Tạp chí Sông Hương - Số 401 (T.07-22)
Chỉnh lý lời ca chữ Hán của một bài bản Ca Huế
08:55 | 10/08/2022

PHAN THUẬN THẢO

Ca Huế là thể loại âm nhạc thính phòng dành cho giới danh gia vọng tộc, tao nhân mặc khách của Huế xưa. Thời điểm ra đời của Ca Huế không được ghi trong sử sách, song nhiều học giả đã dựa trên một số chứng cứ văn hóa - xã hội để đoán định rằng nó bắt đầu hình thành dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 - 1725).

Chỉnh lý lời ca chữ Hán của một bài bản Ca Huế
Ảnh: internet

Dù sao, những tài liệu ghi chép về Ca Huế bằng chữ Hán đã xuất hiện vào thế kỷ XIX, khi Huế là kinh đô và Ca Huế đã trở thành một thú chơi tao nhã phổ biến trong giới quý tộc, tao nhân mặc khách ở Huế. Từ đó, Ca Huế đã lan tỏa mạnh mẽ ra dân gian và rồi tiếp tục cuộc hành trình ra khỏi không gian xứ Huế để tiến ra Bắc, vào Nam. Với những thay đổi của thời cuộc, cũng như bao thể loại âm nhạc cổ truyền khác, Ca Huế đã trải qua bao thăng trầm cho đến ngày hôm nay.

Điểm qua một số thông tin về lịch sử của Ca Huế như trên không ngoài mục đích làm rõ luận điểm Ca Huế có một lịch sử lâu dài và đã trải qua nhiều thay đổi, trong đó có sự thay đổi về ca từ. Theo những tài liệu có được, Ca Huế phát triển trong thế kỷ XIX là lúc chữ Hán được dùng làm chữ viết chính thức ở nước ta. Từ các văn bản hành chính nhà nước đến rất nhiều tác phẩm văn học, sử học, nghệ thuật đều sử dụng chữ Hán (bên cạnh một số tác phẩm chữ Nôm). Trong bối cảnh đó, Ca Huế - thể loại âm nhạc dành cho giới thượng lưu, học thức - hẳn nhiên cũng đã dùng chữ Hán với lối phát âm Hán Việt bên cạnh lời ca thuần Việt. Các tài liệu của thế kỷ XIX chép lời Ca Huế mà chúng tôi sưu tầm được như Di tình nhã điệu của tác giả khuyết danh được ghi bằng chữ Hán, Đại Nam quốc âm ca khúc của Nguyễn Công Trứ (1778 - 1858) soạn1 cũng có nhiều bài ghi bằng chữ Hán (dĩ nhiên phần giai điệu âm nhạc cũng được ghi bằng hệ thống chữ Hán theo lối cổ). Bước sang thế kỷ XX, khi chữ quốc ngữ trở nên phổ biến thì các lời ca Huế được ghi chép, in ấn bằng chữ quốc ngữ với lối phát âm thuần Việt.

Bài viết này được thực hiện tiếp nối theo mạch của bài viết “Từ Kê Khang đến Lộng điệp - Câu chuyện về một bài bản Ca Huế” đăng trên Tạp chí Sông Hương số tháng 4/2022, trong đó, chúng tôi đã chứng minh rằng bài “Kê Khang” trong sách nhạc phổ Di tình nhã điệu có từ thế kỷ XIX là tiền thân của bài “Lộng điệp” hiện nay. Vấn đề đặt ra tiếp theo là lời ca chữ Hán của bài “Lộng điệp” đang lưu truyền hiện nay là một phiên bản sai vì bị “tam sao thất bản” sau quá trình truyền thừa qua nhiều thế hệ. Cho nên, từ nhiều thập kỷ nay, nghệ nhân, nghệ sĩ hát mà không hiểu lời ca ấy nghĩa là gì. Đến nay, sau khi tìm ra một số tài liệu lịch sử, chúng tôi nhận thấy đã có đủ cơ sở để tiến hành việc chỉnh lý phần lời ca ấy. Chúng tôi xin nêu ra trong bài viết này để người đọc và cả các nghệ nhân, nghệ sĩ rộng đường tham khảo.

