Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.6-22)
Ký ức mùa thi
08:53 | 08/07/2022

LINH THIỆN

Thấm thoắt mà đã bốn mươi năm, kể từ ngày ba chở tôi đi thi đại học trên chiếc xe đạp cọc cạch. Hồi ấy, rất ít người có xe máy.

Ký ức mùa thi
Ảnh: internet

Nhà cách trường thi cũng khá xa nên mạ tôi thức dậy từ sớm để nấu ăn cho tôi kịp đi thi. Quán xá cũng không nhiều, muốn ăn được tô phở, tô bún phải đi xa nhà chứ không như bây giờ. Phòng khi xe hư dọc đường và những chuyện khác nữa, mới sáu giờ sáng, tôi lên xe để ba chở đi.

Lúc đó ba tôi tuổi cũng đã ngoài năm mươi. Lên dốc cầu Phú Xuân để qua khu vực nội thành, ông còng lưng rướn người đạp để khỏi mất đà. Dòng Hương trong xanh, yên ắng. Nhiều con đò vẫn còn im lìm trong làn sương mờ. Xa xa thấp thoáng vài ngư dân đang buông lưới, thả câu. Xe xuống cầu, ba tôi rà chân lẹt xẹt vì phanh đã mòn. Mới sáng sớm nhưng mùa hè ở Huế rất oi bức, nhìn lưng áo ba tôi đã lấm tấm mồ hôi. Đâu đó tiếng ve đã bắt đầu rộ lên. Phượng nở rực hai bên đường. Tôi đến trường thi lúc ấy cũng chỉ lác đác người, nhiều thí sinh chưa đến vì còn lâu mới tới giờ thi. Ngồi ở sân trường tôi lo lắng không biết đề thi năm nay như thế nào, có “trúng tủ” phần mình ôn tập không, v.v. Hồi hộp nhất là khi giám thị đọc qua đề thi một lần trước khi viết ở bảng. Tiếng trống bỗng vang lên báo hiệu giờ vào thi, tiếng trống báo hiệu mở đề thi, tiếng trống bắt đầu làm bài thi… Vừa căng thẳng lại vừa nóng, tôi làm bài thi mà mồ hôi tứa ra đầm đìa cả áo. Rồi tiếng trống báo hiệu hết giờ thi… Sau này, cứ mỗi lần nghe tiếng trống trường lòng tôi lại gợn lên bao kỷ niệm buồn vui của những tháng ngày xa xăm. Trước thi mấy ngày, mạ tôi hay nấu chè đậu, lúc thì đậu xanh lúc thì đậu đỏ, đậu ván (không nấu đậu đen vì sợ đen đủi), rồi không biết nghe ai nói mà mạ còn dặn là không ăn thịt vịt (sợ xui), không ăn trứng lộn (vì sợ làm bài lộn trước lộn sau), lại còn khuyên không ăn chuối (vì sợ trơn, trượt),… Mạ dặn nhiều, nhiều lắm.

Trong các buổi thi, ba tôi và nhiều người khác ngồi ở bãi cỏ bên đường, dưới tán phượng để chờ, trong lòng dấy lên bao niềm hy vọng. Nhiều người tụ tập ở các quán nước để bàn tán chuyện thi cử. Lúc ấy, rất nhiều thí sinh ở các tỉnh, thành miền Trung, Tây Nguyên đến Huế để thi nên đường sá luôn đông người, tấp nập. Mong muốn của ba tôi không thành, năm ấy tôi thi rớt. Dù có buồn nhưng không hề rầy la gì, ba còn động viên tôi thi lại đại học. Học sinh thì đông nhưng lúc ấy ít trường đại học, ở Huế có trường Đại học Y khoa, Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Y Dược và Đại học Khoa học) và Trường Đại học Sư phạm. Sau đó có thêm trường Đại học Nông nghiệp II Huế (sáp nhập Trường Đại học Nông nghiệp II ở Hà Bắc với Trường Cao đẳng Nông Lâm nghiệp Huế). Ngay tại Đà Nẵng lúc bấy giờ cũng chỉ có trường Đại học Bách khoa mà thôi. Ai muốn thi vào trường khác phải vào tận Thành phố Hồ Chí Minh hoặc ra Hà Nội.

