Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.6-22)
Judith Gautier, nữ thi sĩ tình si
15:11 | 07/07/2022

GÉRARD CHAPUIS

Judith Gautier là nữ văn sĩ Pháp, sinh ngày 25 tháng 8 năm 1845 tại Paris. Bà chết khi đang dàn dựng và trang trí một máng cỏ hang lừa bởi cơn nhồi máu cơ tim ngày 26 tháng 12 năm 1917 tại Saint-Énogat/Dinard, hưởng thọ 72 tuổi.

Judith Gautier, nữ thi sĩ tình si

Bà là con gái của Đại văn hào Théophile Gautier (30/08/1811 - 23/10/1872), nhà soạn kịch, tiểu thuyết gia và là con gái của bà ca sĩ opéra Ernesta Guiseppina Jacomina Grisi (25/10/1816 - 11/12/1895).
 


Gia đình Gautier (Judith và cô Estelle, em gái)

Dòng dõi Gautier phần đông là thành phần giai cấp tư sản.

Vào hè năm 1845, chúng ta tìm thấy vết của Théophile Gautier, lưu động và hiếu động, phấn đấu để sinh tồn với nghìn lẻ một ngành nghề khi đang mô tả khách sạn “‘La Régence” trong bài “Chuyến du hành đẹp như tranh vẽ tại Algérie” dưới danh nghĩa của một người viết thời luận:

“Khách sạn đứng đầu ở Alger “La Régence” trông giống như là một cung điện vì nó rộng và khang trang. Đây là nơi các Tướng Tá Pháp ở khi đến Alger nhưng giá lại tương đối cao”.

Cũng cần lưu ý rằng vợ của ông, Ernesta Grisi, vào thời điểm này, đang trong kỳ ốm nghén giai đoạn cuối và Judith được sinh ra ngày 25 tháng 8 năm 1845.

Chỉ 2 tuần sau khi chào đời, vào tháng 9 năm 1845, Judith mới giáp mặt lần đầu tiên với cha, ông Théophile.

Trong mắt bàn dân thiên hạ, cô bé Judith được coi như một cô gái bị “bỏ mặc” vì người cha nổi tiếng, lập dị nhưng lại dễ dãi thái quá trong sự dưỡng dục, trong khi mẹ cô lại quan tâm đến sự nghiệp của bản thân hơn là quan tâm đến con cái.

Khi trưởng thành, Judith bộc bạch tâm sự như sau:

Đừng hòng thấy một giọt nước mắt nơi tôi. Vả lại, tôi la hét nhưng không khóc ròng; Tôi chống trả nhưng không bao giờ có ý nghĩ xin giùm tha trong tư thế hạ mình.

Tôi không muốn bị phạt cũng như không cần được mơn trớn.

Từ khi tôi đã mất ngôi vương và xa cách vú nuôi khi mà tôi là người duy nhất được cưng chiều trong vòng tay bà, tôi rất là đanh thép với chính bản thân, chấp nhận một cách can trường hậu quả những gì tôi gây ra; Tôi chịu đựng điều thiếu thốn và thậm chí cả những giày vò thể xác mà không hé môi phàn nàn.

Quyền tự do tuyệt vời mà Théophile dành cho việc giáo dục các cô con gái của mình (chẳng hạn như việc để hai cô đến thư viện gia đình đầy ắp sách với những tên tuổi như Alexandre Dumas, Balzac, Shakespeare, Baudelaire, Edgar A. Poe), không khí sôi động trong gia đình với hàng tá chòm sao vãng lai nổi tiếng bạn của Théophile, khi mà Victor Hugo cọ xát với Gustave Flaubert và khi mà Paul Verlaine và Anatole France lần đầu tiên khám phá bản dịch văn học từ những bài thơ triều đại nhà Đường (thế kỷ VII- X) bởi Judith con gái lớn của gia đình Gautier thọ giáo từ gia sư người Trung Hoa tị nạn chính trị Tín Tử Linh/ (丁敦 龄 1831 - 1886) mà cô bắt đầu học tiếng Trung, điều này cho phép cô bắt đầu xuất bản cuốn “Le livre de jade” phát hành vào những năm 1867 cũng như Charles Simon Clermont Ganneau, một nhà Phương Đông Học người Pháp đã dạy cho Judith tiếng Ba Tư với kết quả là sự xuất bản đầu sách “Iskender” sau đó.

