Tạp chí Sông Hương - Số 400 (T.06-22)
200 năm trường thi Thừa Thiên
15:24 | 22/07/2022

THƠM QUANG

Danh xưng trường thi Thừa Thiên được vua Minh Mạng đặt vào năm Nhâm Ngọ (1822), tính đến nay đã tròn 200 năm lịch sử. Trường được đóng trên Kinh đô Huế.

200 năm trường thi Thừa Thiên
Trường thi thời Nguyễn - Ảnh: internet

Khi mới thành lập, trường thi Thừa Thiên là nơi tụ hội của các sĩ tử từ Quảng Trị trở vào Gia Định tham gia ứng thí. Sau này, khi đất nước đã mở thêm nhiều trường thi khác, trường thi Thừa Thiên vẫn là nơi được nhiều thí sinh yêu thích lựa chọn để thi thố tài năng, thực hiện hoài bão giúp dân, giúp nước.

Nhiều lần di dời, sửa chữa

Ban đầu, trường thi Thừa Thiên có tên gọi là trường thi Quảng Đức, theo sách Đại Nam nhất thống chí thì: “Đầu đời Gia Long, trường được dựng ở địa phận xã Đốc Sơ về phía Bắc của Kinh thành. Đầu niên hiệu Minh Mạng mới dời đến địa phận xã Nguyệt Biều, đều dựng bằng tre lá, xong việc lại dỡ đi. Hồi đầu niên hiệu Thiệu Trị, dời đến chỗ hiện nay và xây dựng bằng gạch ngói. Chỗ hiện nay theo sách Đại Nam nhất thống chí là “ở địa phận phường Ninh Bắc trong Kinh thành. Ở giữa là thí viện, phía trước là nhà Thập đạo, phía sau là viện Đề điệu, lại phía sau nữa là viện giám khảo và các phòng cửa các quan nội trường và ngoại trường ở hai bên tả hữu. Chung quanh xây gạch, năm nào gặp khoa thi Hương hoặc chế khoa đều thi sĩ tử ở đây”.

Mộc bản sách Quốc triều Hương khoa lục, quyển 1, mặt khắc 49 ghi việc vua Minh Mạng cho đổi tên trường thi Quảng Đức thành trường thi Thừa Thiên, năm Nhâm Ngọ (1822)- Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV



Trường thi Quảng Đức mở khoa thi đầu tiên vào tháng 7 năm Quý Dậu (1813). Mộc bản sách Quốc triều Hương khoa lục, quyển 1, mặt khắc 21 ghi rằng: “Năm nay, mới bắt đầu thiết lập cho trường Quảng Đức, được tổ chức thi vào tháng 7. Các sĩ tử phía Nam gồm Gia Định cùng Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa thi chung. Hữu Tham tri bộ Hình Phạm Như Đăng làm Đề điệu. Thị trung học sĩ Vũ Trinh làm Giám thí. Đốc học Canh Nhạc Bá làm Giám khảo”.

Tháng 6, năm Kỷ Mão (1819), vua Gia Long cho đổi tên là trường thi Trực lệ. Đến triều vua Minh Mạng, sau khi lên ngôi vào năm Canh Thìn (1820), vua đã nhiều lần đến thăm trường và lên vọng lâu nhìn ngắm cảnh quan. Năm Nhâm Ngọ (1822), cùng với việc đổi tên dinh Quảng Đức thành phủ Thừa Thiên, trường thi Quảng Đức cũng được vua cho đổi tên là trường thi Thừa Thiên. Về việc này, Mộc bản sách Quốc triều Hương khoa lục của Tổng tài Quốc sử quán Cao Xuân Dục nhắc đến rất nhiều lần. Có thể kể đến là trong quyển 1, mặt khắc 49 còn khắc ghi: “Nguyên là trường thi Quảng Đức, đến năm Minh Mạng thứ 3 (1822) bắt đầu đổi tên thành trường thi Thừa Thiên”. Năm Giáp Thân (1824), vị vua thứ 2 của triều Nguyễn cho đổi ấn là “Trực lệ thí trường” thành “Thừa Thiên thí trường”.

