Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.9-22)
Patrick Modiano và ‘Một gánh xiếc qua’
16:40 | 14/10/2022

ĐỖ QUANG HUY

Năm 2014, một trong những nhà văn vĩ đại nhất nước Pháp, bước ra ánh sáng. Một giờ chiều, ngày mùng chín tháng mười, Stockholm, Viện Hàn Lâm Thụy Điển đưa ra thông báo ngắn gọn: Giải Nobel Văn học 2014 thuộc về Patrick Modiano.

Patrick Modiano và ‘Một gánh xiếc qua’
Ảnh: spiderum.com

Cái tên ấy vô cùng lạ lẫm với đại đa số độc giả ngoài biên giới nước Pháp. Năm ấy, người ta hướng về Svetlana Alexievich, đợi cái tên Murakami Haruki được xướng lên, nhiều hơn là một nhà văn “ít tên tuổi”. Cứ như thể từ thinh không, Modiano xuất hiện, và ngay giây phút “ra đời” ấy, ông đã sừng sững bước lên bậc đá chỉ dành cho những người vĩ đại nhất. Tờ Telegraph trong một bài viết về ông thậm chí đã giật tít thế này: “Patrick Modiano - Chủ nhân giải Nobel Văn học, mà chúng ta chưa ai từng đọc tới”. Dĩ nhiên, đó chỉ là cách nói phóng đại mà nhà báo vui tính người Anh nào đã tạo nên. Nhưng quả thực, trước cái ngày định mệnh ấy, nhà văn của kinh đô ánh sáng Paris hầu như không để lại chút tiếng tăm nào vượt qua mảnh đất mình sinh ra. Ngay cả trong nước Pháp, ông cũng sống như một ẩn sĩ của làng văn, chẳng màng danh lợi, trốn tránh truyền thông.

Dẫu vậy, không ai phải tranh cãi nhau về giải thưởng này, khác với những giải Nobel được trao cho Elfriede Jelinek hay Mạc Ngôn - những nhà văn nổi tiếng hơn ông rất nhiều. Văn chương của ông ngay lập tức được chú ý sau đó, và dĩ nhiên, dễ dàng hạ gục mọi người đọc còn đương nghi ngờ. Dù hiểu thế giới của ông hay không, dù yêu thích không khí Paris trong văn ông hay không thì tất cả đều đồng ý một điều, rằng: Ông xứng đáng là một cây bút ăn giải Nobel. Không cần phải được rọi sáng dưới ánh đa sắc lộng lẫy, bản thân những trang văn giản dị và ngắn ngọn của Modiano đã tiềm tàng sức hút ghê gớm đầy lạ kì. Những tác phẩm của ông là bài ca của nỗi buồn da diết, của những ẩn ức quá khứ bất tử, của những băn khoăn mông lung về bản thể thực sự của một con người. Khi lạc vào văn chương Modiano, ta sẽ bị cái khoảng không nhẹ bẫng, mơ hồ, tinh tế với những nhân dạng nhờ nhợ mắc kẹt trong những tình huống kì lạ - mà người ta gọi là Modianesque, cuốn lấy. Và khi ta gập trang sách cuối cùng và ngơ ngẩn ngước về thinh không, sẽ chỉ còn nỗi buồn ngân vang dừng lại trong tâm trí.

