HOÀNG VIỆT TRUNG - LÊ MAI PHƯƠNG
1. Thực trạng Tuồng nói chung và Tuồng cung đình Huế nói riêng
Tuồng là một loại hình sân khấu độc đáo và là bộ môn nghệ thuật cổ điển, bác học bậc nhất Việt Nam. Xuất hiện khá sớm, từ thế kỷ XVIII, Tuồng từng bước phát triển mạnh, trở thành một bộ môn nghệ thuật hoàn thiện, thậm chí được xem là “quốc kịch” dưới thời vua Tự Đức, Thành Thái… Sau khi chế độ quân chủ triều Nguyễn cáo chung, do mất đi môi trường diễn xướng, nghệ thuật Tuồng Huế hòa nhập vào dân gian rồi phôi pha, mai một dần theo ký ức của nghệ nhân.
Hiện nay, tương tự như số phận của nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác, nghệ thuật Tuồng đang bị lớp trẻ xa rời, nguyên nhân khách quan là do không thể thắng thế các loại hình nghệ thuật cũng như trào lưu văn hóa mới. Tuy nhiên, không thể không thừa nhận thực tế là chúng ta vẫn chưa phổ cập rộng rãi về loại hình nghệ thuật này đến giới trẻ. Những nỗ lực để giới thiệu nghệ thuật Tuồng ở học đường, phục hồi và dàn dựng một số trích đoạn Tuồng cổ, tổ chức hội thảo quốc gia về bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật sân khấu Tuồng vẫn chưa đạt được kết quả khả quan.
Thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân cơ bản khiến việc bảo tồn nghệ thuật Tuồng ngày một khó khăn là sự thiếu hụt kinh phí dàn dựng (đây là lí do khiến cho các vở diễn thường bị chắp vá). Bên cạnh đó, do đặc thù ngôn ngữ nghệ thuật (sáng tác theo lối văn biền ngẫu, sử dụng đa dạng các thể thơ và làn điệu) nên hoạt động sáng tác kịch bản Tuồng thường yêu cầu khá cao. Ở một phương diện khác, do không được đảm bảo về chế độ, hình thức đãi ngộ nên nhiều nghệ sĩ, diễn viên Tuồng dù yêu nghề vẫn phải ngậm ngùi dứt nghiệp để lo cuộc sống mưu sinh, trong khi đó, đội ngũ nghệ sĩ trẻ lại chưa đáp ứng trình độ để diễn những vở Tuồng khó.
Trong bối cảnh các hoạt động nghệ thuật của sân khấu kịch hát dân tộc nói chung và nghệ thuật sân khấu Tuồng nói riêng gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu vắng khán giả, ngày càng lún sâu vào bế tắc, việc nhanh chóng tìm ra hướng bảo tồn và phát huy những giá trị của nghệ thuật Tuồng là điều sống còn. Sự chậm trễ và thái độ thờ ơ chắc chắn sẽ dẫn đến hệ lụy lâu dài là Tuồng và các yếu tố cấu thành nó như: Âm nhạc, Đạo cụ, Hát, Mặt nạ, Phục trang, Từ ngữ, Vũ đạo cũng bị “mất đất” thể hiện, dần thất thoát và biến tướng. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu về nghệ thuật tuồng Huế, như thế, có thể được xem là sự đáp ứng thiết thực nhu cầu bức thiết của thực tế, góp phần bảo tồn tinh hoa của một loại hình nghệ thuật dân tộc truyền thống đã in đậm dấu ấn trong đời sống tinh thần - thẩm mỹ của các thế hệ người Việt Nam suốt hàng trăm năm qua.
2. Chương trình xây dựng cơ sở dữ liệu về nghệ thuật tuồng Huế
2.1. Khái niệm
Cơ sở dữ liệu (CSDL) về nghệ thuật Tuồng Huế là dữ liệu về Tuồng Huế được số hóa, lưu trữ, tổ chức quản lý và khai thác bằng phần mềm máy tính. CSDL Tuồng Huế gồm các trường thông tin: âm nhạc Tuồng; đạo cụ Tuồng; hát Tuồng; kịch bản Tuồng; từ ngữ Tuồng; trang phục Tuồng; vũ đạo Tuồng.
2.2. Mục tiêu, ý nghĩa
- Bảo tồn, quản lý tránh làm biến tướng dẫn đến tam sao thất bản, cứu nguy tức thời sự mai một về bộ môn nghệ thuật bác học đặc trưng của dân tộc Việt Nam.
- Định hướng cho diễn viên, nhạc công trình diễn loại hình nghệ thuật này hiểu được giá trị chuẩn mực của từng yếu tố đặc trưng, từ nghệ thuật hóa trang, trang phục, trang trí sân khấu, cho đến đạo cụ, âm nhạc.
- Là hệ thống tài nguyên hữu ích cho những người quan tâm đến công việc khai thác và sử dụng tư liệu về nghệ thuật Tuồng Huế trong hoạt động đào tạo hoặc nghiên cứu của mình, cũng như cho những người quan tâm đến di sản văn hóa phi vật thể nói chung.
