Tạp chí Sông Hương - Số 414 (T.08-23)
Lá thư
14:06 | 08/09/2023

DHUMKETU

Dhumketu là bút danh của Gaurishankar Govardhauram, là nhà văn Ấn Độ (1892 - 1965), thường được xem như là một trong những người khai sáng loại hình truyện ngắn. Tác phẩm của ông thường có bút pháp gây xúc động, lãng mạn hoặc miêu tả đậm nét những cảm xúc của con người.

Lá thư
Ảnh: internet

Tng cộng ông đã viết 492 truyện ngắn. Tuyển tập truyện ngắn mang tên Tankha được xem như tiêu biểu cho văn chương thời bấy giờ, được xuất bản năm 1926, sau đó, tiếp tục xuất hiện các tập Tankha 2, 3 vào các năm 1928, 1932 và 1935.

Ngoài truyện ngắn, ông còn viết tiểu thuyết, kịch, tiểu sử, phê bình, truyện thiếu nhi, tính ra hơn 250 tác phẩm đủ các thể loại.

m 1935, ông được tặng giải thưởng Ranjitran Suvarna Chandrak, là giải thưởng cao nhất của văn chương Gujarati nhưng ông từ chối không nhận. Năm 1949, ông nhận giải thưởng Narmad Suvarna Chandrak về những hoạt động văn chương. Ông vinh dự là đại diện của Ấn Độ góp mặt trong một ấn phẩm của Hoa Kỳ, nhan đề là “Truyện ngắn từ nhiều đất nước”, một tuyển tập bao gồm truyện ngắn của 60 quốc gia.

Truyện Lá thư (The Letter) giới thiệu dưới đây nằm trong số đó.

                             Thân Trọng Sơn dịch và giới thiệu

 

Lá thư

 

Trên bầu trời u ám lúc tờ mờ sáng, những ngôi sao vẫn còn chói rực, chẳng khác nào những ký ức vui vẻ làm bừng lên một cuộc đời sắp tàn. Một ông già đi bộ qua thành phố, thỉnh thoảng lại khép chặt chiếc áo khoác rách tả tơi để che chở cho cơ thể chống lại cơn gió lạnh như cắt luồn vào. Từ vài căn nhà biệt lập, vọng lại âm thanh của những chiếc cối xay và giọng hát êm ái của những người phụ nữ đang làm việc, chính những âm thanh ấy giúp ông bước tiếp trên con đường hiu quạnh của mình. Ngoài tiếng chó sủa bất thường, tiếng những bước chân từ xa của một người thợ đi làm sớm hoặc tiếng rít của một con chim bị khuấy động giờ giấc, cả thành phố chìm trong cảnh im lìm như chết. Hầu hết cư dân đang thiêm thiếp trong vòng tay của giấc ngủ, một giấc ngủ mỗi lúc một say sưa hơn do cái lạnh dữ dội của mùa đông, bởi cái lạnh lợi dụng giấc ngủ để mở rộng sự thống trị của mình lên vạn vật, khác nào một người bạn xấu ru ngủ nạn nhân y chọn bằng những nụ cười âu yếm. Ông già thỉnh thoảng lại rùng mình, nhưng vẫn kiên trì theo đuổi mục đích, tiếp tục lê bước cho đến khi ra khỏi cổng thành hướng ra một con đường thẳng tắp. Dọc theo con đường này ông đi chậm hơn, tay chống cây gậy cũ kỹ.

Một bên đường là một hàng cây, bên kia là công viên của thành phố. Bây giờ thành phố tối hơn, cơn lạnh dữ dội hơn vì gió thổi dọc theo con đường trên đó chỉ có ánh sao mai yếu ớt rớt xuống như bông tuyết. Phía cuối công viên sừng sững một tòa nhà tráng lệ, xây kiểu mới nhất, ánh sáng hắt ra qua những kẽ hở của các cửa lớn và cửa sổ đã đóng kín.

Ngắm kỹ cái vòm cổng gỗ của tòa nhà này, ông già thấy tràn ngập niềm vui của người hành hương khi nhìn thấy đích đến của cuộc hành trình. Trên vòm cổng có treo một tấm biển với dòng chữ mới sơn: Sở Bưu điện. Ông già lặng lẽ bước vào và ngồi bệt xuống hành lang. Tiếng nói của hai hay ba nhân viên đang bận rộn với công việc hàng ngày của họ loáng thoáng vọng ra qua các bức tường.

