Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.9-22)
Gia thế của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu với quê hương Thừa Thiên Huế
10:24 | 18/10/2022

TRẦN NGUYỄN KHÁNH PHONG

Từ ngày 9 đến ngày 24/11/2021, tại thủ đô Paris (Pháp), Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 đã vinh danh nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu.

Gia thế của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu với quê hương Thừa Thiên Huế
Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu - Ảnh: vtv.vn

Trong năm 2022, nhân sự kiện kỷ niệm 200 năm ngày sinh nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, đã có nhiều hoạt động được diễn ra ở Bến Tre, Thừa Thiên Huế và nhiều tỉnh thành khác.

Thừa Thiên Huế rất tự hào vì đây là quê nội của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu ở làng Bồ Điền, xã Phong An, huyện Phong Điền. Nơi đây, hiện còn tổ đường họ Nguyễn Đình và ngôi mộ ngài Nguyễn Đình Huy, thân sinh cụ Đồ Chiểu. Chính vì điều này đã giúp chúng tôi giới thiệu về gia thế của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu ở quê hương Thừa Thiên Huế, cũng là góp phần giúp thế hệ trẻ, nhất là học sinh phổ thông, và sinh viên yêu thích văn học có điều kiện hoạt động trải nghiệm di sản văn hóa và di sản thơ văn Nguyễn Đình Chiểu ngay chính trên quê hương mình.

Làng Bồ Điền, hướng mặt ra sông Bồ xanh mát quanh năm, là nơi hội tụ nhiều yếu tố văn hóa truyền thống, bởi bao quanh làng lại có những làng văn vật nổi tiếng như làng rèn Hiền Lương, làng Hiền Sĩ, làng Phò Ninh, làng An Lỗ với nhiều dấu tích xưa cũ và cũng là cái nôi đất học và tài năng của Thừa Thiên Huế xưa và nay. Ngay hai chữ tên làng Bồ Điền có nghĩa là ruộng tốt, thơm hương1 đã hun đúc tinh thần hiếu học và truyền thống văn hóa gia đình cho nhiều thế hệ. Và chính nơi đây còn lưu lại nhiều dấu ấn của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu.

Trên đường tìm về cội nguồn của dòng họ Nguyễn Đình ở làng Bồ Điền, các nhà nghiên cứu ở Huế cho biết thủy tổ của họ Nguyễn Đình nguyên quán từ đất Bắc, sau đó đi vào Nam, nhập tích Thuận Hóa: “Họ Mạc không thần phục, làm loạn Trung Hoa, nên ngài Cao Cao Cao tổ bỏ tối theo sáng vào xứ Thuận Hóa, phủ Triệu Phong, huyện Quảng Điền, xã Bồ Điền mở đất bao chiếm. Từ đó về sau thế đại nối truyền phát tích ở nơi này. Thực từ khai canh Nguyễn quý công ban đầu đến các đời nối tiếp thì gia phổ thư tịch đều mất hết, không thể xem xét đời trước trải đến đời sau không thể khảo được”2.

Sau thời gian khai khẩn lập làng, quy tụ dân cư xiêu dạt đến với Bồ Điền thì làng quê khởi sắc, đời sống ổn định, đình miếu được tạo lập. Để ghi nhớ công lao của người mở cõi, lập làng, “về sau ngài thủy tổ được chính quyền nhà Nguyễn cấp ban sắc phong thần, tôn phong làm khai khẩn của làng Bồ Điền. Khởi đầu từ ngài Cao tổ là ông Nguyễn Thế Lại, đến đời ông Nguyễn Đình Đế và Nguyễn Chánh Nghĩa biệt xuất làm hai phái. Về sau, nhánh của cụ Nguyễn Đình Chiểu tôn ông Nguyễn Đình Đế trở thành ngài Cao cao tổ.

Họ Nguyễn Đình từ đó kế thừa qua các đời, rồi phân thành các chi, nhánh khác nhau. Bản gia phả “Nguyễn Đình tộc Nhất phái Tam chi”, bắt đầu chép từ ngài đệ ngũ thế “Cao cao cao cao cao tổ khảo Cai tổng Trúc Sơn Nguyễn Đình Thảo”. Tương tự, trong bản gia phả “Nguyễn Đình tộc Nhất phái Đại phái” lần lượt chép từ đời thứ 5, nối từ đời ông Nguyễn Đình Thảo đến thứ 6 là ngài Nguyễn Đình Hiên, đạo hiệu Huyền Chơn, con trưởng ngài Thảo rồi truyền xuống đời ngài Nguyễn Đình Thung, Nguyễn Đình Vân, Nguyễn Đình Ánh”3.

