Tạp chí Sông Hương - Số 405 (T.11-22)
Bảo tồn, phát huy và kết nối hệ thống di sản liên quan đến danh nhân Nguyễn Đình Chiểu từ Cố đô Huế đến Bến Tre
09:26 | 21/12/2022


PHAN THANH HẢI - TRẦN VĂN DŨNG

Bảo tồn, phát huy và kết nối hệ thống di sản liên quan đến danh nhân Nguyễn Đình Chiểu từ Cố đô Huế đến Bến Tre
Tượng chân dung trong nhà thờ Nguyễn Đình Chiểu ở Bến Tre

1. Đặt vấn đề

Huế là kinh đô cuối cùng của Việt Nam dưới thời quân chủ, được các chúa Nguyễn chọn làm thủ phủ của Đàng Trong (1636 - 1775), rồi kinh đô của vương triều Tây Sơn (1788 - 1801) và triều Nguyễn (1802 - 1945), vùng đất này đã có quá trình hội tụ, bồi đắp và tỏa sáng các giá trị đặc sắc khi đóng vai trò là trung tâm chính trị, văn hóa của Việt Nam suốt giai đoạn từ cuối thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XX. Chính những năm tháng sinh sống và học tập trên quê nội là vùng đất Thừa Thiên (nay là Thừa Thiên Huế) đã góp phần quan trọng nuôi dưỡng, hun đúc và bước đầu hình thành tư tưởng yêu nước, nhân văn của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888). Có thể nói, Nguyễn Đình Chiểu mà dân gian thường gọi một cách kính trọng và thân thương là Cụ Đồ Chiểu là đại diện tiêu biểu cho tầng lớp sĩ phu yêu nước, đã lựa chọn con đường đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược bằng tư tưởng, lấy thơ văn làm phương tiện chống ngoại xâm. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhận định1: “Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ yêu nước mà tác phẩm là những trang bất hủ ca ngợi cuộc đấu tranh oanh liệt của nhân dân ta chống bọn xâm lược phương Tây ngay buổi đầu lúc chúng đặt chân lên đất nước chúng ta”1.

Vào ngày 23/11/2021,  tại Kỳ họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 diễn ra tại Paris (Pháp), UNESCO đã thông qua danh sách các Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2022 - 2023 để UNESCO cùng vinh danh và tham gia kỷ niệm năm sinh/năm mất2; Việt Nam đã có hai danh nhân được vinh danh trong đợt này là Nguyễn Đình Chiểu và Hồ Xuân Hương. Hiện nay, cùng với nhà thờ họ Nguyễn Đình ở làng Bồ Điền, phần mộ của cụ Nguyễn Đình Huy,… đã trở thành hệ thống di sản lưu dấu ấn đặc biệt về danh nhân Nguyễn Đình Chiểu tại Cố đô Huế. Việc bảo tồn, phát huy và kết nối hiệu quả các di sản liên quan đến danh nhân Nguyễn Đình Chiểu từ Cố đô Huế đến Bến Tre sẽ tạo dựng sự phát triển bền vững của tương lai của mỗi địa phương từ những mối liên kết đặc thù của quá khứ và hiện tại. Đây là những di sản vật chất và tinh thần quý giá mà Thừa Thiên Huế, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An và Bến Tre vinh dự có trách nhiệm giữ gìn, phát huy giá trị.

