Tạp chí Sông Hương - Số 413 (T.07-23)
Bến trăng gầy
09:43 | 10/08/2023

VŨ NGỌC GIAO

Sau hai đời chồng long đong lận đận, chị về với má ở ngôi nhà ven nhánh Trường Giang.

Bến trăng gầy
Minh họa: Ngô Lan Hương

Trong ngôi nhà lá cũ kỹ, chị âm thầm chứng kiến bao nhiêu đêm nước sông dâng cao xăm xắp lên đến tận cái miếu thờ ở ngã ba, cũng tại cái ngã ba sông này lần đầu Thản run rẩy khi nhìn thấy chị ngoi từ dưới sông lên, tóc tai áo quần ướt nhẹp dính sát vào cơ thể tròn trịa xuân thì.

Năm đó chị mười sáu tuổi.

Hai đứa thương nhau từ ngày còn cởi truồng tắm mưa, cảnh nhà Thản một mẹ một con, chẳng có gì ngoài chiếc thuyền thúng và căn nhà lá bên bến, má biết chuyện thở dài: “Nhà mình đã khổ, con còn bầy em mà về bên đó rồi cũng lặp lại cuộc đời như má…”. Dùng dằng đến hết năm, chị thôi ra ngã ba sông đợi Thản vào những đêm trăng.

Hai mươi tuổi, chị về làm dâu một nhà giàu trên phố huyện qua mai mối từ một người bà con. Ngày nhà trai dạm ngõ chị mới biết mặt chồng. Đó là một người đàn ông thân hình dị dạng, đi đứng khó khăn vì cục bướu to trên lưng khiến anh phải cúi gập người. Lần đầu nhìn thấy người mà từ nay phải gọi là chồng, đứng ở cửa buồng chị trân trối ngó anh, chân mắc cứng vô ngạch cửa không cách gì bước ra chào hai họ. Má hớt hải kéo chị vô buồng sụt sịt: “Con thương má, thương mấy đứa em!”. Chị yên lặng, đắng đót kéo ống quần cập rập bước ra.

Ông Trời không nỡ bất công, bắt chồng chị phải gánh một cục bướu trên lưng thì cũng bù lại cho anh một gương mặt thiệt đẹp, đôi mắt đen sâu hút, nhìn ai cũng như thắp lửa bập bùng. Ngày rước dâu trời làm cơn mưa đổ, chị vén tà áo dài quýnh quáng ra đường làng, đoàn rước dâu tới mé sông chị thoáng thấy bóng Thản chống mái dầm ngó theo, con đò tròng trành chao nghiêng trong tiếng nước lắp xắp. Chị vờ ngó lơ, mắt hút vào chiếc ghe bầu dập dềnh trôi trong sương bảng lảng. Mới ngày nào Thản nắm tay chị chạy dọc bờ sông này vào một chiều xao xác gió, trên bãi, những cánh thầu đâu cũng lả tả bay, tím cả một khúc sông…

Đêm đầu tiên về nhà chồng, vừa rón rén vô buồng chị đã thấy chồng ngồi cuối giường, cái lưng gù lên cục bướu to quá khổ, bất giác chị kinh hãi lùi lại. Anh ngước nhìn chị bằng đôi mắt buồn rượi nhưng vội giấu đi, quay qua chỉ chiếc ghế dài kê trong góc: “Tui nằm chỗ đó, Niệm cứ ngủ trên giường!”. Trong khi chị còn ngơ ngác chưa hiểu ý chồng, anh đã ôm gối ra ghế, mặt quay vô tường ngủ ngon lành. Chị ngồi cuối giường ngơ ngác nhìn quanh căn buồng xa lạ, không hiểu số phận đang cắt đặt ra sao. Những đêm tiếp theo vẫn vậy, chồng chị vô buồng chốt cửa rồi ôm gối khấp khiễng đi về phía chiếc ghế dài, có đêm chị nhìn thấy anh trằn trọc cho đến khi tiếng thở đều đều cất lên, chị biết anh vừa chợp mắt khi đêm đã sang canh.