Có lớp thi năm đầu tiên mà không một ai trúng tuyển vào Đại học, có lớp chỉ có một vài học sinh trúng tuyển vào trung cấp, cao đẳng, chứ không thể vào đại học được. “Cổng trường đại học cao vời vợi”, không ít người nản chí, bỏ cuộc sau kỳ thi rớt đại học lần đầu để chọn cho mình một hướng đi khác. Người đậu nguyện vọng hai thì vào trung cấp, cao đẳng; người thì đi học nghề, bán buôn, đi xuất khẩu lao động, v.v. “Hội” thi lại đại học của chúng tôi có người thi lại năm thứ hai, thứ ba, nhưng cũng có người thi lại đến năm thứ tư, thứ năm. Tôi có người bạn vì đam mê ngành y nên đeo đuổi để thi vào Trường Đại học Y Khoa Huế. Nhà nghèo, nên vừa học vừa đi làm thêm, ai kêu gì làm đó, lúc thì chở nước đá, lúc thì chở nước ngọt đến các quán giải khát. Rảnh lúc nào thì học lúc đó. Vậy mà có năm cũng chỉ thiếu một, hai điểm nên cả nhà tiếc quay tiếc quắt. Thi lại đến mấy lần mà… vẫn rớt. “Nhất Y nhì Dược”, thi vào Đại học Y khoa điểm lấy cao nên rất khó đậu. Lượng sức mình không với tới được, bạn tôi chuyển sang thi sư phạm và cũng đã đậu, mặc dù không được như mong ước. Tính từ khi tốt nghiệp cấp III, cho tới sáu năm sau bạn tôi mới bước chân vào được đại học, trong khi bè bạn cùng trang lứa có người đã tốt nghiệp đại học ra trường và đã đi làm, có người cũng lập gia đình, có con cái. Bây giờ, mỗi lần gặp nhau, bạn vẫn luôn tự hào, dí dỏm khi nhắc lại chuyện xưa.

Học để thi lại ở nhà hay bị phân tâm, không tập trung nên chúng tôi chọn nơi yên tĩnh như Thư viện tỉnh để ôn tập. Phải đến sớm trước và chực sẵn ở cửa thư viện, khi mở cửa thì ùa vào ngay, nếu chậm chân thì sẽ hết chỗ. Đến sớm thì tìm được chỗ thoáng mát gần quạt máy, gần ánh đèn, gần cửa sổ. Học ở đây thuận lợi lắm, không chỉ yên tĩnh mà khi cần tra cứu gì để phục vụ cho việc học tập thì đến tìm các ngăn ghi danh mục sách để mượn (dĩ nhiên là phải có thẻ Thư viện). Ở Thư viện, ngồi học chung và được sự động viên của các anh, chị đang học các trường đại học mà trong lòng chúng tôi dấy lên niềm khát khao cháy bỏng và quyết tâm là làm sao phải vào được cổng trường đại học. Các anh, chị lúc nào cũng miệt mài, chăm chỉ, tập trung học tập, nhất là nhiều anh, chị học trường Y, ngoài giờ lên lớp, đến bệnh viện thì thường xuyên có mặt ở Thư viện.

Những hôm tắt điện, hoặc chủ nhật không học ở đây được, “hội” chúng tôi kéo nhau lên chùa tìm đến những mái hiên, dưới tán cây để học cho tới mờ mịt tối mới về. Các chú tiểu ở chùa cũng rất thiện cảm, thi thoảng ra chuyện trò, rồi đem cho chúng tôi lúc thì bánh in, lúc thì chuối, cam, quýt. Trong “hội” ai có thứ gì ở nhà thì mang theo để mời bạn bè. Có khi thì chúng tôi lên tận đồi Thiên An, tìm bóng mát dưới gốc thông để học. Chỉ cần mang theo tấm bạt nhỏ hoặc tấm ni lông trải ra là đủ chỗ cho vài người ngồi. Làm sao quên được những tháng ngày hồn nhiên, lãng mạn của một thời học sinh. Có lúc thả hồn bên ngàn thông reo vi vu, theo tiếng chim cu gù, cu gáy xa xa, mơ tưởng đến những chuyện xa xôi mà xao nhãng cả việc học. Chuyện dạy thêm, học thêm thời đó cũng có nhưng ít lắm, chúng tôi chỉ học vài tháng cuối về cách giải đề thi, còn phần nhiều thời gian tự ôn tập.

