Tạp chí Sông Hương - Số 406 (T.12-22)
Không gian văn hóa Huế
14:45 | 18/01/2023


PHƯỚC HOÀNG

              Bút ký dự thi

Không gian văn hóa Huế
Ảnh: tư liệu

Xứ Thuận Hóa nhìn xa ngoài hai ngàn năm trước, khi người Việt cổ từ đất Tổ Phong Châu tiến xuống phía Nam, hay cận lại gần hơn bảy trăm năm kể từ ngày vua Trần Anh Tông cho em gái là Huyền Trân Công chúa sang xứ Chàm làm dâu; cái buổi đầu ở cương vực Ô Châu ác địa này, người Việt dốc sức tận lực khai sông mở núi, đào giếng cày ruộng, trồng lúa tạo vườn, dựng nhà xây đình, cắm cây nêu trấn trị hung khí rồi thành lập làng xã.

Một cuộc hành trình vĩ đại của cả dân tộc kéo dài dằng dặc vượt qua con sông Thời Gian, với muôn vàn gian khổ đầy nỗi bi thương, thấm bao xương máu; nhưng hành trình ấy cũng đã khắc họa nên những trang huyền thoại, chất chứa đầy hào khí Đại Việt qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn… Và họ đã xác lập, mở ra tại đây một vùng văn hóa mới, làm giàu thêm hơn cái vốn có từ nền văn minh lúa nước sông Hồng.

Những buổi đầu ở đất mới, mỗi nhóm người Việt, hay tộc người bản địa đều mang trên mình một vóc dáng riêng, một diện mạo riêng, để tồn tại mà vượt qua thời gian khắc nghiệt, để giao thoa cộng cảm, chắt lọc linh khí rồi mã hóa đồng điệu làm nên cái chung trong mối tổng hòa được gọi là Bản sắc dân tộc.

Trong cuộc hành trình đầy cam go này, Cội Nguồn chính là yếu tố nội sinh, là tiếng gọi xa xăm trong  ký ức miên trường. Và một lúc nào đấy người ta vô tình chạm nhẹ vào cõi tâm hồn sâu thẳm, con người tha phương bỗng nhiên ngoái lại, trước hết bằng ý niệm, quay về. Rồi cũng đến một lúc nào đấy, an nhàn hơn, sung túc hơn, khi đứng trước hương linh liệt tổ liệt tông, người ta chợt nguyện ngộ rằng, mình cũng từ trong cái bọc êm ấm của Mẹ Âu Cơ thoát ra, đã mang theo khát vọng linh diệu ngàn đời cùng dòng máu nóng rồng tiên từ Lạc Long Quân truyền lại đến bây giờ. Khi ấy, ý thức quay về Cội Nguồn trỗi dậy, lớn dần lên theo năm tháng đời người.

Nhiều năm trước, khi đất nước còn đang bị chia cắt bởi cuộc chiến tranh vệ quốc, những người dân miền Nam sống trên đất Bắc, trong đó có chúng tôi, mặc dù được chế độ ưu đãi mọi thứ, được chia sẻ mọi điều của người dân miền Bắc, nhưng nỗi nhớ quê hương vẫn luôn đau đáu thường trực ở tận đáy lòng. Ấy vậy mà, sau ngày đất nước hòa ca, khi đã trở lại quê về chốn Huế, chúng tôi thường hay nghĩ đến đất Tổ Phong Châu. Như một định mệnh nghiệt ngã, khuấy động chiều sâu tâm thức và cảm xúc trào dâng lớn dần lên trong tôi mỗi lần bắt gặp những câu thơ máu thịt được chiết ra từ bài Nhớ Bắc của tướng quân Huỳnh Văn Nghệ:

“Ai về Bắc, ta đi với
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”…

Có lẽ tổ tiên chúng ta xưa không chỉ mang gươm đi mở cõi, mà họ còn phải cõng theo cuốc cày, hạt giống, cả cách chăn nuôi trồng trọt, đồng thời gánh luôn y thuật, chữ viết, lễ hội và cả “Tên đất tên làng” để vượt qua lam sơn chướng khí mà sinh tồn, mà phát triển.