Tất cả những điều này góp phần mang lại tính cách mạnh mẽ và trên tất cả là sự thành công rực rỡ cho Judith Gautier mà độc giả phải xác định rằng “Đa tài sẽ phải là đa tình”.

Judith luôn nhớ đến những ngày thứ năm bất khuất khi mà tất cả trí thức Paris không hẹn nhưng hội tụ đông đủ trong căn hộ của Théophile và đó là nơi mà thức ăn chễm chệ ê hề trên bàn, nào là “Risotto” kiểu Milan, xúc xích Bologne, salami, zamponi, ô liu, mortadelle và cá hồi nằm trên cây mùi tây được phục vụ như món ăn lạnh với sốt mayonnaise do chính Judith đích thân đảm trách...

Và vô số bình luận của khách về nhan sắc mỹ miều của hai cô tiểu thơ nhà Gautier khi họ quên rằng “Hồng nhan sẽ phải bạc phận”.

Theo Robert de Bonnières: “Hai cô con gái của Gautier đều xinh đẹp tuyệt trần với nét đẹp gia truyền từ cha; nhưng chỉ một trong hai cô có gương mặt Hằng Nga và đôi mắt hoa sen của các nữ thần Hindou. Khuôn mặt của Judith tái tạo lại một cách hoàn hảo vẻ đẹp cổ xưa mà cha cô vô cùng yêu thích. Với điều đó, tôi có cảm giác gì đó man rợ trong đôi mắt màu vàng lạ thường và trong thái độ của cô ấy có sự buông thả lả lơi trí mạng của một nô lệ đến từ phương Đông”.

Và Fernand Calmettes đã gợi lên “Vẻ đẹp y như những tấm huy chương” khi nói về Judith. “trí tuệ linh hoạt hơn người, cô ta có vẻ như buông thả lả lơi vóc dáng và với tư cách lãnh đạm hiển nhiên “nhân hóa” sự lộng lẫy mang lại cho toàn bộ cơ thể dáng vẻ yêu kiều nhất định trong cái uể oải hấp dẫn cũng như sự thờ ơ rất ư là quyến rũ.”

Không thể không kể đến Léon Barracand, kẻ hâm mộ âm thầm, người đã hé lộ nhiều năm sau đó một giai thoại về trải nghiệm độc nhất vô nhị trong đời mà ông được ân thưởng từ tay cô con gái lớn của Gautier khi nhớ đến mùi hương của bộ tóc dài mượt mà... “Một hôm khi đến thăm Judith, từ chuyện này bắt qua chuyện khác, họ đi đến câu chuyện gợi lên hiện tượng tĩnh điện học gây ra bởi một chiếc lược từ mai rùa đang nô đùa trên mái tóc dài và điều này có thể tạo ra ánh sáng lấp lánh. Barracand vô cùng khao khát trở thành nhân chứng đặc biệt của khoảnh khắc tuyệt vời có một không hai khi mà

Tinh tú trời cao thành vương miện sáng
Khai lễ đăng quang vũ trụ chong đèn
Không một chút do dự, Judith đã hiện thực điều ước không lời của người khách vãng lai bằng cách dẫn ông ta vào phòng riêng của mình để lấy chiếc lược và sau đó vào một căn phòng nhỏ khác, kính tối hơn; cánh cửa đóng lại, mái tóc buông xõa hồn nhiên, Judith nghịch với chiếc lược trong mớ tóc dài làm cho những tia lửa rơi xuống như mưa tinh tú và sao băng trên bàn tay người thi sĩ đáng thương đang chìm đắm, ngất ngây trong ân huệ được ban bố.

Nữ sĩ Judith Gautier

Nữ thi sĩ (vào những năm 1870).

