Tạp chí Sông Hương - Số 412 (T.06-23)
Mơ trong đôi mắt mèo
15:14 | 03/07/2023


TRẦN BĂNG KHUÊ

Mơ trong đôi mắt mèo
Minh họa: Đặng Mậu Tựu

1. Ánh mắt của một con mèo có thể làm tan chảy bóng tối.

Trước giờ đi ngủ. Tôi luôn để một ngọn đèn nhỏ, vừa đủ ánh sáng soi vào bóng tối của tôi trong đêm. Mãi cho đến khi mặt trời bắt đầu chiếu rọi những lấp lánh của bình minh bên ngoài khung cửa sổ. Thậm chí, có khi tôi biết cái bóng của màn đêm vẫn tiếp tục đeo đẳng, bám riết trong mắt tôi, (không phải mắt mèo). Thật ngại, phải kể lể với thế giới về sự tồn tại của một vài thứ chẳng hay ho gì trong khoảng ký ức ấy. Thật ngại, phải tỏ bày những ẩn giấu mà tôi cố tình không muốn phô diễn dưới ánh sáng. Bởi vì, tôi nghĩ, nếu tôi bước chân qua cánh cửa đó, tắt đi ngọn đèn nhỏ, cho dù lão mặt trời già, trăm vạn triệu năm tuổi kia, có tưng bừng nhảy nhót vào sớm hôm sau chăng nữa, thì sự hiện diện của bóng tối vẫn mênh mông.

Vài lần, tôi đã thử, chỉ là nhón thử một bước chân ra khỏi bóng tối, dự sẽ mở miệng kể lể thỏ thẻ cùng một hình nhân cụ thể có mối quan hệ gần gũi, thân thiết với mình. Ấy vậy, tôi lại sợ. Mỗi lần như thế, cả người tôi bắt đầu run lên bần bật, hơi thở dồn dập, hai bàn tay nắm chặt không cách gì gỡ ra được. Cảm giác như tôi đang chìm sâu hơn nữa vào bóng tối. Chính thế, nên tôi chần chừ, do dự việc phải đối mặt với sự yếu đuối bản năng của mình. Thành thử, những lần tiếp theo, (thật tình là đã có một vài lần trước đó...) tôi cố gắng kiểm soát tình trạng bất ổn này của cơ thể mình, nhưng vô ích. Kể cả, suy nghĩ về việc lựa chọn một hình nhân khác. Tôi tiếp tục thất bại. Kết quả không thay đổi. Tôi vẫn phải trải qua tình trạng khó chịu này của cơ thể.

Tôi bắt đầu nghĩ đến việc kiểm soát nó. Dứt khoát sẽ kiểm soát nó, bất chấp sự bất tiện về tình huống thể trạng của tôi. Chẳng thể nào người ta giấu giếm mãi những câu chuyện buồn trong bóng tối bằng cách im lặng được. Cuối cùng, tôi nghĩ đến, một sinh vật khá quen thuộc mà hẳn gia đình nào cũng có. Thứ sinh vật chỉ biết nghe mà không biết hỏi. Không phải những hình nhân (bởi vì, những hình nhân thường chỉ biết nhảy múa). Vậy là tôi có ý nghĩ mở miệng.

Thứ sinh vật tôi chọn làm kẻ lắng nghe có đôi mắt tròn như hai hòn bi ve và rất sáng trong đêm đen. Chắc chắn sinh vật ấy sẽ khiến tôi đủ tự tin để mở miệng ra thành thật, thẽ thọt một câu chuyện kể bình thường trong giấc ngủ mà tôi mơ ước. Nhưng, thỉnh thoảng, khi tôi dự định ngồi xuống bên cạnh thứ sinh vật xinh xắn ấy để mở miệng thẽ thọt, tôi lại bắt gặp một ánh mắt khác thoáng qua khung cửa sổ. Vừa dịu dàng, vừa sâu thẳm hơn cả bóng tối của một người đàn bà đã bắt đầu già và cô đơn. Tôi nghĩ, “hẳn là trong mắt bà cũng có một hố đen vũ trụ”. Tất thảy mọi thứ xung quanh, tôi có cảm tưởng rằng chúng bị lực hút của đôi mắt kia cuốn theo hết như một cơn lốc xoáy. Mất tích. Tôi dừng. Tôi không nói bất kỳ lời nào. Tôi chỉ im lặng ngắm nhìn thứ sinh vật bé bỏng đó và vuốt ve nó. Trong một căn phòng lớn sẽ có một căn phòng nhỏ. Trong một nỗi đau nhỏ sẽ có một nỗi đau lớn hơn. Vậy là, lần thứ tiếp theo trong cuộc chơi đùa chật vật với chính bản thân mình. Tôi quyết định dừng lại việc mở miệng để nói về nỗi đau nhỏ bé. Câu chuyện của tôi cũng vì thế bị cất giữ lâu hơn một chút.

