Tạp chí Sông Hương - Số 54 (T.03&4-1993)
Con diều hâu lầu năm góc phương đông
15:07 | 24/08/2023

LÊ HIẾU ÁNH

                 Ký

Con diều hâu lầu năm góc phương đông
Ảnh: internet

LTS: Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam anh hùng các đời Tổng thống Mỹ đã liên tiếp gởi đến chiến trường Việt Nam những tướng lĩnh tin cậy nhất để thực hiện ý đồ của Nhà Trắng. Từ sau chiến tranh cục bộ của Johnson, chuyển sang Việt Nam hóa chiến tranh cục bộ, ngoài Westmoreland tướng 4 sao được mệnh danh là "Con diều hâu của Lầu năm góc Phương Đông”, Bộ chỉ huy Mỹ tại Việt Nam còn có một "con diều hâu" thứ hai nữa - đó là tướng 3 sao William Stillwell, tư lệnh quân đoàn 24 Hoa Kỳ. Bài ký dưới đây là bức phác thảo chân dung của con người ở thời cuộc đó.

+ Trên đồng bằng m hôi của tướng Mỹ

Trên đồng... theo hương khói màu cuồn cuộn bay, chiếc trực thăng có gắn tướng kỳ 3 sao hạ xuống một thửa ruộng, những người lính Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 54 từ phòng tuyến Diên Đại, ngơ ngác nhìn người khách lạ mới đến: Không phải tướng Lãm, Tư lệnh quân đoàn 1 mà là một ông tướng Mỹ 3 sao, người tầm vóc trung bình, không cao lều nghều như ông thiếu tá cố vấn tiểu đoàn... Đi theo ông, có tướng 2 sao Ngô Quang Trưởng, tư lệnh sư đoàn 1 bộ binh... còn có cả ông đại tướng cố vấn sư đoàn... và trung tá Chung, trung đoàn trưởng... kiêm chỉ huy trưởng chiến dịch Lam Sơn 245.

...Thiếu úy Sơn, quyền đại đội trưởng đợi sẵn, ở bãi đáp, đứng nghiêm trình diện người khách lạ... Sơn nói tiếng Anh khá lưu loát... Người khách "3 sao" gật gù, quay sang tướng Trưởng nói: "Thiếu tá có 1 sĩ quan giỏi". Viên tướng của "băng giá lạnh lùng" nở nụ cười thỏa mãn. Trung tá Chung trình bày bằng tiếng Anh qua giọng Pháp, đại ý giới thiệu cho hai vị tướng Mỹ-Việt biết qua về hoạt động của đại đội được đánh giá là ưu tú của trung đoàn, của chiến dịch, của cuộc hành quân Lam Sơn 245 đương diễn ra tại Phú Thứ từ đầu mùa thu 1968... Quay sang thiếu uý Sơn, trung tá Chung nói: "Hôm nay, trung tướng Stillwell, tư lệnh quân đoàn 24 Hoa Kỳ đến thăm bộ chỉ huy chiến dịch, nghe tôi thuyết trình về tình hình, đặc biệt là những chiến công của anh. Trung tướng muốn đến tận vùng hành quân để ngợi khen. Đâu? Số vũ khí đại đội anh thu được đâu? Sao không trình ra cho các grand soleil thấy, (ám danh của các tướng lãnh)... Thiếu uý Sơn chỉ tay về gò đất gần đó, hai vị tướng nhìn theo... Hơn chục cây súng đủ loại được trình bày trên 1 tấm poncho...

Đứng trước đống chiến lợi phẩm, viên tướng 3 sao cúi xuống cầm lấy khẩu AK 47 rồi giơ lên cao và nói "Thế là M 16 của Mỹ đã thắng AK 47". Mọi người cùng cười...

... Bấy giờ là một buổi chiều thượng tuần tháng 1 năm 1968, cánh đồng Diên Đại dịu nắng trong điêu tàn. Xóm nhà tranh bên kia bờ ruộng hoang vắng, hình như dân ở đây đã về quận lỵ để tránh những cuộc giao tranh. Lính bộ binh đương phòng thủ dọc theo các bờ ruộng, các giao thông hào. Từ mô đất cao, tướng 3 sao người Mỹ đảo mắt nhìn quanh... ông ta lặng yên không nói. Đôi mắt ông ta ngừng lại ở chiếc cầu tre nhỏ cách đó vài trăm mét. Quay lại, ông ta nói với viên đại đội trưởng: “Search and destroy!” (lùng và diệt). Sơn đáp lại: Yes, general" (Vâng, kính trung tướng)...