Xứ Thuận Hóa, giữa buổi đầu người Việt chỉ có vài ba chục hộ với vài trăm dân, trải qua các triều đại thịnh suy từng quản nhiệm nơi đây, nay chỉ tính riêng hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên cũng đã lên tới hơn hai ngàn làng rồi! Giữa buổi đầu đất đai mênh mông, hoa thơm cỏ lạ, nhưng Thuận Hóa vẫn là nơi ác địa, “Con chim kêu cũng sợ, con cá quẫy cũng kinh”, người đi đến thì dễ, người trở về gian truân vô cùng! Ấy vậy mà ngoái lại đã thấy, nơi đây giờ thành một xứ sở phát triển, có những trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, du lịch, y tế của miền Trung, có nhiều lĩnh vực chiếm ngôi vị đứng đầu cả nước. Chẳng hạn như khu du lịch Hội An, Đà Nẵng, Lăng Cô, Cửa Tùng, Cửa Việt, Nhật Lệ, Hoành Sơn. Hay cận hơn là một ngôi làng Phú Xuân xứ Huế. Vốn dĩ Phú Xuân chỉ là cuộc đất của làng cổ Thụy Lôi, sau được chọn làm nơi đóng thủ phủ của chúa Nguyễn; rồi Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ dựa vào đấy mà dựng đô nhà Tây Sơn, làm nên một dòng văn hóa Phú Xuân; đến khi Nguyễn Phúc Ánh giành lại giang sơn, lên ngôi vua Gia Long, cho xây cột cờ, dựng cung điện, đắp đàn Nam Giao tế trời, lập Thái Miếu thờ các chúa, mở Thế Miếu thờ các vua - Phú Xuân trở thành Kinh đô Huế sầm uất của nước Việt Nam liền một dải.

Nhớ cái ngày xưa xa lắc ấy, khi người Việt vào đây nói tiếng còn pha “tiếng miền Hoan - Ái” và lẫn cả giọng Chăm người bản địa, khiến cho Tiến sĩ Dương Văn An nhà Mạc phải thốt lên: “Tiếng Huế quần Chiêm thói càng bỉ ổi”. Đến thời chúa Nguyễn Phúc Chu thành lập Trấn Biên - Gia Định, Thiền sư Thích Đại Sán từ Trung Hoa sang Thuận Hóa truyền đạo, ông đã chép lại trong Hải ngoại kỷ sự: “Người xứ ấy tiếng nói nghe như tiếng chim”. Vậy mà vụt  một cái thay đổi nhanh như thổi,  đến  nay “Tiếng Huế nghe răng mà ngọt rứa. Giọng hò man mác nước sông Hương”.

Xứ Thuận Hóa được diễn rộng ra từ nam sông Gianh đến bắc sông Thu Bồn, một dải đất mênh mông quá ư rộng - Nay hẹp lại, nói gọn hơn về một xứ Huế đẹp và thơ.

Theo một số nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử, chữ Huế âm Huế trong tiếng Chăm có nghĩa là thơm, hương thơm, được gắn với con sông thơm chảy qua giữa lòng thành phố  mà nhà thơ Tố Hữu đã từng thổn thức: “Hương Giang ơi dòng sông êm/ Qua tim ta vẫn ngày đêm tự tình”. Cuộc địa Huế xưa vốn chỉ mảnh đất biên viễn, từng là tiền phương của Đàng Ngoài khi quân của chúa Trịnh vượt sông Gianh, rồi lại trở thành hậu phương của Đàng Trong khi chúa Nguyễn tiến xuống sông Tiền, sông Hậu. Dưới thời Pháp thuộc, theo thiết chế đô thị Tây phương, Huế trở thành thị xã; rồi lên thành phố tiến dần đến đô thị loại 3, một bước đã qua đô   thị loại 2, và mới đây vào tháng 8 năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định công nhận Huế là đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh. Điều này hoàn toàn có lý khi Huế đã ở vào vị trí xứng đáng, và có những mặt còn vượt xa qua các thành phố lớn khác. Từ rất lâu, trong quan niệm của người Việt Nam đã xem Huế là một trong sáu thành phố lớn của đất nước. Cũng bởi vậy mà ông Chủ tịch thành phố Huế, mới đây nghiễm nhiên được bầu vào ghế Chủ tịch Hiệp hội các đô thị lớn của Việt Nam.

