Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.9-22)
Thức quà ấu thơ
08:49 | 27/09/2022


HOÀNG THỤY ANH

Thức quà ấu thơ
Ảnh: internet

1. Mạch nguồn trong sáng

Thơ thiếu nhi là một thể loại quan trọng, không thể thiếu trong dòng chảy thi ca Việt Nam. Trước năm 1945, thơ thiếu nhi xuất hiện nhỏ lẻ, ở một vài tác giả như Tản Đà, Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Văn Vĩnh. Từ 1945 đến 1975, đây là giai đoạn thơ thiếu nhi chính thức hình thành, phát triển và có thành tựu. Dấu ấn quan trọng là ngày 1/6/1954 báo Thiếu niên Tiền phong ra số đầu tiên, ngày 17/6/1957 Nhà xuất bản mang tên người anh hùng Kim Đồng dành cho thiếu nhi Việt Nam được thành lập. Những sự kiện này là cú hích để thơ thiếu nhi trở thành sân chơi, điểm đến của nhiều thi sĩ viết cho/về trẻ. Chúng ta có Võ Quảng, Nguyễn Xuân Sanh, Phạm Hổ, Thy Ngọc, Vũ Ngọc Bình, Tú Mỡ, Tế Hanh, Trần Thanh Địch, Định Hải, Huy Cận, Bảo Định Giang, Xuân Quỳnh, Nhược Thủy, Thanh Tịnh, Thiên Ngọc, Trần Nguyên Đào, Nguyễn Thanh Toàn, Nguyễn Viết Bình, Nguyễn Lê, Minh Chính,... Giai đoạn chống Mỹ cứu nước, ngoài thơ của người lớn viết về thiếu nhi, còn có thơ do thiếu nhi viết như Trần Đăng Khoa, Hoàng Hiếu Nhân, Nguyễn Hồng Kiên, Chu Hồng Quý, Cẩm Thơ,...

Từ 1975 đến nay, hòa trong sự vận động và phát triển của văn học thiếu nhi, thơ thiếu nhi vẫn không ngừng chuyển biến, đổi mới, đa dạng, phong phú về nội dung lẫn nghệ thuật. Bên cạnh những cây bút quen thuộc như Phạm Hổ, Võ Quảng, Định Hải, chúng ta có một lực lượng sáng tác đông đảo như Vương Trọng, Trần Mạnh Hảo, Đoàn Thị Lam Luyến, Vũ Quần Phương, Trịnh Công Sơn, Phạm Đình Ân, Cao Xuân Sơn, Nguyễn Ngọc Phú, Hoàng Vũ Thuật, Phan Thị Thanh Nhàn, Lê Hồng Thiện, Mai Văn Hai, Phùng Ngọc Hùng, Lệ Bình, Đặng Hấn, Trương Hữu Lợi, Hoài Khánh, Dương Thuấn, Lò Ngân Sủn, Nông Quốc Chấn, Y Phương, Inrasara, Nguyễn Hoàng Sơn, Nguyễn Lãm Thắng, Vi Thùy Linh, Nguyễn Thế Hoàng Linh,... Sự xuất hiện thế hệ 9x, 10x như Đặng Chân Nhân, Ngô Gia Thiên An, Đỗ Nhật Nam đã mang đến những trang thơ hồn nhiên, trong veo và nguồn sống, diện mạo mới cho thơ thiếu nhi.

Song hành với những chặng đường phát triển của thơ thiếu nhi, Nhà xuất bản Kim Đồng luôn là nguồn động lực, cổ vũ, là nơi chia sẻ, kết nối, là nơi ghi nhận, lưu giữ sáng tạo và thành công của các tác giả viết cho/ về thiếu nhi. Với hơn 60 năm làm sách thiếu nhi, Nhà xuất bản Kim Đồng đã có nhiều hoạt động giới thiệu, quảng bá ý nghĩa, sâu sắc trước thực trạng văn hóa nghe nhìn đang có nguy cơ trấn áp văn hóa đọc, sự chất phác, tươi vui, nhí nhảnh, thơ mộng và lòng trắc ẩn đang bị thưa vắng dần bởi mặt trái của cuộc sống số. Lần này, 65 bài thơ hay(*) của 65 tác giả được nhà thơ Cao Xuân Sơn tuyển chọn công phu, kỹ càng, thêm lần nữa khẳng định những việc làm quan trọng, thiết thực của Nhà xuất bản Kim Đồng, kích hoạt những cây bút viết thơ thiếu nhi, kích hoạt sự đọc trên tinh thần đồng sáng tạo.