Năm phút thị sát của viên tướng 3 sao cũng đủ cho thiếu úy Sơn hãnh diện nói với quân sĩ mình, sau khi các tư lệnh lên trực thăng rời khỏi chiến trường "...Tụi bây thấy tao ngon lành không! Tướng 3 sao của Mỹ là ngang hàng với tướng 4 sao của mình đó, đừng tưởng bở các con!... tụi bây không hiểu à! Trước 1964, tướng 1 sao của Mỹ ngang hàng với tướng 2 sao của mình, sau 1964, tướng Khánh bày ra cấp chuẩn tướng 1 sao... vì vậy tướng 3 sao của Mỹ phải dịch là lieutenant general! Hà hà! Sếp chúng bay nói tiếng Anh ngon lành không! Học Fort Benning về mà các con! Đ.m! Có đánh đấm gì đâu, suốt hai ngày đi khui hầm rượu lượm hơn mười cây súng, nhưng Phượng hoàng Chung báo cáo là giao tranh kịch liệt, địch bỏ chạy…"

- Công đó thuộc về tôi, ông bạn, chắc chắn ông bạn sẽ lên trung úy dù bị phạt sáu mươi ngày trọng cấp vì tội đánh lộn khi học ở Mỹ.

- Chết cha, nãy giờ có thẩm quyền Bắc Bình 5 ở đây mà thằng em dám múa rìu qua mắt thợ, đàn em xin lỗi nghe, thẩm quyền... Sơn cười xòa, bắt tay viên sĩ quan tham mưu trung đoàn, đó là trung úy trưởng ban 5, trước đây làm phóng viên chiến trường của nhật báo Tiền Tuyến (báo Quân đội) ở Sài gòn bị thuyên chuyển về sư đoàn I vì tội bạt tai một trung sĩ Mỹ trong ban cố vấn cục tâm lý chiến... Theo lệnh của trung tá Chung, viên trung úy ở lại để nắm tình hình.

- Tôi gặp ông tướng Mỹ này khá nhiều lần khi còn làm phóng viên... nói chuyện rất hay... rành Việt Nam lắm... Ông này thuộc loại tướng diều hâu, hiếu chiến một cây...

- Thẩm quyền rõ ông ta vậy, mà sao ông ta lại lặn lội đi thăm một trung đoàn như trung đoàn mình?

- Đó mới là nghệ thuật cố vấn trưởng của ông, ông bạn quên là ngoài cương vị tư lịnh quân đoàn 24, ông tướng Stillwell còn là cố vấn trưởng của quân đoàn I quân khu I của quân lực "Việt Nam Cộng hòa"! Để có dịp kể cho nghe.

Chiều xuống nhanh trên đồng ruộng Phú Thứ. Sau rặng tre gần con lộ, ban chỉ huy đại đội ăn cơm chiều... Thiếu úy Sơn và viên trung úy ban 5 trung đoàn đi một vòng kiểm tra các vọng gác chiến đấu... Hai người dừng lại ở vọng cuối cùng do một tiểu đội phụ trách. Nhìn cây cầu tre mà chiều nay được lọt vào đôi mắt diều hâu của tướng Mỹ... Sơn nói: "Tôi và thẩm quyền tới đầu cầu ngồi nói dóc chơi, ông và tôi hợp đấy! Cùng bị về trung đoàn về tội đánh Mỹ, nhưng thẩm quyền không bị phạt nặng bằng tôi, sáu mươi ngày trọng cấm, lệnh phạt của bộ trưởng quốc phòng, thế là đeo thiếu úy đến ba cuốn lịch... thẩm quyền đừng sợ... bên kia cầu là có một trung đội của tôi đang hoạt động... Thằng Sơn này cóc ngán ai... nhưng với thẩm quyền, nghe thiếu tá tiểu đoàn trưởng nói thì anh và tôi thuộc họ ba gai,...

Trời tối dần câu chuyện bắt đầu...

