Tạp chí Sông Hương - Số 410 (T.04-23)
Tôi là bác sĩ thú y
15:17 | 26/05/2023

Rivka Galchen là nhà văn, biên tập viên tờ The New Yorker, với nhiều đóng góp về truyện ngắn và tiểu luận phi hư cấu cho tạp chí này từ năm 2008. Nữ nhà văn thường viết về khoa học và y học.

Tôi là bác sĩ thú y
Nhà văn Rivka Galchen - Ảnh: internet

Cô cũng quan tâm tới các đề tài gắn liền với tên tuổi của một số nhà văn danh tiếng như P. G. Wodehouse, Karl May. Galchen có bằng M.D. của Trường Y khoa Mount Sinai Icahn. Tác phẩm của cô đã được in trong tuyển tập sê-ri hay nhất của Mỹ và nhiều nơi khác. Cô là tác giả của hai cuốn tiểu thuyết, một tuyển tập truyện ngắn, một tuyển tập tiểu luận và một tiểu thuyết dành cho thiếu nhi. Cuốn tiểu thuyết gần đây nhất của cô, “Mọi người đều biết mẹ bạn là phù thủy” tập trung vào lịch sử có thật vụ xét xử mẹ của nhà thiên văn học Johannes Kepler. Cô hiện đang viết một cuốn tiểu luận về cuộc đời của các nhà khoa học.

Truyện ngắn “Tôi là bác sĩ thú y” đăng trên Tạp chí New Yorker, phát hành 13/03/2023 là những suy nghiệm của một bác sĩ thú y lâu năm về sự kết nối của con người với tự nhiên, với những con vật thường ngày xung quanh chúng ta, mà có lúc, số phận và sinh hoạt của chúng tưởng như không có gì đặc biệt. Sau rốt, đời sống tinh thần của chúng có phải là một câu chuyện cần được quan tâm hay chăng, khi đời sống tinh thần của con người vẫn đôi khi bị tảng lờ và thiếu được chăm bẵm. Sự kết nối của con người theo huyết thống, theo những linh hướng tinh thần và đồng cảm sẻ chia là sợi dây giúp xã hội vận động, dù bộn bề ồn ào hay ngăn nắp tĩnh lặng. Có vẻ như, đời sống tinh thần của những vật nuôi xung quanh chúng ta cũng vậy.

                                         Vượng Nguyễn giới thiệu và dịch

 

RIVKA GALCHEN


Tôi là bác sĩ thú y


Tôi không định nói1 mình là một cựu binh. Cựu binh là người trước đây thường nhật đối mặt sinh tử. Bác sĩ thú y là người mà hiện giờ ngày ngày can thiệp sự sống cái chết. Một phần nào đó trong đầu tôi đinh ninh, rằng không phải tất cả các cựu quân nhân đều lăn lộn với khói súng, cũng thế, không phải tất cả các bác sĩ thú y phải chứng kiến cảnh các sinh linh bé bỏng qua đời mỗi ngày. Có điều, khi đã bắt đầu luống tuổi, tôi nhận ra rất nhiều người cũng coi việc phân định ấy là kì khôi. Mặc dù thế, sự kì khôi mang lại những sức mạnh lạ lùng. Y vậy, với những kinh nghiệm của tôi về việc chó tự sát, các chú chó và câu chuyện của chúng thường khác hẳn vẻ bề ngoài, cũng giống như những câu chuyện của chính chúng ta.

Niềm vui là một nghĩa vụ đạo đức. Tôi đã được dạy dỗ để tin thế. Tôi vẫn chưa loại khỏi đầu cái ý niệm ấy. Niềm vui là sự ân hưởng xứng đáng với món quà sự sống mà Thượng đế, hay một tạo hóa nào đấy, đã ban tặng cho tất cả chúng ta ngày này qua ngày khác, cho đến khi không còn ngày nào nữa. Nỗi buồn cũng là một nghĩa vụ, một thứ kỳ diệu và thiết yếu - có điều, nỗi buồn là đầy tớ của niềm vui. Cha tôi là người theo Thanh giáo. Khi còn học cấp hai, tôi đã nghiên cứu về Thanh giáo. Tôi hiểu thế nào là con đường riêng mà mỗi người sẽ tự tạo ra để đến với Thượng đế, và rằng phép thanh tẩy không hẳn sẽ neo một sợi dây quan hệ thiêng liêng mà là một nghi thức tự nhiên kế tiếp bắt nguồn từ mối quan hệ ấy - chắc hẳn thế. Nhưng một tá những gì đọc được khiến tôi nghĩ rằng đó là một con đường băng qua cái cảnh quan năm trăm năm, vốn đã biến mất từ lâu lắc. Tôi đi đến kết luận rằng ông sai rồi. Tôi nói với ông, rằng lúc ấy không phải là thời điểm phù hợp để gia nhập Thanh giáo đâu. Giáo phái không còn gì ý nghĩa nữa, tôi nói; nó chẳng khác nào đuổi theo những con chim cưu2, mặc cho trước đây nó cao cả nhường bao. Ông bảo, rằng mình sẽ ghi nhớ những gì tôi nói. Tôi tin. Cho dù, tôi còn chẳng nhớ gì sất cuộc trò chuyện xưa ấy. Cha tôi, giờ thất thập cổ lai hi, gần đây được chẩn mắc bạch cầu mãn tính. Căn bệnh đã khiến ông đổi tính đổi nết đến mức chẳng còn nhận ra.