Như những người dân yêu Huế khác, tôi thường lang thang ngang dọc thành phố. Có một chiều đầu xuân bơi thuyền trên sông Hương, khi trôi qua đoạn trước mặt kinh thành, tôi bất chợt nhận ra tính cố hữu lâu nay ngự trị trong tư duy sâu thẳm của mình, tôi e rằng khó chấp nhận nhưng không thể xếp Huế là thành phố loại nào như kiểu các thành phố khác của Việt Nam. Mà Huế phải được nhìn nhận theo một tư duy hướng khác, là một thành phố lớn đặc biệt theo kiểu đặc biệt. Bởi quá khứ, lịch sử đã tạo ra cho Huế những giá trị văn hóa vĩnh hằng: Huế vừa cổ kính rêu phong vừa sáng rạng hiện đại, vừa mang triết lý phương Đông vừa chuyển tải tư tưởng phương Tây. Huế có nhiều trường đại học, cao đẳng, công lập và dân lập, với cả trường Phật học hệ cao cấp; lại có nhiều trung tâm khoa học, y học mang tầm quốc gia, với cả hàng trăm ngôi chùa tiêu biểu của Phật giáo Bắc tông và Nguyên thủy, với hàng chục nhà thờ nổi tiếng của người theo đạo Ki tô. Nửa thành phố phía nam sông Hương là thành phố trẻ, thời Pháp chiếm gọi là khu phố mới, hay khu phố Tây. Phía bắc sông Hương là thành phố cổ, với thành quách rêu phong, đền đài, cung điện, đình đàn, Quốc Tử giám, Quốc Sử quán, Cơ Mật viện, Bảo tàng Cổ vật, lầu Tàng Thư, hồ Tịnh Tâm… của kinh đô xưa. Khu vực Đại Nội - Tử Cấm thành là nơi ở của nhà vua, người nước ngoài đến Huế chỉ vào đấy mà gọi là “thành phố trong thành phố”. Vùng phụ cận, nhà vườn san sát, cây trái sum sê, nhiều đêm vẫn nghe rõ tiếng gà cầm canh xen lẫn tiếng chuông chùa gọi sáng. Huế là thành phố có nhiều sông ngòi, chùa chiền, am điện, với nhiều loại hình lễ hội cung đình và dân gian. Huế có cảng cổ Thanh Hà, phố xưa Bao Vinh thời các chúa, lại có khu phố cổ Gia Hội, Chi Lăng thời các vua. Phố ấy xưa là phố buôn với những dãy nhà chạy dài xuôi theo sông Hương thường gọi các hàng (chữ hàng đồng nghĩa với loại hàng hóa buôn bán tại đây). Là thành phố nhưng bản chất đô thị Huế gần gũi thôn quê, có nhiều phủ đệ, nhà thờ xen giữa những ngôi làng cây xanh hoa trái. Huế chất chứa trong mình sức sống mãnh liệt từ cội nguồn của nhiều thành tố văn hóa, để làm nên một diện mạo đặc sắc của một tiểu vùng được gọi bằng cái tên: Văn hóa Huế!

Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế vốn được thiên nhiên biệt đãi về cảnh quan và địa cuộc phong thủy; đồi núi nối nhau như rồng cuộn hổ ngồi cùng chầu về tận đồng bằng. Sông Hương, con sông biên viễn, con sông tình yêu, con sông định mệnh, con  sông  thi ca, con sông thiền đạo uốn mình qua ghềnh thác mà vẫn tải nặng phù sa văn hóa tâm linh chảy vào giữa lòng thành phố. Chính nhờ chiều sâu ấy mà khuôn mặt vốn đã diệu kỳ của kiến trúc Kinh thành Huế lại càng kỳ diệu hơn. Và tôi nghĩ rằng, chỉ bằng ấy thôi Huế cũng đủ “tiêu chí” là một thành phố lớn, đặc biệt rồi. Sở dĩ đặc biệt vì nó hiện hữu nhiều đặc trưng, tuy không đồ sộ, ồn ào theo kiểu của anh chàng khổng lồ, to khỏe mà ngây ngô, nhưng cái gì cũng có, cũng chất chứa sâu thẳm của văn hóa và lịch sử. Nhiều nhà nghiên cứu cả trong và ngoài nước đã khẳng định, không chỗ nào trên đất Huế mà không có dấu ấn văn hóa học, thậm chí nhiều tầng văn hóa trên một không gian, trên một bình diện hẹp. Huế vừa cũ lại vừa mới, vừa cổ lại vừa tân, vừa truyền thống vừa hiện đại luôn được nối tiếp nhau mãi.