Dựa vào hai giác độ, trẻ thơ và người lớn/trẻ thơ, từ các nhà thơ lão thành như Trần Thanh Địch, Phạm Hổ, Võ Quảng, Định Hải, Thanh Hào, Thy Ngọc, Trần Hồng Thắng,... đến lực lượng sáng tác gần đây như Thụy Anh, Nguyễn Lãm Thắng, Nguyễn Vĩnh Tiến, Nguyễn Thế Hoàng Linh,... nhất là sự có mặt của hai cây bút trẻ Ngô Gia Thiên An và Đặng Chân Nhân, nhà thơ Cao Xuân Sơn đã phần nào phác thảo được sự biến đổi, chuyển mình của thơ thiếu nhi. Tuy rằng cái tôi - người lớn/trẻ thơ chiếm sóng hơn cái tôi - trẻ thơ (Trần Đăng Khoa với Mẹ ốm, Nguyễn Đặng Viên Phương với Ngày đầu đến lớp, Ngô Gia Thiên An với Trong vườn thú và Đặng Chân Nhân với Con rối) nhưng cái tôi - người lớn/trẻ thơ vẫn nhập vai, hóa thân, đồng hành, truyền cảm hứng cho trẻ rất nhuyễn, rất sinh động.

Xuất phát từ nhãn quan ấu nhi, nhãn quan yêu thương, nhân hậu và trách nhiệm với trẻ, 65 bài thơ trong tuyển này đều để lại dấu ấn, có sức gợi, thể hiện vẻ đẹp xanh non và tươi mới, xứng đáng là 65 bông hoa đại diện hương sắc, giai điệu của nhiều vùng miền.

2. Những xúc cảm ngọt lành

Yêu cầu bắt buộc khi viết thơ thiếu nhi, người lớn cần đảm bảo tính thơ ngây, hồn nhiên, tếu táo, cần cảm quan đồng lứa, cái nhìn ngang bằng, hòa hợp. Ngang bằng, hòa hợp chứ không phải nhái giọng, giả giọng. Nhái giọng, giả giọng tức là chọn điểm nhìn từ trên cao nhìn xuống, bao giờ cũng hàm chứa trong đó sự phân cấp, thiếu sự ăn khớp, quý trọng. Những bài thơ viết cho/về trẻ phải cạo xóa tối đa bóng dáng của người lớn, thủ tiêu mọi áp đặt của người lớn; nhập vai tự nhiên, kiến giải được cách nhìn, cách nghĩ thơ trẻ trước các sự vật, hiện tượng; đặt ra con đường tiếp nhận văn học thiếu nhi nói chung và thơ thiếu nhi nói riêng, có cấu trúc nghệ thuật riêng, xuất phát từ mĩ học ấu nhi.

Đặc điểm vô tư, nhí nhảnh, ham vui và rất giàu tình cảm của trẻ được các nhà thơ khúc xạ qua thế giới thiên nhiên, sự vật hiện tượng, loài vật, cha mẹ, ông bà, bạn bè, trường lớp,... Trong nhận thức của trẻ, từ thế giới thiên nhiên bao la cỏ cây hoa lá, hiện tượng tự nhiên đến loài/đồ vật, đều ẩn chứa sự thú vị, hấp dẫn, vui nhộn, ly kì, thúc giục trẻ tìm hiểu, khám phá. Trẻ xem thế giới ấy như những người bạn thân, có tiếng nói, có sự giao hòa, chia sẻ. Những người bạn của trẻ có khi là những loài vật như con mèo, con chó, con kiến, con hổ, chú cua, chào mào, rùa con,...(Mèo con đi học - Phan Thị Vàng Anh, Ngóng mẹ - Thụy Anh, Chào mào - Trần Thanh Địch); là các vật dụng như đồng hồ, quạt, chong chóng (Đồng hồ báo thức - Hoài Khánh, Quạt và chong chóng - Đặng Hấn); là các bộ phận cơ thể như tay, mắt (Đem mưa về cho cây - Trần Khắc Tám, Con mắt - Nguyễn Như Mai); là các hiện tượng tự nhiên như mây, nắng (Bóng mây - Thanh Hào, Nắng - Lê Hồng Thiện); là cỏ cây hoa lá như hạt bông gạo, lá, hoa (Hạt bông gạo nhảy dù - Phạm Đức, Thì thầm - Phùng Ngọc Hùng, Em là hoa hồng nhỏ - Trịnh Công Sơn)… Dưới cái nhìn trẻ thơ, tất cả đều bình đẳng, hòa thuận, không định kiến, phân biệt, cùng tôn nhau lên.

