VŨ NGỌC GIAO
Năm Luyến lên sáu tuổi cả nhà phát hiện nàng bị bệnh mộng du.
Cứ vào quãng gà gáy canh hai Luyến lại bật dậy vén màn, mở cửa lững thững đi ra vườn.
Cả nhà không ai hay biết, vì đêm Luyến ngủ với bà, có lúc lại chạy sang giường với mẹ. Luyến quấn bà từ nhỏ, đêm ngủ cứ rúc vào chăn hít hà mùi trầu thơm thơm, nghe bà kể chuyện đời xưa.
Buổi chiều từ ngoài đồng về bà lùa mớ thuốc đương phơi trên cái mẹt vào bao, quay vào bếp trời đã sâm sẩm tối. Nồi cơm vừa chín tới, bà lấy que cời chùm bồ kết đang nổ lép bép trong lửa than, thả vào nồi nước đương sôi liu riu, hương bồ kết nồng nồng thoảng lên đến tận gian giữa.
Trăng mười bảy tròn vành vạnh rọi xuống lòng giếng, Luyến thả gàu kéo cho bà đầy hai chậu nước. “Ngày còn trẻ tóc bà dày lắm, có đâu như giờ”, bà vừa vò mớ tóc lưa thưa nay chỉ còn một nhúm, vừa thủ thỉ: “Vào nhà chơi cho đỡ muỗi, lát bà gội xong, ra đây bà gội luôn cho, đầu mày chua loét rồi.” Bà vừa nghe tiếng “dạ”, lúc quay vào nhà Luyến đã ngủ khì từ lúc nào. Bà buông màn, soi đèn bắt mấy con muỗi đang vo ve, hong cái đầu cho khô bà cũng đi nằm. Đêm. Mưa về đột ngột. Bà trở dậy ôm ngực ho sù sụ. “Mới chiều nay nắng giòn, còn mớ củi ngoài sân chưa kịp mang vào mai lại ẩm xịt”. Bà lọ mọ xuống giường kỳ cạch khêu cái bấc đèn dầu cho sáng để ra vườn che lại cái chuồng gà. Chân vấp vào bậu cửa đau điếng, bà giật mình nhìn hai cánh cửa đang mở toang.
“Bố nó đi ngủ lại quên đóng cửa thảo nào gió thốc bà ho như bửa củi.” “Chuyện gì hả bà?”, buồng trong tiếng mẹ trở mình hỏi vọng ra. “Là tao nói có ngày ăn trộm vào khiêng cả cái nhà này đi!” Trên tấm phản kê giữa nhà, giọng bố ngái ngủ: “Ai vào rồi quên đóng, chứ ban tối con đóng rồi”.
Mẹ Luyến tỉnh hẳn, ra cửa sờ chốt then cài, lom lom nhìn vào giường rồi quay ra hốt hoảng: “Bà ơi, cái Luyến đâu?”. “Nó không ngủ với con à?”, bà ngơ ngác. Bố trở dậy ngồi trên phản nhìn ra lầu bầu: “Có chuyện gì?” “Cái Luyến đi đâu mất rồi!” Bố lao xuống đất như điện giật, rọi đèn pin quanh nhà, chui cả vào gầm giường. Bà chạy ra cái ao sau nhà run run soi đèn nhìn xuống, bên hiên mẹ ôm mặt rấm rứt khóc.
“Tìm nó chứ khóc nỗi gì”, bố quát. Mẹ hớt hải ra chuồng trâu rọi đèn, bố cũng chạy ra cái giếng đầu làng. Chỉ bà là chăm chắm ra cánh đồng trước mặt, chiều nào Luyến cũng thả diều ở đó. Bà soi đèn lên cây, soi dọc cả con mương. Coi bộ chẳng manh mối gì, bà tấp tễnh chạy về, vừa chạy vừa sụt sịt. Mưa tạnh hẳn. Trăng ròi rọi soi xuống đường làng bàng bạc một màu như sông. Chợt từ xa bà nhìn thấy bóng một đứa bé lững thững đi. Là một đứa bé gái. Dưới trăng đứa bé vừa đi vừa ngước nhìn trời. Đúng cái Luyến cháu bà thật rồi! Bà mừng quýnh suýt buột miệng gọi to. Bỗng bà khựng lại. Một đứa bé sáu tuổi mở cửa đi ra ngoài lúc nửa đêm thì chỉ có thể là mộng du. Kinh nghiệm bảo bà không được gọi tên Luyến lúc này. Luyến thơ thẩn trên đường làng một lúc rồi trở về đẩy cửa vào nhà, trước khi lên giường còn cẩn thận xếp đôi dép cho ngay ngắn. Bên hiên bố mẹ cũng thất thểu đi về, bà yên lặng ra hiệu, chỉ tay vào giường.