Những lời khuyên rất khôn khéo của Théophile trở thành một người bạn đồng hành quý giá cho Judith Gautier sau nầy. Đối với ông, “An nhiên tự tại làm cho con người tiếp thu cuộc sống và cảnh quan ở một khía cạnh rất khác. Tư duy về khái niệm “Hạnh Phúc” hay “Bất Hạnh” sẽ tô điểm màu sắc cho bầu không khí và tâm trạng cuộc đời!

Một giọt mật đắng có thể làm tái đi màu xanh dương của mặt bể hồ Thụy Sĩ. Vậy hãy hài lòng với bản thân vì thế mới tìm ra chân lý của niềm hạnh phúc dầu ở cuối chân trời nhưng nhất thiết phải cẩn trọng khi đưa ra lời bình phê phán cho những gì thật sự tuyệt hảo”.

Các lĩnh vực mà Judith Gautier thoải mái sáng tác và cho ra đời những tác phẩm để đời của cô sẽ là Ai Cập cổ đại (niềm đam mê được truyền lửa bởi cha cô Théophile vào thời điểm viết “Le roman de la momie”), Ba Tư, Trung Quốc, Nhật Bản và An Nam...

Đó là những thế giới được hình dung qua trí tưởng tượng phong phú tràn đầy tài năng “hoàn toàn trang bị đầy ắp thông tin” cuốn hút độc giả vào hiện thực khi mà cô ấy chỉ đi du lịch nhiều nhất là năm lần trong đời.

Bất chấp nhiều đối tượng đeo đuổi vì sắc đẹp trời phú và trí thông minh uyên bác, ví dụ điển hình là Victor Hugo (đã trở thành người tình của Judith vào ngày 10 tháng 7 năm 1872 (?), người đàn ông với “vầng trán hoành tráng” và “Đôi mắt chim đại bàng” theo lời kể của Théophile Gautier và Richard Wagner - thiên tài âm nhạc, một tình yêu thuần khiết (?), trong số đó cũng có một đại sứ ở Luân Đôn, người sau đó trở thành Thủ tướng của vua xứ Ba Tư/ Nassereddine, tên là Mohamed Harsan Khan, cô quyết định thành hôn với thi sĩ trẻ Catulle Mendès sau khi gặp ông, có lẽ từ trước năm 1863, bất chấp những lời cảnh báo của cha là Théophile về những tật xấu của người này (một kẻ lăng nhăng với xu hướng nghiện rượu); Judith cuối cùng đã khuất phục Théophile với thời gian và đường dài hơi. Ông đồng ý cho cuộc hôn nhân một cách miễn cưỡng 4 tháng trước khi Judith thành niên năm 21 tuổi vào mùa hè năm 1866 và cũng cương quyết từ chối tham dự lễ cưới.

Của hồi môn vẫn được trao cho cô khi rời tổ ấm của gia đình.

Théophile cho thấy sự hỗn loạn tinh thần ngày ký hợp đồng hôn nhân của cô con gái lớn thân thương của mình. Ông viết cho vợ:

“Hôm nay là ngày ký hợp đồng. Bất hạnh là ván đã đóng thuyền rồi. Hôn nhân ấy, một cuộc phản nghịch, điên rồ và vô liêm sỉ phải được thực hiện. Hơn tám ngày nay, thằng Do Thái chết tiệt này đã viết đầy trong báo giới bên lề và báo lá cải nơi mà nó có thể truy cập những thông tin hoa mỹ, khoa trương sự kết hôn của nó với cô tiểu thơ đài các con gái của đại thi sĩ lừng danh lẫy tiếng. Nó bắt đầu “sơn đông mãi võ” loan tin và suốt ngày dài mỗi khi tôi va mặt vào quân khốn ngoài đường, họ cảm giác có bổn phận phải chúc mừng tân hôn làm tôi lợm giọng khiến tôi chịu nhục hình tàn bạo; tôi chỉ muốn vả vào mõm bọn họ”.

Hôn lễ dân sự được cử hành vào ngày 17 tháng 4 năm 1866 lúc 16 giờ chiều tại tòa thị chính Neuilly sur Seine.