Cách đây dăm hôm, cộng đồng mạng lũ lượt chia sẻ câu chuyện của một cô gái trẻ. Tuổi thơ là thứ ký ức khó bị bôi xóa nhất. Tôi không hào hứng với những dòng thời gian trên mạng xã hội. Nó điều khiển suy nghĩ của tôi. (Nhiều khi, tôi cảm tưởng như nó đang ăn mòn cả thể xác và tinh thần tôi vậy). Thế mà, tôi vẫn tò mò đọc lướt qua nội dung của dòng tin về cô gái kia. Sau đó, tôi quan sát hình ảnh cô ta ôm một con mèo với đôi mắt trìu mến. Tôi có một chút ấn tượng. Đó là biểu hiện của tình yêu thương. Hoặc cô ta đang cần đến một sự trị liệu. Tôi nghĩ, “ôm lấy một con mèo vào lòng, có thể cứu rỗi cô ta”. Tôi hình dung về câu chuyện của tôi trong ký ức. Và rồi, tôi quyết định không đọc tiếp câu chuyện của cô ta nữa. Trong thế giới phẳng, sự thật, hay nói cách khác, cái nửa kia của mặt trăng, có thể chúng ta không nhìn thấy được, nhưng, chiếc kim trong bọc đôi khi chúng chẳng hề yên phận. Tôi chỉ cần bước chân vào quán cà phê, ngồi xuống góc nào đó dăm ba chục phút. Tất thảy những câu chuyện nóng hổi nhất trên mạng xã hội, hoặc ngoài vỉa hè, đều được mô tả một cách rõ ràng.

Trở lại, với thứ sinh vật bé bỏng có đôi mắt viên bi màu vàng chanh ấy. Đã bao nhiêu lần tôi dự tính mở miệng với nó. Thực sự đến cả việc chia sẻ với một con mèo cũng khiến tôi do dự. Nó hồn nhiên và tinh nghịch như một đứa trẻ con. Tôi không nỡ làm vấy bẩn một tờ giấy trắng. Ấy vậy, thời đoạn nó bắt đầu thành thiếu nữ. Tôi lại chẳng thể kiềm chế được câu chuyện của mình và bắt đầu thẽ thọt kể lể. Quái lạ thay, khi mở miệng nói với nó, cơ thể tôi cũng không còn tình trạng mất kiểm soát vì sự ám ảnh, vì những biến đổi của tinh thần nữa.

Tôi nhớ rằng, chính người đàn bà có đôi mắt sâu như vũ trụ, đã mang nó về từ nhà xóm dưới. Bà vốn dĩ rất thích các loại sinh vật nhỏ nhắn quấn người. Bà yêu thương và chăm bẵm chúng chẳng khác gì một đứa bé. Con mèo trở thành sợi dây kết nối những bí ẩn giấu kín. Nó chẳng những phải lắng nghe tôi, mà thi thoảng tôi bắt gặp bà ấy cũng đã bắt đầu kể lể điều gì đó với nó dưới ánh sáng mặt trời. Nắng lên. Nắng xoa dịu đôi mắt mèo hoang lạnh lẽo trong đêm. Nắng làm mắt người đàn bà cũng giãn ra khỏi đôi hàng lông mày thưa và ngắn. Tôi chợt nghĩ, “biết đâu, con mèo ấy có khả năng làm tan loãng tất thảy mọi ngờ vực về nỗi đau, khiến chúng biến mất một cách kì diệu trong đôi mắt của người đàn bà bắt đầu già”.

