Tạp chí Sông Hương - Số 408 (T.02-23)
Hội chợ Huế năm 1938 và 1939 qua một số tư liệu đương thời
10:25 | 02/03/2023


ĐỖ MINH ĐIỀN

Hội chợ Huế năm 1938 và 1939 qua một số tư liệu đương thời
Tranh cổ động hội chợ Huế năm 1938

1. Lời dẫn

Hội chợ (hay còn gọi là đấu xảo) là hoạt động trưng bày và giới thiệu sản phẩm, được tổ chức cố định tại một địa điểm và diễn ra trong khoảng thời gian nhất định. Thoạt tiên các kỳ đấu xảo diễn ra tại Hà Nội hay Sài Gòn ra đời trên cơ sở đề xuất của các quan chức người Pháp, nhằm phô trương thành tích trong công cuộc khai hóa thuộc địa.

Theo phân cấp về quy mô, tính chất của hội chợ, hội chợ Huế (Foire de Hué) mang tầm quốc gia được chính quyền Nam triều và Khâm sứ Trung Kỳ tổ chức lần thứ nhất bắt đầu từ ngày mồng 1 đến ngày 8 tháng 3 năm 19361 và hội chợ lần hai diễn ra từ 28 tháng 3 đến ngày 6 tháng 4 năm 1937. Tuy nhiên trước đó một số hội chợ chuyên biệt nhỏ lẻ về canh nông, mỹ nghệ, mỹ thuật do các nhóm, hội lần lượt được tổ chức tại Huế.

Vào tháng 12 năm 1931, kỳ “đấu xảo mỹ nghệ” do hội Nữ công Huế đăng cai chính thức khai hội, được đánh giá thành công và gây tiếng vang rất lớn. Khoảng tháng 9 năm 1932, tại địa điểm Tòa Khâm diễn ra cuộc “Đấu xảo tranh vẽ” với sự góp mặt của rất nhiều danh họa như Mai Trung Thứ, Georges Khánh, Phi Long, Phi Hùng, Mộng Hoa (ba anh em ruột)2. Sau đó, vào ngày 26/01/1935, hội chợ Nông công (thi súc vật tại hội S.E.P.S.H của sở Thú y Trung Kỳ và cuộc thi hoa quả của sở Canh nông tại chợ Đông Ba) được tổ chức tại khuôn viên Viện Dân biểu. Đây là hội chợ có quy mô khá lớn, với tất cả 121 gian hàng bằng lá (mỗi gian có chiều dài 3,5m, rộng 3m, bộ Công chịu trách nhiệm thiết kế và thi công), quy tụ rất nhiều trâu, bò từ các tỉnh miền Trung: Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị về tham dự.

Trong bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu đôi nét về diễn biến chương trình của hai kỳ hội chợ được tổ chức vào năm 1938, 1939. Qua đó hy vọng tái hiện phần nào bức tranh đời sống văn hóa, kinh tế, xã hội thông qua hai sự kiện thương mại khá đặc sắc, tuy chỉ mới diễn ra cách đây gần 85 năm, song ít nhiều đã phai nhạt trong ký ức của rất nhiều người dân xứ Huế.

2. Về hai kỳ hội chợ tại Huế trước năm 1945

2.1. Hội chợ Huế năm 1938

Việc ấn định thời gian tổ chức hội chợ là kết quả của sự thống nhất đến từ đại diện chính quyền Nam triều và Khâm sứ Trung Kỳ sau nhiều lần tiến hành trao đổi, thảo luận. Nội dung chương trình hội chợ tại Huế sau đó sẽ được rất nhiều tờ báo bấy giờ cho đăng tải nhiều kỳ, hoặc được ấn hành dưới dạng các tập sách mỏng, kêu gọi sự tham gia của các thương nhân, hiệu buôn trong cả nước, đồng thời thông báo đến tất cả người dân toàn bộ kế hoạch tổ chức hội chợ.

Hội chợ lần thứ ba (3ème Foire de Hué) diễn ra từ ngày 15 tháng 4 và kéo dài đến ngày 24 tháng 4 năm 1938, nhưng trước đó hơn 3 tháng tất cả những thông tin liên quan được báo Tràng An cập nhật liên tục trên các số báo ra hàng ngày.