Di sản của ông để lại phần lớn là những tác phẩm chỉ dài hai trăm trang sách trở lại. Thoạt đầu, ta ngỡ rằng rất nhiều cuốn giống nhau, là sự lặp lại nhau. Những suy nghĩ ấy thực ngây thơ, bởi văn của ông nói nhiều hơn độ dài của nó, những câu chuyện của ông đan xen lấy nhau, nhưng không hòa tan vào nhau mà mỗi câu chuyện là một mảnh ghép tạo nên vương quốc của kí ức. Giống như trò chơi Trí Uẩn, với bảy mảnh ghép mà thôi, ta có thể dệt nên cả thế giới. Trong ấy, có một bộ ba “na ná” nhau hơn cả, ba trường đoạn của một bản trường ca. Đó là cuốn “Một gánh xiếc qua”, “Từ thăm thẳm lãng quên” và “Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối”. Đó là những khúc ca Patrick Modiano dành cho Paris hoa lệ mà ông đã mắc kẹt trong nó như một tù nhân, dành cho những cuộc tình say đắm, và đặc biệt, dành cho những người trẻ đang sống mà chẳng thực sống. Nhưng hãy khoan đi đến hai tác phẩm phía sau, hôm nay, hãy chỉ khám phá và chia sẻ về chương đầu tiên của trường ca ấy: “Một gánh xiếc qua”. Đằng sau cuốn sách, dịch giả Trần Bạch Lan đã tóm lược một điều mà tác phẩm này muốn cất lên: “Dẫu ở độ tuổi nào, bao giờ người ta cũng quá trẻ khi sống ở Paris”.

Đọc một cuốn sách không đơn thuần là tiếp nhận ngôn từ ở bề mặt, mà đó là một hoạt động tinh tế hơn thế rất nhiều. Ta phải bóc tách lớp chữ đen trên mặt giấy để giải mã những chi tiết tế vi, mà đôi khi chỉ thấy được khi ta trôi vào những khoảng không phía sau từ ngữ. Thiên chức của một nhà viết tiểu thuyết, chính Patrick Modiano đã nói trong Diễn từ nhận giải của mình: “...trước cái trang giấy trắng mênh mông của lãng quên để làm bật dậy vài lời đã nửa phần bị bôi xóa, như những tảng băng sơn lạc loài trôi dạt trên bề mặt của biển cả”. Ở tảng băng đó, phần nổi có khi chỉ mang vai trò của một chiếc mặt nạ, còn bề sâu, ấy mới là thứ người đọc phải xâm lấn. Nói dài đến vậy, để ta thấy rằng, tác phẩm của Modiano đích thực là một mê cung mà nếu chẳng tỉnh táo, ta sẽ bị cốt truyện đơn giản đến tối giản lừa lọc, bị lạc lối trong khu phố mà chẳng hề nhận ra, ở góc đường, khuất sau cột đèn vàng vọt thờ ơ, chính là lối thoát mong đợi. Và “Một gánh xiếc qua” là minh chứng rõ rệt hơn cả cho quan niệm ấy.

Hãy mở trang đầu tiên để đi vào thế giới huyền hoặc bí ẩn của Modiano, trong “Một gánh xiếc qua” - một thiên truyện tình mê hoặc, một nỗ lực lần lại sợi dây kí ức để giải đáp về hiện tại, một khao khát hướng người trẻ đến sự sống cao hơn, một lời khuyên về cách ta đọc một cuốn sách.