Tình cảm đối với quê hương, gia đình, thầy cô, bạn bè,... của trẻ được các nhà thơ diễn đạt qua góc nhìn thơ ấu, giản dị mà vẫn nồng hậu, trìu mến mà vẫn sâu sắc, chân tình mà vẫn cao cả. Mượn ông cái kính của Phạm Đình Ân, Làm anh của Phan Thị Thanh Nhàn, Đi học của Hoàng Minh Chính, Ngày đầu đến lớp của Nguyễn Đặng Viên Phương, Nhà không có bố của Nguyễn Thị Mai, Mai mẹ lấy chồng của Phạm Việt Thư, Chị của Kim Ba, Làng em cơn bão đi qua - Chử Văn Long... đã nhen vào lòng trẻ ngọn lửa yêu thương, bồi dưỡng những tình cảm đẹp đẽ, lớn lao, phát triển tâm hồn và hoàn thiện nhân cách của trẻ.

Với lối viết đậm chất cổ tích, Xuân Quỳnh dựng nên bài thơ Chuyện cổ tích về loài người, cho trẻ những hiểu biết sơ khai về nguồn gốc các hiện tượng thiên nhiên, sự hình thành của vũ trụ, con người và muôn loài. Nữ thi sĩ đặt trẻ là nhân vật trung tâm của câu chuyện, là sáng tạo đầu tiên của trái đất: “Trời sinh ra trước nhất/ Chỉ toàn là trẻ con/ Trên trái đất trụi trần/ Không dáng cây ngọn cỏ/ Mặt trời cũng chưa có/ Chỉ toàn là bóng đêm/ Không khí chỉ màu đen/ Chưa có màu sắc khác”. Hiệu ứng liên tưởng ngược, phi lý này hoàn toàn trùng với trường liên tưởng, mĩ cảm ngây thơ, hồn nhiên, luôn xem mình là trung tâm giao tiếp với thế giới của trẻ và rất hợp rất trúng với tình cảm của người lớn. Vì trẻ em là hạnh phúc của gia đình, là chủ nhân của đất nước, là nền móng vững chãi của tương lai nên việc chăm sóc, quan tâm, yêu thương trẻ bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu. Nâng niu, am hiểu thế giới riêng của trẻ, câu chuyện cổ tích được viết bằng thơ của Xuân Quỳnh do đó đã khẳng định giá trị và sức sống bền lâu.

Thế giới của trẻ là thế giới của sự tưởng tượng, bay bổng, huyền ảo, thế giới của sự tự do tuyệt đối. Trẻ thường đặt những sự vật hiện tượng cách xa bên cạnh nhau để tha hồ tung tẩy, thỏa thích sáng tạo trong bầu trời lung linh, đầy sắc màu do mình tưởng tượng và vỡ òa khi tìm ra mối liên hệ mới lạ giữa chúng. Trái tim trong veo và lăng kính biệt lạ ấy của trẻ cho người lớn những quy luật kiến tạo, lí giải về thi giới thiếu nhi. Đó là xứ sở của sự chân thực, bình đẳng, tình cảm (Ngóng mẹ của Thụy Anh, Đi học của Hoàng Minh Chính, Vườn cây của ba của Nguyễn Duy, Cánh cam lạc mẹ của Ngân Vịnh,...), xứ sở của trực cảm, ngẫu hứng, phóng khoáng (Tia nắng hạt mưa của Lệ Bình, Những đám mây sẽ kể của Nguyễn Trác, Đem mưa về cho cây của Trần Khắc Tám,...), xứ sở của sáng tạo và liên tưởng (Mượn ông cái kính của Phạm Đình Ân, Ong mật rừng U Minh của Trần Quốc Toàn, Gạo tắm của Nguyễn Lãm Thắng,...).

