Tạp chí Sông Hương - Số 409 (T.03-23)
Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ
09:48 | 06/04/2023

BẠCH DIỆP
         Bút ký

Tôi từng là đứa con nít mê chuyện cổ tích và trò chơi bán đồ hàng. Khi bọn trẻ cùng lứa đánh khăng tập trận, chạy băng vườn cải mụ Tép, vượt rào bứt dưa hấu nhà ông Phường, phá nát ụ rơm cậu Dưỡng, thì tôi vẫn ngồi yên nghe ngoại kể chuyện. Chỉ có trò họp chợ, chơi mua bán với các dì mới rứt tôi ra khỏi ngoại.

Từ chợ quê đến chợ xứ kinh kỳ
Bên ngoài chợ Đông Ba thập niên 60 - Ảnh: Ned Scheer

Xe ngựa bằng cọng nè sẽ thồ đến những “thỏi vàng” lấp lánh bọc trong lá chuối. Những xấp lụa hai mặt, những súc vải nhung mềm mại màu xanh ngọc là lá sắn non, là màu vàng hoàng gia của hoa bí, hoa bầu. Sỏi trắng sẽ là kim cương với nhiều hình thù đặc biệt mà muốn sở hữu, chúng tôi phải đổi bằng dây thun hay một trang tập viết cho ông cậu “đầu cơ” kém tôi hai tuổi. Bao nhiêu cỏ gà, bông chuối, châu chấu trong túi vải, dế mèn trong chai… được sắp xếp thành những gian hàng dưới gốc cây dầu lai. Chúng tôi bán mua ở đó. “Khu chợ Hoàng Gia” được họp sau khi tắm suối và chỉ tan khi cơn mưa dông bất ngờ ụp xuống.

Mạ kể, lên ba, tôi đã được đi chợ. Mạ là cô giáo tiểu học, phải đi bồi dưỡng chuyên môn ở trường huyện cách xa làng hơn 15 cây số. Mạ gánh tôi một đầu gióng, đầu kia là ít gạo, rau củ vườn nhà, có cả măng rừng vừa hái. Ba giờ sáng, tôi được ủ ấm trong chiếc mền bông, lắc lư theo chân mạ và những người đàn bà trong xóm xuống chợ. Làng tôi ở xa phố thị. Các dì, các mợ có lệ rủ nhau đi chợ sớm. Họ hẹn nhau có mặt nơi giếng nước đầu làng từ canh ba. Những bước chân thoăn thoắt, tiếng đòn gánh kẽo kẹt. Họ vừa đi vừa chạy và chuyện trò rôm rả. Đi chợ là một động từ mà lũ con nít như tôi rất thích. Đó là sự mời gọi đến với một thế giới náo động màu sắc, âm thanh và sự no đủ sung túc. Sau này lớn lên, tôi không ít lần ứa nước mắt vì những hình ảnh xót xa của phận người trong buổi chợ. Nhưng bấy giờ, tôi thích thú mở to mắt chăm chăm hàng quán xanh đỏ. Tôi thích chợ từ ngày đó?

“Đừng bận tâm về những thánh đường, những tòa công sở hay các quảng trường thành phố; nếu bạn muốn hiểu biết một nền văn hóa, thì hãy la cà một đêm trong những quán nhậu ở đó.” Thích ý này của Ernest Hemingway, và tôi muốn “nói trại” ra một chút: “Muốn hiểu một nền văn hóa, bạn hãy la cà một buổi chợ của người dân bản xứ!”

Chợ làng tôi nhỏ liêu xiêu mấy quán tranh, bán dăm cân thịt heo, thịt trâu, có cả măng tre, mây nứa, đôi khi có gánh cá đội sương đêm gánh lên từ chợ huyện. Chợ của tôi còn là những ngày theo dì và cậu chạy dọc đường ray mỗi khi tàu đến. Chúng tôi bán vài nải chuối, những quả trứng gà đã luộc chín, đôi khi bán cả sim hay dâu theo mùa. Vài chục đồng giúp mẹ đong gạo cũng làm mấy đứa nhỏ sướng rơn, vì thấy mình biết làm người đi chợ.

Ai đã từng ngóng mạ chợ chiều? Hiu hắt ngọn khói đồng chiều cuối năm, nhiều nhà hương trầm đã đốt, bàn thờ đã sắp, chị cõng em vò tay áo hóng về phía con đường hiu hắt mưa bụi. Mãi sau này, hình ảnh người đàn bà trở về sau buổi chợ vẫn in vào những hoàng hôn trong tôi. Bóng núi tím sẫm, những tia nắng héo hắt còn đọng trên vạt cỏ nơi con dốc cuối làng. Mạ về! Chúng tôi mừng giành nhau khóc kể và ré lên sung sướng với vài chiếc kẹo gừng hay tập vở mới. Đến trong mơ mùi giấy còn thơm...