Cái nhìn xa trông rộng của cha già hóa ra tiên đoán đúng vì cuộc hôn nhân thất bại vang dội sau đó, thảm khốc đến mức dẫn đến việc cha mẹ cô Judith ly hôn sau hai mươi năm chung sống.

Lý do cho sự chia tay của cặp đôi là vào khoảng ngày 15 tháng 5 năm 1874 khi Judith phát hiện Catulle Mendès có tình nhân, ngay cả trước khi kết hôn với Judith, bà Augusta Mary Anne Holmes, người yêu âm nhạc, nhà thơ và nhà soạn nhạc người Pháp gốc Anh, Ireland và Đan Mạch hay họa chăng là sự lãnh cảm trong vụ giường chiếu của cặp vợ chồng? Không ngoại trừ khả năng vấn đề tế nhị hơn đó là Judith không thể có con do vô sinh với người đàn ông mà cô đã chọn, đã yêu khi còn niên thiếu và là người cô yêu trên hết? Hay là sự vô cảm hoặc sự lợi dụng danh tiếng của cha vợ của Catulle để trục lợi bản thân?

Từng đó tủi nhục và lừa dối là quá đủ đối với Judith Gautier. Sự ngây thơ và lãng mạn của tình yêu tuổi trẻ bị ngăn cản phút chốc tan biến đi, cuộc chia ly được quyết định và thực hiện không mâu thuẫn khi cô mời Catulle rời khỏi căn hộ của gia đình ngay lập tức.

Judith Gautier vẫn luôn giữ thái độ kiên cường, đầy phẩm cách đáng kính trọng trong nghịch cảnh.

Và cuộc ly hôn được công bố vào tháng 12 năm 1896.

Theo lời bộc bạch của cô Suzanne Meyer Zundel thì Judith chưa bao giờ ngừng yêu cuộc tình đầu đời nầy, cuộc tình bị ngăn cấm bởi tuổi vị thành niên cũng như sự bất đồng của người cha về cuộc sống phóng túng của nhà thơ parnassien.

“Bất chấp những lời cay qua tiếng độc lại, những nhục nhã phải hứng chịu, những lời nói bóng gió đầy tổn thương, với bản chất rộng lượng, Judith đã sẵn sàng quên đi và tha thứ mỗi khi anh ta tìm cách quay về. Đó là niềm tin từ đáy lòng của tôi. Vả lại, bất cứ mối tình đầu nào cũng dữ dội nhất, dai dẳng nhất và ký ức chắc hẳn sẽ tồn tại nhiều năm ròng khi để lại trong lòng cô ta những tiếc nuối khó thể phai nhòa”.

Sau cuộc hôn nhân đổ vỡ, nữ thi sĩ dường như rất sợ tiếp cận lời đường mật đến từ phái mạnh khi cô từ chối dứt khoát những màn tỏ tình của những người tên tuổi đáng kể đến từ giới văn học nghệ thuật, bạn của cha cô. Louis Bénédictus (hay Ludwig Bénédictus), con trai của một nhà buôn kim cương Hà Lan, nhà soạn nhạc và cũng là một trong những người tình si dám dành cả cuộc đời để theo đuổi Judith một cách chuyên cần. Lòng chung thủy đến mù quáng được người đương thời đánh giá như có gì đó rất ư là một sự tôn sùng kính. Đặc ân duy nhất được ban tặng từ nữ thần Judith huyền diệu là mộ phần ông sẽ được mai táng kề bên nơi an táng nữ thi sĩ sau khi cô qua đời. Hậu thế xác nhận ông là người bền bỉ nhất trong số những người si tình nhưng cũng là người bị ngược đãi thô bạo nhất bởi vì ông là chứng nhân cuộc tình vừa chớm nở giữa Judith và Wagner mà không có một phản kháng nào để bảo vệ tình cảm bản thân. 

Nhưng không có gì ngăn cản được Judith khi cô tự hủy bằng một tình yêu nồng nàn và chân thành dành cho Hàm Nghi; cũng đừng nên quên là Judith thực sự mến mộ vùng đất Viễn Đông huyền bí.