“Đội trưởng cảnh sát”, một giọng nói lanh lảnh từ bên trong vọng ra. Ông già giật mình khi nghe tiếng nói, nhưng trấn tĩnh lại ngay để chờ đợi. Nhưng nếu không có niềm tin yêu đang sưởi ấm mình thì ông không thể nào chịu nổi cái lạnh như cắt da này.

Từng tên người được xướng lên từ bên trong khi viên thư ký đọc những địa chỉ bằng tiếng Anh trên những lá thư và ném cho những bưu tá đang đợi. Do nhiều năm hành nghề, ông rất thành thạo đọc rất nhanh các chức danh - Cục trưởng, Trưởng ban, Thủ thư - và ném những bức thư ra ngoài cho người đưa thư.

Trong chuỗi công việc đang diễn tiến thì một giọng nói đùa cợt từ bên trong vang lên: “Bác đánh xe ngựa Ali!”.

Ông già nhỏm dậy, ngước mắt nhìn lên trời, tỏ lòng biết ơn, bước tới gần đặt tay lên cửa.

“Xin mở cửa ra.”

“Vâng, ai thế?”

“Ông vừa gọi tên người đánh xe Ali, phải không ạ? Tôi đây. Tôi đến nhận thư.”

“Thưa ông, đó là một thằng điên ngày nào cũng đến quấy rầy chúng tôi, đòi những lá thư không bao giờ tới”, viên thư ký nói với ông chủ bưu điện.

Ông già chậm rãi trở lại chiếc ghế ông đã ngồi trong suốt năm năm nay.

Trước kia Ali từng là một thợ săn giỏi. Tay nghề càng cao thì cái thú đi săn của anh càng tăng, cho đến lúc anh không thể sống nổi một ngày mà không đi săn, cũng như một người nghiện hút mỗi ngày không rít một điếu thì không chịu nổi vậy. Khi Ali phát hiện một chú gà gô màu nâu đất, mà người khác không nhìn thấy, thì chú chim khốn khổ kia xem như đã nằm gọn trong túi xách của anh rồi. Đôi mắt tinh của anh nhìn thấy con thỏ rừng đang thu mình lại. Ngay cả khi những con chó không phát hiện ra những con vật khôn ngoan giấu mình trong bụi cây màu vàng nâu thì cặp mắt đại bàng của Ali lại có thể nhìn thấy đôi tai con vật, và chỉ trong thoáng chốc, nó đã chết. Ngoài những lúc này, thỉnh thoảng Ali còn đi với những người bạn đánh cá của mình.

Nhưng khi cuộc đời sắp xế chiều, ông bỏ hết thói quen cũ, bất ngờ chuyển sang ngả rẽ khác. Con gái duy nhất của ông là Miriam lấy chồng và bỏ ông mà đi. Cô đi theo một người lính đến trung đoàn của anh ta ở Punjab, và suốt năm năm qua ông không hề có tin tức gì của con gái, đứa con mà chỉ vì nó ông phải kéo lê cuộc sống vô vị này. Giờ đây ông hiểu được ý nghĩa của yêu thương và xa cách. Ông không sao có thể hưởng cái vui của một nhà thể thao, không thể cất tiếng cười trước nỗi kinh hoàng của chú gà gô con khi bị mất cha mẹ.

Tuy bản năng của người đi săn đã thấm tận xương tủy, nỗi cô đơn ấy đã đến với ông kể từ lúc Miriam bỏ đi, đến nỗi giờ này, quên cả thú đi săn của mình, ông thường trầm ngâm ngắm những cánh đồng trồng bắp xanh biếc. Ông suy nghĩ sâu xa và đi đến kết luận là toàn thể vũ trụ được xây dựng bằng tình yêu thương, và người ta không thể nào tránh được nỗi đau đớn của cảnh xa cách. Và hiểu được như thế, ông ngồi xuống dưới một gốc cây và khóc thảm thiết. Từ ngày hôm đó, hàng ngày ông thức dậy từ bốn giờ sáng để đi bộ đến bưu điện. Suốt đời ông chưa hề nhận được một lá thư nào, nhưng với tấm lòng thanh thản sùng đạo, nảy sinh từ hy vọng và niềm tin, ông vẫn tiếp tục và hôm nào cũng đến sớm nhất.

Sở Bưu điện, một trong những tòa nhà buồn tẻ nhất thế giới, trở thành nơi hành hương của ông. Lúc nào ông cũng chiếm một chỗ riêng trong một góc đặc biệt của tòa nhà này, và khi biết được thói quen ấy của ông, người ta đều cười ông. Những người đưa thư bắt đầu trêu chọc ông. Thậm chí không có thư của ông họ cũng đọc tên ông để thích thú nhìn ông nhảy ra chạy đến cửa. Nhưng với niềm tin vô hạn và lòng kiên nhẫn tuyệt đối, mỗi ngày ông vẫn đến và trở về tay không.