Sự phá vỡ trật tự logic khi đón nhận những gì ngoài mình của trẻ dẫu vô nghĩa nhưng ý nghĩa, phi lý nhưng có lý. Các thi sĩ đã nhạy bén đưa góc nhìn này vào thơ, phản ánh được đặc điểm tâm sinh lý của trẻ, giúp trẻ phát triển năng lực tưởng tượng, mê say tìm hiểu, thám mã cuộc sống xung quanh hơn nữa. Nguyễn Hoàng Sơn liên tưởng con vện “cười bằng... đuôi” (Con vện). Hoàng Tá kích thích sự tò mò, khám phá bằng hình ảnh “Cái sân chơi của chúng mình biết đi” (Cái sân chơi biết đi). Dương Thuấn khêu gợi trí tưởng tượng qua thi ảnh nên thơ “Ăn hết trăng sao” của chú ếch (Chú ếch ăn trăng). Đỗ Trung Quân sử dụng lối trò chuyện tâm tình bật lên cái nhìn mới mẻ: “Trăng non hay già?” (Vầng trăng cổ tích),...

Khi đến với thế giới trẻ thơ, mỗi thi sĩ luôn cất giấu cho mình một bí kíp, mê hoặc, lôi cuốn, dẫn dụ trẻ vui vẻ, hào hứng đi vào khai phá tác phẩm. Đặc điểm ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nghe, dễ thuộc ngỡ là đủ nhưng thực tế không hề đơn giản. Dễ hiểu, dễ nghe, dễ thuộc không có nghĩa tùy tiện, cẩu thả, dễ dãi, thơ phải giàu chất thơ, sâu sắc về mặt nội dung, giá trị về mặt nghệ thuật. Sức nặng của thơ thiếu nhi vì thế còn được xác tín ở tiếng cười dí dỏm, hài hước, ở giọng điệu hồn nhiên nhi nhiên, thấm đượm cảm xúc, ngôn ngữ cô đọng, súc tích và cả hiệu ứng nhạc tính. Mỗi bài thơ khi đọc lên trẻ như được dự phần vào những trò chơi vui nhộn, trí tuệ, tình cảm (Vua sân cỏ - Vũ Duy Chu, Bố - Đỗ Văn Khoái,...), như được ngắm nhìn những bức tranh đầy màu sắc, hình khối (Câu chuyện vẽ tranh - Võ Quảng, Mùa lúa chín - Nguyễn Khoa Đăng,...), như được chìm trong những giai điệu trữ tình, tươi vui, rộn ràng (Em là hoa hồng nhỏ - Trịnh Công Sơn, Nói với em - Vũ Quần Phương, Đi học - Hoàng Minh Chính, Ngày đầu đến lớp - Nguyễn Đặng Viên Phương, Đàn kiến nó đi - Định Hải,...). Đáng chú ý, nhiều bài thơ trong tuyển tập đã được các nhạc sĩ phổ nhạc, chứng minh sức sống, sự quyến rũ của thơ thiếu nhi, và cũng nhờ mối lương duyên thơ - nhạc này mà trẻ có thêm nhiều cơ hội phát triển cảm xúc lẫn ngôn ngữ, hiểu biết hơn về văn hóa của từng vùng miền.

Viết thơ thiếu nhi đâu chỉ phục vụ nhu cầu của trẻ mà còn đáp ứng nhu cầu của người đọc đủ mọi lứa tuổi, phải cho người đọc có được cảm giác đang tận hưởng, tắm táp, bơi lội trong không gian ấu nhi. Vì thế, viết cho/về thiếu nhi đòi hỏi người lớn vừa bay về miền kí ức sống động, truyền đạt tư duy, tình cảm của trẻ, vừa biết vượt ra khỏi rào cản, barie, kiếm tìm một giọng điệu, một cá tính. Những cảm xúc hồn nhiên, thuần khiết, những cảm hứng ngẫu nhiên, bất ngờ cùng lối tư duy phi logic, đột phá mà các tác giả trong tuyển tập nhập vai, hóa thân có thể nói đã tạo đà cho những mơ mộng, ngộ nghĩnh của trẻ vươn xa.

3. Giai điệu quen mà lạ

Tư duy đồng dao mang tính ngẫu hứng, giản dị, phục vụ nhu cầu chơi đùa, ca hát, thư giãn, hòa nhập và nhận thức của trẻ, do vậy, dễ thấy sự ảnh hưởng, khúc xạ của tư duy dân dã này trong thơ thiếu nhi. Thơ được tuyển chọn có nhiều thể loại: 2 chữ, 3 chữ, 4 chữ, 5 chữ, lục bát, tự do,... Trong đó, những bài thơ 2, 3, 4 và 5 chữ rất gần gũi với thể loại đồng dao.