Cha đã một tay nuôi dạy tôi từ tấm bé, với lòng tự trọng cao cả. Ông vẫn thế, cực kì thực tế. Ông dạy tôi cách buộc tóc đuôi ngựa gọn gàng, đưa tôi đi mua băng vệ sinh khi cần thiết, và để tôi được chân lấm tay bùn cùng ông nơi cái trại dê be bé. Những con chó quấn lấy tuổi thơ tôi, đôi khi hai, có lúc ba con. Những con chó nổi tiếng có một món quà của tự nhiên dành cho nghĩa vụ đạo đức của niềm vui. Cha tôi nói, mấy con chó của chúng tôi là những hình mẫu tuyệt vời. Ông ấy đã đúng. Thật là khó khăn, và cũng chẳng thi vị vì, khi kể lể chi tiết về những con chó tôi yêu quý đã không còn ở bên chúng tôi nữa. Tôi sẽ không kể đâu. Tôi đã chứng kiến đủ những cảnh chết chóc mỗi khi đi làm.

Việc tôi có thể trở thành bác sĩ thú y, hay nhận được công việc nào đấy đòi hỏi học hành đến nơi đến chốn là một điều mặc khải không hề được báo trước. Tám năm đầu tiên đi học của tôi có thể được tóm tắt bằng cái sự thòm thèm một niềm vui nghĩa vụ đạo đức nào đấy. Phòng ốc không phải quá tồi tàn; các thầy cô cũng chẳng tệ; nhưng chính chút hiểu lầm của mình đã khiến tôi chẳng thể vui vẻ nổi với chuyện trường lớp. Thật vớ vẩn mỗi khi chúng tôi được yêu cầu tưởng tượng này nọ. Chẳng hạn, có một người đàn ông làm bằng bìa cứng đằng sau tấm bảng mà chúng tôi được cho biết là vẫn “sống” - phần cắt ra được cất giữ phía sau tấm bảng - và chúng tôi định mời anh này ra ngoài tham gia các tiết ngữ pháp của mình, bằng cách gọi tên anh ta ba lần, giống như một câu thần chú vậy. Vào những ngày mưa, chúng tôi được phép tham gia các trò chơi cờ bàn, như Xin lỗi! và Thuyền chiến, tôi đều thấy cả hai hiếu chiến một cách vô lý. Cha tôi hay càm ràm rằng tôi đã mắc “lỗi diễn giải” trong cảm nhận của mình về người khác. Ông cũng bảo, đừng quá lo lắng về những chuyện ấy. Thế rồi, đến bậc trung học, hoặc có thể sớm hơn chút ít, có điều gì đó đột ngột thay đổi nơi tôi. Khi tất cả các bạn đồng trang lứa bắt đầu phổng phao thay đổi loạn xạ như cỏ linh lăng, tôi bắt đầu phát tiết đúng hướng và thần tốc như loài cỏ mèo. Tất cả các môn học đều khiến tôi hứng thú và dành toàn bộ năng lượng để hiểu bài, bất kể kiến thức gì. Tôi vẫn còn tò mò tại sao điều ấy lại xảy ra. Có lẽ là vi khuẩn đường ruột mới, hoặc bàn tay của một vị thần nào đấy quen thân đã can thiệp. Sau nhiều năm suýt trượt tất cả các lớp (và thực tế đã trượt ở lớp ba), sau nhiều lần bố tôi được gọi đến để thảo luận với một loạt giáo viên, mỗi người đều tự hỏi liệu tôi có thể học khá hơn khi chuyển lớp, tôi đã có thể giành được tấm bằng thú y. Thành tích này đã mang lại cho cả cha và tôi niềm vui to lớn. Nhưng tôi biết, mình không được ngủ quên trên chiến thắng, bởi lẽ cách chúng ta lướt qua đời mình chính là nhờ lắp ghép những ngã rẽ bất ngờ.

Hôm thứ ba, tôi thấy một con mèo ăn hoa huệ. Một con chó xù gần hai chục kí đã gặm hết chai thuốc Advil. Tôi thấy một con khác, loại Saint Bernard, đang nôn mửa, nghi vì xoắn ruột. Cỡ mười một giờ tối, một người đàn ông lớn tuổi đi vào phòng cấp cứu cùng chú chó đực lai săn thỏ Beagle, sau khi nó lao ra khỏi cửa chiếc xe tải lúc anh ta dừng xe; con chó bị gãy xương chày hai bên. Tất cả những con vật này đều thú vị, đáng để tò mò tìm hiểu và chúng đáng được chăm sóc, nhưng tôi sẽ kể cho bạn nghe về trường hợp chú chó lai Beagle. Nó nhào ra khỏi chiếc xe tải và nhảy qua cây cầu bắc ngang lạch Arikaree, trên Quốc lộ 119. Tên con chó là Ohio. Chủ sở hữu nó - thuật ngữ bộ phận Phòng cấp cứu của chúng tôi sử dụng; chúng tôi đã có các cuộc họp đề xuất cách gọi thay thế, nhưng hiện tại chúng tôi tiếp tục dùng “chủ sở hữu” thay vì “cha mẹ vật nuôi” hoặc “người chăm sóc” - nói đi nói lại rằng Ohio đã quen với việc ngồi trên xe có mở cửa sổ khi đang lái, và chuyện nhào ra khỏi cửa xe chưa từng xảy ra.

