Tạp chí Sông Hương - Số 403 (T.09-22)
Ngày mới ở Sê Kông
15:28 | 21/10/2022

LÊ HÀ
    Bút ký dự thi

Ka Lô, Sê Sáp là những bản miền núi thuộc huyện Kà Lùm, tỉnh Sê Kông của nước bạn Lào, tiếp giáp với hai xã biên giới huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ngày mới ở Sê Kông
Ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế (đứng), Đại tá Nguyễn Xuân Hoa - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh (ngồi phía trước bên trái) thăm và tặng quà tại các bản Lào

Nhiều năm qua, nhờ sự giúp đỡ, sẻ chia của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) và Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, cuộc sống của người dân phía bên kia dãy Trường Sơn đã dần dần khởi sắc. Những ruộng lúa, nương ngô xanh mướt, cây ăn quả trĩu cành, trẻ con líu lo đến lớp, người bệnh được y bác sĩ tận tình chăm sóc… những hình ảnh đó chính là bức tranh tô thắm tình hữu nghị keo sơn giữa hai nước Việt - Lào.

1.

Bản Ka Lô đón chúng tôi bằng cơn mưa dai dẳng. Dọc theo triền đồi, những ngôi nhà sàn nép mình dưới những rặng cây ẩn hiện trong màn mưa lòa nhòa màu trắng nhạt. Chiều ở núi có vẻ buồn, khi mưa lất phất không thể nhấn chìm tiếng chim rừng khắc khoải. Trẻ con chưa trở lại trường, mưa níu chân chúng ở lại trong nhà. Khung cửa sổ để mở, lộ ra những đôi mắt tròn xoe cùng nụ cười khiến gương mặt trẻ thơ trở nên rạng ngời, khi bắt gặp bóng áo xanh của BĐBP ngang qua lối nhỏ. Ông Kê Oi, 34 tuổi, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Ka Lô nắm chặt tay Thượng tá A Liêng Hà, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt, niềm vui tràn ra từ nụ cười, khóe mắt, thân thiết như gặp lại người thân. “BĐBP Việt Nam là người thân của dân bản”, Kê Oi nói với tôi khi dẫn mọi người vào nhà. Manh chiếu được trải xuống giữa gian nhà sàn, vợ Kê Oi pha trà, gọt dứa đãi khách. Dứa nhà Kê Oi trồng, ngọt lịm. Khi nhớ lại chuyện lãnh đạo và Nhân dân Thừa Thiên Huế hỗ trợ kinh phí xây dựng 42 ngôi nhà, xây trường học cho bản Ka Lô, ông Kê Oi xúc động: “Trong nhiều tháng liền, bất kể nắng, mưa, BĐBP giúp dựng nhà, xây trường; sau này còn hỗ trợ con giống, hướng dẫn cách làm nông. Vậy nên bây giờ cuộc sống dân bản Ka Lô ổn định hơn rất nhiều, không còn đói ăn đói mặc, như ngày trước”.

Ngày trước mà Kê Oi nhắc đến, cách đây phải gần 15 năm. Khi đó, bản cũ của Kê Oi còn nằm lọt thỏm giữa đại ngàn hoang vu, cách xa trung tâm huyện Kà Lùm nhiều ngày đường. Những cuộc du canh du cư đã kéo dân bản đi sâu vào núi. Kê Oi chẳng nhớ mình đã cùng dân bản đổi chỗ ở bao nhiêu lần. Hết đốt đám rừng này, vỡ đất làm rẫy, trồng cây. Đất bạc màu lại dời nhà sang cánh rừng khác. Cuộc sống phụ thuộc nhiều vào săn bắt, hái lượm nên lúc nào cũng khó khăn, thiếu thốn. Những lúc ốm đau, chỉ biết hái lá rừng làm thuốc. Có người khỏe lại, nhưng nhiều người đã nằm lại với núi. “Nhà ai cũng được dựng bằng tranh tre tạm bợ. Mùa khô không đủ che hết nắng, mùa mưa không đủ sức chống lại cái rét và mưa rừng. Trẻ con không được đến trường, lúc nào cũng thiếu đói triền miên, khổ như con thú hoang suốt ngày chui rúc trong rừng.” - Kê Oi hồi ức.

Năm 2008, dân bản Ka Lô dời chỗ ở đến gần biên giới đối diện với địa bàn quản lý của Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt. Để giúp dân bản thoát khỏi cuộc sống tạm bợ, thiếu thốn, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã hỗ trợ kinh phí; BĐBP tỉnh giúp công hỗ trợ xây dựng.