Rất nhiều bài trong tập đậm tư duy đồng dao. Với đặc điểm “vạn vật bằng hữu”, không có bất kì một chia cắt nào, chúng ta có Chào mào của Trần Thanh Địch, Bầu trời của Nguyễn Châu,... Với đặc điểm công bằng, hòa đồng với vạn vật, chúng ta có Quạt và chong chóng của Đặng Hấn, Đồng hồ báo thức của Hoài Khánh,... Với đặc điểm gắn bó, yêu thương, tôn trọng lẫn nhau, chúng ta có Làm anh của Phan Thị Thanh Nhàn, Bóc lịch của Bế Kiến Quốc,... Với đặc điểm tự do, ngẫu nhiên, bất ngờ, chúng ta có Ra vườn nhặt nắng của Nguyễn Thế Hoàng Linh, Ong mật rừng U Minh của Trần Quốc Toàn,... Với đặc điểm liên tưởng phi logic, lạ hóa, chúng ta có Cây của Thy Ngọc, Cánh cam lạc mẹ của Ngân Vịnh,... Với đặc điểm trò chơi vui nhộn, trí tuệ, chúng ta có Bố của Đỗ Văn Khoái, Triều đình của Trần Văn Loa,...

Phân loại như trên chỉ ở góc độ chung chung vì sự ảnh hưởng tư duy đồng dao trong nhiều bài không hoàn toàn ở một dạng thức mà có thể liên đới nhiều dạng thức. Trong quá trình sáng tạo, các tác giả có hướng đi riêng, thiết kế nhiều hình thức nghệ thuật khác nhau, không ai giống ai. Cùng sử dụng thể thơ bốn chữ, Định Hải ngoài việc chọn nhịp 2/2 quen thuộc còn nhấn mạnh nhịp 1/3 nhằm khéo léo nhắc nhở trẻ về ý thức xếp hàng trước khi vào lớp: “Đang chạy - bên này/ Lại sang - bên nọ/ Cắm cổ - cắm đầu/ Kìa - trông xấu quá!” (Đàn kiến nó đi); Đỗ Trung Quân vẫn giữ nhịp 2/2 nhưng đã mở rộng liên tưởng, phá cách thi ảnh qua hình thức câu hỏi, diễn đạt sự tò mò muốn cắt nghĩa các hiện tượng tự nhiên của trẻ: “Nghìn năm - rồi nhỉ/ Bên gốc - cây đa/ Cuội ơi - em hỏi:/ Trăng non - hay già?” (Vầng trăng cổ tích); Dương Thuấn đưa vào hình thức tự sự, đối thoại, tư duy phi logic và dùng nhịp 1/3 nhấn mạnh ước muốn, hành động đáng yêu của nhân vật trung tâm (chú ếch), giúp trẻ hiểu hơn về sự dịch chuyển của thời gian, của thời tiết: “Một đêm - mùa hạ/ Trời đầy - trăng sao/ Có - một chú ếch/.../ Ếch bảo - cố đớp/ Ăn hết - trăng sao/ Cho trời - tối lại/ Thành/ cơn mưa rào(Chú ếch ăn trăng).

Cùng chủ đề loài vật, Phạm Hổ trong Chú bò tìm bạn sử dụng kết cấu tự sự, đối đáp ở dạng phân tách bản thân, nói lên sự nhầm lẫn rất ngô nghê, đáng yêu của chú bò. Thụy Anh trong Ngóng mẹ cũng sử dụng kết cấu đối đáp cho trẻ biết loài vật cũng có tiếng nói riêng và mượn câu chuyện của loài vật hướng đến tình cảm, yêu thương, gắn kết trong gia đình. Tùng Bách trong Chuyện với chú cua mở đầu bằng kết cấu nghi vấn rồi dẫn dụ trẻ đến chuyện mâu thuẫn giữa càng và cẳng, cuối cùng khép lại bằng câu trả lời vì sao cua bò ngang. Nguyễn Duy Quế trong O tròn như trứng vịt sử dụng dạng thức tự sự, có nhân vật, sự kiện, tình huống, phản biện tư duy cố định của người lớn, tạo ra tiếng cười sảng khoái.

Dấu ấn tư duy đồng dao xâm nhập trong tư duy thơ thiếu nhi không chỉ thể hiện tiến trình thơ thiếu nhi mà còn thể hiện phong cách, cá tính sáng tạo của người viết. Họ biết làm mới, tạo độ hấp dẫn bằng cách đưa vào thơ hơi thở, nhịp sống mới, mở rộng đề tài, hình thức biểu hiện, ngôn ngữ, giọng điệu,... Nguyễn Lãm Thắng thổi vào thơ làn gió đời thường với hành động em bé “tắm gạo” đầy sáng tạo, gây ấn tượng trực tiếp (Gạo tắm). Nguyễn Vĩnh Tiến lựa chọn lời kể thủ thỉ tự nhiên nhưng khắc sâu, lắng đọng bằng những chi tiết đối nghịch, tạo xúc động mạnh (Cái roi tre).