A. Lời ca bài “Lộng điệp”

Trong thập niên 1990, bản thân chúng tôi đã tìm đến học Ca Huế từ nghệ nhân Minh Mẫn (1925 - 2018). Bà đã dạy chúng tôi ca bài “Lộng điệp” cả lời Hán lẫn lời Việt. Phần lời Hán mà chúng tôi được truyền dạy như sau2:

1. Xuân sắc lai thiên địa
2. Toàn khiến ba3 khai
3. Thiều quang hề
4. Lộng hề thiều quang
5. Ðiệp mê ba
6. Phân thân, phân thân viên thượng, mùi tượng hoàn, tượng hoàn.
7. Xứ ba phỏng, xứ xứ ba phỏng,
8. Phiêu phiêu trăng phi
9. Xuân dứt chi giai mỹ
10. Ðiệp thanh ca, thượng thì thanh ca
11. Tuyết ba hữu khách, đạo ái viên
12. Song tuyền loan ái, khoan khoan thứ
13. Hồng ba nhã thảo, tương lai tương vãng
14. Kinh khứ, ba phỏng xứ
15. Xứ xứ di du, tồn du di du4.

Phần lời Việt là:

1. Hoa tốt tươi xinh đẹp
2. Hồng tía xuê xoang
3. Lại thêm càng
4. Dịu dàng mùi hương
5. Giọt thu sương
6. Ánh dương sáng long lanh dọi, cỏ cùng hoa, cùng hoa
7. Bướm đua cười sắc nước gương trời
8. Trông xa vòi vọi
9. Kìa bóng ô tan lặn
10. Rạng gương nga, vằng vặc xa xa
11. Ðám mây vẽ bóng, người thêm thương
12. Cảnh trời xa trông, trông không chán
13. Người say cảnh mến, lân la cây cỏ
14. Trăng gió, như chờ khách
15. Ðón rước tri âm nhìn nhau như trông.

Nếu đoán chữ trong phần lời Hán và so sánh với lời Việt, có thể nhận thấy phần lời Việt được phỏng dịch từ lời Hán.

Cần lưu ý rằng dù Ca Huế là một thể loại âm nhạc bác học, nhưng con đường lưu truyền của nó vẫn là truyền khẩu, truyền ngón như các thể loại âm nhạc dân gian. Vì vậy, hiện tượng “tam sao thất bản” trong lời ca vẫn có khi xảy ra, dù không phổ biến như trong âm nhạc dân gian. Vì vậy, khi được dạy lời ca chữ Hán như trên, chúng tôi đã nêu thắc mắc với nghệ nhân về ngữ nghĩa của nó, nhưng nghệ nhân không giải thích được vì chính bà cũng không hiểu ngữ nghĩa là gì do không biết chữ Hán, bà chỉ nói rằng mình từng được truyền như thế và bây giờ dạy lại như thế. Tiếp nối truyền thống đó, chúng tôi cũng học ca lời Hán đó mà không hiểu nghĩa là gì. Cũng như vậy, suốt mấy mươi năm nay, các nghệ nhân, nghệ sĩ và giới tri âm mộ điệu Ca Huế đều không hiểu lời ca ấy nghĩa là gì, dẫn đến việc người ta ít khi trình diễn nó, dần dà, nó không còn xuất hiện trong các cuộc trình diễn Ca Huế, dù là các cuộc chơi tri âm. Như thế, lời ca bằng chữ Hán ấy có nguy cơ thất truyền rất cao, phù hợp với quy luật lời Việt thay thế hoàn toàn lời Hán trong Ca Huế như tình hình hiện nay. Như vậy, để làm sống lại lời ca chữ Hán của bài “Lộng điệp”, chúng ta cần chỉnh lý lại nó trên cơ sở tiền thân của nó là bài “Kê Khang” 5.

