Tạp chí Sông Hương - Số 401 (T.07-22)
Phú Vang - Những trầm tích đợi chờ
09:16 | 10/08/2022

PHẠM XUÂN PHỤNG
            Bút ký dự thi

Huyện  Phú  Vang  có  tên  chính thức từ sau năm 1558, thời điểm Chúa Tiên - Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng  vào  trấn  nhậm  Thuận  Hóa.

Phú Vang - Những trầm tích đợi chờ
Tháp cổ Mỹ Khánh ở xã Phú Diên - Ảnh: internet

Ngài đổi tên 3 huyện Kim Trà, Đan Điền  và  Tư  Vang  thuộc  phủ  Triệu Phong thành Hương Trà, Quảng Điền và Phú Vang.

Trải qua bao thăng trầm lịch sử suốt hơn 464 năm, hiện nay Phú Vang có 13 xã, 01 thị trấn (Phú Thuận, Phú Hải, Phú Diên, Phú Hồ, Phú An, Phú Xuân, Phú Lương, Phú Mỹ, Phú Gia, Vinh Xuân, Vinh An, Vinh Thanh, Vinh Hà và Phú Đa). Có 1 xã sát ngay thành phố Huế (xã Phú Thượng) và thị trấn Thuận An hứa hẹn phát triển nay đã thuộc thành phố Huế. Phú Vang hiện nay đi lên từ nguồn lực tại chỗ là chính, bên cạnh các dự án đang được tỉnh và Trung ương dự kiến triển khai. Trong đó, có các trầm tích đang đợi chờ....

Một trầm tích đã được tình cờ phát hiện, khai quật... đậm dấu ấn lịch sử - văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo bản địa trước khi có làn sóng di dân khai phá miền đất mới bắt đầu từ thời nhà Trần - Huyền Trân công chúa: Tháp cổ Mỹ Khánh ở xã Phú Diên.

Trong đánh giá tổng quát về truyền thống yêu nước và truyền thống văn hóa dân tộc trên quê hương mình, sách Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Phú Diên (1930-2014) chỉ nêu vắn tắt về ngôi tháp đặc biệt này như sau: “Về văn hóa vật thể, ngoài di tích Tháp Chăm được phát hiện và đã được công nhận, trở thành nơi tham quan du lịch...”. (Sđd, tr 24 - Nxb. Chính trị Quốc gia - Hà Nội, 2015). Trong Bản lược kê lý lịch di tích lịch sử - văn hóa (từ đây trở xuống tôi chỉ viết tắt tư liệu này là “Bản lược kê”) với tên di tích là “Di tích tháp cổ Mỹ Khánh” do Bảo tàng Tổng hợp tỉnh trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế lập ngày 01/11/2001, cho thấy tháp Mỹ Khánh được liệt kê vào nhóm “di tích lịch sử - văn hóa”, đã được phát hiện tình cờ bởi “nhóm công nhân khai thác titan (điểm số 3); Phân xưởng Phú Diên 2, thuộc Công ty khoáng sản Thừa Thiên Huế trong khi đang làm việc đã phát hiện ra một khối gạch bị vùi sâu trong lòng cát từ 5 - 7m so với mặt đất (cách bờ biển xã Phú Diên chừng 50m - PXP). Sự việc được kịp thời báo cho chính quyền địa phương và các ngành chức năng. Ngay sau đó Ủy ban Nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở Văn hóa và Thể thao), Bảo tàng Tổng hợp tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai công tác bảo vệ và tiến hành khảo sát, thám sát di tích”. Nhờ vậy, năm 2009, khi tôi đang là Bác sĩ Trưởng khoa Laser y học - Bệnh viện Trung ương Huế, được người cha của một nhân viên mời về nhà ở làng Cự Lại, xã Phú Hải chơi rồi đưa tôi đi thăm di tích này. Khi đó, ngôi tháp được tạm thời bảo vệ bằng một ngôi nhà kính khung kim loại đơn sơ tránh nắng mưa và các tác nhân phá hoại khác; xung quanh là 4 lớp tường bảo vệ kiểu hình cái đấu đong gạo (đáy dưới hình vuông, cạnh dài hơn 10m, đáy lớn phía trên có cạnh dài hơn 15m, cao chừng 5m) được xây khá kiên cố; hệ thống bậc thang đi xuống ngôi tháp có hơn 20 bậc. Ngôi tháp nằm sâu dưới mặt đồi cát ven biển, một đồi cát dài ngút ngàn hầu khắp bờ biển Thừa Thiên Huế. Khi đó, tôi và ông bạn đã cả gan tụt xuống ngôi tháp, chọn một lỗ hổng lớp kính vỡ để chui vào trong xem qua rồi đi, chưa xem kỹ mọi nơi, mọi điều.