Rồi một mùa thi lại đến… Ngày có bảng điểm niêm yết ở trường, tôi hồi hộp và lo lắng nên không dám đến xem điểm của mình, mặc dù gia đình giục mấy lần. Ba tôi thấy vậy liền đạp xe đi ngay. Tôi ở nhà đứng ngồi không yên, hết đi ra, đi vô, ruột gan thì như lửa đốt. Thời gian chờ đợi sao mà lâu đến vậy. Mặc dù làm được bài thi nhưng trong lòng vẫn dấy lên bao mối lo ngại. Nếu năm nay rớt nữa thì làm gì đây? Ăn nói thế nào với gia đình khi dồn sức lo cho mình ăn học suốt cả năm trời? Còn bạn bè, thầy cô?... Càng nghĩ thì nỗi lo càng tăng lên. Cho đến khi nghe tiếng xe phanh rít ở cổng, ba tôi về với nét mặt rạng rỡ, nụ cười trên môi, không đợi ba tôi nói một lời, các chị và em tôi đều nhảy và la toáng lên “đậu rồi”, “đậu rồi”… Tôi vui mừng khôn xiết và cũng không có bút mực nào tả nổi lòng tôi lúc này. Mấy ngày liền nhà tôi rộn ràng hẳn lên bởi bạn bè, bà con, xóm giềng đến chúc mừng. Các bác và dì tôi dù ở xa nghe tin cũng gửi quà cho tôi. Trong những món quà mà người thân tặng, tôi thích nhất là cây đàn ghi-ta hiệu Tân Châu mà o tôi ở Huế mua cho. Đến giờ tôi vẫn còn giữ lại để làm kỷ niệm. Ba mạ tôi còn cho tổ chức liên hoan. Nói là liên hoan cho “xôm” vậy, nhưng chỉ có nồi bún, nồi chè. Bạn bè đến đông lắm, đàn hát, vui chơi đến tận khuya...

Ngày ấy, đời sống còn nhiều kham khổ. Lo cho con có cái ăn, cái mặc cũng đã khó. Sáng đi học có khi chỉ lót dạ củ sắn, củ khoai để đến trường. Nhà tôi chỉ có mỗi chiếc xe đạp, thay nhau đi khi có việc cần. Gia đình đông anh em nên ba mạ tôi phải vất vả ngược xuôi, làm lụng đủ nghề. Thấy vậy, em tôi đòi nghỉ học để phụ giúp gia đình nhưng ba mạ tôi không đồng ý mà còn rầy la nữa. Gia đình có miếng vườn xa nhà, rảnh rỗi tôi mang cuốc, rựa theo ba mạ để cùng tăng gia sản xuất nên cuộc sống cũng phần nào bớt vất vả hơn. Đất vườn cũng khá rộng, trồng nhiều loại rau, củ, quả. Đến mùa thu hoạch khoai, sắn đầy nhà. Ăn không hết thì xắt mỏng phơi khô nấu ăn độn với cơm. Gom lượm, chặt củi khô trong vườn hoặc đi cào lá thông khô ở các đồi cũng bớt được tiền mua củi, mua than. Mấy con heo trong chuồng béo tròn núc ních cũng là nhờ chị và em tôi chăm sóc, cứ chiều tối là đến mấy nhà trong xóm lấy nước cặn để về nấu cho heo ăn. Khi bán nó, gia đình tôi cũng có một khoản tiền kha khá để trang trải cuộc sống. Tôi được bước vào cổng trường đại học là niềm vui cho gia đình và cũng là bớt phần khó khăn cho cha mẹ. Thời ấy, sinh viên chúng tôi mỗi tháng được trợ cấp mười mấy cân gạo, tiền học bổng và một số thực phẩm khác.

Mấy năm trước, vô tình con tôi thi tốt nghiệp THPT quốc gia cũng ở địa điểm mà tôi thi vào đại học năm xưa. Ngôi trường bây giờ khang trang, bề thế và đẹp hơn nhiều. Tôi chở con đi thi bằng xe máy trên con đường được trải nhựa phẳng phiu, chứ không phải ổ voi, ổ gà như ngày trước. Cho con ăn tô bún bò nóng làm tôi nhớ nắm xôi đậu mẹ nấu năm xưa… Dưới bóng râm, quán nước bên đường, nhiều người làm cha, làm mẹ đang đứng, ngồi, thấp thỏm, trông chờ và hy vọng về một mùa thi đầy may mắn cho con em mình.

Phượng nở đỏ một góc trời. Dòng Hương vẫn êm đềm và thơ mộng. Bên đường râm ran tiếng ve gợi lại trong tôi ký ức của tuổi học trò. Một mùa thi nữa lại đến, sĩ tử gần xa có mặt trong cái nắng chói chang khi Huế đang vào hè.

L.T
(TCSH45SDB/06-2022)

 

 

Các bài mới
Không - hoa (12/07/2022)
Các bài đã đăng
Mặt trời (08/07/2022)