Đêm đó cả nhà biết nàng mắc bệnh mộng du.
Luyến từ nhỏ đã lành tính, đặt đâu ngủ đấy. Đến tuổi này rồi bà chỉ có Luyến là đứa cháu nội duy nhất nên cưng như trứng mỏng. Chiều nào lùa xong đàn gà vào chuồng Luyến cũng ra hiên ngồi têm trầu cho bà, bàn tay nhỏ xíu đã biết tỉ mẩn têm miếng trầu khéo léo khiến bà cứ tấm tắc. Người già khó ngủ, vừa chợp mắt đã tỉnh, có bọc trầu bà bỏm bẻm cả đêm. Chừng canh ba con gà trống ngoài chuồng lại đập cánh phành phạch gáy, quãng đó bà thức giấc lại thấy Luyến lồm cồm bò dậy xuống giường xỏ dép mở cửa đi ra. Nhiều đêm bà lẳng lặng theo sau thấy Luyến chỉ loanh quanh trong vườn, có đêm nằm gối đầu lên đụn rơm ngắm trăng.
… Mười sáu tuổi Luyến lột xác. Con bé Luyến còi cọc năm nào giờ phổng phao, tóc dài chấm eo, gò má lúc nào cũng hây hây. Mẹ vừa mừng vừa lo, chạy khắp nơi tìm thầy chữa nhưng bệnh Luyến vẫn vậy. Một tháng đôi lần nửa đêm Luyến lại bật dậy lững thững đi, có hôm trở về đứng bên hiên nhìn vào như thể đứng trước nhà người dưng, đến gần sáng mới chui vào ngủ lại. Lạ lùng, Luyến luôn mộng du vào những đêm trăng, đó là những đêm xóm làng bị đánh thức bởi lũ mèo cái gọi bạn tình, chúng réo nhau bằng ngôn ngữ của loài mèo, quái đản và ma mị. Các cụ bà trong làng gọi mẹ lại thầm thì cách chữa. Về phần nàng, con bé mười sáu tuổi vẫn hồn nhiên, ngoài đồng về lại ra hiên têm cho bà bọc trầu, háo hức đợi đến đêm nghe bà kể chuyện ngày xưa có anh Trương Chi.
Con gái trong làng lần lượt khăn áo về nhà chồng, Luyến vẫn hoang dã đầu trần ra đồng, gương mặt trót nhìn ai cũng khó quay đi. Luyến đẹp, vẻ đẹp man dại như hút người đối diện, đôi mắt lùi sâu vào dưới hàng mi rợp khiến trai làng vừa thích, vừa sợ.
Ở quê, con gái ngoài hai mươi chưa có mối nào rước đã coi như lỡ thì. Mẹ nhìn Luyến lo lắng. Bà nội chiều nào bên hiên cũng bỏm bẻm nhai trầu, bấm đốt ngón tay rồi thở dài đánh sượt.
*
Luyến lấy chồng.
Tin lan đi khắp làng Bông. Ngày nhà trai sang đón dâu, mưa tầm tã. Luyến vén tà áo dài lượt thượt đi qua vũng trâu đằm. Mẹ không giấu được nỗi vui, luýnh quýnh ra vào bên cô con gái mặt mũi cứ thản nhiên như sắp sửa ra đồng. Ngày trọng đại, bà nội mặc áo dài nhung đỏ, miệng bỏm bẻm nhai trầu, không quên bấm đốt ngón tay xem Luyến sinh con vào năm nào thì hợp tuổi.