Thượng tá Hồ Sĩ Hòa, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt (13 năm trước là Đại úy, Phó Đồn trưởng) vẫn còn nhớ những ngày cùng đồng đội sang bản Ka Lô san mặt bằng, thi công. Thời tiết khắc nghiệt, đường sá lầy lội, lũ dữ bất thường khiến việc vận chuyển vật liệu thi công hết sức khó khăn. Trong những lán dựng tạm giữa rừng, dân bản Ka Lô ngày ngày gùi củi, sắn, ngô, rau rừng, măng rừng, cá suối đến góp với bếp ăn của bộ đội. Bà con ai cũng háo hức chờ đợi những ngôi nhà mới. Sau 8 tháng ròng rã, 42 ngôi nhà sàn kiên cố, khang trang được lợp mái tôn đã hoàn thành. Có nhà cửa chắc chắn, có trường học, có đường ống nước tự chảy…, biết cách trồng cây lúa sao cho chắc hạt, trồng nương sắn sao cho nặng củ…, Bản Ka Lô từ đó an cư trên đất mới.

Từ 42 nóc nhà lúc đầu với hơn 200 nhân khẩu, Ka Lô bây giờ đã có 81 nóc nhà với hơn 500 nhân khẩu. Ông Kê Oi khoe với chúng tôi, trong bản có 10 hộ có trang trại. Người dân đã biết chăn nuôi gia súc, biết đào ao thả cá. Dân bản biết trồng chuối, trồng dứa, trồng gừng… Nông sản thường được mang sang chợ A Lưới để trao đổi. “Trẻ con bây giờ được đi học, không như Kê Oi ngày trước. Đau ốm cũng nhờ BĐBP thăm khám. Dân bản biết ơn BĐBP rất nhiều”.

Trong làn mưa nhè nhẹ rớt trên vai, Kê Oi dẫn chúng tôi đi một vòng quanh bản. Trưởng bản Ka Lô nói, ngày trước nơi này là thung lũng um tùm gai góc, nằm lọt thỏm giữa những ngọn núi hoang vu. Còn bây giờ, những ngôi nhà sàn kiên cố dần mọc lên, khoác cho Ka Lô một tấm áo rạng rỡ. Nhất là vào năm 2015, ngành điện lực hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Sê Kông đã phối hợp cùng xây dựng hạ tầng, kéo đường dây điện hạ thế phục vụ nhân dân trong bản. Lưới điện kéo về tận bản, cuộc sống của dân bản càng khởi sắc.

Tôi nhìn những vạt mây vắt dọc các triền núi, trời chiều sà xuống thật thấp, có vạt mây chùng chình trôi qua nóc nhà sàn rồi như đậu lại trên mái tôn bên sườn núi. Thượng tá A Liêng Hà nói, những ngôi nhà sàn trong bản lợp mái tôn xanh đều là nhà do BĐBP sang thi công giúp bản bạn. Những trường học, trạm y tế, nhà văn hóa có nước sơn màu vàng nổi bật. Cầu Xê Rôn bắc qua dòng Xê Rôn ầm ào đều là những công trình của tỉnh Thừa Thiên Huế giúp bản bạn, đó chính là biểu tượng của tình hữu nghị đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào.
 

Lễ khởi công xây dựng công trình cấp nước cho Đại đội Bảo vệ biên giới 531 của Lào
Đội thi công hệ thống cấp nước sinh hoạt do tỉnh Thừa Thiên Huế tặng Đại đội Bảo vệ biên giới 531 của Lào đang gấp rút làm việc dưới mưa để kịp đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão


Tôi nhớ trên đường vào bản Ka Lô, Thượng tá A Liêng Hà đã dẫn chúng tôi ghé thăm Đại đội Bảo vệ biên giới 531 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sê Kông (Lào). Tại đây, công trình cấp nước sinh hoạt cho Đại đội Bảo vệ biên giới 531 bao gồm cả nhà tắm, nhà vệ sinh, kinh phí khoảng 2 tỷ đồng do Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế hỗ trợ, BĐBP tỉnh phối hợp hỗ trợ thi công. Trong tiết trời mưa lất phất, lực lượng thi công vẫn đang cần mẫn làm việc, để hoàn thành và bàn giao, đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão.

