa, Ngô Văn Ngộ, Phó Giám đốc Tài chánh Trung Bộ.

Tôn Quang Phiệt, đại biểu Quốc hội, Nguyễn Khoa Phong, Biện lý Tòa án Thừa Thiên, Võ Văn Quế, Giám đốc Công chánh Trung Bộ, Lê Khắc Quyến, Y khoa bác sĩ, Nguyễn Duy Quang, Phó Giám đốc Ngoại giao, Nguyễn Trâm, Giám đốc Thanh niên Trung Bộ, cô Võ Thị Thể, Hiệu trưởng nữ học Đồng Khánh, ông Thích Mật Thể, đại biểu Quốc hội (giáo sư), Nguyễn Chí Thanh, chính trị gia, Phan Tây, Trưởng ban lao công Nhà máy điện, Hoài Thanh, nhà viết báo, Bửu Tiếp, Giám đốc Bình dân học vụ, Nguyễn Duy Trinh, Phó Chủ tịch Ủy ban hành chánh Trung Bộ.

Trụ sở của Ban Phụ trách hiệu triệu Hội Liên hiệp Quốc dân tạm đặt ở Viện Văn hóa Trung Bộ (Thư viện Bảo Đại cũ).

Chúng tôi rất mong mỏi và hân hạnh được tiếp kiến tất cả đồng bào muốn tham gia ý kiến để mở rộng phong trào Liên hiệp Quốc dân.

Thư từ xin đề: Ban Phụ trách hiệu triệu Liên hiệp Quốc dân hội - Thư viện Trung Bộ (Thư viên Bảo Đại cũ - Thuận Hóa).

IV. CUỘC NÓI CHUYỆN CỦA BAN HIỆU TRIỆU HỘI LIÊN HIỆP QUỐC DÂN

Hôm chủ nhật 23/6/1946 vào lúc 4 giờ chiều, Ban phụ trách hiệu triệu Liên hiệp Quốc dân hội ở Thuận Hóa đã tổ chức một cuộc nói chuyện tại nhà Đại Chúng mục đích kêu gọi đồng bào ở Thủ đô Trung Bộ hưởng ứng và gia nhập Hội Liên hiệp Quốc dân do Hồ Chủ tịch khởi xướng.

Trước bàn thờ Tổ quốc, trước lá Quốc kỳ căng thẳng có đính mấy khẩu hiệu “Độc lập, Thống nhất, Dân chủ, Phú cường” và trước một số đông thính giả đủ các giới, sáu diễn giả đã lên diễn đàn vạch rõ sự cần thiết thực hành cuộc đại đoàn kết trong toàn thể quốc dân để đối phó với mọi tình thế.

Mở đầu cụ Nguyễn Đình Ngân, Trưởng ban phụ trách hiệu triệu Hội Liên hiệp Quốc dân, nói “Vì sao quốc dân cần phải liên hiệp”. Kế đến bạn Trần Đình Gián, giáo sư Trường Khải Định, thuật lại “phong trào liên hiệp quốc dân trong lịch sử”. Diễn giả thứ ba, anh Nguyễn Chí Thanh, vạch rõ cái nhiệm vụ và vai trò quan trọng của trí thức trong giai đoạn lịch sử nước nhà hiện tại và hô hào trí thức mật thiết đoàn kết với các tầng lớp đồng bào xây dựng một quốc gia Việt Nam dân chủ và hùng cường. Một đại biểu Dân chủ đảng lên tỏ bày sự hoan nghênh của đảng Dân chủ đối với phong trào liên hiệp quốc dân. Rồi một đại biểu Việt Nam Quốc dân đảng cũng kêu gọi đồng bào đoàn kết chặt chẽ dưới cái hình thức Quốc dân Liên hiệp hội. Sau cùng, anh Chủ nhiệm Việt Minh Trung Bộ, bằng những lời ứng khẩu thấm thía, cảm động, vạch cho ai nấy thấy rằng muốn thực hiện sự đoàn kết, điều cốt yếu là nên gần gũi nhau để tìm cách hiểu nhau và nhất là phải cho chân thành trong sự đoàn kết.