- Góp phần nâng cao hiệu quả và hiệu quả công tác quản lý, điều hành về hệ thống cơ sở dữ liệu Tuồng; thực hiện có hiệu quả chương trình cải cách hành chính nhà nước; công khai minh bạch hóa thông tin; tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn về ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT) trong cơ quan nhà nước.
Mô tả các trường hợp sử dụng |
2.3. Quy trình thực hiện
Tiến hành khảo sát thông tin cụ thể trên từng yếu tố: Âm nhạc Tuồng; Đạo cụ Tuồng; Hát Tuồng; Kịch bản Tuồng; Từ ngữ Tuồng; Trang phục Tuồng; Vũ đạo Tuồng và theo các nhóm đối tượng chuyên biệt:
Nhóm 1: Nhóm nghệ sỹ.
Nhóm 2: Cơ quan, ban, ngành (có liên quan đến nghệ thuật Tuồng).
Nhóm 3: Trường học (Giảng dạy về nghệ thuật).
Nhóm 4: Người dân (Chọn lựa ngẫu nhiên).
Các yếu tố nghệ thuật trong Tuồng được thiết kế thành từng phiếu riêng biệt nhằm cụ thể hóa và tiếp cận đến đối tượng am hiểu, có chuyên môn trong từng lĩnh vực, tránh sự qua loa, hời hợt và bỏ sót thông tin.
2.4. Cách thức khai thác thông tin
* Đối với Khách:
Mục Tìm kiếm: Có thể tìm kiếm theo loại hình Vũ đạo Tuồng; Mặt nạ Tuồng; Phục trang Tuồng; Đạo cụ sân khấu; Hát Tuồng; các video clip trích đoạn Tuồng mẫu; các kịch bản Tuồng; các thông tin về âm nhạc Tuồng.
Mục Thống kê: Có thể xem số liệu thống kê tổng hợp toàn bộ các loại hình dữ liệu liên quan.
Mục Xem: Có thể xem âm nhạc Tuồng, đạo cụ sân khấu Tuồng, hát Tuồng, kịch bản Tuồng, mặt nạ Tuồng, phục trang Tuồng, trích đoạn Tuồng mẫu và vũ đạo Tuồng.
Mục Tra cứu từ ngữ về nghệ thuật Tuồng: Có thể dùng, có thể xem danh mục từ ngữ và chi tiết giải nghĩa từ ngữ.
* Đối với biên tập viên:
Mục Quản trị: Có thể tìm kiếm thông tin, thêm mới hạng mục, chỉnh sửa hạng mục, xóa bỏ, xuất danh sách âm nhạc Tuồng, đạo cụ sân khấu Tuồng, hát Tuồng, kịch bản Tuồng, mặt nạ Tuồng, phục trang Tuồng, trích đoạn Tuồng mẫu, vũ đạo Tuồng ra file.
2.5. Một số nhận xét qua điều tra, thu thập
+ Đạo cụ sân khấu Tuồng: là phương tiện hỗ trợ cho diễn viên thực hiện các vai diễn của mình trên sân khấu. Về hình thức cơ bản không khác nhiều so với các vật dụng ngoài đời, tuy nhiên có sự tỉa tót, trang trí để tăng thêm phần thu hút, tạo hiệu ứng cao dưới ánh đèn sân khấu. Có một số đạo cụ không thể hiện thực hóa để đưa lên sân khấu mà phải cách điệu ước lệ như: chiếc roi ngựa dùng để thể hiện hành động đi ngựa của nhân vật. Các loại vũ khí được thay thế bằng những vật liệu gỗ hay thép nhẹ để dễ dàng sử dụng khi kết hợp với vũ đạo và tránh phần sát thương.
+ Hát Tuồng: chủ yếu là hai hình thức hát đơn và hát đôi. Hình thức hát tập thể chỉ xuất hiện ở một số bài bản trong hệ thống các bài Nồi niêu (hay còn gọi là bài bản). Các hình thức cơ bản của Hát Tuồng: Nói lối, Hát Nam, Hát Khách (Hát Bắc), Hát Tẩu mã, các điệu không nhịp và một số bài bản. Tuy nhiên, mỗi lối hát lại được phân nhỏ thành nhiều kiểu hát khác nhau.
+ Kịch bản Tuồng: chủ yếu chỉ khai thác được tên gọi và khái lược về một số nội dung, nhân vật cụ thể trong các trích đoạn tiêu biểu, hầu như không thu thập được kịch bản trọn vẹn.
Cấu trúc mỗi kịch bản thông thường được chia làm ba hồi:
- Hồi I, nói chung là giao đãi hoàn cảnh và nhân vật chính, nêu ra mâu thuẫn cơ bản của vở kịch.
- Hồi II, xung đột nổ ra quyết liệt, phe đối lập đánh đổ phe chính diện và tạm thời chiếm ưu thế; tình huống kịch ở hồi này rất phức tạp và rắc rối.