Sống ở Huế bao năm, tôi được biết nhiều câu chuyện về cung vàng điện ngọc, về những báu vật của các triều đại mang theo bí ẩn thời gian. Nhưng có thêm điều làm tôi kinh ngạc và choáng ngợp là những khu chợ xứ kinh kỳ.

Chợ phố với hàng quán đầy ắp hàng hóa, người chen chúc như đi hội. Người bán, người mua ai cũng môi son má phấn, điệu đà. Tiếng chào mời nhỏ nhẹ, tiếng dạ thưa ngọt ngào. Cách trả giá của người mua hay nèo thêm đôi chút của người bán ở chợ phố cũng khác xa chợ quê.

Mười lăm tuổi vô phố, tự thấy mình bơ vơ trước không gian thị thành rộng mở, thấy lạc lõng trước kinh thành vàng son, chỉ có đi chợ giúp tôi sớm quen với phố nhất, như được trở về nơi xóm núi - thân thương. Tiếng mời chào thêm bớt, con cá, mớ rau, trái bưởi, bó chè xanh… Ra là bất cứ nơi đâu, có chợ là có tảo tần hôm sớm, có chợ là có niềm vui ngóng đợi đi và về, tôi dặn lòng mình sẽ có ngày đi cho hết những khu chợ mà sử sách đã ghi nơi vùng đất kinh kỳ này.

Chợ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của cố đô xưa và thành phố ngày nay, cũng là nét đẹp rất riêng của văn hóa Huế.

Chợ Huế đa phần tập trung ở đôi bờ sông Hương và các nhánh sông đào như sông An Cựu, sông Như Ý, xuôi về vùng huyện lỵ, quận trị là các nhánh sông nhỏ, các hói đào nơi dân cư tập trung đông đúc. “Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ”. Chỉ tính riêng dọc đôi bờ sông Hương đã có mấy chục cái chợ. Có những ngôi chợ đã qua cùng những thời kỳ lịch sử, nổi tiếng như chợ Thế Lại, chợ Dinh, chợ Bao Vinh, chợ Đông Ba, Gia Lạc... Từ mấy trăm năm trước, chợ đã được tổ chức theo những quy định của pháp luật, trông coi, cấm sách nhiễu chèn ép người buôn bán. Từ Quốc triều hình luật, bộ luật chính thống của nhà Lê cho đến luật thời Gia Long, chiếu chỉ vua Minh Mạng đều cấm các nha môn không được lấy thanh thế triều đình để bắt ép mua rẻ hàng hóa của dân. Hình dung những đám nha môn đeo tín bài khắc chữ “Thượng thiện”, mua bán lịch thiệp, không dám ra oai làm càn để thấy từ xưa phép nước lệ làng luật chợ đã luôn được người dân coi trọng.

Từ những khu chợ xa xưa, tôi nghĩ đến hệ thống siêu thị ngày nay. Là thời của hội nhập, siêu thị thu hút bằng sự đa dạng của hàng hóa nội địa, nhập ngoại. Không gian mua bán sắp xếp trật tự, máy lạnh điều hòa mát rượi. Giá cả mắc hơn chợ đôi chút, nhưng chẳng sao. Cũng là sự tiện lợi khi đi một vòng là kiếm đủ các thứ cần dùng. Đôi khi người ta còn uống cà phê hay ăn các món Tây món Tàu như sự thưởng thức cái mới, cái lạ. Nhưng… chợ vẫn còn đó.

Chợ lớn - chợ nhỏ, cũ - mới, chợ đêm - chợ ngày... Đó vẫn là nơi hội họp buôn bán đông đúc, tiện lợi. Cứ như kiểu người ta có trong tủ đủ loại váy áo tân thời, nhưng chiếc áo dài tơ lụa vẫn là sự mềm mại dịu dàng mà người xứ Huế trân trọng, nâng niu...

Tôi muốn ghé qua chợ mỗi khi đi đến vùng miền xa lạ, cả khi trở về chốn thân quen. Như một thói quen, như một niềm yêu thích của ký ức trẻ dại.