Lần trở lại này vào ngày 14 tháng 5 năm 2022, đoàn văn nghệ sỹ tỉnh Thừa Thiên Huế chúng tôi được anh Hoàng Văn Vy - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã và anh Lê Định - cán bộ văn hóa xã Phú Diên trực tiếp dẫn đi và giới thiệu, mở cửa ngôi nhà che chắn bảo vệ tháp, nên tôi được tiếp cận kỹ hơn lần trước, dù vậy cũng chưa khám phá hết những ngóc ngách bí ẩn của một di tích kiến trúc đặc trưng nghệ thuật kiến trúc Chăm Pa, tuy nhỏ và bị hư hại nhiều, như chính “Bản lược kê” đã cho biết: “...tháp Mỹ Khánh thuộc nhóm tháp lùn trong nghệ thuật kiến trúc Chăm Pa mang đặc trưng chiều cao thân tháp thấp, vòm cửa giả to bè. Đây là nhóm khởi đầu của kiến trúc tôn giáo Chăm Pa trước khi chuyển sang xây dựng bằng vật liệu có tính bền vững...”. Về niên đại xây dựng tháp, các tác giả “Bản lược kê” cho biết “đã dựa trên tiêu chí phân loại phong cách kiến trúc cùng niên đại mà học giả Ph.Stern (Pháp) đưa ra, chúng tôi xếp tháp Mỹ Khánh nằm trong phong cách kiến trúc Mỹ Sơn E1 sang kiến trúc tháp Hòa Lai thuộc đầu TK VIII. Kết quả phân tích mẫu than tìm được trong lòng tháp theo phương pháp C14 của Viện KHXD thuộc Bộ Xây dựng cho kết quả về niên đại là 750 cộng trừ 10 năm...”. Một khoảng thời gian quá dài đủ để mọi lâu đài, thành quách hoành tráng đồ sộ có thể bị chôn vùi vĩnh viễn, nhưng số phận ngôi tháp nhỏ bé đã bị chôn vùi tự bao giờ lại bất ngờ được “trục vớt lên” từ trong lòng đồi cát.

Theo con mắt của người “ngoại đạo” về kiến trúc di tích, tôi thấy lòng tháp hình vuông, các góc vuông gần 90 độ, từng lớp gạch xếp đều đặn, hầu như không bị xô lệch, dù vết gãy của chân tháp khá rõ, chứng tỏ trong quá khứ ngôi tháp này đã bị lún ở chính giữa đáy, dấu chứng của một biến động nhỏ về địa chất (sụt lún đất) nơi xây tháp chăng? Ở giữa lòng tháp có một bệ thờ, cũng được xây bằng gạch nung Chăm Pa, trên đó và xung quanh được tìm thấy một số di vật thờ cúng, còn hai hiện vật di tích được nêu trong “Bản lược kê” gồm “1. Yoni chất liệu đá xám (silicat) kích thước 60cm x 60cm, dày 20cm, vòi dài 12cm bị nứt (phải chăng đó chính là cái mà tôi gọi là bệ thờ?), và 2. Hai mảnh kim loại màu vàng, mỏng, kích thước 2cm x 2cm” chắc đã được đưa vào bảo tàng rồi nên tôi không thấy. Ngoài sân, bên phải tháp có một cái miếu nhỏ như vừa được xây mới tuy có hình dáng kiểu tháp quen thuộc. Cơ quan chức năng đã cho xây khu tường bảo vệ như đã nêu trên để khoanh vùng bảo vệ tháp, khách du lịch muốn đi xuống thăm tháp phải tụt xuống leo lên chừng 20 bậc bằng gạch nung.

