Tạp chí Sông Hương - Số 408 (T.02-23)
Một đặc trưng của bài thơ 'Chợ tết' của Đoàn Văn Cừ: Trào tiếu dân gian
16:41 | 19/01/2023

LÊ THANH NGA

Châu Âu - một không gian văn hóa mà nền dân chủ phát triển trước nhất trong lịch sử nhân loại - ngay từ thời trung cổ đã là trung tâm của lễ hội Carnaval (tiếng Việt: lễ hội giả trang).

Một đặc trưng của bài thơ 'Chợ tết' của Đoàn Văn Cừ: Trào tiếu dân gian
Ảnh: tư liệu

M.Bakhtin (1895 - 1975) đã nhận ra ở trong đó hàm chứa những đặc trưng cơ bản của văn hóa trào tiếu dân gian thời Trung cổ và Phục Hưng: “Chính Carnaval, với toàn bộ hệ thống phức tạp và biểu tượng của nó, là biểu hiện đầy đủ và thuần túy nhất của văn hóa trào tiếu dân gian”1. Nhưng điều quan trọng là Bakhtin không chỉ đơn thuần nhìn thấy tinh thần này như một mã văn hóa riêng có của hiện tượng, mà tác giả còn gửi gắm vào thuật ngữ hàm ý chỉ một nguyên tắc thế giới quan, một đặc tính mang diện rộng của văn hóa và là một công cụ nghiên cứu thi pháp học văn hóa.

Theo quan niệm của Bakhtin, văn hóa trào tiếu dân gian chính là cội nguồn của văn hóa Carnaval - một nền văn hóa dường như đã trải qua rất nhiều thế kỷ chấp nhận thân phận ngoại biên mặc lòng nó chính là một bộ phận quan trọng cấu thành, khiêu khích, tạo những xung đột để/và thúc đẩy sự phát triển của lịch sử loài người. Bakhtin đã chỉ ra, trong cuốn Sáng tác của François Rabelais và nền văn hóa dân gian Trung cổ và Phục Hưng, rằng văn hóa thống trị của nhà nước thần quyền với văn hóa trào tiếu dân gian luôn là hai thế lực đối lập. Khi nghiên cứu các lễ hội dân gian để chỉ xuất phẩm chất trào tiếu của chúng, Bakhtin đã loại ra ngoài các lễ hội chính thống do chính quyền tổ chức, chỉ tập trung chủ yếu vào các lễ hội dân gian với các đặc trưng cơ bản là không khí vui vẻ tự do trong đó hàm chứa khát vọng “lộn trái” những gì thuộc về tính nghiêm túc nghi lễ mang tính chất hành chính chính thống. Ở đó, người ta giải phóng mình hoàn toàn khỏi những nguyên tắc, trật tự mang tính giáo điều… Phan Trọng Hoàng Linh đã khái quát tinh thần này trong ba điểm cơ bản: 1. Vào thời Trung cổ, phần lớn các thời gian trong năm, nền văn hóa trào tiếu dân gian luôn bị mặc định ở khu vực ngoại biên của đời sống văn hóa; 2. Thời điểm lễ hội (dân gian) là khoảng thời gian duy nhất trong năm văn hóa trào tiếu được chiếm vị trí trung tâm; 3. Thời gian lễ hội tạo ra một không gian sinh tồn khác, mà khi con người được bước vào, họ được giải phóng khỏi mọi quy phạm, chuẩn mực văn hóa thường ngày; do đó, lễ hội Carnaval là loại thời - không gian mang tính tự do, tính phi chính thống và tính phi lý tưởng/không tưởng2.

Đoàn Văn Cừ sinh ở một vùng nông thôn miền Bắc, trong một gia đình nông dân. Nghĩa là không gian xuất thân, sinh tồn ở cái thời hình thành nhân cách của nhà thơ chủ yếu thuộc phạm vi văn hóa ngoại biên ở một xứ sở mà nghìn năm trước đó, trung tâm là chỗ độc bá của nền tảng tư tưởng Nho giáo cùng bộ máy hành chính và hệ thống các quan niệm, lối ứng xử xuất phát từ tư tưởng ấy…. Nông thôn Việt Nam với tính độc lập cao hẳn nhiên vẫn có một không gian tồn tại riêng với những đặc trưng riêng, bởi về cơ bản nó không chịu đựng một cách triệt để sự câu thúc, chi phối của hệ tư tưởng chính thống, nhất là khi người ta thoát khỏi các quan hệ trong không gian đóng (kiểu quan hệ gia đình, họ hàng) để tồn tại trong một không gian mở (không gian vui chơi, không gian lao động). Không phải tự nhiên mà trong kho tàng sáng tác của nhân dân lao động, chiếm một phần rất lớn là các sáng tác về nghề, trong đó không ít tác phẩm mang phong vị trào tiếu duyên dáng. Đọc các tài liệu nghiên cứu văn hóa, chúng ta có thể thấy, dường như ở miền bắc Việt Nam, nơi tư tưởng Nho giáo với những quy phạm ứng xử chặt chẽ nhiều khi đến nghiệt ngã với thiên hướng luôn nặng nề về hành chính trong tính hà khắc chính trị, các lễ hội dân gian lại xuất hiện khá nhiều như là nỗ lực chống lại quyền lực của nhà nước.3 Ngoài các ghi chép văn hóa, cũng có thể thấy các lễ hội này được nhắc đến trong một số tác phẩm văn học gần đây (Con gái Thủy thần của Nguyễn Huy Thiệp, Giàn thiêu của Võ Thị Hảo, Trần Khánh Dư của Lưu Sơn Minh…).