Chương trình hội chợ Huế năm 1938


Theo những thông tin của báo chí lúc bấy giờ, lễ khai mạc hội chợ Huế kỳ ba có sự tham dự của Hoàng đế Bảo Đại, Nam Phương Hoàng hậu, Khâm sứ Graffeuil và đông đảo quan lại cấp cao của chính quyền Nam triều: Tôn Thất Hân, Phạm Quỳnh, Thái Văn Toản, Hồ Đắc Khải, Bùi Bằng Đoàn, Tôn Thất Quảng, Nguyễn Khoa Kỳ, Bửu Thạch, Nguyễn Tiến Lãng, Lê Quang Thiết, Ưng Úy (Tổng đốc Nghệ An), Hồ Đắc Ứng (Tuần vũ Khánh Hòa), Võ Chuẩn (Tuần vũ Quảng Bình), Trương Xuân Mai (Bố chánh Nghệ An), Hà Văn Lan (Quản đạo Kontum), Lưu Đức Vinh (Quản đạo Buôn Mê Thuột).

Với hơn 145 gian hàng được thiết kế và bố trí ngăn nắp, hội chợ Huế với sự hiện diện của các hiệu buôn đến từ xứ sở triệu Voi (Lào), Sài Gòn, các tỉnh ở miền Bắc (Hà Đông, Hà Nội, Nam Định) và các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kontum. Mang đến hội chợ kỳ này bên cạnh các mặt hàng nhập khẩu cao cấp, phải kể đến các sản vật đặc trưng ở các tỉnh thành và đặc biệt là các mặt hàng thủ công truyền thống như đồ hàng sơn, khảm xà cừ, chạm gỗ, thêu lụa, khảm kim loại (Hà Nội, Nam Định, Hà Đông); đồ thêu, đệm võng (Thanh Hóa); đá chạm, chè, chiếu cói, sáp ong, mây tre đan, nước mắm, hoa giấy, tượng thờ (Nghệ An); lụa, liễn chiếu tre đan, salon bằng gụ, chuối khô (Hà Tĩnh); tiêu trắng, tiêu đen (Quảng Trị); đồ sành, vải khăn lau mặt (Quảng Ngãi); lưới quần vợt, nệm, nước mắm (Bình Định); đồ tạo từ gỗ dừa (Phú Yên); chiếu đệm, da beo và chồn (Khánh Hòa); đệm Chàm (Ninh Thuận); nước mắm (Bình Thuận); cà phê, chuối mật (Kontum), vải dệt (Lào)…

Tổng kết hội chợ, Ban Tổ chức đã trao các giải thưởng (Hors concours, Huy chương vàng, Huy chương bạc lớn, Huy chương bạc, Huy chương đồng) cho các thương gia người Việt tham gia hội chợ. Đối với hiệu buôn kinh doanh tại Huế, hãng Viễn Đệ5 được tặng “Hors concours” dành cho sản phẩm dầu Khuynh Diệp. Huy chương vàng thì có Tôn Nữ Viết Khâm chuyên các loại thuốc bào chế, Nguyễn Đại Thưởng (ảnh chụp), Tôn Thất Đào (tranh vẽ sơn), Tôn Thất Dung (ảnh chụp), Bảo Trác (đá chạm), Lê Văn Liêm (đồ gỗ), Nguyễn Hữu Tường (đồ trang sức), Lương Quang Duyệt (tranh vẽ), Từ Khánh Anh (đồ bằng đá). Ngoài ra, hiệu Tân Đạt được thưởng Bội tinh bạc, Trần Lê: Bội tinh đồng, bánh tráng; Trương Đình Thung: Bội tinh đồng, tượng bằng đất sét; Village Phò Trạch: Bội tinh đồng, đệm và chiếu; Bùi Xuân Quan: Bội tinh đồng, gạch ngói; Nguyễn Hữu Mai: Bội tinh đồng; Ecole Ménagère Hoàng Thị Ninh: Bội tinh đồng, đồ thêu; Nguyễn Thị Hoa: Bội tinh đồng, mứt bánh; Lê Hữu Mãi: Bội tinh đồng, mứt bánh6.