Tôi vẫn mơ hồ về việc có nên làm cho nỗi đau của tôi tan biến đi bằng cách tiếp tục kể thêm câu chuyện khác theo dòng ký ức của tôi nữa hay thôi? Ôm con mèo vào lòng, ví dụ thế, và bắt đầu thẽ thọt với nó dưới ánh nắng mặt trời ấm áp. Nhưng, một lần tôi thấy đôi mắt nó chùng xuống mệt mỏi. Sau thời gian trở thành thiếu nữ, nó đã đổi khác. Tôi quyết định, sẽ không kể lể thẽ thọt thêm bất cứ điều gì với nó nữa. Trong một câu chuyện lớn, có một câu chuyện nhỏ. Tôi đã cho đi một câu chuyện nhỏ. Tôi sẽ giữ lại một câu chuyện lớn. Bởi vì, tôi có ý nghĩ rằng, nếu tôi cố cắt phăng đi một cơn đau trong bóng tối, tôi sẽ mất đi lý do để tồn tại, chẳng hạn.

2. Sẽ không còn gì ngoài nỗi đau để kiêu hãnh.

Tôi vẫn lướt qua những câu chuyện lớn nhỏ mỗi ngày trong thế giới ảo như bao nhiêu con người khác chỉ để lấp đầy nỗi cô độc vô hình. Nhưng, bất khả. Càng cố gắng lẩn trốn trong thế giới ấy, tôi càng trở nên trống rỗng. Con người là một tiểu vũ trụ. Thực tình, tôi vẫn quẩn quanh những ý nghĩ về cô gái ôm một con mèo trên tay. Và cô gái ấy sẽ như thế nào khi kể lể câu chuyện của mình cho cả thế giới biết? Liệu hình hài của nỗi đau có chấm dứt hay chăng? Tôi gõ vào ô tìm kiếm, dòng chữ, “cô gái và con mèo”. Chẳng có nội dung gì tôi muốn cả. Tôi gõ một dòng chữ khác, “câu chuyện của một cô gái trẻ bị thương tổn”. Lập tức hình ảnh của cô bế con mèo trên tay hiện ra theo dòng thời gian.

Một số người dường như vẫn chưa nguôi cơn phẫn nộ hiển nhiên trước vài sự vụ trái lẽ đạo, chẳng hạn như câu chuyện của cô gái ấy. Tôi biết, trẻ con lớn lên bằng lời hát ru và tình yêu thương đủ đầy sẽ khác. Ít ra, hoặc chắc chắn rằng, không xuất hiện câu chuyện như cô gái trẻ kia. Tôi thì vẫn khư khư ôm lấy cái bóng của riêng mình, đùa chơi với nó (thi thoảng tôi chơi với một con mèo).

Chỉ dăm ba tuần, sau những sự vụ xôn xao, thế giới trở về trạng thái cô độc, tẻ nhạt như vốn dĩ. Mạng xã hội tiếp tục nhảy nhót sang những trò vui, những tin tức đủ thể loại hầm bà lằng khác. Sự thật câu chuyện của cô gái trẻ ôm trên tay một con mèo bị dòng thời gian cuốn trôi đi mất. Và tôi, mọi trạng thái suy tư của tôi lúc này, thực tình vẫn chỉ để dành cho việc hình dung về đôi mắt của những con mèo trong đêm tối.

Tốt nhất, tôi nên quay trở lại với nó. Niềm ủi an đầy tràn tình thương mến. Chúng thật sự là thứ khiến cho nỗi buồn, nỗi cô độc của tôi từ những ngày thơ ấu có thể bay biến ngay lập tức. Sau đó, chờ đợi. Và, quan sát. Và, im lặng đùa chơi với niềm kiêu hãnh được giấu kín. Có vài lần, quả thực là có vài lần tôi yếu đuối trước một ánh mắt. Tôi sợ, ánh mắt của người đàn bà đã bắt đầu già. (Nhưng mắt mèo thì không). Hình như nỗi cô đơn trong mắt chúng khác với con người? Chẳng thể so sánh được, liệu rằng, giữa các vũ trụ, vũ trụ nào cô đơn hơn nếu chúng song song với nhau. Riêng tôi, đôi mắt mèo chỉ đơn giản là những viên bi phát sáng lấp lánh một cách đẹp đẽ, thần tiên.