Sinh ra trong không gian văn hóa nông thôn, với căn cốt nông dân, một cách tự nhiên, Đoàn Văn Cừ, trong thơ, thường thể hiện con người gắn với làng xã, như một cách thể hiện căn cốt, tình yêu và niềm hoài niệm những giá trị truyền thống trước nguy cơ chiến thắng của đô thị. Tất nhiên, đây không chỉ là câu chuyện của riêng tác giả mà là câu chuyện của cả một thế hệ. Hình ảnh nông thôn đẹp một cách u buồn từng xuất hiện trong thơ Nguyễn Bính, Quách Tấn, Huy Cận, Hàn Mặc Tử… Đành rằng mỗi nhà thơ, nhất là các nhà thơ lãng mạn Việt Nam giai đoạn 1932 - 1945, có một phong cách riêng. Nhưng Đoàn Văn Cừ, trong số các tác giả viết “chuyên” hoặc không “chuyên” về nông thôn, là trường hợp khá đặc biệt. Nông thôn, làng quê xuất hiện trong thơ ông không chỉ có cái u buồn như một nét đặc trưng hồn cốt của người Việt, mà còn nhiều phần tươi vui bởi cái sinh động của sự sống nông thôn diễn ra hằng ngày, thân thiết và giản dị trên tinh thần cộng đồng làng xóm. Và bởi thế, hầu như ở bài thơ nào của ông viết về đề tài này ở giai đoạn 1932 - 1945 đều mang ít nhiều âm hưởng của lễ hội.

Với người Việt (xưa kia), tết là dịp nông nhàn. Ở đó có một quãng thời gian đủ để người ta đắm mình trong không khí vui tươi bởi muôn kiểu hội hè, ăn chơi sau một năm lao động cực nhọc. Câu “tháng giêng là tháng ăn chơi” hàm chứa một thông điệp về tính mùa của lễ hội. Cuộc sống hiện đại với sự cải tiến hạt giống và kỹ thuật canh tác, nhu cầu phát triển đã thu lại thời gian ăn chơi chỉ trong vài ngày tết, với ít hội hè, ít trò vui dân gian hơn, nhưng những ký ức về những cuộc ăn chơi truyền thống vẫn được bảo lưu trong những tài liệu, tác phẩm văn hóa, văn học dân gian và ký ức người già. Hai chữ “chợ tết” vì thế trước hết gợi lên một thời gian đậm màu sắc lễ hội. Mặt khác, hai chữ “chợ tết” xướng lên một tinh thần đối thoại giữa cái trang nghiêm và cái bỗ bã, cợt nhả. Nếu “tết” gợi một ý thành kính, thiêng liêng thì “chợ” lại gợi một ý mang hàm nghĩa giải thành kính, giải thiêng. Nếu tết là nơi để người ta sống trong những quy tắc, lề luật, nặng về phần lễ, thì chợ lại là nơi tự do mà chất tự do ấy thể hiện một cách đầy đủ nhất trong câu “thuận mua vừa bán”. (Ngoài ra, cần chú ý là trong con mắt dân gian, những gì thuộc về phần tự do, hỗn độn, vô lối thường được ví với “cái chợ”: lớp học ồn ào như cái chợ, ba người đàn bà với con vịt là thành chợ…). Ở đây chúng tôi muốn lưu ý thêm là dường như Đoàn Văn Cừ rất thích quan tâm đến không gian hội hè và phong tục nông thôn. Thơ ông tràn ngập những chi tiết, hình ảnh, sự kiện như thế này: chợ tết hội làng, đám hỏi đám tang, ngày mùa, năm mới, chợ làng mùa xuân…