Gia đình chồng có tiệm gia công vàng bạc trên phố chợ, mỗi ngày anh ra tiệm cùng thợ làm đến chiều tối. Về nhà, rảnh ra anh lại quanh quẩn bên chị, sửa cho chị cánh cửa tủ lỏng lẻo, đóng cái đinh trên tường treo tấm lịch, căng cho chị sợi dây phơi, cũng có khi chị gội đầu, anh đứng bên chờ xối nước… Từ bao giờ, cục bướu trên lưng anh không còn ám ảnh chị, ngược lại chị bắt đầu thích nhìn vào mắt anh, đôi mắt đen sáng trưng dưới hàng mày rậm luôn ánh lên vẻ âu yếm khi nhìn chị. Có lần khẽ khàng chị hỏi:

“Em có điều chi không phải với anh à?” Giọng chị không giấu được vẻ lo lắng.

Anh yên lặng nén tiếng thở nhưng chị vẫn cảm được nó nằng nặng đau, kéo chị lại ngồi bên anh: “Em là người con gái hiền lành, hiếu thảo, vì nhà nghèo mà chấp nhận lấy anh. Hiểu lòng em vậy nên anh thương, cứ ở đây với anh, phụ má coi hàng quán đặng còn dành dụm lo cho mấy đứa em bên nhà!”. Chị ngồi yên, nghe nước mắt nghèn nghẹn tràn qua mi. Nhiều đêm giật mình thức giấc nhìn chồng nằm co trên ghế, cục bướu to đè nặng trên lưng, từ bao giờ lòng chị đã biết nhen nhóm lửa yêu thương.

Chị đi lấy chồng năm trước, năm sau má trả hết nợ nần.

Chiếc ghế dài kê trong góc buồng tới một ngày cũng được khiêng ra sau hè đứng chung với mấy món đồ cũ thừa thãi, mỗi khi nhìn chiếc ghế chị không khỏi bật cười, quay lại thấy chồng cũng đang âu yếm nhìn vợ, cười tủm tỉm. Chị nhận ra mình phúc phận nên mới gặp được anh, ba năm về với anh, ba năm cuộc đời chị ấm êm, má cũng thôi bệnh tật, bầy em thôi lo chuyện áo cơm, mạnh dạn tới trường. Nhưng canh cánh trong lòng vẫn là một đứa con, chị từng ngày mong ngóng nó, nhà người ta chiều lại tiếng con nít ê a, chị đứng bên này nhìn qua mà thèm, mà ước. Có khi nửa khuya thức giấc vì tiếng khóc con trẻ vọng qua, lòng chị nao nao, mắt mở trân trân nhìn lên trần nhà tới sáng.

Tiệm gia công vàng bạc đang lúc phát đạt, chồng chị đột ngột trở bệnh, mười ngón chân ngón tay co rút lại rồi teo dần. Đưa anh chạy chữa khắp nơi không thành, chị chỉ còn biết dựa vào tâm linh, chị ra Bắc, vô Nam, nghe đồn nơi nào chùa chiền linh thiêng chị lại khăn gói lên đường. Vô vọng. Bệnh tình anh ngày càng nặng, biết không qua khỏi, đợi lúc không có ai anh kéo chị lại gần thủ thỉ: “Tui đi rồi, có ai ở bên lo cho mình tui mới yên lòng. Mình thương tui thì…” không đợi anh nói hết câu, chị úp mặt vào ngực anh nấc nghẹn.