Trước khi giải tán, ông Ngô Văn Ngộ, trong ban phụ trách hiệu triệu Hội Liên hiệp quốc dân đọc lời hiệu triệu mà chúng tôi đã đăng trong số báo trước.[4]

V. BAN TRỊ SỰ LÂM THỜI HỘI LIÊN HIỆP QUỐC DÂN Ở THUẬN HÓA TUYÊN BỐ

Trong phạm vi chương trình chung của Hội Liên hiệp Quốc dân, sau khi thảo luận và công nhận nguyên tắc là đồng thời cổ động sẽ thực hành những phương pháp để đi đến liên hiệp quốc dân một cách thiết thực, Ban Trị sự lâm thời Hội Liên hiệp Quốc dân, ở Thuận Hóa đồng quyết định chương trình hành động sau nầy…

Ban Trị sự lâm thời[5]:
Hội trưởng: ông Ngô Văn Ngộ;
Phó Hội trưởng: ông Phạm Đình Ái và bà Võ Thị Thể;
Cổ động viên: ông Nguyễn Xuân Dương, Nguyễn Đình Ngân;
Thư ký: ông Trần Đình Giáo.
Đại biểu Việt Minh: ông Nguyễn Chí Thành;
Đại biểu Việt Nam QDĐ: ông Nguyễn Trung Thuyết;
Đại biểu Dân chủ đảng: ông Phan Hiền;
Phật giáo: ông Đặng Ngọc Sách.
Chỗ làm việc của Ban Trị sự lâm thời tạm đặt ở Nha Địa chính Trung Bộ (Bộ Công cũ).

VI. BUỔI NÓI CHUYỆN CỦA HỘI LIÊN HIỆP QUỐC DÂN

Hội Liên hiệp Quốc dân (Thuận Hóa) đã tổ chức chiều hôm thứ bảy, 27/7 một buổi nói chuyện với anh em công chức tại Thuận Hóa ở nhà Đại Chúng.

Ông Nguyễn Ngọc Lợi nói về “nhiệm vụ công chức trong vấn đề Liên hiệp Quốc dân”. Ông hô hào anh em công chức đoàn kết vấn đề phụng sự Tổ quốc, vì theo ý ông “Lịch sử nhìn ta bằng con mắt nghiêm nghị và kẻ hậu bối sẽ kết tội nếu chúng ta có những luận điệu chia rẽ”.

Ông Nguyễn Chí Thanh nói về “Nhiệm vụ của Việt Minh trong vấn đề Liên hiệp Quốc dân”. Ông kể lại sự khuyết điểm của một vài người trong Việt Minh, mà Việt Minh đã chỉ trích và cải chính về sự ngộ nhận về Việt Minh. Thí dụ, khi người ta bảo Việt Minh là cộng sản.

Ông Nguyễn Trung Thuyết, đại biểu Việt Nam QDĐ tỏ lòng tin tưởng ở sự đoàn kết và cũng như ông Nguyễn Chí Thanh, ông Thuyết tuyên bố đặt quyền lợi quốc gia lên trên quyền lợi đảng phái.

Sau cùng ông Ngô Văn Ngộ, Hội trưởng, lên hiệu triệu được giới công chức ủng hộ[6].

Tư liệu về đồng chí Nguyễn Chí Thanh trên báo Quyết Thắng


VII. DIỄN VĂN CỦA ÔNG NGUYỄN CHÍ THANH ĐẠI BIỂU VIỆT MINH TRONG BAN TRỊ SỰ LÂM THỜI HỘI LIÊN HIỆP QUỐC DÂN Ở THUẬN HÓA

(Đọc ngày 27 tháng 7 năm 1946 trước các công chức Thuận Hóa)

Thưa quý ngài,
Thưa các vị công chức,

Hôm nay chúng tôi lấy làm hân hạnh đại diện cho Việt Minh hầu chuyện cùng quý vị về thái độ của Việt Minh trong Liên hiệp Quốc dân hội.

Sau lời hiệu triệu của Hồ Chủ tịch, và của Chi hội Liên hiệp Quốc dân ở Thủ đô Hà Nội một số nhân sĩ trí thức nhiệt liệt hưởng ứng đã cùng với chúng tôi vận động lập Ban Hiệu triệu Liên hiệp Quốc dân.

Nhờ sự chân thành cộng tác với nhau mà sau một thời kỳ cổ động, Chi hội Liên hiệp Quốc dân Thuận Hóa đã thành lập và cử ra một Ban Trị sự lâm thời, phần đông trong đó nhân viên trung lập bên cạnh Dân chủ đảng, Quốc dân đảng, tôi thay mặt cho Việt Minh nhận một chân Ủy viên thường.

Thái độ của chúng tôi, các đại biểu đảng phái và các hội viên trong Hội đã rõ một phần nào.

Theo đúng tôn chỉ mục đích của Việt Minh đặt quyền lợi dân tộc lên trên hết làm cho nước nhà độc lập.