Khi họ gặp nhau lần đầu tiên vào ngày 12 tháng 6 năm 1900, Judith lúc đó đã 55 tuổi, trong khi Hàm Nghi đang ở năm thứ mười một lưu vong ở tuổi 29. Hai mươi sáu năm cách biệt Judith với Hàm Nghi. Cuộc gặp gỡ được kết nối nhờ Pierre Louÿs (10/12/1870 - 04/06/1925) một nhà văn đình đám sau khi xuất bản cuốn sách Aphrodite vào năm 1896.

Tuy nhiên, Judith đã nghe nói về vị hoàng đế trẻ tuổi của nước Annam này trước lần hạnh ngộ đầu tiên và cô ấy dành tình yêu sâu đậm cho cựu hoàng đến từ phương xa.

Các tài liệu khác nhau còn sót lại hoặc các tác phẩm nghệ thuật của Hàm Nghi khắc họa ít nhiều hình ảnh cựu hoàng, dầu không còn mơ hồ như xưa nhưng với sự miêu tả sống động không khác gì với hình chụp về cảm xúc của Hàm Nghi qua những bài thơ viết dành tặng vào những năm 1900 như “Lần đầu hạnh ngộ” hay “Chân dung” cho chúng ta thấy nỗi thống khổ của vị vua cũng như những bức ảnh hiếm hoi về Hàm Nghi biểu lộ ngự mạo đăm chiêu với một tâm hồn đầy nỗi đau.

“Lần đầu hạnh ngộ”

Cơn đau vời vợi mà thiếp không gánh chịu
Cảnh ngộ người dầu chưa kiến diện ám ảnh giấc mơ
Sụp đổ trong tim trăm khối thép
Thập niên đọa đày biến ngàn cân giờ hội ngộ mong manh.

Trước ngự mạo thấu hiểu tội ác kẻ cường quyền
Thiếp cuồng khổ khi thành kẻ địch
Muôn ngàn tiếc thay! Những oán thù đã là cho thiếp
Dầu vật vã cảm thông chỉ xứng đáng với miệt khinh.

Quá khứ tương lai hiện ra lần một
Đắm chìm thiếp giữa bể oan cừu; nghị lực điêu tàn
Thiếp kêu la xin được cứu rỗi; vọng lên tiếng nói dịu hiền
Trấn an lòng người thiếu nữ; bàn tay ấy cứu vãn cuộc đắm thuyền

Ngài phán: “Khóc mà chi? Nên tìm quên lãng! Tất cả đều là vô nghĩa
Chỉ cần giữ cho linh hồn nghĩa khí vô tì vết”.
Qua nghĩa cử diệu tuyệt ngài đã ân xá
Gỗ hương đốn hạ ngát hương lưỡi rìu.

“Chân dung”

Phương Đông huyền bí bao trùm ánh hào quang
Người con mà Phương Tây háo thắng nuốt chửng
Dưới tia nắng ấm bình minh ló dạng
Trong tiếng sấm súng đạn gươm giáo tuốt trần.

Cao ngạo trầm ngâm quyến rũ, ngài chấp nhận sự cưỡng bức
Những cuộc giao lưu phạm thượng
Không nổi trận lôi đình cũng không khiếp sợ, ngài giữ cho mình
Tâm hồn khoan thai cho những ai gương mẫu!

Judith đã phải lòng vị hoàng đế lưu vong này với tình yêu nồng cháy. Liệu có quá sớm để vua Hàm Nghi phản ứng tích cực vì cuộc lưu vong “chỉ” mới có mười năm và vua Hàm Nghi không nắm bắt giải mã được quy tắc điều lệ cuộc sống xã hội phương Tây? Hay là vì tuổi tác? Trừ khi vua Hàm Nghi muốn có một sự lựa chọn theo lý trí hơn là theo tiếng nói của trái tim bằng cách kết hôn với con gái của một quan tòa quyền lực để đặt cuộc sống mong manh và tương lai bấp bênh của mình dưới sự bảo hộ của ông cha vợ? Trước trái tim luôn khép kín, Judith Gautier biện minh cho sự yếu đuối bản thân bằng niềm đam mê vô bờ bến đối với miền Viễn Đông.