3. Con mèo của tôi đã qua thời khắc trở thành thiếu nữ từ lâu.

Tôi vẫn quen việc để đèn sáng đi ngủ. Nhưng, ngay lúc này, tôi phải tắt nó. Mưa và sấm chớp. Bóng tối. Tiếng mèo gào thét trong đêm. Những hiện hữu trong cõi tha nhân không phải là một khái niệm ảo ảnh mờ nhạt. Chúng tồn tại sững sờ hệt như tượng đá. Tôi nhắm mắt. Không hẳn để mơ. Có khi chỉ cố sắp đặt lại một số trật tự trong tâm thức rối rắm của mình. Tôi đang mường tượng về cái đêm hôm qua. Một giọng nói thì thầm xuyên vào bức tường trong tai tôi, “xin để yên cho bóng tối ngủ”. Tôi thử đưa mắt nhìn về phía tấm đệm bông ngay góc phòng, một hình hài nhỏ bé mệt lử nằm thiêm thiếp. Tôi rón rén nhẹ chân khi bước xuống giường, từ từ nâng vật này lấy vật kia. Thêm một lần nữa tôi phải kìm chế việc bật chiếc đèn bàn nhỏ. Tôi sợ ánh sáng sẽ khiến đôi mắt ấy tỉnh thức láo liên, sợ hãi. Như đêm hôm qua, tôi đã thấy một vết cắt hoang dại trong mắt nó. Vết cắt ấy sâu. Sâu như đôi mắt người đàn bà đã bắt đầu già.

Khi trải qua nỗi đau, tôi nghiệm ra rằng, cá thể hoặc sinh vật nào cũng sẽ có những biểu hiện chẳng thiết tha gì đời sống này một cách vô thức. Dù nó ẩn giấu dưới hai viên bi màu vàng chanh lấp lánh. Tôi né tránh ánh mắt nó, cố gắng đánh lừa cảm giác ray rứt trong lòng bằng hành động đặt bàn tay lên bộ lông đẫm ướt cơn mưa đêm qua của nó. Rồi, lấy chiếc khăn nhỏ nhẹ nhàng lau bốn cái chân dính bệt đất đỏ. Thay vì kể lể chuyện của mình với nó như trước đây, tôi hỏi câu chuyện của nó. Tôi vừa lau vừa lẩm bẩm nhiều lời, “mày lại ra vườn vào đêm mưa phải không?”, “mày tìm kiếm được thứ mày muốn chưa?”; hay tôi cố tình triết lý nhảm bên tai nó rằng, “nỗi đau ấy mà, mày càng cố gắng bám những chiếc móng dù có sắc nhọn vào khu vườn hoang, móng chân của mày vẫn bị rướm máu.”. Hẳn nó sẽ chẳng hiểu gì lời tôi nói. Nó chỉ cần rời đi mỗi đêm mưa, và trở về mệt lả nằm xuống chiếc đệm bông tôi để sẵn trong góc phòng là đủ.

4. Hãy ngủ đi thế giới. Rồi sớm mai, bình minh sẽ tràn ngập khắp mọi cái lỗ, hoặc xuyên thủng cả bức tường này như nỗi đau vậy.