2.2. Hội chợ Huế năm 1939

Kỳ hội chợ lần thứ tư được tổ chức tại Huế (4ème Foire de Hué) chính thức khai mạc vào ngày 10 tháng 4 năm 1939 và kéo dài đến ngày 23 tháng 4 năm 1939. Như thông lệ thường kỳ, hội chợ Huế năm 1939 bao gồm các chương trình thuộc Khánh hội (Journée de gala) và Dạ hội (Soirée de gala), được tổ chức liên tục từ buổi sáng đến gần 23 giờ đêm, với hơn 100 chương trình khác nhau, như triển lãm hàng hóa, ca múa nhạc: hòa nhạc (concert musical), khiêu vũ (dancing) và thi đấu thể thao, như: quần vợt (tennis), bóng tròn (football), đua thuyền (régates), bóng rổ (basket ball), đi dạo bằng máy bay (baptême de l’air)… Đặc biệt, hội chợ lần này có ba chương trình khá đặc sắc, đó là lễ tái hiện lễ rước vinh quy bái tổ, nghi thức đám cưới truyền thống và lễ diễn hành các nghi thức rước Sắc thần. Nhưng có lẽ tiết mục cuốn hút, hấp dẫn và để lại dấu ấn sâu đậm nhất trong lòng khán giả tham gia hội chợ đó chính là cuộc hò “hát ân tình giã gạo”. Xúc cảm sau khi tham gia cuộc vui này, cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị trong bài thơ “Vài vần thơ về cuộc hò giã gạo tại Hội chợ Huế” đã viết:

Cũng đào cũng kép cũng xinh xinh,
Điệu hát hò khoan của nước mình.
Không mợt áo xiêm trò ổi lỗi,
Chẳng màng son phấn dạng văn minh.
Trổ đường qua lại câu nhơn nghĩa,
Gây cuộc hơn thua chữ hiếu tình.
Cối gạo chờ xem ai giải nhứt,
Là ngày hội chợ giữa Xuân kinh.

Diễn ra trong gần hai tuần lễ, hội chợ Huế 1939 được xem là kỳ đấu xảo có quy mô lớn nhất, cả về thời gian cũng như số lượng hiệu buôn tham gia. Hội chợ lần thứ tư được tổ chức đúng dịp lễ tế Nam Giao (từ ngày 11/4 đến ngày 14/4/1939, lễ Tế chính thức cử hành lúc 2 giờ sáng ngày 14/4/1939). Cùng thời gian này, vào lúc 5 giờ chiều ngày 15/4/1939, hội Truyền bá chữ Quốc ngữ tổ chức đợt cổ động tại khu đất của hội Thể dục (từ đầu cầu Trường Tiền đến chợ Đông Ba), đường Paul Bert (đường Trần Hưng Đạo hiện nay)7. Ngoài ra, từ Sài Gòn, gánh hát cải lương Tân Phong Cảnh cũng góp mặt với các chương trình biểu diễn tại viện Dân biểu; hội Bắc kỳ Châu phả phối hợp với hội Khai Trí Tiến Đức tổ chức chương trình âm nhạc cải lương.

Về giá vé của hội chợ, theo bảng niêm yết của Ban Tổ chức, ngày Khánh hội (diễn ra từ 8 giờ đến nửa đêm), Dạ hội (từ 17 giờ đến nửa đêm) giá vào cửa 0$10, ngày thường từ 8 giờ đến 23 giờ, giá vào cửa 00$5. Theo thống kê ban đầu, trong tuần đầu diễn ra hội chợ đã có tất cả 90.000 tham dự, trong đó, ngày khai hội thu hút 12.600 lượt khách và đến ngày thứ tư có 22.000 người mua vé vào xem.