Rời quê lên phố, ngày đầu tiên tôi đi chợ ăn hàng là cùng các chị trong Đoàn ca múa nhạc. Mấy chị em dắt díu nhau đi bộ ra chợ Đông Ba. Vừa qua cổng chợ, hàng quà vặt đã níu chân. Rúc rích cười, xuýt xoa chọn lựa, mặc cả đôi đồng lấy lệ. Rồi tôi làm dâu Huế. Mẹ chồng đi chợ lại cho tôi theo. Mẹ dạy tôi mua sắm dụng cụ cho nhà bếp, làm sao để biết cá tươi, mua bó rau thơm biết đâu là rau vườn Huế. Chợ gần chợ xa, chợ làng ngoại, chợ bên phố nhà nội... Chuyện xưa mạ kể có tên làng tên phố đều luôn gắn với một khu chợ nào đó, mới biết người ta lớn lên rồi già đi, chợ vẫn còn đó để người trở lại như với một phần ký ức thân thương.

Có cô bạn là tiến sĩ ngôn ngữ ở một trường đại học lớn, nấu món Tây ngon như nhà hàng, sành nước hoa Pháp như tôi mua sả mua ruốc mà cô ấy vẫn mê đi chợ. “Mình đâu phải chỉ đi mua sắm phải không chị?”

Chợ xứ kinh kỳ xưa có bao cô gái với áo dài tơ lụa ngồi bán hàng. Người đi chợ mặt hoa da phấn, hẹn hò xe đón đưa. Thời nay dạo chợ ngày cuối tuần cũng vui như đi hội. Người lạ người quen, người mua kẻ bán rộn tiếng chào mời. Được vui vẻ trả giá; được ngó xa ngó gần nâng niu những món đồ mình thích; được cười to hay chẳng cần nói nhiều, chỉ đi và nhìn ngắm như êm trôi giữa dòng chảy náo loạn cũng là một cái thú. Tôi giữ mãi sự háo hức mỗi lần đến chợ như con bé ham chơi đồ hàng năm nào.

*

Mấy hôm bị nhiễm Covid nằm nhà, ngắm nắng mật ngoài ô cửa mà chỉ chực vùng dậy lấy xe ra phố. Trong hơi sương chiều lạnh lạnh tôi nghe văng vẳng câu hát ru của ngoại trên chiếc võng gai ngày nào:

Ngày Xuân em đi chợ Hạ
Mua cá Thu về chợ hãy còn Đông...

Thì ra, trong tâm thức, chợ luôn là nơi gợi nhớ. Bà tôi thời con gái đã gánh mật ong từ rừng xa về chợ đổi gạo. Mẹ tôi đi từ gà gáy đổi gánh mít, nải chuối lấy cá nục, mắm cơm. Tôi đi học thời khốn khó, tay nải chỉ 7 bơ gạo cho một tuần. Ngang qua bến đò, nhìn vô chợ thấy cơ man nào là cá. Cá lấp lánh ánh bạc nhưng trong túi tôi không có lấy một đồng. Thế mới biết, chợ là nơi ê hề của cải, để những người có tiền mua bán; chợ cũng là nơi chạm mặt của sự giàu nghèo - nơi những cảm xúc thân phận trong con người ta vô tư bộc lộ.

Ấy cũng là nơi sau bao năm cách mặt, tôi thấy người cũ chở một người đi chợ, chân nàng co duỗi trên chiếc xe Honda. Hôm đó, tôi đã mua một mớ rau dền cho bữa chiều, rồi vội vàng quay đi...

À, đôi khi vì thế mà mình nhớ... chợ!

Bạn bè từ xa về Huế, hỏi rằng bạn muốn đi đâu, thăm thú chỗ nào, bạn đáp ngay: “Mình muốn đi thăm lăng tẩm và chiều về ghé chợ Đông Ba”.

Nhà ai có phương việc chi cần đãi đằng bè bạn hay mua sắm đồ dùng cho nhà mới, mua quà mua bánh gửi người phương xa, cả trăm ngàn thứ rau đậu gà vịt cho đến kim cương hột xoàn… Cứ qua chợ Đông Ba!

Được xây dựng gần 150 năm trước, chợ Đông Ba là khu chợ truyền thống nổi tiếng nhất cố đô. Lúc đầu có tên là Quy Giả Thị để đánh dấu sự trở lại của vua nhà Nguyễn khi quay về Phú Xuân. Cái tên chợ Đông Ba bắt đầu xuất hiện từ năm 1887 dưới thời vua Đồng Khánh.

Từ bờ nam vài phút chạy xe qua cầu Trường Tiền là gặp chợ. Sáng tinh mơ đến chiều tối không ngưng nghỉ, chợ như một người khổng lồ ôm trên tay đủ thứ hàng hóa vật dụng thức ăn đủ màu, mùi, vị. Rồi hàng hóa đồng loạt theo các dòng xe cộ đổ về các khu chợ nhỏ lân cận, đôi khi còn lên tàu hỏa, máy bay chở đi vùng miền khác. Người Huế bao đời rất hãnh diện về khu chợ này, một địa danh để giới thiệu khách bốn phương.