Đi trên cầu Xê Rông do tỉnh Thừa Thiên Huế đầu tư xây dựng với kinh phí hơn 7 tỷ đồng, BĐBP tỉnh hỗ trợ thi công, bước chân Kê Oi như chậm lại. Bao nhiêu năm nay đi lại trên cầu, Kê Oi vẫn nghe lòng vui phơi phới như ngày đầu cầu mới được cắt băng khánh thành. Dân bản đã không còn phải lội suối băng dòng Xê Rôn, mùa mưa lũ nước dâng cao, bản Ka Lô không còn rơi vào cảnh bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài, các thương lái cũng thuận tiện chạy xe vào tận bản để mua nông sản, dân bản dễ dàng chở nông sản sang bên kia chợ A Lưới để trao đổi. Cầu Xê Rôn đã góp phần thay đổi cuộc sống của bản làng.

Sê Kông đang vào mùa mưa. Dòng Xê Rôn dâng cao, ầm ào chảy ngược về phía núi. Nhìn từ xa, có thể thấy những ruộng lúa, nương ngô xanh mướt bên chân núi. Tiếng trẻ con rộn rã vọng ra từ những căn nhà sàn chắc chắn, gió mang tiếng cười trong vắt rãi khắp các triền núi bạt ngàn màu xanh như muốn nói, Ka Lô bây giờ đã thay da đổi thịt.

2.

Bua Thoong, năm nay 34 tuổi, Phó Bí thư Chi bộ bản Sê Sáp (huyện Kà Lùm, tỉnh Sê Kông, Lào) chở Nang Mít ngồi dặt dẹo phía sau xe chạy vào Trạm kiểm soát biên phòng Hồng Thái. Ngay cổng trạm, quân y Đồn Biên phòng Nhâm đã chờ sẵn. Sau khi được quân y Phạm Khắc Kế thăm khám, tư vấn và cấp thuốc miễn phí, vẻ mặt Nang Mít giãn ra, có vẻ yên tâm hẳn. Đại úy Phạm Ngọc Giàu, Trạm trưởng Trạm kiểm soát Biên phòng Hồng Thái cho biết, bản Sê Sáp nằm cheo leo phía bên kia núi, cách Trạm kiểm soát Biên phòng Hồng Thái chừng 5 km. Bà con ở Sê Sáp mỗi lần đau ốm đều được chở đến trạm để quân y thăm khám và cấp phát thuốc miễn phí.

Đại úy Phạm Ngọc Giàu vẫn còn nhớ như in lần cấp cứu 2 bệnh nhân Nang Un và Nang Pi Ơn. 8 giờ tối hôm đó Trạm nhận được điện thoại của Trưởng bản Sê Sáp báo tin có hai người đang đau nặng tại bản cần cấp cứu. Sau khi nhận được tin báo, đơn vị đã liên hệ với Trung tâm Y tế huyện A Lưới và đã nhất trí đưa xe cấp cứu vào chuyển bệnh nhân. Thời gian chậm chạp trôi đi, xe cấp cứu, bác sĩ đã chờ sẵn ở cửa Trạm, nhưng mãi vẫn chưa thấy người bệnh bên bản bạn đưa sang.

Đêm cuối tháng, trời tối đen như mực. Đường từ bản Sê Sáp sang Trạm cách một con đèo, đường ngoằn ngoèo, cheo leo, một bên là vách núi, một bên là vực thẳm càng trở nên hiểm trở bội phần trong đêm tối. Những trận mưa rừng mấy ngày trước đã khiến đường trở nên nhão nhoẹt bùn lầy, trơn trợt, vô cùng khó đi. Bệnh nhân đau nặng, không nói được, không cử động được, khó thở, không ngồi được xe máy nên dân bản phải gánh bộ vượt rừng, gần 11 giờ đêm mới đưa được người bệnh đến Trạm. Sau khi phối hợp cùng y bác sĩ chuyển bệnh nhân lên xe cấp cứu để nhập viện điều trị, anh em mới thở phào yên tâm.

Bua Thoong nói, may mà bây giờ chỗ ở gần với Đồn Biên phòng Nhâm, nên đau ốm gì đều nhờ BĐBP hết. Chứ nếu như ở chỗ cũ thì… Bua Thoong ngừng lại, mắt buồn hiu nhìn xa xăm về dãy Trường Sơn xanh thẳm trước mặt. Những người làng của Bua Thoong, có biết bao người đã bất lực nằm trong những căn nhà tạm bợ giữa rừng, trong cái nắng bức bối của mùa nắng và cái lạnh cắt da của mùa mưa. Họ đã uống những chén thuốc đen sánh nấu từ lá rừng, từ rễ cây để mong kéo dài sinh mệnh. Nhưng có những người già và cả những người trẻ đã bỏ làng đi về với núi. Bệnh tật đã giữ họ lại mãi mãi giữa rừng già hoang vu heo hút.