Sự ảnh hưởng, tương tác giữa tư duy đồng dao và thơ thiếu nhi như một mắt xích quan trọng, biểu thị lối tư duy, phương pháp, nguyên tắc sáng tác độc, biệt: thế giới của tình thân, yêu mến và trong sáng. Vừa kế thừa truyền thống vừa đổi mới, cách tân, vì vậy đọc thơ thiếu nhi hôm nay người đọc có cảm giác quen mà lạ, cũ mà mới là thế!

4. Ấp ủ hành trang

Với ước ao bày biện món ăn tinh thần hấp dẫn, cuốn hút nhất, người viết luôn ý thức đặt mình trong tâm thế kiếm tìm, làm phong phú thêm sắc hương thơ thiếu nhi. Cho trẻ một không gian giải trí nhưng cũng vì trẻ, vì tương lai của đất nước, chơi mà học, học mà chơi. Sự cài cắm các bài học, nhẹ nhàng mà sâu sắc, cụ thể mà khái quát để trẻ vươn tới những điều thánh thiện, tốt đẹp cũng là một đặc trưng không thể thiếu trong thơ thiếu nhi.

Thông qua cách sử dụng hình ảnh dân dã, ngôn ngữ giản dị, trong trẻo, phù hợp với tư duy của trẻ, thông qua những trò chơi, câu chuyện, các bài học được đưa vào một cách tự nhiên, nhẹ nhàng, hình tượng. Cảm hứng thiên nhiên, quê hương, đất nước trong bài Truyện cổ nước mình của Lâm Thị Mỹ Dạ, Mùa lúa chín của Nguyễn Khoa Đăng,... mang đến bài học về tình yêu, lòng tự hào dân tộc. Cảm hứng loài/đồ vật như Rùa con đi chợ của Mai Văn Hai, Tiếng chiêng của Nguyễn Thị Hường Lý,... mang đến bài học về ứng xử với bạn bè, sống tốt, sống có ích, siêng năng, ngoan ngoãn. Cảm hứng gia đình, trường lớp, bè bạn như Em yêu nhà em của Đoàn Thị Lam Luyến, Nhà không có bố của Nguyễn Thị Mai,... mang đến bài học về tình máu mủ, trìu mến và chân thành.

Gửi gắm bài học nhưng mỗi nhà thơ đều có cách thức kết nối, khái quát riêng. Các nhà thơ tránh được những lời răn dạy khô khan, gượng ép, tránh nhồi nhét kiến thức, thay vào đó là hình thức chơi cùng, trò chuyện cùng, nhờ thế ý nghĩa tác phẩm, hình tượng nghệ thuật được mở rộng, vẫy gọi bạn đọc. Sự dễ thương, ngộ nghĩnh của chú mèo con từ chỗ chủ thể đi câu trở thành mồi câu của lũ cá mương trong Mèo đi câu của Vương Trọng tạo tiếng cười sung sướng, giòn giã, thích thú với trẻ, cho trẻ những kiến thức về sinh vật. Nguyễn Hoàng Sơn trong bài Con vện cũng thế, đã thỏa mãn nhu cầu ham hiểu biết, ưa khám phá về loài vật của trẻ. Điểm chung của cả hai bài thơ này là không “phô” tính giáo dục mà chỉ hình thành khả năng quan sát, sự lay động của tình yêu thương với muôn loài.