2. Cố đô Huế - nơi ươm mầm nhân cách, tài năng của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu

Nguyễn Đình Chiểu (阮廷炤), tục gọi là Đồ Chiểu, tự Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, Hối Trai. Ông sinh ngày 13 tháng 5 năm Nhâm Ngọ (tức ngày 1/7/1822) tại quê mẹ là làng Tân Thới, phủ Tân Bình, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định (nay thuộc phường Cầu Kho, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh). Cụ Nguyễn Đình Chiểu xuất thân trong gia đình nhà Nho, có nguyên quán tại làng Bồ Điền (nay thuộc xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế). Ông cố Nguyễn Đình Chiểu là cụ Nguyễn Đình Vân giữ chức Đội trưởng trong Vệ Long Võ, chuyên trông coi một đơn vị trong quân đội ở Long Thọ thượng khố (nơi tích trữ lương thảo của triều đình). Ông có người con là Nguyễn Đình Huy làm Thư lại trong Ty Văn hàn của dinh Tả quân Lê Văn Duyệt ở Gia Định. Năm 1820, cụ Nguyễn Đình Huy để lại vợ và hai con ở làng Bồ Điền, còn ông theo Tả quân Lê Văn Duyệt vào Gia Định tiếp tục làm Thư lại trong Ty Văn hàn thuộc dinh Tổng trấn. Lúc này, cụ Nguyễn Đình Huy có thêm người vợ thứ là bà Trương Thị Thiệt người làng Tân Thới, sinh ra 7 con (4 trai, 3 gái) và Nguyễn Đình Chiểu chính là con đầu lòng.
 

Toàn cảnh nhà thờ họ Nguyễn Đình ở làng Bồ Điền


Thừa Thiên Huế là vùng đất đã có hơn 700 năm phát triển, tiếp biến từ văn hóa bản địa Sa Huỳnh - Champa, qua thời kỳ Thuận Hóa, Phú Xuân đến văn hóa kinh kỳ triều Nguyễn. Vì vậy, vùng đất này đã hội tụ nhiều giá trị tinh hoa văn hóa đất nước nên đã hình thành lối sống, nề nếp gia phong, tính cách, giao tiếp… khá đặc biệt. Trong cuộc đời 66 năm của mình, cụ Nguyễn Đình Chiểu có hai giai đoạn ở Huế với tổng cộng 8 năm. Giai đoạn đầu vào năm 1833 khi ông 11 tuổi được cha đưa về làng Bồ Điền để học tập, đến năm 1840 lúc 18 tuổi ông trở lại quê mẹ Gia Định. Năm 1843 lúc 21 tuổi ông đỗ Tú tài ở trường thi Gia Định. Giai đoạn 2 là vào năm 1847, ông ra Huế chờ khoa thi năm Kỷ Dậu (1849) nhưng mới chỉ ở Huế được 1 năm thì năm 1848 được tin mẹ mất nên ông trở về Gia Định chịu tang, trên đường trở về, vì quá thương khóc mẹ và ốm nặng nên ông bị mù cả hai mắt. Có thể nói, trong thời gian 8 năm sống và học tập ở Kinh đô Huế, đặc biệt là điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội, con người và thiên nhiên, các truyền thống, giá trị văn hóa đã ảnh hưởng sâu sắc đến sự hình thành và phát triển nhân cách, tài năng của Nguyễn Đình Chiểu, đặc biệt là giai đoạn đầu (11 đến 18 tuổi). Nhân cách Nguyễn Đình Chiểu thực sự được hình thành và phát triển cơ bản ở xứ Huế gắn với sự phát triển về trí tuệ, bản lĩnh, phẩm chất của cá nhân Nguyễn Đình Chiểu và sự cộng hưởng của các giá trị đặc sắc văn hóa Huế.

Nguyễn Đình Chiểu là một nhà văn hóa, nhà yêu nước, nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam3. Tư tưởng yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu tiêu biểu cho ý chí độc lập, chủ quyền của nhân dân ta ở thế kỷ XIX và cũng tiêu biểu cho khát vọng hòa bình, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam. Ông là một trong những người mở đầu cho dòng văn chương yêu nước chống Pháp ở Việt Nam nửa sau thế kỷ XIX. Thơ văn của cụ Đồ Chiểu mang đậm tính nhân văn, khích lệ tinh thần yêu nước, ca ngợi những tấm gương làm việc chính nghĩa, vì lợi ích của cộng đồng xã hội. Các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu gắn bó chặt chẽ với những biến cố của đất nước lúc bấy giờ, có ảnh hưởng sâu sắc và sức sống mãnh liệt trong xã hội đương thời. Vì vậy, “vần thơ yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu lúc này có giá trị như một lời hiệu triệu, một bản tuyên ngôn của nhân dân Nam bộ - dân của nước Việt Nam chống chiến tranh phi nghĩa của chủ nghĩa thực dân phương Tây”4. Các tác phẩm chính của cụ Đồ Chiểu đều được sáng tác bằng chữ Nôm, trong đó nổi tiếng nhất là tập thơ “Lục Vân Tiên”, chứa đựng nhiều ý nghĩa, giá trị về đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Chính tác phẩm “Lục Vân Tiên” và “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” của cụ, qua các bản dịch ra tiếng nước ngoài đã làm cho nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu nổi tiếng trên thế giới.