Dưới triều Nguyễn, trường thi Thừa Thiên đã trải qua nhiều lần di dời và sửa chữa. Mùa hạ, tháng 6 năm Tân Sửu (1841), Kinh doãn Phạm Khôi tâu xin vua Thiệu Trị dời trường thi đến dựng ở phường Đại Đồng trong Hoàng thành: “Vua dụ bộ Lễ và bộ Công rằng: “Trường thi cũ ở Nguyệt Biều, địa thế ẩm thấp, đến mùa thu, mưa ngập, học trò vào trường làm văn, rất bất tiện. Bộ thần nên đi hội khám ngay, chọn chỗ đất cao ráo để làm, chớ để ở nơi thấp ướt, làm khổ cho bọn học trò”.

Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ tam kỷ, quyển 34, mặt khắc 5, 6 ghi về việc vua Thiệu Trị cho sửa dựng trường thi Thừa Thiên, năm Quý Mão (1843). Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

Đến tháng 10, năm Quý Mão (1843), trường được sửa dựng lại. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ tam kỷ, quyển 34, mặt khắc 5, 6 ghi việc này rằng: “Sửa dựng trường thi Thừa Thiên ở trong Kinh thành (ở phường Ninh Bắc) . Trường thi Hương Thừa Thiên trước đặt ở xã Nguyệt Biều (ở bờ bên Nam, sông Hương), trường thi Hội thì ở trước cửa Ngọ Môn, đều đến kỳ thi, mới dùng tạm nhà tranh, phên nứa; thi xong thì dỡ đi. Đến đây, sai hai bộ Lễ, Công trù tính quy thức, đổi dựng ở trong thành, định làm trường thi Hương, thi Hội. Thưởng tất cả dân phu 600 quan tiền (nhà của chánh phó chủ khảo, chánh phó đề điệu, phân khảo, và nhà thập đạo gồm 7 tòa, đều 1 gian 2 chái; nhà của giám khảo, phúc khảo, thể sát, mật sát và ngoại trường lại phòng gồm 7 tòa, đều 3 gian 2 chái; nhà thí viện, công sở của đề điệu và nội trường lại phòng gồm 3 tòa, đều 5 gian 2 chái, nhà sơ khảo 2 tòa đều 6 gian 2 chái. Mỗi tòa mặt vách sau 2 chái bên tả bên hữu, liệu chừng mở ra 1 chỗ cửa bán nguyệt, đằng sau cửa dựng thêm 1 cái bán mái để làm nơi phòng bếp. Các sở cửa trường đều dựng 2 cái cột, chu vi trường và chu vi sở đề điệu nội trường, ngoại trường và nhà thập đạo giáp 4 vi tả hữu, giáp ất; sở giám khảo chỗ tả hữu giáp 2 viện sơ phúc, đều xây tường gạch để ngăn chặn 4 vi, lại dựng một dãy nhà dài, mỗi dãy đều 7 cái nhà, mỗi cái nhà 17 gian. Thi Hương, mỗi gian ngăn ra làm 4; thi Hội thì 2 - 3 gian ngăn làm một, đều lợp ngói)”.

Hơn 30 năm sau khi được sửa dựng lại, tháng 10, năm Ất Hợi (1875), vì thấy địa điểm trường thấp, hẹp, sĩ tử tụ họp nhiều không tiện, vua Tự Đức đã chuẩn cho dời trường thi Thừa Thiên đến bên tả chùa Linh Mụ. Năm Giáp Thân, niên hiệu Kiến Phúc thứ nhất (1884), lại cho: “Dời dựng trường thi Thừa Thiên ở địa phận hai xã La Chử, An Lưu thuộc huyện Hương Trà”. Một năm sau, tức năm Ất Dậu (1885), do Kinh thành có biến, quân Pháp chiếm đóng, gỗ ván dựng trường phần nhiều bị hủy hoại, mất mát nên trường thi Thừa Thiên được sửa sang lại.