Trẻ còn non nớt, chưa đủ kiến thức suy luận, nhận diện những gì xảy ra xung quanh mình, người lớn phải là “người làm vườn” cần mẫn, biết nâng niu, lắng nghe và trân trọng; phải có câu trả lời thích đáng với tư duy trực giác, cảm tính của trẻ; phải có ngôn ngữ, kênh giao tiếp riêng. Cảm nhận cuộc sống qua tâm hồn, đôi mắt trẻ thơ, Phi Tuyết Ba đặt độc giả vào tâm thế dung hợp: “Bé cầm sách ngược/ Cũng chẳng hề chi/ Người đọc người nghe/ Hiểu nhau là được!” (Bé đọc sách). Hành động đáng yêu, ngộ nghĩnh của trẻ chính là sợi dây gắn kết mang tới những khoảnh khắc nồng ấm, yêu thương. Trong bài thơ Bà, Trần Mạnh Hảo dựng tình huống gặp lại hết sức đặc biệt để nói lên tình cảm vô bờ bến của trẻ đối với bà: “Bà vẫn ngồi như thế/ Tóc bạc cả bình vôi/ Cháu muốn làm cây gậy/ Để dắt bà đi chơi”. Nhà thơ đã nắm bắt, chuyển tải được nỗi niềm, khát vọng lạ lùng, phi lý mà rất tự nhiên, dễ thương ấy, làm dày thêm tình thương mến, bao dung và nhân ái. Khi trẻ thắc mắc “Ngày hôm qua đâu rồi?”, Bế Kiến Quốc khéo léo trả lời: “- Ngày hôm qua ở lại/ Trong vở hồng của con/ Con học hành chăm chỉ/ Là ngày qua vẫn còn” (Bóc lịch). Nhà thơ thu hẹp tư duy logic, cụ thể hóa “ngày hôm qua” trên trang vở hồng, xác lập thế giới “có lí” của trẻ. Đứng ở trục qui chiếu này, nhà thơ vừa trả lời, lí giải được điều mà trẻ băn khoăn, vừa để trẻ tự rút ra bài học về sự chăm chỉ.

Tư duy phản biện, tư duy ngẫu hứng, tự do, phi lí tính của trẻ cũng trở thành nơi trải nghiệm, cật vấn cảm xúc của người lớn. Phản xạ hồn nhiên của cô bé Ngô Gia Thiên An trong bài Trong vườn thú như trực tiếp chất vấn người lớn về tình yêu thương và lòng nhân ái. Yêu thương và nhân ái ở đâu khi sư tử, khỉ, voi, báo đốm, hươu, ngựa, dế không có tự do, đều bị giam cầm? Con người thích tự do, không thích trói buộc nhưng chính con người lại trói buộc các loài khác. Cảm quan hòa đồng với thiên nhiên, muôn loài của trẻ đã bật lên câu hỏi, lời thắc mắc rất sắc bén: “Ở vòm trời bằng bụm tay/ Con chim vỗ cánh muốn bay khỏi lồng/ Sao người vốn sợ xiềng gông/ Mà giam chim nhỏ vào lồng để chơi?” (Trần Hồng Thắng - Câu hỏi trước lồng chim). Bản tính thơ ngây, ngộ nghĩnh đã giúp trẻ từ chỗ hoài nghi đến chất vấn, tỏ lộ những điều quý giá mà chính người lớn nhiều khi chai lì không còn cảm nhận được nữa.

Cách quan sát sự vật của Đặng Chân Nhân trong bài Con rối cũng là bài học hữu ích đối với người lớn. Con rối muôn đời bị giật dây nhưng trong nó luôn băn khoăn, trăn trở và khát thèm khẳng định nhân vị. Sự tự nhận biết của con rối chính là sự tự nhận biết của cái tôi bản thể: sống là phải biết làm chủ bản thân, không bị giật dây bởi người khác. Ý thức bộc lộ, khẳng định cá tính cho thấy khát khao tự do, muốn được hòa vào thế giới người lớn của trẻ. Trước nhu cầu này, người lớn cần hiểu cảm xúc, tiếng nói của trẻ, không nên o ép trẻ trong những suy nghĩ nhàm chán, cứng nhắc. Đặc biệt, đọc bài thơ Mẹ ốm chúng ta không khỏi giật mình trước suy nghĩ, tình cảm và trí tuệ của cậu bé 9 tuổi - Trần Đăng Khoa: “Mẹ là đất nước, tháng ngày của con...”. Tình yêu đối với mẹ của Trần Đăng Khoa trở nên thiêng liêng, sâu thẳm khi hòa vào tình yêu đất nước. Điều này cho thấy đặc điểm của thơ thiếu nhi ngoài những yếu tố cụ thể, gần gũi, thân mật, ngây thơ, ham chơi còn có sự tham gia của yếu tố khái quát, triết lý. Các yếu tố khái quát, triết lý này thường đến rất tự nhiên, bình dị, được gợi dẫn từ hình tượng nghệ thuật, chứ không hề gò ép, cố định trước.