Trong khi Ali chờ đợi, những người liên lạc thường đến lấy thư, và ông thường nghe họ bàn tán về những vụ tai tiếng của các ông chủ. Những người liên lạc trẻ tuổi và lịch lãm này đầu quấn khăn sạch bóng, đi giày kêu kèn kẹt, bao giờ cũng hăng hái bày tỏ ý kiến của mình. Trong lúc đó cửa ra vào thường được mở toang và người ta thấy ông chủ bưu điện với cái đầu vừa tẻ nhạt vừa thiếu thần sắc như trái bí ngô, đang ngồi trên chiếc ghế bên trong. Chẳng có tí gì hoạt bát trong con người ông, những người như thế thường là những ông giáo làng, những thư ký công sở hoặc những người đưa thư.

Minh họa: Nguyễn Thiện Đức


Một hôm, ông có mặt ở đó như thường lệ và không rời khỏi ghế khi cánh cửa mở ra.

“Cảnh sát trưởng!” Viên thư ký gọi lớn, và một thanh niên nhanh nhẹn lên nhận những lá thư.

“Đội trưởng!” Một người liên lạc khác đến, và viên thư ký, như một người đọc kinh Vệ đà, cứ nhắc đi nhắc lại mãi cả ngàn cái tên quen thuộc ấy.

Cuối cùng, tất cả ra đi hết. Ali cũng đứng dậy chào Sở Bưu điện cứ như nó chứa đựng những di tích quý báu, rồi đi ra, thân hình tiều tụy đáng thương, con người lạc hậu hàng thế kỷ.

- Cái lão kia điên à? - Ông chủ bưu điện hỏi.

- Dạ thưa ông, ông nói ai? Ồ vâng, - viên thư ký trả lời - suốt năm năm nay, dù thời tiết thế nào lão cũng đến đây. Nhưng làm gì có thư nào đâu.

- Điều đó tất nhiên rồi. Ai mà mất công viết thư cho lão mỗi ngày được.

- Nhưng thưa ông, lão ta hơi hâm đấy. Ngày xưa lão phạm nhiều tội ác, có thể đã gây đổ máu nữa trong các thánh địa thiêng liêng nào đó và bây giờ phải trả giá đó thôi. - Người đưa thư nói thêm để lý giải cho nhận định của mình.

- Những người điên thật là kỳ lạ. - Ông chủ bưu điện nói.

- Vâng, có lần tôi thấy một người điên ở Ahmedabad, hắn ta chẳng làm gì khác ngoài việc lấy đất đắp thành từng đống nhỏ. Còn một thằng khác có thói quen ra ngoài bờ sông đổ nước lên một hòn đá.

- Ồ, thế đã ăn thua gì, - một người khác xen vào. - Tôi biết một người điên cứ đi đi lại lại suốt ngày, một tên khác cứ luôn miệng đọc thơ, người khác nữa thường tự tát vào mặt mình rồi lại rống lên khóc kêu rằng mình bị đánh.

Rồi mọi người trong Sở Bưu điện bắt đầu bàn tán về bệnh điên. Những người công nhân có thói quen chốc chốc lại nghỉ ngơi bằng cách tham gia chuyện vãn dăm ba phút. Sau khi lắng nghe mọi người bàn tán, ông chủ bưu điện đứng dậy nói:

“Những người điên hầu như sống trong một thế giới do họ tạo dựng. Có lẽ đối với họ, chúng ta cũng là những người điên. Thế giới của người điên ít nhiều giống như thế giới của các nhà thơ, tôi nghĩ thế!”

Nói xong những từ cuối cùng, ông cười to và nhìn một trong những người thư ký đã viết những câu thơ lãnh đạm. Rồi, ông bước ra ngoài. Sở Bưu điện trở lại yên tĩnh.

Trong vài hôm, Ali không đến Sở Bưu điện. Không có ai đủ cảm tình và hiểu biết để đoán ra lý do, nhưng mọi người đều tò mò muốn biết cái gì đã khiến ông ta không đến nữa. Cuối cùng, ông già lại đến, nhưng ông ta thở khó nhọc và trên khuôn mặt xuất hiện những dấu hiệu rõ ràng là ông đã gần đất xa trời. Hôm ấy, ông không kiềm chế nổi sự nóng ruột của mình.

“Thưa ngài”, ông nói khẩn khoản ngỏ lời với ông chủ bưu điện, “ông có thư nào của con Miriam nhà tôi không?”