...Hôm đó tôi lên phi trường chuẩn bị đi công tác ở quân khu 2, gặp ông ta ở phòng khách danh dự, nói chuyện với ông tướng Lãm, tư lệnh trung đoàn 1 tụi mình đấy, trung úy Serry cố vấn phòng điện ảnh nói nhỏ cho tôi biết: "Đó là tướng Stillwell, nguyên là tùy viên quân sự tại Thái Lan, đụng độ với đại sứ Martin về chuyện ông nội này cản không muốn cho quân Mỹ nhảy vào Thái, thế là ông tướng ra đi về cái xứ Việt Nam chiến tranh này, còn ngài Martin qua làm đại sứ Ý; sau đó, thói quen nghề nghiệp, tôi nhào đến, chộp ngay một cú phỏng vấn ngắn nhưng chưa kịp hành nghề, thì sĩ quan tùy tùng tướng Lãm mời hai vị tướng ra sân bay... Thế là hỏng một dịp nói chuyện với con diều hâu mà tôi đã được nghe qua lời Serry. Tuy nhiên, viên tướng Mỹ này, khi đó mới 2 sao vẫn không quên "Good bye! Lieutenant!” Sau khi ở Pleiku về, tôi xin các sếp ở cục cho tôi bay ra Trung một chuyến... Nguyện vọng được O.K ngay vì sẵn dịp "tướng kẽm râu Kỳ" ra Huế chủ tọa lễ chiến thắng hành quân Lam Sơn gì đó... tôi và hai thằng nhóc có nhiệm vụ bám theo ông Kỳ để viết bài, quay phim, phóng sự... Ông Kỳ rất kỵ cho báo chí đi cùng máy bay... tụi nhà báo, quay phim đi một máy bay cổ lỗ sĩ của Air Kaki, xuống Phú Bài cũng vừa lúc trực thăng của tướng Lãm đáp... Có cả tướng diều hâu mà tôi mong đợi... ông sắp vào phòng khách danh dự để chờ đón tướng Kỳ, tôi mở sẵn máy, vốn liếng tiếng Anh ở mức trung bình nhưng cũng tạm đủ xài để đấu hót. Tôi hỏi ông ta về khả năng tấn công và phòng ngự của quân đội Mỹ, khả năng của quân lực cộng hòa, khả năng của mấy ông Việt Cộng... Liệu có đánh lớn hay không?" Ông bạn có biết tướng Mỹ này trả lời sao không. Đại ý ông cho rằng hiện ở chiến trường, quân khu I ông có trong tay năm sư đoàn... cộng thêm với hai sư đoàn Việt Nam, một lữ đoàn Đại Hàn... cùng với các lữ đoàn thiết kỵ, không quân; đủ loại. Ông cho rằng ông gác tỉ số 3/1 so với đối phương... Còn khả năng đánh lớn, cha nội nói rất khôn: “Trừ khi chúng tôi ở số 3, còn V.C thì tăng viện từ 1 lên 4, may ra mới đủ sức chọi lại...” Ông tướng Mỹ chỉ tay về phía căn cứ quân sự của không quân Mỹ tại Phú Bài, rồi nói một cách quả quyết: "Chúng ta đương ở ưu thế về quân sự".

+ Thung lũng của người tạm trú

Trong ngày hôm đó, viên tướng Mỹ này cùng với tướng Lãm đến Phu Văn Lâu dự lễ gắn huy chương, rồi lên Cam Lộ thăm trại định cư Trung Gio.

- Sao lại gọi là trại định cư Trung - Gio?

- Thế là ông bạn không theo dõi tình hình... Đầu tháng 4/1967 đánh lớn tại vùng phi quân sự, tổng thống Thiệu tuyên bố: "Vĩ tuyến 17 không còn nữa, Hiệp định Genève là tờ giấy lộn, Hoa Kỳ sẽ giúp chúng ta ngăn chặn V.C..." Kế hoạch dời dân chúng hai quận Gio Linh và Trung Lương về Cam Lộ định cư. Ai không chịu đi thì bị đẩy lên G.M.C... Cuối cùng, bà con phải chấp nhận từ giã làng mạc để về ở trong các thung lũng bụi bay suốt cả mùa hè... ở Cam Lộ... Sau này tôi được biết tác giả của kế hoạch này chính là ngài Stillwell mới thăm đại đội ông bạn chiều nay đó...