Điều đáng chú ý, ngôi tháp có những đặc điểm khác hẳn các ngôi tháp Chăm tôi từng chiêm bái hoặc tham quan, hoặc ít nhất một lần thấy trên ti vi: Thứ nhất, ngôi tháp ở vị trí lún sâu hơn mặt đất - Không! Chính xác phải là chân đồi cát ven biển Phú Diên) chừng 5m, đó là điều đặc biệt độc đáo của ngôi tháp này, đòi hỏi có sự nghiên cứu kỹ lưỡng hơn để có câu trả lời đáng tin cậy về mặt khảo cổ học cho hôm nay và mai sau: Tháp bị đồi cát ven biển chôn vùi qua nhiều trăm năm hay nơi này trước đây gần 800 năm chưa phải là bờ biển? Nếu tháp không bị đồi cát ven biển chôn vùi qua nhiều trăm năm hay nói cách khác, nơi này trước đây gần 800 năm chưa phải là bờ biển thì một câu hỏi đặt ra tiếp theo: Tại sao ngôi tháp này lại nằm sâu dưới mặt đồi cát ven biển hiện tại? Do chủ ý xây dựng, do sụt lún đất hoặc có thể do quá trình bồi tụ cát tạo nên đồi cát dài ven biển, vùi lấp luôn ngôi tháp? Tôi nghiêng về giả thuyết có sự biến động địa chất nơi này, cộng thêm sự bồi tụ cát mà thành. Nếu đúng, lại một câu hỏi đặt ra: Vậy, trên suốt dãy đồi cát ven biển của xã Phú Diên và huyện Phú Vang nói riêng, cả dải đồi cát ven biển 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam ngày xa xưa thuộc 2 châu Ô, châu Rí còn có bao nhiều trầm tích văn hóa, lịch sử kiến trúc Chăm Pa bị vùi lấp như ngôi tháp này? Nếu tiến hành khai quật, biết đâu sẽ xuất lộ một hay nhiều lớp trầm tích văn hóa, lịch sử kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng tâm linh, văn hóa từ Quảng Bình đến Bình Thuận chứa đựng cả một nền văn minh? Điều này đã từng xảy ra không chỉ ở Việt Nam (vương quốc Phù Nam, văn hóa Ốc Eo - Cát Tiên) mà trên toàn thế giới, khiến các nhà khảo cổ học luôn đau đầu một cách dịu êm vì cứ mải miết đi tìm lời giải.

Thứ hai: ngôi tháp không có (hay bị mất) phần đỉnh tháp. Ngôi tháp nhìn tổng quan bị mất toàn bộ phần đỉnh tháp và một phần đế tháp. Cửa vòm tháp rộng khoảng hơn 1.5m, tuy nhiên đỉnh vòm bị gãy gập bởi các lớp gạch trên vòm võng xuống, chẹn vào nhau, gây cảm giác mất an toàn khi vào tháp.

Có nhiều người đã đến đây và họ nói rằng: Có chi mà xem cái tháp cụt đầu! Nhưng đó lại là câu hỏi hóc búa chứ không giản đơn tí nào: Vì sao ngôi tháp bị cụt đầu (mất đỉnh)? Giả thuyết dễ được chấp nhận nhất là ngôi tháp được xây chưa hoàn thiện, mới ngang phần thân tháp thì bị ngưng lại, dở dang công trình. Nhưng như vậy thì có một câu hỏi tiếp: Vì sao công trình bị ngưng dở dang? Chỉ có thể trả lời bằng việc lật lại từng di vật ẩn giấu đâu đó quanh hoặc dưới ngôi tháp (nhiều khả năng phải rộng chừng vài hecta) để tìm ra câu trả lời mà đáp án tối ưu là do một cuộc di cư đột ngột nào đó của người Chăm tại đây, khiến các nhà xây dựng và công nhân người Chăm từ đó không trở về, ngôi tháp bị cụt đầu một cách khiên cưỡng?

Thứ ba, đây là ngôi tháp Chăm nhỏ nhất mà tôi từng thấy trên thực địa, đúng như “Bản lược kê” đã cho biết nó thuộc nhóm “tháp lùn”. Câu hỏi đặt ra: Người Chăm Pa ngày xưa xây những ngôi tháp lùn như vậy để làm gì? Thờ ai? Nếu quả thực cách đây khoảng 800 năm, nơi này đã là bờ biển trông vời ra Biển Đông mênh mông vạn hải lý thì dễ phán đoán đó là ngôi tháp thờ một vị nữ thần hộ mệnh cho dân đi biển theo tín ngưỡng dân tộc bản địa lúc đó là người Chăm Pa. Còn nếu lúc đó, nơi đây vẫn là đất bằng (không phải bờ biển) thì sao nhỉ?

Quan sát kỹ, thấy một số viên gạch bị mủn ở giữa hoặc mạch kết nối hai viên. Có viên gạch bị sứt góc, mẻ cạnh. Trong mục IX. Phương án bảo vệ di tích (tr 10 - “Bản lược kê”) đã ghi rõ hai khoản:

- Cùng với việc khai quật tháp Mỹ Khánh là công tác bảo quản cấp thời trước mắt, chống sự sụp lở của di tích;

- Tiến hành lập luận chứng kinh tế - kỹ thuật cho công tác bảo quản trùng tu như xây tường bao, mái che, hệ thống thoát nước, bậc lên xuống.

Cả ba hạng mục tường bao, mái che, bậc lên xuống như đã mô tả ở trên, chỉ riêng hệ thống thoát nước chưa thấy.