Theo tường thuật của các tờ báo ở miền Trung, trước ngày diễn ra lễ khai mạc, con đường từ Ga Huế ngược về Đập Đá ngập tràn sắc màu của các loại băng rôn, bảng quảng cáo. Trong khi đó, làn sóng người từ khắp nơi đổ về hội chợ; “sự qua lại của xe cộ đã đem đến cho thành phố một sự hoạt động ít có”8. Cùng tham gia cuộc vui ngày hôm đó có Hoàng hậu Nam Phương, Đông Cung Hoàng thái tử Bảo Long và viên Công sứ Destenay. Về phía quan lại triều đình, chính quyền bảo hộ có quan Phủ doãn phủ Thừa Thiên Đặng Thành Đôn, Khâm sứ Trung Kỳ Graffeuil, Tôn Thất Hân, Thượng thư bộ Lại Thái Văn Toản, Thượng thư bộ Giáo dục Phạm Quỳnh, Thượng thư bộ Kinh tế Nguyễn Khoa Kỳ, Thượng thư bộ Tư pháp Bùi Bằng Đoàn, Thượng thư bộ Công tác Tôn Thất Quảng, Thượng thư bộ Nghi lễ Bửu Thạch, quan chính sở Liêm phóng Sogny, Nguyễn Tiến Lãng (Thư ký riêng của Hoàng hậu Nam Phương), Ưng Úy (Tổng đốc Thanh Hóa), Hồng Quang Địch (Tổng đốc NghệAn), Nguyễn Phiên (Tổng đốc Bình Định), Hồ Đắc Ứng (Tuần vũ Quảng Ngãi).

Quảng cáo của các hiệu buôn ở hội chợ Huế


Hội chợ Huế năm 1939 quy tụ hơn 150 hiệu buôn lớn nhỏ trong cả nước, với rất nhiều mặt hàng buôn bán khác nhau. Tại Huế, có Nguyễn Quốc Thuận (đường Paul Bert, Huế) bán mũ trắng, khăn bịt; Lê Văn Chân (hiệu Ngọc Chân, số 7 đường Gia Long): bánh kẹo; Lê Văn Chương (hiệu Phúc Thịnh, 143 Paul Bert): tạp hóa; Nguyễn Thị Sen (hiệu Thanh Long, 139 Paul Bert): bánh ngọt; Phạm Văn Tiên (Ngọc Thanh, Bến Ngự): bánh ngọt; Bảo Trác (118 Quai An Cựu): gạch granito; Nguyễn Đông (Hưng Thái Long, 15 Gia Long): mũ, đồ bằng laine; Trần Mậu Hoanh (31 Gia Long): đồ bằng vàng, bạc; Nguyễn Thị Nam (127 Paul Bert): giày, valy; Mộng Hoa (rue de la Citadelle Huế): tranh vẽ; Mme Dân Nhơn: đồ thêu; Nữ công hội Lâm Thị Tuyên (21 Paul Bert): bóng và đồ đóng sách; Nguyễn Hữu Định, Lương Quang Khải: tranh vẽ; Trần Đại Tam (Vỹ Dạ): đồ đóng sách; Tôn Thất Du: bóng; Lưu Đức (74 Quai Gia Hội): gương; Viễn Đệ (11 - 13 Quai de la Susse): dầu thơm nước hoa, dầu Khuynh diệp; Nguyễn Văn Huynh (Ích Lợi, Đông Ba): đồ nữ trang mạ vàng; Nguyễn Văn Tua (107 Paul Bert): nem, rượu; Nguyễn Đình Long (36 rue Gia Long): đồ đồng; Hồ Văn Vĩnh (9 rue Paul Bert): bàn ghế; Mme Trần Kha (Bến Ngự): nem, mè xửng, v.v.