Tại Cam Lộ, mới thấy rõ cái khôn ngoan, cái tinh vi của ông tướng Mỹ, mặc cho tướng Kỳ, tướng Lãm, tướng Viên, tướng Trưởng bắt tay nói chuyện với các quan chức phụ trách trại định cư mà sếp sòng là đại tá Đỗ Kiến Nhiễu, ngài Stillwell nhà ta đứng một mình trên khán đài, đảo mắt quan sát... Hơn cả vạn người đương đứng dưới nắng nhìn các đại quân từ Sài Gòn ra... Tướng Mỹ giơ tay vẫy chào các em học sinh đứng sắp hàng gần khán đài... Có một số cụ già ngơ ngác nhìn ông tướng Mỹ, với nụ cười rất "ngọt", ông tướng vẫy tay chào lại! Bố ai biết được chính ông là tác giả màn di dân này... Nghe một tay bạn kể lại, khi lùa dân đi, G.M.C, máy bay thì của Mỹ, nhưng người lùa dân không phải là lính Mỹ mà là lính Việt Nam! Đấy ông bạn thấy cái khôn ngoan của ngài tướng Mỹ chưa! Suốt ngày đó tôi bám theo ông tướng Mỹ, quên mất nhiệm vụ theo ngài Chủ tịch ủy ban hành pháp Nguyễn Cao Kỳ...

- Thế thái độ của ông ta với các tướng Việt Nam thì sao?

- Ngọt như đường, một tiếng "Yes! Sir", hai tiếng "Yes! Sir", ông bạn biết không, khi còn ở Phú Bài... lúc tướng kẽm râu và tướng Viên xuống thang máy bay, mặc cho tướng Lãm, tướng Trưởng, các tỉnh trưởng chào trước, ông ta đứng sau hết và cũng bắt tay tướng Kỳ sau hết, bắt tay một cách cung kính nhưng nếu ai để ý đến đôi mắt, sẽ thấy cả một sự tự mãn và kiêu ngạo... Nhưng bên ngoài, ông ta giấu đi cái vỏ "thái thú", cái vỏ "diều hâu" để làm một con cừu non hiền hòa!

+ Khi diều hâu giấu mình để là b câu.

Hai ngày sau, tôi lại gặp nhân vật của mình tại quận Phú Vang, trong buổi lễ tổng kết chiến dịch bình định xây dựng nông thôn của quận... Trong buổi thuyết trình, ông lắng nghe quận trưởng, tỉnh đoàn trưởng xây dựng, tỉnh trưởng trình bày qua phiên dịch là một cựu sĩ quan. Gật đầu và gật đầu. Hết khen quận trưởng, rồi khen tỉnh trưởng... nhưng khi tướng Lãm chỉ thị thì ông lại yên lặng quay sang nói nhỏ với viên cố vấn chi khu...

- Thế thì ông nội này khôn tổ sư, luôn luôn giấu vai "cố vấn" của mình, làm như mình là người khách nhũn nhặn đương ở trọ trong một ngôi nhà mà ông chủ nhà nghèo hơn mình.

- Cậu nói đúng đấy..., Khi tôi sắp đổi về trung đoàn này, nghe mấy thằng bạn ở tổng quản trị nói trung đoàn này thành lập là do sự can thiệp của tướng Lãm, là tiếng nói đầy uy quyền của tướng Stillwell!

- Thế ông ta nắm quân đoàn 24 Hoa Kỳ từ bao giờ?

- Đầu tháng 2/1968, chắc ông bạn còn ở Mỹ.

- Đúng, tôi được học khóa Leadership tại Fort Benning.

- Nếu tôi nhớ không lầm thì ngày 9/2/1968, tướng Abram, Tư lệnh phó MACV ra Đà Nẵng gặp tướng Stillwell, chỉ định ông tướng này thành lập quân đoàn 24 với quân số cố hữu là hai sư đoàn không kỵ, cùng với một số đơn vị yểm trợ... Bản doanh bộ tư lệnh quân đoàn đóng gần Phú Bài, lúc đó báo chí gọi là "Lầu năm góc Phương Đông tại Huế"... Tháng 6/1968 khi trung đoàn 54 chính thức hoạt động được vài tuần, ông tướng này đến thăm... hôm đó tôi được chỉ định phiên dịch đồng thời thuyết trình tình hình binh sĩ cho ông ta nghe, ông đi thăm các ban, hậu cứ trung đoàn, hậu cứ các tiểu đoàn, bắt tay từng người lính gác, từng sĩ quan tham mưu... Cuối cùng ông trở lại phòng thuyết trình, trước tấm bản đồ lớn, ông đưa cây can chỉ huy có gắn 3 sao khoanh một vòng tròn và nói "Search and Destroy!"... Vòng tròn chính là vùng Phú Thứ mà trung đoàn đương hành quân đây! Còn tên của cuộc hành quân được gọi là 245, có mấy tay ở bộ chỉ huy đùa là: 24 tức là quân đoàn 24, còn 5 tức là 54, có nghĩa là quân đoàn 24 là cha đỡ đầu của cuộc hành quân, tướng Stillwell là anh đỡ đầu của tướng Trưởng, là cha đỡ đầu của phượng hoàng Chung. Khi bắt tay từ giã trung tá Chung, ông nói "Phải bình định Phú Thứ trong vòng 12 tháng, cho V.C về núi, thế là Mỹ - Việt thắng V.C".