Phụng sự Tổ quốc chúng tôi luôn luôn tha thiết kêu gọi và hưởng ứng tất cả những lòng yêu nước để làm sao xây dựng một khối đoàn kết chắc chắn và rộng rãi. Không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, tôn giáo, đảng phái, xu hướng màu sắc chính trị, đó là nguyên tắc chính trị căn bản mà từ trước đến nay chúng tôi đeo đuổi để thực hiện khẩu hiệu “Thực tình đoàn kết”. Nhờ sự giác ngộ của đại đa số đồng bào mà dân tộc ta trên 10 tháng tranh đấu khó khăn đã đạt được nhiều thắng lợi to tát. Nhưng chúng tôi cũng công nhận rằng trong hàng ngũ toàn dân, bên sự đoàn kết chặt chẽ, vẫn còn một đôi phần lủng củng.

Sở dĩ như vậy, do nhiều nguyên nhân:

Lẽ thứ nhất, ác hiểm hơn cả là chính sách chia rẽ của quân thù ở bên ngoài đã dùng đủ thủ đoạn để ly gián chúng ta làm cho chúng ta ngờ vực, lẫy bỏ nhau.

Lẽ thứ hai, vì bên trong có một bọn tay sai ngoại quốc phản động, bọn Việt gian xưng danh ái quốc, nay mang hình này mai trá hình nọ, đâm bị thóc, thọc bị gạo, ngăn cản chúng ta về phương diện tư tưởng cũng như hành động.

Lẽ thứ ba, là vì chỉ trong một thời gian ngắn ngủi, mới mẻ, đứng về tâm lý mà nói chưa hiểu nhau được triệt để, đứng về công việc chung mà nói, sự sắp đặt mỗi ngành, mỗi việc chưa phải đã hoàn bị, thành thử chưa làm “vừa lòng” của tất thảy đồng bào. Nhưng nói đến hai chữ “vừa lòng” chắc quý vị cũng nhận rằng chỉ có thể vừa lòng những người có độ lượng đặt quyền lợi Tổ quốc lên trên thôi.

Đó là nói chung, còn phần riêng Việt Minh chúng tôi xin tự chỉ trích: Thứ nhất nói về sứ mệnh quan trọng trong công việc vận động dân tộc giải phóng toàn xứ. Chúng tôi đã luôn luôn trung thành theo chính sách Chính phủ và nguyện vọng toàn dân, chúng tôi không bán nước, không một chút mảy may hữu ý hoặc vô tình đi theo tây phản động, đã nhất thiết không làm tay sai cho bất luận một ngoại quốc nào chủ trương hay âm mưu xâm lược, phá đổ nền dân chủ chân chính của nước Việt Nam, nhưng nếu chưa thực hiện được hoàn toàn khẩu hiệu đại đoàn kết dân tộc thì chúng tôi, một bộ phận cách mạng, chúng tôi tự nhận chưa làm tròn nhiệm vụ của mình dẫu rằng việc thực hiện được đại đoàn kết hay không, không phải chỉ do ở chúng tôi, mà một phần do sự giác ngộ sứ mệnh lịch sử, do sự giác ngộ triệt để quyền lợi của các từng lớp đồng bào.

Điều thứ hai, trong Mặt trận Việt Minh, nếu kết nạp eo hẹp quá thì không thành một mặt trận; không làm cho đầy đủ và chu đáo mọi việc. Kết nạp rộng ra thì thế nào cũng xen lẫn những phần tử phức tạp làm cho một số đồng bào sinh ra hờn oán. Những hành động sai lầm, những phần tử thối nát, chúng tôi đã và sẵn sàng áp dụng kỷ luật trừng trị chỉ trích ráo riết. Nhưng dù sao nó cũng đã làm thương tổn uy tín, thanh danh Việt Minh một phần nào. Thật một tội lỗi đồng thời một mối khổ tâm đau đớn cho cả đoàn thể chúng tôi. Đến đây xin quý vị hiểu cho chúng tôi chữ “tội lỗi” theo nghĩa của nó trên nầy, chớ không phải theo quan niệm buộc tội của một vài người hoặc chưa hiểu chúng tôi, hoặc thiên biến mà cứ bao nhiêu việc xấu xa đáng tiếc đều quy vào Việt Minh không xét nguyên nhân sâu xa của nó, nhìn cả phương diện nầy lẫn phương diện khác để phê phán cho công bình xác thực hơn.

Thưa quý vị;

Một đoạn nữa, chúng tôi xin phép quý vị bộc bạch ra đây chủ ý để chúng ta hiểu nhau hơn nữa.