Tôi kết thúc màn độc thoại. Đôi mắt mèo nằm thiêm thiếp thở. Chưa đầy năm phút. Nó bất chợt giật mình choàng tỉnh, thất thần nhìn về phía cửa sổ. Nó quan sát một lúc rồi di chuyển bằng một cú nhảy, luồn qua những cái lỗ. Nó lại biến mất vào trong bóng tối. Nó biến mất trong sự bất lực của tôi. Âm thanh của nó. Tiếng gào thét của nó như muốn xé tan nát cơn mưa. Tôi gắng lắng nghe thứ âm thanh ấy. Chúng khá kỳ quặc, lúc này. Đã lâu tôi không quan sát và lắng nghe một cách nghiêm túc tiếng kêu của một con mèo nữa. Đôi lần, tôi bị bất ngờ. Trước đây, khi nó bắt đầu trở thành thiếu nữ, tiếng của nó ẻo lả và sến sẩm phát ngán lên được. Nhưng, sự êm dịu đó đã biến mất. Nó đã khác. Tôi xin phép chuyển sang việc mô tả âm thanh thay vì ánh mắt của một con mèo. Vì giọng của nó lúc này thực sự là tiếng của rừng núi, là những cơn gầm gào của cuồng điên và hoang dã. Tôi thắc mắc, liệu nỗi đau của nó có giống với những nỗi đau mà tôi cảm nhận được từ thực thể loài người?

Hai mươi tư giờ. Tôi vẫn không thể nào chợp mắt được. Những nhập nhoạng giữa thức và tỉnh; giữa hiện cảnh thực và mộng; giữa bóng tối và ánh sáng lẫn lộn. Trong sự buồn tẻ, chán ngắt của màn đêm, tôi cố gắng mở hết mọi giác quan, tỉnh thức để lắng nghe âm thanh bên ngoài bức tường. Thung lũng bị nhận chìm trong thứ âm thanh cô độc vọng lại. Tôi thu nhận hết tất thảy những cơn sấm sét bên ngoài mấy cái lỗ thông gió. Giọng nói vô hình kia bất chợt tiếp tục rề rà kéo dài, “xin để cho bóng tối ngủ yên”. Tôi thiếp đi lúc nào chẳng biết trong cơn mê mộng về ánh mắt và tiếng kêu gào của những con mèo từ phía thung lũng.

Ánh sáng mặt trời bừng lên bên ngoài bức tường, sau một cơn mưa đêm. Tôi vẫn không muốn rời khỏi giường. Tôi nghe tiếng ì oạp từ trong phòng tắm. Tôi nhỏm người dậy, nhìn về phía đó. Một hình hài mảnh khảnh, yếu ớt đang chậm chạp tợp từng ngụm nước trong cái ly lớn tôi để sẵn dưới nền nhà. Chắc chắn đêm qua và cả sáng nay nó đã tiêu hết năng lượng cho việc gào thét giữa mưa gió. Tôi len lén quan sát đôi mắt nó. Những tưởng, nó sẽ rời khỏi tấm đệm bông êm ái ấy để tiếp tục cuộc tìm kiếm bên ngoài. Nhưng, không. Nó nằm xoãi ra trên tấm đệm màu xám. Thất thần. Mệt mỏi.

“Ngủ đi, ngủ đi những viên bi lấp lánh”. Tôi đến gần, ngồi xuống bên cạnh nó và bắt đầu thẽ thọt, thì thầm. Chiếc đèn bàn nhỏ chong chong chờ nó một đêm. Ánh sáng mờ ảo ấy, chắc hẳn vừa đủ để dỗ giấc cho nỗi đau của cá thể mèo mẹ mất cả bầy con xinh xắn trong một ngày.

5. Loài mèo, tôi nghĩ, đôi khi chúng hệt như các vị thần canh giữ những ngôi nhà không có ánh sáng.

Đêm mới là thời gian sống của những viên bi lấp lánh màu vàng chanh. Chúng chẳng cần biết thế giới loài người trắng đen hay vàng thau lẫn lộn thế nào. Trong bóng tối mắt chúng càng sáng rõ. Nhạy và sắc như những ngọn đèn pha. Nó, đôi mắt con mèo của tôi cũng vậy. Nhiều lần, nhìn thấy thứ ánh sáng ấy trong bóng tối, thảng hoặc tôi có giật mình một chút. Ánh mắt tinh tường của loài mèo đủ để soi rọi vào cõi hoang vu sâu thẳm. Không chỉ là một khu vườn rậm rạp dưới thung lũng. Tôi đang bị thứ cảm giác lạ lẫm này dẫn dụ đến một thế giới khác. Tôi đã từng mơ về một nơi, mà chúng, những cá thể mèo vô chủ (hoặc đã từng có chủ) không cần phải lang thang cô độc trong bóng tối để tìm kiếm thức ăn. Tôi nhìn tư thế nằm xoãi ra của nó. Sự mệt mỏi. Cuộc tìm kiếm thất bại. Một cá thể mèo cũng có thiên chức làm mẹ. Nó, đang chịu đựng nỗi đau khi những chiếc vú ba lần bảy lượt sinh nở vẫn còn căng sữa nhức buốt.