Theo anh Hoàng Văn Vy, có nhà nghiên cứu bày tỏ sự lo lắng nếu ngôi nhà bảo vệ lợp và quây bằng kính trong suốt, lại nằm trong vùng khí hậu nóng và ẩm, dễ khiến có sự biến đổi vì khí hậu trong lòng tháp, dẫn đến sự hư hoại các kết cấu định hình, mà các viên gạch Chăm là đối tượng bị tác động đầu tiên. Vậy làm cách nào? Mong sự quan tâm đến việc trùng tu, phục chế, bảo quản ngôi tháp này từ các cơ quan chức năng. Cũng chính vì “Việc tháp Mỹ Khánh được phát hiện là nguồn tư liệu về kiến trúc tháp mới nhất về văn hóa Chăm Pa trong những năm gần đây, từ tháp Mỹ Khánh sẽ cung cấp nhiều thông tin có giá trị về khoa học lịch sử, văn hóa, kiến trúc xây dựng cho những ai quan tâm đến vấn đề này” (“Bản lược kê”, tr 9, mục VII. Đánh giá giá trị di tích).

*

Đình làng Tây Hồ là một di tích lịch sử cấp tỉnh, thuộc làng Tây Hồ, xã Phú Hồ. Nhưng có thể nhiều người không biết câu ca dao này:

Không đi thì sợ Tây nghi
Đi thì lại sợ Đồng Di, Tây Hồ

Muốn biết ý nghĩa hai câu ca dao trên, hãy đọc Tây Hồ tổ nguyên (THTN: Cội nguồn làng Tây Hồ) do Hội đồng biên tập hương phả làng Tây Hồ (gồm 11 người) sưu tầm, biên soạn vào năm 2012. Chủ tịch Hội đồng biên tập là Đại tá Dương Ngọc Thạch, nhưng chịu trách nhiệm biên soạn, chỉnh biên và ấn hành là Dương Xuân Hỷ, Bùi Quang Điệp, Bùi Quang Vinh (bản ấn hành nội bộ; tôi may mắn được ông Thủ từ, Trưởng Ban điều hành Làng văn hóa Tây Hồ - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Phú Hồ tặng). Theo đó, “thủy tổ khai canh của làng gồm 5 ngài: Huỳnh Quý Công, Trương Quý Công, Bùi Quý Công, Dương Văn Quý Công và Dương Đức Quý Công xuất xứ từ huyện (có thời là phủ) Tống Sơn, tỉnh Thanh Hóa đưa gia quyến di hướng vào Đàng Trong vào thời cuối Lê đầu Mạc”, sau nhiều tháng lặn lội đã đến được nơi này, quyết định dừng chân an cư lập trại, khai khẩn đất hoang, thành đồng ruộng. Đến năm 1540, vì lý do gì đó, 5 ngài Huỳnh, Trương, Bùi, Dương Văn, Dương Đức “thuận chia xã Dung Hồ thành hai xã: Đông Hồ, và Tây Hồ”, riêng ngài Trương Quý Công cai quản xã Đông Hồ. Do đó, 4 ngài còn lại được vinh phong là “Tiên vi bổn thổ khai canh xã Dung Hồ, hậu vi bổn thổ cai quản làng Tây Hồ. Đây cũng là 4 ngài có công kiến tạo xây dựng ruộng đồng, lập nên 4 thôn Đông Đỗ, Trung An, Trung Chánh và Nam Dương đến ngày nay”. Sau chừng 10 năm thành lập xã Tây Hồ, “ngài Huỳnh Quý Công với ước vọng đi tìm vùng đất mới, tạo dựng cơ đồ nên đã chia tay 3 ngài vào ngày 02 tháng 6 năm Canh Tuất - 1550, đến vùng đất Thừa Lưu, huyện Phú Lộc”. Dù vậy, khi xây dựng đình làng lần đầu tiên (1704), “...các hậu duệ đời thứ 7 đã quy định việc phụng sự tại đình trung như sau: 1. Đệ nhất bổn thổ khai canh: Huỳnh Quý Công tôn thần...”, chứng tỏ họ không quên một trong 5 ngài khai canh đầu tiên, dù ngài đã đến vùng quê khác, đó là một truyền thống văn hóa tín ngưỡng tốt đẹp của dân tộc Việt ta “uống nước nhớ nguồn”. (Các đoạn in nghiêng đều trích từ THTN - PXP).

Tây Hồ là một trong 3 làng của xã Phú Hồ: Đồng Di, Tây Hồ, Sư Lỗ, chia thành 9 thôn ấp: Trung Chánh, Nam Dương, Trung An, Đông Đỗ, Đồng Di Đông, Đồng Di Tây, ấp Thủy Tú, xóm Trục, Sư Lỗ Đông và Sư Lỗ Thượng. Phía tây xã có con sông Như Ý chảy ngang qua, như một ranh giới tự nhiên giữa hai xã Thủy Thanh (Hương Thủy) và Phú Hồ (Phú Vang).