Bản Sê Sáp của Bua Thoong ngày trước, cách Đồn Biên phòng Nhâm hai ngày băng rừng và cách trung tâm huyện Kà Lùm, tỉnh Sê Kông cả chục ngày băng rừng. Từ khi dời bản đến chỗ ở hiện tại, người trong bản chỉ mất chưa đầy 1 giờ vượt núi là đã đến được Trạm Kiểm soát Biên phòng Hồng Thái. Thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu thuốc…, đều được BĐBP hỗ trợ. Lòng biết ơn đối với BĐBP Việt Nam, không thể nói hết bằng lời.

Thượng úy Phạm Văn Đức - Đội trưởng Vũ trang đồn Biên phòng Nhâm chở tôi trên chiếc xe máy lấm đầy bùn đất, cùng Trạm trưởng Phạm Ngọc Giàu, Thượng úy Nguyễn Trọng Tâm - Đội trưởng Tham mưu hành chính đồn Biên phòng Nhâm theo chân Bua Thoong sang thăm bản. Con đường lầy lội trơn trợt sau mưa, một bên là vách núi cheo leo, một bên là vực sâu thăm thẳm khiến tôi nhiều lần hồi hộp, lo lắng trước một khúc cua rất gắt. Có những đoạn khó đi, mọi người đành phải xuống xe đi bộ. Trầy trật mãi cũng đến được bản Sê Sáp khi nắng đã lưng lửng trên đầu.

Bản Sê Sáp hiện ra trong tiếng líu ríu nói cười của trẻ con. Những ngôi nhà sàn nằm san sát nhau, cây ăn quả đang mùa trĩu cành gợi lên cảm giác thật yên bình. Bua Thoong đứng bên cây bưởi đang cho mùa quả đầu tiên, khoe nụ cười rạng rỡ. Bưởi vẫn chưa kịp chín. Đó là cây giống BĐBP mang cho bản. Ở bản này, hầu như các cây giống như bưởi, thơm, mít, ổi, cam, quýt, đều được BĐBP phối hợp Phòng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn huyện A Lưới đem sang tặng và chỉ cách cho dân bản trồng, chăm sóc. Chỉ tay về phía ngôi nhà mình, Bua Thoong nói đó là một trong 2 ngôi nhà đại đoàn kết mà BĐBP vừa giúp công xây tặng. Bao quanh bản Sê Sáp là núi rừng trùng điệp, lọt thỏm giữa thung lũng là 39 nóc nhà cùng trường học, nhà văn hóa, tất cả đều được BĐBP Việt Nam sang hỗ trợ giúp đỡ thi công.
 

Bộ đội Biên phòng tặng quà cho bà con dân bản Sê Sáp - Lào
Ông Bua Thoong bên căn nhà được BĐBP xây dựng


A Táp năm nay 24 tuổi, Bí thư Chi đoàn của bản. A Táp cưới vợ ba năm trước. Nhà vợ chồng A Táp gần ngay bên trường học. Hồi mới cưới vợ, A Táp sống trong căn nhà tạm bằng tranh tre, sau đó được BĐBP sang dựng giúp nhà kiên cố. Những đêm trằn trọc trong căn nhà cũ, thao thức nghĩ về căn nhà mới có mái tôn màu xanh mà vợ chồng sắp dọn vào ở, sự háo hức, phấn khởi ấy cho đến giờ A Táp vẫn còn nhớ như in. Từ nhà A Táp, chỉ cần bước vài chục bước chân là đã đến trường học của bản. Nơi đó, con của A Táp sau này cũng sẽ đến đó học. Trường được xây dựng khang trang, ngày nắng nóng có máy quạt chạy vù vù trên đầu. Ngày mưa, gió lạnh dừng bên ngoài cánh cửa. Nhìn về phía dãy núi trước mặt, bên kia rặng núi ấy, A Táp cùng bà con bản làng mình từng sinh sống. Ở đó cũng có trường học. Trường học bằng tranh tre, nhà của mọi người cũng bằng tranh tre. Mùa mưa gió lúc nào cũng ướt. Giáo viên phải băng rừng chục ngày đường mới đến được lớp. Nương rẫy nằm cheo leo trên các triền núi, đi lại rất khó khăn. Từ ngày về định cư ở Sê Sáp, cuộc sống của bà con mình ổn định hơn rất nhiều. A Táp nói trong niềm hân hoan.