*

Chị soi vào chiếc gương giắt trên cửa buồng, trong gương người đàn bà đang độ xuân sắc, mặn mà, làn da nâu mịn màng, vành môi bậu và đôi mắt to đen nhưng nhức hút hồn người đối diện. Mẹ chồng nhiều lần kín đáo nhìn chị rồi quay đi nén tiếng thở dài, có lần thấy chị bồng đứa nhỏ trong xóm hít hà, mẹ kêu chị vô buồng thủ thỉ: “Con còn trẻ, coi có đám nào… rổ rá cạp lại cũng được, để sau ni về già có nơi nương tựa”.

Chị về thăm má, hôm ra chợ làng chị dừng xe tấp vô gốc thầu đâu đứng trốn nắng, con đường nằm theo lộ làng thiu thiu giấc ban trưa, mấy con chó chạy đuổi nhau ngoài đồng, mình mẩy bê bết đất bùn, lưỡi thè ra hồng hộc thở. Con mương chạy dọc theo đường làng cũng cạn trơ dòng nhưng tất cả vẫn khoác lên làng mạc một màu xanh mơ màng.

Cuối con đường là cái chợ ngày con gái chị vẫn đi về, giờ đã thưa người, hàng quán lèo tèo, chợ họp đến quá trưa thì tan. Trong đám mấy bà mấy cô ra chợ về, chị nhác thấy mấy đứa bạn cùng làng ngày xưa, đứa nào đứa nấy giờ đã con bồng con bế. Chị yên lặng quay đi, chân mải miết xuôi về bến sông, nhánh sông chảy qua làng, bến bờ không tấp nập nhưng là nơi cho đám con nít làng Hạ Yên ngày đó sớm biết phụ giúp gia đình, đứa nào gia cảnh khấm khá một buổi đi học, buổi còn lại cũng ra sông. Chị, con bé mới lên chín, xế chiều đã biết ra gốc si già bên bến đợi những chuyến đò ghé qua. Không như con nít trên thị trấn, con nít Hạ Yên đứa nào đứa nấy da dẻ đen thui, chân cẳng gầy như cây củi vì nắng sông nhuộm đỏ chúng những trưa hè, nhưng được cái quanh năm chẳng đứa nào ốm đau, họa hoằn đêm về ho hen, má ra sau hè ngắt nắm lá hẹ vô chưng với ném, uống xong mai tỉnh rụi, ra sông chờ đò ghé qua bán chục trứng gà nhà mới đẻ, mớ sắn lát vừa phơi được nắng, cũng có khi chỉ là lọn rau má lẹ làng cắt trong vườn cho kịp chuyến đò. Những ngày đò về bến khác cả bọn lại rủ nhau lên rẫy bẻ bắp, mót khoai, ăn trên rẫy, ngủ cũng ở rẫy, khát nước thì rủ nhau đi kiếm dủ dẻ, thù lù…

Nắng cuối ngày vàng vọt rưới xuống lòng sông miên man trôi, nghe tiếng chân lắp xắp trong nước, bầy chim bìm bịp vụt bay lên, để lại tiếng kêu khắc khoải. Thấp thoáng bóng người neo chiếc thuyền thúng vào bờ, chưa hết bàng hoàng vì tiếng bìm bịp vọng lại thê thiết, chị đã giật mình vì tiếng gọi thảng thốt “Niệm ơi!”.

Bóng người đàn ông hớt hải xuôi về phía chị, mái dầm lướt nhanh cho đến khi thuyền ghé sát, chị nghe vẳng ra mùi mồ hôi mằn mặn, lưng áo người đàn ông ướt đẫm. “Tui đây!” Tiếng anh lẫn vào tiếng bìm bịp rầu rĩ gọi đàn lan cả mặt sông đang dậy mùi bùn. Chị đứng chôn chân bên mé nước, mái tóc dài ngang lưng thiết tha như gió, cũng dòng sông này sao chiều nay chị chợt nhận ra nó chỉ một dòng cô lẻ, quạnh hiu. Gương mặt Thản sau lớp sương chiều nhọc nhằn, khắc khổ, vẫn ánh mắt thiết tha ngày con gái chị từng thương. “Biết hoàn cảnh của Niệm, tui vẫn chờ”, anh run run, mái tóc lơ thơ vài sợi bạc phất phơ trong luồng gió chướng từ bên kia sông tạt về…

Chị cúi mặt bối rối quay đi. “Tui về đây!” - tiếng chị tan trong gió sông. Thản yên lặng nhìn theo bóng chị khuất sau cái miếu thờ ở ngã ba.