“Một gánh xiếc qua” ở bề mặt của nó, ắt hẳn là một câu chuyện về tình yêu. Tình yêu của hai người trẻ. Cậu trai mới mười tám, đã bỏ học, nói dối mình đã hăm mốt, bị cha mẹ bỏ rơi và phải sống cùng “cấp dưới” của cha trong một căn hộ sắp biến mất - Obligado. Nàng là một người đẹp bí ẩn như đứng giữa sương khói - Gisèle. Họ tìm thấy nhau tình cờ, trong một buổi chiều Paris, lần lượt bị tra khảo. Obligado là người đầu tiên, bị hỏi về những cái tên khác lạ lẫm, chỉ vì “tên cậu xuất hiện trong sổ agenda của một người”. Kế đến là Gisèle, với một cuộc thẩm vấn dài hơn rất nhiều. Và Obligado quyết định chờ nàng, chẳng vì lý do xác đáng nào. Có lẽ, anh đã mơ màng nhìn thấy tình yêu, qua cái chạm mắt trong khoảnh khắc đó, khi anh rời đi. Chờ nàng, để rồi nàng nhờ anh cầm chiếc va li nặng mà trong ấy anh nghĩ là có vàng. Và để rồi họ ngủ với nhau, trong căn phòng tạm bợ của Obligado. Đời họ cắt nhau lãng xẹt như thế. Chỉ trong năm ngày bên nhau, năm ngày yêu nhau, mà ngỡ là cả một đời người. Họ lên kế hoạch trốn thoát khỏi Paris, để sang Rome kiếm một cuộc đời khác. Và tình thì si. Chàng trai trẻ sẵn sàng bỏ lại tất cả, dù hầu như anh chẳng còn lại gì, để trốn chạy cùng người mình yêu. Trong những ngày ấy, Gisèle đưa anh gặp những người lạ kì, những kiểu người chỉ lướt qua đời ta như cơn gió tạt vào ta rồi vĩnh viễn chìm vào hư không. Nhưng những người ấy đều được bọc trong bầu không khí của sự bí ẩn. Họ gặp Jaques de Baviere, một người đàn ông có lẽ mang một tình cảm đặc biệt với Gisèle, sẵn sàng cho họ mượn chiếc xe ôtô của mình. Họ gặp Ansart, một gã trung niên luôn có chút nuối tiếc hoặc buồn bã mỗi khi nói về tuổi trẻ, nhưng đồng thời cũng là kẻ có hành tung đáng nghi. Rồi Ansart muốn họ chuyển lời tới một người đàn ông vô danh - người sẽ biến mất, cùng với cả Ansart lẫn Jacques, ngay sau đó. Rồi thì Guelin, cái gã đã nói cho Obligado về tên thật của nàng, Suzanne Kraay, về việc nàng từng đi tù, từng cưới chồng và có lẽ, làm điếm ở ngôi nhà số 34 phố Desaix. Nhưng những cái tên ấy thì có nghĩa gì? Họ thi thoảng sẽ quấy rầy Obligado của tuổi bốn mươi. Nhưng chẳng ai làm anh đau đớn như Gisèle (hay là Suzanne nhỉ?). Nhưng chẳng cái tên nào ngoài tên người anh yêu có thể khiến trái tim anh run rẩy, đầu óc anh quay cuồng, và làm bất chợt có cái gì ươn ướt lướt dài dưới hàng mi anh... Ngay sau phi vụ Ansart, ngay trước khi họ rời bỏ Paris sang Rome tươi đẹp, cô mất. “Bạn gái cậu. Tai nạn. Ngay sau cầu Suresnes” - những dòng kết lại cuốn sách, đầy gấp gáp, đầy đau đớn. Như có gì nghẹn lại trong họng ta, ta chỉ có thể thốt lên vài ba từ, về cái chết của người yêu. Obligado như thể đã đoán ra được cái kết tất yếu ấy, ngay sau phi vụ mà anh tưởng chính mình là tòng phạm, mà ngẩn ngơ: “... tôi đã hiểu hết trước cả khi kịp nghe”. Obligado đã cô đơn hầu như cả phần đời tươi trẻ của mình. Cha anh ắt hẳn là một tội phạm từng làm nhọc lòng nhiều thẩm phán, đã sang Thụy Sĩ. Mẹ anh là một nghệ sĩ, đâu đó ở Nam Tây Ban Nha, chẳng rõ sống chết. Họ rời bỏ anh, để anh lại với Grabley, người đàn ông chung thuyền với người cha đầy những bí mật. Có lẽ chỉ đến khi Gisèle giành một chỗ trong đời anh, Obligado mới không sống như một bóng ma. Bóng ma trong một căn phòng rỗng tuếch, của một khu nhà sắp dỡ. Bóng ma trong trường đại học mà anh chẳng hề là sinh viên, dẫu có bằng chứng giả cho việc anh học tại ấy. Bóng ma ở đời khi Obligado luôn thiếu động lực, mơ màng về tương lai và u uất khi nhìn về quá vãng, luôn nghĩ người khác đúng còn mình sai, thiếu bản sắc riêng của một con người. Chỉ đến khi gặp nàng, anh mới có dũng khí và sức sống, để sẵn sàng rủa vào mặt tên Guelin: “...thằng già đê tiện!”, và dám đưa tiền cho gã gác đêm của khách sạn mà trước đó anh còn ngại ngần đối đầu, để có phòng cho cả hai người họ. Thế mà rồi nàng ra đi. Lời hẹn lát gặp của họ mãi mãi ra đi. Chẳng có Rome, chẳng có đời sống nào khác. Chỉ còn ở lại nỗi tiếc nuối. Những người yêu nhau có lẽ sẽ hiểu cảm giác ấy hơn cả. Dẫu cho người yêu không mất đi, nhưng chỉ cần tưởng tượng nên viễn cảnh ta thả tay nàng một lát, ta khuất bóng nhau vài giây là tuột khỏi nhau cả đời, ta đã có thể nức nở. Còn gì đau hơn việc người ta yêu, sẽ biến mất khỏi đời ta, và chỉ còn lại những kí ức có thể chìm vào lãng quên bất cứ lúc nào. Cái nức nở của Obligado ở độ tuổi bốn mươi, khi được một người hỏi về việc có còn gặp lại nàng không, như một vết chích côn trùng, ta cứ ngỡ là chẳng sao, để rồi khi dấu chấm kết chương đến thì nó hóa thân thành viên đạn bạc, xoáy vào vết thương kia một cách thô bạo: “Tôi kinh ngạc trước câu hỏi đến nỗi phải ấp úng một câu trả lời mơ hồ. Khi chỉ còn lại một mình, ngoài đại lộ, tôi đã òa khóc một cách ngu xuẩn”. Nhưng nước mắt của người đàn ông đã đi qua câu chuyên kia hai mươi năm thì có thể làm gì để vực dậy hiện tại?