Bua Thoong chia sẻ, có được ngày hôm nay, là nhờ sự dẫn dắt của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nhâm, không chỉ giúp dân dựng nhà, dựng trường, hỗ trợ cây giống mà còn cầm tay chỉ việc, hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng cho bà con, nên bà con ở bản Sê Sáp bây giờ không còn bữa đói, bữa no như trước.

Trong thời điểm dịch Covid, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp nhiều cơ quan, đơn vị và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, các đồn biên phòng, thường xuyên hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc men, vật tư y tế cho các bản Lào dọc biên giới, tặng quà cho Đồn Công an Cô Tài, Đại đội Bảo vệ biên giới 511; tặng quà cho Đồn công an Tà Vàng, Đại đội Bảo vệ biên giới 531…, tổng cộng hàng tỷ đồng.

Không chỉ hỗ trợ, chăm lo đời sống cho người dân, trong nhiều năm qua, BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế còn hỗ trợ cho nhiều học sinh các bản ở Lào theo Chương trình “Nâng bước em đến trường”, để các em có điều kiện khó khăn có cơ hội đến lớp.

Rời bản Sê Sáp khi mây mù trên đỉnh núi đã dần tan hết. Trẻ con ríu rít trước sân trường ngay trung tâm của bản đùa vui. Khói bếp lan ra từ những nếp nhà, mùi thức ăn dậy lên thơm ngát như minh chứng cho cuộc sống bình yên nơi này. Sự bình yên ấy, được góp rất nhiều mồ hôi, công sức của BĐBP. Như Thiếu tá Cao Tất Tuấn - Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Nhâm bày tỏ, những chia sẻ, gánh vác của BĐBP Việt Nam với bản bạn đã góp phần thắt chặt mối quan hệ hữu nghị đoàn kết đặc biệt giữa Việt Nam và Lào nói chung, và giữa tỉnh Thừa Thiên Huế với tỉnh Sê Kông nói riêng. Đại tá Lê Văn Nguyên, Chính ủy BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế, người đã cùng các đồng đội đến các nơi, gửi lại yêu thương ở những bản Lào, trong tình cảm của dân bản nói rằng, xây dựng những bản làng dọc biên giới ngày càng phát triển kinh tế, cuộc sống người dân ấm no; xây dựng tình hữu nghị, đoàn kết vững bền, chính là cách xây dựng biên giới hòa bình, vững chãi.

Sau khi bài viết được thực hiện, theo tin từ thuathienhue.gov.vn công trình hệ thống cấp nước sinh hoạt cho Đại đội Bảo vệ biên giới 531 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sê Kông (thuộc bản Ka Lô, huyện Kà Lùm, tỉnh Sê Kông, Lào) đã được hoàn thành và bàn giao vào ngày 8/9 vừa qua. Tại lễ bàn giao, ông Hoàng Hải Minh - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đây là công trình đối ngoại mà Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tặng cho lực lượng tuyến đầu trực tiếp làm công tác quản lý, bảo vệ đường biên, mốc quốc giới, giúp cải thiện, nâng cao đời sống sinh hoạt cho cán bộ, chiến sĩ Đại đội Bảo vệ biên giới 531; đồng thời góp phần tăng hiệu quả công tác phối hợp quản lý bảo vệ biên giới giữa lực lượng Bộ đội Biên Phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sê Kông (Lào). Đây cũng là công trình có ý nghĩa thiết thực nhằm chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị, hợp tác Việt Nam - Lào.

Phó Tỉnh trưởng Ủy ban chính quyền tỉnh Sê Kông - ông Khamson Conyo đã cảm ơn tình cảm Thừa Thiên Huế dành cho tỉnh Sê Kông cũng như Đại đội Bảo vệ biên giới 531, đây là niềm động viên lớn để cán bộ, chiến sĩ Đại đội Bảo vệ biên giới 531 hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian tới. Ông Khamson Conyo cũng mong muốn mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết, hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước nói chung; giữa hai tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Sê Kông nói riêng ngày càng gắn kết, vững bền.


L.H
(TCSH403/09-2022)

 

 

Các bài mới
Chùm thơ Khét (28/10/2022)
Các bài đã đăng