Dòng họ của Nguyễn Đình Chiểu ở làng Bồ Điền vẫn có nhiều người đóng góp công sức cho triều đình và đất nước. Đặc biệt đến đời thứ 7, người con trai thứ hai là Nguyễn Đình Thung sinh hạ ba trai và hai gái, với người con trai thứ ba là Thận Cần hầu Nguyễn Đình Vân (ông cố của Nguyễn Đình Chiểu) từng làm ở Thọ Khương Thượng khố, Viên Định Nhị thuyền Đội trưởng thuộc Long Võ vệ. Ông có với bà vợ thứ ba người con trai là Nguyễn Đình Ánh (ông nội cụ Đồ Chiểu) và con gái Nguyễn Thị Hoãn. Ở thế hệ này, còn có ông Nguyễn Đình Trọng tham gia thủy binh ở Phú Nhất thuyền, là một đạo sĩ - Bích Giản Năng sư, đạo hiệu Huyền Thông, tước Toán Sơn bá. Trong đó, ngài Nguyễn Đình Ánh kết hôn với bà Phạm Thị Ngoan sinh hạ được 6 người con gồm Nguyễn Đình Vượng, Nguyễn Đình Cảnh, Nguyễn Đình Huy, Nguyễn Thị Diệu, Nguyễn Thị Dịu, Nguyễn Thị Ba.

Riêng ông Nguyễn Đình Huy, sinh ngày 29 tháng Chạp năm Nhâm Tý (9/2/1793), nguyên quán làng Bồ Điền, xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, lập gia thất với bà chánh thất Phan Thị Hữu người cùng làng, sinh được hai người con là Nguyễn Đình Lâu, Nguyễn Thị Phu. Khi vào Gia Định làm việc, ông Nguyễn Đình Huy lấy thêm bà thứ Trương Thị Thiệt, sinh được 7 người con gồm Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Đình Tựu, Nguyễn Đình Tự, Nguyễn Đình Huân, Nguyễn Thị Thục, Nguyễn Thị Nữ và Nguyễn Thị Thanh.

Về phần cụ Nguyễn Đình Huy, thân sinh của Nguyễn Đình Chiểu, tuy một cảnh hai quê trong mối quan hệ xa cách là Kinh đô Huế với Gia Định, nhưng ông vẫn làm tròn phận sự của người chồng, người cha đối với vợ con. Những năm cuối đời, ông vẫn giữ chức trưởng tộc họ Nguyễn Đình ở làng Bồ Điền. Vì vậy, việc tế tự ở từ đường dòng họ ông phải lo toan cho đến khi qua đời. Ông Nguyễn Đình Huy mất ở Bồ Điền (không rõ năm). Sự mất đi của người cha thì lúc đó Nguyễn Đình Chiểu cũng đã bị mù, xa xôi cách trở và vì mù mắt “nên không thể trở lại tổ hương để chịu tang cha, chưa một lần được thắp nén hương trên nấm mồ của người cha thân yêu. Nguyễn Đình Chiểu không biết được rằng trên dưới 150 năm nay, nơi an nghỉ của cha mình vẫn là nấm mồ đất”4.

Nguyễn Đình Chiểu, tự là Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ - sau khi mù đổi thành Hối Trai, sinh ngày 1/7/1822 (nhằm ngày 13/5 Nhâm Ngọ), tại làng Tân Thới, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định; nay là phường Cầu Kho, Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh. Trong cuộc đời của Nguyễn Đình Chiểu đã gặp không ít trắc trở, thế nhưng sau hai lần về sống và học tập ở quê cha Thừa Thiên Huế được 8 năm, Nguyễn Đình Chiểu đã thấm nhuần một phần văn hóa và truyền thống giáo dục của quê hương nguồn cội là kinh đô Huế. Chính nơi đây đã góp phần hình thành nên nhân cách một nhà thơ, một nhà văn hóa lớn của Việt Nam.

