PHẠM XUÂN DŨNG
(Đọc tập ký sự - phỏng vấn “Đi và viết” của Nguyễn Linh Giang, Nxb. Thanh Niên, 2022).
Nhà báo, luật gia Nguyễn Linh Giang quê Quảng Trị, cựu học sinh chuyên văn xứ Huế, cử nhân Văn khoa, Đại học Tổng hợp Hà Nội, từng là phóng viên cứng cựa của nhiều tờ báo trung ương và hiện là biên tập viên Nxb. Thanh Niên, chi nhánh phía Nam.
Tập sách của anh hầu hết tập hợp các bài viết, phỏng vấn trong cuộc đời ký giả của Nguyễn Linh Giang, bày tỏ nỗi đam mê xê dịch, được đi và viết, trải nghiệm và khám phá; một tác phẩm hài hòa giữa chất thông tấn và văn chương, thể hiện khá rõ tâm lực và bút lực của nhà báo Nguyễn Linh Giang, đặc biệt nổi trội ở mảng ký sự nhân vật và phỏng vấn nhân vật.
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi muốn dừng lại ở những câu chuyện và nhân vật văn nghệ thú vị mà tập sách mô tả.
Nhiều người đọc sẽ gặp nhà giáo, nghệ sĩ Võ Thị Quỳnh của đất Thần kinh, người đã thực hiện ý tưởng ép hoa thành tranh làm thăng hoa đời sống cây cỏ như người viết nhận xét: “Xem tranh của Võ Thị Quỳnh, thật ngạc nhiên, hoa- lá-cây đã hóa tranh thành những bức tranh huyền ảo, những nốt nhạc thiên nhiên ngân vang. Từ những bức tranh vời vợi ký ức như: Quê nhà, Hội làng... đến những bức tranh thấm đẫm chiều sâu suy tưởng: Ngôi nhà cổ tích, Dạ vũ, Cung đàn không dành cho Từ Hải...” (Người làm “thăng hoa” đời sống cỏ cây). Tranh của nghệ sĩ Võ Thị Quỳnh đã từng lọt vào “mắt xanh” của Trung tâm Công nghệ Thông tin du lịch Huế và đơn vị này đã mời tác giả đem tranh sang Pháp triển lãm, đáng tiếc là cô giáo thời kỳ ấy bận dạy nên không thể tham dự.
Hay như nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh, một người đại thọ sống đến 102 tuổi, đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu năm 1996 vì những cống hiến vô giá của ông. Chỉ riêng bộ ảnh của ông về nạn đói năm Ất Dậu (1945) đã là di sản nhiếp ảnh có một không hai. Một nghệ sĩ kỳ cựu trứ danh như thế thì đã có quá nhiều người viết về ông. Đến lượt mình, tác giả nhấn mạnh hai điều của nhà nhiếp ảnh tên tuổi: đó là một người rất chịu khó đi, rất mê đi, cái đi khám phá và sáng tạo của một nghệ sĩ đích thực. Chẳng hạn như với Sa Pa, không nhớ ông đã lên đó bao nhiêu lần, ông đã lên đó từ hồi thanh niên năm 1933 mà đến hơn 60 năm khi đã U.90, nhà nghệ sĩ vẫn lên tàu hỏa về lại chốn xưa; hay từ khi vào nghề cho đến cuối đời chỉ dùng một chiếc máy ảnh hiệu Zeiss Ikon của Đức sản xuất từ năm 1928. Với chiếc “máy ảnh cổ lỗ sĩ” như vậy nhưng cụ vẫn thành danh ở một đẳng cấp quốc tế, một nhân chứng lịch sử quan trọng, “nói có sách, mách có ảnh”. Vui chuyện, nghệ sĩ kể lại một kỷ niệm thật khó quên năm 1945 khi cách mạng mới thành công: “...Anh em đồng ý cho tôi chụp. Tôi đến bên xe, lễ phép với Bác: “Xin cụ bỏ mũ xuống cho con chụp ảnh”. Tôi còn nhớ rõ lúc đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang còn ngồi bên cạnh Bác. Bác vui vẻ bỏ mũ xuống, để đầu trần. Tôi chụp được một kiểu Bác Hồ ngồi trong xe ô tô, có tướng Giáp ngồi bên cạnh.” (Một thế kỷ cầm máy).
Một điểm nhấn đặc sắc của tập sách là tập hợp một số bài đã đăng tải trên các báo phỏng vấn các văn nghệ sĩ thành danh có tên chung là “Những cuộc chuyện trò xuyên thế kỷ”, với những tên tuổi: Phạm Thiên Thư, Nguyễn Duy, Trần Kim Trắc, Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, Trịnh Công Sơn. Từ những tâm tình của họ qua việc trả lời phỏng vấn đã hé lộ nhiều điều thú vị mà không phải ai cũng biết.