Đến triều vua Thành Thái, trường thi Thừa Thiên tiếp tục được di dời và tu bổ. Đó là vào năm Quý Tỵ (1893), trường được chuyển tới phường Tây Nghị. Điều 0421, quyển 5, sách Đại Nam thực lục chính biên đệ lục kỷ, phụ biên ghi: “Dời xây trường thi phủ Thừa Thiên vào phường Tây Nghị trong kinh thành (chỗ bãi đất trống gần cầu Thủy Quan. Dự trù tiền vật liệu cần thiết hơn 1.189 quan, tiền thuê nhân công hơn 37.484 quan, do nha môn phủ Thừa Thiên nhận lãnh để làm). Trường thi vốn ở địa phận hai xã La Chử, An Lưu, xa cách bất tiện nên dời về dựng ở đó”. Năm Canh Tý (1900), vua Thành Thái cấp 876 đồng để tu bổ trường thi Thừa Thiên. 5 năm sau (1905), bề tôi Khoa đạo dâng sớ xin dời trường thi Thừa Thiên tới trường cũ bên trái chùa Thiên Mụ (thuộc xã An Ninh). Vua chuẩn xuống cho viện Cơ Mật bàn bạc. Tuy nhiên, do kinh phí xây dựng trường quá lớn, nên ý định chuyển dời cũng đành rơi vào quên lãng.

Nơi tuyển chọn nhân tài cho đất nước

Do nằm trên Kinh đô của đất nước - nơi nền văn hóa, tri thức hội tụ, nên trường thi Thừa Thiên được các triều vua đặc biệt quan tâm. Bên cạnh kỳ thi Hội được tổ chức vào các năm Sửu, Thìn, Mùi, Tuất; kỳ thi Hương vào năm Tý, Mão, Ngọ, Dậu, trường thi Thừa Thiên còn là nơi diễn ra các kỳ thi khác nữa theo lệnh vua như Ân khoa, Chế khoa, Nhã sĩ để tuyển chọn nhân tài.

Trong số các trường thi được mở ra như trường thi Bắc Thành, trường thi Nghệ An, trường thi Bình Định, trường thi Gia Định... thì trường thi Thừa Thiên là nơi có học trò về dự thi đông nhất. Vì vậy, để đảm bảo công bằng và chọn lọc được những người tài giỏi phục vụ đất nước, năm Tân Tỵ (1821), vua Minh Mạng đã xuống dụ cho các quan lại tham gia công việc ở trường thi Thừa Thiên rằng: “Phàm bầy tôi các ngươi được dự tuyển vào việc trường thi, phải chí công, chí minh, không được thiên tư mảy may mà tự chuốc mối lo. Đề điệu và giám thí phạm lỗi mà Giám khảo, Sơ phúc khảo biết nêu lên thì có thưởng. Giám khảo và Sơ phúc khảo phạm lỗi mà Đề điệu và Giám thí biết nêu lên để hặc thì được miễn nghị. Mọi người phải cố gắng cho xứng đáng với thịnh ý của trẫm để kén chọn người tài”.

Không chỉ đến triều vua Minh Mạng, mà ngay từ triều Gia Long, vị vua đầu tiên cũng đã đưa ra quy định nghiêm ngặt để học trò và quan lại tại trường thi phải thực hiện: “Quan nội trường không được mang theo thoi mực và giấy có chữ. Quan nội trường và quan ngoại trường không phải việc công thì không được gặp riêng nhau. Học trò vào trường không được mang theo sách vở, không được rời khỏi lều đi hỏi chữ hay thay đổi thẻ ghi tên, làm trái là có tội. Nếu quan trường với học trò có thông đồng thỉnh thác, thì quan bị xử giáng bãi, học trò bị xử đồ. Thể sát, mật sát, lại phòng mà thừa dịp làm bậy, hay bọn vô lại, côn đồ lừa dối làm tiền, đều bị tội đồ. Học trò mượn người làm bài hay làm thay bài cho người thì xử sung quân...”.

Với những yêu cầu nghiêm ngặt đó mà dưới triều Nguyễn, trường thi Thừa Thiên luôn giữ được trật tự và đảm bảo công bằng cho các thí sinh đến dự thi. Nơi đây, đã có rất nhiều trò giỏi đến ứng thí. Ngoài các tỉnh như Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam... đến dự thi, vua Minh Mạng còn chuẩn cho: “Học trò, người nào tài cao, học rộng, nức lòng muốn được tham gia văn vật chốn kinh đô thì cho phép đến phụ thí ở trường Thừa Thiên”.

