Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.6-23)
Tạp chí Sông Hương: 40 năm với những dấu ấn khó quên
16:27 | 10/06/2023

DƯƠNG PHƯỚC THU

Cách đây 40 năm, vào ngày 04 tháng 4 năm 1983, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Trị Thiên ra Quyết định về việc thành lập Tạp chí Sông Hương.

Tạp chí Sông Hương: 40 năm với những dấu ấn khó quên
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm - Tổng Biên tập đầu tiên của Tạp chí Sông Hương

Sau một thời gian chuẩn bị, tháng 6 năm 1983, Tạp chí trình làng số 1, đến tháng 6 năm 2023, Tạp chí đã xuất bản được 412 số. Trong suốt chặng đường 40 năm ấy, có hơn 6 năm Sông Hương là Tạp chí sáng tác nghiên cứu phê bình văn học nghệ thuật - văn hóa, thuộc Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên, và hơn 33 năm là cơ quan ngôn luận của Hội Văn nghệ - nay là Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế. 40 năm qua Sông Hương đã có những bước chuyển mình kỳ diệu với nhiều dấu ấn rất khó quên. Với những người yêu mến hay đôi khi giận hờn Sông Hương cũng đều có cảm nhận theo cách của mình. Với riêng tôi, duyên phận hình như định sẵn để được trăn trở, để yêu thương, để giận hờn, để vui sướng và cũng để nức nở với Sông Hương không ít lần…

Có thể nói, ngay từ số 1, Sông Hương đã xác định phương châm của Tạp chí là “Bản sắc địa phương gắn với phong trào chung của cả nước”, đồng thời giới thiệu một Ban Biên tập gồm 16 thành viên mà có lẽ từ bấy đến nay (tôi dám chắc) chưa có một tờ báo văn nghệ địa phương nào trong cả nước có được một Ban Biên tập hùng hậu như thế. Nói theo thuật ngữ nhà binh “họ là những sĩ quan hàm tướng” trong lĩnh vực này. Họ là những nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận văn học, phê bình sân khấu, là nhạc sĩ, họasĩ tài hoa đã nổi tiếng từ thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Xin được nhắc lại các vị trong Ban Biên tập đầu tiên ấy của Sông Hương với sự kính trọng của người viết, họ là các nhà thơ: Nguyễn Khoa Điềm, Xuân Hoàng, Lương An, Lâm Thị Mỹ Dạ, Lê Thị Mây, Võ Quê, Thái Ngọc San; các nhà văn: Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Khắc Phê, Nguyễn Đắc Xuân, Hà Khánh Linh; nhà phê bình văn học Lê Xuân Việt, nhà phê bình sân khấu Hoàng Minh Hằng, nhạc sĩ Trần Hữu Pháp, họa sĩ Bửu Chỉ. Đến số 6 ra tháng 4/1984 bổ sung thêm nhà văn Nguyễn Quang Hà vào Ban Biên tập.

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm lúc bấy giờ là Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Trị Thiên được bổ nhiệm làm Tổng Biên tập Sông Hương, tờ tạp chí văn nghệ địa phương đầu tiên trong cả nước (?). Vào thời điểm ấy và cả sau này tôi chưa thấy có tỉnh, thành nào trong cả nước cử một Tỉnh ủy viên làm Tổng Biên tập tờ tạp chí văn nghệ địa phương.

Từ Hội Văn nghệ - Tạp chí Sông Hương, chỉ vài năm sau nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm được bầu vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy, làm Trưởng ban Tuyên huấn, rồi lên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, ông vẫn tham gia Ban Biên tập Tạp chí Sông Hương. Sau đó ông được Trung ương điều ra Hà Nội làm Thứ trưởng Bộ Văn hóa và Thông tin, Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam. Đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, được cử làm Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Thông tin; rồi tại Đại hội lần thứ IX của Đảng, ông được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương… Trong thời gian này ông có nhiều đóng góp cho nền văn học nghệ thuật và báo chí nước nhà đến khi rời ghế quan trường. Năm 2006, ông trở lại ngôi nhà vườn do cụ nội của ông là nhà văn hóa Đạm Phương Nữ Sử lập nên từ thuở xa xưa nằm trên đường Nguyễn Sinh Cung, thành phố Huế, với chức phận người cháu lo hương khói giỗ chạp tổ tiên theo truyền thống của người Huế và làm thơ. Tại ngôi nhà này ông đã viết nhiều bài thơ mang tính triết lý nhân sinh và thiền đã ra đời. Ông đã trải qua nhiều chức vụ cao cấp của Đảng và Nhà nước. Với thơ, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm luôn là nhà thơ của Đất Nước, nhà thơ của Nhân Dân.