Bên cạnh đó, cụ Nguyễn Đình Chiểu còn hành nghề Đông y để chữa bệnh cứu người. Cố đô Huế là nơi đặt Thái Y Viện của triều Nguyễn, với những thành tựu về y học cổ truyền, nơi hội tụ nhiều thế hệ ngự y nổi tiếng. Bên cạnh Thái Y Viện chuyên trách khám chữa bệnh cho nhà vua, hoàng tộc, nội cung, quan lại trong triều đình và quản lý ngành y tế của cả nước thì ngoài cộng đồng xã hội, công việc chăm lo sức khỏe được gửi gắm vào tài năng của những lương y xuất thân từ các gia đình và dòng họ có truyền thống Đông y. Với những năm tháng sống ở Huế, Nguyễn Đình Chiểu đã có cơ hội học tập y thuật xem mạch, bốc thuốc của những vị danh y nổi tiếng ở đất Kinh thành. Sau này, Nguyễn Đình Chiểu đã cho ra đời tập truyện thơ Nôm “Ngư Tiều y thuật vấn đáp” (Ông Ngư, ông Tiều hỏi đáp về thuật chữa bệnh) nổi tiếng. Các nhân vật chính trong tác phẩm gồm Bào Tử Phược và Mộng Thê Triền vì gặp cảnh mất nước nên đã đi ở ẩn làm ngư, làm tiều, sau đó gặp được Đạo Dẫn, Nhập Môn và Kì Nhân Sư truyền cho y thuật trị bệnh cứu đời. Đây là “một tác phẩm ngoài nêu cao lòng yêu nước, căm thù giặc còn là một tác phẩm chuyên môn nhằm phổ biến y học, với tinh thần giúp đời cứu người”.5

Trong cuộc đời của mình, danh nhân Nguyễn Đình Chiểu đã sống tại nhiều nơi, trong đó có Cố đô Huế, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An và Bến Tre. Và mỗi nơi ông đi qua đều để lại những dấu ấn di sản riêng biệt.

3. Hệ thống di sản liên quan đến danh nhân Nguyễn Đình Chiểu: nhìn từ Cố đô Huế đến Bến Tre

Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị xác định xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế. Vì vậy, Thừa Thiên Huế luôn ý thức sâu sắc di sản văn hóa là tài sản vô giá của các thế hệ tiền nhân để lại cho thế hệ hôm nay và mai sau, có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử văn hóa, là phương tiện để quảng bá về hình ảnh địa phương cho du khách, tạo nền tảng cho việc xây dựng chiến lược phát triển du lịch, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội.