Tôi mơ. Một giấc mơ về thành phố riêng của loài mèo. Có thể, chỉ là một câu chuyện cổ tích. Thế giới tôi muốn, có khi phải đi qua đường hầm thu nhỏ nằm trong thân cây cổ thụ khổng lồ mà tôi vẫn thường tưởng tượng.

“Ai có chó mèo, bán đi”.

Tiếng rao được thu âm lại từ những năm trước ám ảnh tôi rất lâu. Thậm chí, rời khỏi xứ sở dăm ba năm, ở một đất nước lạ lẫm vắng tiếng chó mèo hoang trong đêm, thi thoảng tôi vẫn giật mình nghe vọng lại từ đâu đó thứ âm thanh ấy khi nhớ đến những đôi mắt hình viên bi lấp lánh. Nhưng, bây giờ, thoảng qua tai tôi là một tiếng rao mê mộng, lạc lõng, “Ai có bóng tối, bán đi”.

Thực tình, gã đàn ông ấy đã rảo qua rảo lại khá lâu trước ngõ xóm này. Cuộc mưu sinh của loài người nhiều khi quá khắc nghiệt. Tôi định mở miệng hỏi vọng ra bên ngoài cánh cửa. Giọng ai đó vô hình thì thầm nhắc tôi: “Xin hãy để cho bóng tối ngủ yên”. Dù rằng, dưới chiếc đệm bông của tôi vẫn chỉ là một đôi mắt mèo đang nằm thiêm thiếp trong cơn mê mệt mỏi.

6. Liệu mèo có biết mơ không?

Tôi nằm xuống giường. Nghĩ thoáng qua về giấc mơ của một con mèo. Sau đó, nghĩ tiếp về những giấc mơ của mình. Tôi nghiêng người nhìn vào khuôn mặt bé nhỏ, hơi thở phập phồng trên tấm đệm bông. Tôi tự trả lời về giấc mộng của nó, “Chắc chắn mày đang nằm mơ rồi, về nắng, về hoa và bướm vàng tung tăng bay lượn, hay là những nỗi đau?”. Tôi cố mường tượng, hình dung sự hóa thân của một con mèo, khi nó bắt đầu biết yêu đương, biết ăn trái cấm như Adam và Eva. Tôi nhớ lại, nhiều bận, thử lặng im hóng hớt, quan sát cuộc hẹn hò của nó. Thật lòng, nghe tiếng nó gọi bạn tình tôi chỉ muốn buồn nôn vì cái kiểu uốn éo chất giọng lên cao xuống thấp kéo dài một cách sến sẩm. Bây giờ, ngay lúc này, nó nằm thiêm thiếp mệt mỏi sau khi gào thét tìm kiếm trong cơn sấm sét đêm qua. Những tiếng động, dù nhỏ nhất cũng khiến tôi cân nhắc thận trọng. Tôi sợ nó sẽ thức giấc. Tôi sợ cảm giác nhìn thấy nó bất thần bật dậy phóng lên những ô cửa sổ vuông bé tí để ra vườn trong nỗi cô đơn của loài mèo. Thung lũng vẫn chìm sâu trong những cơn mưa đêm rền rĩ vào mùa ở miền núi.

“Ai có ánh sáng bán đi?”.