Nhà văn Tô Nhuận Vỹ, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương (ngoài cùng bên trái) cùng các văn nghệ sĩ



Giữa năm 1986, đất nước bước vào công cuộc Đổi mới, Sông Hương có Tổng Biên tập mới - nhà văn Tô Nhuận Vỹ. Trước xu thế của thời cuộc, Sông Hương đứng trước lựa chọn “Đổi mới hay là chết”. Dĩ nhiên Sông Hương phải chọn con đường đổi mới. Nhưng đổi mới cái gì trong văn học, văn hóa hay cách đánh giá lại “vấn đề của lịch sử” một cách khách quan để văn nghệ phát triển xứng tầm mà không lệch quỹ đạo định hướng. Đổi mới là cần thiết. Nó đòi hỏi người chèo lái con thuyền đổi mới phải có tư duy mới, có bản lĩnh vững vàng; bản lĩnh ở đây chính là văn hóa, chính trị, là con người cụ thể, là những người trong Ban Biên tập dưới tài cầm quân của Tổng Biên tập. Đổi mới thì phải có tác phẩm mới đi vào cuộc sống nóng bỏng, gắn với thực tiễn cuộc sống cơ sở và thượng tầng kiến trúc. Nhưng đổi mới không nóng vội, vì đây là vấn đề văn hóa, văn học, là thuần phong mỹ tục, là sự xung đột giữa phương Đông và phương Tây, trên con đường tiến đến hòa hợp hòa giải dân tộc sau chiến tranh vệ quốc, đất nước hòa bình.

Từ số 23 năm 1987, lần đầu tiên Sông Hương đã công bố Tặng thưởng cho tác phẩm xuất sắc của năm 1986 - mở đầu cho việc tặng thưởng hàng năm của Sông Hương sau này, kể cả người trong Ban Biên tập cũng được xét, với bút ký “Mẫu nhớ về một người cộng sản” của nhà báo lão thành Phan Quang, “Luận chứng một tâm hồn đa cảm” của Nguyễn Quang Hà. Truyện ngắn: “Hai bên bờ vực thẳm” của Nguyễn Văn. Nghiên cứu phê bình: “Tiếp xúc với tác phẩm” của Thái Bá Vân, “Nguyễn Trãi trước ngã ba thời đại” của Hoàng Phủ Ngọc Tường, “Hai bài thơ “Vãng quân thứ Đà Nẵng” và “Gian thực” của Đặng Huy Trứ” của Phạm Tuấn Khanh và Vũ Thanh. Nghệ thuật của Bửu Chỉ với phụ bản in ở các số 20 và 21.

Với bản lĩnh “Đổi mới hay là chết”, trên con đường sáng tạo, tìm kiếm các tác phẩm có xu hướng sáng tác “đổi mới mạnh mẽ”, liên tiếp từ số 32 (tháng 7 và 8/1988) Sông Hương công bố “Lá diêu bông, Theo đuổi, Về với ta” của Hoàng Cầm; đăng “Người đàn ông bốn mươi ba tuổi nói về mình” của Trần Vàng Sao*; số 36 đăng “Chuyên đề đổi mới trong Văn học Nghệ thuật”; số 37 đăng truyện ngắn “Cún” của Nguyễn Huy Thiệp; thơ “Nhìn từ xa… Tổ quốc” của Nguyễn Duy… Đến số 47 (ra tháng 5/1991 - số này đã in xong nhưng chưa phát hành) thì bị sự cố bức tranh “Tay Chân” của Bửu Chỉ và “nhờ đặt tên tranh” - Tổng Biên tập Nguyễn Khắc Phê - người có nhiều năm làm Phó cho Tổng Biên tập Nguyễn Khoa Điềm và Tổng Biên tập Tô Nhuận Vỹ, đến đây thì kết thúc vai trò chủ bút, Tạp chí bị đình bản. Lúc ấy có người nói vì đổi mới quá đà mà ra thế, có người nói do phạm húy trong nghệ thuật hội họa… Sông Hương phải tạm đình bản đến 8 tháng.