Huế là Cố đô duy nhất ở Việt Nam còn bảo lưu được khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc thành quách, cung điện, lăng tẩm, đàn miếu...; cùng hàng vạn hiện vật, cổ vật đặc biệt quý hiếm. Di sản Huế là nơi hội tụ trí tuệ của cả dân tộc mà đỉnh cao là 7 di sản đã được UNESCO vinh danh: Quần thể Di tích Cố đô Huế (1993); Âm nhạc cung đình Việt Nam - Nhã nhạc (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014), Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016), Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ (2016), Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ (2017). Đồng thời có 03 quần thể/hệ thống di tích cấp quốc gia đặc biệt là Quần thể Di tích Cố đô Huế, hệ thống đường Trường Sơn (Hồ Chí Minh) đoạn đi qua tỉnh Thừa Thiên Huế và hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên Huế; có 89 di tích cấp quốc gia, 90 di tích cấp tỉnh và 205 công trình, địa điểm lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh tiêu biểu thuộc Danh mục Kiểm kê di tích của tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngoài ra còn có hệ thống di tích lưu niệm về danh nhân Đặng Tất, Nguyễn Khoa Chiêm, Tôn Thất Thuyết, Đặng Huy Trứ, Phan Bội Châu, Ưng Bình,... đặc biệt là danh nhân Nguyễn Đình Chiểu.
 

Hậu duệ cụ Nguyễn Đình Chiểu dâng hương tại nhà thờ
Đền thờ danh nhân Nguyễn Đình Chiểu ở Bến Tre


Nhà thờ họ Nguyễn Đình (thuộc xã Phong An, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế) là nơi thờ tự các đời tổ tiên của họ Nguyễn Đình làng Bồ Điền, trong đó có phối thờ danh nhân Nguyễn Đình Chiểu. Từ đường được xây dựng dưới triều vua Gia Long, sau đó được con cháu hậu duệ trùng tu, tôn tạo nhiều lần nhưng vẫn giữ nét kiến trúc truyền thống Huế. Về kết cấu kiến trúc nhà thờ gồm: cổng tam quan, bình phong, sân vườn và nhà thờ. Bên cạnh nhà thờ họ Nguyễn Đình còn có nhà thờ nhánh họ Nguyễn Đình - nhà thờ trực hệ danh nhân Nguyễn Đình Chiểu. Đây là không gian linh thiêng để các thành viên trong dòng họ Nguyễn Đình thể hiện, gửi gắm lòng tưởng nhớ,  biết ơn đến lịch đại tổ tiên. Cách Quốc lộ 1A khoảng 2 km, phần mộ ông Nguyễn Đình Huy - thân sinh Nguyễn Đình Chiểu được con cháu cải táng tại xứ đất Cồn Họ. Đây cũng chính là khuôn viên nghĩa địa an táng các thành viên trong dòng họ Nguyễn Đình làng Bồ Điền sau khi qua đời. Phần mộ cụ Nguyễn Đình Huy có một tấm bia khắc ghi dòng chữ: “Nguyễn Đình tộc, Đệ Nhất phái, Đệ Nhất chi. Hiển Cao tổ khảo Nguyễn Đình Huy. Kỵ ngày 21/10 Âm lịch. Đồng bổn chi phụng lập 1994”.

Hiện nay, danh nhân Nguyễn Đình Chiểu đã được đặt tên đường ở thành phố Huế và đặt tên cho một ngôi trường THPT ở huyện Phong Điền nhằm giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Cụ Nguyễn Đình Chiểu sau khi mãn tang mẹ, đã không chịu sống chung với giặc Pháp, mà đưa gia đình về quê vợ, ẩn cư tại ngôi chùa cổ Tôn Thạnh (tọa lạc ở ấp Thanh Ba, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) trong giai đoạn năm 1859 - 1861. Tại đây, cụ Nguyễn Đình Chiểu đã để lại dấu ấn đặc biệt qua sự ra đời bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” và tập truyện thơ Nôm “Lục Vân Tiên”. Cũng tại ngôi cổ tự này, cụ Đồ Chiểu vừa mở lớp dạy học, chữa bệnh cứu người, lại vừa làm thơ văn yêu nước. Hiện nay trong khuôn viên chùa Tôn Thạnh hiện còn 2 bia kỷ niệm được xây dựng vào năm 1973 và 1997 để lưu lại dấu tích của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu. Ngôi chùa này được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích cấp Quốc gia theo Quyết định số 2890-VH/QĐ ngày 27/11/1997.