Không gian ấu nhi đẹp đẽ, lấp lánh hay buồn đau, mất mát đều trở thành nguồn năng lượng, sức mạnh cho trẻ trên bước đường đời. Tâm hồn trẻ non tơ, tinh khôi, không chút vẩn đục nhưng rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của người lớn. Người lớn phải bồi đắp, hướng đạo trẻ phân biệt đúng sai, tốt xấu, không bị sốc, ngỡ ngàng trước những góc cạnh, biến cố của cuộc sống. Bài học thuở ấu thơ là hành trang vô giá để trẻ tự bước tiếp và làm chủ số phận mình. Ở bài Cháu nghe câu chuyện của bà, Nguyễn Văn Thắng đánh động trái tim yêu thương của trẻ bằng câu chuyện lạc đường của một cụ già: “Cháu nghe câu chuyện của bà/ Hai hàng nước mắt cứ nhòa rưng rưng/ Bà ơi, thương mấy là thương/ Mong đừng ai lạc giữa đường về quê”. Hay nỗi buồn trong bài thơ Mẹ ơi! của Nguyễn Ngọc Hưng không phải là nỗi buồn bi quan, tuyệt vọng mà là nỗi buồn thiêng liêng, nỗi buồn biết nhìn lên, ngước lên, vì “Nỗi đau đâu cứ phải là roi tre?” (Cái roi tre - Nguyễn Vĩnh Tiến): “Xưa hai đôi đũa một mâm/ Giờ hai đôi đũa... con cầm một đôi/ Còn một đôi đũa mồ côi/ Nghẹn ngào con nuốt cho trôi chén buồn”.

Tư duy trực cảm, sự ngạc nhiên, lý thú và những tri nhận kì lạ của trẻ trước các hiện tượng muôn màu muôn vẻ của cuộc sống nhiều khi làm người lớn chột dạ, sửng sốt, ngỡ ngàng, đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Sự tưởng tượng, liên tưởng tự do, trong sáng của trẻ đã rộng mở hơn tình bè bạn, kéo những điều huyền bí, khác lạ về gần hơn, thân tình hơn giúp người lớn đánh thức bản năng tinh khôi, biết rung động trước những gì ngỡ đã cằn cỗi, xơ cứng, biết ngẫm suy, chất vấn, phán xét lại chính mình.

Tuổi thơ là thức quà vô giá của tâm hồn. Đằng sau các bài thơ thiếu nhi là sức sống của tình người, là cội nguồn của yêu thương, có chức năng bồi dưỡng, phát triển và hoàn thiện nhân cách của trẻ. Những gợi mở, dẫn dắt khéo léo, tinh tế của các nhà thơ như khơi vẫy cảm xúc, trí tưởng tượng biệt lạ, cho trẻ thêm đôi cánh bay đến miền tri thức.

5. Thay lời kết

Viết thơ thiếu nhi không đơn giản chỉ là sân chơi dành cho trẻ mà đó còn là một “chiến lược lớn” (Nguyễn Quang Thiều) góp phần định hướng, bồi dưỡng, hình thành, phát triển tâm hồn và trí tuệ của trẻ. Đặc thù mĩ cảm ấu nhi vừa giúp trẻ nhìn thấy được sự tự chủ, cá tính, tuổi thơ sống động của mình trong tác phẩm, vừa giúp người lớn giao lưu, đối thoại, đồng hành với trẻ và tự cho mình những giây phút ấm áp, hạnh phúc nhất, làm mềm những nhọc nhằn, giông bão của cuộc đời.

65 bài thơ toát lên được chất thơ cần có, đánh thức sự sảng khoái, thích thú trong trẻ, làm nên đặc điểm hồn nhiên nhi nhiên của thơ thiếu nhi Việt Nam và cái duyên riêng của mỗi tác giả. 65 bài thơ hứa hẹn kết nối những tâm hồn yêu trẻ, vì trẻ, cũng như đặt ra sứ mệnh, trách nhiệm của người viết thơ thiếu nhi trong dòng chảy văn học thiếu nhi nói riêng và văn học Việt Nam nói chung.

Nếu trái đất thiếu trẻ em cuộc sống sẽ nhàm chán biết bao! Ở đâu có trẻ em, ở đó có sự sống tươi đẹp, tiếng cười và những câu chuyện huyền diệu.

H.T.A
(TCSH46SDB/09-2022)

----------------------------
(*) Cao Xuân Sơn tuyển chọn, 65 bài thơ hay (Dành cho thiếu nhi), Nxb. Kim Đồng, 2022.

 

 

Các bài mới
Lá Tương Tư (13/10/2022)
Các bài đã đăng
Con riêng (26/09/2022)