Câu chuyện tình ấy chẳng thỏa mãn bất kì ai. Nó buồn và để ngỏ nhiều điều mãi không được hồi đáp: Nàng thực sự là ai? Có phải nàng làm điếm ở căn nhà số 34 phố Desaix? Có thực là nàng quen Jacques, Ansart, Martine mới ba tuần? Phi vụ đem cho họ một phong bì tiền để tới Rome, thực chất có phải một vụ bắt cóc? Cái chết của nàng có phải một sự sắp đặt, để bịt miệng một nhân chứng cho cuộc bắt cóc kia? Nếu thế thì sao Obligado lại sống sót? Hay nàng tự kết liễu cuộc đời khốn khổ của mình?

Ôi, câu chuyện tình của những điều ta chẳng biết. Modiano đâu có nói cho ta hay? Ta chỉ biết họ đã yêu, đã say, đã cuồng nhiệt. Ta chỉ rõ họ đã mơ, rồi giấc mơ đã tan vỡ. Ta chỉ hay tình yêu tuổi trẻ thì luôn đầy hoang mang - như cái cách Obligado luôn sợ nàng sẽ bỏ anh đi, nhưng cũng đầy bản lĩnh. Ta, sau rốt, thấy nỗi đau của tình yêu có thể ám ảnh mình, dẫu có chạy khỏi nó xa đến cả hai mươi năm.

Nhưng câu chuyện tình ấy chỉ là bề nổi của cuốn sách. Tác phẩm ấy, tầng sâu hơn, là nỗ lực đi tìm ý nghĩa của ký ức trong mối quan hệ với hiện tại. Trong tác phẩm, Modiano luân chuyển một cách nhịp nhàng giữa điểm nhìn hiện tại và điểm nhìn quá khứ. Nếu không chú ý, ta sẽ những tưởng điểm nhìn hiện tại của người kể chuyện, nhân vật “tôi”, là Obligado ở tuổi mười tám. Nhưng không, “tôi” thực sự là Obligado của nhiều năm sau, khoảng chừng hai thập niên, đang lần lại quá khứ để kể ta nghe về một thời đã qua. Và ấy cũng là yếu tố phụ trợ để hiện hình ý nghĩa của tác phẩm. Hiện tại, như Nguyễn Chí Hoan đã nói, là một di sản. Những gì của hiện tại được xây nên bởi quá khứ, và quá khứ thì luôn ảnh hưởng đến hiện tại. Đôi khi, hai khái niệm ấy hòa lại làm một, nhập vào nhau để rồi khoảng cách không - thời gian bị phân rã. Chương hai của cuốn sách, có đoạn văn thế này: “Tôi choàng tỉnh giấc. Cửa ra vào vừa sập lại. Nàng nằm cạnh tôi, trần truồng, trong cái áo gió. Đã bảy giờ sáng. Tôi nghe thấy tiếng bước chân của Grabley. Ông đang nói chuyện điện thoại trong phòng làm việc. Giọng ông mạnh dần lên, như là đang cãi nhau với một ai đó. Rồi ông rời khỏi phòng làm việc, quay về phòng riêng.”