Năm 1862, cụ Nguyễn Đình Chiểu chuyển về ở làng An Đức, tổng Bảo An, tỉnh Vĩnh Long (nay là huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre). Tại đây, cụ Đồ Chiểu tiếp tục dạy học trò, bốc thuốc chữa bệnh cho dân, đồng thời vẫn giữ mối liên hệ chặt chẽ với những sĩ phu yêu nước lúc bấy giờ như Nguyễn Thông, Phan Văn Trị... Ngày 24 tháng 5 năm Mậu Tý (tức ngày 3/7/1888), danh nhân Nguyễn Đình Chiểu qua đời, nhân dân Ba Tri cùng với bạn bè, học trò, con cháu đến tiễn đưa cụ rất đông. Để tôn kính và giáo dục cho hậu thế về tấm gương sáng của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, năm 1972, nhân dân đã xây dựng khu tưởng niệm ngay tại khu lăng mộ ông tại xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Đây là nơi thờ phụng và an táng danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, cùng vợ là bà Lê Thị Điền và con gái là Nguyễn Thị Ngọc Khuê (Sương Nguyệt Anh). Di tích này có tổng diện tích là 14.187,9m2, bao gồm các hạng mục chính: nhà bia, đền thờ mới, đền thờ cũ, khu mộ. Hàng năm, chính quyền và nhân dân tỉnh Bến Tre đều tổ chức Lễ hội truyền thống văn hóa vào ngày 1 và 3/7 (ngày sinh và ngày mất của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu). Với các giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt, di tích Mộ và Khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 2499/QĐ-TTg ngày 22/12/2016.
 

Khu mộ của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu ở Bến Tre


4. Giải pháp bảo tồn, phát huy và kết nối các di sản liên quan đến danh nhân Nguyễn Đình Chiểu từ Cố đô Huế đến Bến Tre

Để các di tích, địa điểm liên quan đến danh nhân Nguyễn Đình Chiểu được quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị một cách có hiệu quả trong đời sống xã hội đương đại, chúng tôi đề xuất triển khai thực hiện một số giải pháp cơ bản như sau:

Thứ nhất, tiến hành kiểm kê các di tích, địa điểm liên quan đến danh nhân Nguyễn Đình Chiểu làm cơ sở nghiên cứu đánh giá giá trị của mỗi di tích, địa điểm, từ đó có cơ sở định hướng kế hoạch trùng tu, bảo tồn, lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích phù hợp với từng giai đoạn. Tại mỗi di tích cần nghiên cứu lắp đặt bảng chỉ dẫn đường vào di tích và dựng tấm bia ở vị trí thích hợp để ghi dấu và cung cấp thông tin về di tích. Đối với những di tích còn nguyên vẹn cần lập kế hoạch, ưu tiên trùng tu nhằm giữ lại tính nguyên gốc để đưa vào phát triển du lịch bền vững. Đối với những di tích chỉ còn là dấu tích cần nghiên cứu xây dựng hồ sơ lưu trữ phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và phục hồi khi có điều kiện. Ngoài ra cần có giải pháp bảo vệ diện tích đất xung quanh các di tích, địa điểm liên quan đến danh nhân Nguyễn Đình Chiểu một cách phù hợp nhằm tránh sự xâm lấn, vi phạm, tranh giành sở hữu quyền đất đai trong khu vực gần di tích. Trong thời gian sắp đến, Sở Văn hóa và Thể thao sẽ chỉ đạo Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế nghiên cứu khảo sát lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích cấp tỉnh về hệ thống di tích lưu niệm danh nhân Nguyễn Đình Chiểu tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Thứ hai, phát huy vai trò giám sát của xã hội, của cộng đồng. Hệ thống di sản liên quan đến danh nhân Nguyễn Đình Chiểu tồn tại trong đời sống cộng đồng và chỉ có thể được bảo vệ, gìn giữ bởi cộng đồng. Nhân dân là chủ thể đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản về danh nhân Nguyễn Đình Chiểu một cách bền vững. Bởi vậy, điều quan trọng là phải xây dựng kế hoạch tuyên truyền quảng bá, giới thiệu về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, qua đó nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ; nâng cao niềm tự hào, vinh dự của người dân, để cả cộng đồng cùng chung tay bảo vệ hệ thống di sản liên quan đến danh nhân Nguyễn Đình Chiểu.