Tôi không mấy tin người đàn ông này, tôi đã không tin người đàn ông này. Tôi đặt một dấu chấm nhỏ bằng bút lông Sharpie bên cạnh những gì đã ghi trong tâm trí. Tôi là người không nói dối. Đây là một khuyết tật. Một khi biết được ai đó xạo, tôi bắt đầu đánh dấu những câu nói chưa được kiểm chứng như thế vào cuốn sổ ghi chép trong đầu. Việc này rất cần thiết trong y học thú y, nơi mọi người bỏ qua tất cả các loại chi tiết quan trọng, không hay.

Minh họa: TÔ TRẦN BÍCH THÚY

Tôi đã làm việc tại phòng khám cấp cứu thú y này được mười hai năm, nhưng gần đây, nó đã được một công ty mới tiếp quản. Kết quả là, một số quy trình nhất định đã thay đổi và không phải tất cả chúng đều phù hợp hoàn toàn với các giá trị của tôi. Mặc dù vậy, tôi thấy làm việc ở đây vẫn phù hợp hơn, thay vì cố gắng đứng ra làm riêng, vốn sẽ phải đụng chạm rất nhiều tới việc quản lý khách hàng, chọn các mẫu thiết kế, hoặc gửi những tấm bưu thiếp dễ thương nhắc nhở mọi người tiêm phòng vắc xin, v.v. - tôi sẽ là một kẻ thất bại. Vì vậy, tôi tuân theo quy trình và không dò hỏi thêm lý do tại sao, đúng cái ngày hôm đó, Ohio đã nhảy ra khỏi xe.

Chúng tôi chụp X-quang và băng bó cho Ohio rồi đưa nó về nhà với chủ, kèm theo thuốc giảm đau và thông tin về cách cảnh giác với các dấu hiệu nhiễm trùng nếu có.

Sau đó, tôi phải xử lý một con vẹt bị ốm nặng. Tôi đã sơ khám và xét nghiệm, con vẹt dương tính với bệnh vẩy nến. Tôi có một kỷ niệm đáng nhớ về loài vẹt, khi vẫn còn là một thực tập sinh thú y. Tôi đi giao chiếc hộp đựng giày tới một khách hàng và tôi biết chắc bên trong chiếc hộp là một con vẹt đã chết. Quả là một giao tế kì quặc hết sức với tôi. Nhưng tất cả các giao tế đều chẳng có mầm mống của sự kỳ lạ bên trong chúng, sự kì lạ khi giao tế ấy tiến triển, có lẽ để bảo vệ và nuôi dưỡng sự kỳ lạ ấy cũng như để kín đáo che giấu nó.

Tôi giải thích với người chủ của con vẹt - ông ta muốn được gọi là “người chăm sóc” hơn - rằng con vẹt đã có kết quả xét nghiệm dương tính với vi khuẩn psittacosis gây sốt vẹt. Tôi đã viết từ đó vào một cái que cho người chủ, bởi vì cái từ chẳng dễ nghe chút nào. Tôi giải thích các hướng xử lý, cùng với những kết quả không may mắn có thể xảy ra, đồng thời giới thiệu nhân viên lễ tân Kelly với ông ta, người có thể tính toán các chi phí phát sinh. Kelly đang ăn que kem chanh, nhưng đặt nó xuống một chiếc khăn ăn và bắt đầu chuẩn bị giấy tờ. Trong phòng cấp cứu thú y, hầu như ngày nào cũng có phần dành cho nỗi buồn.

Tôi chuyển sang bệnh nhân tiếp theo, một con Thạch sư khuyển bị chấn thương ở chân.

Một lúc sau, tôi được gọi trở lại phòng chờ.

Người chủ của con vẹt nói với tôi rằng ông ấy đã nghiên cứu những gì tôi chia sẻ, và rằng con chim ông ta nuôi không thể nhiễm chlamydia lây qua đường tình dục - điều đó là không thể, ông ta nói. Con chim nó sống một mình.

- Con chim sống với ông à? Tôi hỏi.

- Không có loài chim nào khác cả.

- Tác nhân gây bệnh ở đây, vâng, được gọi là khuẩn Chlamydia psittaci, và mầm bệnh đó gây ra sốt vẹt - psittacosis, tôi nói. Nhưng có nhiều dạng khuẩn chlamydia.

- Không, ông nói lớn tiếng, giận dữ và quyết đoán.

- Nó không giống với biến thể chlamydia nổi tiếng hơn.

- Con chim không có người yêu, nó là một con chim cô đơn.