Như một khu thương mại lớn với diện tích hơn 18.000m2, khách xem chừng đi lạc giữa hàng ngàn lô hàng với đủ chủng loại. Cả một dãy hàng quán ven bờ sông kéo dài gần ngàn mét bán toàn các loại rau củ thực phẩm tươi sống. Tầng trệt hoa mắt với hàng trăm món đồ thủ công mỹ nghệ được chế tác với sự tinh tế. Không phải riêng người Huế mà du khách các nơi đến đều chọn những món đồ do chính người Huế làm. Nón bài thơ dịu dàng từng mũi chỉ, gốm Phước Tích màu men mộc và lạ, đồ mây tre từ Dạ Lê, Bao La, đến những món đồ tinh xảo của làng kim hoàn Kế Môn...

Người ta tìm thấy sự giao thoa giữa lối sinh hoạt cung đình và nếp sống của người Huế trên những sạp vải nhung gấm tơ lụa hoàng gia bên cạnh những xấp vải màu sắc và chất liệu mới mẻ. Các món ăn xưa chỉ dành cho ông hoàng bà chúa trong cung, các món dân dã cho những người kéo xe làm chài lưới…, tất cả đều được bày bán trong các gian ẩm thực, không hề có sự phân chia và giá tiền cũng thật bất ngờ. Đôi khi cơm nắm muối mè lại thu hút khách sành ăn hơn cả nem công chả phượng. Cuộc sống vương giả của người dân cố đô song hành với nếp bình dị nhưng cũng rất riêng của xứ này.

Chợ Gia Lạc là một câu chuyện lạ lùng trong lịch sử văn hóa Việt Nam. Chính ngài Định Viễn công Nguyễn Phước Bính (con của vua Gia Long) đã lập ra khu chợ chỉ để quan dân vui chơi xuân.

Làng Nam Phổ kề bên chợ là quê ngoại của chồng tôi. Ba chồng tôi thường nhắc:

- Đầu năm mấy đứa nhớ về ngoại thắp hương rồi qua chợ mua cau trầu xin thêm phúc lộc. Chợ Gia Lạc tức là “thêm vui đó!”

Không còn thấy mấy o áo the quá gối guốc mộc gỗ thơm gánh cau trầu qua chợ, giống cau trầu nổi tiếng gần xa như lời mạ kể chuyện xưa, nhưng đầu năm chợ vẫn nô nức tiếng hô bài chòi, bầu cua, xin xăm xin lộc. Món bánh canh và các loại bánh lá vẫn thơm ngon hương vị của trăm năm trước lưu truyền tới chừ. Đi chợ Gia Lạc đầu xuân để tụi nhỏ nhà tôi thấy ba chúng cười vui và nhắc mãi chuyện cậu trẻ năm nảo năm nào ngồi xe đò cùng mạ, áo mới lon ton xóc bầu cua ăn hàng nơi phố chợ. Đôi khi chợt nghĩ, thật may mắn khi người ta còn có nơi chốn để trở lại...

Mỗi cuối tuần rảnh rỗi, tôi lại đi chợ quê. Chợ quê xứ cố đô cũng có phong vị khác những vùng miền khác. Tôi lên Hương Hồ mua chuối mật, chuối tiêu, ghé chợ đình Kim Long mua bánh cuốn thịt nướng, tôi về chợ Cồn, mua bánh đập mắm nêm vì tiếng đồn của thiên hạ. Chẳng bỏ công chạy xe từ phố lên chợ Tuần mua ít gừng tươi về làm mứt. Gừng trồng ở đây có màu vàng thổ, vị cay đậm và rất thơm. Ngào một mẻ mứt mời bạn, người sành ăn nhâm nhi đã thấy vị thơm ngon thật khác biệt.

Bạn tôi rành chợ, chị nói đi chợ đầu mối một lần đi. Tôi cố thức dậy lúc ba giờ sáng thử khám phá khu chợ cung cấp hàng thực phẩm giá sỉ cho thành phố. Họp từ 2 giờ sáng, xe tải trên chục tấn rầm rập đổ hàng về. Cả khu phố đèn thắp sáng choang người buôn bán nhanh lẹ. Hàng hóa luân chuyển đi khắp các chợ nhỏ thành phố, trong tỉnh và cả những tỉnh lân cận. Họ thức từ nửa đêm, chóng vánh bán mua cho kịp những mớ hàng tươi tốt. Chịu khó một buổi dậy bốn giờ sáng, người ta mua đủ thức ăn cho cả tuần với giá phân nửa. Thử hỏi mấy ai làm được, mắt cay xè vì chưa đủ giấc, chưa kể mùa đông mưa phùn gió rét căm căm. Hai giờ sáng đội mưa ra chốn mưu sinh. Mới biết những nhọc nhằn của người bán buôn hôm sớm.