Về nhà má đã lên biền, trong bếp mùi dưa muối chua khăm khẳm trộn lẫn mùi ngai ngái của rau lang băm cho vịt. Bên cái thềm xi măng lở lói con Đực lim dim ngủ, nghe tiếng chân chị, nó ngóc đầu lên đuôi ve vẩy chiếu lệ rồi gục xuống ngủ tiếp, nó giờ đã già chỉ quanh quẩn trong sân nhưng có nó má cũng đỡ quạnh hiu. Bầy em đã lớn, đứa lấy chồng, đứa xa xứ làm ăn, còn lại má một mình ra vô với cái bóng trên tường. Sau hè tiếng gà lục cục động ổ, chị bước ra nhắm mắt hít một hơi, nghe ngọt lịm mùi đồng bãi, mùi bùn đất, mùi của rơm rạ đốt đồng. Cành khế sau vườn hoa rụng tơi bời bên thành giếng, tím một màu man mác buồn thương.

Vườn nhà chị phía sau má chừa khoảnh đất đủ gieo vài luống rau, chỉ cần rảo bước ra sau, chân đã chạm mép sông. Tôm cá theo đò ghé qua nên chợ làng dù gần nhưng chẳng mấy khi má đi trừ những ngày giỗ chạp, cần tiền thì bán bớt vài con vịt trong bầy, rau vườn ăn không hết, cắt đem ra bến chờ ghe qua đổi mớ cá tôm. Sáng sớm thức giấc nhìn ra đã thấy sương giăng khắp mặt sông, sương phủ trắng con đò ngang chở khách, phủ cả những chiếc vó bè nặng trĩu vừa kéo lên, chưa bán thương lái đã chực chờ.

Bữa cơm dọn ra chỉ có hai má con, quay qua quay lại chỉ hai cái bóng in trên vách buồn thiu. Chị để chén cơm xuống, tính kể cho má chuyện chiều nay gặp Thản ngoài bến, nhưng lại thôi, má già rồi hay nghĩ ngợi lại khó ngủ.

“Răng mà ngó như mất hồn rứa con?” Má lùa bầy gà nháo nhác vô chuồng, quay qua hỏi chị.

“Có chi mô má, lâu lâu về nhà đụng cái chi cũng nhớ.” Chị cười xếp mấy cái chén vô rổ đem ra phơi trên cái chạc ba phơi.

“Rửa chén xong bắc cho má nồi bồ kết gội đầu, mới đầu hè nóng chi mà nóng, cái đầu ngứa ngáy muốn điên!”.

Chị ra giếng thả gàu. Đêm vừa xuống trăng non đã mọc sớm, sao trời rắc xuống lòng giếng những chấm xanh sáng chi chít, nhạt nhòa…

*

Chị lại sang sông. Lần này đò đưa chị về ngôi nhà lá bến bên kia, khi bóng chị mảnh gầy trong tà áo dài hồng nhạt nhòa khuất sau cái miếu ở ngã ba mới nghe tiếng má sụt sịt sau hè.