Minh họa: THÁI VĨNH


+ "Kính chào ngài tổng thng"

... Vũ đình trường bộ chỉ huy chiến dịch Lam Sơn 245 rợp cờ xí, biểu ngữ trong buổi chiều mồng một Tết năm Kỷ Dậu 1969... Tổng thống Thiệu thăm các đơn vị quân đoàn l đầu năm, dừng lại nói chuyện với quân sĩ trung đoàn 54 trước khi trở lại Sài Gòn...

Mỗi đơn vị cử một đại đội đại diện về trình diện tổng thống. Khi đoàn trực thăng đáp xuống bãi đáp dã chiến cạnh căn cứ La Sơn, báo chí tháp tùng ngạc nhiên khi thấy trong hàng sĩ quan cao cấp ra đón ngoài tướng Trưởng, tư lịnh sư đoàn I có đến hai tướng Mỹ; đó là tướng 3 sao Stillwell, và tướng 2 sao tư lịnh sư đoàn 101 Không kỵ Hoa Kỳ... Khác với lần đón tướng Kỳ ở Phú Bài, lần này, tướng Stillwell tiến lên trước tiên, đứng nghiêm chào "ngài Tổng Thống V.N.C.H", những chiếc máy quay phim đặt điều chỉnh độ kính "close-up" để thu bức ảnh có tính thời sự này... "Ngài Tổng thống" rạng rỡ khi thấy viên tướng đầy uy quyền của quân đội Mỹ đương ở tư thế nghiêm trước mặt mình. Hình ảnh này giúp cho tổng thống và chế độ V.N.C.H có cơ sở để thanh minh với dư luận là: "Tổng thống và chính quyền V.N.C.H không phải là tay sai của Mỹ". Nếu ở lần đón tướng Kỳ, đôi mắt tướng 3 sao Stillwell không giấu được niềm tự mãn, thì trong buổi chiều này, viên tư lệnh quân đoàn 24 Hoa Kỳ đã diễn xuất thành công vở kịch "Việt Nam hóa chiến tranh", trước mọi người, ông ta giấu hết nanh vuốt của một con diều hâu, chỉ còn lại dáng dấp của một con chim bồ câu yêu chuộng mọi sự an bình...

Suốt nửa giờ, qua lời phiên dịch ông ta lắng nghe "Ngài Tổng thống" nói chuyện. Không hiểu có phải vì thái độ cung kính của viên tướng Mỹ hay vì lý do riêng nào đó, Nguyễn Văn Thiệu hưng phấn lạ thường, ông ta cám ơn tổng thống Nixơn, đại tướng Westmoreland, các tướng lãnh Mỹ đã giúp V.N.C.H xây dựng một quân đội hùng mạnh, trang bị vũ khí tối tân, đủ khả năng để đi tìm một chiến thắng, ông mong mỏi sự hợp tác Mỹ - Việt sẽ bền vững, ông kêu gọi quân sĩ sư đoàn I, với vũ khí hiện đại do đồng minh Hoa Kỳ trang bị, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người chiến sĩ ở tuyến đầu".

Buổi chiều hôm đó, người tán đồng bài nói chuyện ứng khẩu của tổng thống Thiệu có lẽ là viên tư lịnh quân đoàn 24 Hoa Kỳ, vì ngài tổng thống đã nhắc đến Hoa Kỳ.

+ Bàn bi-da” của Tổng thng Mỹ cho lính sư đoàn I vào tháng 4/1969.