Nhà chồng Luyến ven sông, đón dâu phải qua hai cánh đồng rộng và một con sông dài. Ngôi nhà ba gian cũ kỹ dễ đến mấy đời, sau nhà có cái bàu nước âm u quanh năm hun hút gió. Mẹ chồng Luyến gầy như cái xác ve, mặt mũi ủ dột chẳng mấy khi cười, suốt ngày bà câm lặng bên người chồng cũng hiu hắt như cái bóng. Về làm dâu, Luyến ngơ ngác trong căn nhà chẳng có tiếng cười, cảnh sắc từ nhà ra ngõ ảm đạm như thể nơi đây là một thế giới bị bỏ quên, đến đụn rơm góc vườn, con mèo đốm hoa mặt mũi nom cũng buồn như chấu cắn. Chồng Luyến chiều vợ, cứ rảnh ra anh lại đưa vợ về nhà mẹ đẻ thăm. Với anh, không gì đáng sợ bằng những đêm trăng thấy trở dậy vợ mở cửa lững thững đi quanh làng.
Hôm từ xưởng cưa về, chưa vào đến ngõ cụ Doan cạnh nhà đã chạy lại rỉ tai anh: “Bệnh cái Luyến dễ lắm, đêm đợi lúc nó ngủ, anh cứ đặt chậu nước lạnh dưới chân giường cho tôi”. “Để làm gì hả bà?” “Thì anh cứ làm như tôi bảo.” Chưa nói hết câu bà đã xùy xùy đuổi đàn gà đang chui qua hàng rào bươi vạt rau tần. Từ ngày có chậu nước lạnh dưới chân giường, đêm đến Luyến trở dậy vừa thò chân xuống đã rụt lại, khẽ rùng mình tỉnh mộng.
… Luyến về thăm mẹ, vừa vào đến cửa mẹ đã lôi tuột nàng vào buồng rờ rẫm cái bụng lép xẹp. “Người ta mách bên làng Diềm có ông thầy lang chữa hiếm muộn giỏi lắm, con đến xem sao!” “Con cái trời cho cả mẹ ạ.” “Cha bố chị, hơn sáu năm rồi trời đất gì nữa!” Ngoài hiên bà nội nhổ toẹt bãi nước trầu vọng vào. Mẹ ra sân vừa lùa mớ ngô hạt vào bao vừa sụt sịt: “Nhà tôi ăn ở hiền lành, sao ông trời lại bắt tội cái Luyến!” Nàng nhìn ra cánh đồng trước mặt khẽ thở dài, mới ngày nào còn long nhong thả diều, giờ đã suốt ngày đau đáu chuyện chửa đẻ. Chỉ Luyến mới biết, sau mùa vụ dành dụm được đồng nào vợ chồng nàng lại dắt díu nhau lên thị trấn tìm ông thầy lang để chữa cho Thuần, biết chồng mặc cảm nên Luyến giấu kín, ai hỏi nàng cũng nhận hết về mình, ừ thì “cây độc không trái”. Trong cái dáng vẻ bình thản ấy Thuần vẫn nhận ra mắt vợ thăm thẳm buồn, không còn long lanh như ngày con gái. Ngoài hiên đến lượt bà sụt sùi cái câu muôn thuở: “Ba đời nhà tôi ăn ở hiền lành…”.
*
Cha mẹ chồng qua đời, Thuần bàn với nàng dọn nhà đi nơi khác, tránh cái bàu nước âm u. Nhà mới nằm cuối con ngõ hiu hắt, vạt đất bên nhà trũng xuống đọng lại vũng nước to như cái ao tù. Phía sau khu đất bỏ hoang cỏ dại mọc um tùm, mấy con bò cũng chẳng buồn đến gặm cỏ. Trước sân cây si già đen trũi dễ đến mấy mươi năm, rễ ngoằn ngoèo trên đất như đàn rắn lúc nhúc. Ngày đầu dọn về nhìn lên lùm cây tối sẫm Luyến khẽ rùng mình.