*

“Ai về Cầu Ngói Thanh Toàn
Cho em về với một đoàn cho vui”.

Đi chợ quê cũng có nhiều cái thú, đôi khi hơn cả chợ phố. Kiểu như ăn một dĩa bánh xèo cá kình bên con phá Tam Giang hút mắt mà vui không thua chi thưởng thức chè đậu ngự trong khu vườn Tịnh Gia Viên.

Làn nước xanh tận đáy, vài khóm bông súng tím lơ thơ. Một con đò ai gác mái bên bờ nước soi hàng cây đổ bóng. Chúng tôi đi qua những bờ rào chè tàu, qua khu trưng bày nông cụ để nhớ một vùng quê canh nông trù phú. Ngọn gió hiu hiu từ cánh đồng làng Thanh Thủy Chánh mang theo mùi hương lúa non ngậm sữa. Chợ quê họp sớm và sự hối hả của ngày mới cũng dường như bắt đầu từ nơi đây. Tôi luôn muốn chạm vào cái tươi non của những rổ rau còn đẫm sương mà dì The vừa mới cắt từ vườn nhà. Dì ở làng bên, năm nay đã ngoài 80 tuổi mà hiếm có ngày nào không ra chợ. Ghé hàng thịt heo chị Mít, tạt ngang ăn tô bún quán chị Vui. Mệ Thôi vừa gói thêm hai bì đậu hũ còn bốc khói, vừa cười: “Mệ đi chợ ni từ thời con gái, đến chừ đã mấy chục năm. Chén đậu từ mấy hào nay đã ba ngàn.” Tôi gọi mệ xưng con mà thấy như thơ ấu tràn về trong mắt.

Chợt nhớ Carl Jung: “Có cái gì đó bên trong khiến chúng ta mong muốn mãi là một đứa trẻ… từ chối mọi thứ xa lạ.”

Đôi khi giữa phố, tôi thấy mình bơ vơ nhớ một mùi hương, một tiếng gọi. Người ta nhìn từ trên cao, từ bên ngoài những lăng tẩm cung điện uy nghi, những con phố rực rỡ ánh đèn, những cao ốc mới và đường viền chân trời như che khuất. Mọi người bảo tôi là kẻ mơ mộng. Tôi nói có thể ngửi được mùi hương của chợ bởi sự khác biệt của không gian và những ký ức là sợi dây vô hình kết nối.

Tôi thích đi chợ!

Muốn tìm lại tiếng gọi đò từ bến Tòa Khâm qua Đông Ba chiều mưa giăng xa lắc, tìm một đĩa bánh đúc mật lần đầu mẹ chồng mua cho tôi sau buổi chợ, những lối đi hàng cá hàng tôm mùa mưa lầy lội, những khuôn mặt các dì, các chị chong đêm đón hàng nhập chuyến cho buổi chợ sáng mai. Mùi chợ, mùi mưu sinh, ánh sáng của những nụ cười, tiếng dạ thưa, tiếng va đập chao chát, cả tiếng chì tiếng bấc, tiếng than thở nghẹn ngào...

Tôi nhìn vào bên trong, những ký ức thương mến như sống lại. Bao năm nay tôi chỉ ra chợ một mình. Mạ tôi, nay đã ngoài 80, mẹ chồng tôi cũng đã rời cõi tạm. Rồi chúng ta cũng sẽ phải một mình, một mình thôi giữa chợ.

- Dì ơi cho con mớ tép ni.

- Ba chục con nạ, thêm cải dì mới hái nì. Mạ bây hồi xưa mê món ni lắm. Canh tép nấu với cải non.

Dì ngồi chợ hết một đời người. Tôi vẫn luôn trở lại, dù chỉ kiếm cớ mua vài món chưa cần dùng tới. Đôi khi giữa chợ bỗng nhớ con bé lên ba trong đôi quang gánh của mạ năm xưa, rồi nhìn mình qua mắt chợ chiều. Ờ thì, chợ không già đi mà tóc mình chừng đã bạc.

B.D
(TCSH409/03-2023)

 

Các bài mới
Nhóm lửa (21/04/2023)
Mẹ (18/04/2023)
Tiếng chuông (13/04/2023)
Các bài đã đăng