Theo danh sách những người đăng ký bày bán gian hàng, hội chợ năm 1939 với sự góp mặt của các hãng buôn lớn, nhỏ trong Nam (Hà Tiên, Sài Gòn) ngoài Bắc (Hà Nội, Nam Định, Hà Nam, Hà Đông, Hưng Yên) và các tỉnh miền Trung, trưng bày đầy đủ các mặt hàng: đồ thêu, rượu (Sài Gòn); bánh kẹo, đồ đồng, trà Tàu, áo lạnh bằng laine, áo sơ mi, rương, va ly, đồ thêu, gốm sứ (Hà Nội); bàn ghế chạm, đồ chạm sơn, khảm, non bộ, cây cá cảnh, đồ nữ trang bằng vàng bạc và đồi mồi (Nam Định); đồ thêu (Thanh Hóa); rượu dâu (Đồng Hới); dầu Bạc hà (Faifoo/Hội An); chuối ép, bột chuối, thơm ép, mít ép, chuối mật, bánh ngọt, nước mắm, lụa (Quảng Nam); xà phòng, dược phẩm, nước mắm, dầu Bạch hổ, dầu Thiên diệp (Đà Nẵng); xà phòng hiệu Sư tử và chữ Thọ, lụa (Quy Nhơn), v.v.

3. Nhìn lại

Hội chợ Huế trước năm 1945 được Ban Tổ chức khéo léo lồng ghép cùng với chuỗi sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội như lễ Tế Nam Giao, tuần lễ Thể thao, kết hợp với các hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật. Với hàng loạt các sự kiện được tổ chức kéo dài trên một tuần lễ, hội chợ Huế bên cạnh được ấn định tại một địa điểm dành riêng cho việc trưng bày, triển lãm hàng hóa, đó là khuôn viên nằm kế cận viện Dân biểu; thì khu vực chợ Đông Ba, hay sông Hương lại là nơi thường xuyên được lựa chọn tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao. Hội chợ Huế, quy tụ rất nhiều đoàn nghệ thuật, các hiệu buôn, giới thương nhân ở các tỉnh thành trong cả nước, mang lại bầu không khí sôi động, giúp công chúng ở các tỉnh miền Trung có dịp giao lưu, trao đổi hàng hóa, thưởng thức các chương trình giải trí đặc sắc. Đặc biệt, với các chương trình thi đấu: quần vợt, bơi lội, bóng đá, cờ người, thuyền buồm, đua xe đạp, bóng rổ…, hội chợ Huế đã góp phần đưa rất nhiều bộ môn thể thao hiện đại từ phương Tây du nhập về Huế.

Thông qua việc trưng bày các sản vật, thổ sản, sản phẩm nghề truyền thống, như: lụa Hà Đông; mía Triệu Tường (Thanh Hóa); nước mắm ở Cảnh Dương, Lý Hòa (Quảng Bình); tiêu sọ, trầm Cam Lộ, chổi lông Hải Lăng (Quảng Trị); thuốc Cẩm Lệ, nước mắm Nam Ô (Quảng Nam), đường phèn (Quảng Ngãi); dừa Tam Quan (Bình Định); nước mắm (Bình Thuận); cao su, cà phê (Buôn Mê Thuột)…, hội chợ Huế có vai trò rất quan trọng trong việc định vị những nét đặc trưng cơ bản về văn hóa của các vùng miền trong cả nước, từng bước xây dựng thương hiệu cho đặc sản của từng địa phương. Hội chợ Huế nói riêng cũng là một kênh quảng bá du lịch khá hiệu quả. Qua các kỳ hội chợ, người dân có dịp thưởng lãm, chiêm bái các thắng cảnh, cổ tích ở vùng đất Cố đô: tôn lăng nhà Nguyễn, chùa Thiên Mụ, núi Bạch Mã (Huế)…, đồng thời qua hệ thống các gian hàng được trưng bày tại hội chợ, các địa danh nổi tiếng ở miền Trung như: biển Cửa Tùng (Quảng Trị), Hội An (Quảng Nam), biển Nha Trang, tháp Champa ở Phan Rang (Ninh Thuận)… cũng được giới thiệu rộng rãi đến du khách gần xa.