Năm 1820, vua Minh Mạng cử Tả quân Lê Văn Duyệt giữ chức Tổng trấn Gia Định, ông Nguyễn Đình Huy theo vào làm thư lại ở Văn hàn ty của Lê Văn Duyệt. Khi xảy ra sự kiện Lê Văn Khôi chiếm thành Phiên An, Nguyễn Đình Huy đã bỏ trốn ra Huế nên bị cách hết chức tước. Sau đó ông cải dạng lén trở vào Nam đưa Nguyễn Đình Chiểu ra Huế năm 1833. Mặc dầu còn nhỏ tuổi, nhưng Nguyễn Đình Chiểu cũng đã nhận thức sâu sắc được sự lo sợ của cha trước triều đình, sự lo toan vất vả của mẹ ở Gia Định. Vì thế, “Sự kiện hãi hùng này cùng với những điều tai nghe mắt thấy trong suốt 8 năm ông theo học ở Huế và chế độ quan trường hẳn đã gợi lên trong lòng ông những suy nghĩ đầu tiên về thời thế, công danh, về đạo lý làm người, nhất là về đất nước dân tộc”5.

Sau khi được cha đưa về Huế, Nguyễn Đình Chiểu được cha gởi cho một người bạn cũ là một vị Thái phó mà qua lời kể của Nguyễn Đình Chiêm, tên tuổi đến nay ta không được biết, chỉ biết rằng quan Thái phó là một bậc túc nho tài đức nổi tiếng ở kinh đô. Nguyễn Đình Chiểu ở đấy vừa lo việc điếu đãi, vừa học hành, khoảng tám năm. “Chắc chắn qua thời gian tám năm, với tuổi thanh niên, được mẹ hiền chăm sóc từ bé, được thầy tốt giảng dạy, khi ra Huế có thêm điều kiện thuận lợi hơn: thầy thì tài đức có tiếng tăm, sách vở nhiều, quan hệ với người lao động trong nhà, hàng xóm, với học sinh trường kế cận, do đó mà Nguyễn Đình Chiểu học tập ngày càng tiến bộ, hẳn đã có những kết quả vượt bực. Thế là tám năm học tập ở Huế, Nguyễn Đình Chiểu được bồi dưỡng thêm nhân nghĩa truyền thống Việt Nam, đồng thời phát hiện được mặt tích cực ở tác phẩm Tây minh phù hợp với truyền thống dân tộc”6. Nguyễn Đình Chiểu ở Huế 8 năm, chuyên tâm học hành cho đến năm 1840 thì trở lại Gia Định tiếp tục học tập và khoa thi năm Quý Mão (1843), Nguyễn Đình Chiểu đỗ tú tài.

Năm 1847, ông lại trở ra Huế lần thứ hai, đợi dự chính khoa kỳ thi hương năm Kỷ Dậu (1849). Nhưng chưa đến kỳ thi thì nhận được tin mẹ là bà Trương Thị Thiệt qua đời (10/12/1848), Nguyễn Đình Chiểu cùng em là Nguyễn Đình Tựu trở về Gia Định chịu tang mẹ. Dọc đường do quá thương mẹ, lại gặp thời tiết và bệnh mắt nên ông bị mù. Tuy nhiên, chính sự cố nặng nề này lại càng hun đúc, tôi luyện giúp ông trở thành một tác gia với nhiều tác phẩm nổi tiếng, ghi đậm dấu son trong lịch sử văn hóa Nam Bộ, toàn bộ tác phẩm của ông đều được xem là “có sự kết hợp thống nhất, hài hòa, như là thiên bẩm trời phú giữa nhà giáo đạo đức cao cả, với người thầy thuốc thương dân và nhà thơ yêu nước tha thiết, bộc trực, nhà văn hóa chăm lo giữ gìn phát huy bản sắc truyền thống đạo nghĩa dân tộc”7.

Sau khi mãn tang mẹ, Nguyễn Đình Chiểu mở trường dạy học, làm thuốc, và sáng tác thơ văn. Ông kết hôn với bà Lê Thị Điền, người làng Thanh Ba, huyện Phước Lộc, tỉnh Gia Định, sinh hạ Nguyễn Thị Hương, Nguyễn Đình Chúc, Nguyễn Thị Xuyến, Nguyễn Thị Khuê (Sương Nguyệt Anh), Nguyễn Đình Chiêm và Nguyễn Đình Ngưỡng và một người chết nhỏ trước Nguyễn Đình Chiêm8.

Có thể nói, những hình ảnh về đời thực mà Nguyễn Đình Chiểu cảm nhận được trước khi bị mù là gắn liền với Huế.

Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ được đào tạo trong các trường ốc của đạo Nho và Hán học, thông tỏ các sách vở kinh điển của Nho gia và am hiểu các quy tắc, luật lệ sáng tác thơ, phú, văn tế”9. Những sáng tác của ông không chỉ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn học của giới bình dân Nam Bộ mà còn lan tỏa ra đến tận kinh đô Huế. Những tác phẩm truyện thơ Lục Vân Tiên, Dương Từ - Hà Mậu, Ngư Tiều y thuật vấn đáp hoặc đến những bài văn tế đều lay động lòng người.

Chính vì thế mà ở kinh đô Huế, hoàng tử Tùng Thiện Vương Miên Thẩm và công chúa Mai Am đã thấu hiểu được tấm lòng của Nguyễn Đình Chiểu đối với nghĩa sĩ lâm trận vì dân vì nước10. Do đó, khi đọc văn tế của Nguyễn Đình Chiểu thì Tùng Thiện Vương Miên Thẩm đã làm bài thơ Độc Nguyễn Đình Chiểu nghĩa dân tử trận quốc ngữ văn (Đọc bài văn ông Nguyễn Đình Chiểu điếu nghĩa dân chết vì nước):

Nguyên văn:

Chiến trường hựu bả điếu văn khai
Lạp đạp biên thanh nhất nhất lai
Quốc ngữ danh tề Manh Tả sử
Quỉ hùng ca đáo Khuất Bình ai
Yết can trản mộc kham thiên cổ
Oán bạc đề viên tinh kỷ hồi
Chi cánh thư sinh không bút trận
Báo quân chi thử diệc bi tai!

Dịch thơ:

Lại đọc thơ ông điếu chiến trường,
Tin về dồn dập giặc biên cương,
Tiếng văn nôm giỏi tày Manh Tả
Khúc Quỷ hùng thương giống Khuất Bường,
Gươm gỗ, giáo sào gương dũng cảm,
Vượn kêu, hạc oán nỗi bi thương!
Thư sinh giết giặc bằng ngòi bút,
Báo nước ngần này cũng đáng thương
.

Đây là lời tỏ lòng khâm phục của mình đối với nhân dân Nam Bộ và đối với nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu sau khi Tùng Thiện Vương Miên Thẩm đọc bài Văn tế nghĩa sĩ trận vong lục tỉnh.

Công chúa Mai Am lại có bài thơ Độc điếu nghĩa dân tử trận văn (Đọc bài văn điếu nghĩa dân chết trận) như sau:

Nguyên văn:

Điếu văn tam phục trung đê hồi
Nghị phách từ phong tẫn khả ai
Xích tử cần vương năng địch khái
Thư sinh dung võ tích phi tài
Yên mê chiến lũy Tây nhung mãn
Nguyệt lãnh sa trường hạch cốt đôi
Quốc ngữ nhất thiên truyền bất hủ
Tuyệt thăng Quảng-hán yêm khô hài.

Dịch thơ:

Bồi hồi đọc mãi bản văn ai,
Phách cứng văn hùng cảm động thay!
Dân chúng cần vương vì ghét địch,
Nhà nho lâm trận tiếc không tài,
Giặc đầy chiến lũy tầng mây phủ,
Xương chất sa trường bóng nguyệt soi!
Quốc ngữ một thiên truyền mãi mãi,
Còn hơn xây mộ cất khô hài
.

Bài Văn tế nghĩa sĩ trận vong lục tỉnh của Nguyễn Đình Chiểu đã được chép gửi đi các nơi. Mai Am nữ sĩ (tức là Lại Đức công chúa - em ruột của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm) đang lúc ở Huế, có dịp được đọc bài văn tế đó, bà rất xúc động làm bài thơ này, để tỏ lòng khâm phục của mình đối với tác giả bài văn tế. Qua bài thơ của Mai Am, chúng ta cũng thấy được tình cảm của nữ sĩ đối với nhân dân Nam Bộ, cụ thể là đối với các chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược.