Khi chúng tôi nói chuyện, Kelly xơi hết que kem chanh bằng tay trái và gõ bàn phím bằng tay phải. Tôi không còn thông tin gì để cung cấp cho con người này, và tôi đã nói, tôi không còn gì để cung cấp cho bạn nữa. Tôi bước ra phía sau, về phía khu phẫu thuật, để thở và chuyển sang việc khác. Những cuộc gặp gỡ như vậy khiến tôi rất sợ hãi; tôi không có khiếu “rũ bỏ” sự tức giận của người khác. Tôi cần cái khiếu ấy, nhưng tôi không biết làm thế nào để có được nó. Tôi trò chuyện với cha tôi trong tâm trí. Trên thực tế, ông đang sống tại Kansas còn tôi ở Colorado, và tôi cũng không ưa nói chuyện qua điện thoại. Người cha tốt lành trong tâm trí tôi vẫn luôn dịu dàng lắng nghe và cho tôi sẻ chia. Tôi nói với ông rằng mọi người thường không vui khi ngồi trong phòng chờ của chúng tôi, và đó là một điều ai cũng thừa nhận. Ông ấy hỏi, con có thích làm việc ở đó không, với tất cả những người buồn bã ấy? Ba thường hình dung con làm việc nhiều hơn khi lo lắng, đúng thế không? Có lẽ trong một trang trại. Con có nhớ khi chúng ta gặp con cừu đó, hòa đồng và không sợ hãi, không giống những con khác không? Ba thường nghĩ về nó, ông nói.

Tôi cũng thường nghĩ đến con cừu ấy. Từ kinh nghiệm nghề nghiệp, tôi biết cái con cừu thích-xà quần-với-những-người-lạ ấy có lẽ đã bị chấn thương sọ não, hoặc mang một khối u. Tôi yêu công việc của mình vô cùng, tôi nói với người đàn ông trong tâm trí theo Thanh giáo sống ở Kansas với căn bệnh ung thư âm ỉ. Và cái người chủ của con vẹt thì đang cố tách tôi ra khỏi thứ mà mình yêu thích nhất. Làm cái nghề này, tôi tin, chính là cách mình trở nên hữu ích nhất trên hành tinh này. Tôi thực sự có một khoảng trống nhỏ trong tim dành tình yêu cho sinh học vũ trụ. Nhưng tôi yêu công việc của hiện tại.

Một người thấu cảm khi lắng nghe tôi có thể lo lắng rằng tôi đã phản ứng thái quá với chỉ một khách hàng/ chủ sở hữu/ người chăm sóc vật nuôi không hạnh phúc. Nhưng Ban quản lý mới của phòng khám chúng tôi, cùng với các quy trình được tổ chức lại - những quy trình chưa định hình và còn được điều chỉnh - khiến tôi cảm thấy, hình như đúng thế thật, tổn thương. Có thể còn đâu đó những bất ổn khác khiến tôi ra vậy. Tôi sẽ không tranh luận rằng mình là bác sĩ thú y giỏi nhất của thế kỉ, hoặc thậm chí của cả địa hạt này. Nhưng tôi là người chu đáo và thực tế, tôi cũng có thiên khiếu xoa dịu những con vật đang đau khổ - một khả năng không thể định lượng được. Tôi có thể giao tiếp dễ dàng với những sinh vật không biết nói, kể cả trẻ sơ sinh, mặc dù tôi từng được gợi ý rằng trẻ sơ sinh rất thích những người đeo kính, vì vậy có lẽ tôi đang tự cao; có lẽ tôi đang chỉ ăn may nhờ cặp kính. Tôi cũng tử tế, mặc dù chẳng phải đặc biệt gì, với những người lớn tuổi nhạt nhẽo. Điều này là do khi còn học đại học, tôi noi theo một y tá sản khoa có cái tên Tháng Tư, người đi nhà thờ với cha tôi. Một y tá sản khoa làm việc trong những tình huống căng thẳng quanh năm: bất kể ca sinh nở “bình thường” như thế nào, cái ngày con người hay bất kỳ loài động vật nào sinh nở đều là một sự kiện đặc biệt. Đó là cách Tháng Tư giải thích cho tôi. Mỗi khi bước vào phòng với một bệnh nhân mới, cô ấy sẽ nói, được rồi, bạn thân yêu ơi, hôm nay sẽ là một ngày may mắn đấy. Và sau đó, bất cứ điều gì Tháng Tư làm, cô ấy sẽ thông báo, chẳng hạn như, chúng tôi sẽ lấy tĩnh mạch nơi này để tiêm cho bạn. Hoặc, chúng tôi sẽ bắt đầu nhỏ thuốc Pitocin kích chuyển dạ này. Chúng tôi sẽ mang cho bạn một ít đá bào nhé.

Bạn có thể nghĩ rằng tôi lặp đi lặp lại và giả đò, Tháng Tư chìa bịch bánh cá Cheddar Goldfish và chia sẻ với tôi trong kỳ nghỉ chung đầu tiên, nhưng tôi chia sẻ mẹo của mình với một lí do riêng.

Tôi để ý thấy Tháng Tư sử dụng từ “chúng ta” và thói quen hướng dẫn từng bước một; điều này ảnh hưởng đến những người phụ nữ đang chuyển dạ không khác gì như đang trong một bộ phim viễn tưởng, người ta nói chuyện giảng hòa hoặc tìm cách bắt dò được những con sói ở nơi hoang dã.

Mọi người đều nhận được những đánh giá tiêu cực trực tuyến, sếp tôi, George nói, một ngày sau khi chủ nhân của con vẹt đó viết một bài đánh giá ác ý.

- Vâng, chúng tôi biết điều đó, tôi nói.

- Và khách hàng mong đợi những điều kỳ diệu, mà cái điều ấy -, George ngập ngừng.