Và để biện minh cho thái độ cực kỳ nhạy cảm mà ông không muốn bày tỏ qua lời trần tình hay qua lời văn, Judith Gautier khuyến khích ông trình bày nỗi đau bằng tiếng cha sanh mẹ đẻ để cô có được niềm vinh hạnh khi trở thành người phiên dịch cho người tù bị giam trong xa hoa vật chất.

Ông chính là biểu tượng sự “tinh túy của cả một cánh đồng hoa hồng nằm gọn trong chiếc lọ nhỏ”, cô thường nói.

“Vâng, thiếp cảm mộ Á châu với tình yêu chân thành và thống thiết, không chỉ dưới khía cạnh thi vị ca; một tình yêu hàm chứa đầy nỗi thương đau, tức giận và sự hối tiếc cho một quê hương đã mất. Và giờ đây, tình yêu ấy được gởi trọn cho chàng. Dưới ánh mắt thiếp, chàng là vì sao và là loài hoa tích tụ muôn ngàn ánh hào quang và tinh hoa hương trầm bát ngát của giang sơn mà thiếp đã hằng mơ tưởng”.

Nhờ tình yêu say đắm của Judith Gautier mà vết thương lòng tự ái của vua Hàm Nghi được xoa dịu khi ông đã từng là quân vương của nước Việt Nam, thành tù nhân rồi bị đày đi biệt xứ. Ông nài xin những bức thư nhuộm màu thi ca của JG (02/02/1901) và vào tháng 3 năm 1901, Judith Gautier, dưới trướng, chấp nhận “tình bạn” của vua Hàm Nghi như “hạt sương cứu rỗi”. Ranh giới đặt ra làm vơi đi gánh nặng trong lòng Judith khi cô đã chờ đợi quá lâu và giờ đây không còn mong chờ gì nữa.

Nữ thi sĩ, nhà trí thức Judith Gautier có linh cảm về những điều tốt đẹp nhất đang chào đón vua Hàm Nghi trên con đường vong quốc như thể cô đã quá thông hiểu xã hội mà cô đang sống trầm mình thời đó.

“Tử Xuân”

Tử Xuân! Hậu duệ mùa xuân! Nụ hoa vừa chớm nở
Đã tàn tro trong bão tố phũ phàng
Thoáng chốc phá vỡ bao tia hy vọng và tình yêu lãng mạn
Xô đổ cung điện sơn son ngạt hương trầm.

Đất nước tan tành giống nòi xé lẻ
Bình minh cuộc đời vấy máu
Ôi, quân vương niên thiếu đăng quanq
Thanh long quằn quại dưới thềm hấp hối.


Trong bể khổ tôi luyện sự trưởng thành
Cuộc mưu hại man di tên phản bội khốn cùng
Vương quốc mất đi đánh đổi bằng Thế giới
Trước mặt ngài chân trời vô biên được mở rộng.

Thi sĩ và tư tưởng gia đích thực của nhân loại
Rộng tay chào đón thần sầu an ủi
Nghệ thuật uyên bác và khoa học khắc khổ
Cống tặng kho tàng mầm sáng tạo.

Khối óc uyên thâm vô kiến định
Rạng danh bậc anh tài
Vườn sao băng khắc dấu tên người
Trong mùa xuân vĩnh hằng và trường cửu.

Tình yêu mà Judith dành cho vua Hàm Nghi giống y như tạc hai giọt nước, tình yêu đã dành cho Catulle trong quá khứ; một tình yêu đơn phương, tàn khốc đến hoàn mỹ dành cho những típ người đàn ông mà cô lý tưởng hóa đến mức cao nhất có thể... Như cánh bướm lạc đường về trước vầng trăng đẹp.

Nhiều người được ơn kêu gọi đông như cát sa mạc nhưng Judith, người phụ nữ mà hậu thế có thể cho rằng “ngốn đàn ông”, thuật ngữ không chỉ định để hạ bệ phẩm cách của Judith, chỉ ân sủng cho 2 tình yêu để lụy tình say đắm Catulle Mendès, ái kỷ người tình khi tuổi còn vị thành niên và vua Hàm Nghi quân vương triều Nguyễn.

