Tạp chí Sông Hương - Số 415 (T.09-23)
Hoàng Phủ Ngọc Tường, phía sau tác phẩm
16:10 | 11/09/2023

NGUYỄN ĐÔNG NHẬT

Là một trí thức yêu nước trong phong trào đấu tranh tại các đô thị miền Nam trước năm 1975, Hoàng Phủ Ngọc Tường đến với nghề văn không muộn, cũng không sớm: tập bút ký Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu xuất bản vào năm 1971, lúc ông 34 tuổi.

Hoàng Phủ Ngọc Tường, phía sau tác phẩm
Ảnh: internet

Mười năm sau, ông trở thành một nhà văn nổi trội với sở trường ở thể loại bút ký. Đã có rất nhiều bài viết của các nhà phê bình văn học, nhà thơ, nhà văn viết về bút ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường và hầu như tất cả đều có chung nhận xét: bút ký của ông đã tạo nên một dấu ấn riêng biệt.

Hoàng Phủ Ngọc Tường không sử dụng bút ký như chỉ đơn thuần là một loại thể phản ánh hiện thực - lịch sử. Thông qua các sự vật được miêu tả sắc gọn, ông đã cung cấp cho người đọc những hiểu biết sâu, dưới góc nhìn của một nhà văn hóa về nhiều vấn đề lịch sử. Hay nói khác đi, quá khứ xuất hiện trong bút ký của ông như “chất dẫn” cho những suy niệm triết học luôn gắn bó với con người - cuộc đời; và tất cả được thể hiện bằng cảm xúc của một nhà thơ. Cái nét riêng “Hoàng Phủ” ấy là kết quả của một vốn học chín chắn, sự suy nghĩ sâu sắc và năng lực diễn đạt tạo được sự rung cảm.

Nhưng có lẽ, không cần lặp lại những gì đã đăng tải trên báo chí về ông qua nhiều bài viết; mà nên nhìn lại Con Đường của ông. Con Đường của một Con Người.

*

Hoàng Phủ Ngọc Tường cho rằng, ông đã “ngộ” từ khi gặp nhà sư Thích Đôn Hậu (khoảng năm 1968) lúc thoát ly ra chiến khu, qua một câu kinh Phật khai mở tâm thức của ông: “Thâm nhạo niết bàn di du sinh tử”. Nếu chữ “ngộ” được hiểu là những tầng nấc trên con đường tu dưỡng tâm thức dài dằng dặc với vô vàn gian khó, thì hẳn rằng, ông chưa thể “ngộ” được. Chữ “ngộ” này, có lẽ nên được hiểu là, ông chỉ mới may mắn đặt được nửa bước chân đầu tiên lên con đường quay tìm chính bản thân. Cái “bản thân” của những kiếm tìm triết lý chịu ảnh hưởng của tư tưởng “je EST un autre” của A. Rimbaud và của nhiều khuynh hướng triết học hiện sinh của S. Kierkegaard, E. Husserl, J. P. Sartre, A. Camus… đang thịnh hành tại miền Nam những năm 60 của thế kỷ trước. Là giáo sư môn triết học ở Trường Quốc Học Huế thời đó, hẳn rằng, ông đã có nhiều dịp suy nghĩ về khái niệm tử - sinh. Nhưng vào giai đoạn này, ông vẫn là một Kẻ sĩ - Hiện sinh - Khuynh tả1. Có thể, Hoàng Phủ Ngọc Tường phát biểu chữ “ngộ” này trong phạm vi của nhận thức lý tính nhưng ít nhiều có sự tham dự của sự trực cảm về ý nghĩa cuộc nhân sinh? Nếu thế, thì phải chăng, đấy là một khía cạnh trong tiến trình của cái thế giới quan đi-ra-bên-ngoài để hiểu rõ hơn chính bản thân mình?

Và như thế, với Hoàng Phủ Ngọc Tường, “đi”, không chỉ là nhìn ngắm mà là biến thực tế thành văn hóa, để từ đó, mà có văn học. Còn, nếu phải “vận” vào nghề văn cụ thể hơn, chữ “ngộ” ấy là sự ráp lại những mảnh vá mà không để lộ ra những mối chỉ hay “nghệ thuật là sự bớt đi” trong ý nghĩa của sự rèn luyện nghề nghiệp? Nói gọn hơn, ấy là sự cảm nghiệm về lẽ đời - nghĩa người của một nhà thơ. Và cái lẽ - cái nghĩa ấy luôn gắn bó với bản chất cách mạng của một trí thức - nghệ sĩ.

*

Có lần, Hoàng Phủ Ngọc Tường nói rằng mình là “người ham chơi”. Đấy là một tự họa vừa kiêu bạc vừa tự tin, theo nghĩa đẹp của từ này. Bức chân dung này là sự pha trộn giữa hình ảnh của một Nguyễn Công Trứ lập thân - lập danh giữa đời với tính cách chung của những người cùng thời với Hoàng Phủ Ngọc Tường: người trí thức yêu nước trong bối cảnh Việt Nam trên con đường đấu tranh cho hòa bình - thống nhất đất nước cùng với những ưu tư về trách nhiệm công dân sau ngày Tổ quốc nối liền một dải. Khi đọc tập bút ký Ai đã đặt tên cho dòng sông (1984) của ông, nhà nghiên cứu văn học Trần Đình Sử đã nhận xét: “Hoàng Phủ Ngọc Tường từ trước tới nay là nhà văn của nhiệt tình công dân và cảm hứng thời sự. Ngòi bút của anh hầu như chỉ dành riêng cho đất nước và con người Việt Nam…; tập bút ký mang nội dung của thể loại sử thi, nhưng độc đáo của nó là được viết ra dưới ngòi bút mang đậm tâm hồn Huế và sử dụng nhiều thước đo khác nhau, làm cho ngôn ngữ bút ký trở nên phong phú, hấp dẫn”2.