Có người nói đoàn kết gì mà đoàn kết cứ lục đục nhau hoài. Thật ra lục đục cũng có nhưng chỉ một phần nào thôi, những thắng lợi to lớn mà chúng ta đạt được sau bao nhiêu lần chiến đấu gắt gao không thể không công nhận rằng đó là thành tích của một sự đoàn kết mãnh liệt.

Có người nói Việt Minh giành bá quyền trong Chính phủ. Sự thật, trong Quốc hội, trong Chính phủ, trong các cơ quan hành chính v.v… có cả Việt Minh, Quốc dân đảng, Dân chủ đảng, có cả giàu cả nghèo, có cả Công giáo lẫn Phật giáo nữa kia mà.

Hơn nữa, hiện giờ và từ trước những đồng chí Việt Minh nằm trong các cơ quan hành chính cứ muốn trở lui về hoạt động trong quần chúng để trở thành những chiến sĩ con dân hợp với sở thích của họ hơn. Và chúng tôi đang gặp tình trạng thiếu cán bộ thế nào chắc quý vị thừa rõ.

Có người nói Việt Minh là Cộng sản vì lẽ thấy ở trong Việt Minh có những người Cộng sản? Nếu thế ở trong Việt Minh có người Công giáo cũng cho Việt Minh là Công giáo, Việt Minh có Phật giáo cũng cho Việt Minh là Phật giáo hay sao? Đứng trên lập trường dân tộc, bất luận Cộng sản hay gì chúng tôi không có quyền câu nệ, miễn họ ái quốc đi theo chính thể Dân chủ Cộng hòa thì chúng tôi sẵn lòng bắt tay và kết nạp vào. Như vậy mới đúng với chủ trương đoàn kết giữa toàn dân.

Thưa quý vị, nãy giờ chúng tôi nói hơi dài dòng một chút để chúng ta hiểu nhau hơn và đánh tan những sự ngờ vực đáng tiếc cho rằng Việt Minh gạt bỏ người tài những nhà chuyên môn những bậc tri thức, các vị công chức. Sự thực như thế nào chúng tôi đã bày tỏ thái độ và lập trường đoàn kết, không ngoan cố không thành kiến không bè phái biết theo lẽ phải biết trọng người tài, biết quý hy sinh, biết đoàn kết với tất cả những người cùng ruột thịt.

Quốc dân Liên hiệp hội thành lập, chúng tôi nhận một bộ phận nằm trong đó, xin thề nguyện luôn luôn trung thành với tôn chỉ mục đích của Hội theo đúng chương trình điều lệ của Hội quy định, theo đúng chỉ thị và nghị quyết của Hội. Chúng tôi cho đem hết năng lực thành thực cộng tác với tất cả đảng phái, các giai tầng, các cá nhân yêu nước dựa theo lập trường trên, với một thái độ hòa hảo nhân nhượng chân thành ngay thẳng.

Làm nhiều hơn nói nhiều, đến đây chúng tôi chấm dứt và xin chào quý vị bằng một lòng thân ái vô biên[7].

*

Thông qua các nguồn tư liệu trên, chúng ta thấy sự linh hoạt, bản lĩnh, chủ động, sáng tạo nhưng vẫn giữ đúng nguyên tắc trong lãnh đạo của Đảng dưới mọi tình huống để phát huy vai trò của những người cộng sản lồng sự lãnh đạo của Đảng vào công tác chính quyền và các đoàn thể cách mạng một cách khoa học mà vẫn giữ được tính dân chủ, tính quần chúng rất cao. Với lòng yêu nước nồng nàn của người Cộng sản “suốt đời vì Dân vì Đảng”, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã lãnh đạo Xứ ủy Trung Bộ và Tỉnh ủy Thừa Thiên vượt qua bao khó khăn gian khổ trong những ngày đầu, năm đầu Cách mạng vừa giành được chính quyền ở Thừa Thiên Huế.     

D.P.T
(TCSH45SDB/06-2022)



[1] Báo Quyết Chiến, số ra ngày 17/9/1945.

[2] Báo Quyết Chiến, số ra ngày 12/5/1946.

[3] Báo Quyết Chiến, số ra ngày 19/6/1946.

[4] Báo Quyết Thắng, số ra ngày 28/6/1946.

[5] Báo Quyết Chiến, số ra ngày 20/7/1946.

[6] Báo Quyết Chiến, số ra ngày 29/7/1946.

[7] Theo Quyết Chiến số 281, ra ngày 7/8/1946.

 

Các bài mới
Không - hoa (12/07/2022)
Ký ức mùa thi (08/07/2022)
Mặt trời (08/07/2022)
Các bài đã đăng