Hãy nghĩ kĩ, liệu khi ta ngủ cùng người tình, có bao giờ ta để cửa mà không đóng? Vậy tại sao cái tiếng cửa sập lại xuất hiện? Phải chăng có người đã lén lút lên tầng sáu của căn hộ, chỉ để nhìn trộm họ? Hay Grabley đã mở cửa ra nhìn, rồi nhanh chóng chạy xuống nghe điện thoại, hoặc giả như ông vờ nghe một cuộc gọi ma? Không, rất có thể, ta đã mắc bẫy của Modiano. Câu “Cửa ra vào vừa sập lại” có lẽ là lời tự sự của thì hiện tại, trong thoáng chốc, tiếng cửa sập của hiện tại đã vừa khít với khoảnh khắc Obligado của tuổi mười tám choàng tỉnh.

Đó là chi tiết rất “mystères”, rất Modiano. Chi tiết ấy cũng tiêu biểu cho ý niệm về quá khứ - hiện tại của ông. Quá khứ, hay kỷ niệm, chúng là những gì đã qua đi, đôi khi qua mà vẫn mãi mãi là bí ẩn không thể giải đáp. Và dẫu có vặn mình, co chân bỏ chạy, có làm cho bản thân bị căn bệnh tự quên, thì nó vẫn luôn ở đó, một chỗ nào trong tâm tưởng ta, thi thoảng lại nhức nhối như một vết thương để lại sẹo. Mỗi chúng ta, đều như một anh lính, thi thoảng lại bị quấy rầy bởi những viễn cảnh xưa cũ ám ảnh, dẫu muốn hay không, dẫu đón nhận hay khước từ. Hiện tại, là kết quả của ký ức. Và bởi thế, đời ta là tất cả những gì mang phẩm tính của quá vãng. Mỗi ngày trong đời là một viên gạch để ta dựng đường đi. Mỗi giây ta sống là một nỗ lực vượt qua cõi hư vô bất tận. Nếu hiện tại là ta, thì ký ức là nỗ lực để ta không quên đi chính mình, dù có đau đớn tới đâu. Một gánh xiếc qua đi, thì vẫn để lại dấu vết. Một người con gái ta yêu qua đi, để lại cho ta ý niệm về cuộc đời. Không thứ gì đến mà vô nghĩa. Luôn có một ý nghĩa nào đó, về những thứ xảy ra trong đời. Quá khứ là vậy, nó luôn có nghĩa, và cái giây phút ta nhận ra ý nghĩa của nó, ta mới bước đến được hiện tại.