Như vậy, cái con người “ham chơi” này đã “đối xử” với chữ “ngộ” ra sao và bằng cách thế gì?

Có thể hồ đồ và võ đoán, nhưng tôi đồ chừng rằng, sau cái phút mà tôi gọi là “thoáng ngộ” lúc gặp vị tu sĩ “trên xanh” đã nói, Hoàng Phủ Ngọc Tường không thể (và cũng không muốn) dừng lại trước sức cuốn hút của cơn lốc lịch sử trong nhiều năm tháng khốc liệt tiếp theo. Và chính trong khi tham dự hết lòng vào dòng sống cuồng nộ của thời đại, bằng những trải nghiệm máu thịt, ông đã củng cố cho bản thân cái bước “thoáng ngộ” ban đầu nọ. Không hề hướng về những kiếm tìm tôn giáo nhưng Hoàng Phủ Ngọc Tường đã vô tình bước đi trên con đường tìm nghĩa sống, khi xác tín rằng: “Thế giới được tạo hóa sinh ra từ những hạt vật chất nhỏ bé nhất; vì vậy bổn phận chúng ta là phải LỄ ĐỘ, lễ độ với những trật tự nhỏ nhất; nếu không, anh sẽ tự giết mình”. Thái độ nghiêm cẩn ấy là gì nếu không là cái bệ-phóng-tâm-lý cho những tìm kiếm trên Con Đường, trên nẻo quay tìm chỗ xuất phát đồng thời cũng là đích đến của Con Người.

*

Từ khi lâm bệnh, Hoàng Phủ Ngọc Tường không còn Đi được như trước đây nữa. Nhưng điều ấy không quan trọng: ông đã gom góp được khá nhiều những hạt vàng của đời sống để xây dựng nên một thế giới của riêng mình, bằng sự lao động không ngừng. Ông đã nói đến sự biết ơn những cái khó và sự cam chịu. Không phải là sự biết ơn và sự cam chịu bình thường mà là sự thâm cảm về lẽ Mất - Còn của kiếp nhân sinh. Chính vì vậy mà ông đã không cam lòng - cam chịu trước nghịch cảnh để tiếp tục làm việc cho đến khi không còn có thể…

Để làm gì?

Không hề là điều gì khác, ngoài việc đi cho đến chỗ cuối của Con Đường trong thái độ nhất quán: xây dựng một thế giới theo ý muốn. Một thế giới theo ý muốn ư? Có phải điều đó là ảo tưởng? Và, có mâu thuẫn chăng, khi ông vẫn tường tận những “bất khả” của cuộc đời…!

Có thể, vừa đúng vừa không đúng. Bởi vì, có lẽ cuộc đời sẽ trở nên nhợt- nhạt-buồn hơn, khi tất cả ảo vọng đều không còn nữa. Và cũng bởi vì, đời sống sẽ trở thành cái lưới rối rắm, nếu mọi bước chân chỉ được đưa đẩy bởi sự lần mò tối tăm. Như thế, phải chăng“niết bàn di du sinh tử” của lần “thoáng ngộ” từ hơn năm mươi năm trước của nhà trí thức dấn thân Hoàng Phủ Ngọc Tường đã từng bước chuyển dần sang tầng nấc “hiểu-ngộ” của một con người trên hướng- đi-tất-yếu trong ý nghĩa cuộc nhân sinh?

*

Trên dòng êm của Hương giang những ngày cuối tháng bảy này, nước  vẫn lặng lờ trôi về Đông. Phía sau cánh cửa vô hình mở ra - đóng lại bằng gió, dường như có một điều gì, mơ hồ mà có thực! Nhưng trước khi nói lời thâm tạ những thay đổi nhỏ bé của Dòng Trôi Chảy triền miên đã lặng thầm trao tặng cho Con Người thoáng chút cảm nghiệm về ý nghĩa của sự tồn vong, có lẽ nên dành lòng biết ơn gửi đến mối tương liên giữa Người với Đời, để nhìn thấy đằng sau Rất nhiều ánh lửa3, thấp thoáng cái bóng của Người hái phù dung4 đang mơ màng trên những bào ảnh kia. Hương giang, dòng sông ấy, Tự nhiên đã đặt tên. Và ông đã “thắp” cái danh xưng đẹp-và-hiền kia, để cho nhiều người biết thêm một nét đẹp của Dòng Sống.

Với lòng chân thành, tôi muốn đọc cho ông nghe câu thơ của nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn: Chí lớn mộng con đều ảo hóa/ Còn lại dòng sông với mình tôi.

Dòng sông vẫn yên tĩnh, trước bao niềm hưng-phế. Yên tĩnh như lời-nói- yên-lặng tiễn đưa ông. Nơi ấy, mong rằng ông có thể “vịn một câu kinh, thơ thẩn ra về”.

29/7/2023
N.Đ.N
(TCSH415/09-2023)

-----------------------
1 Cụm từ này là của Trần Hồng Quang khi “đặt tên” cho tầng lớp trí thức yêu nước trong phong trào đấu tranh tại các đô thị miền Nam trước năm 1975 mà Tần Hoài Dạ Vũ - Nguyễn Đông Nhật đã sử dụng trong tập sách “Phác họa chân dung một thế hệ” - Nxb. Đà Nẵng, 2007).
2 Ai đã đặt tên cho dòng sông - bút ký sử thi của Hoàng Phủ Ngọc Tường - trích “Lý luận & phê bình văn học” - Nxb. Giáo Dục, 2003.
3, 4 Tên những tác phẩm của Hoàng Phủ Ngọc Tường.

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Tính cách Huế (11/09/2023)