Sự kiện này đánh dấu bước thay đổi mới trong nhận thức của người làm báo và các nhà quản lý báo chí. Theo quan niệm xưa nay, Hội Văn nghệ cấp tỉnh là cơ quan chủ quản của tờ văn nghệ địa phương, với nghĩa ấy, Hội Văn nghệ Thừa Thiên Huế là cấp trên trực tiếp của Tạp chí Sông Hương. Hai nhà văn (Tô Nhuận Vỹ và Nguyễn Khắc Phê) nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương sau “sự cố văn học nghệ thuật đổi mới”, sang Hội Văn nghệ nhận nhiệm vụ, sau đó được Đại hội toàn thể lần thứ VII Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tín nhiệm bầu làm Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội với nhiệm kỳ 5 năm. Riêng nhà văn Tô Nhuận Vỹ khi kết thúc nhiệm kỳ Chủ tịch Hội được tỉnh bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Ngoại vụ, đến khi nghỉ hưu.

Muốn tờ Tạp chí ổn định và từng bước trở lại với bạn đọc cả nước một cách hữu xạ thì người làm Tổng Biên tập Sông Hương cũng phải nhu hòa. Tháng 12/1990, nhà văn Hồng Nhu ngồi ghế thường trực Hội Văn nghệ được bổ nhiệm làm Tổng Biên tập Tạp chí Sông Hương. Từ số 1 Tết Nhâm Thân 1992, Sông Hương cho thay đổi măng sét, bố cục lại trang bìa 1 Tạp chí do họa sĩ Phạm Đại trình bày và bắt đầu đánh số 1 đến số 12 theo các tháng của từng năm. Cùng với một vài điều chỉnh nội dung bài vở, Sông Hương chú trọng thể ký và truyện ngắn. Đúng một năm sau, năm 1993, Tạp chí mở cuộc thi truyện ngắn lần thứ nhất in trên Sông Hương. Ban Chung khảo gồm các nhà văn tên tuổi: Nguyễn Quang Sáng, Bùi Hiển, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Khắc Phê và Hồng Nhu. Sau kết thúc cuộc thi truyện ngắn, từ tháng 10/1996, Sông Hương phát động cuộc thi Thơ và đăng thơ trên Sông Hương cùng với sự kiện Tạp chí Sông Hương tròn 100 số. Thời gian trôi rất nhanh, mới đó mà đã có gần 7 năm nhà văn Hồng Nhu làm Tổng Biên tập Sông Hương. Trăn trở lo toan, nhà văn Hồng Nhu đã giữ được ổn định của tờ tạp chí, cũng là giai đoạn kinh tế báo chí bước vào thời kỳ sôi nổi, có nhiều thuận lợi cho báo chí hoạt động. Nhờ thế mà đời sống của anh em tòa soạn Sông Hương cũng đỡ đôi phần.

Sau Đại hội Văn học Nghệ thuật tỉnh lần thứ VIII, tháng 8/1997, nhà văn Nguyễn Quang Hà nhậm chức Tổng Biên tập Sông Hương. Sau khi ổn định tòa soạn, từ tháng 10/1997, Sông Hương đánh số thứ tự trở lại - số 104 ra tháng 10/1997. Và chỉ vài số sau, Sông Hương đã đặt vấn đề các nghiên cứu về “Nơi nguyên táng Nguyễn Du”. Đến số 112, Sông Hương kỷ niệm 15 năm phát hành số đầu tiên. Số này Tổng Biên tập Nguyễn Quang Hà bắt đầu đổi măng sét từ chữ SÔNG có khung viền sang bỏ khung. Đồng thời thông báo tổ chức thi truyện ngắn Sông Hương lần thứ hai (1998 - 2000). Cùng với cuộc thi truyện ngắn, Sông Hương tổ chức Cuộc thi Ảnh đẹp Huế năm 2000.