Trong truyện thơ Lục Vân Tiên, nhiều tên đất, tên làng có bóng dáng những nơi ông đã đi qua và sinh sống. Hình ảnh kinh đô được nhắc đến trong truyện thơ có thể cảm nhận là Huế đã đọng lại dấu ấn trong ông. Địa danh Hà Khê, được nhắc đến là nơi cha của nàng Kiều Nguyệt Nga làm tri phủ trong câu thơ:

“Thôi thôi em hỡi Kim Liên
Đẩy xe cho chị qua miền Hà Khê”

Địa danh Hà Khê khiến người đọc gợi nhớ tới vùng đồi Hà Khê, nơi có chùa Thiên Mụ. Hà Khê vốn là tên làng cổ ở huyện Kim Trà, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa vào thế kỷ XVI. Trên đất cũ của làng Hà Khê về sau thành lập làng Kim Long và làng Xuân Hòa (nay thuộc phường Kim Long và phường Hương Long, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế). Cũng chính từ địa danh Hà Khê và tích truyện Lục Vân Tiên mà người Huế có câu hò ru em rằng:

Kim Liên ơi hỡi Kim Liên
Đẩy xe cho chị qua miền Hà Khê
Hà Khê nước chảy bốn bề
Chim kêu vượn hú biết về nơi mô.

Có thể nói, Lục Vân Tiên là một truyện thơ hay viết theo lối kể chuyện, văn chương gần gũi với cuộc sống đời thường, được chuyển thể sang các lĩnh vực sáng tác khác như sân khấu, cải lương, kịch nói. Tác phẩm Lục Vân Tiên đã được lưu truyền rộng khắp vùng đất Nam Bộ cho đến kinh đô Huế. Vì thế trong văn học dân gian xứ Huế, ít nhiều cũng có sự xuất hiện các tích truyện Lục Vân Tiên, đưa thơ Vân Tiên vào trong hò bài chòi có câu:

Đặt bàn hương án cầu nguyền
Họa ra bức tượng Vân Tiên để thờ
”.
                  (Con tứ tượng)

Nếu như ở miền Nam khi muốn đọc truyện thơ Lục Vân Tiên thì người ta thường mở đầu có câu ca dao gợi mở:

“Vân Tiên, Vân Tiển, Vân Tiền
Cho tôi một tiền, tôi nói Vân Tiên”.

Còn đối với người dân xứ Huế, hình tượng Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga là tấm gương soi sáng cho tình cảm vợ chồng thủy chung son sắt dẫu cho có đến chết vẫn không rời. Đó là những câu ca dao như sau11:

“Lan tàn huệ thế đặng không
Hay là thủ tiết thờ chồng nuôi con?
- Em đây là Nguyệt Nga chứ không phải Thể Loan
Hồn có về chín suối, vai cũng mang tượng chồng”.

Hoặc:

“Đôi ta như Nguyệt Nga ngày trước
Đã trao lời nguyền ước với Vân Tiên
Dù khi qua cống Tây Phiên
Vai mang bức tượng, giữ lời nguyền không phai”.

Và rồi:

“Nguyệt Nga xa Vân Tiên, vai mang bức tượng, ôm lòng thủ tiết
Thúy Kiều xa Kim Trọng lưu lạc mười lăm năm
Huống chi anh với em mới hết mối tơ tằm
Dù ngày sau thầy từ mẹ ghét, thiếp vẫn chí lăm thương chàng”.

Vùng đất và con người Huế nơi quê nội vẫn đau đáu trong tâm hồn Nguyễn Đình Chiểu. Việc chính sự của triều đình với thực dân Pháp vẫn được ông dõi theo bởi mười năm sau khi Nguyễn Đình Chiểu bị mù, thực dân Pháp xâm lược nước ta, thông tin về quê cha cũng đồng thời là Kinh đô đất nước với nhiều biến động vẫn là mối quan tâm của ông. “Nguyễn Đình Chiểu phê phán vua Tự Đức nhưng rất tin tưởng vua Hàm Nghi - một ông vua trực tiếp chống Pháp. Năm 1888, khi nghe tin vua Hàm Nghi bị Pháp bắt, ông đau buồn vô hạn, lại vốn đã mang bệnh trong vài năm qua, cơ thể thêm hao mòn, ông trút hơi thở cuối cùng ngày 3/7/1888”12.

Sau này, nối chí theo cha, trong số 7 người con của Nguyễn Đình Chiểu có bà Nguyễn Thị Khuê, tự Nguyệt Anh, hay chữ, hay thơ, chủ bút tờ báo Nữ giới chung, là tờ báo đàn bà trước tiên trên đất Việt. Bà sớm góa chồng, sương cư thủ tiết, bút tự Sương Nguyệt Anh.

Ông Nguyễn Đình Chiêm, tự Trọng Vĩnh, cũng hay chữ, hay thơ, có đặt những tuồng hát bội có tiếng là Nê Mã Độ Khương Vương, Phấn Trang Lầu và Nam Tống Tinh Trung13.