Chị về với Thản trong ngôi nhà lá hơn bốn mươi mét vuông, mái lợp tôn bốn mùa thông thốc gió, cái nền đất nện lâu ngày bóng lên, mát lạnh chân. Sáng sớm chồng ra bến, chị lại lên biền. Như bù đắp cho Thản quãng thời gian đã mất, chị tận tụy lo cho anh từng bữa cơm, giấc ngủ. Chị làm hùng hục, rảnh ra lại chạy chợ kiếm thêm vài đồng mong cất được cái nhà mái ngói tường xây. Đêm. Tắt đèn ngồi trong căn nhà trống hoác, chị đợi chồng. Quay qua quay lại đã hơn ba năm. Tới tháng nhìn xuống bầu ngực căng mẩy chị khấp khởi mừng, nhưng cái sự mừng cũng nhanh chóng rút đi như con nước. Từ bao giờ đi qua đám đông chị bỗng có thói quen sè sẹ kéo nón che cái bụng lép xẹp. Người ta, đàn bà con gái không chồng mà chửa phải che đã đành, chị đàn bà có chồng mà không con cũng phải kéo nón xuống che. Chị che miệng đời thế gian, che lưỡi dao cùn cứa đi cứa lại.

Sáng sớm còn chưa rõ mặt người chị đã ra bến mua mớ cá tôm từ mấy cái vó đêm rồi ra chợ, bán chưa hết đã tất tưởi chạy về đặng kịp bữa cơm cho chồng đi về. Chị làm không nghỉ, cứ như sợ rảnh ra lại phải đối diện với chuyện đời buồn thê thiết mà số phận đã gắn vào chị từ thuở hai mươi.

Nghe đám trai làng rỉ tai, Thản quyết định bỏ con đò, đổi nghề cho bớt khổ. Những chuyến xa nhà của anh ngày càng dài ra theo cái mỏ vàng nơi xa tít, từ bao giờ với người làng này, cái mỏ vàng là nơi đổi đời của nhiều cặp vợ chồng, nhưng cũng là nơi vùi chôn biết bao số phận. Nơi đó, nhiều người đàn ông ra đi không về, không về vì sức khỏe kiệt quệ vùi chôn thân xác họ, không về vì có chút tiền, người ta dễ thay lòng đổi dạ.

Ngày hay tin chồng có một người đàn bà khác, chị bình thản lạ lùng, từ trên biền về chị lẳng lặng bỏ bộ quần áo vô cái túi vải rồi xấp ngửa lên đường, chưa tới đầu chợ đã gặp đứa bạn cùng làng đi thăm chồng từ bãi vàng trở về, nó kéo chị lại thầm thì: “Ông Thản đã có với con nhỏ đó một đứa con, thằng cu nay hai tuổi rồi”. Chị quay vô treo cái túi lên vách rồi ra hiên quảy đôi gánh, tới cổng như sực nhớ, chị ra vườn cắt vài lọn rau chất vô gánh, lẹ làng quảy đi.

“Ủa, nói đi thăm chồng rồi khi không quay về cắt hết cải đem ra chợ là răng?” Má ngơ ngác đứng bên chái bếp hỏi vọng ra.

“Cắt sớm chớ để vài bữa nữa cải lên ngồng thì bán cho ai, má!” Chị tỉnh rụi.

Đàn bà trong làng hay tin chạy qua ghen giùm: “Răng không đi nữa? Phải tới nơi lôi ổng về, chồng mình chớ có phải chồng con nớ đâu?”. Chị yên lặng ngồi đếm mấy tờ tiền nhàu nhĩ, tanh tanh, nhét vô trong bọc, giọng thủng thẳng mà đắng chát khôn cùng: “Ảnh lỡ có đứa con với người ta, đường mô cũng phải để cho đứa nhỏ có cha!”.

… Thời gian tựa bóng câu qua cửa, mới đó đã ba năm má theo ba về tiên giới, chị cũng xấp xỉ bốn mươi, mắt nay đã kéo vài vệt sương giăng, nhưng vẻ mặn mòi vẫn hiển hiện trên nét mặt người đàn bà cô lẻ. Với những người đàn ông làng Hạ Yên, hình bóng chị đêm đêm vẫn âm thầm lảng vảng đi về trong giấc mơ của họ.