Gã đàn ông chạy chiếc xe máy cũ, chở một chiếc hộp hình chữ nhật bằng sắt rỉ phía sau. Ông ta đã đi qua đi lại rất nhiều lần ở đoạn đường này. Lời rao cũng đã khác. Đôi mắt mèo đang nằm thiêm thiếp bất giác mở to, giật thột. Nó phóng thẳng qua khung cửa sổ. Giọng của nó nặng và rè cất lên nhòe ướt cả cơn mưa đêm hôm trước, hôm trước nữa.

Hoàng hôn. Nó quay về ì oạp tợp từng ngụm nước. Tôi đặt sẵn chén nước đầy trong góc phòng. Tôi vặn ánh sáng vừa đủ và chờ đợi nó. Mắt tôi chùng xuống trước những cảm giác mệt mỏi, cô đơn của một con mèo. Nó nằm xuống, xõa cả bốn chân trên tấm đệm bông màu xám, thiêm thiếp mắt. “Tối nay, có thể nó sẽ không ra vườn nữa”, tôi đoán. Quan sát thân thể xơ xác kia, tôi biết sự tuyệt vọng của nó đã lên đến đỉnh điểm và đang dần bị bão hòa. Tôi vẫn chưa kể với nó câu chuyện lớn của tôi.

Thời gian đã là sự trừng phạt khắc nghiệt nhất đối với loài người. Ân hưởng của thượng đế cũng ngang bằng với việc trả giá. Tôi nhìn đôi mắt người đàn bà đã bắt đầu già và cô đơn. Tôi nghĩ đến việc khai mở khả năng kỳ diệu tự chữa lành vết thương cho chính mình (có thể cả cho bà ấy). Những đôi mắt mèo, vừa lạnh vừa hoang dã, và cũng rất ấm áp. Tôi đã thử nhiều lần. Dăm ba bận, muốn vượt qua một cơn khủng hoảng tinh thần, tôi chỉ cần nhìn vào mắt của những con mèo là đủ.

7. Bản năng làm mẹ là món quà mà thượng đế dành tặng cho muôn loài.

Trực giác khiến tôi cảm nhận được, có thể lúc này và vĩnh viễn, con mèo của tôi đang dần dần rời xa tôi. Nó không còn là đứa trẻ con nghịch ngợm chạy nhảy khắp nơi, leo trèo cửa sổ với chiếc chuông màu xanh rung rinh trên cổ. Đêm nó rời đi. Ngày nó quay về. Nhưng, hôm nay, nó lặng lẽ nằm im trên tấm đệm bông màu xám. Tôi không tính dài dòng lý giải bất cứ điều gì vào lúc này. Dù rằng, tôi vẫn thắc mắc mãi về sự tồn tại nào đó bỗng dưng biến mất không một dấu vết. Ví như, một ngày đẹp trời, tôi lại mất nó. Khoảng trống đang tồn tại trong ký ức của tôi về việc những con mèo rời đi và biến mất xếp đầy lên dần dần theo thời gian. Mỗi khoảng trống là một giấc chiêm bao. Tôi tiếp tục hình dung về sự mất mát. Có khi là hoàn cảnh ngược lại. Chẳng hạn, chuyện một con mèo lông xám buồn khác đang được chăm bẵm, bỗng một ngày người yêu thương cưng chiều nó rời khỏi nhà, ra đồng. Như bụi. Tan vào bụi. Sinh tử là lẽ hiển nhiên. Lúc này, con mèo của tôi vẫn đang tồn tại hình hài rõ ràng. Vậy mà, tôi vừa nhìn thấy trong mắt nó thứ cảm giác buồn bã thẳm sâu ấy thêm lần nữa. Ánh mắt hoang dã lạnh lẽo. Ánh mắt của sự rời bỏ.

Ba ngày sau, nó biến mất. Tôi cố gắng chờ đợi mỗi đêm, chờ cho đến canh giờ thứ hai mươi tư mới chợp mắt. Tôi ngóng trông nó qua cửa sổ. Một lần, giật mình thức giấc vì cử động nhỏ. Tôi nghe tiếng uống nước òng ọc trong phòng. Hóa ra, tôi nằm mơ. Trên chiếc đệm bông màu xám tôi để sẵn không hề có dấu vết của nó. Một tiếng sấm nổ ngoài trời. Mưa lớn đổ ập xuống thung lũng. Núi rừng chao đảo trong cõi mộng mê của loài người. Giờ, tôi không nghĩ đến việc chữa lành vết thương của mình. Dù sao, nó cũng có vai trò riêng của nó trong đời sống tinh thần của tôi. Tôi chỉ khá thắc mắc rằng, liều thuốc nào sẽ chữa lành những vết thương cho một con mèo?