Đêm chùng như võng, gió rít từng cơn như cắt vào da. Luyến trở dậy xuống giường nhẹ nhàng tránh chậu nước, mở cửa ra ngoài, trên người vẫn độc chiếc áo cánh nâu phong phanh. Từ ngày dọn về nhà mới cơn mộng du của Luyến càng dày hơn, chẳng đợi đến những đêm trăng. Đêm tối đen, gió từ ao làng vọng lên tiếng u u nghe rợn người. Thuần quơ vội chiếc áo lao ra ngõ, anh chưa biết làm sao để khoác cho vợ mà không phải đánh thức nàng trong cơn mộng. Bóng Luyến lẩn vào đêm, đến cái sân gạch cuối đường nàng lại lững thững quay về.
Trời chuyển mùa. Từ ngoài đồng về chưa kịp đặt gánh rạ xuống sân Luyến đã ôm ngực nôn thốc. Tin Luyến có thai lan đi khắp làng. Mẹ nàng một tháng đôi lần khăn gói lên chùa cúng tạ. Bên hiên bà nội vẫn bỏm bẻm nhai trầu, bấm đốt ngón tay rồi nhổ bãi nước trầu đỏ quạch xuống sân gạch lẩm bẩm, Dần Thân Tỵ Hợi tứ hành xung, bấm chán bà lại thở dài đánh sượt.
Từ xưởng gỗ về nhà, Thuần chở theo phía sau chiếc cũi gỗ xinh xắn anh tự tay đóng cho con. “Từ mai anh bớt việc để ở nhà chăm em.” Thuần âu yếm nhìn vợ. Không dưng Luyến muốn hét, muốn gào thật to, nhưng nàng câm lặng quay mặt vào vách. Đêm. Trong giấc ngủ Luyến luôn gặp ác mộng, có đêm nàng thấy mình nằm tênh hênh trên bãi cỏ hoang lạnh, cạnh cái sân gạch cuối làng, trên kia mảnh trăng nhợt nhạt mang gương mặt người đàn ông nhe nhởn nhìn Luyến rồi phá lên cười sằng sặc. Luyến giật mình choàng tỉnh, vội đóng chặt các cánh cửa lại cứ như ai đó sắp đến cướp đi đứa con trong bụng nàng.
Ngày Luyến chuyển dạ. Một bé gái bụ bẫm chào đời.
“Nếp của mẹ!” Luyến thầm thì ôm con hít hà mùi da thịt còn đỏ hỏn. Con bé giống Thuần như tạc, từ vầng trán cao đến đôi mắt to và chiếc mũi hếch. Bé Nếp thiu thiu ngủ Luyến lại ngắm con, lòng nghẹn đắng. Trên gương mặt bé Nếp một vết chàm xanh lét chạy dọc đuôi mắt phải. Món quà trời ban cho vợ chồng nàng sao còn nỡ phết lên chút nghiệt ngã như thể thiếu nó thì cuộc đời nàng không đủ vị? Luyến len lén nhìn ra cửa, lần nào cũng thấy bóng một người đàn ông vụt qua, chiếc bóng từng ám ảnh Luyến trong một đêm nhập nhoạng trăng, cái đêm gió từ đồng trên thổi về luồn qua mái làm lớp mạng nhện giăng trên vách rung lên, ngoài vuông cửa trăng vằng vặc rọi vào căn buồng tối sẫm. Luyến trở dậy co chân tránh chậu nước lạnh, mở cửa bước ra.
Đường làng quanh co hun hút, chốc chốc tiếng chó tru lên rồi im bặt. Luyến chạy về cuối làng. Bóng người đàn ông bên đường lao ra như đã đợi. “Luyến em!” Giọng ông khào khào, hơi thở hôi hám phả lên gáy nàng nóng hổi. “Làm ơn đừng gọi tên tôi!” Luyến run rẩy, lơ mơ trôi trong bóng đêm, trong tiếng mèo cái gọi bạn tình bên cái sân gạch bỏ hoang. Gió từ đồng xa cuộn về, hất tung đống rạ đương phơi bên đường. Luyến choàng tỉnh. Gương mặt đàn ông nhe nhởn cười, một vết chàm chạy dọc đuôi mắt phải, dưới trăng vết chàm như thẫm lại. Luyến thảng thốt bật dậy cài vội khuy áo. “Luyến!” Người đàn ông gọi với theo, trên kia mảnh trăng xám ngoét ngả nghiêng cười như say rượu…
*
Nắng tắt hẳn, chợ chiều cũng đã vãn. Bên đường đám đông túm tụm bàn tán chuyện một người đàn ông lạ mặt từ đâu giạt về bên bến sông. Bên hiên Luyến tẩn mẩn giở gói kim khâu, chiếc áo ấm của chồng lâu ngày hàng khuy đứt hết cúc. Nàng cắm cúi se chỉ, chốc chốc lại ngẩng lên ngóng ra ngõ. Chiều nay có đĩa tôm đồng rang, bát canh cua rau đay, toàn những món chồng nàng ưa thích.