- Điều đó cũng bình thường mà, tôi thêm lời.

Nhưng ở đây chúng tôi có một quy trình, như bạn biết rồi đấy. Sau khi một thành viên trong nhóm nhận hàng chục bài đánh giá từ ba sao trở xuống trong khoảng thời gian mười hai tháng.

Nó nên được tính bằng tỷ lệ phần trăm, không phải số thô.

Tôi có thể thấy lý do chính đáng trong đó, George nói. Rõ ràng thế. Nhưng đó không phải là những gì chúng ta làm. Tôi chỉ đơn giản cho cậu biết rằng bây giờ cậu là một người không ưa với những con số này, và...

Tôi cảm thấy bị sỉ nhục bởi cuộc trò chuyện. Có gì lấn cấn, một sự sai số, một lầm lỗi tôn giáo. Một thiếu khuyết trong cách đánh giá về lòng tốt và được gọi mời. Những gì tôi đã nói to lên là: chúng tôi sẽ cải thiện tình hình này. Trong thâm tâm tôi nói, ông ấy không biết gì về tôi. Tôi vẫn thường khép kín. Tôi sẽ giúp ông ấy biết về mình.

Tôi không sợ chết. Tôi cho rằng bên kia cánh cửa vẫn O.K. Trong những khoảnh khắc tồi tệ nhất của cuộc đời, khi tôi đã từng nghĩ rằng việc thoát khỏi hoàn cảnh của mình, về cơ bản, còn có thể hữu ích hơn - tôi cho rằng mọi người đều có chung một ý nghĩ, ít nhất là trong sát na nào đấy, lúc này hay lúc khác - không phải nỗi sợ hãi đã ngăn cản tôi liều mình. Có những khi, cái chết là một sự từ bi. Đó là ý nghĩ mà tôi được dạy bảo, và giờ đồng tình với nó, sau nhiều năm mang những sinh vật yêu quý vượt qua sự chia lìa lớn nhất ấy. Tôi có cảm giác khi nói tới điều ấy, tôi luôn giành được điểm cao cho dịch vụ mình cung cấp. Tôi không hấp tấp, tôi không cười ha hả và tôi không để mọi người gượng ép chia sẻ cảm xúc của họ với; thay vào đó, tôi dành tâm trí cho các sinh vật.

Làm việc lại ở Phòng cấp cứu vào buổi tối sau cuộc thảo luận các đánh giá về mình, tôi lần lượt gặp hai con chó nữa, mỗi con thuộc một hộ gia đình khác nhau; cả hai đã nhảy qua cầu trên Quốc lộ 119, y chang Ohio. Có vẻ như tôi đang tâm tư với bạn về việc sinh kế của mình bị đe dọa ra sao, bởi những đánh giá kém kia, thực tình là, tôi đang chia sẻ với bạn đôi điều về mấy con chó, năng khiếu đặc biệt của chúng và có thể nữa, những điều chúng ta, hoặc tôi, có thể học được gì.

Con đầu tiên trong số những con đã nhảy vào đêm đó là một chú chó săn lai. Một loại động vật tăng động như vậy có thể dạy chúng ta rất nhiều điều về cách bộ não vô tư lự bám theo các chuyển động và thay đổi nhỏ nhất; những kỹ năng này của chúng là quá dư thừa để có thể săn được con mồi nhỏ xíu đang lạo xạo. (Hai cha con tôi từng nuôi một chú chó săn lai, cái con mà chúng tôi đã gán nhầm biệt danh đồ ích kỷ - tất cả những gì nó muốn làm là quần với trái bóng - cho đến khi chúng tôi thấy nó ngủ bên cánh cửa suốt ba đêm trong lúc em gái nó nhập viện.) Sushi, con chó săn lai, nay đã lên bảy. Nó có mùi như chồn hôi. Người chủ của nó phân trần rằng bình thường mùi của nó ngửi khác cơ. Nhưng ông ta cũng báo lại là mình chẳng nhìn thấy con chồn hôi nào từ lúc bắt lại được Sushi, sau cú nhảy qua cầu của nó. Kết quả chụp X-quang cho thấy nó không bị gãy xương. Sau đó, người chủ của nó hỏi liệu họ đã có thể về hay chưa. Tôi xoay qua hỏi ý Kelly, lúc này đang ngồi lo giấy tờ, một nhân viên không được đánh giá bằng xếp hạng sao, vì cô là người được chỉ định để thông báo về giá cả.

Không lâu sau khi Sushi rời đi, tới lượt một con chó khác: cũng nhảy qua cầu, cùng một chỗ. Lúc ấy nó đang đi dạo. Có cả dây xích. Nó là một con chó săn sói giống Ireland bự chảng. Trông nó như một cái bóng ma con ngựa; tựa như nó đã chung chiến hào với những người không đầu trong kiếp trước và không để những người đó cảm thấy xấu hổ vì mất đầu. Con chó săn sói, Aggie, rất duyên dáng và có một số vết thương. Nó cần phải được điều trị vì gãy xương - và vì lý do bí ẩn nào đấy mà một con chó vẫn thường ngày ngoan ngoãn vậy lại trở nên hoang dã. Người chủ của nó, một phụ nữ lớn tuổi với bím tóc dài nói với tôi rằng bà đã nghĩ đến, liệu đó có phải là bệnh bò điên không? Có phải nó là một loại chất độc trong não? Tôi bị bệnh bò điên không vậy? Hay là do khí hậu?