Patrick Modiano, trong cuốn sách này, lần lại quá khứ, một lần nữa. Nỗ lực lần này, đi sâu hơn nữa vào tâm hồn của những người trẻ. Obligado lần ngược lại cuộc đời của mình, cũng chính là hành trình tạo hình bản thể của cá nhân. Ban đầu, anh có là ai ngoài một bóng ma - như đã nói ở trên? Nhưng rồi, dần dần, qua thời gian, Obligado xây dựng nên bản sắc và cá tính của mình với tất cả những hạnh phúc, hoang mang, đau đớn hay luyến tiếc. Ta phải giữ được mọi ký ức, để không tan rã, để không mất đi những gì là mình. Cho dù thời gian là con quái thú gặm nhấm từng khoảnh khắc của ký ức, nhưng đừng để đôi tay rời hẳn khỏi sợi dây ký ức, bởi đó chính là thứ gắn ta lại với ý nghĩa của sự sống. Nếu lãng quên, cho dù là những kí ức đau đớn như cái chết của người thương, thì cũng đồng nghĩa với việc ta giơ tay lên, cắt phăng một ngày trong đời, để rồi quãng đời trước ấy mãi mãi biến mất, và ta cũng mất đi một chút “mình”. Đó là cuộc hành xác mà ai cũng phải đi, đi ngược lại thời gian và không gian. Nhưng một khi đã hoàn thành chuyến lần ngược vĩ đại, đã định vị được chính mình, trong quá khứ để rồi là hiện tại, lúc ấy, ta đã sống. Người trẻ chúng ta thường hay nhìn về cái hiện tại không mang phẩm tính quá khứ - cái hiện tại tạm bợ có giá trị nhất thời, hoặc nhìn về tương lai được phác họa đầy mộng mơ mà quên đi những gì đã vang bóng, rồi để quên nốt cả nhiệm vụ tự định hình mình giữa đời. Đó là điều Patrick Modiano không thể chấp nhận. Ông là người dành cả đời mình, lẫn đời văn để vật lộn cùng ký ức, để không bao giờ bị bão tố thời gian cuốn phăng khỏi thứ giúp ông có thể biết mình là ai. Modiano - người bị ruồng bỏ suốt cả tuổi trẻ. Đừng sống như một bản sao, đừng tồn tại như một bóng ma, đừng như Obligado đã từng “làm ra vẻ không nghe thấy”. Hãy luôn nắm chặt lấy quá khứ để hiểu mình hơn, rồi tự tay viết nên thẻ căn cước của riêng, và sống đáng với một đời người. Tuổi trẻ ấy mà, ta hay nghĩ là còn nhiều lắm. Không đâu, không nhiều đến thế đâu, để mà lãng phí. Đôi khi chỉ năm ngày cũng dài như một đời người. Và một giây thôi, cũng là quý giá. Chuyến tàu ruồi còn phảng phất trên trần nhà kia...

Và “Một gánh xiếc qua”, còn là một bài học về cách đọc.

Câu chuyện này, nhiều khi ta ngỡ là hành trình men theo danh tính của Gisèle. Chắc hẳn ta sẽ có đôi chút bất ngờ khi phát hiện ra, Gisèle đã giấu kín tên thật của mình mà mãi đến gần cuối, ta mới biết, có thể nó phải là Suzanne Kraay. Nhưng không, đó là “cú lừa” mà Modiano đem đến. Thực ra, câu chuyện đầy kịch tính mà ông kể về nàng chỉ là cách đánh lạc hướng người đọc.

Đố bạn biết, tên nhân vật chính là gì? Obligado?

Sai rồi, bạn đã sa vào cái bẫy của Patrick Modiano, và của tôi nữa. Rất nhiều người đọc, theo chia sẻ của dịch giả Trần Bạch Lan, không nhớ được tên nhân vật. Modiano thường bày trên bàn rất nhiều cái tên, nhiều khi các cái tên ấy không hề quan trọng, để làm ta lạc lối. Trong tác phẩm này cũng thế. Tên thật của “tôi” - Jean, chỉ xuất hiện duy nhất một lần, vào gần cuối, trong thoáng khẩn khoản cầu xin của Gisèle: “- Đừng đi, Jean... em xin anh đấy”. Và thế là nó bị nhấn chìm giữa bao cái tên người, tên địa danh khác. Thế là Obligado - biệt danh mà Grabley đặt ra, đã nhiều lần bị ngỡ là cái tên thực. Đây mới chính là câu chuyện về cái tên mà Patrick Modiano xoay quanh.

Người viết tiểu thuyết là người giấu, cuốn sách là một mê lộ. Và đọc, đọc phải là sống trong thế giới của cuốn sách, trong từng nhịp thở để phát hiện ra kho báu bị giấu kín, để thấy được ý nghĩa thực sự nằm trong những ngoằn ngoèo của ảo tưởng. Đọc không phải là men trên bề mặt, mà phải là đào tận sâu trong. Trước một mê lộ, ta phải tìm đường thoát. Thoát khỏi cuốn sách là đập vỡ bề mặt để tiến vào bề sâu, để hiểu những điều sâu xa hơn là những con chữ đen cỡ 14 được in rịt trên mặt giấy trắng.