Đến năm 1935, đình làng được xây dựng lần thứ hai, “quy mô khang trang, hoành tráng”, dựa theo dáng mạo của cung đình nhà vua”, đồ trần thiết tráng lệ hơn, các gian thờ rộng và uy nghiêm như chốn cung đình. Ngoài sân, bên trái, từ trong đình nhìn ra có miếu thờ “Thần hoàng” (Theo các nhà biên soạn sách THTN thì Thần hoàng khác với Thành hoàng. Thần hoàng là “các vị tiền liệt vì dân, vì nước, linh hồn đang phiêu diêu cửu trùng, không có nhân vật cụ thể, như quan niệm xưa nay “đất có Thổ công, sông có Hà bá”...). Đến năm 1937, khánh thành đình làng Tây Hồ. Lúc đó, dân làng vinh hạnh đón nhà chí sĩ Phan Bội Châu cùng một số quan lại xuôi thuyền từ Huế về Phú Hồ theo sông Như Ý vào thăm đình làng. Dân làng nô nức đón cụ! Cảm động, nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu đã viết tặng hai câu đối cho dân làng như sau:

Tây nghi, Đông nghi, bàn nhơn tạo ước
Hồ Hải, Sơn Hải hạ sứ văn chương

(Đằng Tây, đằng Đông, tất thảy do sức người tạo dựng nên
Khắp hồ, khắp núi, đâu cũng rạng vẻ văn minh)
                        Người dịch: Lê Nguyễn Lưu

Hai câu đối này được dân làng trịnh trọng khắc vào bức bình phong trước đình làng.

Cứ thế, dân làng Tây Hồ sống yên ả, dần dần phát triển… Đến “đầu thế kỷ XX có thêm họ Hồ của cụ Hồ Định, họ Đỗ của cụ Đỗ Sừng, họ Nguyễn của cụ Nguyễn Phi, họ Phạm của cụ Phạm Nghẹt, họ Ngô của cụ Ngô Sanh tùng nhập, cùng nhau sinh sống hòa hợp với dân làng cũ”, làng Tây Hồ nhộn nhịp hẳn lên, thật là “đất lành chim đậu” đúng như ý nghĩa hai câu đối mà các thế hệ trước viết lên trụ biểu trước đình:

Địa lợi đắc nhân, hòa phong vũ lai, xuân tự tại
Lê môn lâm nghĩa lộ, yên ba hồ tịnh, cảnh vô huyền

(Đất lợi được người hòa, Tây nổi gió mưa, xuân vốn sẵn
Lễ nhà bền lối nghĩa, hồ êm khói sóng, cảnh không xao.
                        Người dịch: Lê Nguyễn Lưu
(Các đoạn in nghiêng đều trích từ THTN - PXP).

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, nghe theo lời kêu gọi của Bác Hồ: “Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!”, thực hiện khẩu hiệu Chiến lược chiến tranh nhân dân “toàn dân, toàn diện, lâu dài”, tiêu thổ kháng chiến, thực hiện chiến thuật “vườn không nhà trống” như thời nhà Trần chống quân Nguyên Mông, “không để kẻ thù lợi dụng đền chùa, miếu mạo kiên cố đóng đồn bốt chống lại nhân dân ta”, đêm 30/7/1947, các bô lão, con dân của làng đã lên hương đèn khấn vái rồi đem bát hương, bài vị của Thủy tổ khai canh làng về tạm thờ ở nhà thờ họ, rồi ngậm ngùi nhưng dứt khoát tiến hành tháo dỡ đình làng ngay trong đêm. Giàn trò gỗ ngôi đình được biến thành công cụ làm hầm bí mật cất giấu vũ khí, hầm bí mật nuôi giấu cán bộ, du kích quân...

Năm 1992, một người con của dân làng, Đại tá Dương Ngọc Thạch đã bàn với các cụ bô lão trưởng họ trong làng về ý định quyên góp tiền xây dựng lại ngôi đình làng, có sự tham dự của 4 bí thư chi bộ, 4 trưởng thôn của 4 thôn, tất cả đều tán thành ý định và thống nhất thành lập Ban vận động do ông đứng đầu. Cuộc vận động thu được kết quả tốt đẹp, ngôi đình làng được xây trong 7 năm ròng rã mới xong. Lễ khánh thành, cung nghinh an linh vị tiến hành nghiêm trang vào ngày 05/02/1999,...trước trận đại hồng thủy tháng 11/1999 những 7 tháng. May!