Khi Aggie đang chờ chụp X-quang, tôi tiến hành phân loại bệnh nhân chờ khám. Chúng tôi có một con mèo buồn ngủ, nghi bị tắc nghẽn; một con mèo ho mãn tính; một con chó bơ phờ, mắc tiêu chảy cần tiêm tĩnh mạch và xét nghiệm. Một con vẹt khác được đưa đến, với thông tin về chứng co giật; tôi có thể nghe thấy người ta giải thích điều này với Kelly. Một con vẹt! Sợ hãi, rón rén và vụng về đi hết hành lang phía tôi. Sau đó, khi hé nhìn vào phòng chờ, tôi thấy đó là một con vẹt khác, và một người nuôi vẹt khác. Nó đột nhiên cứng đơ và rớt khỏi nan lồng, nằm bệt trên sàn lồng, người nuôi vẹt kể lại. Nó để tôi vuốt ve, và rồi nhìn chằm chằm vào tôi, giống như nó đang tìm kiếm sự giúp đỡ. Rồi vài phút sau nó khỏe lại. Chuyện này xảy ra mấy lần rồi.

Tôi có linh cảm rằng cô ấy không nói dối, con người này - trông lớ ngớ, hệt như con bò giữa phố lúc kẹt xe. Tôi chỉ muốn so sánh với một dụng ý tốt; rõ ràng, người ta không phải những chiếc xe hơi. Sau đó, cô ấy nói, tại sao một con chó bị tiêu chảy lại được thăm khám trước một con vẹt bị co giật và rối loạn hành vi? Cô ấy dẫn chứng, rằng những con chó vẫn hay bị tiêu chảy đấy thôi. Khi tôi cố gắng phân trần, cô ấy bắt đầu quay phim.

Vì vậy, bây giờ số lượng các đánh giá tiêu cực về tôi đã vượt ngưỡng an toàn.

Kyle nói với tôi rằng vấn đề không phải là hiểu những người này, mà là làm sao để kiềm chế. Kyle còn trẻ, có lẽ hai lăm. Một anh chàng kỹ thuật viên thú y tương đối mới với chúng tôi. Trên cổ Kyle có một hình xăm kỳ nhông ra chiều phấn khích, các móng tay sơn màu hồng sáng. Kyle dường như cũng có thiện cảm với tôi, điều mà tôi trân trọng. Việc tránh kết oán với người khác có thể đã phần nào ngăn tôi kết bạn - hoặc, đó là điều mà người cha tôi luôn nhớ đến đôi khi nói thế.

Tôi nói tôi không tin người ta có thể bị kiềm chế. Một số người có răng nanh và thích cắn người khác - đó là cách mà thế giới vận hành.

Kyle chia sẻ, mình có một anh bạn là nhà bò sát học. Anh này có thể đi bộ xuyên rừng và lượm hết mấy loại rắn mà những người như chúng ta cần phải tránh. Rắn vẫn là rắn, thậm chí là rắn độc, nhưng anh này không sợ, Kyle nói, vì anh này biết cách xử lý chúng.

Tôi cũng khá giỏi trong việc xử lý rắn, tôi nói.

Chỉ cần hít một hơi thật sâu, Kyle nói. Khi ai đó đối xử với bạn như vậy, bạn chỉ cần nói với chính mình, họ không biết gì về mình sất.

Tâm trí tôi quay lại với mấy con chó xổng. Tua về cái đoạn phim khi tôi gặp Ohio, anh chàng đầu tiên được đưa tới. Tại sao nó lại nhảy ra khỏi xe tải của chủ mình? Tại sao lại là ngày hôm đó mà không phải ngày khác? Hai trường hợp thì chưa thể có một mẫu số chung được. Nhưng ba - ba trường hợp thì không phải là ngẫu nhiên.

Kyle nghi ngờ những con chó bị trầm cảm.

Kelly thì nói, rằng cô không nghĩ những con chó bị trầm cảm, đó chỉ là những trường hợp cá biệt, chứ lũ chó đâu có thế. Những chú chó buồn bã, chắc chắn rồi -nhưng không, không phải trầm cảm. Kelly chia sẻ, cô có nghe nói một người đi xe đạp đã chết gần cây cầu, và có lẽ những con chó đã nhìn thấy hồn ma của anh ta.

Tôi tự nhủ, ba con chó này - Ohio, Sushi và Aggie - là những đứa biết cư xử. Chúng hành xử vậy vì một lý do nào đấy.

Khi tôi trình bày chuyện kì bí này với George, sếp trực tiếp của tôi, ông ta nói, tôi cần tập trung vào những chuyện và người đang ở trước mặt, và rằng nếu tôi hứng chịu thêm một trận bêu riếu trên mạng nào nữa - có vẻ như tôi lại dính một trận đòn roi nữa từ người nuôi vẹt số hai - tôi sẽ bị cho nghỉ hai tuần không lương để được đào tạo về sự nhạy bén và kỹ năng quản lý khách hàng và thậm chí khi kết thúc khóa đào tạo đó, ông ta cũng không thể đảm bảo cho tôi trở lại vị trí của mình, và ông ta cũng nói rằng tốt nhất là tôi nên để tóc búi tó, vì nó quá dài để buộc kiểu đuôi ngựa.