B. Lời ca bài “Kê Khang” trong các tài liệu lịch sử

Gần đây, chúng tôi đã tìm được hai tài liệu cổ bằng chữ Hán - Nôm được suy đoán là có từ thế kỷ XIX, trong đó có ghi chép về lời và nhạc của bài “Kê Khang” (bài viết này xin chú trọng đến phần lời của bài bản). Tài liệu thứ nhất là sách nhạc phổ Di tình nhã điệu chép lời bài “Kê Khang” như sau (tạm quy định là bài “Kê Khang” (1):

Phiên âm:

KÊ KHANG

1. Xuân sắc lai thiên địa
2. Cánh hoa khai
3. Thiều quang, thiều quang hề
4. Ðồng thiều quang
5. Ðiệp hoa khai
6. Tiến thân giang thượng mỗi tương hoan
7. Xứ hoa phong
8. Phiêu phiêu6 tranh phi
9. Xuân sắc thị giai kỳ
10. Ðiệp oanh ca, thường thiện oanh ca
11. Tuyết hoa hữu ngoạ.

Lời ca này được dịch nghĩa như sau:

KÊ KHANG

Sắc xuân đến đất trời
Hoa lại nở
Ánh xuân, ánh xuân chừ
Cùng ánh xuân
Bướm vờn hoa
Lướt thân trên sông lúc cùng vui

Trong gió hoa
Nhè nhẹ cùng bay
Sắc xuân đem giai kỳ
Bướm oanh ca, oanh ca véo von
Tuyết hoa có nằm?
               (Phiên âm, dịch nghĩa: Trần Đại Vinh)

Tài liệu thứ hai là quyển Đại Nam quốc âm ca khúc chép lời bài “Kê Khang khúc” cũng với nội dung tương tự (tạm quy định là bài “Kê Khang” (2):

Phiên âm:

KÊ KHANG KHÚC

1. Xuân sắc lai thiên địa
2. Cánh hoa khai
3. Thiều quang hề
4. Ðồng thiều quang
5. Ðiệp khai hoa
6. Tiến thân giang thượng, mỗi tương hoan, tương hoan
7. Xứ hoa phong
8. Phiêu phiêu oanh phi
9. Xuân sắc thị giai kỳ
10. Ðiệp oanh ca, thường thiện oanh ca
11. Tuyết hoa hữu hồn

Hai bài “Kê Khang” (1) và (2) chỉ khác nhau vài chữ (được in đậm). Sự sai khác này là không đáng kể, cho thấy độ tin cậy, tính chính xác cao của lời ca của bài “Kê Khang” trong các tài liệu này.

C. Chỉnh lý lời Hán bài “Lộng điệp”

So sánh giai điệu âm nhạc, phần lời Hán cũng như phần dịch nghĩa của bài “Kê Khang” của thế kỷ XIX với bài “Lộng điệp” hiện nay, chúng ta thấy chúng có nhiều điểm tương đồng7, đáng lưu ý là bài “Lộng điệp” dài hơn một đoạn và không chính xác về ngữ nghĩa. Vì vậy, điều cần làm là phải chỉnh lý lại lời Hán từ nghệ nhân Minh Mẫn sao cho đúng ngữ nghĩa, dựa trên hai bài “Kê Khang” đã được ghi trong các sách nhạc phổ kể trên. Để làm được điều đó, chúng tôi đã thỉnh ý một vị chuyên gia Hán Nôm là nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh hiện sống ở Huế. Dựa trên tài liệu lịch sử về bài “Kê Khang” và tình trạng hiện nay của bài “Lộng điệp”, chúng tôi đã thống nhất cách chỉnh lý lời Hán của bài “Lộng điệp” như dưới đây.

Từ câu 1 cho đến câu 10 có thể lấy trong bài “Kê Khang” của thế kỷ XIX, bởi chúng đã được ghi chép rành mạch trong sách vở, có ngữ nghĩa rõ ràng. Riêng ở câu hát số 2, phần lời bài “Kê Khang” thiếu một chữ so với giai điệu của bài “Lộng điệp”, vì vậy, chúng tôi buộc phải sử dụng phần lời đó của bài “Lộng điệp” với việc phỏng đoán ngữ nghĩa cho nó. Nhận thấy chữ “khiến” không có nghĩa trong câu này, chúng tôi phải dùng chữ “khiển” để phù hợp với nội dung và giai điệu. Như vậy, từ câu hát 1 đến câu 10 của bài “Kê Khang” được dùng cho bài “Lộng điệp” khiến nó trở nên rõ nghĩa và phù hợp với giai điệu của nó.