8. Bình minh lên và trời bắt đầu hửng nắng trở lại sau cơn mưa.

Nhà tôi vắng lặng hẳn, khi con mèo rời bỏ. Có một khoảng trống quen thuộc chới với giữa những con người. Cậu bé mười bốn tuổi, mặt buồn hiu. Cậu không có cha, sống xa mẹ. Theo như tôi thấy, sự hiện diện của người cha hoàn toàn mờ nhạt trong tâm trí và cảm giác của cậu. Thực lòng, tôi đã từng nghe cậu chia sẻ một cách vui vẻ về sự tồn tại của những con mèo (không phải một người cha). Tôi biết, mấy hôm rồi, cậu vẫn im lặng quan sát sự tổn thương của mèo mẹ nằm trên chiếc đệm bông màu xám. Cậu bế bồng và chăm bẵm nó, lúc tôi vắng nhà. Cậu chơi đùa với bầy mèo con dưới áng sáng mặt trời. Tôi đã cố không nhìn vào mắt cậu. Nhưng, vẫn thấy những chông chênh, và cả sự thiếu sót của người lớn. Có thể cậu chưa cảm nhận được những vết đau của tuổi thơ lúc này. Nhưng một ngày nào đó, tôi nghĩ, rồi cậu cũng sẽ cần đến một đôi mắt mèo, để chữa lành.

Tôi lại nhìn lén cậu. Cậu nhìn về phía chiếc đệm bông màu xám từ cửa sổ. Sau đó, cậu bước hẳn vào căn phòng không có nhiều ánh sáng của tôi, rón rén đến gần rồi ngồi xuống lặng lẽ nhìn chiếc đệm bông màu xám lần nữa. Tôi nghe cậu rủ rỉ hồn nhiên bên góc phòng thứ thần chú kỳ lạ: “Xin hãy để những viên bi lấp lánh được ngủ yên”. Tôi nhìn lướt cái dáng cao gầy, đang vào tuổi dậy thì của cậu, rồi liếc nhanh sang chiếc đệm bông màu xám. Bất giác, tôi cũng muốn đọc câu thần chú ấy, “Xin hãy để những viên bi lấp lánh được ngủ yên ”.

Chẳng có đôi mắt mèo nào ở đó nữa. Nó đi rồi. Một con mèo tam thể rất nghịch ngợm, cá tính. “Nó đến như một giấc mơ”, tôi nói.

“Và khi nó rời đi cũng vậy”. Giọng của người đàn bà đã bắt đầu già và cô đơn vọng ra từ một căn phòng khác.

Mặt trời đứng bóng.

Tiếng rao quen thuộc phát ra từ chiếc loa rè. Gã đàn ông đi chiếc xe máy cũ chở theo một thứ hình hộp màu rỉ sét chạy qua những cánh cổng sắt đóng kín. “Ai, mèo bán không? Ai…”. Cố tình lắng tai thật kỹ, nhưng dường như tôi thấy tôi đã lạc trong những khoảng trống chông chênh cùng với một lời rao mê mộng buồn hiu hắt khác, “Ai mua ánh sáng, ai bán bóng tối đi?”.

9. Tôi biết, cách duy nhất để giảm bớt cơn đau là nhìn vào mắt những con mèo trong bóng tối.

T.B.K
(TCSH412/06-2023)

 

 

Các bài mới
Tiếng Huế chay (05/07/2023)
Đất thiêng (05/07/2023)
Chiều Hàm Luông (05/07/2023)
Các bài đã đăng
Linh hồn gầy (28/06/2023)
Chùm thơ Võ Quê (26/06/2023)
Hoa ở Huế (23/06/2023)