Vì các thành tích đó, “ngày 21 tháng 12 năm 2005 (Ất Dậu), UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có Quyết định số 4296/QĐ/UBND công nhận ngôi đình làng Tây Hồ là Di tích lịch sử cách mạng văn hóa cấp tỉnh”. (Sđd, tr 80).

Vài điều băn khoăn về đình làng Tây Hồ:

Phía sau ngôi đình, theo lời anh Bùi Quang Kỳ cho biết, có một ngôi chùa, sách THTN cũng ghi rõ. Chúng tôi tò mò ra xem, thấy dấu vết còn lại vài cái tảng đá tròn làm giá đỡ các trụ cột nhà chùa, khá to, cỡ 50cm. Như vậy ngôi chùa khá lớn, nếu được khảo sát, lập hồ sơ, đề án tái tạo khả thi thì rất có thể ngôi chùa được phục dựng lại trên nền cũ, giúp cho kiểu thức nghệ thuật kiến trúc “trước đình, sau chùa” khá quen thuộc trong kiến trúc tín ngưỡng tâm linh dân gian Việt sống lại. Mà vì sao lại “trước đình (thờ thần), sau chùa (thờ Phật)”? Khó trả lời quá! Biết đâu, khi ngôi chùa được phục dựng, cùng với ngôi đình, nơi đây sẽ là một điểm du lịch tín ngưỡng tâm linh kỳ thú, thu hút nhiều khách du lịch hơn, tránh nỗi đìu hiu cô quạnh như câu thơ “Nền cũ lâu đài bóng tịch dương” (Thăng Long thành hoài cổ - Bà Huyện Thanh Quan). Dân làng cũng có thêm nghề phụ hiện đại là du lịch tại chỗ để kiếm tiền, khi nghề thủ công nổi tiếng chằm nón bài thơ mà làng Tây Hồ được cho là nơi khai sinh đang mai một theo thời gian.

Nhà văn Nguyên Quân khi nghe anh Bùi Quang Kỳ nói về ngôi miếu nhỏ ở trước sân, đứng trong đình nhìn ra thì ở bên phải là “ngôi miếu Ngũ hành”, lấy làm lạ bèn hỏi: Đó là ngôi miếu thờ ai? Tại sao gọi là miếu Ngũ hành? Tôi cũng lấy làm khó hiểu, chưa hiểu kỹ thì chưa dám nói. Cũng may, nhờ cuốn sách anh Kỳ tặng, tôi mới biết đó là miếu thờ “ngũ hành liệt vị tiên nương tôn thần”, cũng là thờ “ngũ phương thổ công chi thần” hoặc “ngũ phương đạo lộ thần quan”, “ngũ phương ngũ đế liệt vị thần quan”, theo như bài văn khấn được in trong sách, khiến tôi chưa nói là hiểu, chỉ nhớ tên các vị thần cũng đã khó rồi. Nhưng câu cuối của bài văn khấn thì có thể hiểu rõ: “Tiền khai canh, hậu khai khẩn, ngũ ông ngũ tánh, thập nhị tôn phái liệt vị linh quang” tức là khấn các vị “Tiền khai canh, hậu khai khẩn”, các vị tiền hiền của 5 họ Huỳnh, Trương, Bùi, Dương Văn, Dương Đức và nói chung thập nhị tôn phái (một cụm từ chỉ chung chung các tôn phái từ ven biển Thanh Hóa đi theo đường biển vào miền Trung từ thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa, nên hầu như các làng ven biển hoặc phá Tam Giang đều có thập nhị tôn phái như ở làng Tây Hồ). Mà bài văn khấn này thì tôi gần thuộc lòng các đoạn chính vì năm nào cũng phải viết cho xóm tôi cúng cuối năm, cúng đầu năm, cúng Chiến sĩ trận vong tháng 5 năm Ất Dậu - 1885. Chỉ là ở thành thị khác nông thôn, không gọi là thập nhị tôn phái, chỉ làng dân ven biển mới có. Nên chuyện cái “miếu Ngũ hành thờ ai?” thì cần đợi các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian trả lời rõ hơn!