Thứ ba, chính quyền địa phương cần phối hợp cùng nhà trường để lựa chọn những di tích liên quan đến danh nhân Nguyễn Đình Chiểu có tầm quan trọng và mang nhiều ý nghĩa lịch sử văn hóa để đưa vào thực hiện Chương trình “Phong trào trường học thân thiện, học sinh tích cực” hoặc tổ chức các chuyến tham quan thực tế đến các di tích này để tạo môi trường cho học sinh, sinh viên tham gia bảo vệ di tích, đây là một trong những giải pháp mang tính lâu dài và bền vững. Từ việc tìm hiểu, chăm sóc các di tích lưu niệm danh nhân Nguyễn Đình Chiểu sẽ giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay biết yêu lịch sử quê hương, có tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc.

Thứ tư, cần xử lý hài hòa mối quan hệ giữa phát triển du lịch với việc  bảo tồn, phát huy giá trị di tích lưu niệm danh nhân Nguyễn Đình Chiểu. Tạo điều kiện cho các công ty lữ hành du lịch khảo sát xây dựng các tour du lịch di sản, du lịch tâm linh liên quan đến hệ thống di tích lưu niệm danh nhân Nguyễn Đình Chiểu. Kết nối các di tích liên quan đến cụ Đồ Chiểu với Quần thể di tích Cố đô Huế để thu hút du khách và các nhà khoa học quan tâm tham quan nghiên cứu. Đồng thời chú trọng tôn tạo cảnh quan, xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phục vụ du lịch để di tích trở thành một điểm đến hấp dẫn cho du khách. Tổ chức tốt sản phẩm du lịch không chỉ tăng doanh thu cho ngành du lịch mà còn quay trở lại đầu tư một phần cho di sản như việc bảo vệ, tôn tạo, tu bổ, gìn giữ và phát huy những giá trị di sản về danh nhân Nguyễn Đình Chiểu.

Thứ năm, các cơ quan ban ngành cần phối hợp các công ty du lịch, lữ hành thực hiện ý tưởng xây dựng tour du lịch “Hành trình theo bước chân Cụ Đồ” nhằm đưa du khách trong và ngoài nước đến tham quan, dâng hương tưởng niệm tại các địa điểm thờ tự, mộ, nơi đặt bia/tượng có liên quan đến thân sinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, các địa điểm lưu dấu cụ Đồ Chiểu tại tỉnh Thừa Thiên Huế, Long An, Bến Tre và Thành phố Hồ Chí Minh. Qua đó nhằm tôn vinh và tuyên truyền các giá trị nhân văn tốt đẹp của di sản danh nhân Nguyễn Đình Chiểu trên các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, giáo dục, y học. Điều này cũng tạo ra cơ hội phát huy có hiệu quả công tác hợp tác liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương.

Thứ sáu, ngành Văn hóa, Du lịch tại Thừa Thiên Huế, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Bến Tre cần xem xét ký kết hợp tác trên lĩnh vực nghiên cứu, quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản liên quan đến danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, cụ thể phối hợp nghiên cứu khảo sát sưu tầm tư liệu, trưng bày triển lãm, sáng tác văn học nghệ thuật, chia sẻ kinh nghiệm bảo tồn di sản, khai thác phát triển du lịch bền vững. Đồng thời, ngành Y tế, Hội Đông y cũng cần có kế hoạch hợp tác, nghiên cứu khảo sát về y lý, y thuật của lương y Nguyễn Đình Chiểu nói riêng và nền y học cổ truyền nói chung để ứng dụng, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