Đến đây, hãy cùng xem xét từ câu số 11 của bài “Lộng điệp” trở xuống hết bài, là phần không có trong bài “Kê Khang” (trừ 4 chữ đầu). Như đã trình bày, đây là một phiên bản sai về ngữ nghĩa nên cần phải được chỉnh lý. Dựa trên ngữ nghĩa của bài “Kê Khang”, nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh đã phỏng đoán và chỉnh lý đoạn cuối trong bài “Lộng điệp” như sau (từ câu 11 đến hết bài):

11. 雪 化 有 色 導 愛 園
12. 山 泉 巒 隘 寬 寬 次
13. 紅 花 野 草 相 來 相 往
14. 經 去 花 風 處
15. 處 處 怡 愉 存 愉 怡 愉

Phiên âm:

11. Tuyết ba hữu sắc8, đạo ái viên
12. Sơn tuyền loan ải, khoan khoan thứ
13. Hồng ba dã thảo, tương lai tương vãng
14. Kinh khứ, ba phong xứ
15. Xứ xứ di du, tồn du di du

Dịch nghĩa:

11. Hoa tuyết có màu sắc, bước đi trong khu vườn thương yêu
12. Suối trên non, đèo ải trên núi, nhẹ nhàng bước chân
13. Hoa đỏ cỏ nội, cùng đến rồi cùng đi
14. Đã trải qua chốn hoa và gió
15. Nơi nơi vui vầy, chỉ còn niềm vui.

Như vậy, toàn bộ lời ca chữ Hán của bài “Lộng điệp” có thể được chỉnh
lý như sau:

1. Xuân sắc lai thiên địa
2. Toàn khiển ba khai
3. Thiều quang hề
4. Đồng hề thiều quang
5. Điệp ba khai
6. Tiến thân, tiến thân giang thượng mỗi tương hoan, tương hoan
7. Xứ ba phong, xứ xứ ba phong
8. Phiêu phiêu oanh phi
9. Xuân sắc thị giai kỳ
10. Điệp oanh ca, thường thiện oanh ca
11. Tuyết hoa hữu sắc, đạo ái viên
12. Sơn tuyền loan ải, khoan khoan thứ
13. Hồng ba dã thảo, tương lai tương vãng
14. Kinh khứ, ba phong xứ
15. Xứ xứ di du, tồn du di du
Lời ca này được dịch ý là:
1. Sắc xuân đến đất trời
2. Hoa lại nở
3. Ánh xuân, ánh xuân chừ
4. Cùng ánh xuân
5. Bướm vờn hoa
6. Lướt thân trên sông lúc cùng vui
7. Trong gió hoa
8. Nhè nhẹ cùng bay
9. Sắc xuân đem giai kỳ
10. Bướm oanh ca, oanh ca véo von
11. Hoa tuyết hoa có màu sắc, bước đi trong khu vườn thương yêu
12. Suối trên non, đèo ải trên núi, nhẹ nhàng bước chân
13. Hoa đỏ cỏ nội, cùng đến rồi cùng đi
14. Đã trải qua chốn hoa và gió
15. Nơi nơi vui vầy, chỉ còn niềm vui.

Lời Hán sau khi được chỉnh lý đã được chúng tôi thử nghiệm trên giai điệu âm nhạc, chúng có thể ăn khớp với nhau (xem Phụ lục). Đến đây, lời Hán bài “Lộng điệp” đã có thể vang lên với đầy đủ ngữ nghĩa của nó, chấm dứt được tình trạng người ca phải trình diễn một phiên bản sai, ca mà không hiểu nghĩa là gì. Việc chỉnh lý lại lời Hán của bài “Lộng điệp” và làm nó vang lên trong các buổi trình diễn Ca Huế chính thống cũng chứng minh được một giai đoạn lịch sử của Ca Huế khi nó từng dùng lời ca bằng chữ Hán với cách phát âm Hán Việt trước khi chuyển hoàn toàn sang lời ca thuần Việt như hiện nay.