Ông chủ bưu điện đang định về nông thôn, tỏ ra rất vội vã.

- Ông anh ơi, ông quấy rầy quá rồi đấy! - Ông ta kêu lên.

- Tên tôi là Ali. - Ông già lơ đãng trả lời.

- Tôi biết, tôi biết. Bộ ông cho rằng chúng tôi đã ghi vào sổ cái tên Miriam của ông sao?

- Thế thì xin người anh em ghi hộ vậy. Ghi như vậy sẽ có ích khi thư đến mà tôi không có đây. - Làm sao một người dân làng đã dành ba phần tư cuộc đời vào việc săn bắn lại hiểu được rằng cái tên Miriam chẳng đáng giá một xu đối với bất cứ ai ngoại trừ cha cô ta?

Ông chủ bưu điện bắt đầu nổi cáu.

- Ông mất trí rồi hả? - Ông gào lên. - Ông đi đi. Ông cho rằng thư của ông đến đây chúng tôi sẽ ăn mất à?

Và ông ta vội vã bước đi. Ali bước rất chậm ra ngoài, cứ vài bước lại ngoái nhìn Sở Bưu điện. Ông rưng rưng nước mắt vì tuyệt vọng, bởi vì sự kiên trì của ông đã cạn, tuy ông vẫn còn niềm tin. Tuy nhiên, làm sao ông còn hy vọng nhận được tin con gái?

Ali nghe tiếng chân một người thư ký từ đằng sau tiến về phía mình, ông quay lại.

- Này, người anh em. - Ông nói.

Viên thư ký ngạc nhiên nhưng là người lịch sự, anh ta nói:

- Gì thế ông?

- Đây, nhìn cái này đi. - Ali lấy ra một chiếc hộp thiếc cũ kỹ, rồi dốc ra năm đồng tiền vàng vào tay viên thư ký đang trố mắt ngạc nhiên. - Đừng hốt hoảng thế, ông nói tiếp. Chúng sẽ có ích cho anh, còn đối với tôi thì chúng sẽ chẳng bao giờ có nghĩa gì nữa. Nhưng anh giúp tôi một việc được không?

- Việc gì thế?

- Anh có trông thấy cái gì ở trên kia không? - Ali nói, chỉ tay lên trời.

- Trời.

- Thánh Allah ở trên đó, và có Người chứng giám, tôi đang tặng anh số tiền này. Khi thư của Miriam đến, anh phải chuyển cho tôi.

- Nhưng đến đâu, tôi phải chuyển đến đâu? - Viên thư ký vô cùng kinh ngạc hỏi.

- Đến mộ tôi.

- Cái gì?

- Vâng, đúng như vậy. Hôm nay là ngày cuối cùng của đời tôi. Đúng là ngày cuối cùng, than ôi. Và tôi vẫn chưa gặp Miriam và cũng không có thư nào.

Ali rưng rưng nước mắt khi viên thư ký chia tay ông chầm chậm, rồi bước đi với năm đồng tiền vàng trong túi.

Từ sau hôm ấy, không ai nhìn thấy Ali nữa, cũng không ai bận tâm hỏi han về ông già.

Tuy vậy, một hôm, ông chủ bưu điện gặp chuyện phiền muộn. Con gái ông ở một thành phố khác đang bị đau và ông đang sốt ruột chờ tin cô ấy. Chuyến thư được đưa vào và những lá thư đang nằm chồng lên bàn. Thấy một phong bì trông hình dáng và màu sắc như ông mong đợi, ông vồ ngay lấy. Bức thư ấy đề gửi cho Ali, ông thả xuống như thể bị điện giật. Tính kênh kiệu của một viên chức đã mất hẳn trong ông với nỗi buồn rầu lo lắng, và tính người của ông được bộc lộ. Ông biết ngay rằng đó là bức thư mà ông già tội nghiệp chờ đợi bấy lâu, thư từ Miriam con gái ông ta.

“Lakshmi Das!” Ông chủ bưu điện gọi, đó là tên viên thư ký mà Ali đã cho tiền.

“Thưa ông, ông gọi gì vậy?”

“Bức thư gửi cho Ali ông già đánh xe ngựa. Hiện nay ông ấy ở đâu?”

“Thưa, tôi sẽ cố tìm.”

Suốt ngày hôm đó, ông chủ bưu điện không nhận được bất cứ thư nào gửi cho mình. Ông lo lắng suốt đêm và thức dậy lúc ba giờ sáng, ra sở ngồi. Khi Ali đến vào lúc bốn giờ sáng, ông tự nhủ, mình sẽ đích thân trao ông ta bức thư này.