“Viết là một hoạt động cô đơn lạ kì” - Chính ông đã viết vậy trong Diễn từ của mình. Nhưng đọc cũng nên bắt đầu là một hoạt động cô đơn đến kì lạ. Cô đơn trong khoảnh khắc đầu tiên. Nhưng rồi “con đường rồi ra sẽ ổn định hơn và sương mù sẽ tan đi”. Khi đã tự mình đi qua con đường ấy, ta sẽ vỡ dần ra. Nhưng vậy là không đủ, ta còn phải lội ngược lại, đi tiếp, đi tiếp, đi tiếp... Lần đi lần lại từng ngóc ngách, soi đi soi lại từng hòn sỏi, mở to đôi mắt và trí nghĩ để khám phá cái thế giới mê hoặc mà ta đã dũng cảm chiếm lĩnh. Bản chất của cái đọc là thế, là đi sâu để hiểu, không phải chờn vờn để biết.

Thời gian ngày càng nhanh đi, và việc đọc cũng ngày càng chóng vánh, gấp gáp. Những người trẻ nhiều khi đọc sách trong tâm thế của một tù nhân bị bắt ép. Nhiều người trẻ đọc sách để thể hiện mình khôn ngoan hơn người. Nhiều người trẻ đọc sách mà không có chút mưu cầu thấu hiểu, viết tiếp câu chuyện người viết thảo ra. Một trong những mong mỏi của Modiano là giữ cho sự đọc vẫn cao quý và đủ đầy ý nghĩa. Chúng ta, thế hệ của những người sinh ra trong thời đại của internet, của ebook, giữa những sự khinh thường văn chương và coi rẻ việc đọc, mang sứ mệnh là cầm lấy ngọn đuốc tiếp tục duy trì sự sống của văn chương (đọc ấy, chẳng phải mới giúp văn chương sống?).

Nhiệm vụ của ta, là xây đắp cho sự bất tử và vĩnh cửu của văn chương - thành trì cuối cùng chống lại sự băng hoại của thời gian, sự lãng quên của cuộc đời. Nhiệm vụ của thế hệ này là cùng nhau chu du qua những miền ngôn ngữ để cảm nhận vẻ đẹp đích thực và sâu thẳm nhất của văn chương, để nhắc nhở thời gian và hư vô biết rằng văn chương đã kháng cự chúng mạnh mẽ như thế nào.

Câu chuyện của tôi với “Một gánh xiếc qua” tạm dừng. Nhưng thế giới của Modiano thì chưa đâu. “Một gánh xiếc qua” chỉ là khúc dạo đầu cho một trilogy đầy hấp dẫn. Còn phía sau ấy “Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối” và “Từ thăm thẳm lãng quên”. Và xa hơn nữa, là “Phố những cửa hiệu u tối”, là “Quảng Trường Ngôi Sao”, là “Những đại lộ ngoại vi”... Những cuốn sách ấy chỉ trăm trang mà chứa đầy suy tư về đời, về người, về những ẩn ức mà bản thân ta chẳng rõ. Nỗi buồn của Modiano sẽ không làm ta tuyệt vọng, mà nó mở ra một hy vọng cho ta trong cuộc đời hỗn loạn mà ta sinh ra, lớn lên, và chết đi.

Và hẳn là rất nhiều người sẽ khao khát được tìm đến Paris của Patrick Modiano, không chỉ để biết đến sân bóng Parc des Princes - nơi đội bóng Manchester United mới đây đã làm nên huyền thoại, mà còn để biết tại sao ta luôn quá trẻ để sống ở Paris...

Đ.Q.H
(TCSH46SDB/09-2022)

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Lá Tương Tư (13/10/2022)
Andrée Chedid (07/10/2022)