*

Tôi đi thăm Đình làng Chuồn rồi Đầm Chuồn vào một chiều mây vần vũ báo hiệu mưa to…

Trước nay, tôi cứ đinh ninh làng Chuồn, tức làng An Truyền thuộc huyện Phú Lộc, nơi có giáo xứ Loan Lý; mặc dù trên giấy tờ, báo chí, văn thơ, thậm chí cả phim ảnh tôi đã biết làng An Truyền thuộc xã Phú An, huyện Phú Vang, quê hương của hai vị anh hùng lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Chày vôi Đoàn Hữu Trưng, Đoàn Hữu Trực, quê hương của cố Thượng thư Bộ Lễ Hồ Đắc Trung thời nhà Nguyễn, của cụ Hồ Đắc Hàm, một nhân sĩ trí thức lớn xứ Huế, từng làm Đốc học trưởng Quốc Học, Tham tri Bộ Học, Quyền Thượng thư Bộ Học của triều Nguyễn, quê hương của cố GS.TS Hồ Đắc Di. Nhưng mỗi khi nghĩ đến làng An Truyền - tức làng Chuồn, mắt tôi cứ dõi về hướng nam, nghĩ đến nơi xa lắm! Ai ngờ nó chỉ cách Huế chừng mươi km, mỗi năm một lần mình phải đi vào tỉnh lộ 10 là đi qua nó! Thế mà chưa từng đặt chân tới, huống chi người ở xa! Người ở xa, dù chỉ vài km, dù là dân họ gốc của làng, luôn tự hào với câu nói “Họ... không có người thất học”, nếu còn thờ ơ như tôi thì ắt cũng chưa biết được đường về quê cũ, nói chi đến chuyện quyên góp tiền của xây dựng đình làng, nhà thờ họ, công trình phúc lợi toàn dân của đất An Truyền đầy dấu ấn đáng tự hào! Một khi cái danh lợi buộc ràng trước mắt, người may mắn hoặc cơ mưu đoạt được danh lợi thường đắm trong hoan lạc, bất ngờ quên, đôi khi tự cho mình giỏi, nên chẳng đoái hoài đến mồ mả tổ tiên! Họ đâu nhớ: Kim ngân như phấn thổ. Nghĩa trọng tựa thiên kim!

Cho đến chiều ngày 14/5/2022 tôi mới biết đình làng Chuồn, còn gọi là Đình thất tộc khai canh làng Chuồn, nơi thờ 7 vị khai canh, lần lượt theo thứ tự thời gian đến ở và có công lập làng: Hồ, Nguyễn, Đoàn, Huỳnh, Trần, Lê, Võ. Ngôi đình tọa lạc trên một khu đất rộng ước hơn 1 ha, có nhiều cây cổ thụ tỏa bóng mát, có hồ sen trước mặt tiền ngôi đình. Sân đình rộng ước 100m2, được đổ bê tông. Nó có cái uy lực khiến người xem ngả mũ chào! Bước vào trong, càng thấy rõ cái uy lực ấy khi ngắm giàn gỗ cắm thập bát ban binh khí đao-thương-kiếm-kích..., chỉ khác ở chỗ ta bỗng thấy lòng mình sùng kính tiền nhân xa xưa chưa từng biết mặt chứ không sợ hãi!

Khu vực thờ phụng có 7 gian, thờ 7 vị khai canh như đã nói trên. Đến đây, bỗng thấy lòng ấm lạ! Cúi lạy chư vị tiền hiền thất tộc làng An Truyền! Con cháu các cụ không bao giờ quên ơn tiền nhân khai phá đất này, đây là cái lẽ sống còn của người Việt, dân tộc Việt. Sẽ có lúc những đứa con lạc loài quên tộc họ, nguồn gốc nóng ruột quay về quê cũ, tìm mộ tổ tiên. Khi đó, xin quý ngài đừng quở trách, hãy yêu thương ban phát ân huệ cho hậu duệ lỡ quên ơn tiền nhân!

*

Nhiều địa danh du lịch khám phá nổi tiếng ở huyện Phú Vang từng được giới thiệu trên mạng xã hội với Cổng thông tin điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế và trang “Phú Vang - Các điểm đến”. Vì sao tôi gọi đó là các trầm tích? Bởi lẽ chúng chỉ được dân các làng, cán bộ xã, huyện và tỉnh quan tâm giữ gìn và quảng bá với mong muốn thu hút khách du lịch phương xa tìm đến. Và đã có hiệu quả. Tuy nhiên, với tiềm năng của chúng, cần được khơi dậy và phát huy hơn nữa mới trở thành nguồn lực kinh tế - du lịch, nguồn lực tri thức lịch sử - văn hóa - tín ngưỡng dân tộc mà cha ông chúng ta đã bao đời hy sinh xương máu để gìn giữ, thu hút được những nhà doanh nghiệp đồng hương hay đồng tộc, đồng bào trong và ngoài nước đến đầu tư. Khi đó, du lịch Phú Vang với các điểm đến đậm sắc văn hóa truyền thống, chẳng hạn Lễ hội làng Tây Hồ, Lễ hội làng Chuồn sẽ có sức lan tỏa mạnh hơn, góp phần cùng Phú Thuận, Phú Hải, Phú Diên,Vinh Thanh… làm giàu cho những con người đang ngày đêm gìn giữ báu vật và cho cả quê hương.