Một Phạm Thiên Thư, thi sĩ lừng lẫy với những vần thơ trác tuyệt bay bổng được nhạc sĩ chắp cánh trong các ca khúc của mình như “Ngày xưa Hoàng Thị”, “Đưa em tìm động hoa vàng”. “... Tuy nhiên đời thơ của Phạm Thiên Thư còn có hàng chục tác phẩm khác, là những viên ngọc lung linh, kỳ lạ; ông đã từng được trao 2 Kỷ lục Việt Nam về thơ và còn nhiều kỷ lục thơ khác chưa được ghi nhận. Một chiều cuối năm Canh Dần, trong tiết trời se lạnh hiếm hoi ở đất Sài Gòn, chúng tôi tìm đến quán cà phê Hoa Vàng để gặp nhà thơ Phạm Thiên Thư. Trước cổng cà phê Hoa Vàng (tên quán đặt theo tên một bài thơ của Phạm Thiên Thư), mặc cho dòng đời xuôi ngược, ồn ã, một ông già trên 70 tuổi như ngồi thiền, trầm tư nhả những vần thơ minh triết.” (Phạm Thiên Thư - Ngày xưa Hoàng Thị). Nguyên mẫu của bài thơ “Ngày xưa Hoàng Thị” tên Ngọ vẫn còn sống tuy đã cao niên, thế nhưng sức lan tỏa của thi ca nhiều khi không thể nào nói hết và chẳng thể nào đoán biết nổi. “...Tuy nhiên, có những chi tiết thú vị vô cùng! Sau này, có hơn 10 cô gái, có người tìm đến gặp nhà thơ và tự nhận mình là cô Ngọ. Chỉ mới cách đây vài tháng, có một cô mới 30 tuổi, đến gặp Phạm Thiên Thư và tự nhận mình là... cô Ngọ (!). Khi kể chuyện này, tôi thấy nhà thơ Phạm Thiên Thư nheo mắt cười ý vị.”
Hay chuyện làm lịch thơ là sáng tạo của nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Duy, một thú chơi tao nhã và còn tính tâm linh. Thế nhưng khi trò chuyện thì thật bất ngờ mới hay rằng, phát kiến này ra đời do nhà thơ lúc ấy phải nghĩ cách... trả nợ làm nhà. Dù xuất xứ trong cảnh ngộ éo le như thế nhưng nó vẫn thành công và được đời sống trân trọng và thu nhận như một sản phẩm văn hóa tinh thần. Chính nhà thơ Nguyễn Duy khi trả lời câu hỏi về “ngôn ngữ” riêng của lịch thơ là gì? “- Làm lịch thơ phải có sự hòa nhập giữa tâm linh và kỹ thuật. Lịch thơ không phải là hàng hóa thuần túy mà còn là tác phẩm nghệ thuật. Lịch thơ có tính chất triết luận ở trong đó”. (Nhà thơ Nguyễn Duy với những “cuộc chơi” văn hóa).
Nhà văn đương đại dẫn đầu về truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, khi ấy mới nổi tiếng, vốn là một nhà giáo dạy môn lịch sử, đề cập về vai trò của nó đối với văn chương, đã khẳng định một nội dung vẫn đang là vấn đề thời sự hiện nay. “Khoa học lịch sử hết sức quan trọng với nhà văn nói riêng và mọi người nói chung. Bao giờ học cái gì đấy, tôi cũng cố gắng biết cái lịch sử của nó, nó giúp cho tôi suy nghĩ hệ thống và toàn diện. Khoa học lịch sử dạy người ta khái quát”. Cũng liên quan đến nhân vật lịch sử và nhân vật văn học, trong đó có các thần tượng, nhà văn nói rõ hơn quan niệm của mình cũng rất lý thú: “Thời nào, người nào cũng có thần tượng. Các thần tượng luôn thay đổi theo sự trưởng thành của tư duy thời đó, người đó. Nhân vật lịch sử là nhân vật lịch sử. Song, tất cả những người có tên tuổi đều phải dè chừng họ. Họ phải thế nào mới có tên tuổi chứ, mới được ghi nhận chứ? Biết bao nhiêu người sinh ra chết đi và vô danh... Tôi tôn trọng và khâm phục tất cả các nhân vật có tên tuổi trong lịch sử cũng như trong hiện tại. Song, không phải vì thế mà tôi không tôn trọng và khâm phục những kẻ vô danh. Đã là con người phải tôn trọng con người”. (Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp - Nghề văn là một nghề gian khó).
Cuộc phỏng vấn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vào năm 2000 trước khi ông rời cõi tạm ít lâu cũng có thêm những lý giải lý thú. Ví như nói về chất Huế trong ca khúc của ông dù không nói đến địa danh nào mà vẫn gợi ra quê hương Cố đô này, nhạc sĩ bảo rằng: “Tất cả những bài hát tôi viết đều mang mang một khí hậu Huế. Có Huế trong tôi và có tôi trong Huế. Vì vậy, mặc dù không cố tình nhưng không bao giờ tôi nhắc đến chữ Huế trong các ca khúc của tôi.
Càng về sau này những giai điệu của tôi càng có khuynh hướng mang màu sắc dân ca. Đó cũng là điều tự nhiên khi tâm hồn của một người đã gắn liền với những buồn vui của dân tộc mình”.
Còn khi được hỏi nhạc sĩ qua ca khúc có vẻ như đắc đạo thì Trịnh Công Sơn lại không đồng tình. Ông như giải bày gan ruột: “Đừng nói đến sự đắc đạo. Tôi không phải là một nhà tu. Nếu cần ví von thì tôi chỉ là một hành giả đi qua cuộc đời này và chiêm nghiệm về sự vô thường. Mỗi ngày tôi đều có những giây phút yên tĩnh để suy tưởng và có lẽ vì thế trong một số ca khúc của tôi bàng bạc một chút thiền.” (Trịnh Công Sơn và cuộc trò chuyện cuối cùng thiên niên kỷ).
Tác giả là người luôn khát khao tìm kiếm và khám phá những điều mới lạ, thú vị của cuộc đời nói chung và thế giới văn nghệ nói riêng rồi chiêm nghiệm trong từng con chữ. Duyên bút mực và lao động chữ nghĩa đã đem lại những tác phẩm báo chí giá trị mang đậm dấu ấn riêng của ký giả Nguyễn Linh Giang.
P.X.D
(TCSH46SDB/09-2022)