Vào tháng 11/1999, Thừa Thiên Huế bị cơn lũ lịch sử được ví như một trận đại hồng thủy tàn phá vô cùng dữ dội và khốc liệt đến hầu hết các địa phương trong tỉnh Thừa Thiên Huế, gây nên những thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản, để lại hậu quả vô cùng lớn lao phải nhiều năm sau mới khắc phục được. Nhằm giữ lại cho thế hệ mai sau những tài liệu quý giá về sự hy sinh của cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang và Nhân dân Thừa Thiên Huế trong phòng, chống cơn đại hồng thủy này, với quyết tâm khẩn trương, Tạp chí Sông Hương phối hợp với Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh, tổ chức tập hợp 70 bài báo, bài thơ, bút ký, ghi chép, ảnh tư liệu, những báo cáo thống kê của tỉnh ngay thời điểm ấy để in thành một cuốn sách có tiêu đề: Thừa Thiên Huế - Cơn đại hồng thủy năm 1999. Sách dày 350 trang, khổ 16 x 24cm, số lượng 650 cuốn, phát hành rộng rãi ra cả nước. Vào những ngày mưa gió sau này, tôi thường mở "Cơn đại hồng thủy năm 1999" ra đọc lại; mỗi lần đọc là một lần cầu nguyện các anh linh mầu nhiệm hãy phù hộ cho mưa thuận gió hòa, cho mọi người dân được bình yên.

Sau số 140 ra tháng 10/2000, nhà văn Nguyễn Quang Hà kết thúc nhiệm kỳ làm Tổng Biên tập, nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch được bầu lên thay. Ông cho thay đổi măng sét mới do nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo trình bày. Măng sét mới lạ. Đồng thời ông chủ trương thành lập một Hội đồng Biên tập mới. Liền đó mở cuộc thi thơ kéo dài gần hai năm, từ tháng 6/2001 đến tháng 3/2003. Thời kỳ này thơ trên Sông Hương được chú trọng về hình thức, nội dung, cung bậc ngôn ngữ, nhiều cây bút mới có cách nhìn mới trong sáng tác thi ca gửi bài cho Sông Hương.

Từ sau Sông Hương số 231 ra tháng 5/2008, nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch kết thúc vai trò Tổng Biên tập, chờ nghỉ hưu theo chế độ. Nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc, Phó Tổng Biên tập được phân công phụ trách Tạp chí Sông Hương, đến số 269 ra tháng 7/2011 thì ông chính thức đảm nhận chức danh Tổng Biên tập. Sau nhậm chức, ông cho củng cố lại trang Sông Hương Online, lấy lại măng sét do họa sĩ Bửu Chỉ thực hiện từ những số đầu của Tạp chí Sông Hương. Và chỉ vài số sau, ông chủ trương thực hiện 4 chương trình đã ấp ủ từ lâu về văn hóa xã hội: Phát triển không gian văn hóa; Tình Sông Hương; Phát triển tài năng trẻ; Tặng thưởng Sông Hương. Ông cho khởi đăng “Những kỷ niệm của tôi về văn học miền Nam”; Về một xu hướng thơ Việt hải ngoại; Thơ Tân hình thức, Hậu hiện đại…

Do nhu cầu đăng tải một lượng bài khá hay mà bản chính Tạp chí Sông Hương không thể kể hết chuyện về văn hóa Huế và rất cần được công bố đến với bạn đọc trẻ để họ hiểu thêm về văn hóa, lịch sử, con người xứ Huế trong quá khứ; với quyết tâm của Tổng Biên tập Hồ Đăng Thanh Ngọc, tháng 3/2010, được Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép, Tạp chí có thêm ấn phẩm mới -Sông Hương số Đặc biệt. Năm đầu ra 3 số; từ năm 2012 ra 4 số trong một năm; đến tháng 6/2023, ấn phẩm Sông Hương Đặc biệt đã xuất bản được 49 số.

Nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc lúc nhậm chức Tổng Biên tập là một nhà thơ trẻ, có cái nhìn trẻ trungvàôngđãtập hợp được rất nhiều cây viết trẻ trong nước gửi bài cho Sông Hương. Sự cố gắng của Sông Hương ít nhiều đã tạo được sân chơi cho lực lượng sáng tác trẻ của Huế và cả nước. Năm 2010, Tạp chí Sông Hương phối hợp với Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức Cuộc thi Thơ Lục bát.