Trong những khoảnh khắc này, Judith Gautier chỉ còn là cái bóng của chính mình, một lọ sứ đẹp để trang trí và trở thành con rối trong vòng tay định mệnh.

Một tình yêu ở dạng thuần khiết khác, tình yêu sét đánh mà Judith dành cho René Gérin và hai dòng thơ sau đây cho thấy Judith dễ có thể bị đắm chìm trong vực thẳm của tình yêu tuyệt vọng đến mức nào. Không ngoa nếu dám khẳng định rằng Judith Gautier là nữ thi sĩ được điêu khắc để trở thành người si tình trong suốt cuộc đời của cô và thế gian sẽ đối mặt với những tuyệt tác phẩm thơ ca ra đời dưới bàn tay nữ thần.  

“Hổ và Linh Dương”

Thuở ấy, thiếp vẫn nhớ, khi thiếp là Hổ, cuồng điên vì khát tình thì chàng là Linh Dương non dại thoát chạy trong sa mạc mênh mông...

Để tồn sinh thì phải đoạt mệnh. Khao khát cuồng dại làm thổn thức tâm can và thiếp đã miệt mài săn đuổi chàng dưới ánh nắng chói chang nóng bỏng.

Như đã viết Alfred de Musset:

“Tuyệt tình ca là những bài thi ca lộng lẫy đam mỹ nhất. Và tôi đã từng mục sở thính những vần thơ bất hủ đến từ ca thán thổn thức nghẹn ngào”.

Không giống như cha, người đã bôn ba khắp bốn phương trời, Judith Gautier chỉ rời Pháp năm lần để đến Bayreuth/ Đức, đến Triebschen gần Lucerne ở Thụy Sĩ hòng thăm Richard Wagner, ở Hal gần Bruxelles để gặp Victor Hugo, ở Vienne và vào tháng 5 năm 1914 để đến Algérie thăm gia đình của người bạn chí thân Hàm Nghi, trước khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bắt đầu dưới sự đốc thúc của Suzanne Meyer-Zundel, người đã giữ lời hứa với cựu hoàng khi vào năm 1906 tại Paris, họ đến thăm Judith tại Paris.

Phải nài nỉ Judith vì cô ấy rất chuộng quanh quẩn ở nhà, cũng có thể lý do đến từ những chú mèo và chim cưng nhưng cô bị thuyết phục vào phút cuối về sự chính đáng của cuộc thám hiểm để đồng hành cùng Suzanne. Hai cô cư trú ở Alger 17 ngày.

Judith và vua Hàm Nghi sẽ bị cách trở bởi cuộc Đại chiến thứ nhất và cuộc gặp gỡ ở Alger là cuộc gặp gỡ cuối cùng giữa họ.

Trong giới, cô được biết đến như là “Con gái của nhà thơ” và những lời đồn thổi không ngại kết luận rằng cô “dựa hơi” cha “vốn nổi tiếng” cũng như “mạng lưới đã phủ sóng sẵn từ trước”... Ác ý vì là thân phận nữ nhi thời đó chăng?

Nhưng để kết luận rằng Judith Gautier đã tồn tại nhờ chính bản thân, cô có người cha là Théophile Gautier, có những người đỡ đầu là Maxime du Camp hay Gustave Flaubert, có thần tượng là Richard Wagner nhưng cô ấy chưa từng có một quân sư nào thực thụ trong suốt cuộc đời của mình; cô đã lèo lái cuộc đời mình theo ý muốn dầu đã vấp ngã đau hơn đôi lần.

Là một nhân vật với quá nhiều tài năng, Judith đang ở ngã tư của các xu hướng, do đó cô được chỉ định một cách tự nhiên như một trung gian lỗi lạc giữa các nền văn học, nghệ thuật, văn hóa và cô luôn sẵn sàng tiếp cận để cứu giúp những linh hồn đang mất phương hướng.

G.C
(TCSH45SDB/06-2022)

 

 

Các bài mới
Không - hoa (12/07/2022)
Ký ức mùa thi (08/07/2022)
Mặt trời (08/07/2022)
Các bài đã đăng