Từ xưởng cưa về nhà vừa đi Thuần vừa tưởng tượng cảnh con gái đợi bố, anh đạp nhanh hơn, cứ nghĩ đến con anh lại thấy sướng lâng. Bé Nếp càng lớn càng giống bố, chiều lại thấy bố chưa về nó lại ngó ngóng. Bà ngoại lần nào gặp cũng mắng yêu: “Cha mày, bám bố như đỉa!” Đàn ông trong làng nhiều người thầm ước được như Thuần, vợ đẹp con ngoan. Luyến chiều chồng đến độ đàn bà trong làng khó ai bì kịp, cứ dăm hôm nàng lại lội đồng mò cua về nấu bát rau đay, chiều lại ra bến đợi mua cho được mớ tôm sông.
Đám đông bên đường vẫn chưa thôi nhốn nháo, Thuần nhác thấy cụ Doan lưng còng, đầu trùm tấm khăn kín mít đang há hốc miệng nghe một thanh niên trong làng kể chuyện vớt người trên bến chiều nay. Thuần cắm cúi đi qua, được một đoạn bỗng dừng lại. Đằng kia đám người đang tò mò hóng chuyện, anh ghé mắt nhìn vào. Trên bãi cỏ, người đàn ông nằm co quắp, nhợt nhạt, mắt nhắm nghiền như ngủ nhưng gương mặt dúm dó đến thảm hại. Thuần nhìn sững gương mặt người đàn ông đang lộ vẻ đau đớn, có lẽ trong phút cuối ông biết mình sẽ chết. Bên đuôi mắt phải một vết chàm xanh lét chạy qua trông như con rết đang bò. Thuần rùng mình nghe sống lưng lành lạnh. “Con rết” gớm ghiếc kia sao quen thuộc quá đỗi! Anh thảng thốt nhìn gương mặt dúm dó vừa hộc ra một bãi nước trên cỏ, ngực anh bỗng nhói lên cơn đau rất lạ. Cơn đau tê dại khiến anh phải tựa vào cây vông đồng bên đường mà thở dốc.
Người làng tản dần vì cái sự tò mò đã rõ, chỉ còn lại vài cụ già có tuổi trong làng đứng bàn tính việc chôn cất người xấu số. Thuần thẫn thờ nhìn đám trai làng cuộn người đàn ông vào manh chiếu. Họ mang ông đi nhưng “con rết” vẫn ở lại bám vào ngực anh mà đốt, đau đớn đến ám ảnh.
Thuần lảo đảo đi như say. Về đến ngõ anh nhìn thấy từ chái bếp nhà mình dải khói lơ thơ bay lên, anh chợt rùng mình ngỡ như linh hồn người đàn ông xấu số đang tìm về đây vấn vít. Bên hiên Luyến vẫn ngồi khâu lại chiếc cúc áo cho chồng, gương mặt nàng cúi xuống, bình thản và dịu dàng. Thuần sững sờ nhìn vợ. Nàng đẹp quá! Đẹp hơn cả những người đàn bà xinh đẹp của làng Diềm và làng Bông. Ngoài sân bé Nếp đang xùy xùy chạy đuổi theo đàn gà, thấy bố về nó mừng rỡ lao ra, miệng toe toét cười, ngọng nghịu mách: “Bố ơi! Mẹ vừa mắng bố hư, bảo chiều nay sao bố về muộn!”
Thuần ôm bé Nếp vào lòng, anh ấp gương mặt nhăn nhúm vào ngực con lặng đi. Bé Nếp ngửa mặt cười khanh khách rồi ngoái lại nhìn mẹ. Vết chàm bên đuôi mắt phải của con bé cứ ánh lên trong nắng chiều…
V.N.G
(TCSH402/08-2022)