Tháng 11 năm 2019, nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc thôi kiêm chức Tổng Biên tập Sông Hương để chuyên tâm làm nhiệm vụ của Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, Phó Tổng Biên tập Lê Vĩnh Thái kế nhiệm, tiếp tục đường hướng của Tạp chí “Bản sắc địa phương gắn với phong trào chung của cả nước”. Từ ý tưởng của Tạp chí Sông Hương và sau đó xây dựng cuộc thi, Tạp chí đã phối hợp, đăng tải bài dự thi cuộc thi bút ký với chủ đề “Di sản, văn hóavà con người Thừa Thiên Huế” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức, năm 2022. Năm 2023, Tạp chí Sông Hương tổ chức cuộc thi thơ với chủ đề “Thơ Huế 2023”, hiện đang triển khai và thu hút nhiều cây bút trong cả nước gửi bài tham gia.

*

Cứ theo mục lục của 412 số Sông Hương mà điểm lại, 40 năm qua Sông Hương đã tập hợp được hàng ngàn tác giả gồm những “cây đa cây đề” của cả nước gửi bài cộng tác nhiệt tình với Sông Hương. Do khuôn khổ của bài viết, chúng tôi xin lược ghi lại một số tác giả, như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các Giáo sư vàPhó Giáo sư: Tạ Quang Bửu, Trần Quốc Vượng, Nguyễn Tài Cẩn, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Đăng Mạnh, Phong Lê, Hà Minh Đức, Phan Ngọc, Đỗ Đức Hiểu…; các nhà văn nhà thơ: Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Huy Cận, Văn Cao, Nguyễn Tuân, Nguyên Ngọc, Trần Dần, Phùng Quán, Hoàng Trung Thông, Hoàng Cầm, Bùi Hiển, Trinh Đường, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Thu Bồn, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh, Thanh Thảo, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Phạm Ngọc Cảnh, Vũ Quần Phương, Nguyễn Duy, Phan Thị Thanh Nhàn…; các nhạc sĩ: Hoàng Vân, Nguyễn Văn Thương, Trịnh Công Sơn, Trần Long Ẩn; các họa sĩ: Phạm Đăng Trí, Bửu Chỉ, Vĩnh Phối, Trương Bé, Đặng Mậu Tựu, Hà Văn Chước…

Từ năm 1987, Sông Hương bắt đầu Tặng thưởng tác phẩm xuất sắc hàng năm. Mặc dù giá trị vật chất không lớn, nhưng được Sông Hương tặng thưởng là một cách ứng xử, là một niềm động viên vô cùng quý đối với tác giảcộng tác cùng Sông Hương. Chính vì thế mà có nhiều tác giả như Văn Cao, Trần Quốc Vượng, Vương Trí Nhàn, Hoàng Trung Thông, Bùi Hiển, Phan Ngọc, Đỗ Đức Hiểu, Xuân Hoàng, Tô Nhuận Vỹ, Đỗ Lai Thúy, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Đức Tùng, Dạ Ngân, Inrasara… và còn rất nhiều tác giả khác thật sự cảm động khi họ được Sông Hương tặng thưởng hàng năm.

Từ những ngày đầu và chưa xa ấy, đến nay đã có 6 nhà thơ nhà văn trong đó 4 người nguyên là Tổng Biên tập, 2 người là thành viên Ban Biên tập Tạp chí Sông Hương được Tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, đó là nhà thơ: Nguyễn Khoa Điềm, Lâm Thị Mỹ Dạ, các nhà văn: Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Khắc Phê, Hồng Nhu. Với số lượng tác phẩm khá lớn đã xuất bản và thời gian hoạt động của họ, tôi tin chắc rồi đây nhiều nhà văn nhà thơ từng ở Sông Hương sẽ được Nhà nước tặng các giải thưởng cao quý về văn học nghệ thuật.

Một cái nhìn của những người làm ở Sông Hương hôm nay ngẫm lại 40 năm đã qua với những dấu ấn khó quên về một tạp chí văn nghệ ra đời trên vùng đất giàu trầm tích văn hóa.

D.P.T
(TCSH49SDB/06-2023)

------------------------
* Các bài thơ ấy sau này được nhiều nhà xuất bản in lại và được trao giải thưởng.

 

 

Các bài mới
Lập công (24/07/2023)