Chiều nào về tới đầu xóm, mắt chị cũng vướng làn khói bếp lơ phơ bay lên, sau cánh cổng tre sơ sài luôn vọng ra tiếng người mẹ trẻ gọi con, tiếng con nít nhèo nhẹo khát sữa, chị chạnh lòng bước nhanh hơn, để rớt lại tiếng cười khóc con trẻ phía sau lưng. Bao mùa trăng mọc rồi lặn, chị vẫn đi về trên con đường cô quạnh đó. Chợ chiều tàn, khi những cái bàn, cái kệ đã xếp lại nằm chỏng chơ bên những dãy lều quán trống huơ buồn, chị mới quảy cái gánh không thầm thũi ra về.

Ở tuổi chị, không gì đáng sợ hơn khi đêm xuống phải đối diện với cái bóng của mình. Thiệt lạ kỳ, cái bóng in trên vách cứ dài thượt ra theo tiếng thở của chị trong đêm. Chị đi đâu cái bóng cũng vặn vẹo trườn theo, chị muốn cái bóng biến mất nhưng nó lại muốn dằng dai, hết cười cợt lại ngả ngớn trên vách cho đến khi cánh cửa buồng khép lại, chị ngồi yên trong đêm gặm nhấm nỗi buồn tủi ùa về cào cấu cái cơ thể đang dần tàn tạ.

… Kéo cái khăn trùm kín tai, chị liêu xiêu đi về giữa chiều đông lạnh. Trên cái cọc tre nhọn hoắt, con chim bói cá ngúc ngoắc đầu ngó nghiêng rồi phóng chủm xuống sông. Trong màn chiều chạng vạng, ngã ba sông lại hiện ra cái miếu thờ hoang lạnh, chị cắm cúi bước nhanh hơn. Trong tiếng gió rít từ sông thổi vô, nghe có tiếng con nít khóc, chị dừng lại ngó nghiêng. Thoáng bóng một người biến mất sau mớ rễ cây si buông xuống như tấm màn, tiếng khóc đứa trẻ bỗng cào cấu như tức tưởi, chị lại gần, tiếng khóc khóc to hơn, ngằn ngặt như khát sữa. Chị liệng cái gánh bên đường, chạy ào vô miếu.

Dưới nền xi măng lạnh ngắt, đứa bé nằm trong cái rổ tre bao bọc bằng mớ quần áo cũ, hai tay quơ quào không thôi, nghe tiếng chân chị nó ngưng khóc, dáo dác nhìn quanh. Chị lại gần gỡ bọc ra coi, một đứa bé gái chừng non ba tháng. Chị vội vàng ẵm nó ra ngoài nhìn cho rõ. Con bé mặt mũi dễ thương lạ thường, tim chị chợt thắt lại như giữa nó và chị từng có một sợi dây vô hình kết nối. Chị ấp nó vô ngực, hít hà mùi con nít thơm thơm, một mảnh giấy nhàu nhò từ ngực áo nó rớt ra, chị lượm lên, mảnh giấy bằng vỏ bao thuốc lá, bên trên dòng chữ nguệch ngoạc như của đứa con nít chưa học quá lớp ba: Anh Thản chết vì sốt rét rừng, con bé sinh ra không kịp nhìn mặt cha, hoàn cảnh tui khó khăn phải dắt anh nó đi xa kiếm ăn, mong chị thương tình…

Chị nghe lòng thắt lại. Vậy ra Thản cũng không còn trên cõi đời này, từng người, từng người một bỏ chị mà đi! Thương mình một, thương con bé bội phần, mới mở mắt đã chịu cảnh tai ương. Tủi hờn chôn giấu bao năm bỗng chốc tan loãng như mây, chị siết con bé vào lòng đắng đót: “Không lẽ vì cực khổ mà người ta bỏ con sao?”. Như biết mình đã được sống, con bé toét miệng ra cười.