Trước khi ra vũ đình trường để gắn huy hiệu tuyên công đơn vị của Tổng thống Hoa Kỳ cho thiếu tướng Trưởng và quân kỳ sư đoàn I, tân bộ trưởng quốc phòng Mỹ M.Laird mới đến Việt Nam vào đầu tháng 4/1969 đã dự một cuộc thuyết trình tại phòng hội Bộ sư lịnh sư đoàn. Ngoài tướng 4 sao Abrams, Tư lịnh MACV (thay thế Westmoreland), còn có tướng 3 sao Stillwell, tướng Viên, tướng Lãm và một số tướng lĩnh khác. Tướng Trưởng thuyết trình bằng tiếng Việt, một sĩ quan Việt Nam phiên dịch sang tiếng Anh, trong phần kết, tướng Trưởng nói: "Chính nhờ sự giúp đỡ đặc biệt của tướng Stillwell, mà sư đoàn I bộ binh đã thu đạt những kết quả khả quan trong sứ mạng chiến đấu và bảo vệ miền Nam", hôm nay quân sĩ sư đoàn I được vinh dự mang huy hiệu tuyên công đơn vị của Tổng thống Hoa Kỳ, cũng chính là nhờ sự hỗ trợ nhiệt thành của quân đoàn 24 Hoa Kỳ!".

Tiếng kèn khai quân hiệu trỗi lên.

... Dưới cơn mưa nhẹ hạt, bộ trưởng quốc phòng M.Laird, thay mặt tổng thống Nixơn gắn huy hiệu tuyên công đơn vị cho tướng Trưởng một bàn bi-da xanh viền vàng nhỏ bé - lấp lánh ở nắp áo phía trái của tư lịnh sư đoàn I... Kèn bế quân hiệu kết thúc buổi lễ, các tướng lãnh đặt tay ở vành mũ chào mừng chiến công danh dự, nhưng người vui nhất có lẽ tướng 3 sao tư lịnh quân đoàn 24 Hoa Kỳ. Kịch bản của ông đã thể hiện sự thành công với uy tín và tài năng của ông... Con diều hâu của lầu 5 góc phương Đông sáng nay tự mãn với công trình sáng tạo của mình.

+ Vùng trời thênh thang của con diều hâu trên chiến trường giới tuyến.

Từ "Lùng và Diệt" của cuộc chiến tranh cục bộ, chuyển sang "chiếm và giữ" của "Việt Nam hóa chiến tranh", để chuyển tiếp kịch bản từ hai học thuyết, tướng Stillwell đã xây dựng một hệ thống phòng thủ bê tông tại chiến trường Trị-Thiên, phòng tuyến vòng cung chạy dọc theo sông Bến Hải với hai căn cứ điện tử C1, C2, Tân Lâm Bắc, qua Tân Lâm, ngược về Đông Hà, Ái Tử, Phú Xuân, Bình Điền, La Sơn... cụm phòng thủ trường thành” với hơn 20 căn cứ mang tên Mỹ, (ngoài tên V.N) là kết quả lao động trí tuệ của công trình sư Stillwell mà người thực hiện bản thiết kế là tướng Trưởng. Ngày ngày, tướng Stillwell dùng trực thăng đến thăm các căn cứ của Quân đội V.N.C.H, số thời gian đi thăm các đơn vị Việt Nam gấp đôi số thời gian ông ta thị sát các đơn vị Mỹ. Ngoài nhiệm vụ "Việt Nam hóa, hiện đại hóa quân đội Việt Nam Cộng Hòa", ông ta còn đi sâu vào công tác bình định và công tác tâm lý chiến. Đến từng chi khu, từng xã, giám sát chương trình bình định, tranh thủ tình cảm của giới hành chánh, hàng ngày viên đại úy sĩ quan liên lạc Việt Nam báo cho trung tá chánh văn phòng đặc biệt ngày sinh nhật của các đơn vị trưởng cao cấp Việt Nam, các tỉnh trưởng, quận trưởng, những món quà tặng do J 5 thực hiện được gởi đến kèm theo lời chúc của tướng 3 sao. Các xã trưởng đóng gần Phú Bài, cứ mỗi lần Tết đến, lại nhận được những hộp bánh hảo hạng, những chai rượu ngon, quà xuân của ngài trung tướng Mỹ.