- Hồi III, xung đột nổi lên cao trào, đấu tranh giữa hai phe đi đến quyết liệt cao độ rồi giải quyết cuối cùng bằng sự chiến thắng của phe chính nghĩa.
Cũng có vở gồm bốn hồi. Tuy nhiên hiện nay, việc biểu diễn nguyên vở Tuồng đã không còn. Các Nhà hát chỉ dàn dựng thành các Hồi, thậm chí Lớp nhỏ để tham dự các Hội thi và biểu diễn quảng bá.
+ Âm nhạc Tuồng: đóng một vai trò rất quan trọng trong nghệ thuật sân khấu Tuồng, nó xuất hiện từ lúc “khai trương” mở màn cho đến khi “định đô” kết thúc một đêm diễn. Các bài bản nhạc Tuồng đều sử dụng phương thức hòa tấu, hiếm có trường hợp độc tấu.
Người ta phân biệt âm nhạc không lời (gồm các câu nhạc, đoạn nhạc do dàn nhạc dùng nhạc khí để tấu lên) và âm nhạc có lời (loại nhạc đệm cho diễn viên hát, nói bao gồm Làn điệu và Bài bản).
+ Phục trang Tuồng: chủ yếu dựa theo kiểu trang phục của xã hội thời phong kiến nhưng đều đã được cách điệu, chỉnh sửa để tăng thêm phần thẩm mỹ và nổi bật dưới ánh đèn sân khấu. Mỗi bộ trang phục sân khấu gắn liền với rất nhiều chi tiết đi kèm: quần, áo, mũ mão, râu ria, hia hài và một hệ thống mặt nạ cho từng loại vai diễn, do đó việc sử dụng trang phục Tuồng là cả một nghệ thuật cần có sự am hiểu và tinh tế cao. Bên cạnh đó còn có những quy định chung về trang phục như chức phẩm, công việc, vùng miền, tính tình hay độ tuổi...
+ Từ ngữ Tuồng: thể hiện những sắc thái văn hóa đặc trưng của xứ Huế, con người Huế, là những kỵ húy, quy tắc mang đậm bản sắc của vùng đất đế đô, là thổ ngữ đã ăn sâu vào con người Huế.
+ Vũ đạo Tuồng (Múa Tuồng): được hình thành từ sự chắt lọc những động tác trong sinh hoạt, lao động hàng ngày kết hợp với tinh hoa của các hình thái múa dân gian, múa tín ngưỡng, tôn giáo, trong tế lễ, hội hè, trong múa cung đình và trong võ thuật dân tộc.
Vũ đạo Tuồng là ngôn ngữ độc đáo, có khả năng bổ trợ, làm rõ nội dung lời hát, giúp khán giả vừa nghe vừa nhìn và tự mình có thể khái quát, cảm nhận vẻ đẹp tổng thể của vở diễn.
3. Kết luận
UNESCO đã khẳng định: “Không có văn hóa nếu không có người dân và cộng đồng”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, từ lâu đã tồn tại một lỗ hổng lớn trong việc giáo dục, tuyên truyền kiến thức Tuồng Huế. Chính vì vậy, dù là chủ thể của di sản văn hóa nhưng phần lớn người dân chưa hiểu một cách thấu đáo về “tài sản” của mình, càng chưa ý thức được rằng di sản văn hóa phi vật thể trong đó có Tuồng Huế là tài sản quý giá của dân tộc không thể tái sinh, không thể thay thế nhưng rất dễ bị mai một và biến dạng vì nhiều yếu tố khác nhau, thậm chí có thể bị phá hỏng. Vì vậy, việc huy động sức mạnh tổng thể của thiết bị, máy móc hiện đại cũng như sự đa dạng hóa thành phần tham gia, phạm vi rộng và toàn diện trên địa bàn cả nước để hình thành được một cơ sở dữ liệu hoàn thiện là cần thiết. Việc sớm hoàn thiện một hệ thống phần mềm và cơ sở dữ liệu trên nền tảng công nghệ mới, giao diện thân thiện với người sử dụng, bố cục hiện đại, cung cấp đầy đủ thông tin chính là phương thức ngăn ngừa các hành vi xâm phạm và làm biến tướng các giá trị di sản của nghệ thuật Tuồng Huế, định hướng cho diễn viên, nhạc công, đồng thời xác lập những “định chuẩn” đối với những hạng mục nghệ thuật Tuồng Huế để tạo cơ sở cho công tác nghiên cứu và lập hồ sơ cho các hạng mục về sau, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về các loại hình văn hóa truyền thống, trong đó có nghệ thuật Tuồng Huế, đặc biệt trong điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và sự bùng nổ của thông tin và truyền thông.
H.V.T - L.M.P
(TCSH46SDB/09-2022)
-------------------------
(*) Đây là kết quả của dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh được ngân sách nhà nước tỉnh Thừa Thiên Huế đầu tư.