“Trời thương mẹ con mình rồi!” Chị run run siết con bé vào ngực chặt hơn, cảm nhận từ nó hơi ấm truyền qua chị. Giữa cuộc đời đầy rẫy khổ đau, ông trời đã ban cho chị niềm hạnh phúc bấy lâu mong chờ, từ nay chị được làm mẹ như bao người đàn bà khác trên đời.

Một tay ôm con bé, tay kia chị quảy đôi gánh lên vai lẹ làng đi về…

Chị làm mâm cơm, thắp cây hương xin Trời Phật chứng giám, con bé từ nay là con chị, đặt con tên Gạo, chị mong cuộc đời nó sau này không phải thiếu cơm ăn. Từ ngày có bé Gạo, đêm đêm trong làng người ta nghe tiếng à ơi ru hời cất lên trong căn nhà bên bến, tiếng ru dằng dặc nghe khắc khoải, ngậm ngùi.

Chị thôi chạy chợ, chỉ lên biền trồng rau. Bé Gạo càng lớn càng tươi duyên, đôi mắt đen thăm thẳm hút sâu như đáy giếng, đôi khi chị bắt gặp gương mặt Thản lẳng lặng hiện về sau gương mặt thơ ngây của con. Con bé mau lớn nhưng chậm nói, bốn tuổi cũng chỉ biết cười nhưng thương mẹ không ai bằng, chiều nào nó cũng ra đầu ngõ chờ mẹ về để ôm cái lưng nồng mồ hôi mà hít hà. Đêm mẹ ngủ say Gạo vẫn còn thức nằm nghe tiếng mèo ngao sau hè, đếm từng con kiến đi qua trên vách.

Đồng chiều hoang vắng. Gạo theo mẹ lên biền bẻ bắp, về đến nhà ăn xong chén cơm nó đã lăn ra ngủ. Dưới ánh đèn tù mù, chị say sưa ngắm con, gương mặt con xinh đẹp nhưng lúc nào cũng ngơ ngác buồn. Chị cúi xuống vén lại cái mùng, đập mấy con muỗi vo ve dưới chân con. Gạo thức giấc ú ớ, kéo mẹ nằm xuống. Có mẹ nằm bên con bé lại yên tâm quay mặt vô vách ngủ tiếp. Chị đắp cho con cái mền rồi lặng lẽ ra sông.

Bến vắng. Chiều nay mưa về đột ngột, chỉ còn vài chiếc thuyền câu dập dềnh ngoài xa, chiếc vó bè nặng trĩu cũng im lìm như ngủ, lác đác có đốm đèn hắt từng vệt sáng đục xuống lòng sông. Chị chậm rãi bước trên bãi cát mịn thoai thoải sát mép nước, gió sông phần phật thốc lên thổi tung mái tóc đã mỏng như sương, trên gương mặt dãi dầu còn đọng lại nụ cười dỗ con ban chiều. Chị se sẽ khép vạt áo, chợt nhớ ngày con gái, mỗi khi con nước rằm chị theo má cất vó tới khuya, nghe chừng vó nặng, má kéo lên, trong lòng vó bao giờ cũng có vài con cá búng tanh tách lẫn trong mớ tôm cùng với đám rong.

Chị ngửa mặt nhìn trời, chợt nhận ra trăng đêm nay cũng gầy guộc, lẻ loi, cũng tái mét, chới với. Chừng đã khuya, trăng run rẩy dấp dính đáy sông, cũng như chị, trăng lặn vào mây nhưng không tài nào chợp mắt.

Bến Hạ Yên, cuối cùng cũng chỉ là bến trăng, cô quạnh, bơ vơ như con đò rã rượi sau một chuyến đi dài…

V.N.G
(TCSH413/07-2023)

 

 

Các bài mới
Chùm thơ Lữ Mai (21/08/2023)
Chùm thơ NP Phan (15/08/2023)
Các bài đã đăng