Huế mang trên mình Cố đô Đại Việt, đồng thời cũng cõng luôn vị trí kinh đô Phật giáo Việt Nam. Đây thật sự là kinh đô Phật giáo thứ hai sau Yên Tử. Huế gánh trên đôi vai gầy sứ mệnh một khối di sản văn hóa dân tộc trước khi nhân loại xếp thêm cho Huế là Di sản văn hóa thế giới. Huế đã, đang và sẽ là thành phố đặc trưng của lễ hội bốn mùa - thành phố festival văn hóa của Việt Nam. Mà đã như thế, hiển nhiên Huế phải được hưởng một quy chế đặc biệt của một thành phố đặc biệt, kiểu như cố đô Kyôtô Nhật Bản, Chiềng Mai của Thái Lan. Nói cách khác, muốn khai thác, phát triển Huế trong hướng bảo tồn thì rất cần có một chính sách quy hoạch kiến trúc đặc biệt, xuất phát từ cách nhìn đặc biệt.

Đầu thế kỷ hai mươi, khi khảo luận văn chương lạm bàn về Huế, nhà văn hóa Phan Kế Bính cho rằng, núi sông, ghềnh thác, biển cả, mây bay, gió thoảng, cầu vồng mọc, sao băng, sấm chớp, sóng nước nhấp nhô, thậm chí là cả giông tố, bão lũ… đều là văn chương của Trời Đất; còn như đền đài, cung điện, triều miếu, lầu son gác tía xưa nay, hay như nhà ga, bến cảng, khách sạn, trường học, bệnh viện cho đến sân khấu, hý trường cũng đều là văn chương chữ nghĩa, đạo lý của con người; chứ không riêng gì tác phẩm văn chương thi phú, văn hóa nghệ thuật được thể hiện ở trình độ văn minh của từng đoản kỳ được sáng tạo, biên khảo của từng thế hệ văn nhân, tài tử mới là văn chương nghệ thuật. Mà nói đến văn chương, ai cũng biết rằng văn là vẻ đẹp của tâm hồn, là chiều sâu của tuệ nhãn; chương là ánh sáng lung linh phát ra từ cảm xúc trái tim con người làm tăng thêm mỹ diệu cuộc sống. Từ đấy, người xưa cho rằng: có văn vật, văn chương nghệ thuật, mới có văn hiến thiên niên quốc.

Với Huế, tất cả dường như sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa Thiên Nhiên - Trời Đất - Con Người là đồng tác giả của tác phẩm tổng thể kiến trúc thành phố, trong đó vượt lên là kiến trúc Kinh thành Huế, nó vừa kỳ vỹ vừa tuyệt mỹ lại vừa đặc biệt để làm nên “Bài thơ đô thị Huế” hôm nay.

Dân gian thường nói: “Hữu xạ tự nhiên hương”, cố nhiên con người là chủ thể phải quyết định lấy, để Huế có vị thế vững bền trong ý niệm cũng như hiện hữu. Tục ngữ có câu: “Thà có một hơn là hai sẽ có”. Mà Huế   đã có những năm: Quần thể di tích Cố đô; Nhã nhạc cung đình; Mộc bản triều Nguyễn; Châu bản triều Nguyễn; Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế Nghệ thuật Bài chòi dân gian đều trở thành kiệt tác văn hóa của nhân loại. Chắc chắn trong tương lai gần Huế còn nhiều di sản sẽ được thế giới ngưỡng mộ tôn vinh công nhận. Và tuyệt diệu hơn, thi vị hơn khi sông Hương, “con sông dùng dằng con sông không chảy”, con sông báu vật vô giá Việt Nam cũng trở thành tác phẩm nghệ thuật tạo hóa có giá trị vượt trội toàn cầu. Vậy thì, Huế lại có những giá trị văn hóa nhiều hơn!

Chiến tranh đã lùi xa và Huế cũng đã trải qua thời kỳ “thành phố quan lại, thành phố hoang tàn”, Huế đang chuyển mình hội nhập với thế giới để vươn lên trở thành một đô thị văn hóa đặc trưng, một thành phố cổ kính đặc biệt và thật sự hiện đại của Việt Nam.

Và những gì mảnh đất này đem lại giá trị cho văn hóa Huế - văn hóa Việt Nam, giúp tôi đôi lần mông muội mà nghĩ rằng, đó mới là phong hóa, là nhân văn, là chiều sâu của con người Thuận Hóa - Phú Xuân, của người dân xứ Huế từ muôn đời nay.

Ngoài kia biển cạn núi đồi bầu trời xanh và con sông Thời Gian cứ lẳng lặng trôi mãi để có một ngày bình yên tôi quay mình ngoái lại, bên triền sông “dùng dằng” ngày mới đang lên…

P.H
(TCSH406/12-2022)

 

 

Các bài mới
Tuyết (18/01/2023)
Các bài đã đăng
(12/01/2023)
Tự cảm (12/01/2023)