Bởi vì giờ này ông chủ bưu điện đã hiểu được tấm lòng Ali và tâm hồn ông. Chỉ sau một đêm khắc khoải chờ đợi tin con gái, lòng ông đã tràn ngập niềm cảm thông đối với ông già đã qua không biết bao nhiêu đêm suốt năm năm cũng trong sự khắc khoải như thế. Khi đồng hồ điểm năm giờ, ông nghe tiếng gõ cửa nhè nhẹ, ông đoan chắc đó là Ali. Ông vội đứng lên khỏi ghế, trái tim người cha đau khổ của ông đồng cảm với trái tim người cha đau khổ khác, và ông mở toang cửa.

“Vào đi, người anh em Ali.” Ông kêu lên và đưa lá thư cho ông già khốn khổ hiền lành đang đứng phía ngoài, lưng còng vì tuổi tác. Ali chống gậy, mặt đầm đìa nước mắt như lúc viên thư ký chia tay ông. Nhưng nét mặt ông già trước kia khắc khổ, còn lúc này đã dịu đi với những nét vui tươi. Ông ta ngước mắt lên và trong đôi mắt ấy có một ánh sáng kỳ dị đến nỗi ông chủ bưu điện lùi lại vì sợ hãi và kinh ngạc.

Lakshmi Das đến sở từ một hướng khác, đã nghe những lời của ông chủ bưu điện.

- Thưa ông, ai thế ạ? Cụ Ali à? - Anh ta hỏi.

Nhưng ông chủ bưu điện không để ý đến anh ta. Ông đang trợn tròn mắt nhìn vào lối cửa mà từ đó Ali đã biến mất. Ông ta có thể đi đâu nhỉ? Cuối cùng ông quay lại với Lakshmi Das. “Phải, tôi vừa nói chuyện với ông Ali.”

- Thưa ông, lão Ali đã mất rồi. Nhưng ông cứ đưa thư cho tôi.

- Lạ thật, chết khi nào? Có chắc như thế không?

- Vâng, đúng thế, một người đưa thư vừa đến nói thêm vào. Ông ấy đã chết ba tháng rồi.

Ông chủ bưu điện bàng hoàng. Lá thư của Miriam vẫn còn nằm gần cửa ra vào, hình ảnh Ali vẫn còn chập chờn trước mắt ông. Ông lắng nghe Lakshmi Das thuật lại cuộc gặp gỡ cuối cùng, nhưng vẫn không thể không ngờ vực gì về thực tế của tiếng gõ cửa và những giọt nước mắt của Ali. Ông bối rối. Có phải ông đã thực sự gặp Ali? Hay là trí tưởng tượng đã đánh lừa ông? Hay lúc đó chỉ là Lakshmi Das?

Công việc thường ngày lại bắt đầu. Viên thư ký đọc to các địa chỉ. Cảnh sát trưởng. Đội trưởng cảnh sát. Nhân viên thư viện… và khéo léo ném những lá thư ra.

Giờ đây ông chủ bưu điện sôi nổi ngắm những phong thư ấy như thể mỗi bức chứa đựng những trái tim nóng hổi đang còn đập. Ông không còn nghĩ đến chúng như là những phong bì và những tấm bưu ảnh nữa. Ông nhận ra giá trị nhân văn thực sự của mỗi lá thư.

Chiều hôm đó, người ta đã gặp Lakshmi Das và ông chủ bưu điện chậm rãi bước về phía mộ Ali. Họ đặt phong thư lên đó rồi quay trở về.

- Lakshmi Das, có đúng là anh đến sở đầu tiên sáng nay không?

- Vâng, đúng vậy, tôi là người đến đầu tiên.

- Thế thì tại sao… Không, tôi không hiểu…

- Cái gì ạ, thưa ông?

- Ồ, thôi, không sao cả. Ông chủ bưu điện đáp cụt lủn. Về đến sở, ông chia tay Lakshmi Das và bước vào. Trái tim người cha mới được thức tỉnh trong ông đang quở trách ông vì đã không hiểu được nỗi lo âu của Ali, bởi vì giờ đây chính ông sắp trải qua thêm một đêm trằn trọc lo âu nữa. Bị giày vò vì nghi ngờ và ân hận, ông ngồi xuống bên ánh than hồng đang tỏa sáng và chờ đợi.

D.
(TCSH414/08-2023)

 

 

Các bài mới
Chùm thơ Lê Nhi (14/09/2023)
Các bài đã đăng
Thu vàng bay (06/09/2023)