Phụ trương quảng cáo Công ty Viễn Đệ, Huế


Như chúng tôi đã đề cập ở trên, bản chất của việc tổ chức hội chợ dưới thời Pháp thuộc nhằm thể hiện mục đích chính trị hơn là hoạt động xúc tiến thương mại. Tuy nhiên, nghiên cứu hai kỳ hội chợ tại Huế, có thể thấy những nét khác biệt so với một số hội chợ diễn ra trước đó. Mặc dù trên danh nghĩa hội chợ được Khâm sứ Trung Kỳ và chính quyền Nam triều đứng ra tổ chức, song trên thực tế hầu hết những thương nhân tham gia hội chợ là những hiệu buôn, hoặc các công ty kinh doanh của người Việt. Đây là những thành viên có tên trong các tổ chức kinh tế, thương mại, luôn nặng lòng với tiền đồ văn hóa, kinh tế nước nhà. Trong số đó, có không ít người ngoài sự nghiệp kinh doanh, họ còn là những nhà tư sản yêu nước, đã có nhiều sự đóng góp cho cách mạng dân tộc sau này.

Với mục tiêu phát triển kinh tế để “kiến thiết quốc gia”, rất nhiều lần giới thương nhân người Việt công khai chủ đích của mình trên mặt báo. Đi từ luận điểm về sự chia rẽ dân tộc ở ba kỳ (Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ) kể từ khi Pháp chính thức có mặt tại Đông Dương, tác giả bài báo “Muốn mở mang con đường kinh tế kỹ nghệ ở xứ này, đối với hội chợ Huế chỉ nên khuếch trương chứ không nên giảm”, lần lượt đưa ra những đóng góp tích cực của việc tổ chức hội chợ. Trước tiên qua các hội chợ sẽ góp phần “kết tình thân ái của ba kỳ”. Theo đó, kể từ khi vua Gia Long thống nhất sơn hà, “từ chính trị cho đến phong tục thì khắp trong nước như một nhà, không chút gì phân biệt. Đến khi có cuộc bảo hộ, thay đổi chính trị […], thì lòng người chi [làm sao] cho khỏi sinh ra kỳ thị. Nếu không biết tìm phương liên hợp, thì cái tình đồng bào, đồng chủng có lẽ vì đó mà xao lãng dần đi. Nay nhờ có hội chợ Huế thành lập, người Nam kẻ Bắc nhân đó mà gặp gỡ nhau, bắt đầu từ việc phô trương mậu dịch, dần dần đến kết thức giao du rồi nối lại mối tình thân ái. Huế là trung tâm điểm của ba kỳ Nam Việt thì hội chợ là nơi hẹn hò gặp gỡ của hai mươi lăm triệu đồng bào”10.

Poster quảng bá du lịch Việt Nam thời Pháp thuộc


Bỏ qua ý niệm hội chợ được tổ chức như một dịp “mua vui”, thì rất nhiều thương nhân, hiệu buôn khi tham gia các kỳ hội chợ tại Huế lại khẳng định rất rõ mục tiêu: “khuếch trương nội hóa” và “chấn hưng công nghệ”. Xuất phát từ nhận thức giúp người dân phát triển kinh tế, mở mang công nghệ nước nhà, hội chợ là cơ hội thuận lợi nhất để phô bày các sản phẩm vốn là đặc sản riêng có của từng địa phương, từ đó ủng hộ việc phục hồi và duy trì các ngành nghề truyền thống: gốm sứ Hà Đông, chiếu hoa Phát Diệm, lụa Vạn Phúc…, cũng như các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp (gồm sản xuất thực phẩm, vật liệu xây dựng, sản xuất công cụ) như dệt, chế biến chè, mộc mỹ nghệ, bánh trái, kim hoàn, đúc đồng…

Quan đông xe chật đường Gia Hội, Hàng ế đò sưa bến Chợ Dinh”, đó là hai câu thơ ám chỉ về sự kém phát triển của hoạt động kinh tế giao thương buôn bán ở Huế trước năm 1945. Trong hơn một thế kỷ, với tư cách là kinh đô của nước Việt, tuy đảm nhận vị thế trung tâm, nổi tiếng là đô hội “nhưng thật ra là một thành phố nhỏ hẹp, thua Hà Nội, Sài Gòn nhiều”. Vào thời điểm đó, ngoại trừ khu vực phố Trường Tiền, phố Cửa Đông ở bên ngoài quách Kinh thành và tuyến phố Gia Hội, Chợ Dinh bên kia sông Đông Ba là sầm uất hơn cả, còn về “sự sinh hoạt của nhân dân, ngoài lương bổng quan lại sở đắc ra, cách làm ăn vẫn khó khăn chật hẹp”11. Chính vì thế, hội chợ Huế mang lại một lợi ích vô cùng to lớn, là đòn bẩy kích thích thương mại “nhờ đó mà dễ đường tiêu thụ, dân phu nhờ đó mà kiếm cách sinh nhai, giúp ích cho sự sinh hoạt ở Đế đô, không phải là ít”12. Ngoài ra, kể từ khi hội chợ được thành lập, mạng lưới giao thương buôn bán được kết nối rộng rãi, các hiệu buôn người Huế cũng có dịp tiếp cận với phương thức sản xuất và máy móc hiện đại, làm cơ sở cho việc phát triển canh nông, thương mại về sau, góp phần không nhỏ cho sự tăng trưởng kinh tế, xã hội.