*

Các anh hùng mấy trăm năm qua góp công đi mở đất, các liệt sĩ đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đô hộ, cướp nước và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là nỗi đau “ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ” của những Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng; là nỗi khắc khoải đợi chờ của những người vợ đêm đêm nghe tiếng súng, lòng quặn thắt lo âu; là nỗi buồn của những trẻ thơ sinh ra chưa biết mặt cha, ngày cha trở về trên bàn thờ với tấm bằng Tổ quốc ghi công bỗng òa lên nức nở, nghẹn ngào!

Chỉ riêng hai cuộc kháng chiến nói trên cùng hai cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và phía Bắc, huyện Phú Vang đã có 247 (tính đến trước năm 2015) Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng, 8 xã, thị trấn và toàn huyện được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Còn đó máu của hàng ngàn chiến sĩ và nhân dân yêu nước ngã xuống để có được chiến thắng vang danh trong lịch sử kháng chiến chống Pháp, để bây giờ Phú Vang lập Di tích lịch sử cách mạng địa điểm Chiến thắng Thanh Lam Bồ ở xã Vinh Thái (nay là xã Phú Gia). “Thanh Lam Bồ là tên một làng, một xứ đất thuộc xã Vinh Thái, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế. Nơi đây từng là bãi chiến trường xưa ghi đậm dấu ấn chiến công của Trung đoàn 101 trong trận đánh tan và tiêu diệt 950 tên địch, bắt sống 70 tên của trung đoàn Soskel Pháp, vào đêm 25 rạng ngày 26/7/1951. Trận này Trung đoàn 101 vui mừng đón nhận thư khen ngợi của Bác Hồ: “Một lần nữa, Bác vui mừng và thân ái gửi lời khen ngợi cán bộ chiến sĩ đã đánh thắng trận ở Phú Vang. Thắng lợi ấy chứng tỏ bộ đội ta dũng cảm, và tiến bộ. Thắng lợi ấy một lần nữa nhờ sức mạnh đoàn kết và ủng hộ của nhân dân. Vậy các chú chuyển lời Bác cám ơn đồng bào” (trích). Để kỷ niệm chiến công của quân và dân ta trên đất Thừa Thiên trong những ngày đầu đánh Pháp, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế lấy địa danh nơi xảy ra trận đánh oanh liệt ấy đặt tên cho một con đường của thành phố Huế” (Trang điện tử Huế city). Khi tôi đến thắp hương thì chỉ có một tấm bia không lớn lắm được dựng ven đường như để ghi dấu chỉ di tích ở ven đường làng Thanh Lam Bồ. Thiết nghĩ quy hoạch Khu di tích phải có diện tích đủ lớn.

Rất mừng là cũng ngay tại xã này, cách không xa tấm bia kỷ niệm Chiến thắng Thanh Lam Bồ đã có được Khu di tích lịch sử cách mạng Cồn Rang trang nghiêm do nhiều người hằng tâm hằng sản góp công góp của xây dựng nên. Tôi mất hơn hai mươi phút mới đi hết được khu di tích này để chiêm bái sự hy sinh của các tiền nhân.

Hy vọng Di tích lịch sử cách mạng kháng chiến chống thực dân Pháp Thanh Lam Bồ trở thành không chỉ là điểm tham quan di tích lịch sử mà còn là nơi giảng dạy trực quan về lịch sử cách mạng và truyền thống Uống nước nhớ nguồn cho bao lớp học sinh mai sau. Đó là một trong những phương pháp giảng dạy môn Lịch sử nước nhà hữu hiệu và hấp dẫn như ngày xưa chúng tôi học tiểu học trường làng được “lên côi Dinh” thăm các di tích lịch sử và 9 khẩu súng thần công để biết tên của chúng và kỹ nghệ đúc đồng tuyệt hảo cách đây khoảng hai trăm năm. Có hiểu mới tự hào với di sản văn hóa lịch sử tiền nhân, mới nhiệt thành bền bỉ kế thừa và phát huy được Vốn cổ văn hóa Huế để biến Thừa Thiên Huế thành một trung tâm văn hóa - lịch sử, một thành phố Di sản của nhân loại!

Còn nhiều những di tích lịch sử - văn hóa mà bài viết này không thể nêu hết. Những trầm tích cần được giữ gìn mãi mãi để con cháu mai sau không thể nào quên, cố sức ra công học tập, trưởng thành làm nên những thành tích trong dựng xây quê hương mạnh giàu.

P.X.P
(TCSH401/07-2022)

 

 

 

Các bài mới
Người con trai (18/08/2022)
Tàn sen (15/08/2022)
Chùm thơ Lê Nhi (11/08/2022)
Các bài đã đăng