Năm Quý Mão (1843), khi đệ quyển thi lên, thấy nhiều người trẻ tuổi, tài cao, vua Thiệu Trị vui mừng dụ bảo Nội các rằng: “Trường Thừa Thiên lấy đỗ, phần nhiều người trẻ tuổi, trước ta vẫn ngờ lấy lạm, đến khi duyệt quyển thi, thấy có người nhiều lần đỗ Tú tài, có người đời đời nhà có khoa hoạn, có người tuổi còn trẻ mà văn già dặn, mới biết gần đây, văn học ngày một tiến, ta rất mừng và yên lòng”.

Tuy nhiên, vì là kỳ thi, nên bên cạnh nhiều người đỗ đạt, trường thi Thừa Thiên cũng có không ít người bị đánh hỏng. Có trường hợp mặc dù đã lấy đỗ nhưng vẫn bị truất. Đó là khoa thi Hương năm Canh Tý (1840), trường thi Thừa Thiên 31 người thi đỗ. Đến lúc danh sách đệ lên, bộ Lễ xét ra Cử nhân trường Thừa Thiên là Mai Trúc Tùng, Vũ Khắc Đồng, quyển thi thứ hai, bài phú trùng vận, đều truất xuống làm Tú tài, quan trường phải giáng 1 cấp.

Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ tam kỷ, quyển 10, mặt khắc 1 ghi về việc vua Thiệu Trị tăng giải ngạch cho trường thi Thừa Thiên khi thấy học trò về dự thi đông. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV



Để động viên, an ủi các sĩ tử về dự thi, năm Đinh Dậu (1837), vua Minh Mạng đã ban dụ: “Nghĩ số học trò đi thi ở trường Thừa Thiên nhiều hơn khoa trước, đặc cách chuẩn cho định lấy thêm số đỗ (2 hiệu sắc vàng và sắc đỏ thẫm, mỗi hiệu 8 người; 2 hiệu sắc xanh và sắc đen, mỗi hiệu 7 người; sắc đỏ 5 người; tổng số là 35 người)”. Hay như khoa thi Hương năm Quý Mão (1843), vua Thiệu Trị nói: “Nay trường Thừa Thiên, số sĩ tử thêm nhiều, chuẩn cho 2 hiệu sắc vàng, sắc đỏ đều thêm một tên (giải ngạch), cộng với ngạch cũ đủ 40 tên”.

Ở trường thi Thừa Thiên, các vua triều Nguyễn còn ban ân điển lấy thêm người thi đỗ. Năm Tân Sửu (1841), vua Thiệu Trị cho rằng: “Trường Thừa Thiên nguyên trước, số lấy đỗ định là 38 tên. Vua cho rằng buổi mới trị vì, rộng ban ân điển, bèn chuẩn cho tăng lên làm 45 tên, để rộng đường lấy người hiền tài. Khoa này lấy đỗ 40 Cử nhân”. Bên cạnh đó, vì trường thi Thừa Thiên có nhiều người phụ thí, nên vua Thành Thái đã ban dụ: “Mở khoa thi Hương (khoa này giải ngạch đều chiểu theo khoa trước, duy trường Thừa Thiên có nhiều người phụ thí nên lấy thêm 1 Cử nhân 3 Tú tài để rộng ân điển)”.

Có thể nói, trường thi Thừa Thiên là nơi mà vương triều Nguyễn đã tuyển chọn được rất nhiều nhân tài như Trần Tiễn Thành, Trương Đăng Quế, Nguyễn Tường Phổ, Phạm Phú Thứ, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Châu Trinh... Các vị Cử nhân, Tiến sĩ của trường thi Thừa Thiên không chỉ giỏi văn chương, thi phú mà còn mang sở học của mình ra giúp nước như sở nguyện thuở ứng thí.

T.Q
(TCSH400/06-2022)

 

________________
Tài liệu tham khảo:
1. Hồ sơ H48, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.
2. Hồ sơ H21, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.
3. Hồ sơ H22, Mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

 

 

 

Các bài mới
Bơi đêm (05/08/2022)
Các bài đã đăng
Duyên thắm (22/07/2022)
Chùm thơ Lữ Mai (08/07/2022)