Đ.M.Đ
(TCSH408/02-2023)

-------------------------------
1 Xem thêm: Đỗ Minh Điền (2021), “Hội Công thương gia ở Trung Kỳ”, Tạp chí Phát triển Kinh tế, Xã hội Đà Nẵng, số 138, tr: 64 - 67.
2 Hà Thành ngọ báo (1932), "Hoàng thượng đến dự cuộc đấu xảo tranh vẽ tại Tòa Khâm và mua một bức vẽ mỹ nhân giá 200p của họa sĩ Mai Trung Thứ", số 1529, ra ngày 04 tháng 10 năm 1932, tr: 1.
3 Nguyên văn: Stade olympique, Réunion scolaire d’Athlétisme sous la direction du CRIP.
4 3ème Foire de Hué, du 15 au 24 Avril 1938 programme oficiel. Imprimerie du Mirador (Hue), tr: 19, 20, 23, 25, 27.
5 Hãng Viễn Đệ với loại dầu Khuynh Diệp nổi tiếng, đây là hiệu buôn liên tục nhận các giải thưởng cao quý qua các kỳ tham gia hội chợ: Long Bội tinh (1930), Kim khánh hạng nhì và Ngân tiền hạng ba (1931), Danh dự chứng chỉ tại cuộc Đấu xảo Hải Phòng, Ngân tiền hạng nhất trong kỳ Đấu xảo Mỹ nghệ (Huế), Danh dự chứng chỉ (Đấu xảo Khoa học, Hà Nội), Bằng cấp hạng nhất (hội chợ Phụ nữ, Sài Gòn)…
6 Tràng An báo (1938), Hội chợ Huế, các phần thưởng về thương gia An Nam, số 315, ra ngày 26 tháng 4 năm 1938, tr: 4.
7 Báo Đông Pháp (1939), Một cuộc cổ động lớn của hội Truyền bá học chữ Quốc ngữ ở Huế, số 4114, ra ngày 12 tháng 4 năm 1939, tr: 6.
8 Tràng An báo (1939), “Đi xem hội chợ Huế”, số 411, ra ngày 11 Avril 1939, tr: 1.
9 Báo Tràng An (1939), “Hội chợ Huế năm 1939”, số 410, ra ngày 7 Avril 1939, tr: 2,4.
10 Tràng An báo (1939), “Muốn mở mang con đường kinh tế kỹ nghệ ở xứ này, đối với hội chợ Huế chỉ nên khuếch trương chứ không nên giảm”, số 413, ra ngày 21 tháng 4 năm 1939, tr: 1.
11 Tràng An báo (1939), “Muốn mở mang con đường kinh tế kỹ nghệ ở xứ này, đối với hội chợ Huế chỉ nên khuếch trương chứ không nên giảm”, Bđd, tr: 1.
12 Tràng An báo (1939), “Muốn mở mang con đường kinh tế kỹ nghệ ở xứ này, đối với hội chợ Huế chỉ nên khuếch trương chứ không nên giảm”, Bđd, tr: 1.

 

 

Các bài mới
Bức tranh thêu (16/03/2023)
Huế ru (10/03/2023)
Về nhà đi (10/03/2023)
Các bài đã đăng
Bình an con nhé (27/02/2023)
Con mèo (22/01/2023)