Có thể nói thêm rằng bản chỉnh lý này là một phiên bản chúng tôi đưa ra để độc giả, các chuyên gia Hán Nôm, các nghệ nhân, nghệ sĩ, những người tri âm mộ điệu… cùng tham khảo. Đây là bản chỉnh lý dựa trên các nguồn tài liệu hiện có cùng với sự suy luận và ý kiến chủ quan của chúng tôi, có thể còn có điều chưa hợp lý. Chúng tôi mong chờ sự góp ý hoặc các bản chỉnh lý hoàn chỉnh hơn của các chuyên gia, nghệ sĩ… để vấn đề càng được sáng tỏ hơn, việc chỉnh lý sẽ trở nên hoàn thiện hơn, với mong muốn làm sống lại phiên bản chữ Hán của một bài bản Ca Huế đã có từ trong lịch sử.

PHỤ LỤC:

Bài “Lộng điệp” sau khi đã chỉnh lý lời Hán:

P.T.T
(TCSH401/07-2022)

 

----------------------------------
1 Đại Nam quốc âm ca khúc, tài liệu ở Viện Hán Nôm, ký hiệu AB 146. Có thể tài liệu này do người đời sau chép lại mà không phải do chính Nguyễn Công Trứ ghi chép.
2 Để thêm độ chính xác, chúng tôi đã tham khảo thêm lời ca này từ em Lê Minh Vũ cũng được học gián tiếp từ nghệ nhân Minh Mẫn. Xin cảm ơn em.
3 “Ba” là từ nói trại từ chữ “hoa” do kỵ húy tên bà Hồ Thị Hoa, mẹ vua Minh Mạng.
4 Việc đánh số các câu hát trong bài viết này thực ra không có trong lời ca mà do chúng tôi thực hiện dựa trên sự ngắt câu trong văn bản chữ Hán bài “Kê Khang” trong nhạc phổ Di tình nhã điệu dưới đây. Đây không phải là câu nhạc mà có thể là các câu thơ trong lời bài hát.
5 Xem Phan Thuận Thảo, Từ Kê Khang đến Lộng điệp - Câu chuyện về một bài bản Ca Huế, Tạp chí Sông Hương, số 398, tháng 4/2022, tr.83-90.
6 Vốn viết là “biều biều”, suy xét phải là “phiêu phiêu” viết nhầm.
7 Xem thêm bài viết ở chú thích 5.
8 Bài “Kê Khang” (1) chép là “Tuyết hoa hữu ngọa”, bài “Kê Khang” (2) thì ghi là “Tuyết hoa hữu hồn”. Xét về ngữ nghĩa thì “Tuyết hoa hữu hồn” có lý hơn. Tuy vậy, nếu đưa vào giai điệu âm nhạc thì chữ cuối nằm ở âm khu cao nên phải có thanh sắc hoặc thanh ngã. Vì thế, bản chỉnh lý được đề nghị là “Tuyết hoa (ba) hữu sắc”.

 

----------------------------------
Tài liệu tham khảo:
1. Tác giả khuyết danh (?), Di tình nhã điệu, sách nhạc phổ lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu AB 446.
2. Phan Thuận Thảo (2021), Chuyển biên, chú giải sách “Di tình nhã điệu” - Nhạc phổ Hán Nôm về bài bản Ca Huế, Đề tài NCKH cấp cơ sở, Học viện Âm nhạc Huế, Huế.
3. Phan Thuận Thảo (2022), Từ Kê Khang đến Lộng điệp - Câu chuyện về một bài bản Ca Huế, Tạp chí Sông Hương, số 398, tháng 4/2022, tr.83-90.
4. Nguyễn Công Trứ (?), Đại Nam Quốc âm ca khúc, tài liệu lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu AB 146.

 

 

 

Các bài mới
Người con trai (18/08/2022)
Tàn sen (15/08/2022)
Chùm thơ Lê Nhi (11/08/2022)
Các bài đã đăng