Không gian chợ tết trong bài thơ của Đoàn Văn Cừ trước hết tạo ra một “địa bàn” sống khác cho con người. Ở đó người ta có những thời khắc thoát khỏi những ràng buộc luật tục như chúng tôi vừa kể trên, để được sống là mình trong cái hồn nhiên, tự nhiên đã bị tước đoạt trong những ngày thường của năm. Bởi thế mà gây ấn tượng trong bài thơ trước hết là kiểu không gian tươi vui với xu thế phổ biến những sắc màu gam nóng và mang đặc trưng của tết trong đó màu đỏ, vàng, nâu, là màu sắc chủ đạo với 17 lần xuất hiện (trong đó 12 lần màu đỏ, son, nâu) so với 5 lần của màu trắng và 4 lần của màu xanh (nếu tính cả hình ảnh “cỏ”, “lá” được nhắc đến). Gam màu nóng ấy không xuất hiện đơn độc mà cùng với nó là gam màu trầm, lạnh cũng xuất hiện tạo nên một thế giới hô ứng rộn rã cảm xúc thị giác. Điều này gợi lên thứ sắc màu rộn rã tự do của các hình ảnh hóa trang trong lễ hội mo nang của người Việt hoặc lễ hội Carnaval Âu châu.

Và trên thảm màu sắc rộn rã ấy là sự sinh hoạt của con người. Có cảm giác ở đây mọi người đều tất tả, nhưng trong sự tất tả ấy không hề gợi một ý niệm về sự vội vã của những ngày tất bật lo chuyện áo cơm và dè chừng các mối quan hệ, mà là niềm vội vã hoan lạc. Đấy là một thế giới vận động không ngừng với mỗi người một hành động theo chính nhu cầu, sở thích, mục đích của mình trong trạng thái chan hòa có phần mặc kệ, không phân biệt tuổi tác, giới tính, đẳng cấp. Và điều đáng nói là với mỗi hành động như thế, cái “tôi” của mỗi người đều được bộc lộ một cách chân thực: “Thằng cu áo đỏ” thì “chạy lon xon” đúng tâm lý trẻ thơ được ra chợ tết, “cụ đồ nho”, một cách điệu đà thường thấy, “dừng lại vuốt râu cằm” để “miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ”; “cô yếm thắm” “che môi cười lặng lẽ” - một kiểu làm duyên thôn nữ, mấy cô gái chắc là nghe hay nhìn thấy điều gì khiến nét yểu điệu thục nữ bay mất, “ôm nhau cười rũ rượi” “cạnh anh chàng bán pháo dưới gốc đa”… Không chỉ con người, tất cả các sự vật, hiện tượng xuất hiện trong tác phẩm đều trong tư thế vận động: “dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi”, “sương hồng lam ôm ấp nóc nhà gianh”, “Sương trắng rỏ đầu cành như giọt sữa”, “tia nắng tía nháy hoài trên ruộng lúa”, “Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh”…

Trong thế giới vui nhộn này, Đoàn Văn Cừ, bằng cảm hứng trào tiếu, đã mở ra một kênh giao tiếp khác với người đọc, đó là sự giao tiếp trên phạm trù cái hài. Rất sinh động, rất chân thật bằng cái nhìn của một thi sĩ xuất thân làng xã, tác giả đã nhìn thấy trong hình ảnh những người bán lợn tính chất lễ hội, như một cuộc đua, vội vã mà tươi vui, và phía sau là “người bạn” đang như chạy tiếp sức cho họ, trong cái xôn xao của không khí chung:

Họ vui vẻ kéo đoàn trên cỏ biếc
Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon
Vài cụ già chống gậy bước lom khom
Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ
Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ
Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu
Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau

Cảm hứng trào tiếu ấy được tiếp tục trong những miêu tả ngộ nghĩnh về thế giới, kiểu “lột truồng” bản chất của sự vật và con người. Nếu hành động “che môi cười lặng lẽ” của cô yếm thắm là một hành động giả trang, thì cái “cười rũ rượi” của mấy cô gái cạnh anh chàng bán pháo dưới gốc đa chính là một cú “lộn trái” để “bóc trần” bản chất; hoặc việc một người mua “cầm cẳng” “dốc” con gà lên xem cũng là một cái nhìn thẳng vào cái thô, có phần thô bạo của những người dân nông thôn miền Bắc. Cùng với đó, sự liên tưởng cái mào thâm của con gà trống với cục tiết là một kiểu so sánh thành thực đến quê mùa.