5. Kết luận

Thừa Thiên Huế là một vùng đất giàu truyền thống văn hóa của Việt Nam, nơi đã từng gắn bó với cuộc đời và sự nghiệp của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu. Trong thời gian ở Huế, văn hóa Huế với những giá trị đặc trưng của nó đã ảnh hưởng sâu sắc và góp phần hình thành nhân cách, tài năng Nguyễn Đình Chiểu - Danh nhân văn hóa thế giới. Việc bảo tồn, phát huy và kết nối các di sản từ Cố đô Huế đến Bến Tre là một việc làm rất cần thiết nhằm tạo ra sự liên kết bảo tồn và phát triển bền vững. Đồng thời, công tác bảo tồn di sản Huế nói chung và di sản liên quan đến danh nhân Nguyễn Đình Chiểu nói riêng sẽ góp phần thiết thực “xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường”.

P.T.H - T.V.D
(TCSH405/11-2022)

-----------------------
1 Phạm Văn Đồng (1973), “Nguyễn Đình Chiểu - Ngôi sao sáng trong văn nghệ dân tộc Việt Nam”, in trong cuốn Nguyễn Đình Chiểu - Tấm gương yêu nước và lao động nghệ thuật, Viện Văn học, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 24.
2 Trước đây, UNESCO đã từng thông qua Nghị quyết vinh danh và cùng kỷ niệm năm sinh/năm mất của các Danh nhân Việt Nam như kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1990), 600 năm Ngày sinh Nguyễn Trãi (1980), 250 năm Ngày sinh Nguyễn Du (2015), 650 năm Ngày mất của Nhà giáo Chu Văn An (2019).
3 Nguyễn Q Thắng, Nguyễn Bá Thế (1999), Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nxb. Văn Hóa, Hà Nội, tr. 515.
4 Nguyễn Khánh Toàn (1983), “Nguyễn Đình Chiểu - Người chiến sĩ yêu nước nổi hồi trống xuất trận đầu tiên của nhân dân Nam Bộ đánh đuổi quân giặc cướp nước phương Tây”, Kỷ yếu Hội nghị Khoa học về Nguyễn Đình Chiểu nhân kỷ niệm lần thứ 160 ngày sinh của nhà thơ (1822 - 1982), Viện Khoa học xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Văn hóa và Thông tin Bến Tre xuất bản, tr. 12.
5 Nguyễn Đình Chiểu (2006), Ngư Tiều Vấn Đáp Y Thuật, Lê Quý Ngưu phiên âm, chú thích, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr. 5.

__________________

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Đình Chiểu (2006), Ngư Tiều Vấn Đáp Y Thuật, Lê Quý Ngưu phiên âm, chú thích, Nxb. Thuận Hóa, Huế.
2. Phạm Văn Đồng (1973), “Nguyễn Đình Chiểu - Ngôi sao sáng trong văn nghệ dân tộc Việt Nam”, in trong cuốn Nguyễn Đình Chiểu - Tấm gương yêu nước và lao động nghệ thuật, Viện Văn học, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
3. Dương Quảng Hàm (2019), Việt Nam văn học sử yếu, Nxb. Văn học, Hà Nội.
4. Vũ Khiêu, Nguyễn Đức Sự (1982), Nguyễn Đình Chiểu - Ngôi sao sáng của người trí thức Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
5. Nguyễn Q Thắng, Nguyễn Bá Thế (1999), Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nxb. Văn Hóa, Hà Nội.
6. Nguyễn Khánh Toàn (1983), “Nguyễn Đình Chiểu - Người chiến sĩ yêu nước nổi hồi trống xuất trận đầu tiên của nhân dân Nam Bộ đánh đuổi quân giặc cướp nước phương Tây”, Kỷ yếu Hội nghị khoa học về Nguyễn Đình Chiểu nhân kỷ niệm lần thứ 160 ngày sinh của nhà thơ (1822 - 1982), Viện Khoa học xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Văn hóa và Thông tin Bến Tre xuất bản.

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Chùm thơ Lữ Mai (16/12/2022)
Khi tôi về (13/12/2022)