Có một công việc đăng tuyển người làm, ở trang trại ngựa và cách thị trấn bốn mươi lăm phút lái xe. Công việc hai ngày một tuần. Từ lâu tôi đã không dành nhiều thời gian với ngựa. Mặc dù thị lực của chúng chỉ gần như bằng một con mắt và phạm vi thị giác của chúng lớn hơn rất nhiều so với một trăm tám mươi độ khiêm tốn của chúng ta, lũ ngựa cũng như người, nhìn thế giới này trong khoảng mét rưỡi cao hơn mặt đất. Khi đi bộ, chúng ta không quá khác biệt. Tôi chia sẻ suy nghĩ này - một ý nghĩ cũng được đồng tình - với người phụ nữ đăng tin tuyển dụng mới góa chồng. Cô có mười sáu con ngựa, điều hành một trường dạy cưỡi ngựa và có một ngôi nhà bừa bộn. Dẫu thế, chuồng rất sạch sẽ. Cô chia sẻ, rằng thật khó khăn khi chồng mất, nhưng điều ám ảnh hàng đêm của cô là chuyện con ngựa của mình bị một cơn bão dọa cho khiếp đảm, khi nó vướng vào một sợi dây cũ bỏ lại trên cột hàng rào. Những gì cô ấy cần là chăm sóc thường xuyên cho lũ ngựa - công việc mà trước đây chồng cô vẫn làm. Trước khi tôi rời đi, cô quay vào ngôi nhà bừa bộn của mình và lấy ra một cuốn sách nấu ăn có các món yêu thích của các Đệ nhất phu nhân nước chúng ta, từ Martha Washington cho đến Jacqueline Kennedy.

Tôi lái xe về, tự nhắc bản thân về những kỹ năng của mình - với động vật và cả với loài người. Tôi nói với con rối nhỏ của cha mà tôi luôn ghi nhớ trong tâm trí, rằng rất nhiều người có ý tốt và cả những đầu óc nhỏ nhen, đã bảo tôi sẽ chẳng làm nên trò trống gì, vậy mà giờ, tôi đây, chẳng thiếu ngón nghề gì. Làm sao có thể thế được? Và tôi có bị lạc lối hay không? Liệu tôi có cảm thấy vô vọng và, nếu tôi mất việc, tất cả những gì đã thành nếp thành khuôn trong cuộc đời của tôi, tràn đầy ý nghĩa và mục đích, cũng sẽ mất đi sao? Tôi không cảm thấy như thế.

Nhưng rồi, tôi cũng nhấm nháp thấy dư vị ấy. Một cách sâu sắc. Tôi cảm thấy trên thế giới này có một nơi rất riêng dành cho mình. Một nơi có ý nghĩa đối với tôi, và có rất ít, hoặc có thể không có, một nơi nào khác như thế. Tôi chẳng còn mảy may sợ chết nữa. Một cảm giác kỳ lạ đang lớn dần trong tôi. Một cảm giác, tựa như là tôi chưa bao giờ thực sự trở thành một bác sĩ thú y. Một cảm giác rằng tôi đã xạo tất cả mọi người. Tôi cũng chẳng thực hơn bao nhiêu, so với cái người đàn ông bằng bìa cứng, luôn ám ảnh với ngữ pháp nép sau tấm bảng trên lớp. Tôi đã chết, gần như thế. Con rối của bố tôi lắc đầu. Bạn thấy đấy, nó nói, đây là một trong nhiều lý do mà tôi vẫn là người theo Thanh giáo.

Con rối của cha tôi như có lời sấm truyền. Đó có phải là lỗi của nó không? Lí trí tôi mách bảo, điều này xảy ra khi bản thân tôi gặp bế tắc về tinh thần và không thể nhìn nhận thấu đáo. Lí lẽ của con rối không hoàn toàn hợp lý, thậm chí nó còn chẳng phải con người thật sống bên ngoài tâm trí tôi. Nó không muốn uống loại thuốc mà bác sĩ kê đơn, vì thuốc làm nó ngứa ran ở chân, và nó không thể chịu nổi cảnh ấy, và chúng tôi đã tranh cãi về điều đó, và tôi đã đối xử với nó như thể nó là một đứa trẻ, mà nó có phải đứa trẻ đâu. Tôi đã không khiến nó hạnh phúc, hay giúp nó khỏe khoắn. Tôi đã thất bại trong các nghĩa vụ đạo đức cơ bản nhất. Có lẽ tôi không còn noi theo sát cách sống của Tháng Tư nữa, cái lối sống mà, nghịch lý thay, khi tuân theo chúng, tôi được trở thành phiên bản là chính mình. Thật tệ là, tôi không còn thích bản thân mình nữa.

Tôi thấy tôi đã ở ngay đó. Trên chiếc cầu! Chiếc cầu bắc qua Lạch Arikaree, trên Quốc lộ 119. Trời lộng gió. Mặt nước dâng cao và có màu nâu, giống như que hộp Neapolitan tan chảy. Có phải nước đang hát một bài hát nào đó khi nó tự tin lao về phía trước? Chắc chắn rồi. Nhưng đúng, nó đang chảy, từ chỗ tôi đứng và nhìn nó bằng chính đôi mắt mình chứ không phải của ai khác. Tôi muốn biết những gì lũ chó đã nhìn thấy. Tôi không thích nhảy. Tôi nghĩ mình có thể trườn xuống bờ sông thay vì nhảy xuống.