Tóm lại, việc hình thành nhân cách của Nguyễn Đình Chiểu được bắt đầu từ mạch nguồn văn hóa xứ Huế, bởi người cha từ Huế vào vùng đất mới kết thêm lương duyên với người con gái Gia Định - mẹ của Nguyễn Đình Chiểu. Và điều này thực sự đúng với nhận định của cố Giáo sư Nguyễn Thạch Giang rằng: “Nguyễn Đình Chiểu từ bé đến lớn đã được giáo dục chu đáo, và bản thân ông cũng không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện để tự tạo cho mình một khả năng kiến thức đủ để hoàn thành sự nghiệp.

Người mẹ của Nguyễn Đình Chiểu là người có công đức cao dày nhất, người đầu tiên đã gieo rắc vào tâm trí non trẻ của ông những ấn tượng sâu sắc về khí tiết, cốt cách con người Việt Nam sinh ra trên đất Sài Gòn - Gia Định. Cha của ông, tuy bận công việc thơ lại hằng ngày, ít gần gũi con, nhưng vẫn chú ý giáo dục con trong gia đình. Ông vốn có kiến thức, học vấn nên thường chăm sóc việc học của con là khi Nguyễn Đình Chiểu bắt đầu học vỡ lòng”14.

Ngày nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã có một hệ thống các di tích lịch sử, văn hóa, giáo dục liên quan đến gia thế và nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu hiện đang được bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích và được lồng ghép với việc giáo dục hoạt động trải nghiệm cho học sinh một cách tích cực như Từ đường Nguyễn Đình; mộ phần của cụ Nguyễn Đình Huy thân sinh của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Một tin vui là Quỹ văn hóa Huế do Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế và Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế - Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế cùng gia tộc và quê hương xây dựng lại lăng mộ cụ Nguyễn Đình Huy, phần nào cũng làm ấm lòng hương hồn Nguyễn Đình Chiểu ở nơi xứ dừa Bến Tre và Nam Bộ.

T.N.K.P
(TCSH46SDB/09-2022)

-----------------------------------
1 Dương Phước Thu (Chủ biên), Ban chấp hành Đảng bộ xã Phong An: Lịch sử Đảng bộ xã Phong An (1930 - 2020). Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2022, trang 17.
2 Trần Đình Hằng: Thăm cố hương Văn hàn ty Nguyễn Đình Huy. Báo Thừa Thiên Huế, số ra ngày 8/5/2022. Trang web: https://baothuathienhue.vn/tham-co-huong-van-han-ty-nguyen-dinh-huy-a112686.html.
3 Nguyễn Đức Lộc, Đỗ Minh Điền: Nhận diện và bảo tồn, phát huy di tích liên quan đến danh nhân Nguyễn Đình Chiểu trên địa bàn Thừa Thiên Huế. Tập san Văn hóa Huế, số 45/2022, trang 43.
4 Nguyễn Thế: Tổ hương và ngôi mộ thân sinh Nguyễn Đình Chiểu ở Thừa Thiên Huế. Báo Thừa Thiên Huế, số ra ngày 22/1/2022. Trang web: https://baothuathienhue.vn/to-huong-va-ngoi-mo-than-sinh-nguyen-dinh-chieu-o-thua-thien-hue-a109183.html.
5 Nguyễn Ngọc Thiện (Tuyển chọn và giới thiệu): Nguyễn Đình Chiểu - Về tác giả và tác phẩm. Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2003, trang 34.
6 Nguyễn Ngọc Thiện, Sđd, trang 49, 50.
7  Nguyễn Ngọc Thiện, Sđd, trang 12.
8  Nguyễn Ngọc Thiện, Sđd, trang 29.
9  Nguyễn Ngọc Thiện, Sđd, trang 13.
10 Bảo Định Giang (biên soạn), Ca Văn Thỉnh (giới thiệu): Thơ văn yêu nước Nam Bộ nửa sau thế kỷ XIX. Nxb. Văn học, Hà Nội, 1977, trang 279, 280, 281, 282.
11 Triều Nguyên: Ca dao Thừa Thiên Huế. Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế xuất bản, Huế, 2005, trang 295, 479, 572.
12  Nguyễn Ngọc Thiện, Sđd, trang 39.
13  Nguyễn Ngọc Thiện, Sđd, trang 29.
14 Nguyễn Ngọc Thiện, Sđd, trang 47, 48.

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Lá Tương Tư (13/10/2022)
Andrée Chedid (07/10/2022)