Sẽ dễ dàng nhận ra hơn cảm hứng trào tiếu trong bài thơ nếu đặt các biểu hiện không gian trong các mối liên hệ để nhận ra, tính chất vận động của thế giới chợ tết được nhấn mạnh một phần do sự đối lập các thành phần trong thế giới ấy. Đó là đối lập giữa cái cung đình và cái bình dân, cái nghiêm trang với cái hài hước, cái duyên dáng và cái kém duyên: Cô yếm thắm e lệ, duyên dáng, người già nghiêm nghị với hai người thôn “gánh lợn chạy đi đầu”, với con bò vàng ngộ nghĩnh, cụ đồ nho vuốt râu cằm, đọc câu đối đỏ với mấy cô gái ôm nhau cười rũ rượi… Trong đó có những hình ảnh đối lập thật sự sinh động:

Con trâu đứng vờ dim hai mắt ngủ
Để lắng nghe người khách nói bô bô

Trâu là một “nhân vật” khá quan trọng đối với nền kinh tế lúa nước, nhiều khi là nhân vật trung tâm, tham gia vào chuỗi phân công lao động: “chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa”, nhưng trâu cũng là nhân vật hài hước: đàn gảy tai trâu, cười như trâu, trâu cười đến gãy cả hàm răng khi trâu cười trong Trí khôn tao đây… Nói bô bô là một biểu hiện khá vô duyên, đây chắc là một vị khách đang phe hàng. Bô bô là kiểu nói liến thoắng, nói lấy được, không cần quan tâm đến thái độ người nghe và thậm chí người nói nhiều khi không cần quan tâm đến nội dung phát ngôn. Hình ảnh nhân hóa con trâu đứng vờ dim hai mắt ngủ để lắng nghe người khách nói bô bô hàm một ý vị bỡn cợt thâm thúy. Và, nếu nói trào tiếu dân gian có thể “lộn trái” những gì thuộc về tính nghiêm túc nghi lễ mang tính chất hành chính chính thống thì hình ảnh sau đây chính là sự “lộn trái” ấy:

Áo cụ lý bị người chen sấn kéo
Khăn trên đầu đương chít cũng tung ra

Chuyện cũ kể rằng trong một trại gồm có các phạm nhân đi đày ở Côn Luân, một tên cai chỉ vào từng người với một câu hỏi: “trước kia mày làm gì?” Một sĩ phu đáp: “Tiến sĩ”. Tên cai: “Tiến sĩ thì một roi này”, và hắn quất một roi. Người tiếp theo là lý trưởng, ngay lập tức tên cai thụp xuống: “Lạy ông Lý ạ”. Thêm nữa, với hình ảnh được miêu tả trong văn chương, các “ông lý”, “cụ lý” thực sự là một thứ quyền lực. Tuy nhiên, ở trong cái chợ tết này, với sự “sấn kéo” của người đi chợ, cụ lý bỗng trở nên nhếch nhác, hài hước và có phần lố bịch.

Có thể thấy, đọc Chợ tết, thoạt tiên, người ta có thể bị mê dẫn bởi không khí lễ hội trữ tình tươi vui với một thế giới sắc màu biết nhảy múa. Và người ta có thể thấy, bên cạnh cái nhìn tươi vui, chủ thể trữ tình còn mang một chút tâm trạng u buồn, và có thể là một chút bâng khuâng khi dự cảm được những nét tươi vui ấy sẽ mai một trong một tương lai nào đó, khi nền văn minh phương Tây đang xâm chiếm và lấn át dần không gian văn hóa Việt, với hình ảnh khép lại bài thơ: “Ánh dương vàng trên cỏ kéo lê thê/ Lá đa rụng tơi bời quanh quán chợ”. Tuy nhiên, cùng với chất trữ tình tươi vui với nỗi bâng khuâng buồn ấy, không thể không nhìn thấy trào tiếu dân gian chính là một cảm hứng quan trọng làm nên một nét đặc trưng của bài thơ.

L.T.N
(TCSH408/02-2023)

--------------------------
1 Bakhtin.M (2006), Sáng tác của François Rabelais và nền văn hóa dân gian Trung cổ và Phục Hưng. (Từ Thị Loan dịch). Hà Nội: Khoa học xã hội, tr.138.
2 Phan Trọng Hoàng Linh (2018), “Nguyên lí carnaval trong thi pháp học của Mikhail Bakhtin”, Tạp chí khoa học, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.
3 Trong các lễ hội này, có kiểu lễ hội mang đậm đặc điểm của không gian luyến ái, ái dục tự do (như Hội Lim ở Bắc Ninh, nhất là lễ hội linh tinh tình phộc ở Phú Thọ…).

 

 

Các bài mới
Bức tranh thêu (16/03/2023)
Huế ru (10/03/2023)
Về nhà đi (10/03/2023)
Các bài đã đăng