Kinh nghiệm về sự bất mãn của 1 số sĩ quan cao cấp Việt Nam trước những sự chỉ đạo lộ liễu trắng trợn luôn luôn nhắc nhở tướng Stillwell trong cách ứng xử. Câu chuyện tướng Nguyễn Chánh Thi, tư lịnh quân đoàn I thời kì 1965 - 1966, đuổi cố vấn trưởng Mỹ ra khỏi phòng và nói: "Yêu cầu các ông đừng đi sâu vào nội bộ chúng tôi nhiều quá", điều đó nhắc nhở ông phải khôn ngoan, biết giấu đôi cánh nhiều cực của con diều hâu để diễn đúng vai của con chim bồ câu.

+ Bản tình ca bi tráng cho người ra đi

... Ông ta trở lại đây lần cuối để từ giã một trong những đứa con ông ta đã dày công dưỡng dục. Một nghi lễ quân cách trọng thể dành cho ông ta trước ngày từ giã chiến trường Trị Thiên sôi động, ông ta về miền Trung một ngày mùa xuân 1967, ông ta ra Huế một ngày giữa xuân 1968, và bây giờ ông ta ra đi vào mùa thu của năm 1969.

... Theo sự hướng dẫn của tướng Trưởng, ông ta dừng lại trước toán thủ kỳ danh dự của trung đoàn Bạch Hổ 54. Kèn thượng nghinh cấp võ trỗi lên 3 lần dành cho tướng 3 sao. Rồi ông ta duyệt qua đại đội danh dự đón chào. Đi thẳng vào phòng hội, ngồi ngay trước bàn có gắn tướng kỳ, ông ta lắng nghe trung tá Chung đọc lời tiễn biệt. Quà cho người ra đi là một khẩu súng K 54 xi bạc gắn trong hộp gỗ chạm trổ mỹ thuật, với hàng đề tặng bằng tiếng Anh và tiếng Việt... Ông ta đứng dậy, mở hộp, giơ cao cho mọi người thấy, rồi nói ngắn ngủi: "Good luck, thank you, Good bye!" (Chúc may mắn, cám ơn và từ biệt).

Trực thăng bay cao nhưng bộ chỉ huy trung đoàn 54, tác phẩm ưng ý nhất của ông ta vẫn đứng nghiêm tiễn chào cho đến khi khuất dạng. Trên chiếc ghế danh dự, ông ta nhìn lại đồng bằng Phú Thứ lần cuối. Đồng bằng mồ hôi của lính sư đoàn I, của tướng Trưởng, đồng bằng đã hứng không biết bao nhiêu bom đạn cày nát trong suốt bốn mùa qua. Đặt tay lên vai người sĩ quan liên lạc, ông ta chỉ về phía Bắc, trực thăng trực chỉ về hướng Quảng Trị. Ông ta còn ra đó để từ giã phòng tuyến máu lửa Do Linh, để vẫy tay chào Đông Hà, để bay dọc theo sông Hiếu Giang, dừng lại Tân Lâm, từ giã đại tá Vũ Văn Giai, con diều hâu Việt Nam, để ghé La Vang, giã từ trung đoàn I, để về Thành Nội, từ giã Bộ Tham mưu sư đoàn mà ông ta đã đỡ đầu suốt một thời gian dài... Thành Nội Huế đã tàn mùa hoa phượng, những ngày vào thu với cơn gió lạnh sang mùa như lời hờn trách gửi đến con diều hâu lầu năm góc phương Đông... Hình như cỏ cây Thành Nội vẫn bao dung, những hàng cây vẫy gọi khi trực thăng lướt qua. Mang Cá, chỗ dừng cuối cùng chào đón ông ta.

Thành Nội Huế mang dấu vết chiến tranh của ngày ông ta đến và bây giờ ông ta đi, dấu vết còn đậm hơn. Khi ông ta từ trực thăng bước xuống, một phi đội chiến đấu cơ của không quân Hoa Kì lướt qua bay về hướng A Lưới, nơi đó chiến tranh khốc liệt đang diễn ra, đúng vào thời điểm con diều hâu "lầu năm góc" chuẩn bị rời khỏi vùng trời mà nó đã thao túng trong hơn một năm dài lửa đạn. Con diều hâu chưa mỏi cánh, nhưng tạm dừng chân tại Hạ uy Di thơ mộng, và khi vỗ cánh, ngày ấy chắc chiến tranh đã lụi tàn...

Phác tho năm 1975
Viết xong tháng 5/1990.

L.H.A
(TCSH54/03&4-1993)

 

Các bài mới
Vàng...! (26/09/2023)
Các bài đã đăng