Tôi lần theo con đường do lũ chó vạch ra. Dù không có ở đây, chúng vẫn là những người dẫn lối. Bùn có các mảnh đá vôi. Đám bồ công anh và đuôi chồn níu đất lại. Có vẻ như chẳng có gì đáng chú ý, ngay cả khi có lý do để mong đợi một thứ gì là lạ ở dưới đó, gần mặt nước hơn. Tôi có cảm giác mong đợi điều ấy đến choáng váng, như thể tôi sắp được chứng kiến một con khỉ đột sinh con (điều mà tôi đã từng chứng kiến). Tôi cảm thấy mình đang tiến gần đến kho sự thật, hoặc tăm tối. Đó là một cảm giác thời thơ ấu, cái cảm giác mà tôi tin tưởng vào nó. Như có một lực hút nam châm, một cái lỗ, hoặc một nguồn năng lượng chỉ một số loài động vật cảm nhận được, và tôi, người cảm thấy mình giống như một con vật bị giam hãm mất đi một số giác quan nhất định, đang tiếp cận nó. Trời lầy lội, tôi lấm tấm bùn còn ánh trăng vằng vặc.

Bạn có thể không tin, và tôi có thể sẽ không nói cho ai biết. Tôi đã nắm được một số điều về lũ chó đó và cũng học từ chúng. Không phải chúng đang vội vã rời bỏ thế giới này. Chúng không đuổi cái chết. Chúng không bị loạn trí. Cũng không phải chúng u sầu. Có một cái mùi. Tôi không thể xác định vị trí. Đó là vì lỗ mũi của chúng ta quá nhỏ và gần nhau nên khả năng định vị mùi hương của chúng ta rất yếu. Thế là tôi nằm dài trên nền đất ẩm ướt, mặt ngửa lên trời. Tôi cố im lặng hết sức. Tôi nhắm mắt lại, tập trung và tưởng tượng mình vô hại, thậm chí bị thương, và tôi cố gắng hết sức để trông như thể tôi chỉ có thể dựa vào khứu giác của mình. Tôi cố gắng xác định vị trí mùi hương đó chính xác nhất có thể, ước gì hai lỗ mũi của tôi cách xa nhau hơn. Tôi đã không thành công. Nhưng những gì tôi nhìn thấy, lúc mở mắt ra, trong đám rễ của một cây sồi bên bờ sông là một lốc bi ve, những viên bi con ngươi mắt. Những gì tôi nhìn thấy, từ dưới bùn, là một đàn chồn.

Một gia đình chồn, hình như thế.

Thứ đã khiến những con chó đó nhảy qua cầu là mùi của đàn chồn. Bạn có thể gọi mùi hương đó là mùi hương của tình yêu. Có thể là một sai lầm mà lũ chó ấy đã mắc phải. Nhưng là một thiếu sót của trái tim, như cha nói với tôi, nó ở ngay chỗ đó đống bùn. Hẳn thế, một cái lỗi đáng giá. Chúng ta phải tự xây dựng các quy tắc của riêng mình, các phán định của riêng mình và không nguyền rủa bản thân hoặc người khác vì cách chúng ta đến thế giới này. Ngoài ra, chúng ta cần xây dựng một lan can cao hơn trên cầu, hoặc nghĩ ra cách nào đó để những con chó không còn bị thương.

Đó là những gì tôi muốn sẻ chia với một ai đó. Tôi không thể nói với cha, người mà tôi vẫn thường xuyên giả vờ - giả vờ rằng tình yêu ông dành cho tôi đẹp đẽ và hoàn mỹ. Và nữa, giả vờ tôi đã yêu ông một cách đẹp đẽ và hoàn mỹ. Lần cuối đến thăm ông, tôi tìm thấy mảnh giấy gần giường, trên đó ông vạch ra một danh sách ba cột: “Bạn Thân”, “Bạn O.K”, và “Không phải bạn bè”. Chỉ có duy nhất mười một người, phân nửa số đó tôi chưa nghe tên. Tôi biết quá ít về người đàn ông này, cái người đã có lúc la mắng tôi, có lúc ép tôi uống hết ly sữa, người đã để tôi ngủ với bầy dê con khi tôi nhút nhát. Tôi đã chu toàn bổn phận làm ông vui lòng hay chưa? Ở đó, trong lớp bùn, tôi đã bắt đầu. Dù là một bác sĩ thú y nhiều năm, đó là khoảnh khắc tôi trở thành, trong mắt lũ chồn và chính mình, một bác sĩ thú y thực thụ.

R.G
(TCSH410/04-2023)

Nguồn: https://www.newyorker.com/magazine/2023/03/13/how-i-became-a-vet

------------------------
1 Tác giả dùng từ “vet” trong tiêu đề truyện: viết tắt của veteran (cựu binh) hoặc veterinarian (bác sĩ thú y).
2 Chim dodo hay chim cưu đã tuyệt chủng.

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Bão nhỏ (24/05/2023)
Chùm thơ Lê Nhi (22/05/2023)
Suối Không Tên (19/05/2023)